Có một dòng sông Đáy
Mỗi nhà thơ đích thực đều kỳ vọng tạo lập một vùng đất,
một địa danh, một không gian văn hóa xác tín chân thi của mình, từ đó mà tỏa vọng
đến một không gian rộng lớn hơn, sâu sắc hơn trong thế giới và vẻ đẹp của thi
ca. Có nhà thơ “địa danh” là phong cách, giọng điệu, là dòng chảy ngôn ngữ, hệ
thống thi ảnh,…; lại có nhà thơ có cả giọng điệu và tiếng nói từ thẳm sâu tâm hồn,
sự giăng níu về một vùng đất máu thịt, tạo dựng nên không gian thi cảm riêng,
và lớn hơn, không gian văn hóa của thơ mình. Trên góc nhìn này, Nguyễn Quang
Thiều có một sông Đáy.
Khởi nguồn
Sông Đáy của Nguyễn Quang Thiều như biểu tượng nguồn chảy
sáng tạo, đánh thức mọi ký ức, xúc cảm và suy tưởng của thơ ông. Dòng sông ấy vừa
trở nên kỳ vĩ, vừa đau đáu trong tâm thức thi ca và vẻ đẹp thẩm mỹ lộng lẫy. Mặc
dù, trước ông đã có một sông Đáy mảnh, dịu dàng, thật lãng mạn trong thơ Quang
Dũng: “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều vi vút thổi đêm trăng”. Một
sông Đáy dùng dằng, xao xuyến thế niềm thương và thi sĩ, một đặc trưng thơ Hữu
Thỉnh: “Sông Đáy ở đâu về/ Chia hai bờ nội ngoại/ Bên lở và bên bồi/ Cùng tương
tư đất bãi”. Và giờ đây, sông Đáy trong tâm thế Nguyễn Quang Thiều hiện lên thế
này: “Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được thấy/
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến
làm tổ được dàn dụa nước mưa sông”. Nỗi nhớ chảy miên man sông Đáy qua cấu trúc
câu thơ dài, gần văn xuôi, như muốn chảy mãi, bứt khỏi cái hữu hạn của biểu hiện.
Đó là vùng của những thi ảnh giàu sắc thái tình cảm, đa biểu
tượng, những suy tưởng vượt ra không gian vốn rất bó hẹp của những ngôi làng Bắc
bộ thông thường, hay một sông Đáy đơn mảnh, liu điu đời thực. Con sông của hình
bóng những người thân giăng níu, của cảnh vật và thiên nhiên vừa gần gũi, như
đâu đó trong không gian tương tự, lại vừa lạ, vừa huyền ảo, ăm ắp và dào lên
dòng chảy ký ức Nguyễn Quang Thiều. Con sông như ông tự sự: “Sông Đáy chảy vào
đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm…”. Con sông của miền
tâm tưởng, “cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc”; nơi những
chú bống thường về làm tổ; nơi “một cây ngô cuối vụ khô gầy/ suốt đời buồn
trong tiếng lá reo”.
Cái con sông bùi ngùi thế phận, đằm sâu hơi thở quê làng:
“Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi/ Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt…”. Con sông mà
ít nhất, ông lặp lại hai lần về sự “già như cát” khi kể về nó, đủ để nói những
ám ảnh dòng sông nguồn cội của ông: “Chiều nay con ngồi ho bên cửa/ Bao sợi mưa
đứt hết cuối trời/ Con chờ đợi nỗi niềm già như cát/ Lặng lẽ suốt đời cởi áo thả
vào sông” (Những con thuyền sông Đáy). Và, con sông ấy dường luôn chuyển động
trong giằng xé hệ tầng tâm thức nhị trùng dòng chảy thực và ảo, đau đáu niềm
quê: “Ta chạy đến hai phía bờ, quỳ xuống trước sông/ Sông ở giữa đôi ta - một
chân trời chuyển động/ Những vầng mây xỉn màu vì gió/ Những cánh buồm khổ đau tự
xé và tự vá lại mình/ Những con bống sông, những chiếc chìa khóa vàng, đang mở
cửa” (Dòng sông). Và cũng thật lạ, con sông Đáy thực ra, về tầm vóc, dòng chảy,…
đâu có bằng những dòng sông cuồn cuộn sử thi: Hồng Hà, Đà Giang, Cửu Long mà
nhiều câu thơ đẹp, thi sĩ đến thế của nhiều thế hệ các nhà thơ!
Rõ ràng, con sông Đáy được sống, vươn lên bằng một tâm hồn
khác, một đời sống khác. Nó trở nên kỳ vĩ và lay động trong nhớ thương của một
tâm hồn đa mang nguồn cội, tâm hồn Việt, mà ta thấy cấp độ cảm thức nguồn cội
còn ở nhiều bài khác: Bài hát về cố hương, Mười một khúc cảm,... Ở đó, những
cảm thức và khát vọng, tưởng như là phi lý, siêu thực, “dòng sông dâng lên
ngang trời cho tôi được nhìn thấy” lại như là điểm nhìn ấn tượng, điểm nhấn của
không gian văn hóa vùng sông Đáy, nó cũng báo hiệu những thi ảnh lộng lẫy, những
cảm xúc và liên tưởng lạ, những suy tưởng phong phú từ chiều sâu linh hồn đời sống
vật thể của Nguyễn Quang Thiều. Sông Đáy, trong tâm thế thi sĩ và tinh thần
ông, nó có quyền vươn chảy ngạo nghễ như sông Đà, Hồng Hà, Cửu Long, Volga,
sông Hằng, sông Nile,… những con sông kỳ vĩ khác của thế giới.
Sông Đáy của những khát vọng giải phóng
Khi đọc những câu thơ: “Người nông dân bế tôi lên và đặt vào
thùng xe/ Dưới vành nón của người cất lên trầm trầm giọng hát/ Như tiếng lúa
khô chảy vào trong cót/ Như đất ấm trào lên trong lóe sáng lưỡi cày…/ Và sau tiếng
huầy ơ như tiếng người chợt thức/ Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình”, tôi có
cảm giác con đường và bánh xe trâu đi trong cõi ảo huyền của thiên nhiên, của
những bánh xe cổ tích; lại vừa có cảm giác như đó là chiếc xe ngựa trên thảo
nguyên mênh mông Nga một sáng tinh sương. Những câu thơ thật đẹp, biểu lộ một
khả năng khơi gợi và lôi cuốn người ta vào những câu chuyện làng và cõi huyền
thi của ông. Trên con đường chập choạng tối sáng ấy, thấy một ban mai tràn trề
sức sống “mơn mởn rướn mình”, ánh sáng nguyên thể của thiên nhiên trong khao
khát soi chiếu và giải phóng những thân phận, những nỗi buồn cô thế và mơ ước
làng. Ta sẽ còn gặp thứ ánh sáng toàn hệ của tinh thần thơ ông sau nữa.
Trong số những “nhân vật”, hay những thân phận mà Nguyễn
Quang Thiều dành sự quan tâm đặc biệt là người phụ nữ nông thôn. Như trên ta thấy,
hình bóng người mẹ luôn gắn với những thức trở sông Đáy. Mẹ cũng là dòng sông cần
lao, dòng sông nhân nghĩa, bao dung nhất. Ngoài ký ức sâu đậm về mẹ, những người
đàn bà ở vùng quê sông Đáy thường hiện ra trong thơ ông bằng những nét khắc lạ
lùng, ấn tượng, như người họa sĩ có phong cách vẽ chân dung “bóp” hình, tạo những
“dị biệt” về hình và các dấu nhấn về mảng khối. Đây là khuôn hình những người vợ
liệt sĩ: “Những người đàn bà góa bụa làng tôi từ sau cỏ trở về. Họ đi trên ánh
trăng gồ ghề dọc con đường phơi đầy rơm rạ tháng Mười. Mái tóc đẫm hương lá bưởi
của họ chảy lênh láng trong trăng. Bầu vú họ vươn về phía ngọn lửa giới tính vừa
nhóm lên sau đó” (Những ví dụ). Ánh trăng huyền ảo, ma mị vừa xoa dịu nỗi đau
trần thế nơi những người vợ liệt sĩ, vừa nhóm lên trong họ những khát vọng vươn
về phía ngọn lửa nhân sinh.
Cũng trên cơ sở biểu hiện và thi ảnh ấn tượng này, một mảng đời
sống khác của người phụ nữ hiện ra: “Những người đàn bà vác dậm đi thành một
hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ/ Họ lặng lẽ như đội quân thất trận/
Cán dậm chúi xuống mặt đường – những nòng súng hết đạn/ Những tấm áo rách sặc
mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám/ Vảy cá bám trên áo họ
lấp lánh những tấm huân chương” (Trên đại lộ). Sự lam lũ, nhếch nhác của những
người phụ nữ nông thôn ví như đoàn quân thất trận, cán dậm như nòng súng hết đạn,
vảy cá là những tấm huân chương lấp lánh,… lối ví chẳng lạ và ấn tượng sao! Trường
liên tưởng mới lạ, và cấu trúc câu dài, không vần, “văn xuôi hóa”, tạo nên ấn
tượng rung thức mới, sắc hình mới trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ngay cả ở những
hình bóng quê làng, tần tảo mà người ta vẫn nhìn nó một cách khuôn mẫu, bất biến
muôn thuở.
Và cuộc sống cứ nối nhau như thế ở một miền sông Đáy, như một
bản trường ca bất tận về thế phận những người phụ nữ, đại diện cho thế phận người,
thế phận làng: “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân
gà mái/ Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy/ Những người
đàn bà xuống gánh nước sông/ Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt/ Một
bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi/ Bàn tay kia bấu vào mây trắng”
(Những người đàn bà gánh nước sông). Nhưng thế phận ấy dường không chịu cầm cố
mười lăm năm, ba mươi năm hay nửa đời người, dẫu thế, mà luôn nuôi khát vọng vượt
thoát, khát vọng về ánh sáng: “Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm/
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi
đất” (Bài hát về cố hương).
Có thể nói, ánh sáng là nguồn “năng lượng” đặc biệt được sử dụng
trong thơ Nguyễn Quang Thiều, sau nữa là linh hồn. Ánh sáng không chỉ đơn thuần
làm phong phú, tương phản, sống động bức tranh thiên nhiên, rung động tâm hồn
mà nó là triết lý của soi chiếu, thức tỉnh, giải thoát và hướng đích. Có lẽ vì
vậy, cả một tập thơ được đặt tên Sự mất ngủ của lửa. Ngay cả cái tên này
cũng gây tranh cãi một thời, rằng lửa có ngủ đâu mà mất ngủ.
Một giai tầng ánh sáng, cấu trúc ánh sáng. Tần suất xuất hiện
nhiều nhất trong ánh sáng là ánh trăng và ban mai. Ánh trăng, bề mặt, như biểu
tượng giải thoát bóng đêm mờ mịt, xoa dịu cực nhọc của nông thôn. Và ban mai là
ánh sáng gợi thức, ánh của hy vọng, mở ra một sinh quyển mới. Ánh sáng trong
thơ Nguyễn Quang Thiều còn có nhiều tầng cảm thức khác trong vận động đời sống.
Ít nhất trong tuyển thơ Châu thổ, Nguyễn Quang Thiều có hai bài thơ trùng
tên Ban mai (trang 36, 290). Hàng loạt bài thơ có tên về ánh sáng
(chưa kể rất nhiều câu thơ ánh sáng): Bình minh đang lên (“Và bình
minh đang lên như khói, như nước, như da non, như răng mọc lẫy/ Như hai cánh
tay trần con gái trinh tiết vươn lên vấn tóc phía sau…/ Cho đến khi từ vòm miệng
nồng hôi, nhớp nháp/ Những cái lưỡi của người tìm được lối ra), Những ngọn
đồi ban mai, Ngôi sao xanh, Những ngôi sao đổi ngôi, Ngôi sao xanh mọc phía ngọn
đồi, Bài ca ban mai trên những quả đồi Achill, Cây ánh sáng,…
Một ánh sáng nói về nguồn cội: “Tôi hát về cố hương tôi/
Trong ánh sáng đèn dầu/ Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại/ Đẹp và buồn hơn tất cả
những ngọn đèn” (Bài hát về cố hương). Một ánh sáng lãng mạn của tình
yêu: “Đêm đã trải tấm khăn của tình yêu xuống cỏ/ Sao xanh/ Sao xanh/ Bay
về đồng cỏ” (Một bài hát tình yêu của làng Chùa). Một ánh sáng của sinh tồn:
“Đó là lúc con bống đen/ Nổi lên giữa dòng sông Đáy/ Đôi mắt sáng đôi vầng Nhật,
Nguyệt/ Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng” (Con bống đen đẻ trứng).
Nhưng ánh sáng còn được “dựng” bằng những mảng khối động, những
sắc thái rất khác nhau: “Cát nóng bỏng mải miết chảy qua cổ họng ta/ Ta nuốt từng
vốc sa mạc vào ngực…/ Những lá buồm lóe lên ánh sáng thủy thần/ Ta nghe tiếng
dây buộc chèo xiết rên tóe máu”; “Em quẫy trong tay ta như một con cá/ Rồi bỏ
ta chạy vào lối ngõ không trăng” (Mười một khúc cảm, khúc VII). Sự chuyển động
của ánh sáng bằng những động từ nhanh, mạnh, tạo nên ấn tượng biểu cảm rất năng
động của ngữ nghĩa. Nó dựng dậy trạng thái chữ, hồn chữ, từ đó làm sống động,
“mọc chân” và “chạy” của đời sống phản ánh.
Ánh sáng, rất nhiều lần được so sánh phi hiện thực: “Bầy ốc
sên bò qua vườn trong ánh trăng chói gắt như nắng trời mùa hạ. Những chóp vỏ
chói sáng như hạt kim cương đính trên vương miện nữ hoàng đêm dạ hội. Những tấm
thân mềm và ướt lướt đi trong êm ái rợn người… Vệt bò của chúng để lại những
dòng sáng đặc lóng lánh, những vệt sao đổi ngôi đọng mãi trên trời” (Chuyển động).
Quả là cả một sự chuyển động của hình khối, không chỉ là cái cớ bầy ốc sên (ốc
sên quá nhỏ bé), mà là chuyển động dòng sáng, dòng ý thức. Có thể cảm nhận được
không, cái ánh trăng “chói gắt như nắng trời mùa hạ”? Lối ví, lối so sánh cường
điệu, thậm chí phi lý, siêu thực để tạo nên một ánh sáng khác lạ, những ý niệm
khác về không gian và chuyển động của sắc màu đời sống. Thấy đây nữa, cái khoảnh
khắc chuyển động lạ kỳ của ánh sáng: “Lưỡi dao rọc giấy lóe sáng như hàm răng một
người lạ đang cười/ Tiếng con dế bị giam cầm trong góc nhà vươn lên một con đường
cỏ dại” (Mười một khúc cảm); và “Hai bàn tay tôi hai chiếc thìa nạm bạc nham nhở/
Đang múc từng thìa trăng” (Dưới trăng và một bậc cửa). Ánh sáng khai quật bóng
đêm vật thể, bóng đêm tiềm thức. Và ở đây, thi sĩ như nhà thiết kế ánh sáng,
các góc chiếu, phối màu cho một sân khấu hoành tráng thi phẩm của ông.
Thức động những linh hồn
Không gian sông Đáy của Nguyễn Quang Thiều còn là bầu sinh
quyển đa dạng, không chỉ con người, dòng sông, cánh đồng, vườn tược. Một thế giới
cảnh vật, từ loài côn trùng nhỏ bé, lạ lùng như: “Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc/
Như lang thang qua bãi chiến trường/ Đầy mảnh thịt của gia súc/ Đầy xác chết của
rau thơm/ Quả ớt đỏ như lá cờ rách nát/ Bầy kiến ôm lên đắng cay nhòa mắt”, đến
vũ hội đầy bọ chó, con cóc già lơ đễnh, nhện cỏ, ốc sên, chim đêm, chó, mèo,
bò,… Mỗi vật thể, sinh thể là một đời sống, một thế giới, và vì vậy chúng đều
có linh hồn. Ánh sáng soi chiếu và thức động linh hồn vật thể là cách nhìn căn
bản nhất, tôn trọng thế giới cả tâm linh vô hình, lẫn hiện thực hữu hình. Đó là
cái nhìn nhân bản, bình đẳng về sinh quyền. Ta như lạc vào xứ sở của những điều
kỳ lạ trong tâm hồn thơ ông. Cũng là những khát vọng được trở về với thiên
nhiên, nguồn cội mãnh liệt.
Dưới cách nhìn ấy, thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều nhân tố “linh
hồn”. Ông muốn thổi vào mọi vật thể một linh hồn, hay đúng hơn là đánh thức
linh hồn ấy. Nghĩa là, mỗi vật thể quanh ta, dù nhỏ bé đến đâu, đều có ngôn ngữ,
có khát vọng, có đời sống tinh thần của nó. Có điều, nhà thơ có tiếp cận, có chạm
vào được, đánh thức được những tâm hồn còn khép kín đó hay không. Có thể kể ra
hàng loạt những câu thơ được gieo cấy “linh hồn” như vậy: “Rượu câm lặng chở những
linh hồn rắn/ Có một kẻ say hát lên bằng nọc độc trong bình” (Trong quán rượu rắn);
“Linh hồn của đàn bò/ bay trên cánh đồng/ của những con bò khác” (Linh hồn những
con bò); “Có ai đó gọi tôi qua linh hồn của ô cửa sổ/ Có ai đó gọi tôi dọc linh
hồn của những ngõ sâu” (Con bống đen đẻ trứng); “Linh hồn cây vục dậy từ ổ lá mục”
(Dưới trăng và một bậc cửa); “Linh hồn của những người chết trên mảnh đất này/
Bay lượn nặng nề cùng linh hồn những chiếc thuyền thúng/ Và linh hồn những con
chó chạy ra mép nước sủa vang đón linh hồn những ông chủ…/ Và bên này hồ nước
linh hồn những người đàn bà góa bụa/ Đang xé tan linh hồn những váy và linh hồn
những yếm/ Đang cào xước linh hồn những bầu vú đắng cay và khát vọng cháy…/
Linh hồn của những quạ khoang đậu trên cành của những linh hồn của một cái cây
cụt ngọn…/ Dưới gốc thông già, linh hồn cái đầu của một nhà thơ đang đọc một
linh hồn sách” (Bài ca những con chim đêm).
Những lớp lớp linh hồn có vẻ không tiết chế, cứ nối nhau câu
thêm câu, hình thêm hình, đến mức có cảm giác thi sĩ lạm dụng sức tưởng tượng
phong phú của mình làm cho ý thơ, câu thơ cầu kỳ, tá hỏa những linh hồn; dựng dậy
cả bãi tha ma những linh hồn bay lượn, giống những bộ phim kinh dị về hồn ma của
Hollywood. Nó nhắc ta, có một thế giới khác, một năng lượng khác mà người ta
không thể chỉ nhìn bề mặt, một mặt phẳng.
Hợp lưu
Sông Đáy của Nguyễn Quang Thiều có thể gọi là dòng năng lượng
cảm xúc dồi dào, nội lực sáng tạo mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, trường
liên tưởng rộng, mới lạ. Những câu thơ phức, nhịp dài, góc cạnh, như những mảng
khối của sắc màu và cảm xúc tuôn chảy, với cấu trúc dòng ý thức “tõe” (chân gà)
và ào chảy của dòng sông, không chú trọng vào logic tuyến và sự tập trung khái
quát, làm rõ cho một tư tưởng chủ đạo trên khung thi tứ, mà chú trọng sự tự biểu
hiện, “tự quyết” của “liên minh” những hình tượng, những vụt sáng của tâm trạng
trong một trật tự khá tự do. Tuy những câu thơ của ông có xu hướng trải dài,
tõe rộng, nhưng người đọc không có cảm giác loãng, bởi lôi cuốn của tốc độ và bộn
bề hình tượng; thậm chí nhiều khi cảm thấy chật chội thi ảnh, bịt bùng ý tưởng
như bước vào một cánh rừng rậm, khó nhận biết phải đi bằng lối nào.
Sau Sự mất ngủ của lửa (Nxb. Lao động, 1992; Giải
thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1993), Nguyễn Quang Thiều viết nhiều thơ dài, nhiều
nội hàm phản ánh, những “tổ hợp” thơ nhiều khúc, nhiều chương, vẫn là tông sự
chuyển động của nhiều hình tượng lạ, nhiều khi mờ mịt biện lý, những va đập của
khúc thức và tâm trạng… Và như vậy, đọc ông thì quả là mệt, nếu không kiên nhẫn
cuốn theo cách tư duy và ngôn ngữ biểu hiện đa tầng thơ ông. Theo tôi, trên con
đường cao tốc, cuồn cuộn bánh xe thơ từ những ngả tiềm thức và tinh thần quật
khởi dồn về, cần có những “trạm nghỉ”, những khoảng lặng, giúp người ta thả lỏng
tâm hồn để thẩm thấu nguồn năng lượng tiềm ẩn thơ ông. Những khoảng lặng sau mỗi
khổ thơ, câu thơ, là những ngân rung, vang xa, ngẫm ngợi, mà bâng khuâng thư
thái (thưởng thức), thậm chí “chết lặng” sau vẻ đẹp tự nhiên của câu chữ, thay
vì trĩu nặng và dồn dập của suy tưởng. Là nói vậy, bởi đó là phong cách, giọng
điệu riêng của tác giả, muốn điều chỉnh, cũng khó chẳng khác gì khi lựa chọn,
kiến thiết và định hình nó.
Có lẽ vì thế, từ Sự mất ngủ của lửa trở đi, dư luận
đa chiều khen chê thơ ông khá sôi nổi. Có nhiều người yêu thích thơ ông, thậm
chí photocopy cách biểu hiện của ông, đặc biệt là ở một số nhà thơ trẻ.
Sự yêu mến của thi hữu đến mức bối rối, khi cho rằng ông “đã xác lập một trường
phái thơ mới” (trường phái phải gọi được tên, phải có chủ thuyết, phương pháp
sáng tác và có nhóm thực hiện), hoặc “vừa xuất phát đã chạm đích thơ”? (nghệ
thuật đích không cùng, khám phá mãi mãi)… Lại không ít người cho rằng thơ ông
là “tây dịch”, là mịt mù, hũ nút, là làm hỏng thơ ta. Nói như Mai Văn Phấn:
“Nhiều bạn trẻ say thơ ông như điếu đổ. Cũng không ít các nhà thơ lớp trước chửi
như hát hay… Nhưng sau cơn bốc đồng chê như hắt nước đổ đi, họ cũng lặng lẽ nhận
ra: từ nay họ không thể viết như cũ”.
Thực ra, thơ Nguyễn Quang Thiều không quá khó hiểu và
nó vẫn là hơi thở Việt thấm đẫm trong hồn sông Đáy. Có chăng, nó được “trình diễn”
dưới một hình thức và nội cảm riêng, mới mẻ, khác lạ so với cách nói thông thường,
quen thuộc của số đông, trong thơ Việt suốt nhiều thập kỷ trước đó, mà người ta
cũng rất dễ bị đánh lừa bằng thói quen cảm thụ. Có chăng, ông nhìn bản chất sự
vật, những chớp lóe “linh hồn” đời sống bằng hệ quy chiếu ngôn ngữ của ông, trí
tưởng tượng của ông. Trí tưởng tượng phong phú, mạnh mẽ là tiềm lực và nền tảng
quan trọng bậc nhất của tài năng. Và sự khen chê, tranh cãi trái chiều lại là
điều khá thú vị về thơ ông, bởi ít nhất họ đã đọc ông, bị tác động mạnh bởi giọng
thơ ông. Cũng là sinh hoạt dân chủ trong cảm thụ và thưởng thức, ngoại trừ những
động cơ khác.
Nhưng điều quan trọng là, Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một
nguồn lực mạnh mẽ, mới lạ, đặc biệt của mình, đó là nguồn sông Đáy, vẻ đẹp huyền
thi sông Đáy của riêng ông. Tôi cho rằng, với việc tạo dựng nên vùng văn hóa
sông Đáy, với đầy đủ biểu tượng thi ca của nó như đã đề cập, là sự thành công và
đóng góp quan trọng nhất của Nguyễn Quang Thiều, bằng thi pháp và nội cảm, để tạo
dựng nên không gian thơ mình, trong sự chuyển động và hội nhập của không gian
thơ Việt; ngoài ý nghĩa đó, ta cũng có thể gặp những suy tưởng lạ lùng, những cấu
trúc thơ đa phức, những tư duy thơ mạnh mẽ, táo bạo của thế giới, những trường
phái này nọ, nó không phải là “đặc sản” Việt Nam, chỉ mới có ở Việt Nam.
Trần Quang Quý
Hà Nội, ngày 14.5.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét