Từ bốn năm trước khi in tập thơ Lửa thiêng (NXB Đời nay, Hà Nội,
1940), Huy Cận đã có thơ trên các báo Tràng An, Sông Hương (bút danh Hán Quỳ)
và báo Đời nay… Ngay đương thời, thơ Huy Cận đã sớm được chào đón, ghi nhận,
đánh giá cao.
Các bài tựa, giới thiệu chân dung, phê bình, đọc sách, tổng kết
của Xuân Diệu, Hội Thống Vũ Văn Lợi, Lương An, Lương Đức Thiệp, Hoài Thanh -
Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế… đã đi sâu phân tích những phương diện
cơ bản nhất về hồn thơ, nguồn cảm xúc vũ trụ, giọng điệu, nội dung và hình thức
nghệ thuật thơ Huy Cận.
Trước một năm, người bạn thơ đàn anh Xuân Diệu (hơn Huy Cận 3
tuổi) đang nổi tiếng trên thi đàn với tập Thơ thơ (1938) và nhiều bài
luận sắc sảo về thi ca trên báo Ngày nay (Thơ ngắn,Thơ ái tình,
Đôi lời tự thuật về tập Thơ thơ, Thơ của người) và đến năm sau (1939) lại nồng
nhiệt giới thiệu Huy Cận với công chúng yêu thơ. Thi nhân 23 tuổi Xuân Diệu
trân trọng vinh danh chàng thơ 20 tuổi qua bài viết Thơ Huy Cận:
“Đã giáp một năm nay, Huy Cận đi tới giữa chúng ta với những
bài thơ đặc biệt, với một tâm hồn có nhiều hương vị, một kho tàng tuy đương hỗn
tạp nhưng thực là giàu. Bổn phận của chúng ta đối với văn chương Nam Việt, chẳng
phải là ráng thấu hiểu để yêu mến những văn tài mới lên hay sao?
Thơ Huy Cận cũng thuộc về hạng thơ vừa xem qua thì dường như
khó khăn, nhưng kỳ thực không có gì bí hiểm. Huy Cận cũng là "một người của
đời, một người ở giữa loài người", ông không đi với lối thơ phù phiếm, mộng
mơ. Ông chỉ nói lòng người của ông, hồn người của ông, và thơ ông càng đẹp,
càng xinh, khi chứa đầy hương vị của đời, của sự sống” (Ngày nay, số
166, ra ngày 17-6-1939)...
Xuân Diệu tinh tế cảm nhận và đặc biệt đề cao các đặc tính
hương vị - màu sắc - cảm giác của hồn thơ Huy Cận:
“Hương vị, đó là một đặc tính của thơ Huy Cận. Thơ ông không
lộng lẫy, không kiều diễm, không chú nơi thanh sắc, không nở ra như những đoá
hoa rực rỡ; thơ ông không khoe tươi. Thơ ông như nụ mùa xuân, như trái mùa hè,
gói gắm lại, nhưng đầy căng nhựa thơm và mật ngọt. Ông không làm mê ta bằng màu
sắc và âm điệu; ông có một sức quyến rũ lạ lùng hơn, khó hiểu hơn: là mùi thơm.
Thơ ông phô bày một cái gì thầm kín, rạo rực; thơ ông không phải là rượu đã rót
vào chén, thơ ông là men đương lên; thơ ông không phải hoa sẵn trên cành, thơ
ông là dòng nhựa đương chuyển. Ông cảm nghe sức sống, cái nao nức của cảnh vật,
cái tình ý của thiên nhiên. Ông thấy đời tựa hồ như một thân thể đẹp đẽ tươi tốt,
và máu đời chảy trong các mạch:
Nghe mạch đời đang thao thức âm thanh,
Và nhạc sống vẫn âm thầm tiến tới...
Ông cũng là một phần của tạo vật mạnh mẽ ấy, nên ông biết đời
trong lúc đời còn chuyển, còn nao, còn sắp sửa, chứ không chỉ trong khi đời đã
thành sắc, thành hình. Tả lá đẹp, ông nói một cách riêng, để ta thấy công của
nhựa:
Rừng hân hoan muôn vạn nỗi dày bày,
Tả buổi chiều xuân, Huy Cận không tả bằng màu sắc, mà tả bằng
những cảm giác đã lắng nghe rất kỹ lưỡng trong tâm hồn ông và trong thân hình của
tạo vật; buổi chiều của ông rất mạnh mẽ trẻ trung:
Hai hàng cây xanh
Đâm chồi hy vọng;
Ôi duyên tốt lành!
Én ngàn đưa võng,
Hương đồng lên hanh…
… Nhạc vươn lên trời;
Đời măng đang dậy
Tưng bừng muôn nơi;
Mái rừng gió hẩy
Chiều xuân đầy lời.
Thơ Huy Cận hay tả cái đương dậy, cái đương lên, nên có một sức
mạnh đặc biệt: không phải cái mạnh ồ ạt của biển lớn, không phải cái mạnh nặng
nề của núi to, không phải cái hùng dũng rầm rộ; cái mạnh của Huy Cận là thứ mạnh
hoá học, sức mạnh thầm của men, của rượu, của lửa ngầm ngấm, của nắng, của mặt
trời. Huy Cận yêu những sự chuyển nao thầm kín, nên ông hay nói đến rừng, ông
thích "đời măng hoa cỏ dại", thiên nhiên, tươi mạnh, xanh tốt như những
người trẻ trai. Cái thiên chân kỳ lạ của ông thấy cây liên lạc với người; hai
bên cùng vươn lên để kiếm gió xa, gió lạ, và "họa điệu" với
nhau. Cũng như một buổi chiều kia, nằm trông lên, ông thấy trời là biển, gió là
triều, lá là thuyền, và ông cho ra những câu thơ rào rào đầy gió, hai lần bát
ngát, vì cái bát ngát của biển đã gồm trong cái bát ngát của trời:
Giữa trời hình lá con con,
Trời xa sắc biển, lá thon mình thuyền.
Gió qua là ngọn triều lên,
Hiu hiu gió đẩy thuyền trên biển trời.
Cái mạnh mẽ của Huy Cận là cái mạnh của sự sống, chứ không phải
cái mạnh của sức lực. Ông hay nhắc đến những chàng trai:
Đời trẻ mạnh thơm như trang sách mới,
Hồn mở rộng và giác quan phơi phới.
Còn gì dương tráng cho bằng một chàng thiếu niên mười chín tuổi!
Cho đến mùa xuân của ông vẫn là một xuân mạnh hơn là một xuân đẹp, có những
chàng trai:
Luống đất thơm hương mùa mới dậy
Bên đường chân rộn bước trai tơ...
Và người học sinh nào đã đọc bài "tựu trường" mà
không nghe trong lòng nao chuyển cái tuổi mười lăm "mắt tin cậy và tóc vừa
dưỡng rẽ" mang một cái rương nho nhỏ và một linh hồn bằng ngọc, và
làm lưu - học - sinh! Huy Cận rất thích những mùi thơm, nên ông nhắc và gọi:
Người bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghé!
Không nỗi gì có thể vuốt ve hơn.
Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn,
Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát...
Với những ý sống hiền hoà như vậy, Huy Cận yêu đời một cách đầy
sức khoẻ, cái gì cũng "thơm như thể da người", cũng lành, cũng tốt; hễ
cái gì theo sự sống, theo tự nhiên, là ngon ngọt như cơm chín, nước trong. Và
Huy Cận yêu người, và ông muốn tình yêu là sự thẳng ngay, không "mặc cả
thiệt hơn", không trốn tránh, không suy tính. Ông hơi lạ rằng sao người ta
lại có thể không yêu nhau, không tìm cách gần nhau để "trốn bơ vơ".
Ông than: "Chân theo lòng, mà người chẳng theo tôi" và cầu khẩn:
Đường không dài: người tránh để thêm xa;
Huy Cận đa tình, tâm hồn ông là một cô gái xưa rón rén ung
dung, trông rất nết na dè dặt, kỳ thực hay liếc trộm và ưa viết thư tình. Ông
thu hợp cái rụt rè của Á Đông và cái tươi đậm của Âu Tây, để làm nên cái
"mạnh thầm" đặc biệt của Huy Cận. Ông yêu biết bao, yêu mãnh liệt,
nhưng hay giấu, rồi khi "tình mất", ông ngồi trách mình sao đã quá rụt
rè. Huy Cận góp bao nhiêu đẹp tốt của Á Đông, nhất là cái lửa tro nồng ấm ở bên
trong, và cái xa vắng mênh mông của thời cũ”...
Xuân Diệu nhấn mạnh chất thơ với “nỗi buồn mênh mang của thời
gian”, “một cái hay rất mênh mông” và “bao nhiêu bâng khuâng thương nhớ” trong
thơ Huy Cận:
“Với những câu thơ cổ kính, phảng phất một linh hồn Đường
thi, Huy Cận thành thực nhớ và ngơ ngẩn yêu những cái vu vơ mờ mịt. Ông gợi cảnh
cũ, không biết rõ là cảnh Tàu hay Việt Nam, chỉ thấy xưa, thấy xa, thấy vắng lặng:
đó là cả nỗi buồn mênh mang của thời gian:
Buồn gieo theo gió veo hồ,
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa.
Đồn xa quằn quại bóng cờ,
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về.
(Chiều xưa)
Dừng cương, nghỉ ngựa non cao,
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon...
Đi rồi, khuất ngựa sau non;
Nhỏ thưa tràng đạc, tiếng còn tịch liêu...
(Đẹp xưa)
Một buổi trưa không biết ở thời nào,
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ,
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự...
(Đi giữa đường thơm)
Xưa hay là xa, Huy Cận hay nhớ nhung, nhớ không biết là nhớ
cái gì, chủ đích không có, nhưng cảm giác thật rõ ở bên lòng. Đó chỉ là nỗi
"nhớ hờ",
Ôi ! Nắng vàng sao mà nhớ nhung!
Có ai đàn lẻ để tơ chùng,
Có ai tiễn biệt nơi xa ấy,
Xui bước chân đây cũng ngại ngùng.
Nếu được là nhớ tiên, nhớ Thiên Thai, thì cái nhớ còn có hình
sắc. Huy Cận nhớ lạ lùng hơn, mênh mang hơn. Cả cái lành lạnh xa xa của
không gian, của quá khứ, của cái không - biết - nơi - đâu và cái không - biết -
thời - nào đã đến trong cái Buồn đêm mưa:
Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà,
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn...
Trong mấy câu tuyệt diệu ấy, Huy Cận cho ta hưởng một cái hay
rất mênh mông, một cái hay làm cho ta rợn mình vì lạnh lẽo. Ông còn gồm lại bao
nhiêu ảo não cô đơn, và bao nhiêu bâng khuâng thương nhớ trong những câu thơ
rung động:
Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc,
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
(Ngủ chung)
Thổi lạc hương rừng cơn gió đến,
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài…
(Nhớ hờ)
Nói sao hết, nói sao rõ được cái man mác rất thiết thực và rất
vẩn vơ trong thơ Huy Cận? Đó chẳng phải là đáy sâu thẳm của linh hồn ta ư?
Ông thương những hồn ma chịu rét mùa đông, ông tưởng thấy họ đương nương ấp
nhau trong đêm giá. Ông nhặt "dấu chân trên đường", ý mới ngộ nghĩnh
và man mác làm sao! Ông lượm những dấu bụi để xem những bước chân đã đi qua và
đã biến mất”...
Rồi Xuân Diệu đi đến khái quát tầm thời đại - phẩm chất tinh
thần thời đại của thơ Huy Cận trong sợi dây liên lạc với truyền thống và mối
quan hệ Đông - Tây:
“Ông thân mật, ông ái ân, nhưng bao giờ cũng có cái vụng về,
cái thầm kín của ông, cái ngậm ngùi vô cớ.
Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ
bên ngoài, hay nói nhỏ và hay làm thinh, để cho men lòng càng rạo rực hơn nữa;
một tâm hồn hãy lặng yên để nước mắt chảy, không biết khóc vì cái gì; vừa mạnh,
vừa yếu, rất mới và rất xưa, rất Âu - Tây và rất Á Đông: nghĩa là cả
con người, con người phức tạp của muôn thuở.
Thơ Huy Cận không phải là một lời hứa hẹn nữa. Thơ ông chỉ chờ
một ít thời gian để trút hẳn cái vỏ còn sót lại, và lộ ra bao nhiêu nụ lộc xanh
tốt, mạnh cứng, cho ta hưởng một hương sống rất lạ lùng”...
Vào tháng 6-1940, khi đang làm việc ở Nha Thương chính tỉnh Mỹ
Tho, Xuân Diệu đã kịp viết lời tựa cho tập Lửa thiêng của Huy Cận và
xuất bản ngay trong năm này. Xuân Diệu mở đầu bài Tựa với những dòng
trang trọng:
“Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền
như cái lá xanh; gần chàng, người ta cảm nghe một nỗi hoà vui, như đứng giữa
thiên nhiên, tâm hồn thơ thới. Thi sĩ thuở xưa làm những bài thơ bao la như
lòng tạo vật. Xưa kia, chàng thương mến cỏ hoa, yêu dấu ân tình. Xưa kia...
nhưng không! Chàng sống bây giờ đây, ở "nửa thế kỷ hai mươi", đang đi
giữa đường phố kia, mặt ngước lên, mái tóc sau đầu vồng vồng như túp lông con
cò, con hạc. Ấy là Huy Cận đó; - nhưng một thi sĩ "thiên
nhiên" như ở chàng thì ở thời nào chẳng được, ở thời này cũng như ở thời
xưa; chàng như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian; người ta muốn
tưởng linh hồn Huy Cận là đám mây kia, là nỗi hắt hiu trong cõi trời, là hơi
gió nhớ thương...
Trong thơ Việt Nam, nghe bay dậy một tiếng địch buồn. Không
phải sáo Thiên Thai, không phải điệu ái tình, không phải lời ly tao kể chuyện một
cái "tôi"; mà ấy là một bản ngậm ngùi dài: có phải tiếng đìu hiu của
khóm trúc, bông lau; có phải niềm than vãn của bờ sông, bãi cát; có phải mặt
trăng một mình đang cảm thương cùng các vì sao? Tiếng rền rĩ dịu êm sẽ vấn lấy
ta như một dải lụa ôm ấp một vết đau; tiếng len thấm thía vào hồn ta như khí hậu
của núi đèo; tiếng làm thành sương, đọng lệ trên mắt ta... Thơ Huy Cận đó ư? Ai
nhắc làm chi những nỗi thê thiết của ngàn đời, ai động đến cái lớp sầu dưới đáy
hồn nhân thế; những lời muôn năm than thầm trong lòng vạn vật, ai thuật lại mà
não nuột lắm sao!”…
Đồng cảm và đọc kỹ, hiểu sâu Lửa thiêng, Xuân Diệu thấu
suốt tâm thế của một “linh hồn trời đất”, “hồn xưa”, “cái sầu của vũ trụ”, “cái
thương vô hạn… cái tủi vô cùng” - những phương diện mà ngày nay chúng ta định
danh là thi pháp thời gian, không gian, giọng điệu nghệ thuật:
“Thơ Huy Cận không được vui. Âu cũng là một sự tự nhiên của đất
trời: hàng phi lao đứng bên sông xanh kia, gió xa thổi vào, cứ tự nhiên phát ra
những lời rầu rĩ. Tại phi lao buồn hay tại gió buồn. Tại gió buồn hay chỉ tại
gió bay qua biển cả, thấy nhiều không gian quá mà sinh ra bâng khuâng? Làm nên
điệu buồn thương duyên cớ vốn là biển cả đó thôi; mênh mông bao giờ cũng
buồn; biển ra chân trời rồi biển tiếp với đại dương, biển càng sầu to vì biển
quá rộng lớn.
Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất; nói thế không sai
đâu! Xem suốt tập Lửa thiêng, cái cảm giác trội nhất của ta là một cảm
giác không gian: tự nghe xa vắng quanh mình; trên thiên văn đài của linh hồn,
nhìn cõi bát ngát; một cái buồn vời vợi dàn ra cho đến hư vô. Huy Cận quá cảm
nghe cái mênh mông, thì giọng thơ của người cũng lây cái sầu của vũ trụ. Những
bài thơ đôi khi vắng vẻ quá: "Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa",
"Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người", hay là "Sầu thu
lên vút song song"; chỉ có trời đất ngơ ngẩn với nhau.
Thơ Huy Cận có một hồn xưa là tại đó. Phong cảnh thường bay hết
sắc màu, thường chẳng có xôn xao, chỉ những nét lặng lẽ như tranh, làm thành những
áng mơ tuyệt diệu. Cho đến những tình người của Huy Cận cũng như không có thời
khắc: ta không thấy những chi tiết nhỏ nhặt của đời hằng ngày, những rạo rực
mau chóng trong phút giây; chỉ thấy một tấm lòng thương yêu không biết có tự đời
nào, và đoạn thảm, hồi vui cùng nhuốm một màu vĩnh viễn.
Chàng than nỗi tháng ngày vùn vụt, bảo rằng hoa xuân không đậu,
đời thoảng mùi ôi, trong khi mình chưa sống hết tuổi xuân, đang còn ở giữa độ
măng trẻ của đời người! Cái tiếc sớm, cái thương ngừa ấy chẳng qua là sự trá
hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ nhiên của kẻ yêu sự sống. Không yêu sự sống
hay sao, một người thường có những cái nghiêng tai kỳ diệu: khi mùa xuân cựa
mình, khi những ý tươi lên rún rẩy trong cổ chim, khi "nhạc vươn lên trời"...
lòng ông cũng theo hăng hái; và thơ ông mang ngầm sinh lực như men ủ nắng, tưởng
chừng câu thơ có nhựa, sắp nứt ra như một cái mầm căng.
Nhưng mới sau câu vui, lại có câu sầu. Ta cũng đừng vì vậy mà
trách chàng Huy! Cái buồn Huy Cận là cái thương vô hạn hoá thành cái tủi vô
cùng: ấy là thứ "hận sầu dài dặc lâu bền nó gieo hoạ trong lòng bọn thi
sĩ". Nỗi buồn đó vốn là nỗi buồn chung của con người; bọn thi sĩ chúng tôi
nhẹ lòng nhẹ dạ, nên lĩnh mang giùm tất cả cho nhân gian! Chuyện ngày tháng
phôi pha, chuyện cuộc đời quanh quẩn, chuyện linh hồn tù hãm, thân thể bùn lầy,
chuyện mùa đông hay buổi chiều quá đỗi thê lương như thế gian sắp bị tiêu diệt,
chắc không phải là chuyện một mình Huy Cận, ai cũng nghe, mà cứ để
trong cõi mù mờ của tình cảm; chúng tôi nghe rõ và nói ra, nên chúng tôi thành
những người hay thở than”...
Từ đây Xuân Diệu đưa ra những cách hình dung khác nhau về thơ
Huy Cận, phác họa những cách đọc, cách tiếp nhận và mối liên hệ từ người đọc trở
lại tác phẩm - tác giả - đời sống tinh thần xã hội:
“Huy Cận nói hộ cho ta đó; những giọt nước mắt thường đến
quanh mí rồi ngừng, Huy Cận đã vì ta để rơi xuống má; cái linh hồn ấy bơ vơ
không kể hết, kiếp người lang thang, đất trời trôi nổi, lạnh lắm, nhân gian ôi!
Ta thấy người thơ đi trốn cô đơn; trốn ở đâu bây giờ? Hồn bọn thi nhân thường
là một món hàng ế; bán thì người ta không biết giá, mà cho, họ nhận cũng
chẳng ra tuồng. Vũ trụ mênh mang thế, một người đời làm sao cho ta
nguôi được những ám ảnh bao la! Và có say đắm một đôi ngày, cũng không quên được
cái bâng khuâng để lại từ kim cổ.
Trong đời, Huy Cận còn nghe đơn chiếc, huống chi tưởng tượng
lúc sang bờ vô định bên kia! Nghĩ mà xem, cái chết rét mướt là chừng nào! Nay
còn đây, nằm ngủ với gối chăn, khăng khít cùng da thịt, mà chưa đủ ấm; đến khi
một mình nằm dưới đất, thì còn ai vào thăm, còn ai ôm ấp, còn đâu mặt trời và
chim kêu!
Nói về cái chết, Baudelaire, thi sĩ sở trường môn ấy, tỉ mỉ đếm
từng con dòi, vạch từng bộ phận ươn thối rữa tan; Baudelaire chỉ làm ta gớm ghê
như gớm những vật dơ bẩn. Huy Cận không tả gì hết, mà đem đến những cảm giác
tái tê, thấm thía hơn biết bao! Người thi sĩ Tây phương đứng bên ngoài nhìn những
thi thể, người thi sĩ Đông phương nghe cái chết bằng tình bên trong của mỗi người.
Hư vô càng giá căm căm, khi Huy Cận bày những cảnh sống tội nghiệp của người chết;
họ tránh ngọn gió lò cửa mộ, họ ngủ nhờ với nhau, họ nằm đợi chờ; ta thấy những
hồn lạc loài vơ vất trong lạnh buốt, tối căm; ta quá xót thương, và rợn mình,
như gió âm ty đã thổi đến.
Mà Thê lương của sự chết cũng chỉ là một phần của Thê lương lớn,
của Thê lương chung. Sóng gợn tràng giang, trăng phơi đầu bãi, hay dấu chân gió
thốc, gánh xiếc đi qua: cũng vẫn là một nỗi vắng vẻ ấy; ta thấy xa, xa và rất
xa; lòng người rộng rãi quá cho đến nỗi làm một với đất trời; và trời đất, và
lòng người là một cõi mông lung, một khung mơ nó dịu dàng ru ta, nhưng vừa ru vừa
làm cho ta khóc.
Xuống dưới đáy tâm hồn ta, tất nhiên ta thấy cái sầu cốt tủy.
Sự thật ấy, Huy Cận cứ thấy luôn:
Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm.
Chính chàng cũng tự nhận như vậy. Và nghe thơ Huy Cận, tự
nhiên lòng ta lây cái cảm thương không cùng của thi sĩ và trước nhất, ta cảm
thương người thi sĩ rất nhiều cảm thương. Ta muốn nâng linh hồn bơ vơ kia, ôm lấy
an ủi: "Chúng tôi khuây khoả trong chuyện đời, ráng lấp cho đầy cái khoảng
trống trong linh hồn bằng những sự thế linh tinh; chúng tôi sợ sầu, nên làm ngơ
với những nhớ thương dằng dặc. Nay người nói ra, chúng tôi càng nhớ lại; chúng
tôi ngước mắt nhìn lên cõi trời để thấy hình ảnh hồn chúng tôi. Chúng tôi cũng
bơ vơ; mỗi hồn người là một cõi bơ vơ, trong đất trời là một khung bơ vơ; chúng
ta đồng một bơ vơ với nhau, vậy thì người cũng bớt bơ vơ một chút"…
Tập thơ in ra vừa kịp để Mộc Khuê Kiều Thanh Quế ghi danh vào
cuộc tổng kiểm kê Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941) dẫu chỉ
với một dòng chơi chữ bông lơn: “- Huy Cận trịnh trọng đốt Lửa
thiêng (1940)”…
Tiếp theo, trong bài giới thiệu Lửa thiêng trên
báo Tràng An (số 12, tháng 3-1941), nhà thơ đồng thời là nhà phê bình
Lương An trước hết đặt tiếng thơ trữ tình Huy Cận trong tương quan với thời cuộc
và cả một thế hệ thi nhân:
“Đọc những bài thơ này, người ta ngỡ đâu như đọc bài Premières
Solitudes của Sully Prudhomme, tả bọn học trò còn nhỏ phải đưa vào trường,
đêm khuya nhớ nhà ôm nhau mà sụt sùi.
Tuy nhiên cái đời học sinh trẻ thơ ấy có bao giờ lâu dài được
đâu, người ta chỉ có thể vô tư vào độ hai mươi trở xuống; từ tuổi ấy trở lên
người ta đã bắt đầu bước vào cuộc đời và nhấm vị chua cay của nhân tình thế sự.
Tâm trí, hoài bão, ý niệm người ta cũng đổi khác đi. Lúc này là lúc phải lo âu,
phải suy nghĩ để tìm lấy một xu hướng.
Thi nhân của ta cũng thế. Tuy sự thay đổi trong đời chàng chỉ
là một sự thay đổi không khí cỏn con nhưng cái tuổi không cho phép chàng ngây
thơ như trước nữa. Bởi lẽ ấy người ta bắt đầu thấy Huy Cận buồn buồn. Mối buồn
của thi nhân bao giờ cũng là một mối buồn vô hạn. Huy Cận cũng trở nên thi sĩ của
tình cảm thống thiết, cũng tham lam đòi hỏi tình yêu, nhưng chàng thực chưa nặng
tình cùng yêu mến như "Bạn chàng Xuân Diệu".
Chàng cũng yêu tất cả, nhớ tất cả. Tâm hồn chàng là một khu
vườn cũng theo mùa mà nở hoa hoặc hiu quạnh. Tâm hồn chàng bây giờ là đối tượng
của những hiện tượng của thời tiết. Một điều đáng chú ý là cái nhớ của chàng rất
đỗi mênh mông và ôm trùm cả vũ trụ.
Nuôi một mối tình muôn dặm, yêu vẩn vơ một nàng cỡi ngựa
trong rạp xiếc, nằm trông lên thả mộng ra khắp phương trời, nếu không phải
chàng Huy Cận đang độ vô tư lự thì là ai nữa! Những hành động thơ ngây, những mối
tình trẻ trung ấy phải là của một chàng thi nhân sống ngoài nhân tình thế sự;
chàng thi nhân ấy nếu không phải Huy Cận thì là ai nữa! Nhưng ngày thơ ấu ấy
bây giờ không còn nữa. Bây giờ là độ thanh xuân chạm trán với cuộc đời, bây giờ
là lo âu, là nghĩ ngợi. Bắt gặp cảnh biệt ly mà sầu, đi giữa đường thơm mà lo
tình mất, thấy dấu chân trên đường mà thẫn thờ, nghe mưa rơi lác đác mà buồn buồn,
chao ôi, sao lòng chàng thi nhân của ta thiết tha và dễ cảm xúc đến thế”...
Từ đây Lương An đi sâu cắt nghĩa, lý giải chất thơ “sầu vạn cổ”
và theo đó là vẻ đẹp hình thức, câu chữ làm nên chất lượng thơ Huy Cận:
“Sở dĩ Huy Cận buồn thương như vậy là vì chàng lo sợ một ngày
rất gần hạnh phúc sẽ không cười duyên với chàng nữa, mà chàng thì ham sống và
tin vào cuộc đời quá. Chàng sầu vì tâm can chàng bắt chàng phải thế. Đó là một
trong những lý do đã đưa chàng lên lầu thơ bất tuyệt. Mối sầu của chàng có thể
cho là một mối sầu vạn cổ.
Từ đây Huy Cận là một con người nặng tình sông núi, cảm gió sầu
trăng. Bây giờ chàng đã thấy những sự mâu thuẫn của đời nên thơ chàng cũng rẽ
vào lối "đoạn tràng". Chàng chạy theo dõi một mối tình mất mà thương
tiếc; chàng ngậm ngùi khi nắng chiều xế vàng trên bãi; chàng nhớ nhà vì một cảnh
tràng giang; chàng ngơ ngẩn khi bắt gặp một cảnh thu trên núi rừng; chàng thẫn
thờ sau một cái xe tang; chàng đau khổ khi nghĩ đến một ngày sắp tới người sẽ mất
hết linh hoạt để "bước vào mồ nhỏ tí". Chàng đã bị những sự mắt thấy
tai nghe hàng ngày cảm hoá và làm cho xúc cảm nhiều quá. Ý nghĩ của chàng chỉ
quanh quẩn trong cõi sầu thương; chàng là thế đó, trọn một đời thương nhớ và hồn
bị thiên hạ bỏ đìu hiu; chàng than thở với Thượng đế, đã làm ra thân thể con
người để đau khổ và để làm nên tội lỗi.
Huy Cận sinh ra với một tấm linh hồn đơn chiếc, đa sầu đa cảm.
Chàng than van không có bạn bè tri kỷ, chàng đi bơ vơ trên đường đời âm thầm và
đau đớn. Tình yêu không lưu luyến chàng, mọi việc gợi ra trước mắt chàng sự ê
chề, sự chán ghét. Tất cả những nguồn sống ở đời đối với chàng đơn sơ quá nên
không thể làm cho cái tinh thần sinh hoạt của chàng (vie intellectuelle) đầy đủ
được.
Tả một phong cảnh tráng lệ biết bao. Mây đùn núi bạc, chim
nghiêng cánh nhỏ, nhẹ nhẹ ánh chiều sa, tưởng ngần ấy cũng đã đầy đủ như một bức
tranh của một họa sĩ tài hoa. Chính thi nhân cũng nhận rằng cái cảnh tràng
giang ấy đã làm cho mình ca tụng và mê mẩn. Ta hãy nghe thi nhân nói cảm giác của
mình:
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Ngày xưa, Thôi Hiệu đứng trước cảnh lầu Hoàng Hạc mà ngậm
ngùi và thấy khói sóng trên sông mà nhớ nhà:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Nhưng ở đây, Huy Cận thấy trời nước mông mênh quá, tráng lệ
quá mà nhớ nhà. Vì lẽ ấy mà cảnh không tang thương, lòng không hoài cổ, sông
không đùn sóng mà cũng ngậm ngùi mối tình lữ thứ:
Tả một buổi chiều xuân, Huy Cận viết:
Hai hàng cây xanh
Đâm chồi hy vọng...
Nhạc vươn lên trời
Đời măng đang dậy.
Thật là nói đủ tất cả hy vọng, trẻ trung, êm dịu của một mùa
xuân.
Tả một cảnh thu ở núi rừng:
Non xanh ngây cả buồn chiều,
Nhân gian nghe cũng tiêu điều dưới kia.
Xem chữ "ngây" nó nhẹ nhàng, thấm thía biết bao.
Không, mùa thu đến non xanh có buồn gì đâu; non xanh chỉ thấy trời buồn mà buồn
lây mà thẫn thờ lây đấy thôi.
Đại để chỉ đơn cử ngần ấy tỉ dụ, kể cho hết thì quá dài. Những
chữ vừa trích ra đây trong tập Lửa thiêng không phải ít. Đọc nó lên
là thu được một cảm giác, thấy được một cử động, nghe được một dư thanh. Thực
là những chữ "thần tình".
Thơ Huy Cận nhờ thế mà trong như thuỷ tinh và đẹp như ngọc thạch.
Đọc Xuân Diệu thấy trong người sôi nổi ngọn trào lòng rào rạt; đọc Huy Cận thấy
trong người lâng lâng, tâm hồn khoan khoái. Trí phán đoán sáng suốt, mắt nhận
xét tinh vi, cách dùng chữ thần tình. Đó là ba đặc điểm của Huy Cận.
Văn Huy Cận là một thứ văn chải chuốt; tình Huy Cận là một tấm
tình đơn giản mà thắm thiết.
Đừng thấy chàng buồn buồn mà cho chàng là người lạnh nhạt hững
hờ; đừng thấy văn chàng chạm trổ quá mà cho là mất vẻ tự nhiên. Huy Cận viết
văn rất điêu luyện; song không bao giờ để rơi những ý niệm của mình. Bởi vậy
khi đọc thơ Huy Cận ta thấy trong người nhẹ nhàng nhu khoái. Đã lâu lắm từ
ngày Thơ thơ ra đời đến nay mới lại có một tập thơ đã khiến người phải
đọc đến mà sinh vô hạn cảm tình với tác giả.
Tập thơ Lửa thiêng là một tập thơ rất đáng chú ý về
tình cảm cũng như về văn pháp. Không cần so sánh cũng đủ nhận thấy đó là một tập
thơ hay và tác giả là một thi nhân có đặc tài. Trong công cuộc xây đắp thi giới
nước nhà, một tập thơ như thế là tất cả một sự gắng công, và có lẽ là một công
trình văn nghệ rất đáng chú ý nữa.
Huy Cận hiện đang đi tới giữa chúng ta với một tài hoa đương
thời nảy nở. Tương lai của chàng chắc hẳn càng tốt đẹp và sáng lạn hơn nữa.
Lửa thiêng ra đời, được hoan nghênh nhiệt liệt, cái đó
không phải nghi ngờ gì nữa. Nhưng phần thưởng đích đáng nhất cho Huy Cận là tác
phẩm của chàng sẽ được sống lâu”...
Một năm sau, Huy Cận cho in tập văn xuôi Kinh cầu tự (Lê
Văn Dự xuất bản, H., 1942) với cảm hứng được đẩy cao từ Lửa thiêng, hướng
đến cực tả con người cá nhân siêu thoát, tan hòa trong thế giới tự nhiên, vũ trụ,
tâm linh. Trong bài đọc sách Phê bình Kinh cầu tự của Huy Cậntrên Tạp
chí Tri tân (số 55, tháng 7-1942), Hội Thống Vũ Văn Lợi đặc biệt chú
trọng đặt tác phẩm văn xuôi này trong tương quan với thi tập Lửa thiêng:
“Năm xưa nhà văn hào Pháp Paul Bourget xuất bản cuốn tiểu
thuyết Le Sens de la mort (Nghĩa cái chết), mượn một thiên tình sử
cao thượng, bi đát, để diễn đạt tư tưởng của tiên sinh về lẽ sinh tử ở đời.
Edouard Rod cũng đã băn khoăn đi tìm nghĩa cái sống, trong cuốn Le Sens de
la vie. Sinh, tử, tồn, vong, quả là một cái đề thiên cổ đã làm cho bao thi
nhân, mặc khách, cổ kim, Đông, Tây, tốn công suy nghĩ, mà vẫn chưa khám phá được
lẽ huyền bí của Tạo vật.
May thay, ông Huy Cận, đầy một lòng tin tưởng và tín nhiệm
vào cuộc đời, đã cho ta biết “Nghĩa sự sống” một cách gọn gàng, minh
bạch, trong tập Kinh cầu tự, “Ôm sự sống, hôn cuộc đời”, tác giả sau khi
ca tụng không ngớt “sự sống bao la và vô lượng”, “cái chằng chịt muôn hình của
sự sống”, “cái vui của Vũ Trụ” (thì “mỗi người sinh ra” chả là “một cục vui của
Tạo hóa” là gì?) đã cho ta biết một cách chắc chắn rằng: “Nghĩa sự sống?
Chỉ là lòng yêu sự sống mà thôi”.
Tác giả Lửa thiêng đã đứng về phương diện tình cảm
để giải quyết một vấn đề thuộc về siêu hình học. Có “cái mạch sống mênh mang ồ ạt”,
ông “tin tưởng ở sự sống, ở sức sống của con người”, ông “đã yêu sự sống” quá
chừng nên... phải nhập cuộc (cuộc sống). Ông “xin Thượng Đế tha cho
chúng sinh cái nhục héo hon, cằn cỗi”, và cầu nguyện để mong Thượng Đế thương lấy
“muôn loài cằn cỗi” và cho chúng sinh “lây cái vui chuyển trời của cuộc sống”.
Nhưng Vũ Trụ không vui, cũng không buồn, vẫn thản nhiên, lãnh
đạm, trước những cuộc phế hưng, dâu bể. Cũng như đóa hoa sớm nở, chiều tàn, sống,
chết, là những sự tự nhiên trong trời đất. “Cục vui của Tạo Hóa” là cái quái
gì? Chẳng qua “đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” thì phải làm tròn phận sự,
gánh vác với đời, góp mặt với giang sơn, chứ có phải đâu vì “yêu sự sống quá chừng”
mà nhập cuộc sống đâu?
“Vai vút mạnh, ngực dô ra”, ông Huy Cận hăng hái “đi chinh phục
cuộc đời” với một tin tưởng mãnh liệt vào sự sống; nên ông cầu cho muôn loài
“lây cái vui chuyển trời của sự sống”, ông tưởng rằng dưới gầm trời ai cũng
“vui như cây lên, như nước chảy”, ai cũng là “giòng sông chảy ào về biển” cả.
Khi “ta vui thì ta gần Tạo vật”, lòng ta vui thì ta thấy cả Tạo
vật “như tự lòng ta mà ra”; trái lại, khi “lòng yêu” của ta hầu cạn, thì sự
sống cũng xa ta. Lòng ta buồn, thì “nhịp đàn của Vũ trụ” cũng lỗi. Kết luận: nếu
nghĩa sự sống chỉ là lòng yêu sự sống mà thôi, thì một khi lòng yêu không còn
tha thiết nữa, sự sống sẽ trở nên vô nghĩa.
Phân tách tình thương hại, tác giả cho là “một điều bịa của
con người... không tự nhiên, và không mỹ thuật chút nào”. Tuy vậy, ông cũng
công nhận rằng “xã hội cần đến (tình thương hại) ở dưới đồng bằng”. Nhưng, “ở
trên đỉnh ta cần chi đến”; và “nếu không có lòng thương”... thì “biết đâu” ông
“đã không vút lên trời từ mấy thuở”! Phải, biết đâu đấy! Ông vút lên trời, chắc
là để “trông xuống thế gian cười”! Thật là “những ý nghiêng trời chuyển đất”,
và “ghê gớm”. Nhưng theo Anatole France, thì tình thương hại lại là cần. Ta hãy
nghe tiên sinh: “Tôi càng nghĩ đến sự đời, lại càng tưởng nên lấy sự trào phúng
và bi thương làm chủ và làm chứng cho đời người. Sự trào phúng và sự bi thương
là hai bạn tốt lắm; một bên cười làm cho đời người đáng yêu; một bên khóc làm
cho đời người đáng kính” (Plus je songe à la vie humaine, plus je crois qu’il
lui faut donner pour témoines et pour juges l’Ironie et la Pitié. L’Ironie et
la Pitiesont deux bonnes conseillères; l’unne en souriant, nous la rend
aimable; l’autre qui pleure nous la rend sacrée... Phạm Quỳnh dịch). - Có lẽ
theo thuyết sau này đúng hơn. - Chính ông Huy Cận cũng khuyên ta: “Lá vàng có
đáng thương chi, hãy dành lòng mà thương lá héo” (Kinh cầu tự, tr.42)
tuy ở mấy trang trên (28) ông đã bảo rằng “lòng thương hại không đẹp đâu...
không tự nhiên”. - Dẫu sao, cuộc đời là một tấn bi hài kịch, nên khi cười, lúc
khóc, có điểm thêm ít trào phúng và bi thương, tưởng cũng không phải là thừa vậy.
Vả lại, nếu người xưa “Thương con quốc rũ kêu mùa hạ/ Thương cánh bèo trôi rạt
bể đông”, thì ngày nay, chúng ta có “thương vợ chồng Ngâu, duyên chểnh mảng;
thương cha mẹ rện, phận long đong” cũng không có hại chi cơ mà!
Ông Huy Cận lại khuyên ta “nhổ hận trong lòng... mà vứt đi! Hối
hận không phải là cây tự nhiên trên đất này...”. Thiển nghĩ, hối hận cũng như
lòng thương hại, cần cho thế nhân lắm. Nhiều khi hình phạt của xã hội, hay “búa
rìu của dư luận” cũng không làm cho người ta đau đớn bằng sự hối hận, có khi
triền miên suốt đời không hết. - Một người đã phạm một điều đại gian ác, chung
quanh không ai biết. Nhưng những lúc đêm khuya thanh vắng, “Một mình mình biết,
một mình mình hay”, lương tâm dày vò, hối hận cắn rứt,... ví dụ kẻ kia còn nhất
điểm lương tâm..., thì cái sự hình phạt thiên nhiên đó làm cho đau đớn e chề, dẫu
sống đến trăm năm cũng không chắc đã nhổ được gốc trong lòng mà vứt đi một cách
ung dung giản dị! Cho nên bàn tay của Macbeth đã vấy máu tội lỗi, thì tất cả những
hương thơm của xứ Arabie cũng không sao gội sạch được.
Có lẽ tác giả Kinh cầu tự quên rằng hai năm trước,
trong tập Lửa thiêng đã viết bài Thân thế(... Nếu Chúa biết bao
nhiêu hồn ly tán. Vì đã nâng bình lửa ấp lên môi; thì hẳn Chúa cũng thẹn
thùng hối hận. Đã sinh ra thân thế của con người...). - Thượng Đế, Chúa Đời còn
biết hối hận thay, huống chi người!...
…Tác giả Kinh cầu tự có kiêu hãnh không? Ta cứ xem
đoạn văn này sẽ rõ: “... Kẻ đọc ta ơi! Ta đang may áo trừ hao cho người đây. Ít
lúc nữa tâm hồn anh mới bận tư tưởng của ta đó... Ta mong cho tâm hồn anh
chóng nhớn?... ta mong anh chóng vất áo ta đi...”. Và: “Những chiều thơ dại, đã
có khi ta muốn cầm trái đất trong tay mà vắt như một quả cam...”. Chắc là
vắt lấy nước ngọt và bổ để uống cho đỡ khát! Vì tác giả khát khao chân lý, đang
“đi tìm nguồn”. Ông Huy Cận quả đã hơn M. Barrès và André Gide”...
Tại Phần II- Thơ Việt Nam hiện đại trong chuyên khảo Việt
Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, H., 1942), Lương Đức Thiệp đi sâu
phân tích thơ Huy Cận và chú trọng đặt trong tương quan với nhiều thi nhân khác:
“Với ông Huy Cận, trường “Thơ mới” tiến vượt lên một bực nữa.
Qua những bài thơ, những bài “lục bát” đặc sắc:
… Tai nương nước giọt mái nhà,
Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn,
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…
… Ngập ngừng mép núi quanh co,
Lưng đèo quán dựng mưa lò mái ngang.
Vi vu gió hút nẻo vàng,
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao…
… Trơ vơ buồn lọt quán chiều,
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người…
… Đồn xa quằn quại bóng cờ,
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về…
… Bờ tre rung động trống chầu,
Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan…
… Khuya nay mùa động đầu cành,
Đồng trăng lục nhạt, vàng thanh lối gần…
… Đêm nay không khí say nồng,
Nghìn cây mở ngọn muôn lòng hé phơi.
Khuya nay trông những mạch đời,
Mùa thanh xuân dậy thức người héo hon.
Ngón tay tưởng búp xuân tròn…
… Nai cao gót lẫn trong mù,
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
Sắc trời trôi nhạt dưới khe,
Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng...
Ta thấy tâm hồn thi sĩ rung động. Một tâm hồn phiền toái hơn
tâm hồn ông Thế Lữ và Xuân Diệu, một tâm hồn có nhuốm màu thần bí.
Hỡi Thượng đế người công phu biết mấy!
- Nhưng mọt sâu nương náu giữa lâu đài…
… Thân không chán đau, ngực sầu thở chết,
Tay bồng thân và tay nữa ôm mồ…
… Chẳng bao lâu nữa sầu trong đất,
Vĩnh viễn mùa đông lạnh chỗ nằm…
Bởi vậy thơ ông Huy Cận cũng đặc sắc hơn và nguồn cảm cũng
giàu hơn. Song đáng tiếc ông hành văn còn Tây quá:
… Rồi tôi khóc, và đầu tôi ngủ gục,
Mắt tôi mờ, và tay tôi xuôi…
… Ồ những người ta đi hóng xuân.
… Bắt gặp mùa tươi lên run rẩy,
Trong cành hoa trẻ, cổ chim non…
Nhiều bài đáng nhẽ hay hơn được nữa, cũng vì ông còn thiếu
cái mềm dẻo của Việt ngữ mà bị giảm giá trị. Và, qua tác phẩm của ông cũng như
trong thơ Xuân Diệu, ta thấy hình bóng lờ mờ của Baudelaire:
Et dans un baillement avalelerait le monde.
(Baudelaire)
Thâu trong cái ngáp dài vô hạn
Hình ảnh lung lay vũ trụ tàn
(Huy
Cận)
Tuy hai ông cũng như ông Thế Lữ có xu hướng lãng mạn. Mà cũng
cả trong hai ông, nhất là trong ông Xuân Diệu, ta cũng nhận được đôi dấu vết của
phong trào “Son Trẻ” bột phát (1935-38) qua những bài có cái giọng dí dỏm hay sỗ
sàng:
… Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ!
Một hôm trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ…
… Ai biết người yêu nhỏ của tôi,
Người yêu nho nhỏ trốn đâu rồi?
Bảo giùm với nhé: em tôi đó,
(Huy
Cận)
… Muốn dập thơ theo kiểu Tây phương, muốn theo hình thức của
thơ Pháp, những hộ tinh xoay quanh ba ngôi định tinh đang lúc chói lòa (Thế Lữ,
Xuân Diệu, Huy Cận) cũng a dua đả phá niêm luật, đả phá âm hưởng. Họ có ngờ đàn
ba ngôi “sao” ấy đã từng hiểu biết, mới có ý định cải cách,có ý định phá bỏ lề
luật của người xưa”...
Đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn
Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942…), Hoài Thanh - Hoài Chân chọn in thơ Huy Cận 11
bài (đồng hạng Nhì với kiện tướng Lưu Trọng Lư), chỉ xếp sau Xuân Diệu (15
bài). Trong phần lời dẫn, hai ông nhấn mạnh chất trữ tình và những giá trị nhân
văn, nhân tính, những buồn vui muôn thuở trong hồn người cùng một lối nói, một
điệu thơ Huy Cận không thể trộn lẫn:
“Đã có hồi người ta tưởng muốn làm thơ hay phải là người hay
khóc và thi nhân mỗi lần cầm bút là một lần phải “nâng khăn lau mắt lệ”. Nhưng
buồn mãi cũng chán. Trên tao đàn Việt Nam bỗng phe phẩy một ngọn gió yêu đời,
tuy không thổi tan những đám mây sầu u ám, song cũng đã mấy lần ngân lên những
tiếng reo vui. Người thính tai sẽ nhận thấy trong những tiếng kia còn biết
bao nhiêu vui gượng, nhưng dầu sao sự cố gắng đau đớn của cả một lớp người đi
tìm vui, cái cảnh ấy ai thấy mà chẳng động lòng? Than ôi! Ngày vui ngắn ngủi,
chưa được mấy năm nỗi buồn đã trở về, thảm đạm và nặng nề hơn xưa.
Nó đã trở về trong tập Lửa thiêng. Với những tính
cách khác hẳn. Cái buồn Lửa thiêng là cái buồn tỏa ra từ hồn một người
cơ hồ không biết đến ngoại cảnh. Có người muốn làm thơ phải tìm những cảnh nên
thơ. Huy Cận không thế. Nguồn thơ đã sẵn trong lòng đời thi nhân không cần có
nhiều chuyện. Huy Cận có lẽ đã sống một cuộc đời rất bình thường, nhưng người
luôn luôn lắng nghe mình sống để ghi lấy cái nhịp nhàng lặng lẽ của thế giới
bên trong. Ai đã so sánh “Las Mocedades del Cid” của Guillen de
Castro với “Le Cid” của Corneille hay “Kim Vân Kiều truyện” của
Thanh Tâm Tài Nhân với “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du đều nhận thấy
trong “Đoạn trường tân thanh” và trong “Le Cid” nhiều tình
mà ít chuyện. Nếu ta so sánh thơ Huy Cận với thơ hồi trước, ta cũng sẽ thấy như
thế.
Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo
nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi
tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc. Ai có ngờ những
bước chân đã tan trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích hẳn
không bao giờ tan được:
Thôi đã tan rồi vạn gót hương
Của người đẹp tới tự trăm phương.
Tan rồi những bước không hò hẹn
Đã bước trùng nhau một ngả đường.
Lại có khi suối buồn thương cứ tự trong thâm tâm chảy ra lai
láng không vướng chút bụi trần:
Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung!
Có ai đàn lẻ để tơ chùng?
Có ai tiễn biệt nơi xa ấy,
Xui bước chân đây cũng ngại ngùng...
Phải tinh lắm mới thấy rõ lòng mình như thế giữa cái ồ ạt,
cái rộn rịp của cuộc đời hằng ngày.
Đây có lẽ là một điều Huy Cận đã học được trong thơ Pháp.
Nhưng với trí quan sát rèn luyện trong nền học mới, Huy Cận đã làm một việc táo
bạo: tìm về những cảnh xưa, nơi bao nhiêu người đã sa lầy - tôi muốn
nói sa vào khuôn sáo. Người nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật đèo cao, nỗi buồn
của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn đêm
mưa, buồn nhớ bạn. Và cũng như người đã làm thơ với những cái hình như không có
gì nên thơ, người tìm ra thơ trong những chốn ta tưởng không còn có thơ nữa.
Người đã gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á, người đã khơi lại cái mạch sầu mấy
nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này. Huy Cận triền miên trong cảnh xưa,
trò chuyện với người xưa, luôn luôn đi về trên con đường thời gian vô tận. Có
lúc hình như thi nhân không phân biệt mộng với thực, ngày trước với ngày nay. Cảnh
trước mắt mơ màng như đã thấy ở một kiếp nào, tình mới nhóm người tưởng chừng
đã hẹn đâu “từ vạn kỷ”.
Nhưng con đường về quá khứ đi càng xa, càng cô tịch; tứ bề
càng vắng lặng, mênh mông. Có lẽ thi nhân trong cuộc viễn du đã có lần nhác thấy
cái xa thẳm của thời gian và không gian, có lẽ người đã nghe trong hồn hơi gió
lạnh buốt từ vô cùng đưa đến. Một Pascal hay một Hugo trong lúc đó sẽ rùng
mình, sẽ hốt hoảng. Với cái điềm đạm của người phương Đông thời trước, Huy Cận
chỉ lặng lẽ buồn:
Một chiếc linh hồn nhỏ:
Mang mang thiên cổ sầu.
Tôi nhớ lại cái buồn của một thi nhân khác, Trần Tử Ngang,
ngàn năm trước, cũng đã có một cuộc viễn du tương tự như thế:
Ai người trước đã qua?
Ai người sau chưa đẻ?
Nghĩ trời đất vô cùng,
Một mình tuôn giọt lệ.
(Theo bản dịch của Ô. Võ Liêm Sơn trong Cô lâu mộng.
Nguyên văn chữ Hán:
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc thương nhiên nhi lệ hạ)
Tuy nhiên điềm đạm đến đâu người ta cũng không thể một mình đứng
trước vô cùng. Người ta cần phải nương tựa vào một cái gì cho đỡ lẻ loi: một
lòng tin hay, ít nữa, một tình yêu, theo nghĩa thông thường và chân chính của
chữ yêu. Huy Cận có lẽ đã thiếu tình yêu mà Thượng đế của người lại chỉ là một
cái bóng để gửi ít câu thơ thì được, để an ủi thì không. Cho nên người thấy
mình lạc loài giữa cái mênh mông của đất trời, cái xa vắng của thời gian. Lời
thơ vì thế buồn rười rượi. Nhưng thương nhất là những đoạn thơ vui (chẳng hạn
bài “Tình tự”). Ta thấy một người hiền lành lắm và non dại lắm, vui hấp
tấp, vui cuống quýt, vì trong lúc vui người cũng biết buồn đương chờ mình đâu
đó.
Nhưng thương hay mến có làm gì. Thương mến không đủ làm tan nỗi
bơ vơ. Khoảng trống trong lòng thi nhân họa tình yêu mới lấp được muôn một.
Có người bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể
những chuyện xưa. Nhưng trong đời người ta còn có tuổi nào hay buồn hơn tuổi
hai mươi (Tuổi hai mươi, không phải hai mươi tuổi). Còn có tuổi nào hay vẩn
vơ hơn. Tôi thấy thơ Huy Cận trẻ lắm. Huy Cận đã đưa tôi về khoảng đời tôi bảy
tám năm trước. Tôi bùi ngùi thương chàng niên thiếu hồi bấy giờ đã sống luôn mấy
năm trong hiu quạnh. Chàng cũng mang một tấm lòng chứa chan yêu dấu đi tìm tình
yêu trong tình bạn. Và vì thế chàng cũng đã đi lầm đường. Chàng thấy cảnh trời
đẹp, chàng gặp những tâm hồn cao quý, chàng được vô số mến thương. Nhưng đẹp
làm gì, cao quý làm gì, thương mến làm gì, nếu lòng chàng không hề đón được ít
hương ân ái. Vũ trụ bao la quá, lòng chàng giá lạnh quá, chàng muốn quên mình,
quên hết thảy trong tình yêu của một người, vô luận người nào. Chàng gõ cửa hết
nơi nọ chốn này song bao nhiêu tâm tư đều đóng kín.
Nỗi lòng xưa, nay sực tỉnh. Đọc thơ Huy Cận tôi đã gặp lại một
người em.
Chỉ một người em? Không. Năm tháng dầu đi qua, đời tôi dầu có
khác, nhưng tuổi hai mươi đã thực chết trong lòng tôi?”...
Đến mục tác gia Huy Cận trong sách Nhà văn hiện
đại, Quyển ba (NXB Tân dân, H., 1943), Vũ Ngọc Phan nhấn mạnh những khác biệt
những khác biệt giữa thơ Huy Cận với Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu:
“Tác giả Lửa thiêng (Đời Nay - Hà Nội, 1940)
thật đã không giống Xuân Diệu và cũng đã khác hẳn Lưu Trọng Lư. Ở
Huy Cận, ta không thấy những tiếng kêu ầm ỹ, nóng nẩy như ở tác
giả Thơ thơ và ta cũng không thấy cái buồn vơ vẩn và nhẹ
nhàng như ở tác giả Tiếng thu. Huy Cận than thân thì ít mà góp
tiếng khóc với đời thì nhiều. Cái giọng nhớ hờ, thương hão của ông
đôi khi có hơi giống Tản Đà, nhưng ông lại khác Tản Đà ở chỗ có
lòng tin tưởng ở đấng tối cao. Lòng tin tưởng ấy lai láng trong gần
hết các bài thơ trong tập Lửa thiêng và ông đã diễn ra với
cả một tâm hồn nghệ sĩ. Đứng trước thiên nhiên và nhân loại, ông là
một họa sĩ giàu lòng tín ngưỡng và bình tĩnh, cần cù, ngồi vẽ
những nét dịu dàng, không quá bạo, để không phải tả riêng mình, mà
tả tất cả mọi người. Bởi thế sự “trình bày” của ông không phải
riêng ông mới có, nó có thể là sự trình bày của tất cả những
người buồn rầu và biết tin tưởng ở Trời, tin cậy ở Trời.
Hãy nghe:
Hỡi Thượng đế! tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang.
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái!
Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đường.
(Trình bày, tr.19)
Phải tin cậy ở Thượng Đế lắm, mới có thể thốt ra
những lời ấy được. Tin cậy một cách không ngậm ngùi, thương tiếc và
kêu ca. Nhưng vì sao lại có sự tin cậy ấy? Vì khi mắt đã mờ, tay đã
buông xuôi, thì:
Không biết nữa, thiên đường hay địa ngục;
Quên, quên, quên đã mang trái tim người.
(Trình
bày, tr.22)
Mắt mờ, tay buông xuôi là lúc loài người hết cảm
giác, nên, tác giả mới phải trách Trời:
Nếu Chúa biết bao nhiêu hồn ly tán
Vì đã nâng bình lửa ấp lên môi;
Thì hẳn Chúa cũng thẹn thùng hối hận
Đã sinh ra thân thể của con người.
(Thân
thể, tr.25)
Trời đã tạo người không theo hình ảnh của Trời! Đó
là tiếng than thở của nhân loại từ xưa và bây giờ là tiếng kêu than
của Huy Cận.
Lẽ thường, ở đời, chỉ có khóc về mình, người ta
mới khóc thảm thiết, còn khi khóc cả cho người và cho mình, người ta
vừa gạt nước mắt vừa liếc trông người bên cạnh. Khi đã không có sự
tủi thân - có riêng ai, mà tủi thân! - cái khóc của người ta không
tránh sao được sự lặng lẽ. Bởi vậy, cái buồn của Huy Cận tôi muốn
gọi là cái buồn của người nghệ sĩ hơn là cái sầu của thi nhân.
Đứng trước cảnh vật, Huy Cận đã nhìn bằng con mắt
khách quan, dầu ông có ngỏ tình ý thì cái tình ý ấy cũng là tình
ý của nhiều người khác.
Đây, một bài thơ đầy nghệ thuật, một bài thơ tả một
nghệ sĩ nằm dưới gốc cây, nhìn lên chiếc lá in vào nền trời xanh
thẳm và tưởng tượng là một con thuyền trước ngọn triều dào giạt,
quanh quất có tiếng nhạc u huyền:
Giữa trời hình lá con con
Trời xa sắc biển, lá thon mình thuyền.
Gió qua là ngọn triều lên
Hiu hiu gió đẩy thuyền trên biển trời.
Chở hồn lên tận chơi vơi
Trăm chèo của Nhạc, muôn lời của Thơ.
Quên thân như đã quên giờ
Tê mê cõi biếc bến bờ là đâu.
(Trông lên, tr.29)
Đến những bài Đẹp xưa, Tràng giang, Thu rừng, thì
thật là những bức tranh thủy mạc không hẳn của một nước nào, hay
của một dân tộc nào. Cái tính cách “nhân loại” ấy có hơi cổ, hơi
lặng lẽ, nhưng nó lại được cái đầy đủ, nghiêm trang, có thể đem treo
ở một phòng khách lớn, cái phòng tiếp cả người thân lẫn người sơ.
Hãy đọc:
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon…
Đi rồi, khuất ngựa sau non;
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu…
(Đẹp
xưa, tr.43)
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
(Tràng
giang, tr.52)
và:
Sầu thu lên vút song song,
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu.
Non xanh ngây cả buồn chiều,
- Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.
(Thu
rừng, tr.52)
Thật là những câu tuyệt bút, đặc giọng thơ Đường, để
tả những cảnh buồn, và cũng thật là "nhân loại". Theo những
câu trên này, một họa sĩ Tàu, một họa sĩ Nhật, một họa sĩ Ấn Độ,
hay một họa sĩ Việt Nam, đều có thể vẽ nên một cảnh ở nước mình.
Vì, người lữ thứ, con ngựa bên non, chuyến đò ngang, sắc trời, mặt
nước, chim bay, rừng thu, đều không có những màu sắc thuộc hẳn xứ
nào. Cả đến cái cảm giác ngây ngất trước cảnh đẹp cũng là cái cảm
giác của loài người từ thiên vạn cổ mà thi nhân đã bao lần ca ngợi.
Huy Cận nghệ sĩ ở chỗ đó và cũng thiếu cái đặc sắc của nhà thơ ở
chỗ đó: ông đã không đem cái tâm hồn của riêng ông để hòa cùng vũ
trụ.
Về tả tình cũng vậy. Huy Cận bình tĩnh vô cùng, nên
dù khi "ngậm ngùi" (tr.82), khi "hối hận" (tr.38) cho
đến lúc "tình tự" (tr.34), lúc "tiễn đưa" (tr.49), ông
cũng giãi tỏ những tính tình bình thản như những lúc ông "nhớ
hờ" (tr.63) thương hão. Thật không làm gì có những câu nồng nàn,
tha thiết, nóng nẩy như mấy câu sau này của Xuân Diệu:
…Và cảnh đời là sa mạc vô liêu
Và tình ái là sợi giây vấn vít.
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
(Thơ Thơ, tr.29)
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
“Gần thêm nữa! thế vẫn còn xa lắm”
(Thơ
thơ, tr.31)
Hay những câu nhớ nhung đắm đuối như mấy câu này của
Lưu Trọng Lư:
Bên khóm mai gầy một sớm thu,
Lòng sao thắc mắc mối sầu u.
Vắng chàng quên cả lời chàng dặn:
Dạ buồn lại thổi tiếng vi vu…
(Tiếng
thu)
Cũng là những tình, những cảnh buồn, mà ở mỗi nhà
thơ, một khác.
Đây hãy nghe lời tình tự của Huy Cận, những
lời rất đẹp, rất êm đềm, nhưng thật không phải những lời tha thiết
tự tâm can:
Thuở chờ đợi, ôi, thời gian rét lắm,
Đời tàn rơi cùng sao rụng canh thâu;
Và trăng lu xế nửa mái tình sầu,
Gió than thở biết mấy lời van vỉ?
(Tình
tự, tr.35)
Đó là mối đau thương giữa trời đất của con người ta
không cứ ở phương nào. Hay thì hay thật, đẹp thì đẹp thật, nhưng làm
sao người đọc được thấy mối tình mới nẩy nở, để có những cảm giác
say sưa thì không.
Huy Cận hơn Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu ở sự chọn chữ,
lựa câu, ở sự hiểu cái ma lực của mỗi chữ, như:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.
(Tràng
giang, tr.52)
Nai cao gót lẫn trong mù,
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
(Thu
rừng, tr.101)
nhưng lại thua Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu về thành
thực.
Hãy đọc Điệu buồn của Huy Cận:
Mái nhà nghiêng dần…
Ôi buồn trời mưa!
Nhìn trăm sao buồn
Của mưa trên sân…
Ôi lòng buồn chưa!
Đêm sa xuống gần.
Biết sao nói năng,
Nhớ chi bâng khuâng.
Cửa the gió rình;
Vườn cau nước dâng.
và một “điệu buồn”của Lưu Trọng Lư, bài Mưa:
Mưa mãi mưa hoài!
Lòng biết thương ai!
Trăng lạnh về non không trở lại.
Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài!
Nào biết nhớ nhung ai!...
Ta thấy, ở đây, riêng về âm điệu, hai bài thật khác
nhau xa.
Nếu ai hỏi tôi: thơ Huy Cận thế nào? Tôi sẽ đáp: thơ
Huy Cận thanh tao, trong sáng, nhưng kém về thiết tha, thành thật, là
những điều cốt yếu trong thơ của Xuân Diệu”...
Sau tất cả các bài viết và ý kiến trên, đến lượt Kiều Thanh
Quế - nhà phê bình số một của miền Nam đương thời - đã lên tiếng đánh giá về nền
thơ đương đại qua bài đọc sách thực sự công phu Nhân đọc Thi nhân Việt Nam
của Hoài Thanh và Hoài Chân (Tri tân, số 134, tháng 3-1944); trong đó
có trao đổi, tranh luận, phản biện, lý giải về hiện tượng thơ Huy Cận:
“Quyển sách dày dặn cố ghi lại một thời đại thi ca Việt Nam
chẵn mười năm 1932-1942…
…Nhận thấy Tản Đà và Quách Tấn, kẻ đứng đầu kẻ đứng cuối một
thời đại thơ ca Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng chia cảm tưởng với tác giả Thi
nhân Việt Nam rằng “các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu
diệt”, và thi nhân xứ ta phải quay về dĩ vãng “để vin vào những gì bất diệt đủ
bảo đảm cho ngày mai”.
Có kẻ lầm tưởng mong ước ấy là muốn bắt dòng thơ Việt Nam hiện
đại phải quay về thể thơ lục bát của ca dao. Không! quay về dĩ vãng là quay về
với tâm hồn của thời xưa, chớ phải đâu quay về các thể cách của thời xưa. Các
nhà thơ hiện đại muốn phô diễn những đầu đề mới nào cũng được, miễn phải gây lấy
cho câu thơ Việt một cái hồn Việt Nam. Đừng viết một câu thơ Việt để cho người
Việt Nam lầm tưởng đó là của một người ngoại quốc mới tập viết quốc văn ta. Tôi
không bảo thơ Xuân Diệu, Huy Cận vô giá trị. Tôi cũng nhận thấy trong đó một
hơi hớm của tuổi hai mươi bồng bột, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những lời thơ
để đọc trong một thời. Rồi thì ta cũng phải yêu mến cái tâm hồn nghìn xưa của
nhân dân Việt Nam ta. Tâm hồn ấy chuộng sự sáng sủa và sự du dương. Câu thơ du
dương là câu thơ đầy nhạc điệu. Tôi không cho thơ Xuân Diệu, Huy Cận hoàn toàn
tối nghĩa, nhưng cũng có lắm câu không được sáng sủa như: Trong vườn sắc đỏ rũa màu
xanh (Xuân Diệu), Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng (Huy
Cận). Hai động từ trong hai câu thơ ấy “mới” quá, ta chỉ nên dùng trong văn
xuôi, đừng nên vội dùng trong văn vần. Vì văn vần là một thể tổng hợp, đã khó
hiểu rồi, ta nỡ nào còn cố làm thêm khó hiểu nữa. Vả lại, động từ thêu của
Huy Cận còn dễ hiểu hơn động từ rũa của Xuân Diệu, mà người ta có thể
hiểu lầm là nguyền rủa, chửi rủa, như ở Nam Kỳ đồng bào ta thường hiểu lầm. Bởi
thế nên có một nhà thơ hài hước ở Nam Kỳ nhại câu thơ của Xuân Diệu lại
là: Trong vườn sắc đỏ chửi màu xanh.
Huy Cận còn hai câu thơ này thật là khó hiểu:
Ngàn năm sực tỉnh, lê thê,
Trên thành son nhạt - chiều tê cúi đầu…
Chiều tê là chiều gì? Buổi chiều ấy ra làm sao? Người ta
bảo vốn Huy Cận viết: “Chiều tê tái sầu”. Xuân Diệu cho viết thế thì rõ ràng
quá nên chữa lại “chiều tê cúi đầu” (thuật theo lời Hoài Thanh).
Tôi cũng không bảo thơ Xuân Diệu, Huy Cận thiếu hẳn nhạc điệu.
Nhưng nhạc điệu của thơ hai ông, tôi thấy nó làm sao ấy! Ta chỉ thích nghe nhạc
điệu ấy trong một thời thôi. Rồi thì sao ta cũng phải thích nhạc điệu của hơi
thơ Đường hơn. Vì lẽ ấy mà tôi trọng cái nhạc điệu trong thơ Quách Tấn, Thái
Can, Leiba, Tchya hơn nhạc điệu trong thơ hai ông”...
So với nhiều tác giả Thơ mới, thơ Huy Cận được người đương thời
chào đón nồng nhiệt và thống nhất trong chiều hướng đánh giá, khẳng định, vinh
danh. Về cơ bản, những điểm đặc sắc trong thế giới nghệ thuật, lối cảm, lối
nghĩ, nội dung và hình thức câu thơ Huy Cận đều đã được khai thác sâu sắc. Điều
này cho thấy sự đồng cảm cũng như khả năng tiếp nhận của bạn đọc và giới phê
bình đương thời Thơ mới thực sự khách quan, đạt tới trình độ cao trong việc thẩm
định các giá trị thơ Huy Cận.
Nguyễn Hữu Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét