Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

"Lẽ nào anh chết" - Một bài thơ lạ của thi sĩ Lưu trọng Lư

"Lẽ nào anh chết"
Một bài thơ lạ của thi sĩ Lưu trọng Lư 
Anh không ngồi đếm bao thu còn lại.
Còn bao tuần lá đổ nữa, vàng sân.
Khi cánh song anh khép kín cõi trần
Anh vẫn không tin: mình chết.
Đâu phải anh vào nơi bất diệt
Vì trăm năm sau
Cô bé nào bên cầu ao
Chợt ngâm đùa mấy câu thơ anh, vớ vẩn.
Anh biết rồi, mắt anh sẽ là bụi phấn
Nhưng em có hay: hạt bụi mắt anh
Là con thương của giọt nắng rơi tự trên cành
Và của giọt sương hoang từ đất đen tụ lại.
Còn say, còn mơ và đòi luân hồi mãi mãi
Hạt bụi mắt anh đi cướp lửa sao trời
Để sưởi nồng mảnh mảnh trăng rơi
Và chút chút nhen hồng trong mắt người bất hạnh…
Có những hoàng hôn toan xoá mờ chân sói
Giữa nơi đây ta chong sáng ngọn đèn.
Giữ mãi hồn thương, sắc mơ còn đỏ mãi
Dẫu mơ kia chưa trọn nở trước thềm!
Khi gà mai mỗi ngày còn đập cánh
Ai tắt được lửa bình minh
Khi tim anh còn chan chứa ân tình
Lẽ nào em tin rằng: anh chết.
“Lẽ nào anh chết” được viết cách đây tròn hai mươi năm, khi nhà thơ nằm trên giường bệnh.
Bài thơ chưa hề được công bố trên sách, báo - cũng giống như hàng trăm bản thảo thơ, kịch, tùy bút, tiểu luận, ghi chép, thư từ… của ông đang còn nằm chờ các nhà nghiên cứu và các nhà xuất bản. Khi biết tin nhà thơ vĩnh biệt cõi đời, tất cả những người yêu thơ ông đều bàng hoàng tiếc thương và chợt ngẩn ngơ như muốn hỏi: “Lẽ nào anh chết”?!…

Nếu ai đã từng quen thuộc với một thời Tiếng thu và hình ảnh người thi sĩ họ Lưu ngồi đếm mưa tính sổ cuộc đời trên một gác trọ quạnh hiu lúc ba mươi tuổi, mới thấy hết ý vị của những câu:
Anh không ngồi đếm bao thu còn lại.
Còn bao tuần lá đổ nữa, vàng sân.
Khi cánh song anh khép kín cõi trần
Anh vẫn không tin: mình chết.
Điều khẳng định: “nhà thơ không thể chết” sẽ vang vọng toàn bài và là nguồn thi hứng chính, một ý tưởng tranh luận trực diện. Dường như để chứng tỏ sự tỉnh táo của mình và sự nghiêm túc của điều đang bàn, nhà thơ đặt một giả thiết có ý nghĩa lật lại vấn đề :
Đâu phải anh vào nơi bất diệt
Vì trăm năm sau
Cô bé nào bên cầu ao
Chợt ngâm đùa mây câu thơ anh, vơ vẩn.
Chẳng phải vì nhà thơ hiện đại bắt gặp tâm trạng “bất tri tam bách dư niên hậu” của thi hào họ Nguyễn. Cũng chẳng phải vì sức sống của những vần thơ yêu đời vượt qua thời gian để đem thêm nguồn vui cho con trẻ đời sau. Càng không phải cái ý nghĩ về Đài kỷ niệm mà “Nhà tiên tri” Puskin đã nói (Rồi nhân thế sẽ còn ca ngợi ta mãi mãi / Vì trong thế kỷ bạo tàn / Ta đã ca ngợi tự do và tình thương kẻ khốn cùng – Thúy Toàn dịch). Sự “giải thích” của nhà thơ chắc chắn làm ngỡ ngàng không ít người đọc lúc đầu:
Anh biết rồi, mắt anh sẽ là bụi phấn
Nhưng em có hay : hạt bụi mắt anh
Là con thương của giọt nắng rơi tự trên cành
Và của giọt sương hoang từ đất đen tụ lại.
Mới nghe qua, tưởng dâu như sự lặp lại một lời của Thiên Chúa Yavé trong Thánh kinh: “Từ cát bụi hãy trở về cát bụi”. Ngẫm nghĩ một chút có thể thấy ở đây một sự sáng tạo tinh tế và thâm trầm. Người đọc không cảm thấy sự cầu kỳ vốn có trong những hình ảnh tổ hợp trên, bởi đã được cảm xúc hồn hậu và lắng đọng của nhà thơ dẫn vào rung cảm trực tiếp với cái đẹp của tự nhiên đơn sơ, vĩnh cửu, đồng thời thụ cảm được một khía cạnh trong bản chất của người nghệ sĩ: làm giàu có thêm cho cuộc đời. Và trong cái “trường ẩn dụ” vừa được khơi mạch đó, nhà thơ đã say sưa viết những dòng đầy cảm hứng về sứ mệnh của người nghệ sĩ chân chính:
Còn say, còn mơ và đòi luân hồi mãi mãi
Hạt bụi mắt anh đi cướp lửa sao trời
Để sưởi nồng mảnh mảnh trăng rơi
Và chút chút nhen hồng trong mắt người bất hạnh…
Thực ra, khi nhà thơ có thoáng chút siêu hình về cái chết trong lúc ốm nặng thì cũng là lúc thấm thía hơn bao giờ hết về cái đẹp vô tận, cái ý nghĩa tuyệt diệu của cuộc sống trên trái đất này – đặc biệt là sự sống chứa đựng những lẽ làm người có sức chiến thắng mọi điều chết chóc, phi nghĩa, bạo tàn:
Có những hoàng hôn toan xoá mờ chân sói
Giữa nơi đây ta chong sáng ngọn đèn.
Giữ mãi hồn thương, sắc mơ còn đỏ mãi
Dẫu mơ kia chưa trọn nở trước thềm !
Những lời thơ rắn rỏi, quả quyết làm sao mà cũng dạt dào trìu mến, xúc động làm sao ! Ta hiểu rồi : cái bất tử của người nghệ sĩ thực thụ chính là cái bất tử của sự sống ấy, có nỗi đau được thức tỉnh, có tiếng cười giọt nước mắt, niềm hy vọng… Khi “đặt mình ngoài sức hút của cô đơn” nhà thơ “sẽ có một mái nhà trong vũ trụ” để “Rải hoa trên mình quỹ đạo” (Vòng quỹ đạo của thơ tôi). Triết lý về sự bất tử này đâu phải là một sự “làm duyên làm dáng” mà nhà thơ vẫn miệt thị ! Nó là kết quả của những ý tưởng trung thực, chân chất, nặng đầy và nóng bỏng từng giờ nung nấu tâm can nhà thơ. Nó là sự quy tụ của những điều đang lay động lương tri của hành tinh này. Một giọt lệ của chú gấu Misa tạm biệt trái đất ngày kết thúc Olympic cũng làm nhà thơ bâng khuâng mãi:
Misa sẽ ở mãi giữa cuộc đời này
Như tình thương đến giữa trái đất này
Chẳng ai nghĩ rằng: tình thương sẽ chết.
(Tạm biệt Misa)
Dễ gì mà tuyên bố được một điều giản đơn, với một tinh thần công dân cao cả và một nguồn thi hứng sâu sắc : “Vì yêu con người, tôi gắn mình vào trái đất” (Vòng quỹ đạo của thơ tôi). Điều đó thực xa lạ với những “tín đồ” của Schopenhauer, nhà triết học bi quan, một người đã từng viết: “Sự sống là cái nhầm lẫn quan trọng nhất của bản thể con người”, và: “cái chết là một sự tỉnh ngộ lớn” – “Xét cho cùng chúng ta là cái gì không nên có…” ( Métaphisique de la Mort ).
Bài thơ khép lại bằng một khổ, tuy chỉ là một sự nhắc lại những điều đã nói nhưng thực ra lại gợi biết bao điều suy tư day dứt, rộng hơn số phận một cá nhân, rộng hơn sự bất tử của người nghệ sĩ – đó là sự sống bất diệt của lẽ phải, của tình thương và ân nghĩa trong mối quan hệ giữa con người với con người:
Khi gà mai mỗi ngày còn đập cánh
Ai tắt được lửa bình minh
Khi tim anh còn chan chứa ân tình
Lẽ nào em tin rằng: anh chết.
Có thể khẳng định rằng : Lẽ nào anh chết là một bài thơ hay và khá tiêu biểu cho phong cách tư tưởng - nghệ thuật của nhà thơ trong những năm cuối đời.

Hà Nội, 2010
Nguyễn Anh Tuấn
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đường l...