Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Đêm ngủ đò trên sông Hương

Đêm ngủ đò trên sông Hương
Ở Huế, vào những ngày hạ trời nóng oi bức, người ta có cái thú rất ư là tao nh, đó là đi ngủ đò và nghe ca Huế trên sông Hương.
Không có gì thú vị bằng giữa trời mây non nước, không gian im lắng một mình với con đò bồng bềnh giữa sóng nước mênh mông, giữa đêm khuya khoắc nghe khắc khoải tiếng sóng vỗ rì rào bên mạn thuyền, hòa lẫn với giọng hò khoan nhặt lúc xa lúc gần, mà nghe lòng mình cũng nhặt khoan theo nhịp đẩy buồn thiu…
Gọi là ngủ đò, nhưng hoàn toàn không phải xuống đò để ngủ, mà chính là để trở trăn, thao thức, muộn phiền, lắng đọng tâm hồn tìm lại những ngõ ngách của chính lòng mình trong sâu lắng của trời mây, sông nước bao la, quyện hòa với giọng ca tiếng đàn dìu dặt, đưa tâm hồn bay bổng ra ngoài cảnh đời bon chen, thoát đời khổ lụy… Có người xuống đò để tìm lại tri âm, tìm lại một thời quá khứ mà thời gian đã vùi lấp… Được nghe lại một vài dư âm vang vọng một thời vàng son đã mất… Nhâm nhi chén rượu cùng bạn hiền tri ngộ, ôn cố tri tân, đàm đạo văn chương thi phú, trêu hoa thưởng nguyệt, lắng nghe những câu chuyện tình buồn éo le không lối, mà ngậm ngùi thương nhớ xót xa…
Triều Nguyễn, một triều đại huy hoàng đã lùi vào quá khứ, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng đâu đây… Bao nhiêu đền đài lăng tẩm, rêu phong đã nhuốm bụi mờ theo năm tháng của thời gian vùi lấp…
Kinh đô Triều Nguyễn - Huế - Sông Hương đã gắn liền và đã trải qua bao biến thiên thăng trầm của vận nước… Dòng sông Hương thơ mộng vẫn còn đó, dòng sông ấy đã chuyên chở, sản sinh biết bao văn nhân thi sĩ, biết bao nhân tài sĩ tử từ khắp mọi miền của đất nước tụ về, là nơi giao thoa văn hóa, là nơi chốn sinh hoạt giao lưu hằng đêm để ông hoàng bà chúa, tao nhân mặc khách thả hồn giữa ‘Sông êm trời rộng đêm dài. Trăng khuya lai láng bãi ngoài thuyền neo…”.
Những làng quê hiền hòa hoa thơm trái ngọt, những lũy tre già cúi mình ôm bóng nước, con đò xưa đang lần bến cũ, mái chèo khuya rời rạc gốc sung. Những mái chùa, gác đình rêu phong lấp loáng bên sông một chiều nắng quái mà nghe hồn sông núi vươn dậy trong lòng. Những hoa trái sum xuê của Nguyệt Biều thơ mộng, của Chiều Vỹ Dạ hương cau thơm nồng, của Cồn Hến hoa tím thầu đâu quyện hồn với bắp lay hoa trắng, của Ngự Bình thông reo đỉnh Ngự, của Kim Long nón trắng bài thơ, v.v… Bao cảnh sắc với thiên nhiên phong phú như đan kết, đã tạo cho dòng Hương một khúc nấn ná không muốn về, một dùng dằng không trôi chảy, như luyến lưu của kẻ ở người đi… Một đêm khuya hắt hiu đã xa vời, bỗng âm vang man mác trên sông nước một điệu hò mái nhì trĩu nặng mối sầu tư. Như từ cõi ngàn xưa vọng về, nửa thực nửa hư… Giọng hò của một người con gái mang bao nỗi niềm, như gởi lòng mình với bao tâm sự đầy vơi, làm lay động tâm can của bao người phải thổn thức.
Hoài niệm về những con đò mang bao tâm sự, của những đêm sông Hương không ngủ, thao thức chòng chành, như sẻ chia bao tâm hồn tri âm, mang bao điều ước mơ thầm kín của khách giang hồ một đêm lỡ bước…
Gia Hội đêm buồn người ca kỷ sông Hương
Bao đêm trắng ủi an người lỡ bước
Đã qua rồi một thời bao mộng ước…
Đêm Hương Giang nức nở điệu Nam Bình…

Con đò sông Hương ngoài chức năng chuyên chở ca ngâm mà còn là nơi giao lưu thơ ca xướng họa. Nào cải lương Nam Bộ một nếp sống an bình, nào quan họ Bắc Ninh vời vợi đa tình, người đi kẻ ở cuộc tình dở dang, nào là điệu lý tình tang mười thương ca Huế sách vàng sử ghi, v.v… Là nơi hội tụ những mãn màu văn hóa của bao miền đất nước tụ về… Nhà thơ Lưu Trọng Lư của một thời trai trẻ, đã đắm đuối say mê tiếng đàn của một ca nhi trên sông đến độ cuồng quay, và tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa đã chấp cánh thành những áng văn thơ lai láng, đã để lại cho hậu thế bao nỗi ngậm ngùi… Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước một phiến tài hoa cùng thao thức cõi lòng nên khúc ca cầm thêm chạnh lòng đau qua âm vang “Đêm tàn bến Ngự” bất hủ một thời khói sương, của một đêm ngắn tình dài… Có ai nhớ ai nơi giang đầu… Còn Văn Cao thì “Một đêm đàn lạnh trên sông” nghe ra não nuột tơ tằm vấn vương… Sông Hương đa tình, sông Hương gợi nhớ đợi chờ người thương là thế đó.
Còn biết bao thiên tình, biết bao thân phận, bao mảnh đời, bao hưng phế mà dòng sông đã ngậm ngùi, sẻ chia, che chở lúc khốn khó cũng như lúc an bình… Tri ân dòng sông đã khơi niềm cảm hứng cho bao văn nhân thi sĩ thả hồn mình qua cung bậc của khúc hát thần tiên ngàn đời lưu dấu.
Nỗi niềm với sông Hương những đêm ngủ đò huyền hoặc, của bao lớp người ngược xuôi tất bật vì cơm áo mưu sinh… Một khách giang hồ lỡ bước qua đêm với một ngày mai vô định. Tất cả và chỉ còn đọng lại một dấu nặng của tâm hồn… Và tác giả một đêm trên sông Hương, lạc lưu vào tận miền Nam xa ngái. Trong nỗi niềm nhớ dòng sông quê hương đoài đoạn, tìm quên trong ly rượu cùng bạn bè. Trong say tỉnh tỉnh say bạn hữu thường bông đùa và nghĩ chệch hướng hai tiếng  “ngủ đò” làm lòng mình thổn thức. Vô tình Họ đem ra bàn cãi và suy nghĩ lung tung… Thật là bất công và không công bằng cho một ý nghĩ không lành về một dòng sông thơ mộng… Họ đâu biết “Ngủ đò sông Hương” là một thú chơi tao nhã, là nơi gặp gỡ tao nhân mặc khách, cầm kỳ thi họa phong lưu đài các…
Du khách đến Huế được hướng dẫn xuống thuyền rồng, thuyền tách bến ngược dòng Hương Giang vào một đêm thanh vắng. Bầu trời tràn ngập trăng sao lấp lánh, hòa quyện với sóng nước bềnh bồng…
Thuyền đò tắt máy thả trôi lững lờ và chương trình ca Huế trên sông cũng bắt đầu. Tiếng đàn, giọng hát, nhịp phách hòa quyện nghe chơi vơi. Ngoài trời sương trắng mờ phủ kín cả mặt sông, thuyền đi như trong mơ, trăng khuya huyền hoặc, mờ mờ ảo ảo như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Mơ hồ xa vắng lời ca nức nở, như thương tiếc vì “nước non ngàn dặm ra đi”… Từ xa vọng về tiếng Chuông Thiên Mụ điểm lời vô minh, làm lòng người lữ khách cũng nhẹ bước trần ai giữa kiếp người khổ lụy…
Huế, mùa nắng 2012
BẢO CƯỜNG
Theo http://vantuyensaigon.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm truyện ngắn

Chùm truyện ngắn SÔNG PHỐ Tôi ở bên bờ sông Phố. Con sông nhỏ khiêm nhường len lỏi chảy giữa mấy giải núi đồi và đồng bằng hẹp của huyện H...