Cấu trúc “Nhịp cầu” trong
Bản chất của văn chương là “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Chế
Lan Viên là một trường hợp như thế, ông không làm nhiều thơ tình nên Tình
ca ban mai là trường hợp đặc biệt hiếm hoi. Đúng theo cái bản chất coi trọng
chất lượng chứ không coi trọng số lượng. Đây là một bài thơ tình đặc sắc, không
chỉ so với chính các sáng tác của ông mà còn so với các sáng tác về tình yêu của
các nhà thơ khác. Bài thơ hay vì nhiều yếu tố như: cấu tứ, mạch cảm xúc, hệ thống
tín hiệu…
“Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết.
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Em ở trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che
Tình em như sao khuya
Rãi hạt vàng chi chít
Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết
Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về.
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya
Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít
Xét
về mặt cấu trúc, bài thơ như chuỗi hạt ngọc với lối ghép đôi và những khoảng
giãn cách đăng đối. Điều này khiến cho hình thức của bài thơ trở nên hài hòa và
dễ thương như một tặng vật của tình yêu. Nó dễ dàng thể hiện được cái cảm xúc của
bài thơ là đề cao tới mức gần như tuyệt đối vai trò của người con gái trong đời
sống tinh thần của nhân vật trữ tình. Em là có tất cả và em đi rồi, tất cả hư
vô…
“Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết”.
“Em đi” là cái cụ thể. “Chiều đi” là cái trừu tượng. Lấy cái
trừu tượng để diễn tả cái cụ thể là một tín hiệu ngược. Thường thì người ta nói
“chiều đi” như “em đi”. Buổi chiều đi, tức là sang đêm, mang theo bầy chim
trong vườn bay hết. Vậy trong vườn còn lại gì? Chỉ còn lại đêm tối. Không còn
âm thanh (tiếng chim), không có màu sắc. Cuộc sống như vậy thì tẻ ngắt, u tối.
Đó là vì “em đi”. Hai câu thơ đầu gợi âm điệu như một nguồn ánh sáng vụt tắt.
Cặp hình ảnh ghép đôi, cũng là tín hiệu tình yêu đầu tiên hiện
lên bất ngờ, đẹp lung linh nhưng chính nó tạo ra một vấn đề lớn cho tư duy.
Hình ảnh so sánh “Em đi như chiều đi” và “Gọi chim vườn bay hết” gắn
bó chặt chẽ với nhau như “anh và em sẽ chết nếu quanh mình là khoảng trống hư
vô” lại được dùng để diễn tả chính sự cô đơn, thiếu hụt, sự vô nghĩa của
cuộc đời anh khi không có em giống như cách mà Nguyễn Tuân dùng nước để tả lửa
và dùng lửa để tả nước trong tùy bút Người lái đò sông Đà. Được giãn cách
bằng một khoảng trắng như để ngừng nghỉ sau một chặng tư duy và lấy lại phương
hướng để tiếp tục cuộc hành trình đến ngọn nguồn của tình yêu, hai câu tiếp ánh
sáng bừng lên khi ban “mai về”:
“Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc”
Em ra đi, tất cả chỉ còn lại đêm tối, cô đơn và lạnh lẽo như
chìm trong địa ngục thì ngược em về, bình minh kỳ diệu cũng theo về. “Rừng non
xanh” thảng thốt giật mình sau cơn dị mộng chia ly bỗng bừng lên sức sống bằng
triệu triệu “lộc biếc”. Tình yêu như một vị linh dược có khả năng hồi
sinh tất cả, hồi sinh cả những thứ tưởng như đã chết… Mỗi cặp câu như hai mảnh
ván ghép thành một nhịp cầu đến với yêu thương, đi qua nhịp cầu ấy cũng lắm
gian nan và biết bao thử thách còn ở phía trước. Em ra đi, em quay về và biết
em có ở lại mãi hay không? “Hỏi thế gian tình là gì” mà có thể mang đến cho người
ta bao điều kỳ diệu và cũng gây cho người ta bao đau đớn, lo âu?
“Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che”
Tình em như sao khuya
Rãi hạt vàng chi chít
Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết”
Bài thơ, có cấu tứ đều đặn nhưng lại diễn tả mạch cảm xúc
liên tục tăng tiến. Em ở bên anh thì cuộc đời anh sẽ yên ổn, dịu mát như mỗi buổi
trưa nắng được chở che bởi tán lá xanh. Có lá xanh che, nắng sẽ dịu, anh sẽ thấy
mát. Ở trên, tác giả đã nói đến buổi chiều – buổi chiều phải sống trong sự vô
nghĩa bởi “em đi” mang theo bầy chim, rồi nói buổi ban mai khi “em về” thì đời
anh lại bừng lên, tràn sức sống. Chàng trai đề cao vai trò của cô gái trong đời
sống tinh thần của mình đến nỗi miêu tả tình yêu của nàng đẹp ngoạn mục, huyền
diệu như những ngôi sao khuya trên bầu trời, tựa hồ muôn hạt vàng được rắc xuống
trần gian.
Tình yêu đích thực bao giờ cũng lạc quan, tràn đầy niềm tin
cho dù người trong cuộc có thể buồn, nhớ, giận hờn, thậm chí có lúc tưởng như bế
tắc, tuyệt vọng do hiểu lầm nhau. Bởi vì bản chất của tình yêu là luôn hy vọng
vào những điều tốt đẹp nhất. Không phải ngẫu nhiên Chế Lan Viên xây dựng tứ thơ
tình gắn với thời gian buổi sáng, lúc ban mai. Và tên bài thơ là Tình ca
ban mai, âm hưởng toàn bài toát lên vẻ sáng sủa, quang đãng, long lanh, rực
rỡ của nắng, của màu xanh, của lộc biếc - toàn những hình ảnh chứa chan sức sống.
Có lẽ mọi hy vọng tốt đẹp nhất của hai người trong cuộc được dồn vào hai câu
thơ có thể coi như đỉnh điểm của toàn bài:
“Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về”
Và cuối cùng, tác giả kết bài bằng một câu buông lửng: “Mai,
hoa em lại về”… Cả bài chẳng hề nói gì đến hoa mà cuối cùng lại nhắn gửi như vậy
có chút gì đó rất riêng tây, “bí mật” của nhà thơ chăng? Em tên là Mai, là Hoa - thật cụ thể - một cô gái nào đó ngoài đời bước vào thơ của thi sĩ chăng? Có
thể lắm. Và cũng có thể không phải. Chỉ là một chút mập mờ, úp mở cho có vẻ hư
hư, thực thực, gây sự chú ý cuối cùng cho người đọc lúc khép lại bài thơ. Tất cả
những điều đó không quan trọng. Chỉ biết bài thơ mở ra rất nhiều hướng cảm nhận
về tình yêu.
Nguyễn Thanh Tuấn
NGUỒN: TÀI HOA TRẺ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét