Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Tập thơ “Thế giới không kết thúc” của Charles Simic

Tập thơ "Thế giới không kết thúc" 
của Charles Simic 
Việc xuất bản cuốn “Thế Giới Không Kết Thúc” của Charles Simic bản tiếng Việt của một cô gái Việt Nam còn rất trẻ đã biểu lộ một cái đẹp trong tiến trình giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc. Vanvn.net giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Mỹ - Charles Simic, rút từ tập Thế Giới Không Kết Thúc (Giải Pulitzer năm 1990), NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2017, Nguyễn Thị Tuyết Ngân dịch.
SỰ RIÊNG TƯ CỦA TINH THẦN HOA KỲ TRONG “THẾ GIỚI KHÔNG KẾT THÚC” CỦA CHARLES  SIMIC
Nhà thơ Bruce Weigl
Việc xuất bản cuốn Thế Giới Không Kết Thúc của Charles Simic bản tiếng Việt của một cô gái Việt Nam còn rất trẻ đã biểu lộ một cái đẹp trong tiến trình giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc.
Cái đẹp giản dị ở đây là việc văn học Việt Nam đã làm theo, và đôi khi dẫn đường, một trào lưu cởi mở hơn với phương Tây và những ảnh hưởng từ phương Tây. Thậm chí nó được gọi là chính sách “Mở Cửa,” và nó đã vĩnh viễn thay đổi Việt Nam về mọi mặt và nhất là các tác phẩm văn học. Khi mà ngày càng nhiều các tác phẩm phương Tây được đưa tới bạn đọc Việt Nam và nhờ có những nỗ lực của Hội Nhà Văn Việt Nam đã dịch những cuốn sách từ phương Tây sang tiếng Việt, ngày càng nhiều người Hoa Kỳ ngược lại bắt đầu dịch các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam quan trọng sang tiếng Anh, và sự giao lưu văn học này cho đến ngày nay đã thể hiện những hành động có hiệu lực và bền bỉ nhất của sự hòa giải giữa hai đất nước từng là kẻ thù trong chiến tranh.
Charles Simic vẫn còn là một điều bí ẩn, thậm chí trong cả truyền thống chiết trung của nền văn học Hoa Kỳ sau hiện đại. Ông là một nhà thơ rất khó để phân loại, khó để tổng quát, tách riêng ra khỏi thời đại bởi một sự bao hàm nhất định và tầm nhìn toàn cầu, và bởi thuyết Đề-cac-tơ hai mặt của những lời nói và sự tồn tại.
Simic là một trong những nhà thơ Hoa Kỳ nổi tiếng nhất, với một khối tác phẩm không ngừng lớn lên tiếp tục thu hút độc giả mới tại Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Tuy nhiên, những ai cố gắng giảng dạy hoặc viết về thơ của Simic hoặc dịch những bài thơ của ông đều nhanh chóng nhận ra rằng trước hết họ phải đối đầu với một ngôn ngữ đã được cắt xén tới một nền tảng tối thiểu cho phép nhà thơ sử dụng một ngôn ngữ và suy nghĩ ưu việt trở thành sự căn bản của thơ ông. Tất cả những điều này tất nhiên làm cho quá trình dịch thuật trở nên vô cùng khó khăn. Người dịch không những phải thành thạo tiếng Anh mà còn phải quen thuộc với những từ ngữ và cách nói đặc trưng thường xuyên xuất hiện trong văn học của chúng tôi. Nguyễn Thị Tuyết Ngân đã rất sẵn sàng cho thử thách khó khăn này.
Hành trình của Simic với tư cách một nhà thơ, từ những ngày đầu có phần trừu tượng, có phần không thực, gọi là những bài thơ về sự vật, cho tới những tác phẩm gần đây thể hiện sự biểu lộ rõ ràng những kinh nghiệm tự truyện, đó là cả một hành trình của sự khám phá, một của đào bới khảm cố những kiểu cách, một sự đi sâu vào lịch sử quá khứ mà có vẻ như, dưới con mắt bí hiểm của ông, là một phần không thể tách rời của một quá khứ riêng tư.
Simic bắt đầu cuộc hành trình thi ca của mình với hai cuốn sách mỏng được xuất bản bởi một nhà xuất bản nhỏ tự do, và ông bắt đầu tìm kiếm những từ ngữ chuẩn xác với một sự Đề-cac-tơ hư vô mà ông có thể bắt đầu kiểm tra lại thế giới của chúng ta và thực tế vật chất để hồi phục lại thứ ma thuật mà ông tin rằng vốn đã ở đó. Simic muốn phá hủy “thế giới để đón đầu sự hư vô của nó,” và qua những lần xem xét lại siêu hình, ông bắt đầu tạo nên một khung cảnh của những vật chồng chéo kỳ quặc mà sau đó ông thêm vào nhân vật bầy thú đầy tính cách để kể về những kinh nghiệm lịch sử mở rộng của mình. Cho dù những khung cảnh và các nhân vật, các tính chất có vẻ kỳ quặc thế nào đi nữa, cho dù thế giới tâm linh có thế nào, chúng ta cũng không nên vội vã đi tìm ý nghĩa những hình tượng đó. Thay vì diễn tả những gì Simic đạt được với những phép ẩn dụ đơn giản, sẽ thuận lợi hơn nếu nghĩ về phương pháp của ông là sự sắp xếp từng lớp ý thức chồng chéo ngược lại các mức độ nghĩa đen khác nhau. Điều này cho phép nhà thơ dễ dàng đi tới và lui giữa các thời điểm mà trong bàn tay của một bậc thầy như Simic sẽ dẫn tới việc nhìn thấu tận sâu bên trong vĩnh viễn của các cách mà một người có thể thực sự làm cho thời gian chậm lại và cùng lúc có mặt ở quá khứ và hiện tại.
Một vài tác phẩm thi ca lớn của Simic rất khó đối với độc giả có thể đi vào lúc đầu, kể cả trong tiếng Anh, không như Ngụ Ngôn Và Nghịch Lý của Kafka khi mà họ có thể gián tiếp khẳng định bản thân mình. Những bài thơ khác là sự khai sáng tinh khiết mà người đọc có thể chọn ngay ở trang nào đó, nắm bắt những khoảnh khắc của một cuộc đời mà nhà thơ đã miêu tả là “một bí mật lộng lẫy bên bờ mép của sự hiểu biết, luôn luôn ở bờ mép.” Bản năng này, để tự nộp mình cho ngôn ngữ theo cái cách để được tự do và được tồn tại, như Keats đã viết: “ở giữa những điều bí ẩn và không rõ ràng mà không hề bị thôi thúc tìm lấy sự thật hoặc lý do” là một tính cách quan trọng mà các nhà thơ có chung, cho dù cách nhau hàng ngàn dặm qua đại dương tăm tối. Độc giả Việt Nam sẽ được thấy một phần Hoa Kỳ mà họ có thể chưa từng thấy trước đó, còn có cách nào hay hơn để hiểu nhau. Thế Giới Không Kết Thúc là một tuyển tập các bài thơ xuất sắc và các đoạn văn xuôi ngắn mà Simic đã viết vào cuối những năm 1980. Ông đã sử dụng những ngôn từ chính xác trong suốt cả tuyển tập gần như đã có ảnh hưởng lên cơ thể độc giả, và điều đó đã nâng tầm cái gọi là ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ mà chúng ta chửi thề, ban phước, khóc lóc và vui vẻ hàng ngày tới đẳng cấp của thi ca vĩ đại; đó là sự thiên tài kinh ngạc của ông mà dịch giả rất trẻ Nguyễn Thị Tuyết Ngân đã mang những bài thơ xuất sắc này tới độc giả Việt Nam trong một thời gian dài sắp tới. Trong sự hiện diện của những bài thơ xuất sắc này, có một sự nghi ngờ rằng bạn sẽ thông thái hơn một chút, cảm thấy nực cười trước sự mỉa mai của sự tồn tại của chính bạn và được tiếp thêm sức sống bởi một giọng nói thi ca đơn độc trong thời đại của chúng ta bởi chất lượng của sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, bởi sự lô-gic hài hòa được làm giàu bởi trí tưởng tượng, và bởi sự trong sáng sâu thẳm và vĩnh cửu.
Charles Simic đã xuất bản hơn hai mươi lăm tập thơ và đã được trao tặng tất cả các giải thưởng quan trọng mà một nhà thơ Hoa Kỳ có thể được trao bao gồm giải Pulitzer về thơ ca năm 1990 cho chính tuyển tập này, giải thưởng thi ca Harriet Monroe, một đề cử cho giải thưởng sách quốc gia, một học bổng Guggenheim, một học bổng của quỹ MacAthur cũng như trợ cấp từ quỹ quốc gia dành cho nghệ thuật, viện văn học và nghệ thuật quốc gia và học viện văn học và nghệ thuật Hoa Kỳ. Simic là một biên dịch viên quan trọng của thơ ca Yogoslavian, Nam Mỹ và Pháp, đã giành hai giải PEN dịch thuật quốc tế. Đây là những thông tin cơ bản về một sự nghiệp xuất sắc của nền thi ca Hoa Kỳ. Nhưng điều quan trọng nhất tất nhiên là bản thân thơ ca trong tiếng Anh và tiếng Việt, nó sẽ tiếp tục có ý nghĩa theo những cách mới và mở rộng hơn ra sao, nó sẽ tồn tại như thế nào. Còn gì có thể đánh giá thơ ca tốt hơn là sự bền bỉ của nó? Chúng tôi đã được đọc thơ của Charles Simic trong gần bốn mươi năm, và chúng tôi có lý do để tin rằng chúng tôi vẫn sẽ được đọc thơ ông thêm bốn mươi năm nữa. Bản dịch này là một sự tán dương thơ ca và một cửa sổ nhìn vào sự riêng tư của tinh thần Hoa Kỳ.
MỘT HIỆN THỰC KHÁC: “THẾ GIỚI KHÔNG KẾT THÚC”
Nguyễn Chí Hoan
“Chúng ta suy nghĩ sáng sủa nhất khi chúng ta đưa những thứ đối lập lại với nhau, khi chúng ta nhận thấy tất cả những thứ đó đều hiện thực, cái này trong cái khác, đều liên hệ với nhau theo cách nào đấy. Vậy để thấy nỗi thắc mắc và sự ngạc nhiên cần thiết đến thế nào cho cả thơ ca và triết học xuất hiện. Một “sự thật” chiết và lọc lấy những nỗi hài lòng về cuộc đời bình thường thì chẳng giá trị quái gì theo cách nhìn của tôi.” - trích từ bài trả lời phỏng vấn của Charles Simic với tờ Paris Review ( Mùa Xuân 2005)
Nhà phê bình người Mỹ D.J.R Bruckner (trên NewYork Times, 28/5/1990) từng nhận xét rằng phải gàn quải và ngốc nghếch lắm thì mới có thể cho là thơ của Charles Simic nhằm nói lên điều gì đó. Hết sức khác thường, thơ Simic, như Bruckner lưu ý, lại  “ tràn đầy những sự vật thường gặp, song những bài thơ đó luôn có khuynh hướng gieo ấn tượng rằng nhà thơ  đã khoét một cái lỗ vào đời sống thường nhật làm phát lộ một cái nhìn thoáng qua tới cõi nào đó thăm thẳm bất tận.”
Và có lẽ ta nên hiểu chúng như một hiện-thực-khác. Tại sao lại không chứ? Chỉ cần nhìn sang, thí dụ, các tín ngưỡng dân gian luôn trường tồn sống động, chẳng phải sẽ thấy suốt chiều dài tồn tại những thế hệ cha ông chúng ta đều đặc trưng bởi nhận thức về một thế giới khác, một hiện thực khác, cách biệt gần gũi, rất mỏng manh ước lệ, với thực tại này - “Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn. Lặn mặt trời lẩn thẩn mò ra.”(Nguyễn Du)
Tập thơ văn xuôi này của Simic, “Thế giới không kết thúc”, mang đến ta một hiện thực khác, đúng theo cách mở ra những “cái lỗ” trên các ảnh hình đời sống thường nhật. Những bài thơ văn xuôi của Simic ở đây đều ngắn gọn, sáng rõ về mặt ngôn từ, với hầu như toàn hình ảnh. Hình ảnh thơ cũng hầu hết là giản dị, nhiều chất lãng mạn, dễ dàng tiếp cận và hình dung. Song, tất cả những câu thơ và hình ảnh thơ ca đó lại đều kỳ dị khác thường, bởi chúng luôn luôn phá vỡ và bẻ gãy, làm gián đoạn hay biến dạng trình thức tạo nghĩa thông thường của từ ngữ và câu; hầu như chúng tạo ra một trường ngữ dụng và ngữ nghĩa khác biệt. Bruckner gọi đó là những “lỗ hổng”; nhưng có lẽ nên hình dung chúng là những “lỗ hổng” trên một ụ mối.
Hầu hết các bài thơ văn xuôi trong tập này đều không có tên – chúng là những truyện rất ngắn về hình thức (flash-fiction). Và dường như một loại tương phản, trong tập có 5 bài thơ ngắn, có tên, với hình thức quen thuộc của bài thơ; nhưng chất văn xuôi cũng quán triệt cả 5 bài đó.
Có một giọng kể giống về hình thái với truyện kể, trong khi vẫn là thơ, các bài thơ văn xuôi ở đây vừa tương đương các chương đoạn trong một tiểu thuyết, lại vừa toát ra không khí và giọng điệu truyện ngụ ngôn. Về những phẩm chất này, ta dường như thấy thơ của Simic bắt rễ và kết nối sâu xa đến chừng nào với các truyền thống dân gian. Thực tế ai cũng biết, trong các truyền thống dân gian ở đâu cũng vậy, thơ ca trước tiên là các truyện kể, và mang tính ngụ ngôn bởi phải gánh vai trò-sứ mạng truyền thông và lưu truyền các tri thức nhân văn, trong đó, những xúc cảm con người đa dạng cũng là một loại tri thức (hơn thế nữa, là loại tri thức đặc thù, rất quan yếu.)
Đập vào ấn tượng người đọc trước hết là trí tưởng tượng hết sức lạ lùng và sinh động biểu hiện trên những câu thơ vừa lãng mạn vừa siêu thực, một cách giản dị bất ngờ, như bài/đoạn thơ thứ nhất mở đầu tập thơ/trường ca này:
“MẸ tôi là một dải khói đen.
Người bọc tôi trong tã lót và bế tôi qua những thành phố cháy.
Bầu trời là một khoảng mênh mông, chứa đầy gió cho trẻ con đùa nghịch.
Chúng tôi gặp bao người giống mẹ con tôi.
Họ gắng khoác lên mình những chiếc áo có tay dệt bằng khói.
Thiên đường trên cao, thay cho những vì sao, là  những cái tai điếc co vào bé bỏng.”
Với những câu thơ, hay văn chương nói chung, có dạng thức hỗn độn kỳ quặc như đoạn thơ trên đây, người đọc thường ngả theo hướng coi đó là những ẩn dụ, những hình ảnh tượng trưng khác thường – nhưng vẫn là ẩn dụ và tượng trưng – để đi tìm các “mã” và tìm các mối liên hệ bên trong-bên ngoài tác phẩm có thể “giải mã”. Một trong những cách tìm khá hiệu quả là tìm ở sự lặp lại hình ảnh/từ ngữ/diễn đạt mang “mã”. Người đọc đều biết rằng thường có sự lặp lại như vậy trong các tác phẩm văn chương, một cách tự nhiên – bởi việc mã hóa đã bao hàm mong muốn được giải mã, và “mã” cần được lặp lại để được xác nhận, bên cạnh nhu cầu (làm như vậy để ) đưa đối tượng mô tả lên không gian thẩm mỹ của tác phẩm, theo cách phù hợp với thẩm mỹ riêng của tác giả.
Song, ở đây, với những hình ảnh trong đoạn thơ vừa dẫn, ta sẽ không tìm được sự lặp lại kiểu đó. Và nói chung người đọc sẽ không tìm thấy chứng cứ để coi đây là những biểu hiện mã hóa (nhằm “nói lên” gì đó) bằng ẩn dụ hay tượng trưng v.v.
Câu thơ mở đầu thật ám ảnh cả về giọng điệu và hình tượng – “MẸ tôi là một dải khói đen.” Tuy nhiên bạn sẽ không tìm ra sự lặp lại nào khả dĩ chứng tỏ hình ảnh này có thể giải thích như một biểu đạt ẩn dụ/tượng trưng, chứ không phải mô tả-trần thuật. Suốt cả ba Phần I,II,III của tập thơ/trường ca này, hình ảnh mẹ tôi-dải khói đen không lặp lại dù dưới hình thái biến cách nào; cũng không bộc lộ liên hệ hình ảnh/hình tượng qua các tương quan phả hệ - trong các bài thơ về sau còn có kể về “cha tôi”, “ông tôi”, “bà tôi”, và dĩ nhiên, lại “mẹ tôi”, đi với những hình dung hoàn toàn khác biệt về dạng thức, về hạng và loại, so với “một dải khói đen.”
Xem ra, cách hiểu đơn giản hợp lý hơn cả là tiếp nhận câu thơ này với trọn nghĩa mô tả của nó. Dạng thức câu đơn, trần thuật, khẳng định của câu thơ này không gợi chút gì cho những cách hiểu mơ hồ khác hơn.
Vả lại, những câu tiếp theo trong bài/đoạn thơ này đã cho thấy mô tả hình ảnh trong câu thơ đầu là một phản ánh đầy đủ, riêng rẽ. Nó mô tả một điều ta không thể thấy, rất khó mà mường tượng được. Song, vẻ giản đơn chắc chắn của câu này vừa chuyển tới một cảm xúc chân thực, không thể rõ ràng hơn: cảm xúc đó bật ra từ độ chênh giữa hai phần của câu thơ-văn xuôi, giữa ấn tượng hết sức bình thường của ngữ đoạn “Mẹ tôi là” với cảm giác hụt hẫng, khó hiểu, gây bối rối, toát lên từ ngữ đoạn “một dải khói đen.”
Hai ngữ đoạn, một thông báo và một mô tả, đặt cạnh nhau, ghép thành một câu, tạo ra một module siêu thực. Đấy là bước chuyển thẩm mỹ đặc thù của nó: tạo nên một cảm nhận tương phản (juxtaposition).
Xin lưu ý: câu này ghép nên từ hai ngữ đoạn mà ý nghĩa của cả hai vẫn chưa hoàn thành hay chưa phát lộ, vẫn dở dang, lửng lơ; và trong tư cách một câu hoàn chỉnh thì cái dở dang và lơ lửng, các ý nghĩa tiềm ẩn tựa như biến mất, vẫn còn nguyên ở bên trong cấu trúc từ ngữ đó.
Ta sẽ gặp trong hầu hết những câu thơ ở đây cái có thể gọi như một nguyên tắc cấu trúc đó, mà câu thơ mở đầu này đã biểu hiện.
Cũng cần phải nói thêm, việc nhấn mạnh tính chất mô tả-trần thuật của câu thơ mở đầu không có hàm ý loại bỏ tính ẩn dụ/tượng trưng trong các thủ pháp thi ca (poetic devices) ở đây.
Thực tế ai cũng biết, ẩn dụ là một phương thức cố hữu trong các biểu đạt ngôn ngữ nói chung, đặc biệt ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ của ẩn dụ. Câu thơ cuối trong đoạn/bài thơ vừa dẫn trên đây là một câu đầy hình ảnh ẩn dụ: thiên đường-những vì sao, những cái tai điếc.
Song, như đã trình bày ở trên, sự đơn giản về ngữ pháp, ngữ nghĩa và cú pháp của các câu thơ-văn xuôi này cho thấy chúng dồn sức mạnh vào hiệu quả mô tả-trần thuật. Và hiệu quả đó cũng là hiệu quả thơ ca, với sự ngắn gọn hàm súc, sự dồn nén mô tả và trần thuật đối lập tạo ra năng lượng, với các tương phản mạnh, gây xúc cảm. Và tương phản đó là giữa những điều, những sự vật tạo thành cái hiện thực cảm nhận được một cách thông thường, với những điều, những sự vật thuộc về một hiện thực khác hay một cấp độ khác của hiện thực, mà chỉ sức mạnh của trí tưởng tượng đặc thù này mới làm phát lộ.
Hãy thử chọn xem ngẫu nhiên  đoạn/bài thơ thứ hai mở đầu Phần III của tác phẩm, một trong những đoạn/bài cho thấy rõ phong cách của tập thơ trên phương diện lịch sử và hài hước.  
CẢ một thế kỷ thu gom những đám mây. Những con tàu ma đến rồi đi. Đại dương sâu hơn, rộng hơn. Con vẹt trong chiếc lồng tre nói được một vài thứ tiếng. Vị thuyền trưởng trong tấm ảnh kiểu đa-ge với đôi má được tô đỏ. Ông đã mua một cô gái bán khỏa thân từ vùng nhiệt đới và họ giữ nàng bằng xích trên gác mái thậm chí cả sau khi ông đã chết. Hàng đêm nàng tạo ra những âm thanh như thể nàng đang hát. Vị thuyền trưởng kể về một chủng những người đàn ông không có miệng và họ sống chỉ bằng hương hoa. Điều này làm cho mẹ và vợ ông cầu nguyện sự cứu rỗi cho tất cả những linh hồn chưa được rửa tội. Tuy nhiên có một lần, chúng tôi bắt gặp thuyền trưởng bỏ râu của mình ra. Đó là râu giả! Bên dưới nó ông có một bộ râu khác cũng ngớ ngẩn không kém.
Đó là thời kỳ của những bà góa bận rộn đi lại. Những ngôn ngữ tình yêu đã chết vẫn còn được sử dụng, nhưng vô cùng im lặng, và những tiếng hét xé phổi không nên lời.
Chương đoạn/bài thơ này xây lên trên các từ ngữ, các ẩn dụ và phép chuyển ngữ (đề dụ) có thể nói khá quen thuộc với phần đông người đọc đôi chút quan tâm đến lịch sử thời đại mình: thế kỷ, những đám mây, những con tàu ma, con vẹt nói vài thứ tiếng, thuyền trưởng, ảnh đa-ge ( daguerreotype - ảnh in tráng lên tấm bạc hay đồng), cô gái miền nhiệt đới bán khỏa thân, những linh hồn chưa được rửa tội, ... cho đến “thời của những bà góa bận rộn đi lại”, ngôn ngữ tình yêu đã chết, tiếng hét không nên lời.
Nhưng dường như điều trước tiên đáng được lưu ý ở đây là: chúng ta nên tiếp nhận đám hình ảnh hoạt kê này đúng với tính lộn xộn hoạt kê của chúng, mà không tìm cách vạch một lược đồ vô hình – theo kinh nghiệm và thói quen cảm nhận/hiểu biết – để xắp xếp chúng vào bất cứ mô hình trật tự nào đã có sẵn từ trước.
Simic, trong một đoạn ở Phần II tác phẩm này, đã viết rất sâu sắc về cái được xem như sự-hiểu-biết:  “Tôi đã chợp mắt dưới bóng cây, mơ rằng những cái cây xào xạc chính là nhiều cái tôi khác nhau của tôi, tất cả đang giải thích về bản thân mình cùng một lúc tới nỗi tôi không nói nổi một lời. Cuộc đời tôi là một bí ẩn tuyệt vời  bên bờ sự hiểu biết, luôn luôn ở bên bờ. Thử nghĩ mà xem!”
Đoạn thơ này gợi nhắc đến một câu hỏi kinh điển mà E.Kant đưa ra: Chúng ta có thể biết được gì?
Vậy đoạn/bài thơ-văn xuôi hoạt kê đầy ắp những dấu vết hình ảnh và ngôn từ mang hơi hướng lịch sử trên đây liệu có phải cũng là một đám “những cái cây xào xạc” chăng?
Đọc chúng, tiếp nhận chúng theo đúng cái trật tự rời rạc hỗn độn đó, bạn hẳn sẽ cảm nhận sự tương phản rất gay gắt (và làm ta bật cười ảm đạm!) giữa những ý nghĩa lịch sử chưa được hoàn thành, còn lửng lơ tiềm ẩn trong những câu thơ-văn xuôi này. Xung đột đó, vẫn cứ nằm bên trong những cấu trúc đó, cứ tựa như “những bà góa bận rộn đi lại” mà chẳng bao giờ, không bao giờ nữa thấy lại những ông chồng đã chết của họ.
Ta thấy một nguyên tắc cấu trúc, đã nêu ở trên, vẫn chi phối đoạn/bài thơ này, cùng một cách như nó biểu hiện qua câu thơ mở đầu tác phẩm.
Cuối cùng, xin nhường lời cho các nhà bình luận ở Mỹ, ở Anh, và lời của chính Charles Simic, về thơ của ông. [Các trích dẫn sau đây từ Poetry Foundation/ NCH)
Trong cuốn The American Moment: American Poetry in the Mid-Century (Thời đại Mỹ: Thơ ca Mỹ giữa thế kỷ) Geoffrey Thurley lưu ý rằng chất liệu trong những câu thơ thời đầu của Simic – những tham chiếu vật chất của nó – “là mang tính Châu Âu và nông thôn hơn là tính Mỹ và đô thị ... Thế giới mà thơ ca của ông sáng tạo – hay đúng hơn bằng những phản-sáng tạo triệt thoái ngữ nghĩa một cách trác việt của thơ ca ấy – là thế giới của miền Trung Âu – những rừng, hồ ao, đồ đạc nông dân.” Nhà phỏng vấn  Matthew Flamm của tờ Voice Literary Supplement  đoan chắc rằng Simic viết về “sự hoang mang, về việc là một phần trong màn kịch hài của lịch sử, trong đó ông đã lớn lên với cảnh nửa bơ vơ ở Belgrad và rồi sau này, với giọng Slav của ông, trở nên một nhà thơ Mỹ.”
Sáng tác của Simic thách thức sự phân chia quen dùng. Một số bài thơ của ông phản ánh việc ngả theo siêu thực, siêu hình, và những bài khác lại đưa ra những chân dung hiện thực ảm đạm về bạo lực và niềm thất vọng.
Một vài trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Simic thách thức sự phân chia giữa cái bình thường và cái bất thường. Ông cho tố chất sống vào làm sống động  những sự vật vô tri giác, nhận ra cái kỳ lạ ở những vật gia dụng như một con dao hay một cái thìa.  Robert Shaw viết trên tờ New Republic rằng cái nhận thức gây kinh động nhất trong những bài thơ ban đầu của tác giả này là “những vật vô tri giác theo đuổi một đời sống của riêng chúng và trình hiện, tình cờ, một sự nhại tăm tối với cái hiện sinh của con người.”
Adam Kirsch, viết trên New York Sun mô tả sự tập hợp đáng kể của những ảnh hưởng đã tạo ra phong cách của Simic: “Ông rút ra từ cái mỉa mai ảm đạm của Trung Âu, chất sôi nổi nhạy cảm của Mỹ Latin, và đầy những tương phản kiểu Siêu thực Pháp, để tạo ra một phong cách không hai trong văn học Mỹ. Tuy nhiên những câu thơ của Mr.Simic vẫn mang tính Mỹ một cách dễ nhận thấy – không chỉ ở các đặc tính của chất thơ  thô nhám, tỉnh táo dữ dằn, trực chỉ đến phim đen thập niên 1940s, mà còn ở chính sự quả quyết trong tính chiết trung của nó.”
Ian Sampson lưu ý trong bài Selected Poems 1963-2003 trên tờ Guardian , những tác phẩm của Simic “ đọc thấy như một bài thơ lớn hoặc công trình thơ, một cuộc-đào-thoát-mang-tên-Simic bất tận khỏi “Tháng Mười Một vĩnh cửu.””
Thảo luận về quá trình sáng tạo của ông, Simic đã nói: “Khi anh khởi sự đặt các từ vào trang, một tiến trình có tính liên kết liền nắm lấy. Và, hoàn toàn bất ngờ, có nhiều chuyện ngạc nhiên. Hoàn toàn bất ngờ anh tự bảo mình, “Chúa ơi, làm thế nào chuyện này lọt vào đầu mình? Tại sao chuyện này có trên trang viết? Mình đơn giản chỉ đi tới chỗ nào nó dẫn mình đi.”
MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG TẬP THẾ GIỚI KHÔNG KẾT THÚC
MẸ TÔI LÀ một dải khói đen.
Người bọc tôi trong tã lót và bế tôi qua những thành phố cháy.
Bầu trời là một khoảng mênh mông, chứa đầy gió cho một đứa trẻ đùa nghịch.
Chúng tôi gặp bao người giống mẹ con tôi.
Họ gắng khoác lên mình những chiếc áo có tay dệt bằng khói.
Thiên đường trên cao, thay cho những vì sao, là  những cái tai điếc co vào bé bỏng.
TÔI BỊ NHỮNG NGƯỜI DU MỤC đánh cắp. Bố mẹ tôi giành lấy lại tôi. Rồi những người du mục lại đánh cắp tôi lần nữa. Chuyện đánh cắp này diễn ra trong suốt một thời gian. Có lúc tôi ở trong chiếc nhà lưu động, ngậm đầu vú thẫm nâu của một người mẹ mới. Sau đó tôi lại ngồi bên chiếc bàn ăn dài, ăn bữa sáng bằng chiếc thìa mạ bạc.
Đó là ngày đầu tiên của mùa xuân. Một trong những người cha của tôi đang hát trong bồn tắm, và một người cha khác đang vẽ lên con vẹt sống màu sắc của một con chim nhiệt đới.
NÀNG ÉP TÔI bằng một chiếc bàn là hơi nước nóng, hoặc nàng lùa tay vào bên trong tôi cứ như tôi là một chiếc tất cần vá lại. Sợi chỉ nàng dùng như tia máu của tôi, nhưng sự sắc nhọn chiếc kim là của nàng tất cả.
“Đèn đóm thế này cô sẽ hỏng mất đấy, Henrietta ạ” - Mẹ nàng nói. Và bà đã đúng. Kể từ khi có trái đất, ánh sáng chưa bao giờ lại yếu ớt như vậy. Những buổi chiều mùa đông của chúng tôi đôi khi kéo dài đến cả trăm năm.
CHÚNG TÔI NGÈO TỚI NỖI tôi phải thế chỗ miếng mồi bẫy chuột. Ngồi một mình dưới hầm, tôi có thể nghe thấy chúng đi lại ở cầu thang, và tiếng chúng vật nhau trong ổ tối. “Đó là những ngày tồi tệ và tăm tối,” một con chuột nói với tôi khi nó gặm tai tôi. Năm tháng qua đi. Mẹ tôi mặc chiếc cổ áo lông mèo mà bà vuốt ve cho tới khi những đốm lông mèo hắt sáng cả khu hầm.
BÀI THƠ VỀ MỘT TỐI MÙA THU LẠNH LẼO ngồi trên sân thượng một tòa nhà ở New York, uống rượu vang đỏ, bao quanh là những tòa nhà cao tầng, những đứa trẻ chạy chơi bên mép lan can thật nguy hiểm, một cô gái đẹp ngồi một mình- một cô gái mà ai cũng thầm yêu vụng nhớ. Nàng sẽ chết trẻ, nhưng chúng ta đã không hay điều đó. Chiếc tất dài nàng đi có một lỗ thủng, ngón chân cái lộ ra, ngón chân sơn móng đỏ ... Và những tòa nhà chọc trời ... trong ánh sáng đang lụi đi ... như những người Chaldean thời nay, những bà đồng cốt, những người Cassandras, bởi rất nhiều ô cửa sổ mù của họ.
FRIEDRICH THÂN MẾN, thế giới vẫn đầy man rợ, dối lừa và vẫn xinh đẹp làm sao...
Lúc chập tối, tôi ngắm nhìn người thợ giặt là Trung Quốc, ông không biết đọc hay viết ngôn ngữ của chúng ta, giờ đang lật từng trang cuốn sách mà một khách hàng vội vã bỏ quên. Điều đó làm tôi hạnh phúc. Tôi mong cuốn sách đó là một cuốn sách mộng mơ, hoặc một tập những bài thơ tình ngây thơ, nhưng tôi đã không nhìn rõ được.
Bây giờ đã gần nửa đêm, và đèn trong phòng người thợ giặt là vẫn sáng. Ông có một cô con gái mang cơm tối cho ông, nàng mặc váy ngắn và bước đi với những sải chân dài. Hôm nay nàng đến muộn, rất muộn, bởi vậy ông ngừng là quần áo và ngắm nhìn đường phố.
Nếu không phải vì hai chúng tôi, thì chỉ có những con nhện đang giăng những sợi tơ từ những ngọn đèn đường tới hàng cây tối thẫm.
CÓ PHẢI KẺ ĂN THỊT ĐỒNG LOẠI NGƯỜI NGA tồi tệ hơn những kẻ ăn thịt đồng loại người Anh? Đương nhiên là như vậy. Kẻ người Anh chỉ ăn chân, còn kẻ người Nga ăn cả tâm hồn. “Tâm hồn chỉ là ảo vọng,” tôi nói như vậy với Anna Alexandrovna, nhưng bà ta vẫn cứ ăn tâm hồn tôi.
Tôi đã van xin bà “Chỉ giống như một món vịt hoành tráng, hoặc như một  con sò vỏ lấp lánh và vẫn còn trong nước biển.” Nhưng bà ta chỉ xoa bụng và cười vào tôi từ phía bên kia bàn ăn.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÃ BỊ TỬ HÌNH BƯỚC XUỐNG từ đoạn đầu đài. Ông ôm cái đầu của ông ròng ròng máu chảy.
Những cây táo đang trổ hoa. Người đàn ông tìm về quán rượu trong làng trước con mắt của mọi người. Tại đó, ông ngồi xuống bàn và gọi hai cốc bia, một cho ông và một cho cái đầu của ông đang chảy máu. Mẹ tôi chùi tay vào chiếc tạp dề và mang bia tới cho ông.
Lúc đó thế giới chìm vào im lặng. Người ta có thể nghe thấy tiếng dòng sông xưa, với sự lẫn lộn của mình, đôi khi quên mất và chảy ngược dòng.
MỌI THỨ KHÔNG ĐEN NHƯ NGƯỜI TA VẼ. Có một đứa bé xinh xắn mặc đồ đen đang chơi với hai quả táo đen. Đó có thể là một bé gái mặc đồ bé trai, cũng có thể là một bé trai mặc đồ bé gái. Sao cũng được, nó có hàm răng nhỏ và trắng. Khung cảnh bên ngoài cửa sổ đã bị làm đen đi bởi một cây cọ vẽ đậm và thô. Tất cả đều đúng với mục đích, chỉ trừ khi đứa bé thè ra chiếc lưỡi đỏ của mình.
THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG NHÀ THƠ VƯỜN ĐANG TỚI. Tạm biệt Whitman, Dickinson, Frost. Chào mừng các nhà thơ mà sự nổi tiếng có lẽ sẽ không bao giờ vượt qua được bậc cửa nhà mình, và có thể một vài người bạn tập trung với nhau sau bữa tối và uống một bình rượu vang đỏ loại mạnh... khi mà bọn trẻ đã ngủ và vẫn phàn nàn về những tiếng ồn mà các ngươi gây ra khi các ngươi lục lọi trong tủ để tìm những bài thơ cũ của mình, trong khi lo lắng rằng vợ các ngươi có lẽ đã ném chúng đi khi dọn dẹp nhà cửa.
Tuyết đang rơi, có người nói vậy khi nhìn ra bầu trời đêm, và rồi ông ta cũng quay lại về phía ngươi, khi ngươi chuẩn bị đọc, với phong thái như diễn kịch, và mặt ngươi đang đỏ lên, bài thơ tình rông dài với khổ cuối (mà ngươi cũng không biết) đã biến mất một cách vô vọng.
Theo Aleksandar Ristovíc
CÓ NGƯỜI LÊ LẾT ĐẾN CỬA NHÀ TÔI và thì thầm: “Món ngỗng của chúng ta đã nấu xong rồi.”
Lạ thật! Tôi đã sẵn sàng dao dĩa. Tôi thậm chí đã buộc một chiếc khăn ăn quanh cổ mình, nhưng chiếc đĩa trước mặt tôi vẫn trống không.
Thế mà, có người vẫn cứ thì thầm trước cửa nhà tôi về một con ngỗng giả tưởng cụ thể được coi là đã chín mà ông ta xác nhận là của chung hai chúng tôi.
RẤT NHIỀU NGƯỜI QUANH ĐÂY đã được đi một chuyến trên tàu của người ngoài hành tinh. Khó mà nghĩ là điều đó lại có thể xảy ra với tất cả những nhà thờ trắng xinh đẹp trong vùng này mà rất nhiều người tới vào Chủ nhật.
Ông thầy nói với cậu bé ngốc nghếch “Hình vuông tròn không bao giờ tồn tại.” Mẹ cậu bé đã vừa bị bắt cóc đêm hôm qua. Mọi người đều dự đoán điều ngược lại, người mẹ ngồi một góc tự cười với mình. Bầu trời xanh và rộng lớn.
Một người già tám mươi tuổi nói với người em song sinh của mình: “Họ nhỏ bé lắm, họ có thể ngủ trong chính những đôi tai của họ.”
Charles Simic 
Nguyễn Thị Tuyết Ngân dịch
Theo http://vanvn.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...