Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Hồ Dzếnh, vườn Thanh và nỗi sầu vạn cổ

Hồ Dzếnh, vườn Thanh và nỗi sầu vạn cổ
Đất Thanh Hóa, vườn Thanh, quê ngoại Hồ Dzếnh, cũng là quê hương mối tình thứ nhất với người yêu Hồng Phúc biệt hiệu "Người em gái", người mà Hồ Dzếnh đã phác họa chân dung bằng những nét:
  Em ăn em nói em cười,
  Kiếp này không có hai người như em
người mà Hồ Dzếnh nhắn nhủ:
  Đừng mong ước cả Thiên Đường
  Hãy xin lấy một tấc vườn vắng hoa.
Những câu thơ viết cho Hồng Phúc trong bài Giản dị, Mai Thảo nhớ lầm, sửa thành:
  Dẫu cho lỡ cả Thiên Đường
  Thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa.
Sự nhớ lầm gây thêm nồng độ tha thiết của mối tình, và dẫn ngọn bút của Mai Thảo đến một triền vực khác: "Thì xin một nửa tấc vườn vắng hoa. Thế đâu là xin. Có gì mà xin. Thế là cho. Cho hết cả mùa hồn, gặt hái được nhánh nào cho luôn nhánh ấy, cuống quít thơ ngây và hồn hậu sống. Thế là thơ đầu đời, thế là sức khỏe của thơ có, thế là thơ không yếu đau. Rồi ý thức tới. Chứ sao. Nhưng cái gì tạo thành ý thức sinh động hồng hào [...] nếu không là những va chạm tình cảm bàng hoàng dội đập lại thành những cực điểm hân hoan hay thành những tận cùng bi đát?
  Trời đẹp như trời mới tráng gương
  Chim ca ánh sáng rộn ven tường
  Có ai bên cửa ngồi hong tóc
  Cho chảy lan thành một suối hương
Trời, đất, chim ca, ánh sáng, mái tóc trở thành một suối hương. Tạo vật trong thơ Hồ Dzếnh, cuộc đời vào thơ Hồ Dzếnh biến hình từ một chủ quan không bao giờ chối từ cái quyền uy tỏa chiếu rạng ngời vả đổi thay lộng lẫy của nó. Như thế là chủ động. Như thế là sáng tạo. Như thế là thơ. Thơ là mặt trời và đời người Hồ Dzếnh." Đó là văn Mai Thảo.
Vẫn Mai Thảo, bừng bừng, xung bút và chủ quan: "Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh, hơn cả Xuân Diệu và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng, gõ vui từng nhịp nắng mênh mông đài trán thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, hai mươi tuổi, tiếp nhận một tập thơ còn trẻ hơn hồn mình phơi phới. [...] Thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ Quê Ngoại không hằn một vết nhăn. Nó là một khối lạc quan và tin tưởng toàn vẹn."
Lạc quan và tin tưởng toàn vẹn? Có thật thế không? Hình như Mai Thảo hơi quá tay. Như Mai Thảo quá chén mỗi lần uống rượu. Như Mai Thảo sa đà mỗi lần được chữ đưa đi. Quê ngoại hẳn là không hằn một vết nhăn, dù có cộng thêm ba mươi năm nữa. Nhưng niềm lạc quan và tin tưởng toàn vẹn là của Mai Thảo, chỉ là tâm tư Mai Thảo về Hồ Dzếnh. Còn riêng Hồ Dzếnh, Hồ Dzếnh mang một tâm tư bi đát, một mối "sầu vạn cổ". Hồ Dzếnh đã gieo lên tiếng tình tan vỡ như một "thú đau thương" đặc dị, phát sinh trong giọng reo vui, mời gọi sự lỗi hẹn như một chén rượu nồng, như một trái cấm không cay:
  Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
  Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
  Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần...
  Tôi nói khẽ, gớm, làm sao nhớ thế!...
  Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
  Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ;
  Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
  Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
  Đời chỉ đẹp những khi còn dang dỏ.
  Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
  Cho nghìn sau ... lơ lửng ... với nghìn xưa....
  (Ngập ngừng)
Cuộc đời riêng của Hồ Dzếnh ghi đậm dấu ấn trong thơ. Người yêu đi lấy chồng. Người yêu trở thành trái cấm. Và trái cấm trong đời trở thành đối tượng thi ca:
   Mộng tàn nước chảy mây trôi
  Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa.
  (Trở lại)
  Trời không nắng cũng không mưa
  Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung
  Chiều buồn như mối sầu chung
  Lòng im nghe thoảng tơ trùng chốn xa
  Đâu hình tầu chậm quên ga
  Bâng khuâng gió nhớ về qua lá dày
  (Mùa thu năm ngoái)
Chất bi đát nơi Hồ Dzếnh không đến từ ngôn ngữ mà chính nó đã thay ngôn ngữ, làm cái việc mà chính ra ngôn ngữ phải làm, chính nó là hiện thân của không gian, cảnh vật, chính nó là chất liệu tạo hình ảnh, tạo dư âm, tạo một thứ âm nhạc mới: nhẹ nhàng mà tha thiết; một thứ buồn mới: buồn chiều, buồn Hồ Dzếnh, lâng lâng, nhanh hơn slow, chậm hơn valse, buồn tỏa khắp không gian trong âm thanh và màu sắc, như một thứ sương mây của tiên nâu, một từ trầm không khói mà cay. Sự dịu nhẹ nơi Hồ Dzếnh ẩn dấu chất buồn mỏng và nhẹ như sương, nhưng khi thấm vào người thì chẳng mạch huyết nào mà không rạn vỡ:
  Trên đường về nhớ đầy
  Chiều chậm đưa chân ngày
  Tiếng buồn vang trong mây
  Chim rừng quên cất cánh
  Gió say tình ngây ngây
  Có phải sầu vạn cổ
  Chất trong hồn chiều nay?
  Tôi là người lữ khách
  Màu chiều khó làm khuây
  Ngỡ lòng mình là rừng
  Ngỡ hồn mình là mây
  Nhớ nhà châm điếu thuốc
  Khói huyền bay lên cây ...
  (Màu cây trong khói)
Dương Thiệu Tước phổ nhạc, đổi nhãn thành Chiều, rồi Dương lại điệp hai lần Tiếng buồn vang trong mây, tiếng buồn vang trong mây... Chất trong hồn chiều nay, chất trong hồn chiều nay trong tiếng nhạc, làm dài thêm dư âm, sâu hơn nỗi buồn.
Nhạc của Hồ Dzếnh trong Màu cây trong khói là nhạc tự chữ, nhạc tượng trưng, Dương Thiệu Tước trong Chiều vẫn giữ nguyên nhịp điệu Hồ Dzếnh, chỉ nhấn thêm một "ton", gia tốc thêm một chút, tạo ra một thứ biến điệu đồng điệu, một tiến độ tiệm tiến, như thể Dương đã không làm vỡ chất buồn nhẹ trĩu xuống nơi Hồ, mà chỉ làm cho nó say sưa hơn, mờ nhạt hơn, quyến rũ hơn.
"Tôi không muốn sống. Không muốn sống, không có nghĩa là chán sống, là không thể sống được. Không muốn sống, vì tôi thấy cái hiện tại tầm thường quá. Tôi băn khoăn quay đầu về phương trời đã mất, sống lại cái gì đã qua, khóc ngày xưa không bao giờ về nữa. Tôi nghiệm thấy sống như thế thú lắm, tuy đau." (Gửi bạn phương trời, trong tập Chân trời cũ, nxb Nguyễn Hà, 1942, trang 13)
Những dòng trên đây, viết đã hơn nửa thế kỷ, đã ám ảnh, đã đeo nặng thân phận Hồ Dzếnh suốt đời. Một cuộc đời sống nhờ dĩ vãng. Một đời văn, đời thơ, đời người luôn luôn băn khoăn tìm về phương trời đã mất. Một đời từ chối cuộc hiện sinh để truy lùng quá khứ: Một nỗi bất hạnh, như Kierkegaard đã linh nghiệm và cảm nghiệm: sự tìm về quá khứ là nỗi bất hạnh sâu xa nhất của con người. Vì ta không thể sống hai lần một giây phút hay một khoảnh khắc nào đó của đời ta, mà chỉ có thể sống nó trong nghệ thuật, sống nó trong nguồn bất tận của sáng tác.
Ở Hồ Dzếnh, thú đau thương vừa là lẽ sống của sáng tác, vừa là thực tại của một cuộc đời nhiều chia ly và bất hạnh. Bất hạnh đời riêng, lồng trong bất hạnh chung của lịch sử. Hồ Dzếnh là người cầm cờ cho một thế hệ bị bắt buộc phải làm thinh trước thời cuộc. Ðã từng đấu tranh để rồi bị kết ám câm lặng. Đó là thế hệ thanh niên đã một thời nâng cao ngọn cờ ái quốc, nhưng đổi lại, họ bị bắt buộc phải phủ nhận tư tưởng của chính mình: không thể phát biểu những điều chân thực nhất của lòng mình.
Nỗi đau thương nơi Hồ Dzếnh như một định mệnh, từ lúc chưa ra đời, khi người cha Giang Tây gặp người mẹ Thanh Hóa trong bối cảnh nghèo nàn buồn bã. Vẫn định mệnh đó, tiếp tục đeo đuổi nhà thơ, từ thời trẻ, khi người "em gái" vườn Thanh bỏ đi lấy chồng, qua những gian lao, khốn cùng vợ con chết đói trong kháng chiến, và khi hoà bình trở lại, vẫn không tha, nó bắt nhà thơ phải bỏ thơ làm thợ, như bao nhiêu số phận cầm bút khác, từ "đại họa" Nhân Văn.
Từ Nhân Văn, Hồ Dzếnh ít giao du, gần như ngưng sáng tác, sống lặng lẽ với nghề thợ đúc thép, thợ cơ khí nhà máy xe lửa Gia Lâm. Hồ Dzếnh mất đi, ngày 13/8/1991 tại nhà riêng, số 80 phố Hòa Mã, Hà Nội, cũng trong lặng lẽ âm thầm, để lại ba tác phẩm tiêu biểu: Tập truyện ngắn Chân trời Cũ, tập thơ Quê ngoại và tập hồi ký Quyển truyện không tên.
Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, sinh năm 1916. Cha là người Quảng Đông, chạy loạn sang Việt Nam khoảng 1890, gặp mẹ là cô lái đò bến sông Ghép, Thanh Hóa. Bắt đầu một sự giao tình giữa hai thân phận, gặp gỡ giữa hai buồn rầu, hai định mệnh khắt khe. Đó là một "duyên phận tối tăm và buồn rầu", Hồ Dzếnh cảm nhận "ngày gặp gỡ" của họ như vậy. Người cha "linh hồn Trung Quốc phát lộ trong từng bước đi" và người mẹ giống như những bà mẹ Việt Nam "đều phải đau khổ từ lúc lọt lòng" với "những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hàng ngày, tầm thường và nhỏ mọn." (trích Ngày gặp gỡ, trong tập Chân trời cũ, in lại trong Hồ Dzếnh tác phẩm chọn lọc, nxb Văn Học, Hà Nội, 1988, trang 31)
Sự giao lưu giữa hai khối buồn rầu nẩy sinh những mầm mống buồn rầu khác, như thể hạt mầm gặp đất tốt cứ thế vươn lên: Sự buồn rầu, đau khổ, không may mắn trong dòng máu lây lan khắp thân phận tất cả những người thân yêu của Hồ Dzếnh, từ người cha, người mẹ, hai người anh, đứa em gái cùng cha khác mẹ, người chú, thậm chí đến cả người chị nuôi, người chị dâu, người anh rể, người hàng xóm, người cháu, cả con ngựa trắng của cha ... và bản thân Hồ Dzếnh cũng được hưởng trọn gia tài bất hạnh đem vào văn học.
Khung cảnh tạo dựng lên toàn bộ tác phẩm của Hồ Dzếnh như một "nỗi sầu vạn cổ" là "một mái nhà tranh lợp sơ sài, để chảy xuống mặt khách một dòng ánh trăng hạ tuần, và ngừng lại ở đấy thành những đồng hào mới long lanh (Ngày gặp gỡ, sđd, trang 37) một thế giới của những "người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc" (Người chị dâu tôi, trong tập Chân trời cũ, sđd, trang 42). Không gian ở đây là một không gian giao cầu Nam Bắc:
"Đêm về trong những bước nhẹ, hắt hiu bốc hơi lên mặt sông. Nắng tắt dần dần, chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn ở Giang Tây, Hồ Bắc, hoàng hôn ở đây u hoài như một chinh phụ nhớ chồng." (Ngày gặp gỡ, sđd, trang 33)
Nền tâm hồn của Hồ Dzếnh dựa trên hai chữ "buồn bã" như thể trung tâm cuộc đời là buồn bã, và từ chốn đó, mọi sinh thể quay quanh, tạo nên một không gian buồn bã, và thời gian trôi đi, trôi lại, như luyến tiếc hồng tâm "buồn bã" không muốn giã từ.
"Trên nền năm tháng cũ, hình ảnh chị dâu tôi vẫn đứng, buồn bã với manh áo màu chàm cũ, mắt nhìn từ quãng trời xa về, bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật." (Người chị dâu tôi, sđd, trang 45)
Ở đây không còn biên giới giữa văn và thơ: văn Hồ Dzếnh đầy ắp những hình ảnh buồn bã đã tạo ra một cõi thơ, cõi sầu vạn cổ, mà lời thơ là những mảnh đời buồn bã, mà mỗi con chữ là một nỗi buồn, chắt gạn lên từ những sần sùi, thô lậu của cuộc sống giao lưu hai linh hồn Hoa Việt, hai dân tộc cùng nghèo khổ và buồn bã như nhau.
Về cuộc sống riêng tư, ba người phụ nữ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời Hồ Dzếnh, Huyền Nhân, Hồng Nhật, là hai người vợ, Hồng Phúc là người yêu và đối tượng thi ca.
Hồ Dzếnh mất ngày 13/8 năm 1991. Hai năm sau, 1993, phần di cảo của ông được chào đời do sự cố gắng của bốn người thân: bà Hồng Nhật, nay đã qua đời, anh Hà Chính, con trai nhà thơ, bà Hồng Phúc, người yêu và ông Nguyễn Khắc Xuyên, người sưu tầm và đề bạt. Nhà xuất bản Thanh Văn, Hoa Kỳ, in tập thơ Quê ngoại II hay Tiếng hát thiên nga và quyển hồi ký Quyển truyện không tên.
Quê ngoại II phần lớn là thơ tặng Hồng Phúc. Một bài tặng Huyền Nhân, tựa đề Tặng vợ tôi khi còn sống, viết năm 1950, với những câu:
  Mùa đời rụng hết vàng xanh
  Nỗi đau thương cũ nay thành máu thơ.
Một bài tặng Hồng Nhật, tựa đề Bài thơ tặng vợ, với những dòng
  Mình vừa là chị là em
  Tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời.
Ngoài ra còn có bản thảo viết tay bài thơ Giản dị, tặng Hồng Phúc với những hàng:
  Em ăn, em nói, em cười
  Kiếp này không có hai người như em.
Ba ý thơ gói trọn ba sinh mệnh khác nhau gắn bó với cuộc đời Hồ Dzếnh. Nhưng có lẽ sinh mệnh ngắn ngủi của người vợ đầu, đã để lại những dòng đau đớn nhất trong hồi ký Quyển truyện không tên, tác phẩm tổng kết toàn diện chất bi đát trong đời văn, đời thơ, đời người Hồ Dzếnh mà có lẽ Hồ Dzếnh không ngờ, bởi ông viết không phải để in mà chỉ "để lại cho con". Đây không hoàn toàn là một tác phẩm văn chương trau truốt mà còn có những điều nói thẳng, nói thật của một người trực diện với hoàn cảnh gắt gao trong cuộc giao tranh tinh thần giữa con người và sự phủ nhận con người.
Quyển truyện không tên của Hồ Dzếnh là đoạn hồi ký viết về bốn năm bi thảm nhất trong đời nhà thơ, từ 1947 đến 1950, với người vợ thứ nhất, bà Nguyễn thị Huyền Nhân.
Vào Thanh Hóa thời kháng chiến, Hồ Dzếnh gặp lại Hồng Phúc. Người yêu cũ nay đã có chồng, khuyên ông nên lấy vợ. Hồ Dzếnh cưới Huyền Nhân, một độc giả mến mộ thi tài và đã thầm yêu ông từ nhiều năm trước. 1947-1948, trong kháng chiến Khu Tư với tướng Nguyễn Sơn, tại Thanh Hóa, Hồ Dzếnh làm công tác văn nghệ tuyên truyền. Nhưng gia đình nhỏ của ông không sinh sống nổi, phải kéo nhau lên mạn ngược. Ở đây, nước độc không chịu được lại phải kéo nhau về đồng bằng. Nghèo quá, lương giáo chức không nuôi nổi gia đình hai vợ chồng và hai đứa con trai. Hồ Dzếnh bán chiếc xe đạp cũ để tiêu dần, cho nên phải cuốc bộ mỗi ngày mấy cây số đi dạy học. Rồi người ta không cho Hồ Dzếnh dạy học nữa, phải xoay ra buôn bán. Vẫn túng. Sau cùng nhà thơ xin được một chỗ dạy ở xa, hàng tháng mới về thăm gia đình. Huyền Nhân yếu dần, không đủ sữa nuôi con. Đứa con đầu lòng ba tuổi, chết đột ngột vì không kịp chữa chạy. Người mẹ ốm không tiền thang thuốc. Ít lâu sau cũng chết theo con. Còn lại đứa bé bốn tháng rưỡi, Hồ Dzếnh địu con đi khắp Khu Tư xin sữa nuôi thằng bé. Huyền Nhân mất năm 1950 thì hai năm sau, 1952, Hồ Dzếnh mang được con vào thành.
Viết lại giai đoạn bi thảm này, Hồ Dzếnh lấy giọng người con trai sống sót kể lại chuyện mình nhưng với cái nhìn đặc biệt của nhà thơ về kháng chiến và chiến tranh. Thay lời con, Hồ Dzếnh viết: "Tôi sinh ra giữa một kỷ nguyên khác lạ, kỷ nguyên của những con đường thênh thang bị phá vỡ, cầu đổ xụp, nhà cửa tiêu tan, xe cộ mất lối. Người đô thị tản mạn lên rừng xanh, những cô gái xinh tươi của cuộc đời nhung lụa biến thành những cô hàng nước, những bèo bọt phong trần. Cuộc đổi đời đó thật là vĩ đại và kinh khủng, lay chuyển hết mọi từng lớp, giai cấp, san phẳng hết mọi chênh lệch sang giầu. Nếu chỉ có một trạng thái biến đổi đó thì chưa đến nỗi gay gắt. Đằng này, buồn thế hệ gặm nhắm vào từng lòng người, cái phẫn uất, cay chua nhào thành một loại cảm giác kỳ dị, gán lên cuộc sống một hình thức sượng sần khó tả. Cái gì dở, trái, đều được văn chương mới mạng danh bằng những tiếng kêu ròn: tiểu tư sản, phong kiến. Muốn vào trong cái thế giới vừa tân tạo hôm qua, con người bắt buộc phải qua một lượt lột xác, hay ít nhất, cũng phải có ý thức lột xác [...]
... Cha tôi không còn được dạy học nữa vì lý do sức khỏe và nhất là vì giáo khoa (của ông) không thực tế. Học trò bây giờ quy tất cả các môn học về chính trị. [...] Chỉ tội nghiệp cho cô Kiều, cho Nguyệt Nga, lạc lõng từ mấy thế kỷ xa lại, thốt nhiên được người ta phê bình mổ xẻ [...]
Văn nghệ biến ra một ý nghĩa khác: ai cũng làm văn nghệ được [...] và tác phẩm của một cá nhân, tuy được mang tên mình, phải có xen vào công trình tập thể.
Trong cái biển đại chúng, bản sắc của một cá nhân bị đánh tan ra thành bọt. Văn nghệ không nhận ai là thiên tài cũng như cõi đời không biết có người nào là xuất chúng.
Một nhà văn như cha tôi không khác gì cô gái điếm: Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại. [...]
[Nhưng] nghệ thuật không thể lừa được ai, và cũng không có gì lừa được nghệ thuật. Những tà tâm, lợi dụng nhất thời làm nổi tiếng, hay đúng hơn, làm xôn xao, sẽ chìm ngập khi con người không còn có mặt để kêu rộn những ngụy thuyết của mình." (trích Quyển truyện không tên, nxb Thanh Văn, California, 1993, trang 19/20, 30, 31 và 55)
Một Hồ Dzếnh rất khác và cũng rất giống Hồ Dzếnh ngày xưa. Một Hồ Dzếnh phẫn nộ ôn tồn. Hồ Dzếnh công kích bản chất chế độ. Hồ Dzếnh viết những điều mà nhà văn đã phải câm nín suốt đời. Viết trong một lúc không thể "nhịn" viết được nữa. Một Hồ Dzếnh đanh thép trực tiếp tả niềm ô nhục của người cầm bút như gái điếm bán trôn nuôi miệng, nhưng vẫn không xa một Hồ Dzếnh điềm đạm ngày xưa, Hồ Dzếnh của Chân trời cũ, mổ xẻ những nỗi đau của con người, Hồ Dzếnh viết hộ con, viết hộ thế hệ tương lai:
"Có lúc tôi nhai mạnh đầu vú. Ở chỗ thịt nứt, nước miếng tôi thấm vào, tia sữa bị rút lên, nghe buốt đến tận ruột mẹ. Và sữa tuôn ra với máu, chảy tràn ra hai mép tôi, chất ngọt dịu pha lẫn mùi vị tanh hăng làm cổ tôi nuốt vội. Mẹ tôi co người, nghiến chặt răng lại, đôi mắt chớp chớp trong giòng lệ nóng hổi. [...]
Máu cứ ứa, sữa cứ bật ra, cả một nguồn sống huyết lệ mẹ tôi cấp cho tôi để tôi đi vào đời với những con người ít khi nghĩ rằng nhân loại là một tác phẩm nhẹ mỏng như pha lê cần phải nâng niu từng cử động nhỏ. Giá những người nhắm mắt xô đẩy cả nguồn hy vọng loài người xuống hố đen thỏa thích, cũng được trời ban cho đôi đầu vú nứt cổ gà như vậy, thì chắc là đại họa được tránh đi, hòa bình phải được tôn trọng. Than ôi, chỉ vì quyền sinh sát lại ở những con người không được đẻ, không biết đẻ là gì, lấy lý trí để án ngữ cảm tình, và mỉm cười cho rằng sống ở đời nhiều khi phải tàn nhẫn [...]
Sao cứ phải lấy máu để dựng một sự nghiệp, lịch sử cổ kim chưa bao giờ thấy nói đến giòng máu ác đổ ra mà làm nên truyện được. Nước Trung Hoa không sống vì Vạn Lý Trường Thành mà sống vì Khổng Tử. Dân tộc Pháp được nhắc đến thiên thu bởi vì nền văn hóa tinh anh mà không phải vì Nã Phá Luân hiếu thắng. [...]
Cha tôi ghi trong hồi ký: [...] Thời đại bố sống là một thứ thời đại tác quái, thời đại bít hết nẻo thông và lương tâm nhiều khi rẫy chết. Lúc con đọc những dòng chữ này, chắc loài người đã nguôi cơn điên loạn, thế hệ đã chôn cất những khổ đau một thời [...] Bố muốn rằng, đọc lại nó, con nên có cái tâm niệm này trước hết: đừng bao giờ cổ võ, dầu chỉ bằng một lời nói vô tình, cái ý thức chém giết hằng rền vang trong mạch máu động vật [...]. Cái thời đại bố sống, anh em thù nhau, Đông Tây ghét nhau, quả đất hừng hực những căm hờn bất mãn. Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người ta không biết gì hơn là thủ tiêu nhau để hòng thoát ngõ bí.
Trong cuộc xáo trộn Nam Bắc, có cái gì còn nguyên được giá trị cố hữu đâu. Cái quý nhất là con người lại không còn gì quý nữa, nếu nó không là thứ xuất phẩm được rèn đúc theo khuôn khổ của thời đại."
(sđd, trích những trang 47, 48, 49, 75 và 87)
Một Hồ Dzếnh đau thương sâu sắc, mỗi chữ là một giọt máu, mỗi dòng là một rãnh máu đi trở ngược về tim. Di cảo của Hồ Dzếnh tổng kết cái nhìn nhân bản nhất của nhà văn về chiến tranh, về tất cả các hình thức chiến tranh, kể cả những thứ chiến tranh được gọi là cao đẹp nhất như kháng chiến chống ngoại xâm. Bởi vì người ta đã không thật sự muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình, cho nên, dù cho có được đắp lên hàng vạn tấn huy chương, chiến tranh nào cũng được chủ trương bằng những người "không được đẻ", không biết đẻ là gì. Những người không có bầu vú nứt máu, tuôn sữa cho con bú. Cho nên họ không hiểu được giá trị sinh mạng con người.
Tháng 2/2002
Thụy Khuê
Theo http://thuykhue.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...