Ngôn ngữ trần thuật
Hòa Vang là một tác giả có phong cách nghệ thuật khá độc đáo
trong văn học Việt Nam giai đoạn Đổi mới. Truyện ngắn của ông vận dụng nhiều
hình thức ngôn ngữ trần thuật đầy biến ảo đem lại những bất ngờ, thú vị cho độc
giả. Khảo sát ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn tác giả này, chúng tôi hi vọng
sẽ nhận diện sâu hơn, chính xác hơn đặc sắc truyện ngắn Hòa Vang từ một phương
diện nghệ thuật cụ thể. Nhìn chung, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Hòa
Vang có ba đặc điểm nổi bật sau đây:
1. Ngôn ngữ trần thuật đậm tính khẩu ngữ suồng sã
Từ sau 1986, văn học với nhiều bước chuyển biến trong tư duy
nghệ thuật kéo theo đó là sự đổi mới trên nhiều bình diện: từ đổi mới quan niệm
nghệ thuật về con người đến những cách tân về thi pháp. Mỗi tác giả truyện ngắn
có một cách nhìn, cách đào sâu hiện thực riêng không ai giống ai nhưng họ lại bắt
gặp ở nhau về hình thức thể hiện ngôn ngữ - đó là tính hiện đại trong ngôn ngữ
trần thuật. Tính chất hiện đại này đã giúp họ thu hẹp được khoảng cách giữa truyện
kể với hiện thực cuộc sống. Bên cạnh những ngôn ngữ đài các, trang trọng, quyền
uy là thứ ngôn ngữ khẩu ngữ, chợ búa, vỉa hè. Hiện tượng này chúng ta bắt gặp
không ít trong các tác phẩm truyện ngắn sau 1986, đặc biệt là trong sáng tác của
những lớp người trẻ với kiểu ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ chat – internet.
Trong truyện ngắn Hòa Vang, việc sử dụng ngôn ngữ - khẩu ngữ
mang tính vùng miền đã tạo ra một hiệu quả thẩm mĩ nhất định cho việc thể hiện
nội dung tư tưởng của truyện. “Lói cho em biết: Hạnh phúc nà ló ở
chính tay mình. Phải quyết niệt đi thôi…Doạ lạt nà chính thôi đấy,
mấy cái thằng cha giấy giấy bút bút ấy, trông thì có vẻ nắm, nhưng chỉ giơ
dao nên nà vãi ninh hồn ngay đấy mà. Báo trước cho mà biết, án mạng nà đây
té đấy nhé. Ấy, lói trước rồi đấy. Không có nại trách
nhau nà Sở Khanh” (Tâm hồn chó). Đây là kiểu ngôn ngữ mang đậm dấu ấn
của miền Bắc, phát âm không phân biệt được âm l và n, sự đảo lộn
giữa hai âm tiết khi phát âm.
Bên cạnh đó, truyện ngắn Hòa Vang còn sử dụng cả những tiếng
lóng, những từ ngữ tục, những câu chửi mang tính thô tục, thiếu tôn trọng và có
thể nói là “vô văn hóa”, những kiểu viết tắt gây khó hiểu... được người trần
thuật sử dụng khá thường xuyên. Ở dạng này chúng ta bắt gặp trong Ăn
kêu với kiểu viết đầy hình ảnh, đầy cách suy luận “KAMA”, kể cả
trong nhan đề của tác phẩm cũng được ông đắc dụng “Hiện tượng HVEYA”; hoặc
ở Chim sứ: “Mẹ kiếp! Người chứ không phải là chim. Lại còn già nữa chứ! –
Nó văng tục, nhổ nước bọt, hạ súng xuống, liếm mép”. Việc vận dụng thích hợp mảng
ngôn từ ít có giá trị thẩm mĩ tự thân này, trong một chừng mực nhất định, vẫn
có thể nâng cao hiệu quả trần thuật. Ở giai đoạn trước đây cách nói không
có trật tự trên dưới của những người tham gia giao tiếp rất hiếm khi xảy ra bởi
cái văn hoá Nho gia đang thấm đẫm và ngự trị sâu đậm bên trong mỗi con người,
bên trong tầng ngầm văn hoá dân tộc , thì giờ đây, trong truyện ngắn đương đại,
kiểu nói “hỗn láo”, "xấc xược", “vô bổ”, “thiếu văn hoá” cùng những
hành động “lỗ mãng”, “vô lối” của lớp trẻ không còn quá lạ tai, chướng mắt nữa.
Tất cả những điều đó nhằm phê phán một mảng xã hội bộn bề, mọi chuẩn mực đạo đức
bị đảo lộn, sự tụt dốc về nhân cách của lớp trẻ. Nhiều cây bút đã không ngại sử
dụng thứ ngôn ngữ trần thuật "thiếu thiện cảm", nhằm “lạ hoá” ngôn từ
trong giao tiếp để làm nổi bật sự biến chất của những con người trẻ trong xã hội
hiện đại. Đây là một trong những cách nói năng của lớp trẻ trong khi giao tiếp
với người lớn tuổi. Đây là một trong những tình huống mà nhân vật làm nghề gác
cổng sân bóng đá nói chuyện với đám trẻ trong truyện Ôi! Marađôna:
Có gì dạy bảo con cháu thế, bố?
Ái chà. “Ban căng” gớm nhỉ. Chắc bố toàn sài ngô bắp với hạt
bo bo nên cái giọng nó không được mềm như chúng con đây chuyên dùng gà hầm nhồi
hạt sen ninh dừ, bún mọc với giò lụa thái chỉ. Bố mà quát nữa, con hãi, con mà
“pít-xê-tút-xuỵt” ra đây là trách nhiệm bố làm mất vệ sinh đấy nhé! Xoát vé phỏng?
Xong béng!
Nó gí vào mũi ông một tấm vé mời…giấy lụa, chữ nổi, viền kim
nhũ.
“Thằng khốn, cái mặt nó đẹp mà đểu, cái giọng nó ngọt xỉu mà
xỏ lá”. Ông lúng túng:
Thế.. thế sao lại ngồi ở đây…không đúng chỗ. Hử hử?
Nó ngả ngớn, bả lả kéo ông lại:
Hơ hơ hơ…này, chỗ bố con, con phát biểu chân tình với bố đấy
nhé: tư duy của bố cũ lắm, gay đấy! Tiêu chuẩn thấp mà lại cứ hưởng cao thì mới
đáng “ọi cho nó vãi linh hồn” ra chứ bố. Còn như con giai bố đây, vé là ở tận
cái nơi có lọng vàng tán tía kia, mà lại bò xuống đây ngồi, thì phải là được
khen chớ. “Đồng cam cộng khổ” đi sâu đi sát quần chúng “chớ bộ”.
Mặt ông đực ra. Nó gật gù nhìn ông rồi chợt nghiêm mặt, đổi
giọng:
Khổ, tội nghiệp bố. Để con khai thật cho bố nghe nhé. Con là
một thằng “phe”, bố rõ chưa. “Phe” thứ thiệt, quân cặn bã chạy “mánh” chỉ biết
có tiền…” [3, tr 195-196].
Đến tình huống thứ hai cũng với một thứ ngôn ngữ thô tục, một
thái độ bất thành kính, vô văn hoá của lớp người kiểu Chí Phèo trong xã hội mà
ông gặp phải:
“- Anh kia! Ra đây. Sao lại ngồi chỗ của trẻ con?
Nó vặc lại liền, lớn tiếng hơn ông. Mắt trợn, mang phồng.
Cái gì? Đi lối nào? Đặt chân vào đâu mà ra hả? Khâu mõm lại
thằng ngợm!
Ông ngớ người trước sự thô bạo, tục tằn. Lại ắng cổ vì nhận
ra một sự thực. Người ta đã bán vé cho thiếu nhi nhiều hơn chỗ ngồi quy định gấp
hai lần để cân bằng hoàn toàn việc giá vé cho giá vé thiếu nhi được giảm năm
mươi phần trăm. Các cháu ngồi trồng đống trồng khê lên cả những vệt lối đi tí
xíu. Ông nuốt khan cái vị cay cay tự nhiên xộc lên trong cổ, hỏi vớt vát:
Lậu cái bát hương ông vải nhà mày hả? Nống mắt lên, thằng ngợm…Bố
to xác, tốn chỗ, bố tự lo những bốn vé đây. Còn muốn gì? Hả, hả! Cũng nói luôn
cho thằng ngợm già nghe: tao không có rửng tiền đâu mà mua. Tao “trấn” đấy. “Trấn”
của bốn đứa trẻ con đấy! Xong hẳn chưa? Thôi, cút mẹ mày đi! Đừng đứng đấy, ngứa
củ ráy bố…” [3, tr 197-198]
Đoạn văn sau đây trong Đại hùng kê là bằng chứng của
một thứ ngôn ngữ giao tiếp đáng kinh hãi xuất hiện đậm đặc trong truyện ngắn
hôm nay: Phéng mẹ nó một nhát với cái lão "hâm đơ" viêm màng túi
mãn tính cùng đời ấy cho xong phắt đi. Thiếu gì các “víp”, các “xếp” hảo ngọt.
Chị mới sắp bốn mươi cái lơ thơ tơ liễu buông mành, sợ gì?. Mà dạo này lại đang
đẫy ra đấy, phây phây lắm, ngọt bột canh Ajinô Môtô lắm. Cứ yên tâm vững bước
mà đi…bước nữa, cho nó hả cái đời” Có một sự đối nghịch rõ rệt nếu soi xét
bằng con mắt thực dụng giữa lão chồng hâm đơ và người vợ còn ngọt
bột canh Ajinô Môtô lắm. Đúng như hoàn cảnh hiện tại của nhân vật trong truyện,
ông lão nhà giáo dạy sinh vật với đồng lương ít ỏi không đủ để trang trải cuộc
sống và với thu nhập kém vợ đến hai mươi lần. Điều này đồng nghĩa với sự thay đổi
trong tình cảm và thái độ đối xử giữa vợ chồng với nhau. Điều này càng trở nên
thuyết phục hơn nhờ ngôn ngữ phố phường thời hiện đại.
Có thể nói, truyện ngắn đương đại đã tái hiện bức tranh xã hội,
đời sống hiện đại của con người một cách sinh động và đa dạng từ phương diện lời
ăn tiếng nói của con người.
2. Ngôn ngữ trần thuật mang tính diễm ảo, trữ tình
Thế giới và con người hiện lên sinh động trong một bức tranh
ngôn ngữ đầy lực hút hấp dẫn và ma quái. Đến với văn học sau đổi mới, người đọc
không khỏi không bắt gặp một “thứ ngôn ngữ nằm giữa đường biên của hư và thực,
bình thường và linh dị nhằm diễn tả một thế giới kì bí, đầy thách thức đối với
trí tuệ, tình cảm con người” (Bùi Thanh Truyền). Vì thế, ngôn ngữ trong truyện
ngắn Hoà Vang cũng không nằm ngoài hiện tượng này.
Tiếp cận với truyện ngắn của ông, trước hết, chúng tôi nhận
thấy đó là một thứ ngôn ngữ với nhiều cảm giác, hơn nữa, nó còn tạo được “cảm
giác mạnh” cho độc giả ngay từ lúc bắt đầu “đụng độ” với nhan đề tác phẩm
như Hư ảnh, Quyền không điên, Nhân sứ, Tổ tông truyền, Sự tích những ngày
đẹp trời, Trong ảo giác Hồng ngọc, Đắng ngọt quán,…Một thế giới đầy những Phật,
những La Hán, những thần linh, thiên đình, yêu quái trong Nhân sứ đã
đem lạ cho người đọc một cảm giác vừa thiêng liêng vừa rùng rợn bởi những chiêu
đòn, sắp bày trận địa của yêu ma quỷ quái. Rồi cái thứ ngôn ngữ của thế giới đầy
huyền bí xa xăm của thế giới không phân biệt được trần gian đời thực với âm ti
địa phủ và chốn thanh tịnh của Phật giới: “cái đêm mịt mù tử khí”, “đống xương
trắng của Bạch Cốt Tinh…với di cốt tan nát của một yêu quái đã bị Tôn Sư huynh
ta đánh chết”, “chỉ một mình ta đã đứng chết, sửng sởn hết gai người…lại càng
thấy ghê rợn”, “một tia chớp xé toang rồi không chịu tan lặn, nhằng nhằng vĩnh
viễn thứ ánh sáng lóa mắt”. Đó còn là thứ ngôn ngữ đầy sương mù của xứ sở người
“hư ảnh” trong truyện ngắn cùng tên: “Y rùng mình…tai y vẫn ăm ắp, nêm lèn
tiếng những con người. Gào thét, bông phèng, van lơn…Thư tiếng trùng điệp, quây
tròn, tua tủa hướng chõ vào y”, đầu óc mụ mị, mê lú”, “láng máng, sột sệt cảm
thấy những bất trắc vu vơ bắt đầu lởn vởn…”. Rồi hàng loạt những từ ngữ gợi
cảm giác rùng rợn, khiếp đản như đang phải đối diện với thế giới đầy sương mù của
không gian chập chờn giữa đêm khuya mờ ảo, giữa một thế giới không phân biệt được
rạch ròi: Ầm ào, mụ mị, mê lú, sột sệt, lởn vởn, ma ám, héo quắt, gầm rống,
quẫy lộn, cào cấu dữ dội, mơn trớn, kinh hãi, bất giác, rờ rẫm, bấu miết, mông
lung, cứng lạnh, sục sạo, run run lẩy bẩy, đông cứng, lạo sạo,… Ngôn ngữ đầy
cảm giác, gợi hình trong truyện mang lại cho người đọc cái suy nghĩ bị vây bủa,
giăng mắc, bị ám ảnh như đang phiêu du trong thế giới truyện “kỳ ngôn” của tác
giả. Không những thế, nó còn là một thế giới gợi mở sự hứng thú, những bất ngờ
cho người đọc. Bên cạnh đó, thứ ngôn ngữ đa thanh, giàu hình ảnh cũng đã góp phần
tạo nên nét độc đáo cho truyện ngắn của ông.
Và một lẽ dĩ nhiên, chính hệ thống ngôn từ này đã kiến tạo nên một không gian nghệ thuật mang đầy những đặc trưng kì ảo. Đó là hệ thống không gian phi thực như trời, Tây thiên, thủy linh động, thiên đình,…Rồi hệ thống những tên gọi đầy tính phi thực kiểu: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Lôi, Chúa Sấm Sét, Bụt Nhân Từ Hỉ Xả Vô Biên, Tam Bá Thượng Đẳng Đầu Lĩnh Thiên Cung, Thiên Lôi… “đã trở thành bầu khí quyển mới lạ đòi hỏi ngôn từ phải có sự bứt phá, vượt ngưỡng để thích ứng” (Bùi Thanh Truyền).
Và một lẽ dĩ nhiên, chính hệ thống ngôn từ này đã kiến tạo nên một không gian nghệ thuật mang đầy những đặc trưng kì ảo. Đó là hệ thống không gian phi thực như trời, Tây thiên, thủy linh động, thiên đình,…Rồi hệ thống những tên gọi đầy tính phi thực kiểu: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Lôi, Chúa Sấm Sét, Bụt Nhân Từ Hỉ Xả Vô Biên, Tam Bá Thượng Đẳng Đầu Lĩnh Thiên Cung, Thiên Lôi… “đã trở thành bầu khí quyển mới lạ đòi hỏi ngôn từ phải có sự bứt phá, vượt ngưỡng để thích ứng” (Bùi Thanh Truyền).
Sự mong manh giữa hai bờ hư - thực, lối kết hợp tài tình giữa
nguyên tắc tả thực và nguyên tắc tượng trưng trong bản thân huyền thoại, kì ảo
đã trao cho nó thứ ngôn ngữ đầy chất thơ. Bởi thế, chúng ta bắt gặp không ít những
trang văn thấm đẫm chất thơ trong truyện ngắn của ông. Phải chăng đó là sự kết
hợp hài hòa giữa chất tự sự và chất thơ tạo thành những câu văn xuôi trữ tình
đem lại một trạng thái êm dịu, nhẹ nhàng cho con người? Không hẳn vậy, đó còn
là những chất liệu đem đến cảm xúc thẩm mĩ mới cho con người hiện đại. Ở một số
truyện như Sự tích những ngày đẹp trời, Ăn kêu, Áo độc,...lời văn khá công
phu đẽo gọt, đầy chất trữ tình, thơ mộng, có những câu chữ như bộc phát từ vô
thức mà thiếu đi sự làm chủ của ý thức, lí trí. Đây là một trong những đoạn văn
giàu chất trữ tình trong truyện Áo độc:“Những ngọn kim đan nhấp nhô như đỉnh
sóng tới tấp, ào ạt. Sóng thương, sóng nhớ, sóng thuỷ chung…giữa cánh đồng hoa
chan cỏ lác sau làng, hình như lại bên một con sông nước trong leo lẻo, vừa như
ngọc bích, vừa như mắt mèo nữa”, “Sao em đẹp thế? Và em có chồng hay chưa…Ta
đây. Trời đây. Mênh mông trên cả đầu em. Cả con sông và tất thảy những bông hoa
kia nữa. Cả nghìn ngọn núi kia và cả vầng mặt trời kia nữa. Ta ngỏ lời cùng em.
Hãy đi cùng ta, vui cùng ta, ngủ với ta. Hãy tin ta đi”
Hay trong Sự tích những ngày đẹp trời là những
trang văn thấm đẫm chất trữ tình, những trang văn này nó vừa làm cho câu chuyện
tình yêu càng thêm lãng mạn vừa làm cho tính chất của huyền thoại – cổ tích
tăng lên một cách rõ rệt: “Ngấn nước vừa chớm chạm ngực thì, như không nén nổi
nữa. Mỵ Nương bất giác đưa hai tay vuốt xõa đổ suối tóc mây bồng bay lên, giang
hai tay, mắt nhắm nghiền lại, nàng nhảy ào, trằn mình uốn lượn giữa dòng suối
và buột lên tiếng hát trong vắt…những giọt nước tí xíu vẫn đang trôi bin rịn
trên da thịt nàng…những giọt nước ấy ánh sắc hồng ngọc, dần tụ lại và đột khởi,
trong không gian tĩnh lặng, như dội cả dòng suối lên”.
Kiểu ngôn ngữ này còn bắt gặp được trong truyện ngắn Ăn
kêu: “Sương thu ẩm rồi ướt vai, không hề thấy lạnh. Mùi hoa sữa về khuya theo
sương sà xuống, quẩn quanh vờn vào mặt mũi, nồng nàn mãi lên, không hề động
lòng…”. Hiện tượng “nhập đồng ngôn ngữ” như thế này nó chứng tỏ được sức
mạnh của thể loại truyện ngắn. Nó có thể du nhập tất cả các thể loại vào trong
mình nó, vừa chứng tỏ được năng lực tung tẩy ngòi bút của tác giả.
Với tư cách là công cụ của tư duy, là “cái vỏ của tư duy”, sự
biến đổi của ngôn ngữ văn học liên quan chặt chẽ đến sự biến đổi của tư duy văn
học. Ngôn ngữ của truyện ngắn hôm nay, linh hoạt, sinh động, giàu chất đời thường,
mang đầy cảm giác và cũng rất trữ tình, tinh tế. Vì thế, đến với mảng thể loại
này độc giả phải căng hết vốn ngôn ngữ mình có được để cảm, để nhận và để thưởng
thức những “lớp vỏ tư duy” đầy biến ảo này.
3. Ngôn ngữ trần thuật mang màu sắc dân gian
Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật linh hoạt, đậm chất
hiện đại thì kiểu ngôn ngữ mang dáng dấp của nét cổ xưa, dân gian cũng được
phát huy cao trong các truyện ngắn của ông.
Trước hết, màu sắc cổ tích được thể hiện ở kiểu mở đầu của
truyện, trong truyện cổ tích với cái môtip “ngày xửa ngày xưa” cũng xuất hiện rải
rác trong các thiên truyện của Hoà Vang. Đó có thể là cái mở đầu trực tiếp,
cũng có thể là cái mở đầu gián tiếp bằng cách dẫn dắt câu chuyện gián tiếp từ lời
của một người kể chuyện nhìn có vẻ rất khách quan kiểu như: “Ngày xửa ngày
xưa - ấy là vì các chuyện cổ, cứ thường được mở đầu như thế - các loài vật sống
rất gắn bó với nhau cho nên vui lắm, nhất là trong những ngày Hội” (Huyền
thoại rồng). Hay kiểu mở đầu gây cho con người cảm giác như quen biết, thuần thục
hết: “Như mọi người đều biết…Lại cứ theo thế mà suy, ai cũng coi là cố
nhiên, không còn gì phải đôi hồi, bàn cãi… mà sự thực quả đúng như thế.” (Sự
tích những ngày đẹp trời); Không những thế mà chúng ta còn bắt gặp kiểu mở đầu ở
một thời gian đã lâu lắm rồi, ở tận mãi quá khứ xã xôi với kiểu ngôn ngữ đài
các khi môt tả nhân vật: “Ngày ấy, có một Người-Cao-Lớn dị thường…Ông là một
bậc cao nhân, hiền minh, thần văn, thánh vũ. Sảy đến một ngày, giữa trời quang,
trong một cuộc tuần du thanh bình…” (Tổ tông truyền); “Cứ kể về xa nhất
thì đã có một thời Loài Người với Loài Vật đều có chung một thứ tiếng nói…thuở ấy
thật êm đềm đến mức sau này người ta cứ nghĩ rằng nó chưa bao giờ có, nó chỉ là
sản phẩm của bịa đặt hay đến những giấc mơ” (Sự tích con lợn ống tiền); “Con
ngựa bay: Con ngựa có cánh Pêgazơ…
Ấy thế mà có một lần, các chư thần trên Ôlem tưởng mó mất tích. Nó lâu về quá…và khi về thì nó ướt lướt thướt” (Lý ngựa bay); “Có một thuở người ta không có việc gì mà phải chăm chú đến cái sự mình đang đi con đường nào…” (Đại hùng kê). Với kiểu dẫn dắt như thế, Hòa Vang đã gây được một sự chú ý cao độ của độc giả khi bắt đầu “đụng độ” với tác phẩm, khêu gợi ở độc giả một sự tò mò về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Hơn nữa, việc mở đầu như thế còn tạo nên nét cổ xưa cho câu chuyện được kể. Hẳn ai cũng biết rằng, với kiểu mở đầu như thế, nhà văn tha hồ mà khai thác câu chuyện bịa của mình, tha hồ phóng túng ngòi bút theo kiểu kì ảo, mơ hồ. Và đến lượt người đọc cũng tạo ra một trường liên tưởng độc đáo, khai phóng tư duy suy nghĩ và cùng với tác giả sáng tạo thêm phần truyện cho thêm phong phú, cho thêm đa dạng.
Ấy thế mà có một lần, các chư thần trên Ôlem tưởng mó mất tích. Nó lâu về quá…và khi về thì nó ướt lướt thướt” (Lý ngựa bay); “Có một thuở người ta không có việc gì mà phải chăm chú đến cái sự mình đang đi con đường nào…” (Đại hùng kê). Với kiểu dẫn dắt như thế, Hòa Vang đã gây được một sự chú ý cao độ của độc giả khi bắt đầu “đụng độ” với tác phẩm, khêu gợi ở độc giả một sự tò mò về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Hơn nữa, việc mở đầu như thế còn tạo nên nét cổ xưa cho câu chuyện được kể. Hẳn ai cũng biết rằng, với kiểu mở đầu như thế, nhà văn tha hồ mà khai thác câu chuyện bịa của mình, tha hồ phóng túng ngòi bút theo kiểu kì ảo, mơ hồ. Và đến lượt người đọc cũng tạo ra một trường liên tưởng độc đáo, khai phóng tư duy suy nghĩ và cùng với tác giả sáng tạo thêm phần truyện cho thêm phong phú, cho thêm đa dạng.
Bên cạnh đó, màu sắc dân gian còn được bộc lộ qua hệ thống
nhân vật và nội dung câu chuyện muốn được chuyển tải đến độc giả. Phần lớn sáng
tác của Hoà Vang là xây dựng cho mình một câu chuyện hoàn toàn mới mang dáng dấp
của câu chuyện cổ tích. Tác phẩm của ông chủ yếu có kiểu kết thúc nhân bản.
Nhân vật trong truyện luôn phải trải qua những khổ nạn ở đời rồi mới được hưởng
phần thưởng xứng đáng ở đời, ngoài những câu chuyện viết theo lối nhận thức lại
thì câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác nhưng trong đó dáng dấp của nhân
vật cũng có những hạnh phúc nhất định mà nhà văn trao ban cho. Dù viết ở dạng
nào thì Hoà Vang cũng luôn “nhất quán trong một trường nhìn cổ tích” cho nên từng
trang văn, từng mạch văn của ông luôn làm cho độc giả hài lòng về số phận của
nhân vật và đưa đến cho họ những cảm giác hả hê, sảng khoái sau khi kết thúc
câu chuyện. Ở kiểu này chúng ta bắt gặp rất nhiều trong Ăn kêu, Mèo hên, Bụt
mệt, Tâm hồn chó, Hư ảnh, Huyền thoại rồng, Sự tích con lợn ống tiền, Sự tích
những ngày đẹp trời, Vẹn nguyên trong dang dở,…Hầu hết, nhân vật trong truyện đều
là nhân vật có hậu, được sống hạnh phúc sau hồi kết của câu chuyện được kể. “Y”
trong Hư ảnh cuối cùng cũng có người xem Y còn tồn tại ở cõi đời này
sau một thời gian bị người đời “bỏ qua”, rồi Y cũng có vợ và được sống như bao
con người khác. Mỵ Nương trong Sự tích những ngày đẹp trời cũng được sống
thật với con người của mình trong nỗi nhớ nhung với chàng Thủy Tinh, Hoài trong Quyền
không điên cũng đã chiến thắng trên mặt tinh thần về căn bệnh truyền kiếp
của gia đình mình,…và rất nhiều những nhân vật khác đã có được những tiếng cười,
niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Bằng cách đặt vấn đề này,
Hòa Vang đem lại một sự “trấn an” về tinh thần cho con người trong thời buổi đầy nhiễu nhương và rối rắm, một thời đại mà con người rất dễ tổn thương về mặt tinh thần.
Hòa Vang đem lại một sự “trấn an” về tinh thần cho con người trong thời buổi đầy nhiễu nhương và rối rắm, một thời đại mà con người rất dễ tổn thương về mặt tinh thần.
Đi cùng với những hình thức sử dụng ngôn ngữ đó, Hòa Vang đồng
thời cũng tạo lập nên một kiểu giọng điệu nghệ thuật khá đặc thù. Là một phạm
trù thẩm mỹ có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên phong cách của
nhà văn, giọng điệu thể hiện “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của
nhà văn đối với hiện thực được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách
xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ,
thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [1, tr. 134]. Trong truyện ngắn
của Hòa Vang, giọng điệu hết sức đa dạng, biến ảo linh hoạt với nhiều sắc thái.
Tiếp cận với truyện ngắn của ông dễ dàng nhận thấy giọng giễu nhại, chất hài hước
với khuynh hướng dân chủ, phi thiêng hóa; giọng quan hoài da diết, cái nghịch dị
với cảm hứng trước nỗi đau, thân phận con người… Hòa Vang đã cố ý tạo ra
cho mình một chất giọng, một ngôn ngữ ứng khớp với cái cảm hứng, khuynh hướng
trong mạch văn của mình. Có thể khẳng định, ngôn ngữ và giọng điệu ấy đã góp phần
tạo nên một bút pháp nghệ thuật độc đáo, riêng biệt của Hòa Vang trong dòng chảy
văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên
(2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Bùi Thanh Truyền, Sự đổi mới của truyện có yếu tố kỳ
ảo sau 1986 qua hệ thống ngôn từ, http://vienvanhoc.org.vn.
3. Hòa Vang (1996), Sự tích những ngày đẹp trời, Nxb
Hội nhà văn, Hà Nội.
4. Hòa Vang, Hạt bụi người bay ngược, Nxb Hội nhà
văn, Hà Nội, 2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét