Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Ấn tượng Tây Nguyên trong thơ Văn Công Hùng

Ấn tượng Tây Nguyên 
trong thơ Văn Công Hùng 
Tây Nguyên là một vùng đất hùng vĩ và thơ mộng. Hiện thực cuộc sống và những giá trị văn hóa đã đem lại cho vùng đất này một vẻ đẹp riêng, khác biệt với các vùng miền khác. Nơi đây cũng là nơi nuôi dưỡng biết bao tâm hồn con người khát khao và yêu quý vẻ đẹp thiên nhiên, con người, cuộc sống. Nhiều nhà thơ, nhà văn đã trưởng thành và ghi dấu ấn riêng của mình trên vùng đất này bằng các tác phẩm văn chương. Văn Công Hùng là một trong những nhà thơ như thế, đã tạo được một hiệu ứng riêng trong lòng bạn đọc, bằng việc xây dựng một hệ thống biểu tượng mang đậm dấu ấn Tây Nguyên trong thơ mình.
Thế giới các biểu tượng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Sự tác động, các mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới con người, những ý nghĩa hàm ẩn mà biểu tượng khơi gợi ra được xem như một quy ước thẩm mỹ của cộng đồng. Biểu tượng trong thơ là những hình ảnh được nhà thơ chọn lọc và sử dụng có mục đích, chứa đựng những thông điệp mà nhà thơ gửi gắm đến người đọc.
Xuất phát từ những biểu tượng đã có trong thơ ca, nghệ thuật xây dựng hình ảnh và biểu tượng trong thơ Văn Công Hùng có một vẻ đẹp riêng, thể hiện sự khám phá và đổi mới trong cách thể hiện khiến chúng giàu ý nghĩa hơn. Ấn tượng Tây Nguyên trong thơ Anh được tái hiện trong hệ thống hình ảnh mang tính chất biểu tượng như hoa dã quỳ, cao nguyên, tượng mồ... Tất cả tạo nên một thế giới nghệ thuật sinh động, phong phú và sâu sắc hơn. Đồng thời, hệ thống biểu tượng cũng thể hiện các quan niệm, tư duy nghệ thuật của nhà thơ, góp phần thể hiện đậm nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của tác giả.
1. Với dã quỳ, Văn Công Hùng đã có những cái nhìn trên nhiều chiều kích:
Cúc quỳ đắng trong dịu dàng cơn khát
(Hoài niệm - tập thơ Hát rong)
Cúc quỳ vàng như nắng
(Mùa - tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Cúc quỳ vàng cao nguyên
(Chiều mùa đi - Hoa tường vi trong mưa)

Bởi với tâm hồn nhà thơ, dã quỳ chính là một phần hồn của tuổi thơ:
Gió dã quỳ hoang dại tuổi thơ tôi
(Gió dã quỳ
tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Vì vậy, sắc vàng của dã quỳ là một sắc màu quyến rũ đến mê hoặc:
vẫn quỳ vàng mê hoặc gió cao nguyên
(Có một mùa xuân ta chợt thấy mình giàu - tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Đọng lại và hiển hiện thường trực trong lòng thi sĩ:
Bây giờ hoa quỳ ngờm ngợp hoàng hôn
Vàng ngơ ngẩn cao nguyên xao xác gió
(Mùa thu gửi lá
- tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Dã quỳ 4, tập thơ Gõ chiều vào bàn phím:
vẫn ngạo nghễ vươn ra màu vàng bất tử
Đam mê dắt chiều về phía vầng trăng ;
dã quỳ thắp nắng triền đồi
(Giấc mơ hoa hậu
- tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
Hoa dã quỳ gặp nắng cứ rưng rưng
(Mùa thu và giếng cổ
- tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
Để từ đó, bằng sự đồng điệu của một tâm hồn đa cảm, Văn Công Hùng đã lắng nghe và cảm nhận được những điều sâu lắng, nhỏ nhẹ mà thao thiết của tiếng nói hoa dã quỳ:
Chiều không trả lời
Dã quỳ im lặng
Màu đắng
Dã quỳ ơi
(Muộn rồi dã quỳ ơi
- tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
hoa quỳ cuối mùa nép trong hoàng hôn
Ngơ ngác cái nhìn vu vơ
Ngơ ngác gió
Lặng lẽ vàng
Dã quỳ ngược chiều vào ký ức
(Bất chợt dã quỳ
- tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
Đến cả vẻ tinh nghịch của những bông quỳ “nổi loạn” một cách rất đáng yêu:
những bông dã quỳ
quẫy vàng trời
(Cao nguyên ngày tôi mới
- tập thơ Đêm không màu).
2. Với Cao nguyên, một không gian hùng vĩ và thơ mộng đã níu giữ bước chân người ở lại, nhà thơ nhận ra rằng:
Cao nguyên gió nón em nghiêng đón gió
Áo thì trắng mà Bazan thì đỏ
(Gặp Huế trên cao nguyên
- tập thơ Bến đợi)
Để từ đó, không gian Cao nguyên tràn ngập tâm hồn nhà thơ, phả vào trong tâm hồn thi sĩ những cảm xúc dạt dào, muôn sắc, muôn màu, muôn điệu. Tôi có một cảm giác đặc biệt, khó tả khi đọc bài thơ: Cao nguyên (tập thơ Hát rong) cũng vì lẽ ấy. Bài thơ là một chuỗi tâm trạng được thắp sáng bởi ngôn từ:
Cao nguyên là gió, rượu cần
Là thang thang bước chân trần lãng du
Là cuồn cuộn bụi mù khô
Là mang máng nắng giăng tơ mật vàng
Là khan, là hội, là xoang
Là em tóc rối bên hàng thông xanh
Lời yêu thương tận cùng anh
Thổi vào em gió nở thành tơ rưng
Là hoang mang nhũng cánh rừng
Bao nhiêu năm để em từng là em
là cong cần thức thâu đêm
anh tan thành rượu cho em lờ đờ
Cao nguyên xanh đến hững hờ
Trời ơi! Rượu hóa Biển Hồ
Ru em...
Hình ảnh Cao nguyên hiện ra bằng không gian, thời gian, bằng những nỗi niềm suy tư của tác giả, sự hiện hữu của một sức mạnh được cảm nhận một cách rõ ràng:
Cao nguyên đón mùa xuân bằng vạm vỡ ngực trần
(Mùa - tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Cao  nguyên, đó cũng chính là một “nàng thơ” luôn mang đến cho thi sĩ những vần thơ tinh khôi và thi vị:
em nhẹ bước chiều cao nguyên sương khói
(Plei Ku mùa thu và bạn
- tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
miên man cao nguyên xanh màu u tịch
Sắc vàng nào lưu luyến cỏ bazan...
(Gió dã quỳ
- tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Cao nguyên thức tóc thông mờ ký ức
(Mùa xuân ạ
- tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Sương khói cao nguyên nhẹ như hơi thở
(Mùa thu phương Nam
- tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Cao nguyên trong thơ Văn Công Hùng còn là nơi trường tồn với thời gian, với cuộc sống:
Cao nguyên trẻ trai cao nguyên vạn tuổi
(Cao nguyên tháng ba
- tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Và đẹp như một bức tranh đa sắc màu:
có một cao nguyên lộng lẫy sắc màu
(Có một mùa thu ta chợ thấy mình giàu
- tập thơ Hoa tường vi trong mưa)
Dù có lúc:
Bây giờ Cao nguyên xao xác dã quỳ
(Mùa thu và giếng cổ
- tập thơ Gõ chiều vào bàn phím)
Thì những hy vọng về một ngày mai, những niềm tin về sự sống tươi xanh của một Cao nguyên Ngày sang gió, (tập thơ Đêm không màu), vẫn là những “mầm cao nguyên ngậm sương”.
3. Tôi đã rất suy nghĩ về một nhận xét mang tính khái quát và tinh tế của nhà thơ - nhà lý luận phê bình Hồ Thế Hà, khi nói về đặc trưng văn hóa vùng  đất Tây Nguyên: “Có lẽ, tượng mồ là đặc trưng văn hóa ấn tượng nhất nơi đây mà không dễ gì người ta hiểu biết giá trị và ý nghĩa đặc trưng của chúng”. Có thể tôi cũng như bạn, chưa biết đến những đặc trưng văn hóa của mỗi vùng đất trên dải đất Việt Nam mang hình chữ S. Nhưng bạn sẽ cảm nhận và khám phá được nhiều điều từ vùng đất này khi đến với biểu tượng “tượng mồ” trong thơ Văn Công Hùng. Bởi vì như Anh đã từng quan niệm “tượng mồ nó không chỉ là... tượng mồ, là khúc gỗ được nghệ nhân dân gian chỉ dùng rựa và rìu, không dùng thứ nào khác, "đẽo đi những chỗ thừa", mà nó còn là một thế giới tâm linh đầy bí ẩn, chứa trong đấy nhiều điều mà những người hiện đại hôm nay chưa giải mã được”. Và vì vậy, tượng mồ “mang toàn bộ tâm tư tình cảm, toàn bộ nỗi nhớ thương, toàn bộ khắc khoải đau buồn, toàn bộ những gì mà lúc sống người sống và người chết chưa nói được với nhau...”.
Đó là thế giới của những tượng mồ mang nặng những kiếp người:
tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người
“nỗi đau khóc chẳng thành lời”
lặn vào thớ gỗ ru người - người ơi
hoang sơ
chiều rót đầy vai
ché và chiêng
và đầy vơi rượu cần
nằm đây một nắm xương tàn
đứng đây tượng hát một ngàn lời yêu
(Tượng mồ - tập thơ Bến đợi)
Đó là những tâm tư, tình cảm, nỗi niềm giữa người còn sống và người đã khuất, được khắc họa và ẩn giấu trong từng thớ gỗ:
từng góc cạnh cuộc đời hiển hiện ở nơi đây
Mọi sắc thái tâm tư lồng vào thớ gỗ
tượng mồ đứng lặng im
mà dào lên sóng vỗ
Nỗi đau lặn đi cho tuyệt tác phơi bày
Để rồi, dù năm dù tháng: “những tượng gỗ xoáy vào anh nghìn câu hỏi” đã làm  “Anh tan ra trong tiếng gọi thầm thì” (đinh Jong, tập thơ Bến đợi). Phải chăng, đó là những tiếng gọi vọng về từ nghìn xưa, từ cội nguồn lịch sử, từ những vết tích thời gian in dấu trong những nhịp chiêng, trong tiếng xoang, trong lễ Pơ thi cổ truyền của người bản xứ. Dẫu đó là Lễ bỏ mả như người Kinh thường gọi, để người sống và người chết biệt ly nhau lần cuối, hay là dịp để người từ làng này qua làng khác biết đến nhau, để con trai, con gái gặp gỡ nhau trao duyên kỳ ngộ; thì từ đây, bên những tượng mồ mang dáng vẻ trầm tư là những tình người, tình đời, là nơi nghệ thuật thăng hoa mang nỗi đau của con người vào trong ruột gỗ, để chiêm nghiệm, để lưu giữ những giá trị tinh thần, một nét văn hóa riêng của vùng đất Tây Nguyên:
Pơ thi
Tôi gặp ở nơi này
Nghệ thuật xoay nỗi đau vào trong ruột gỗ
Để tài hoa của người cứ hiện lên rực rỡ
ở phía ngoài bức tượng trầm tư
(Pơ thi - tập thơ Bến đợi)
Qua việc tìm hiểu nghệ thuật xây dựng một số hình ảnh mang tính biểu tượng trong thơ Văn Công Hùng, chúng ta phần nào thấy rõ tài năng, sự sáng tạo và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. Những biểu tượng ra đời là kết quả của quá trình tư duy, khái quát hóa hiện thực cuộc sống của nhà thơ. Các biểu tượng: hoa dã quỳ, cao nguyên, tượng mồ trong thơ Văn Công Hùng dù xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều tập trung thể hiện một ý nghĩa: đó là những cảm xúc dào dạt của tâm hồn nghệ sĩ trước thiên nhiên, con người, cuộc sống. Hoa dã quỳ, cao nguyên, tượng mồ trong thơ Anh chính là một phần không thể thiếu của Tây Nguyên, những biểu tượng làm nên một vùng đất “thơ tụ ở núi thiêng và trào nơi đầu sóng”.
Nghệ thuật luôn đồng nghĩa với sự sáng tạo, trong sáng tác người nghệ sĩ không được phép lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Vì thế mỗi nhà thơ đều phải nỗ lực tìm tòi các phương thức biểu đạt sao cho thơ mình vừa là của chính mình, vừa đi được vào lòng độc giả. Văn Công Hùng đã sử dụng nhiều hình ảnh với những cảm nhận đa chiều đầy bất ngờ mang tính chất biểu tượng. Để từ đó, hòa mình vào dòng chảy của văn học Việt Nam hiện đại, hành trình sáng tạo nghệ thuật của Văn Công Hùng là hành trình của một trái tim luôn hướng đến cuộc sống, đến những giá trị chân thiện mỹ. Về một thi sĩ đã hát lên những khúc “hát rong” trữ tình, mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ và thơ mộng.
Lưu Ly
Nguồn tin: TCNV 09-2012
Theo http://www.bichkhe.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...