Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Người đàn bà bí mật của vua Lê Thánh Tông

 Người đàn bà bí mật 
của vua Lê Thánh Tông
Vua Lê Thánh Tông nổi tiếng anh minh, sáng suốt, ngay đến cả người tài là khuê nữ cũng được ông trọng dụng trong việc hệ trọng. Thế nên dư luận xưa mới đồn rằng, Kim Hoa học sĩ Ngô Chi Lan là người đàn bà bí mật của Vua Lê Thánh Tông.
Yêu hiền tài hay yêu tình?
Vua Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất 1442, mất ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497. Ông vốn là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Ông tên thật là Lê Tư Thành, còn có tên khác là Lê Hạo. Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Sử sách chép rằng, vua Thánh Tông là một ông vua thông minh, có hiếu với cha mẹ… Ông trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi…
Trong lúc trị vì, Lê Thánh Tông đã để lại tiếng thơm về sự anh minh của mình như đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và pháp luật. Ngoài ra, ông đã mở mang bờ cõi Đại Việt bằng cách đánh chiếm kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (năm 1471), sáp nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước (năm 1479). Thụy hiệu do người kế vị ông, Lê Hiến Tông truy tôn là Sùng thiên Quảng vận Cao minh Quang chính Chí đức Đại công Thánh văn Thần vũ Đạt hiếu Thuần hoàng đế.
Lên nắm triều chính, Lê Thánh Tông nhanh chóng chấm dứt tình trạng chia rẽ của triều đình. Ông làm việc không biết mệt mỏi, làm gương cho các quan lại. Lê Thánh Tông khẩn trương tổ chức củng cố và xây dựng nền hành chính Đại Việt mạnh mẽ, táo bạo. Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trường đại học đầu tiên của xã hội phong kiến Việt Nam, trên một tấm bia đá có ghi một danh sĩ nổi tiếng thời nhà Lê, đó là Thân Nhân Trung, người quê Việt Yên, Bắc Giang.
Ông có sớ dâng vua chiêu nạp hiền tài và cho rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia. Sự kiện này được khắc trên bia đá dựng thời Lê Thánh Tông. Điều này nói lên rằng, ông là người rất trọng dụng nhân tài và thực tế dưới thời trị vì của ông, những người tài thường được trọng dụng và đã cùng ông đoàn kết xây dựng một Đại Việt trong yên vui, ngoài yên ổn, dân chúng rất mến mộ vị Hoàng đế của mình.
Lê Thánh Tông bắt đầu cho phép tôn vinh việc học bằng các cuộc lễ xướng danh (lễ đọc tên người thi đậu), lễ vinh quy bái tổ (lễ đón rước người thi đậu về làng) và nhất là lệ khắc tên và lý lịch tiến sĩ vào bia đá Văn Miếu (bắt đầu từ 1442). Vì thế khuyến kích mọi tầng lớp cư dân đua nhau học hành để tên tuổi được ghi vào bảng vàng, để gia môn được vinh dự và để làng quê được vinh hiển. Với sự yêu mến nhân tài đó, vua Lê Thánh Tông đã tin dùng cả những người đàn bà có tài vào việc hệ trọng của đất nước cũng như việc của hoàng gia, nhưng chính vì tin dùng cả hiền tài là phái nữ nên mới xảy ra việc nhiều người cho rằng ông trọng dụng cả nữ tài danh là do vì tình chứ không phải vì mến tài thực của họ?
Người đàn bà bí mật của vị vua anh minh
Người con gái được vua Lê Thánh Tông ưu ái tên đầy đủ là Ngô Chi Lan, bà còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ, tự là Quỳnh Hương, là người làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Sử sách chép, bà Ngô Chi Lan rất đẹp, lại giỏi thi ca, từ khúc. Bà là vợ của Đông các Đại học sĩ Phù Thúc Hoành, là cháu gái ruột của Thứ phi Ngô Thị Ngọc Dao.
Khi Thái tử Tư Thành, con trai của bà Ngọc Dao lên ngôi vua, bắt đầu triều đại Lê Thánh Tông (1460 -1497), thì Ngô Chi Lan thường vào cung bái kiến cô mình. Cũng như nhiều cung cấm các triều, vua Lê Thánh Tông cho tuyển những trí thức phụ nữ vào cung làm chức học sĩ để dạy dỗ các cung nữ. Thế là bà Ngô Chi Lan được tuyển chọn, thậm chí nhà vua còn cho hầu nghiên bút và dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn. Theo sử sách, bà không những được Thái hậu Ngọc Dao vô cùng yêu chiều, mà vua Lê Thánh Tông cũng rất đỗi mến mộ.
Tương truyền, có lần nhà vua đi dạo, dừng chân thưởng ngoạn tại Thanh Dương Môn, chợt thấy làn mây biếc là đà trên mái điện bèn sai quan thị họ Nguyễn làm từ vịnh cảnh. Khi từ khúc “Uyên ương” dâng lên, nhà vua không vừa ý và truyền ngay nữ học sĩ họ Ngô làm bài khác. Ngô Chi Lan vâng mệnh, thảo luôn một chương, trong đó có hai câu kết rất đắc vị: “Điện ngọc ngói mời mây biếc phủ /Cẩm Giang sóng lụa sắc hồng dâng”. Nghe xong, nhà vua lấy làm hài lòng, khen tài văn hay chữ tốt của bà và ban hiệu là Phù gia nữ học sĩ (họ của chồng bà).
Kể từ buổi đó, tên tuổi của Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan ngày càng vang dội khắp kinh kỳ. Nhiều tao nhân mặc khách vô cùng kính nể, nhưng cũng không ít kẻ tiểu nhân ganh ghét, đố kỵ. Và có lẽ vì thế, bà bỗng… vướng phải thị phi. Người ta đồn rằng, một ông vua trẻ có tâm hồn thi sĩ Lê Thánh Tông gần gũi với người đẹp tài hoa Ngô Chi Lan - có lẽ không ít lần cái nghĩa vua tôi đã xảy ra trong “màn loan giường ngự”. Cụ thể, dân gian đã loan truyền một câu thơ rất kín đáo, mà cũng rất sỗ sàng: “Quân vương muốn được khuây buồn nản/ Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào”. Điều này nghĩa là khi vua thấy thiếu thốn thế nào, thì phải gọi bà học sĩ vào trò chuyện…
Không dừng ở đó, dư luận còn có câu “ác” hơn: “Lầu rồng, thơ cạn, tiệc tàn/ Năm canh bảnh mắt còn khan giấc nồng”. Năm canh là suốt đêm; bảnh mắt là gần sáng thì mở mắt ra, nhưng vẫn “khan giấc nồng” - còn muốn ôm nhau ngủ nữa. Vậy, nữ học sĩ Ngô Chi Lan có phải là người đàn bà bí mật của Vua Lê Thánh Tông hay không? Nhiều sử gia thời đó cho rằng, những vần thơ vô danh bội nhọ trên thực chất là có ý châm chọc và xuyên tạc về phẩm hạnh của Phù gia nữ học sĩ.
Tiến sĩ Thái Thuận, phó súy Tao đàn Nhị thập bát tú và là tác giả của tập thơ Lữ Đường, đã lên tiếng khuyên giải bà: “Nào phải một mình phu nhân mới bị khốn vì ngòi bút trào lộng của những kẻ ác mà các bậc trinh liệt xưa nay đã thường bị những lời thơ khinh bạc trây bẩn, song nước Ngân Hà dễ gì khuấy cho nhơ, nên nữ học sĩ cũng chẳng cần bận tâm làm gì”.
Được người đời tôn thờ
Tuy nhiên, những tin đồn đó đã làm cho nữ sĩ Chi Lan vô cùng buồn rầu. Có lúc, bà đã mượn giấc mộng để thổ lộ tâm tư tình cảm của mình với mọi người trong nội cung: “Bấy nay tôi chầu hầu Thuận đế, thi phụng tôn vương. Nghĩa cả là vua tôi, song vẫn còn tình thâm đồng tộc, lại vốn Ngô gia phép tắc; Phù gia trọng đạo”. Thế mà lẽ nào trong giới thi văn lại có hạng đơn bạc, đặt giọng quàng xiên, tệ hại cho đành? Bách khoa toàn thư mở viết: Theo “Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa” của Nguyễn Dữ, năm ngoài 40 tuổi, bà Ngô Chi Lan mất, táng ở cánh bãi Tây Nguyên. GS. Trịnh Vân Thanh ghi Phù gia nữ học sĩ mất năm 41 tuổi, còn Ngô Văn Học chép bà mất ở tuổi ngoài 50. Sử liệu lại ghi, Vua Lê Thánh Tông mất ở tuổi 55. Nếu bà sinh trước vị vua này và bài thơ “Điếu vua Lê Thánh Tông” cũng đúng là của bà, tức bà mất sau vua Lê, thì thông tin của Ngô Văn Học là phù hợp hơn cả.
Để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ với tên đề Kim Hoa nữ học sĩ. Ngôi đền đó hiện nay được đặt ngay trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình bà.
Thành Văn
Nguồn: báo Người đưa tin
Theo http://foxspirit.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...