Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Dáng xuân

Dáng xuân
Chiều xuống êm đềm. Vài cánh chim hối hả, chấp chới cuối trời. Nắng tắt. Đầm sen mờ mờ, lặng yên. Những chiếc lá trải rộng, xanh um, phủ kín mặt đầm. Dăm ba đóa hoa sen con nhô cao như ngọn đèn chưa bật sáng, lem luốt hai màu xanh đỏ. Những cánh sen nở xòe hồng hồng, tươi tắn, khẻ lung lay. Gió lùa những sợi tóc dài của Nguyên ra sau, mơn man đôi gò má rám nắng. Nguyên tựa người vào thân cây dừa, mơ màng nhìn mây trôi. Những cụm mây trắng như bông, lãng đãng, in đậm trên nền trời lam nhạt những hình dạng ngộ nghĩnh. Có lúc, tựa như đôi thiên nga nô giỡn trên dòng nước. Có lúc như hai chú mèo gò lưng, chực nhảy và có lúc tựa như một cái bóng trắng quen thuộc, thân thương. Nguyên bàng hoàng khi mây nhạt dần, khuất hẳn. Tiếng chuông chùa chợt âm vang, ngân nga, lôi tuột Nguyên về với thời tuổi thơ lãng mạn.
Men theo bờ đất, đi mãi về phía mặt trời lên sẽ gặp ngã rẽ, dẫn tới một ngôi chùa cổ. Chùa Trúc Đào, ngôi chùa có từ lâu lắm. Thuở ba má Nguyên còn bé tí, tóc để chỏm. Chùa nằm ở một góc ruộng. Mái ngói rêu bám đầy, tường xám xịt. Nhưng cũng đủ để mọi người phân biệt đó là một ngôi chùa chớ không phải một cái chuồng trâu hay chòi vịt. Bên trong, các bệ thờ chiếm gần hết diện tích. Những bức tượng sơn son, thiếp vàng, đứng ngồi la liệt, lặng lẽ chịu đựng lớp bụi thời gian và lưới nhện. Điều lạ là xưa nay chùa chỉ có hai người. Một già, một trẻ. Vị sư già chỉ lẩn quẩn trong chùa. Bà đi từ chánh điện xuống hậu liêu. Thỉnh thoảng, bà mới vào xóm, đến nhà nào đó để tụng kinh cầu siêu cho người chết. Vì thế, cứ mỗi lần thấy bóng áo nâu thấp thoáng, Nguyên sợ hãi, nửa muốn né tránh, nửa tò mò muốn đuổi theo. Trong đầu óc non nớt của Nguyên lúc đó, vị sư già và thần chết là bạn thân thiết. Thần chết đến nhà ai, lát sau, sư già lại đến. Một kẻ mang người chết sang thế giới bên kia. Một kẻ an ủi, vỗ về bằng những câu kinh. Đôi khi xen vào vài lời trấn an về sự đổi thay chốn tựa nương của linh hồn. Đó là thế giới vĩnh hằng. Nơi mà niềm vui hoặc nỗi buồn nếu có, con người cũng không sao thấy được.
Ở vùng ngoại ô này, nhà cửa lưa thưa. Nhà nọ cách nhà kia xa lắc, bằng một cánh đồng. Chỉ có dọc quốc lộ, gần ba mươi căn nhà đứng xếp hàng hai bên, đối diện nhau, quay ngõ ra đường, như thể muốn chứng minh rằng ở đây cũng có người cư trú.
Ban ngày, có một cái chợ chồm hổm nhóm gần đó, trên một khoảng đất bằng phẳng, rộng bằng một cái nền nhà. Người bán, kẻ mua đều ngồi chồm hổm khi trao đổi hàng hóa. Thỉnh thoảng, có người muốn làm sang, dọn hàng ra bán, chất đống nhiều thứ ra đấy, căng dây, treo lủng lẳng dăm ba loại. Người hiếu kì bu lại xem, chỉ trỏ, bàn tán, khen chê một hồi rồi tản ra, mua hàng của những người ngồi chồm hổm. Họ cho rằng người nghèo thường bán rẻ. Vì bán rẻ lời ít, nên mới nghèo. Mà nghèo thì ... bàn rẻ. Dù cho chủ quầy hàng có gào giá cả từng loại, họ cũng cóc thèm nghe. Chủ ghi giá tiền bằng những con số to tổ bố trên tấm bảng con, đặt trước mặt hàng, cũng chẳng có ai xem. Mà dù có xem cũng không để ý. Rốt cuộc, quầy hàng xẹp lần xuống, rồi chồm hổm cho tiện việc.
Chợ nhóm từ tờ mờ sáng đến khoảng tám giờ là tan. Hôm nào có gánh hát sơn đông tới múa may rồi bán thuốc thì buổi chợ kéo dài thêm khoảng nửa tiếng. Người mua, kẻ bán vây quanh xem một lát rồi ai về nhà nấy. Họ cũng mua ít thuốc, vì tội nghiệp hơn là tin ở những người quảng cáo thuốc. Bán chạy nhất là món dầu gió. Có lẽ tiền lời chẳng bao nhiêu nên khi nào túng thế, gánh hát này mới quay lại chợ chồm hổm.
Ban đêm, từ nhà Nguyên nhìn ra, khu phố chợ sáng rực ánh đèn điện. Đèn đường như những anh chàng chỉ huy đứng trên cao, nhìn tổng quát và ra hiệu lệnh. Hễ trời chập choạng tối, mấy gã cao nghều nghệu nầy lập tức giương mắt, bật sáng thì lần lượt từ những ô cửa của hai dãy phố chợ cũng hắt ra ánh sáng yếu ớt của đèn nhà. Hai luồng sáng gặp nhau, chấp chới, trùng triềng rồi sáng rực. Trông cứ như một thành phố phồn vinh, tiến bộ. Đôi khi, Nguyên còn ví phố chợ như một kinh thành cũ, có một vị vua nhân từ, một bà hoàng hậu đẹp tuyệt trần và một hoàng tử hào hoa, tuấn tú. Một đêm nào đó, triều đình sẽ mở hội thử giày và các cô gái sẽ được dịp mơ mộng, ao ước cuộc sống vương giả. Nguyên thường săm soi đôi chân của mình. Những ngón nhỏ thon nhưng đầy vết nứt nẻ và chai sần. Dù không cắt, móng chân cũng không dài ra được. Chúng luôn bị đóng phèn, vàng xỉn. Ngày giáp Tết, Nguyên hay lấy chanh tươi chà xát, dùng bàn chải đánh mạnh. Chúng trở nên hồng hào được vài hôm rồi đâu cũng vào đấy. Nguyên buồn vơ vẩn ít phút rồi tự an ủi: “Dù đôi chân mình có xinh xắn mà khuôn mặt xấu xí cũng chẳng lọt vào mắt xanh của ai đâu. Nên an phận thì hơn!”
Ngoài thú ngắm đèn điện, bọn trẻ như Nguyên còn thích chạy đến những ngôi nhà có đám cưới hoặc đám tang. Đứng ngoài ngõ nhìn người ta ăn uống, cười nói cũng thích lắm. Tha hồ nuốt nước bọt, mơ tưởng viễn vông. Bọn Nguyên kháo nhau về những bộ áo cưới và chọn kiểu cho mình. Ở đám tang, Nguyên thích quan sát khuôn mặt mọi người. Vẻ đau khổ thật sự hay giả tạo đều khiến khuôn mặt họ khác lạ, xấu xí. Lúc đó, vị sư già xuất hiện , bà đọc kinh, giọng trầm trầm, đùn đục, gợi nỗi đau lan ra, len lỏi tận cùng ngóc ngách tâm hồn, đẩy bật những tiếng nấc từ đáy tim thoát ra. Âm thanh đặc nghẽn, hòa lẫn với tiếng mõ lốc cốc đều đều, tiếng chuông dõng dạt bất chợt, tạo thành một khúc sầu thống thiết. Nguyên cũng khóc mùi mẫn, chẳng vì lý do gì.
Không biết từ lúc nào, trong chùa có thêm một thành viên mới. Thằng bé trạc tuổi Nguyên, gầy nhom, cao nhòng, da đen nhẽm, đầu cạo trọc lóc. Nó cũng mặc nâu sồng. Nhưng, bộ quần áo vạt khách nầy không làm cho nó giống một người tu hành. Ánh mắt sáng ngời, tinh quái. Khi nó nheo một mắt, chun mũi, lè lưỡi với Nguyên, Nguyên phải buột miệng mắng: “Tiểu ác tăng!”
Người ta đồn rằng nó là một thằng trôi sông, lạc chợ đến đây. Hôm đó, người sư già đi tụng kinh về, bà bắt gặp nó nằm co rúm ở cạnh gốc cây sầu đông ven chợ. Mặt xanh như đổ chàm. Ruồi bâu mấy mục ghẻ ở tay, nó cũng không buồn đuổi. Vị sư già tới hỏi chuyện, biết nó mồ côi, chẳng nơi nương tựa nên đem về chùa. Bà đặt pháp danh cho nó là Từ Tâm và tập cho nó sống đời tu hành. Bấy giờ, khi có ai cần tụng niệm, vị sư thường dắt Từ Tâm theo. Bà đi trước, lầm lũi như con chim đầu hói, cánh cụt. Còn Tâm theo sau, tựa con chim sáo tung tăng đôi chân nhỏ. Một thời gian sau, Tâm được đến trường. Nó học chung lớp với Nguyên. Cả lớp, chỉ có Tâm là không mặc đồng phục. Cái đầu nhẵn bóng và bộ nâu sồng là đề tài không dứt của bọn Nguyên. Dù bị trêu chọc, Tâm vẫn không giận. Ngược lại, nó còn vui vẻ bảo rằng: “Tấm lòng người tu hành thường bao dung, rộng mở”. Có nhiều đứa nghịch ngợm, chìa những cái bánh nhân thịt cho Tâm. Nó thản nhiên ăn hết. Rồi giải thích khi bị chế giễu: “Các bạn bảo đó là đồ chay. Tôi ăn. Bây giờ, các bạn bảo đấy chỉ là bánh mặn, nhân thịt. Như vậy, không phải mình tôi có lỗi đâu”.
Có người nhiều chuyện, kể lại cho sư già nghe. Bà chỉ đáp: “A di đà Phật!”. Nhưng, từ đó, Nguyên thấy tóc Từ Tâm được nuôi dài ra, không bị cạo gọt thường xuyên như trước và Tâm đi học với bộ đồng phục như bao trẻ khác. Tâm trở thành một đứa trẻ bình thường như Nguyên.
Dọc đường đến lớp, Tâm thường kể cho Nguyên nghe về quê hương xa tít, nghèo nàn kiệt quệ sau mỗi mùa lũ. Ngôi nhà ven sông. Chiếc thuyền câu của ba và quang gánh hàng rong của mẹ. Nước lũ đã cuốn trôi tất cả mọi thứ ra biển, trừ Từ Tâm. Bây giờ, chùa Trúc Đào là mái ấm của Tâm. Nó yêu quí sư bà và ni cô Hạnh Dung. Những người cứu sống và cưu mang nó. Nhưng Tâm tiết lộ rằng nó thích cuộc sống sôi nổi, tranh đấu hơn là yên ả như hiện tại. Tâm muốn trở thành một anh hùng quân đội hay ít nhất cũng là một người như thầy chủ nhiệm của mình. Tâm không thích nhìn người ta phủ phục trước áo quan. Điều đó gợi nhớ ba mẹ và quê hương xưa. Trái tim nhỏ bé của nó không sao chịu nổi.
Tâm mê lời thơ của Hoàng Trung Thông trong “Bài ca vỡ đất”. Thỉnh thoảng, Tâm thường ngâm nga:
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Tâm muốn dùng đôi tay mình để thực hành những kiến thức mà thầy đã dạy ở trường. Nguyên thường phân vân, bảo:
- Như vậy, chưa hẳn là tốt đâu. Rồi Tâm sẽ rời xa những người ơn của mình. Bội bạc lắm!
Tâm cười ngất, giải thích:
- Mình có quên ơn ai đâu. Chính sư bà cũng khen mình và dặn thay bà làm việc thiện. Như vậy là một cách tu. Tu hiền đấy, Nguyên!
Nguyên ngạc nhiên về những ý nghĩ của Tâm. Có phải nghịch cảnh đã giúp con người khôn trước tuổi và biết định hướng sớm về tương lai của mình?
Lúc ấy, Nguyên chỉ cười, lắc đầu ra vẻ không tin. Nhưng chỉ vài tháng sau, Tâm đã khiến cho Nguyên phải thán phục bởi những việc làm cụ thể. Ngoài buổi học, Tâm đi làm mướn. Nó lãnh đào mương, đắp bờ, nhỗ cỏ, gánh nước thuê. Miễn sao kiếm được chút ít tiền. Được bao nhiêu, Tâm giao hết cho sư bà. Nguyên tò mò hỏi thì Tâm bảo: “Mình cũng phải góp phần chứ. Trong chùa, mình là người khỏe mạnh nhất kia mà”. Nguyên lại thắc mắc: “Góp để làm gì?”. Tâm thản nhiên đáp: “ Để sống và làm điều thiện như sư bà đã dạy”.
Nguyên bỗng cảm thấy nhỏ bé trước Từ Tâm. Từ đấy, Nguyên cố gắng chăm học, siêng làm và hiếu để đến nổi ba mẹ Nguyên phải ngạc nhiên. Nhưng họ không có thì giờ để suy gẫm, chỉ biết vui mừng. Những cánh đồng bị sâu rầy, những vạt lúa thiếu nước đã làm cho họ vất vả lắm rồi.
Sau lần dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Tâm đạt giải nhì nên được nhà trường cho đi tham quan cảnh đẹp đất nước. Đoàn ghé lại Đồng Tháp, Tâm được đến thăm lăng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và được nhìn thấy những cánh sen Đồng Tháp nở rộ trên mặt đầm. Tâm nói với Nguyên rằng mình yêu hoa nầy nhất. Những chiếc là xòe rộng như những bàn tay của tạo hóa hay là những chiếc thuyền xanh chở những sinh vật bé nhỏ trên mặt nước, để chúng khỏi bị dìm chết. Những cọng ngó sen mập mạp, trắng ngần đến lạ và những cánh hoa phơn phớt hồng, đẹp như màu thanh xuân trên gò má thiếu nữ. Chẳng biết lúc ấy Nguyên thẹn thùng thế nào mà Tâm ngẩn ngơ, buột miệng: “Mới đó mà đã bảy năm qua. Chúng mình lớn lên tự bao giờ chẳng biết, hả Nguyên?”
Tâm đã ra sức cải tạo cái ao nhỏ có vài cụm lục bình ở sau chùa thành một cái hồ rộng để trồng sen. Chẳng bao lâu, sen bén rễ, sinh sôi và nở rộ. Tiếng lành đồn xa. Người ngoài phố chợ túa vào ngắm sen, luôn tiện học cách trồng. Con đường đất vào những ngày rằm người qua, kẻ lại vui vẻ khác thường. Nhờ bàn tay của Tâm, trong chánh điện khói hương nghi ngút. Những bức tượng bóng nhẩy, tươi tắn như vừa được sơn mới. Lưới nhện không còn giăng chằng chịt trên vòm mái. Cái chuông đồng vàng óng như vừa mới đúc. Hai chiếc chiếu hoa trải nền còn tươi màu nhuộm. Tất cả gợi sự tin cẩn vào sức mạnh của nghị lực và góp phần tôn tạo vẻ trang nghiêm nơi cùng cốc nầy.
Tâm cũng giúp Nguyên trồng sen ở cái ao nhỏ bên hè nhà. Có mấy người gần đó cũng nhờ Nguyên chỉ dẫn. Loáng cái, đầm sen mọc lên cùng xóm. Chợ chồm hổm bấy giờ thêm một mặt hàng cao cấp nữa là ngó sen. Những cọng ngó sen mập mạp, trắng ngần, bày bán nhiều đến nỗi chợ được thêm cáiợc bày nám nhiều đến nỗiii!"ểu rõ lòng Nguyên, khi cô cúi xuống, những giọt nước mắt tưới lên hoa như thì th tên mới “Chợ Ngó Sen”. Đời sống dân làng nhờ đó cũng khấm khá hơn. Bây giờ, ở làng Nguyên không còn ai bị đói. Nhiều địa phương biết được cũng bắt chước cải tạo ao, đầm tạp nhạp thành những đầm sen đẹp và lợi ích.
Bây giờ, Tâm đã đi xa. Anh lên thành phố để bước vào ngưởng cửa đại học. Tâm ít có dịp trở về ngôi chùa cũ. Vì ngoài việc học, Tâm còn phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau với bàn tay và khối óc của mình.
Dù vậy, mỗi khi ra ngõ, trông thấy những cánh sen hồng ung dung xòe cánh, những tờ lá cuộn tròn hay mở rộng, đong đưa theo gió. Và hương sen thoang thoảng, êm đưa, Nguyên lại bồi hồi nhớ đến Tâm. Chiều nay, như mọi chiều, Nguyên cắt vài đóa sen, mang ra cắm vào chiếc lọ sành trước ngôi mộ đất. Nơi vị sư già yên nghĩ nghìn thu. Nguyên chắp tay, lặng yên chẳng dám thốt nên lời điều mình mong đợi. Dù chung quanh vắng vẻ, yên tĩnh đến lạnh lùng.
Chỉ riêng những đóa sen hồng hiểu rõ lòng Nguyên, khi cô cúi xuống, những giọt nước mắt tưới lên hoa như thì thầm: “Tâm ơi! Lại một ngày qua vội!”.
NGUYỄN THỊ MÂY
Theo http://newvietart.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...