Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

“Về phía mặt trời” thơ và Điệp khúc tình yêu của Dương Phan Châu Hà

“Về phía mặt trời” thơ và Điệp khúc tình yêu 
của Dương Phan Châu Hà

Tôi cầm tập thơ của Dương Phan Châu Hà giống như nhận được món quà tặng ngẫu nhiên đầy bất ngờ. Đột nhiên được cùng yêu thương, cùng thổn thức, cùng say, cùng khát…, có lẽ đó không phải là món quà ai cũng có được!.
“Về phía mặt trời” vừa ấn hành cuối năm 2009 - gồm 36 bài. Mỗi bài một cung bậc, vậy mà gần như lại như nhất ở cái dung dị trong vắt của tình yêu. Tiếng nói của tâm hồn phụ nữ vừa đa cảm vừa già dặn vừa ngây thơ khiến người ta cứ nao cả lòng. Tứ thơ dường như không cần vuốt ve mà vẫn nối nhau sinh sôi, tự nhiên giống như hơi thở, giống như đời sống. Nó phủ nhận sự “cố ý” làm duyên trong thơ và minh chứng nguồn xúc cảm thực đang cuốn trôi khi ào ạt, khi sâu lắng, khi nồng nàn, khi diết da… - nguồn sống thường trực của con người trong mỗi bước đường thăng giáng, buồn vui của cuộc đời.
Dương Phan Châu Hà giống như biết bao nhiêu người khác, viết nhiều về tình yêu và sống hết mình với nó. Trong 36 bài thì có tới 17 bài được chắt nguồn từ những xúc cảm say, khát, giận, hờn, đắm đuối, ước mơ… của một tâm hồn phụ nữ đa cảm. Yêu và được yêu, đó chẳng phải là câu trả lời cho hạnh phúc  đó sao (?). Châu Hà đã để bản tình ca uyên ương cứ ngân lên như tiếng lòng của con người: “Nước suối vắt vẻo/Róc rách bài ca tình yêu./Hoa trong rừng bừng tỉnh giấc thu/ mỉm cười trong mắt lá/ hát bản tình ca…” (Đá núi); “Hai má em hây hây chín đỏ/ đốt cháy thân anh trong ngọn lửa hồng./ Đôi mắt em hay chén rượu nồng say/ nung chảy trái tim anh run rẩy/ men rượu say say hay ngọn lửa tình say?” (Tình say); “Mắt anh đáy nước hay biển hồ đầy, /nhấn chìm em trong nỗi nhớ một chiều thu?” (Mỏi mòn trăng khuyết); “Hai đứa bồng bềnh trong sóng nước mặt hồ./ Huyền thoại tình yêu ru ta vào nỗi nhớ” (Ru vào nỗi nhớ)…
Tâm hồn người phụ nữ thường đa cảm. Dương Phan Châu Hà thể hiện rất rõ cái tôi nội cảm trong từng bài. Khi lãng đãng (Rơi vào biển xa), khi thẹn thùng (Những bước chân trốn chạy), khi khắc khoải với lời nguyện thề (Mong manh giao mùa), khi đợi chờ rơi nước mắt (Đợi tình), khi hờn dỗi ngơ ngác (Giận hờn), khi trống trải cô đơn (Thu hững hờ), khi mỏi mòn tìm kiếm (Mỏi mòn trăng khuyết)…. Vẫn nói về tình yêu, nhiều bài, nhiều câu thơ của chị “trong veo” “trong vắt”, nhí nhảnh  như thiếu nữ tuổi 15, nhiều bài lại ấm áp, nồng hậu, bời bời âu lo như trái tim người đàn bà từng trải. Em lúc “nũng nịu dỗi hờn”, “đôi môi cong cong giận dỗi” để lại một khối trống trải mênh mông (Giận hờn); em - lúc đợi, đã thấy mình khát cháy, lạc lõng trước công việc bộn bề của người mình yêu, nhưng rồi vẫn “mỉm cười hạnh phúc/nước mắt thấm vào bờ vai anh thấm đẫm mồ hôi” (Đợi tình). “Em” đắm chìm trong hạnh phúc nhưng thoáng chốc đã tự ngẩn ngơ đặt dấu hỏi về những gì đang có thực. Và lo lắng cũng là điều tất yếu khi hạnh phúc mỏng manh, lại dễ vỡ, khó vô cùng khi níu giữ (Rơi vào biển xa, Những bước chân trốn chạy)… Nỗi nhớ và hành trình kiếm tìm tình yêu là sợi chỉ nhỏ, óng ánh, không đứt rời, nó xuyên suốt trong nhiều bài thơ, tạo thành một điệp khúc dài: Nỗi nhớ lặng câm/ không nhạc - không lời. (Quả trám chua bắc cầu hai đầu nỗi nhớ); Đôi mắt vô hồn/khao khát/tình. Đôi môi bị bỏ quên/khao khát/yêu (Đợi tình); Sóng/ lang thang/Gió/lang thang/Em kiếm tìm anh/ suốt cả cuộc đời/ như gió lang thang/ như sóng lang thang (Biển thu); …khắc khoải đi tìm/mỏi mòn đến ngày trăng khuyết/hao gầy một mảnh trời thu… (Mỏi mòn trăng khuyết); Con tim thổn thức/ đi tìm/ tình yêu./ Khát vọng/ sống/ và/ yêu… (Một ngày). Nỗi nhớ, tình yêu, khát vọng hạnh phúc là động lực khiến người phụ nữ dù mỏng manh cũng trở nên vững trãi, dù mềm yếu vẫn trở nên can trường, mạnh mẽ. Bền bỉ suốt cả cuộc đời, họ kiên trì kiếm tìm, dù hao khuyết, dù “mỏi mòn”! Có ai đó từng khẳng định: hạnh phúc chỉ có thể có được khi người ta có người để yêu thương và được yêu thương! Chúng ta được đánh thức bởi cái cảm quan yêu, bởi cái khát vọng hạnh phúc của Dương Phan Châu Hà. Đó là lẽ sống mà ai cũng công nhận nhưng không dễ gì nói ra được.
Khá đa dạng trong đề tài, tác giả chú tâm đến tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Đó là những mảnh đời, những số phận, những rung cảm ngọt ngào hay đắng chát về cuộc đời và những gì đang chảy trôi... Dương Phan Châu Hà đã dùng trái tim phụ nữ để thao thức và dùng suy tư của một người đàn bà khá từng trải để cảm nhận. Trong cái tâm sự ấy, độc giả nao lòng trước “Vết nứt thời gian” - những chuyện “bao đồng” đã lôi con người vào cuộc chiến. Dấu tích để lại là những “vết nứt”, những mảnh đời và những tiếng cười, tiếng khóc, “những khuôn mặt méo, tròn cùng năm tháng”. Thời gian làm thay đổi biết bao điều. Và chị đau đớn trước đổi thay “đen, trắng” của cuộc đời, của lòng người:
Năm tháng qua đi, anh và tôi và cuộc đời
đổi thay, trắng và đen, cao và thấp
anh chẳng còn là anh, tôi cũng không phải là tôi
đồng tiền ngạo nghễ cười, đưa con người ta
xuống từng bậc thang cuộc đời.
(Trắng và đen)
Dương Phan Châu Hà bị ám ảnh sâu sắc bởi sự đổi thay của con người trong cơ chế thị trường. Mặt trái của đồng tiền, của quyền lực đã khiến người ta không còn là chính mình nữa. Chị đau đớn hơn khi nhận ra đôi khi cả những bậc làm cha cũng rơi vào bi kịch bị bỏ quên bởi sự mải mê kiếm tìm tiền tài và danh vọng của chính con cái họ:
Xuân qua rồi, tuổi già quạnh hưu
Con trẻ mải miết kiếm tìm tiền tài và danh vọng
bỏ lại hai người già
lẻ loi, đơn chiếc
chung cư lạnh lẽo, thiếu vắng hơi người.
(Đất khóc)
Tinh tế trong cách nhìn, chỉ với một con đường và những bàn chân, Dương Phan Châu Hà đã đưa ra nhận thức về những số phận, những cuộc đời (Những bước chân trần). Và thông qua “Những con đường khóc”, chị đã khơi dậy biết bao suy tư về những “con đường” dang dở mãi trong mùa thi công. Ở đó, những công nhân làm đường vẫn ngày ngày lầm lụi, không quản nắng mưa, sương gió. Cái nhìn ấm áp của Hà dành cho nhiều đối tượng khác, những người lao động lặng thầm mà cao cả, bình dị mà đáng trân trọng (Người kiếm tìm màu xanh, Nón lá nghiêng chao, Tìm trăng, Mây leo dốc núi…). Chị khắc khoải đối với những số phận rủi ro, bất hạnh, đau nỗi đau của họ và gắng thấu hiểu để sẻ chia (Xuân - hạ - thu - đông, Người đàn bà không chồng…). Thơ chị tràn đầy những tha thiết thương yêu, tiếc nhớ khi viết về người thầy, về bè bạn, về tuổi thơ. Hầu hết đó là những kỉ niệm, dường như nó đã thao thức cùng chị suốt những chặng đường dài (Khoảng trời bình yên, Ảo vọng, Cánh diều tuổi thơ, Vết nứt thời gian).
Xin được nói về bài thơ mang tên cả tập thơ. “Về phía mặt trời” là một bài thơ ngắn được ngắt thành 13 dòng nhưng khá sâu sắc trong triết luận. Bốn dòng thơ mở đầu:
Một ánh mắt khinh khi
Một cái bắt tay hững hờ
Một nụ cười nhàn nhạt
Cuộc đời!
Là mặt trái, là sự cay nghiệt, phũ phàng, là hiện thực, là một định nghĩa chua chát về cuộc đời. Đôi khi, cái giả, cái nhạt nhẽo, cái hờ hững được người ta đem ra để đối xử cùng nhau. Những “chiếc mặt nạ” khiến cho nhiều người e dè, sợ hãi. Nhưng quan trọng hơn, Dương Phan Châu Hà cho chúng ta thấy một cái khác: một đôi bàn tay, một nụ cười, một tấm lòng xua đi tất cả sự lạnh lẽo, sự đơn chiếc, sự giả dối. Và mặt trời phía trước vẫn chiếu sáng trên con đường của họ:
Anh nắm tay tôi
bước đi trên đường đời oan nghiệt
Một nụ cười
Một ánh mắt
và tấm lòng của anh  
xua tan giá lạnh mùa đông
cùng tôi
về phía mặt trời.
Tôi rất thích bài thơ này của chị. Nó công nhận những gì tàn nhẫn, nhưng nó vẫn đốt lên ngọn lửa khơi dậy niềm tin của con người. Khi biết hướng tới, khi được ôm trùm trong sự yêu thương, con người sẽ vượt qua tất cả. Và cuộc đời vẫn tỏa hương.
Có một cảm giác cấu tứ thơ Hà rất tự nhiên và “mộc”. Hầu như tất cả các bài thơ, các câu thơ đều tự nhiên tuôn chảy chứ không cần uốn éo khuôn nắn. Nó tự nhiên như suy nghĩ, lúc thì nhẩn nha, dùng dằng đến sốt ruột, lúc thì say bồng bềnh, lúc thì nhấm nhẳn, lúc xót xa… Chính điều đó tạo nên cái rất riêng cho thơ chị. Kết thúc mỗi bài thơ luôn là sự bâng khuâng trải rộng. Chị thường hay đặt dấu ba chấm cuối bài. Dĩ nhiên đôi khi có cảm giác hẫng bởi cảm xúc đòi hỏi sự tiếp tục. Nhưng có lẽ tác giả không muốn nói hết mà dành khoảng lặng đó cho suy tư.
Yếu tố tự sự trong thơ Dương Phan Châu Hà tương đối rõ. Hầu như các bài thơ đều bắt đầu trong mạch kể. Và xúc cảm được diễn biến theo trình tự thời gian:
+ Một ngày/ tình yêu đến (…) 
Một ngày/chợt tỉnh cơn say (…)
Một ngày…
(Một ngày)
+ Một ngày em đến… 
Một ngày em đến…
Một ngày vắng em…
(Vắng em)
+ Vũng Tàu
một ngày thu…
(Rơi vào biển xa)
+ Vũng Tàu
Một sáng mùa xuân…
(Quả trám chua bắc cầu hai đầu nỗi nhớ)
“Mong manh giao mùa”, “Đợi tình”, “Người mang danh anh hùng núp”, “Đất khóc”, “Cảnh sát nhí”, “Khoảng trời bình yên”… cũng được thể hiện như thế.
Tôi đã có một cảm giác trong veo trong vắt khi lần đầu đọc tập thơ. Bao nhiêu cái thương, bao nhiêu cái nhớ, bao nhiêu cái da diết được Hà “pha trộn” trong âm thanh của tuổi thơ khúc khích. Các đại từ nhân xưng trìu mến được đưa ra làm cho nỗi đau cũng giảm nhẹ hơn. Rất nhiều những “câu chuyện” được Hà dẫn dụ, đan xen bằng những câu thơ như thế này:
Ông mặt trời chín đỏ
ngỡ tưởng
một chiếc mâm đồng,
lúng liếng đôi mắt cười duyên.
(Những bước chân trốn chạy)
Tình yêu, nỗi nhớ cũng được gắn vào những hình ảnh thơ ngộ nghĩnh này. Khi “em” đến -  tình yêu được đánh thức - ông mặt trời cũng được đánh thức: Ông mặt trời tròn mắt ngó trông/Ông mặt trời miệng cười rạng rỡ. Khi vắng em: Ông mặt trời ngủ muộn/rụi mắt ngu ngơ buồn. (Vắng em). Thiên nhiên biết khóc, thiên nhiên biết cười, thoắt ẩn hiện trong thơ Hà, nhiều lúc như một đứa trẻ. (Tôi tự thấy sao nhiều lúc Hà … trẻ!). Nhưng có lúc sự hóa thân của thiên nhiên - xúc cảm khiến người ta rất thích thú. Mảnh khuyết, Đá núi, Thu hững hờ… là những ví dụ. Mảnh khuyết - trăng - được 3 lần hóa thân: lúc lẻ loi cô độc như bị bỏ quên (trăng cuối tháng), lúc non nớt như một đứa trẻ (trăng đầu tháng), lúc mặn nồng, say ngất trong tình yêu (trăng giữa tháng). Và bầu trời cũng biến đổi theo, khi “Tím - đợi”, khi “tím - nhớ”, lúc “tím - khát”. Theo tôi, Hà đã khá thành công khi dùng thiên nhiên chở tâm trạng con người. Đá núi cũng vậy. Sự cô độc trầm mặc của đá chỉ biến mất khi suối hát khúc ca của tình yêu!
Khép lại tập thơ 'Về phía mặt trời' của Dương Phan Châu Hà, dư âm của nó vẫn còn. Tôi nao nao về tình người, những trăn trở, những khắc khoải và cả những nụ cười… Nếu được đặt tên cho tập thơ này, tôi sẽ gọi: “Điệp khúc tình yêu”!.                                       
Phú Thọ, 12/2009
Tùng Diệp
Theo http://www.voque.org/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...