Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Hoàng Trọng, cung thương dệt tiếng tơ đồng

Hoàng Trọng, cung thương dệt tiếng tơ đồng
(Bài này được viết nhân lễ tưởng niệm 49 ngày cố nhạc sĩ Hoàng Trọng do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng... tổ chức vào tối thứ Bảy, ngày 5 tháng 9 năm 1998 tại phòng hội nhật báo Người Việt, Little Sài Gòn. Và, đăng tải trên tạp chí Thế Giới Nghệ Thuật. Mười năm trôi qua, những nhạc sĩ trên đã ra người thiên cổ.
Ðể tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài danh có công đóng góp trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, tưởng nhớ mười năm ngày vĩnh biệt cõi trần và ba mươi năm với tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Cali Weekly xin gởi đến quý độc giả- VTrD 2008)
Thế kỷ XX qua đi mang theo nhiều vì sao trong vòm trời âm nhạc Việt Nam, vĩnh biệt thế gian nhưng dư âm nhiều tình khúc bất hủ vẫn còn rung động bao trái tim thưởng ngoạn. Người nghệ sĩ tài hoa, đam mê nghệ thuật, giữ được nhân cách trong vườn hoa nghệ thuật đó, với Tiếng Tơ Ðồng vào cuối thập niên 50 đến 70, đánh dấu giai đoạn vàng son của nền âm nhạc nước nhà. Nhạc sĩ của dòng nhạc trữ tình và tình tự quê hương: Hoàng Trọng.
Bày tỏ tâm tư tình cảm với người bạn đồng nghiệp sống với nhau qua chiều dài của lịch sử âm nhạc, theo nhạc sĩ Phạm Duy: "Hoàng Trọng đã từng phục vụ cho nền tân nhạc Việt Nam từ lúc phôi thai cho đến khi đã trưởng thành, tất cả đều có một hành trình rất phong phú... Trong đời tôi, chưa thấy ai nhu mì như nhạc sĩ Hoàng Trọng cả". Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Hoàng Trọng là người bạn văn nghệ suốt cả cuộc đời sống với nhau bằng chữ tâm: tâm thành, tâm ý trong nghệ thuật và cuộc sống. Trong bài viết Thuở Bình Minh Của Âm Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết: "Những ai sinh quán ở Nam Ðịnh đều biết thành phố này có những nhạc sĩ quen thuộc với đại chúng như Ðặng Thế Phong, Hoàng Quý Phạm Ngữ, tác giả bản Buồn Nhớ Quê Hương, Hoàng Trọng với những bản tango nổi danh và Ðan Thọ...". Theo nhạc sĩ Ðan Thọ: "Hoàng Trọng là khuôn mặt nghệ sĩ quý báu trong tình bạn từ lúc gặp nhau trong ban nhạc đầu tiên ở Nam Ðịnh vào thời tiền chiến và trải dài qua nửa thế kỷ cho đến lúc vĩnh biệt".

Từ ca khúc đầu tay Ðêm Trăng năm 1938, mới 16 tuổi đến ca khúc cuối cùng Chiều Rơi Ðó Em năm 1978, trong 60 năm, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã sáng tác hàng trăm bản nhạc, trong đó có nhiều ca khúc rất quen thuộc, được mọi người ái mộ và sống mãi với thời gian. Nhạc sĩ Hoàng Trọng được mệnh danh là Vua Tango của Việt Nam.
Theo Dòng Thời Gian
Hoàng Trọng, tên thật Hoàng Trung Trọng. Sinh năm 1922 ở Hải Dương, lớn lên ở Nam Ðịnh. Năm 11 tuổi học nhạc với sự chỉ dạy của người anh ruột, nhạc sĩ Hoàng Trọng Quý. Ông chơi được nhiều nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm, hạ uy cầm và sáo. Năm 15 tuổi, học nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Ðịnh và thành lập ban nhạc đầu tiên. Ban nhạc Nam Ðịnh gồm các anh em trong gia đình như Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh và các thân hữu như Ðan Thọ, Bùi Công Kỳ, Ðặng Thế Phong, Phạm Ngữ, Vũ Dự, Tạ Phước... Ðến năm 19 tuổi, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ Universelle de Paris... Hoàng Trọng là một trong những nhạc sĩ tiên phong sáng tác ca khúc cho nền tân nhạc Việt Nam.

Hai bài Tango của Hoàng Trọng - YouTube
Ca khúc Ðêm Trăng (1938), Bóng Trăng Xưa (1940), Thu Qua (1941)... xuất hiện trong thời kỳ mở đầu nền âm nhạc Việt Nam.
Năm 1945 Hoàng Trọng mở phòng trà, lập ban nhạc lấy tên Thiên Thai ở Nam Ðịnh. Cuối năm 1946, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, Hoàng Trọng cùng gia đình lánh cư ở Phủ Nho Quan, Phát Diệm, rồi về Hà Nội. Ðược sinh hoạt trong môi trường thích nghi, qua làn sóng phát thanh, những ca khúc Ðêm Trăng, Thu Qua, Tiếng Ðàn Ai, Lạnh Lùng, Chiều Tha Hương, Khúc Nhạc Xuân, trong đó 2 nhạc phẩm tango Bóng Trăng Xưa & Phút Chia Ly đưa tên tuổi Hoàng Trọng sáng giá và lan rộng khắp mọi miền.
Năm 1950, gia nhập vào Quân Nhạc Bảo Chính Ðoàn, điều khiển dàn nhạc nhẹ của chương trình phát thanh Bảo Chính Ðoàn trên đài phát thanh Hà Nội. Từ năm 1950 đến 1954, trước khi di cư vào Nam, Hoàng Trọng sáng tác trên hai mươi ca khúc: Ðường Về, Gió Mùa Xuân Tới, Say Say Say, Bến Mơ, Tiếng Nhạc Trong Sương, Buồn Nhớ Quê Hương, Bên Sông Ðưa Người, Cánh Hoa Xuân, Gió Lạnh Chiều Ðông, Chiều Về Thôn xưa, Mơ Xuân, Hoa Xuân, Gởi Hương Cho Gió, Hững Hờ, Một Nụ Cười, Tiếng Mưa Rơi, Vui Cảnh Mùa Hè, Khóc Biệt Kinh Kỳ, Tiếng Lòng, Lá Rụng... Trong đó có ca khúc Nhạc Sầu Tương Tư, nhạc phẩm trữ tình, tiếng lòng của con tim đang vương vấn trong tình yêu & nhạc phẩm Dừng Bước Giang Hồ sinh động, vui tươi được thịnh hành, trở thành quen thuộc, yêu thích, đưa tên tuổi Hoàng Trọng vang vọng cả nước.

Năm 1954, đất nước chia đôi, theo làn sóng di cư vào Nam, ngoài ba mươi tuổi, xa gia đình, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi con: Hoàng Nhạc Ðô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La còn thơ dại. Lấy âm nhạc như nguồn sống, niềm an ủi vô biên để dấn thân trên cuộc hành trình xa lạ. Nỗi niềm đó được thể hiện qua hai ca khúc Chiều Xưa Tưởng Nhớ & Trăng Sầu Viễn Xứ.
Với khả năng và kinh nghiệm, lưu lạc ở Sài Gòn thời gian ngắn, Hoàng Trọng cùng bằng hữu thành lập ban nhạc với nhiều ca sĩ tên tuổi để trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn. Theo thời gian, Hoàng Trọng đảm nhận vai trò trưởng ban nhạc Hoàng Trọng, Tây Hồ, Ðất Nước Mến Yêu, lừng lẫy nhất, tên tuổi vang vọng với Tiếng Tơ Ðồng... hoạt động trên hệ thống truyền thanh Sài Gòn, Quân Ðội, Tự Do và băng tần Số 9 Truyền hình Việt Nam.
Từ 1955 đến 1960, Hoàng Trọng sáng tác khoảng 40 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc quen thuộc, nổi tiếng như Tình Không Biên Giới, Mộng Lành, Bên Bờ Ðại Dương, Mộng Ban Ðầu, Bạn Lòng, Nhớ Về Ðà Lạt, Tiễn Bước Sang Ngang, Ðàn Yêu...
Bước vào đầu thập niên 60, nhiều nhạc phẩm trữ tình, lãng mạn, chất chứa yêu thương làm say đắm hàng triệu thính giả ái mộ với Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím, Một Thuở Yêu Ðàn, Một Người Lên Xe Hoa, Hai Phương Trời Cách Biệt... xuất hiện thường xuyên trên làn sóng phát thanh và rất "ăn khách" qua các hãng đĩa.
Nói đến Hoàng Trọng, phải nói đến Tiếng Tơ Ðồng, và ngược lại. Ông đã để lại lịch sử âm nhạc Việt Nam ban nhạc nổi danh, tạo dựng nhiều tiếng hát tên tuổi, đưa nhiều sáng tác của nhiều nhạc sĩ lên đỉnh vinh quang của nền âm nhạc. Khi được mời thành lập ban nhạc để trình diễn trên hệ thống truyền hình, Hoàng Trọng nhận lời. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, ngày 30 tháng 8 năm 1957, Tiếng Tơ Ðồng xuất hiện trên đài Truyền Hình Việt Nam, qui tụ với khoảng 40 ca nhạc sĩ đã gây "dấu ấn" sâu sắc trong làng ca nhạc. Từ đó, Tiếng Tơ Ðồng vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn giới mộ điệu, khán thính giả bốn phương và cũng là môi trường sinh hoạt, tiền thân của nhiều nghệ sĩ.

Tiếng Tơ Ðồng đánh dấu giai đoạn vàng son của nền âm nhạc Việt Nam, khán thính giả có dịp thưởng ngoạn cung bậc của thời tiền chiến, âm nhạc bán cổ điển, êm dịu, nhẹ nhàng, mượt mà, mang âm hưởng của thời kỳ lãng mạn Tây phương. Khi Tiếng Tơ Ðồng thành công trên bước đường nghệ thuật, Hoàng Trọng vừa lo chăm sóc Tiếng Tơ Ðồng mỗi ngày thêm sắc thái mới lạ, vừa chuyển hướng sang lãnh vực điện ảnh: nhạc phim.
Từ năm 1968 đến 1974, Hoàng Trọng viết hầu như gần hết nhạc phim Việt Nam vào thời điểm đó như Vụ Án Tình, Xin Nhận Nơi Nầy Làm Quê Hương, Giã Từ Bóng Tối, Bơ Vơ, Trao Nhau Lời Cuối, Mộng Cô Ðơn, Còn Ðâu, Duyên Kiếp, Lá Rừng, Người Tình Không Chân Dung, Nàng, Nhặt Lá Vàng, Tình Yêu Không Ðến, Gọi Sầu, Ngậm Ngùi, Ngọc Lan, Sau Giờ Giới Nghiêm, Bão Tình, Muôn Kiếp Ngậm Ngùi, Sao Phụ Tình Anh, Hương Ngọc Lan, Ðường Dài Một Bóng, Năm Hiệp Sĩ Bất Ðắc Dĩ, Còn Gì Cho Nhau, Bẫy Ngầm, Lệ Ðá, Cho Nhau Ân Tình, Mang Xuống Tuyền Ðài, Chiếc Lá Bên Ðường, Hoa Lư, Mùa Mưa Thương Nhớ, Triệu Phú bất Ðắc Dĩ, Ngày Vui Năm Ðó, Vào Thu, Hòn Phụ Tử...
Trong các bản phạt phim này tiếng hát Lệ Thu trong Người Tình Không Chân Dung rất được thịnh hành ở Việt Nam thuở đó như tiếng hát Celine Dion qua bản My Heart Will Go On trong phim Titanic hiện nay trên thế giới. Về giải thưởng, ông đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật trong năm 72-73 về nhạc phim trong Triệu Phú Bất Ðắc Dĩ.
Cũng như nhiều nghệ sĩ tài danh khác, bước đường sinh hoạt nghệ thuật còn dài để cống hiến nhiều tác phẩm nghệ thuật cho đất nước, nhưng sau tháng 4 năm 75 trái tim và khối óc sáng tạo không còn nữa, sống âm thầm với thời gian... năm 1978 mới sáng tác tác phẩm cuối cùng Chiều Rơi Ðó Em như lời tâm sự để chia sẻ nỗi buồn đau.
"Chiều rơi đó em, trên đời anh hoàng hôn rồi
Chiều rơi đó em, trên đời anh sương lạnh rồi
Nhìn nụ hoa thắm mầu tươi, nở đẹp trong bóng chiều rơi
Chợt làm bước anh ngập ngừng trên lối
Chiều rơi đó em, trên đời anh lạnh tê người
Chiều rơi đó em, trên đời anh phai nụ cười
Cuộc đời anh vẫn lẻ loi, mà gặp em lúc chiều rơi
Thì tình thắm cũng là muộn mất rồi!..."
Năm 1992, Hoàng Trọng định cư tại Hoa Kỳ trong diện đoàn tụ. Ðược sum họp với con cái và sống với người vợ cuối đời - ca sĩ Thu Tâm - còn trẻ, chẳng được bao năm, Hoàng Trọng vĩnh viễn ra đi lúc 12 giờ 45, trưa thứ Năm, ngày 16 tháng 7 năm 1998 tại Paolo Alto, Bắc Cali, Hoa Kỳ, hưởng thọ 75 tuổi.

Hoàng Trọng đã sáng tác khoảng hai trăm bản nhạc, ông đặt lời cho một số tác phẩm, còn lại với lời viết như Quách Ðàm, Hồ Ðình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Vĩnh Phúc...
Những tác phẩm tiêu biểu theo mẫu tự alphabet gồm:
Bắc Một Nhịp Cầu - Bạn Lòng - Bẽ Bàng - Bên Bờ Ðại Dương - Bến Mơ - Bên Sông Ðưa Người - Bơ Vơ - Bóng Trăng Xưa - Buồn Nhớ Quê Hương - Cánh Hoa Xưa - Cánh Hoa Yêu - Châu Ðốc Miền Quê Yêu - Chiều Mưa - Chiều Mưa Nhớ Bắc - Chiều Rơi Ðó Em - Chiều Tha Hương - Chiều Về Thôn Xưa - Chiều Vũng Tàu - Dừng Bước Giang Hồ - Ðêm Trăng - Ðêm Về - Ðẹp Giấc Mơ Hoa - Ðường Về -Ðường Về Dĩ Vãng - Em Còn Nhớ Không Em - Gió Lạnh Chiều Ðông - Gió Mùa Xuân Tới - Hai Phương Trời Cách Biệt -Hẹn Gió Xuân Về - Hình Ảnh Quê Xưa - Hoa Xuân - Hồn Thanh Niên - Hương Ðời Ðẹp Tươi - Hương Mộc Lan -Hương Yêu - Khóc Biệt Kinh Kỳ - Khúc Ca Màu Xanh - Khúc Ðàn Tâm - Khúc Hát Mùa Chiêm - Khúc Nhạc Xuân - Khúc Tình Ca Ngày Cưới - Lá Rụng - Lạnh Lùng - Mộng Ban Ðầu - Mộng Cô Ðơn - Mộng Ðẹp Ngày Xanh- Mộng Ðẹp Tình Xuân - Mộng Lành - Mộng Ngày Hồi Hương - Một Người Lên Xe Hoa - Một Nụ Cười - Một Thuở Yêu Ðàn - Mùa Hoa Thắm - Ngàn Thu Áo Tím - Ngỡ Ngàng - Người Ði Chưa Về - Người Tình Không Chân Dung - Nguồn Mến Yêu - Nhạc Sầu Tương Tư - Nhặt Lá Vàng - Nhịp Võng Ngày Xanh - Nhớ Hoài - Nhớ Thương - Nhớ Về Ðà Lạt - Phút Chia Ly - Say Say Say - Thôi Ðừng Lưu Luyến Em Ơi - Thu Qua - Thương Về Quê Cha - Tiễn Bước Sang Ngang - Tiếng Ðàn Ai - Tiếng Lòng - Tìm Lại Hương Yêu - Tìm Một Ánh Sao- Tình Ðầu - Tình Thơ Mộng - Tình Trăng - Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím- Trăng Lên - Trang Nhật Ký - Trăng Sầu Viễn Xứ - Vào Mộng - Vui Cảnh Mùa Hè - Vui Cảnh Xây Ðời...
Trong nền điện ảnh Việt Nam, Hoàng Trọng viết nhạc cho rất nhiều phim, trong đó có những phim có tiếng như Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương, Giã Từ Bóng Tối, Người Tình Không Chân Dung, Sau Giờ Giới Nghiêm, Bão Tình...
Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật trong năm 1972-1973 với nhạc của phim Triệu Phú Bất Ðắc Dĩ.
Trái Tim Nghệ Sĩ

Ông hoàng của nhạc khúc tango sau thời gian cố gắng thực hiện Ðêm Nhạc Hoàng Trọng để đánh dấu 60 năm cuộc đời âm nhạc và 40 năm với Tiếng Tơ Ðồng... Nói đến Hoàng Trọng phải nhắc đến Tiếng Tơ Ðồng và ngược lại. Hơn nửa thế kỷ dấn thân cho nghệ thuật, trong vòm trời âm nhạc Việt Nam, một vì sao rơi, bao nhiêu niềm thương tiếc.
Âm nhạc có lẽ nhập vào tận huyết quản của Hoàng Trọng, yêu cung bậc đến nỗi dùng nốt nhạc để đặt tên cho con cái. Thế nhưng, nghệ sĩ sống giữa ngàn hoa song trái tim khô héo trước muôn màu khoe sắc!. Hoàng Trọng lập gia đình năm 1945, được 3 người con rồi chia tay người vợ đầu đời. Trái tim rướm máu, nỗi niềm đó thể hiện qua lời ca tiếng nhạc: "Ai thay ai đổi tơ duyên bước chân sang thuyền. Riêng ta ấp ủ trong tim tình đầu nào quên... Bao nhiêu lá thay màu,. Ngày nào ta vẫn khắc sâu ngàn câu mến thương" (Tình Ðầu). Niềm nhớ khôn nguôi với hình ảnh năm cũ vẫn canh cánh bên lòng "Ai biết thương nhớ bao giờ nguôi. Lạnh lùng trông cánh lá khô nhẹ rơi. Tìm dư âm cũ nhớ nhau mà thôi. Ðêm đêm dõi bóng một người. Tôi đi tìm thuở xa xôi" (Một Thuở Yêu Ðàn).
Hơn hai thập niên, Hoàng Trọng sống trong thế giới âm thanh, thế giới đèn màu, sống giữa bóng hồng thướt tha, yểu điệu thục nữ nhưng bao mối tình đi phơn phớt qua trái tim, lãng đãng như sương khuya, đắng cay trong hơi thở. Hoàng Trọng sống độc thân để nuôi con, ông để trái tim mình trọn vẹn với con. Trong 3 người con, Bạch La là con gái út mang hình ảnh yêu thương thuở xa xưa và Bạch La không muốn hình ảnh người đàn bà nào ngự trị trong trái tim người cha đáng kính. Bản tính nhu mì, con người mẫu mực, trái tim khô héo nhưng tỏa ra rừng âm thanh thánh thót, diệu vợi, huyền ảo, lời ca chất chứa yêu thương, đam mê, trữ tình, nồng ấm.
Là nghệ sĩ, người cha, về tình cảm, khó có ai nghĩ đến con cái như Hoàng Trọng. Năm 1975 Cung Fa di tản sang Hoa Kỳ, Bạch La lưu lạc sang Ðức, ông sống trong cảnh cô đơn. Ông mang niềm bất hạnh lớn lao, không còn sống với âm nhạc, không được gần gũi với con cái. Sau 3 năm, con trai và con gái ở phương xa lập gia đình, ông tiến bước với người ca sĩ trẻ, nhỏ hơn khoảng hai con giáp, làm bạn đời để sống bên nhau khi tuổi xế chiều. Ông viết ca khúc Chiều Rơi Ðó Em cho Thu Tâm và hơn thập niên sau đó ông không sáng tác ca khúc nào khác. Với Thu Tâm, được 2 người con là Thiên Út và Kim Mi; Hoàng Trọng muốn truyền máu huyết âm nhạc lại người con gái và tuy còn nhỏ nhưng Kim Mi chịu khó học hỏi, rèn luyện âm nhạc để thừa hưởng di sản tinh thần của thân phụ.
Trong sáu năm định cư tại Thung Lũng Hoa Vàng, Hoàng Trọng trở lại với âm nhạc nhưng không được không khí sôi động, hấp dẫn như thuở xa xưa. Ông trở lại với âm nhạc như chim muông trở về rừng tìm tiếng hót cho an ủi tuổi già, cho thỏa lòng khát khao mong đợi. Ông tìm được niềm vui, hạnh phúc gia đình với âm nhạc với sự rung cảm, đồng điệu trên bước đường sinh hoạt văn nghệ.
Hoàng Trọng muốn thực hiện "dấu ấn cuộc đời nghệ thuật" nơi hải ngoại nên mê say lao vào công việc. Tuổi già, sức yếu nhưng khi bắt tay vào nghệ thuật lại miệt mài, bất chấp sức khỏe. Và rồi, Ðêm Nhạc Hoàng Trọng là đêm định mệnh cho cuộc đời nghệ thuật, có lẽ ông cũng linh cảm được điều gì đó khi quy tụ đông đảo thân nhân và bằng hữu để cùng nhìn nhau lần cuối trong ngày tháng lưu vong. Sau đêm đó, Hoàng Trọng ngã bệnh, khó thở, non mửa thức ăn, đi vào bệnh viện và bệnh tình ngày càng thêm trầm kha cho đến lúc vĩnh viễn từ biệt cõi trần. Rồi Ngày Sẽ Trôi Qua nhưng dòng nhạc vẫn còn lại vương vấn nơi chốn cát bụi trần gian.

Ngàn Thu Áo Tím
Từ ngàn xưa, mùa thu là mùa của thi ca, hội họa và âm nhạc. Mùa thu đến và được thể hiện với âm nhạc Việt Nam trên nửa thế kỷ, tuy nhiên những tình ca mùa thu đã đi sâu vào lòng người, vượt không gian và mãi mãi quyến rũ với thời gian.
Nói đến mùa thu, với âm nhạc, nói đến tình ca. Thế giới âm thanh của thương yêu, nhung nhớ, khổ đau trong trái tim rộn rã, nồng nàn, say đắm và rướm máu. Nhiều tình ca mùa thu từ thời tiền chiến cho đến nay đều giống nhau từ giai điệu đến lời ca, êm ái, nhẹ nhàng, lả lướt, thướt tha... như thời tiết mà tạo hóa đã an bài. Những bài ca mùa thu đã trở thành quen thuộc như Buồn Tàn Thu của Văn Cao, Thu Quyến Rũ của Ðoàn Chuẩn - Từ Linh, Ðêm Thu, Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong, Thu Vàng của Cung Tiến, Mùa Thu Paris, Nắng Thu, Mùa Thu Chết của Phạm Duy, Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng, Thu Ca của Phạm Mạnh Cương, Hoài Thu của Văn Trí, Thu Tím Lá Vàng của Vân Tùng, Mùa Thu Trong Mưa của Trường Sa, Mùa Thu Cho Em của Ngô Thụy Miên, Thu Hát Cho Người của Vũ Ðức Sao Biển, Thu Sầu của Lam Phương, Nhìn Những Mùa Thu Ði của Trịnh Công Sơn, Tiếc Thu của Trần Thiện Thanh... như những ca khúc tuyệt vời, đã một thời làm vang vọng khung trời mùa thu, vượt thời gian. Hoàng Trọng cũng góp mặt trong rừng âm điệu huyền nhiệm, du dương trác tuyệt đó để làm nhịp cầu chuyển tiếp từ tiền chiến đến nay, ngoài Thu Qua, có Ngàn Thu Áo Tím. Ở hải ngoại, dù không sống trong thời khắc bốn mùa như quê nhà nhưng niềm rung cảm trong thu với ca khúc mang hình ảnh mùa thu với niềm đau thương rất tuyệt vời như những bản nhạc bán cổ điển của những nhạc sĩ tài danh trên thế giới vào thời kỳ lãng mạn của âm nhạc vào thế kỷ XIX.
Tiếng hát Thái Thanh, Quỳnh Dao... qua Ngàn Thu Áo Tím đã vượt thời gian và không gian. Thế nhưng, định mệnh với người nhạc sĩ lại đến trong âm nhạc, đôi khi bắt gặp sự linh cảm xa xăm nào đó với tình yêu. Khi viết ca khúc, Thu Tâm vẫn còn bé nhỏ và xa lạ nhưng bốn thập niên sau, ca khúc đó trở thành tiếng lòng, tâm sự của người bạn đời, góa phụ. Trong đêm tưởng niệm, tiếng hát Thu Tâm thay cho nỗi niềm thổn thức, khóc thương với hình ảnh tình quân:
"Từ khi xa anh, em vẫn yêu và nhớ. Mà sao anh đi, đi mãi không về nữa. Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ, khóc trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa...
... Anh xa khơi, bóng mưa giăng đầy lối. Anh xa xôi, áo bay trong chiều tím. Anh xa xôi, áo em tím lẻ loi, tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi...
Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím. Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím. Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau, tháng năm còn lướt mau, biết bao giờ thấy nhau..."
Ngàn Thu Áo Tím Mai Thiên Vân - Nhaccuatui.com
Cùng với ca khúc Nghìn Thu Áo Tím, ca khúc Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tìm với tiếng hát Lệ Thanh đã làm rung động hàng triệu trái tim thưởng ngoạn âm nhạc.
"Trời buồn đem mây tím về chơi vơi khiến lòng tối nhớ!:
Một mùa thu xưa lúc còn thơ ấu bên vườn mộng mơ.
Tôi đã yêu hoa màu tím.
Tôi đã hay mơ thầm kín,
Hay đứng bên song trông áng mây trôi lướt sang ngàn nơi.
Chiều chiều đi trong nắng nhặt hoa rơi ép vào trang giấy.
Và màu tôi yêu thuở nào xa vắng bây giờ còn đây.
Hiu hắt trăng thu mờ úa
Nâng cánh hoa xưa thầm nhớ
Man mác không gian mây tím giăng ngang in vào thu vàng.
Thu về hoa tím tàn, trần gian ngỡ ngàng và tim tôi xao xuyến mơ màng.
Ôi màu hoa mỹ miều, gợi thương nhớ nhiều, ngàn năm tôi mãi còn yêu!...".
Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím - Thái Thanh (5a) - YouTube
Trong buổi lễ tưởng niệm, với chiếc áo dài màu tím, người góa phụ Thu Tâm với ca khúc ngàn Thu Áo Tím như lời vĩnh biệt, mọi người đều xúc động, không cầm được nước mắt!.
Hoàng Trọng đi suốt cuộc hành trình trong chiều dài của âm nhạc Việt Nam. Ông không còn hiện diện trên cõi trần, trong không gian vô tận, thoáng hiện một vì sao màu tím với giải ngân hà bồng bềnh như những chuỗi âm thanh.
Vương Trùng Dương 
Theo http://amnhac.fm/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lần Tính Toán Sau Cùng Gã ngồi lặng bên khung cửa, lắng nghe từng cơn đau xé da thịt. Gã tính khoảng cách giữa các cơn đau, gã nhớ lần...