Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Ngô Minh - Nhà thơ của biển đảo quê hương

Ngô Minh - Nhà thơ 
của biển đảo quê hương
Hẳn ai đã từng đọc thơ Ngô Minh sẽ không thể quên những miền “cát trắng tinh”, từng lớp sóng vỗ ru hay những cảnh tượng biển với đủ kiểu trạng thái lúc dữ dằn ghê rợn, lúc lãng mạn trữ tình, lúc đau thương tột cùng cũng có lúc đằm thắm chất chứa yêu thương đã dệt nên một hồn thơ tha thiết với quê hương, với biển đảo mà như ông đã từng ao ước: “Những câu thơ như vỏ sò vỏ ốc/ Với mênh mông tiếng biển trong lòng”.
Có thể nói, hành trình thơ ông là hành trình tiếng thơ hòa vào với tiếng biển ru mỗi ngày, là hành trình tiếng lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của một người lính trở về sau bao năm trên chiến trường. Dù xuất hiện khá muộn trên thi đàn so với bạn bè trang lứa nhưng thơ ông đã khẳng định được vị trí và sức vang trong dòng chảy văn học Việt hiện đại. Trên chặng đường sáng tạo, ông đã dành tâm huyết rất nhiều cho những vần thơ về biển đảo. Có thể nói, biển đảo là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi dòng thơ của ông. Hành trình từ tập  “Chân sóng”, “Quà tặng xứ mưa:, “Đứa con của cát, “Phù sa biển”, “Huyền thoại Cửa Tùng” cho đến “Ký tự biển”,…biển đi vào thơ một cách tự nhiên và ở lại sâu lắng trong lòng người. Biển trong thơ ông không còn là một hình ảnh của đời thực tự nhiên mà nó đã trở thành một nhân vật với bao nỗi niềm lắng đọng và một tình yêu gần gũi, bao la, chân thành như chính lòng mẹ vỗ về, ôm ấp. Đến với những vần thơ chan chứa tình với biển đảo là do “sự hợp tác của cơ duyên” hay là chính nội tại trong lòng tác giả, tất cả đều lí giải cho một hồn thơ đầy nhiệt huyết và sục sôi lòng yêu nước. Ai cũng biết rằng ông sinh ra ở làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, là nơi mà như tác giả đã tâm sự: “Từ thưở mẹ đẻ rơi tôi bên bờ chân sóng, trong tôi biển đảo Việt Nam là hoàn thiện, giống như làng tôi vậy. Tập thơ nào tôi cũng có nhiều bài thơ về biển, có tập toàn về biển…”, là “cội nguồn cảm xúc thi ca đời tôi. Bởi thế trong thơ tôi có nắng cát biển muối Quảng Bình, lại có hạt hồ tiêu cay nồng…”.
Bên cạnh cái “cơ duyên” tự nhiên đó, yêu biển đảo còn xuất phát từ những năm tháng tham gia quân ngũ, chính những năm tháng tôi luyện trên chiến trường đã thổi thêm và hun đúc cho ông lòng yêu quê hương đất nước vốn đã có nền tảng ngay từ ông còn nhỏ. Vì thế, nếu ai chưa hiểu được hoàn cảnh trước đây của chính tác giả thì không thể hiểu được lòng yêu nước của ông trung thành và tuyệt đối đến chừng nào.
Hành trình về với biển, nhà thơ như về lại về chính ngôi nhà, ngôi làng của mình – nơi chôn giữ bao kí ức ngọt ngào và lưu luyến nhất: “Ta về uống câu buồn đời mẹ đời cha/ từ xửa từ xưa truyền qua tao võng/ nhận ra bao điều mới mẻ trong ta/ về cúi mặt soi vào từng hạt cát/ gặp ảnh hình sáng láng giữa phong ba” (Truyền thuyết làng chân sóng). Không những thế, trở về với biển còn chính là sự trở về với  cội nguồn dân tộc, trở lại nơi ta được sinh ra và mãi mãi khắc ghi dấu ấn cội nguồn:
Biển là mộ, làng ơi, con nhớ
tháng Bảy sóng nhảy qua bờ
tháng Bảy giỗ mạ, giỗ dì Quế và giỗ Biển
con lại về cúng biển
hóa vàng thơ...
(Mộ biển)
Đó còn là nơi thiêng liêng để khi quy tiên con người ta lại hướng về và nơi đó như là nơi gần gũi, thân thuộc như những cánh đồng, ngôi làng, thân yêu mà ta từng sở tại một thời:
 mộ ông nội ta nằm quay ra hướng biển
mộ bà nội ta nằm quay ra hướng biển
mộ ba ta nằm quay ra hướng biển
mộ mạ ta nằm quay ra hướng biển
đời nội ngư trường Hoàng Sa như cánh đồng làng
đời ba ngư trường Trường Sa như cánh đồng làng
(Thức với làng biển Thượng Luật)
Chính vì thế, biển đảo quê hương luôn là tiếng mời gọi thôi thúc trong lòng tác giả “Quê hương ơi/ Cửa Tùng Vĩnh Quang Cát Sơn Thủy Bạn/ gió lạnh bên này bên ấy tìm chăn/ dòng sông hẹp chỉ còn bước nhảy/ người tìm sang và cát tìm sang/ hai mươi năm sông thành máu chảy/ biển lập lòe lửa nhang sớm tối” (Mộ biển). Biển là nơi hội tụ mọi nguồn thi hứng cho tác giả, là niềm tự hào trước hết thảy vạn vật và với các cường quốc trên thế giới về một đất nước có đường ven biển trải dài từ Bắc xuống Nam: “Đây tuổi trẻ của ta/ đây tình yêu của ta/ kìa nhánh san hô tận cùng đáy cát/ lắc lư sắc biển chói lòa…” (Phù sa biển). Chính sự kiêu hãnh về một vị thế khá độc đáo đó của bờ biển Việt Nam, nhà thơ Ngô Minh lại có thêm điều kiện để khởi thảo nên một vùng biển với bao lớp lang tầng nghĩa ẩn kín về một không phận không tách rời với đất liền. Dưới con mắt nhà thơ, biển hiện lên với bao suy tư, nỗi niềm như một chứng nhân lịch sử đầy trải nghiệm, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng đầy niềm tự hào về sự oanh liệt và kiên cường, bất khuất, biển đồng hành cùng người dân chiến đấu:
“Tất cả ngư dân vùng biển Vĩnh Linh ban ngày bắn máy bay, ban đêm họ lại đẩy thuyền ra biển, vận tải tiếp tế sung đạn, lương thực, thuốc men, quần áo, gạo cơm và cả những bài hát ra đảo Cồn Cỏ phục vụ chiến sĩ ta đánh giặc. thuyền vận tải là thuyền vỏ trấu huyền thoại được đóng bằng gỗ…Đảo Cồn Cỏ là trái tim biển. Để cô lập Cồn Cỏ anh hùng, giặc Mỹ thường xuyên đánh phá, ngăn chặn con đường tiếp tế dân gian bền bỉ này…Nhiều người trong số họ đã hi sinh trên đường ra đảo hoặc từ đảo trở về, nhiều người họ bị địch bắt, bị mất tích vì thuyền chìm…Tất cả họ đã trở thành muối mặn, thành gió nắng Cửa Tùng”  (Mộ biển)
Một điều dễ nhận thấy trong thơ là ông luôn tái hiện được những trận đánh qua hình ảnh người lính biển cầm chắc tay súng bảo vệ vùng trời của tổ quốc và qua ý chí sôi sục “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của quân và dân ta:
Các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam ơi
Giặc đã đâm dao vào cơ thể Tổ Quốc
90 triệu người Việt Nam hóa 90 triệu cọc Bạch Đằng
90 triệu người thành 90 triệu Dã Tượng, Yết Kiêu
Biển Đông dậy sóng
(Thơ tặng chiến sĩ Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang chiến đấu ở Hoàng Sa) 
Cũng từ đó, biển là nơi các anh tựa lưng khi về với đất mẹ sau tháng ngày canh giữ, chiến đấu với kẻ thù muốn chiếm đóng tấc biển Việt Nam: “Hải đội Hoàng Sa xưa hi sinh vì Tổ Quốc/ Thắp cho linh hồn 74 chiến sĩ giữ đảo năm 1974”  (Nắm cát Hoàng Sa). Biển là nơi lưu dấu hình ảnh những con người kiên trung hi sinh vì Tổ quốc, vì nền hòa bình và lãnh hải bất khả xâm phạm:
Làng ơi
Bên trái ta là eo Tàu Đồng, bên phải là xóm Tàu Sắt
Những con tàu xâm lăng bỏ xác một thời
Chị dâu ta trung đội trưởng pháo tầm xa 85 ly
Bạn gái ta mười đứa là pháo thủ
Năm lần bắn cháy tàu chiến Mỹ
“Xê gái pháo binh Ngư Thủy” hóa tượng đài
 Vĩnh hằng trước biển
(Thức với làng biển Thượng Luật)
Chính những điều đó đã hình thành nên một cảm quan về biển hoàn toàn khác biệt trong thơ ông so với những nhà thơ cùng hướng ngòi bút về biển đảo. Những suy tư về biển, những mất mát không nhìn thấy thi thể và cả những“Tiếng sóng không vọng lên từ biển mà từ muôn tầng đất, từ tâm thức con người hai mươi bảy năm sau cuộc chiến, là tôi, về gối đầu lên ngổn ngang ký ức ngay nơi rốn của lịch sử đất nước, đời mình” đã hình thành nên một tứ thơ chất chứa nỗi niềm về biển đảo quê hương. Cùng viết về biển nhưng ở nhà thơ Ngô Minh, biển vượt ra ngoài khung nghĩa thông thường và mang một tinh thần rộng lớn nhân văn hơn. Biển trong thơ ông không những đẹp ở cái cảnh tự nhiên mà còn mang vẻ đẹp lắng đọng trong hồn người, biển chính là lòng mẹ ôm ấp, vỗ về, soi chiếu bước đường con đi và cũng là nơi gọi mời con trở về trên suốt hành trình dài đầy thử thách, khắc nghiệt của cuộc đời. Điều đặc biệt, biển còn là ngôi mộ lớn, là ngôi mộ chung của dân làng chứ không riêng gì là mộ của những chiến sĩ giữ đảo cách riêng: “Mộ cả làng tôi bên biển/ Biển cũng là ngôi mộ lớn, làng ơi”. Vì thế “những ánh mắt tắt đỏ đêm Cửa Tùng như những linh hồn ấy cứ hút tôi tới gần/ Ôi, biển ơi, cát ơi, Người không ngủ, những đốm lửa cháy tự bao giờ…/ Ồ, những nấm mộ biển, những chùm hoa muống biển và những que nhang…” luôn hiển hiện trong chính suy nghĩ của nhà thơ. Chính những con người một đi không trở về đã chọn biển làm nơi nương náu sau hết, xem lòng biển như chính lòng mẹ đón con về sau những tháng ngày gian lao trên cõi trần lại là nơi hẹn ước cho lời thề còn bỏ ngỏ: “Ra với biển là đến với anh/ là ra với tình yêu bất tử/ thắp nhang cho anh thắp nhang cầu nguyện biển/ biển ơi, biển mãi ắp đầy”. Nhớ thương, sầu tủi muốn chia sẻ với người cùng chung chăn gối không “giấy báo tử” nhưng không có người trở về nhưng người đàn bà vẫn lặng lẽ thắp nhang khấn vái trước “biển đêm vẫn rì rào bí ẩn và lấp lánh như ánh mắt anh cười lúc vác mái chèo chào tạm biệt vợ con. Biển không hề thiếu vắng điều gì, vẫn mặn vẫn sâu trong kí ức của chị” (Mộ biển).
Không dừng lại ở đó, biển trong thơ ông còn mang nét nghĩa ngợi ca sự giàu đẹp và trù phú. Càng về với biển, càng đi sâu vào lòng biển ta mới thấy hết dư vị của nó. Biển không chỉ mang lại đời sống tinh thần hay tạo nguồn thi hứng mà biển còn là một kho lương thực dự trữ giàu có của quốc gia, dân tộc. Biển mang lại những thực phẩm cốt yếu cho đời sống của con người. Vì thế, Ngô Minh không khỏi ngần ngại khi viết “cơm áo, bài ca/ tôi cất dành trong biển”. Hay “Biển như mâm cơm/ Đảo là bát úp/ Biển là làng/ Đảo ngoài khơi dang tay che chắn (Ký tự biển). Chính vì thế, biển giữ một vai trò hết sức quan trọng “giọt máu là giọt biển/ giọt mồ hôi là giọt biển”.
Có thể nói rằng, viết về biển nhà thơ Ngô Minh đã hòa hồn mình vào với biển để “đi tìm lại chính mình…đi tìm lại tình yêu như lửa/ nguồn đất sâu sinh ngọn gió mát lành” một thời vóc dáng đánh Mỹ với quyết tâm rũ bỏ những ớn hèn. Chính những “ngôi mộ vừa đắp gió khỏa bằng”, những đau thương, mất mát đã ngấm vào cơ thể như một vi chất không thể thiếu trong chính sự tồn tại của mình và được bộc phát qua những dòng thơ đầy cảm nghiệm về nỗi đau thương mà biển phải gánh lấy. Từ đó làm dậy lên những dòng thơ đầy trăn trở của một thi sĩ yêu nước chân thành, tuyệt đối: “chẳng làm được gì cho cuộc đời đổi khác/ chẳng làm được gì cho biển bớt đau thương…”.
Tài liệu tham khảo
1. Tập thơ Chân sóng, NXB Hội nhà văn, 1995
2. Tập thơ Đứa con của cát, Sở văn hóa thông tin Quảng Bình, 1998
3. Tập thơ Phù sa biển, NXB Thuận Hóa, 2001
4. Tập thơ Huyền thoại Cửa Tùng, NXB Thuận Hóa, 2004
5. Tập thơ Ký tự biển, Bản thảo.
Bùi Ánh
Theo http://anhbui6688.blogspot.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...