Mối quan hệ giữa hình ảnh và ý nghĩa
1. Đặt vấn đề
Thành ngữ là nơi thể hiện tập trung nhất cách sử dụng hình ảnh
của người Việt, chính vì vậy, có người ngộ nhận nghĩa của thành ngữ là hình ảnh.
Cách hiểu này không đúng, bởi hình ảnh mang tính khách quan, còn hiểu theo cách
nào phải tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể, tùy thuộc vào nghĩa hàm ẩn của người
nói. Nhưng để hiểu nghĩa của thành ngữ không thể thoát ly khỏi hình ảnh, vì
trong thành ngữ, hình ảnh và ý nghĩa biểu trưng có mối quan hệ với nhau. Về
nghĩa biểu trưng của thành ngữ, tác giả Bùi Khắc Việt viết: “Do sự vật hoặc
hình ảnh có một số phẩm chất nào đó chung với điều nó biểu hiện nên biểu trưng
gợi cho ta một ý niệm về nội dung biểu hiện” (8,1). Còn GS Đỗ Hữu Châu xem tính
biểu trưng là đặc điểm ngữ nghĩa số một của thành ngữ: “ngữ cố định lấy vật thực
việc thực để biểu trưng cho những đặc điểm, tính chất, hoạt động, tình thế phổ
biến ,khái quát (...). Biểu trưng là cơ chế tất yếu mà ngữ cố định cung nhu từ
vựng phải sử dụng để ghi nhận, diễn đạt những nội dung phức tạp hơn một khái niệm
đơn”. Trong thành ngữ so sánh (TNSS), do cấu trúc [t] như B mà hình ảnh ở B
tạo cho [t] có giá trị biểu trưng phong phú. Ý nghĩa biểu trưng của thành ngữ
được hiểu là toàn bộ những ý nghĩa, ý niệm khái quát từ hình ảnh hoặc sự vật sự
việc cụ thể được miêu tả, đề cập, gọi tên trong thành ngữ. Hiểu theo cách này,
mọi thành ngữ đều mang ý nghĩa biểu trưng.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, có một số TNSS trong đó hình ảnh
được dùng cơ bản trùng với nghĩa đen, tính biểu trưng của các loại hình ảnh này
không cao. Chẳng hạn như các thành ngữ dẻo như múa: múa là làm các động
tác mềm mại, nhịp nhàng, nối tiếp nhau có dụng ý nghệ thuật. So sánh dẻo
như múa là chỉ điệu bộ uyển chuyển nhự nhàng như động tác múa. Múa có
thể gợi nhiều liên tưởng, nhưng chỉ có đặt trong quan hệ với dẻo thì đặc trưng
mềm mại mang tính thẩm mĩ mới được thể hiện. Một số thành ngữ tương tự như giống
như tạc, nhanh như bay... Về cơ bản, cả hai vế của cấu trúc so sánh đều được
dùng theo nghĩa đen. Do vậy, những thành ngữ này thường một nghĩa, số
lượng loại thành ngữ này không nhiều. Chiếm tỉ lệ đa số là hình ảnh mang ý
nghĩa biểu trưng.
2. Về mối quan hệ giữa hình ảnh và ý nghĩa biểu trưng, chúng
ta có thể gặp các trường hợp sau:
2.1. Hình ảnh đa nghĩa biểu trưng trong một TNSS
Là một đơn vị có chức năng định danh, thành ngữ cũng có hiện
tượng đa nghĩa. Với TNSS, tính nhiều nghĩa biểu hiện ở hình ảnh trong vế B:
Chẳng hạn như đường trong ngọt như đường tạo
cho thành ngữ 2 nghĩa:
1. Có vị ngọt như vị ngọt của đường kính.
2. Nói khéo léo rất ngọt ngào.
Ví dụ khác, trong thực tế, quả bồ hòn là loại quả tròn họ vải,
vị rất đắng, khi đi vào thành ngữ, nó mang những nghĩa:
1. Có vị đắng như vị đắng quả bồ hòn.
Như vậy, một hình ảnh trong TNSS không chỉ được dùng theo
nghĩa đen mà còn được dùng theo nghĩa bóng, không chỉ một nghĩa mà còn hai
nghĩa, có khi ba, bốn nghĩa. Thành ngữ rối như mớ bòng bong, (bòng bong có
nghĩa là xơ tre vót ra bị cuốn rối lại). Đi vào thành ngữ, nó mang những nghĩa
biểu trưng này:
1. Vật, dây xoắn vào nhau khó gỡ.
2. Rối rắm, phức tạp khó nhận diện.
3. Tình huống, tình trạng rối ren khó giải quyết.
4. Lòng dạ rối bời, đầu óc lúng túng khó tìm cách xử trí.
Các thành ngữ đa nghĩa còn thấy như: ăn như mỏ khoét, bạc
như vôi, chắc như cua gạch, nói như thánh phán, tối như hũ nút, xoay
như chong chóng, lủi như trạch, lạnh như tiền...
Có thể khẳng định các hình ảnh trong TNSS có tính biểu trưng
và chính nó tạo ra hiện tượng đa nghĩa cho thành ngữ.
Các nghĩa của thành ngữ do hình ảnh tạo nên có quan hệ với
nhau do quá trình chuyển nghĩa.
2.2 Hình ảnh chuyển nghĩa mang tính biểu trưng
trong TNSS
Mỗi sự vật, thông qua tên gọi, thường gợi lên trong ý thức
người bản ngữ một liên tưởng nào đó, gắn liền với một đặc điểm, thuộc tính của
sự vật. Quá trình liên tưởng dẫn đến sự ra đời của nghĩa bóng, nghĩa phái sinh
bằng phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ, hoán dụ. Đó cũng là quá trình hình thành
nghĩa biểu trưng. Những nghĩa chuyển được dùng để biểu hiện một cách tượng
trưng, ước lệ cho yếu tố có tính khái quát, trừu tượng, nghĩa đó là nghĩa biểu
trưng. Nói đến nghĩa thành ngữ là nói đến nghĩa chuyển, nghĩa biểu trưng này.
Đây cũng là hiện tượng phổ biến trong TNSS. Hầu hết các loại
thành ngữ này đều được hiểu theo nghĩa chuyển (ví dụ: béo như trâu trương,
bình chân như vại, chặt như nêm cối, chạy như đèn cù,...).
Ở lớp thành ngữ này, nghĩa đen không còn được dùng phổ biến
như dạng từ trong từ điển, thậm chí bị mờ, mất hẳn, chỉ còn lại nghĩa bóng.
Cùng chỉ một vật là ớt (cây nhỏ họ cà, quả chín màu đỏ hoặc vàng, vị cay, dùng
làm gia vị), nếu như trong thành ngữ cay như ớt,có hiện tượng đa nghĩa:
1. Rất cay tựa như vị cay của ớt.
2. Cảm thấy chua cay bực tức vì thua kém hoặc không đạt được
được mục đích.
Thì trong thành ngữ cay hơn ăn ớt nó chỉ có nghĩa
biểu trưng là nghĩa 2.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong giao tiếp, nghĩa 1 chỉ hiện
lên khi thành ngữ được vận dụng vào trong các dạng so sánh thông thường mà sự vật
(hình ảnh) hai vế cùng loại kiểu như mù tạt cay như ớt, hạt tiêu cay như ớt.
Trong thực tế, thành ngữ thường được dùng với nghĩa 2, giá trị của so sánh
không dừng lại ở nhận thức, bởi 2 vế so sánh ở đây là khác loại, kiểu như: Bọn
chúng cay như ớt, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Tương tự, trong thành ngữ: đau như dao cắt, nghĩa cụ thể
đã không tồn tại. Người ta hiểu và sử dụng hình ảnh dao cắt với nghĩa
biểu trưng: đau đớn trong lòng tựa như bị dao cắt.
Quá trình chuyển nghĩa được dựa trên quan hệ tương đồng hoặc
tương cận. Thành ngữ là đơn vị tương đương từ, những hình ảnh trong thành ngữ
đang xét cũng có thể xem là chuyển nghĩa dựa trên cơ sở chung về liên tưởng
tương đồng và tương cận.
Có thể thấy rõ hơn hiện tượng chuyển nghĩa qua một số hình ảnh
trong thành ngữ khác. Trấu vốn có nghĩa từ điển là: vỏ cứng đã tách
ra khỏi hạt thóc. Nó không có ruột nên rất mỏng và lép. Nhưng trấutrong lép
như trấu không còn là “phần vỏ”, cũng không chỉ thuộc tính lép của một thực
vật mà chỉ thế yếu, lép vế, đành phải nhún nhường nhượng bộ, nghĩa của thành ngữ
chỉ dùng cho con người, cho lực lượng xã hội nào đó.
Cần phải nói thêm rằng, trong đơn vị từ, nghĩa chuyển và
nghĩa biểu trưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau vì biểu trưng của từ gắn với
tính ước lệ, quy ước. Còn ở thành ngữ, khi khái niệm biểu trưng được hiểu theo
nghĩa rộng thì chính các nghĩa chuyển (nghĩa bóng) đều mang tính hàm ẩn, nên gọi
là nghĩa biểu trưng.
2.3 Hình ảnh được dùng với nhiều nghĩa biểu trưng
trong những thành ngữ khác nhau.
Sự vật hiện tượng trong thực tế khách quan có những thuộc
tính và mối liên hệ khác nhau, khi được phản ánh vào tư duy, chúng tạo nên
trong ý thức của con người một biểu tượng khá phức tạp, nghĩa là tạo thành nhiều
sự hiểu biết về sự vật hiện tượng đó. Mỗi sự hiểu biết về một thuộc tính của
khách thể tạo cho con người một mối liên tưởng, những sự vật hiện tượng càng
quen thuộc lại càng gợi được nhiều trường liên tưởng. Đây là cơ sở tạo nên tính
đa nghĩa biểu trưng của một hình ảnh khi nó được dùng trong các thành ngữ khác
nhau.
Có những tên gọi không có chiếu vật, đối tượng không hiện hữu,
thực thực hư hư, hoặc chỉ tồn tại trong quan niệm cũng có khả năng kích thích
trí tưởng tượng của con người. Ở đơn vị từ, nó tạo được nhiều trường từ vựng
(có nhiều trường, mỗi trường có nhiều từ). Ở thành ngữ, mỗi hình ảnh được khai
thác trên nhiều mặt, mỗi lần xuất hiện lại mang một ý nghĩa biểu tượng khác
nhau.
Con bò là con vật gắn với nghề nông nghiệp, quen thuộc với
người nông dân, khi được phản ánh vào ngôn ngữ, tên gọi của nó được đưa ra làm
nhiều chuẩn so sánh: rống như bò, thở như bò, ăn như bò ngốn cỏ, dốt như bò,
như con bò gầy gặp bãi cỏ non, ngu như bò đội nón...
Nếu những con vật có thật như con bò gần gũi, con sên quen
thuộc (chậm như sên, yếu như sên), con voi dễ quan sát (to như voi, khoẻ như
voi) thì ma là hiện tượng chỉ tồn tại trong quan niệm, trong tín ngưỡng, vì vậy,
ma cũng tạo nên nhiều trường liên tưởng xấu như ma lem, bẩn như ma, như ma
xó, tần mần như ma...
Như vậy, một đối tượng có thể biểu trưng cho nhiều nghĩa khác
nhau. Thậm chí có khi một hình ảnh nhưng biểu trưng cho những thuộc tính trái
ngược nhau:
Rối như canh hẹ
Rành rành như canh nấu hẹ
Tại sao một hình ảnh canh hẹ lại làm chuẩn cho cả
hai sự so sánh, hai tính chất: rối/ rành rành? Khi lựa chọn hình ảnh, người
nói đã nhìn từ những góc độ khác nhau, hay nói cách khác, mỗi điểm nhìn tạo một
trường liên tưởng khác nhau:
Rối như canh hẹ là:
1. rối rắm phức tạp,
2. rối bời lòng dạ, không biết xử trí như thế nào
nghĩa này là kết quả của sự liên tưởng về hình dáng của là hẹ
dài, dẹt...
Rành rành như canh nấu hẹ : sự việc đã quá rõ ràng, cụ
thể, không còn nghi ngờ gì nữa. Nghĩa này được tạo ra trên cơ sở liên tưởng về
mùi vị của hẹ vì rau hẹ có mùi riêng, đặc trưng không thể lẫn lộn với các thứ
canh rau khác.
Có thể thấy, hình ảnh mang tính khái quát, còn hiểu theo cách
nào, dùng theo ý nghĩa nào là tuỳ từng ngữ cảnh. Hình ảnh không phải là nghĩa của
thành ngữ mà chỉ là cơ sở để tạo nên ý nghĩa biểu trưng.
2.4 Hình ảnh đồng nghĩa biểu trưng
Trong ngôn ngữ, hiện tượng đồng nghĩa diễn ra ở nhiều cấp độ
khác nhau. Ở cấp độ từ, có hiện tượng từ đồng nghĩa, là những từ ngữ khác nhau
về ngữ âm, giống nhau về nghĩa, chúng cùng biểu thị các sắc thái khác nhau của
một khái niệm: ‘chấm dứt sự sống: có các từ đông nghĩa: chết,
từ trần, hi sinh, băng hà, toi, nghẻo...)
Ở cấp độ cụm từ cố định có thành ngữ đồng nghĩa, tức là:
nhiều thành ngữ cùng diễn tả một ý nghĩa biểu trưng.
Chẳng hạn, cùng mang ý nghĩa biểu trưng chỉ sự keo kiệt có
các thành ngữ: rán sành ra mỡ, vắt cổ chày ra nước, bóp chó đá ra cứt,
đãi cứt sáo lấy hạt đa... Cùng chỉ sự may mắn ngẫu nhiên, thành ngữ tiếng Việt
có: chó ngáp táp ruồi, mèo mù vớ cá rán, chuột sa chĩnh gạo...
Trong TNSS, hiện tượng đồng nghĩa dễ nhận diện hơn, vì chúng
nằm trong mô hình cấu trúc: [t] như B, trong đó, các thành ngữ chỉ
khác nhau vế chứa hình ảnh so sánh (vế B). Thành ngữ đã xét rối như
canh hẹ đồng nghĩa với rối như mớ bòng bong. Có rất nhiều thành ngữ đồng
nghĩa có thể đơn cử:
- Béo như con cun cút, béo như bồ sứt cạp, béo như vâm, béo
như trâu trương. Các thành ngữ này đồng nghĩa với nhau, cùng chỉ: rất béo.
- Nhanh như cắt, nhanh như gió, nhanh như chớp... đều có
nghĩa là : rất nhanh, trong khoảng thời gian ngắn.
Trong trường hợp t ẩn, chính hình thái thành
ngữ như B tạo nên sự đồng nghĩa, ví dụ: như cá nằm trên thớt,
như nghìn cân treo sợi tóc, ... cùng chỉ tình thế nguy kịch hiểm nghèo; như
sao hôm sao mai, như mặt trăng mặt trời... cùng chỉ sự xa cách trái ngược
nhau. Chính loại thành ngữ ẩn tính chất so sánh t này cho ta thấy rõ các hình ảnh
đồng nghĩa biểu trưng.
Nhưng cũng như từ đồng nghĩa, không có thành ngữ đồng nghĩa
hoàn toàn (hiểu theo nghĩa tuyệt đối của từ này), nếu không, sẽ có thành ngữ bị
loại trừ hoặc tạo nên hiện tượng lãng phí, dư thừa, cồng kềnh trong ngôn ngữ. Mỗi
TNSS nói riêng, thành ngữ nói chung, có một đời sống và phạm vi hoạt động
riêng. Nằm trong sự tương đồng, các thành ngữ có sự khác biệt tinh tế, có thể
là sự khác nhau về các thành phần hoặc mức độ sắc thái biểu đạt, nghĩa biểu vật,
biểu niệm, biểu thái.
Phân tích cơ cấu nghĩa, ta thấy sự khác nhau của 2 thành ngữ chạy
như cờ lông công: chạy rối rít loạn xạ, không mang lại kết quả gì
(có sắc thái chê bai), chạy như con thoi: chạy đi chạy lại thoăn thoắt
từ nới nọ sang nới kia, thể hiện sự nhanh nhạy năng động và đạt hiệu quả công
việc cao (thái độ khen ngợi). Còn chạy như đèn cù có nghĩa chạy vòng
quanh hết chỗ nọ đến chỗ kia với sắc thái nghiêng về tình thế bị động ứng phó.
Cả ba thành ngữ này đều chỉ cách thức của sự vận động, so sánh với hành động của
con người.
Rõ ràng, chính hình ảnh đã tạo nên giá trị riêng của từng
thành ngữ trong chuỗi đồng nghĩa. Có thể dẫn thêm một số trường hợp để thấy giá
trị biểu trưng của vế B khi t đồng nhất với nhau, hay
nói cách khác, dùng nhiều hình ảnh biểu thị một đặc điểm tính chất:
- Béo như con cun cút: béo tròn bắp thịt chắc lẳn, thường
ví với cái béo của trẻ em, dùng với hàm ý đùa nghịch.
- Béo như bồ sứt cạp: béo và to sồ sề, thường ví với
cái béo của phụ nữ, có thái độ chê bai.
- Béo như trâu trương: béo to quá mức, hơi dị dạng
trông rất xấu, có sắc thái mỉa mai.
Các thành ngữ trắng như bông, trắng như cước, trắng như
trứng gà bóc đều chỉ màu trắng sạch và đẹp, mang sắc thái khẳng định, khen
ngợi. Tuy vây, chúng khác nhau về nghĩa biểu vật.
- Trắng như bông: trắng toát có màu trắng ví như màu của
bông, được dùng so sánh với vật.
- Trắng như cước: trắng óng lên mượt mà như sắc màu của
cước, so sánh của màu tóc, râu.
- Trắng như trứng gà bóc: trắng mịn màng nõn nà như màu
của trứng gà bóc, so sánh với màu của da.
Như vậy, có thể khẳng định, để biểu thị một đặc điểm, có thể
dùng nhiều hình ảnh để biểu trưng. Mỗi hình ảnh có ý nghĩa riêng, tạo nên sự
khác nhau, phân biệt nhau về sắc thái biểu cảm, biểu vật rất tinh tế.
Thao tác so sánh được tiến hành theo quan hệ liên tưởng, mà
hoạt động liên tưởng vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan. Khách
quan là ở chỗ, các sự vật có thể có những điểm tương đồng, từ sự vật này liên
tưởng đến sự vật khác dựa trên một hay nhiều thuộc tính. Điều này tạo cho so
sánh một giá trị nhận thức. Chủ quan vì hoạt động liên tưởng diễn ra trong mỗi
cá nhân, thể hiện năng lực nhận thức, năng lực tư duy, thái độ, tình cảm, thói
quen sử dụng ngôn ngữ của từng người. Sự vật mang nhiều đặc điểm, thuộc tính,
bên cạnh những đặc điểm chung, mỗi sự vật có nét dị biệt. Lựa chọn đặc
trưng nào, hình ảnh nào là do người nói. Hay như Nguyễn Thế Lịch đã chỉ ra 7
yêu cầu cơ bản đối với yếu tố chuẩn trong cấu trúc so sánh là: cụ thể, gần gũi,
hợp lí, tiêu biểu, biểu cảm, có hình ảnh, có giá trị thẩm mĩ(5). Vì vậy mối
quan hệ giữa hình ảnh và ý nghĩa biểu trưng như trên phần nào có thể lí giải được.
3. Mối quan hệ giữa hình ảnh và ý nghĩa biểu trưng có thể xuất
phát từ một số lí do như:
3.1. Xuất phát từ quan hệ logic khách quan
Không thể đem hai sự vật bất kì nào ra so sánh với nhau và lấy
một vật làm chuẩn. Có người đã đưa ra một ví dụ đặc sắc về chuyện này, đó là
không thể so sánh màu vàng với hình vuông xem cái nào vuông hơn, cái nào vàng
hơn. So sánh logic là so sánh ở đó hai vật đưa ra phải có những điểm chung,
chúng có thể ngang nhau, hơn kém nhau. Màu vàng và hình vuông rõ ràng không có
quan hệ với nhau, nhưng ta có thể so sánh đông như kiến, vàng như nghệ,
đen như than... Bởi vì, kiến là loại bọ cánh có màng, nhỏ, sống thành đàn, thuộc
tính số lượng nhiều của kiến trở thành chuẩn so sánh. Hoặc với loại cây trồng củ
có màu vàng, dùng làm gia vị hoặc thuốc - cây nghệ - dân gian căn cứ vào màu sắc
của củ nghệ để so sánh vàng như nghệ.
Mọi so sánh sở dĩ tồn tại được bởi có sự tương đồng hợp lí giữa
các đối tượng.
3.2 Xuất phát từ sự quan sát của chủ thể đối với các hiện
tượng khách quan
Mỗi khách thể ngoài thế giới có một hệ thống thuộc tính, đặc
điểm. Vấn đề là người nói chọn đặc điểm nào của sự vật, hiện tượng trong quá
trình liên tưởng. Ngược lại, một thuộc tính nhất định có thể tồn tại ở nhiều sự
vật khác nhau, chọn đối tượng nào tiêu biểu nhất cho thuộc tính đó, tất cả phụ
thuộc vào sự quan sát của chủ thể. Ta đã thấy trong các thành ngữ đồng nghĩa hoặc
các thành ngữ có hình ảnh giống nhau, sự lựa chọn hình ảnh đều có lí do, cũng
tương tự như sự định danh trong ngôn ngữ “vai trò của việc lựa chọn này bị
quy định bởi một loạt nhân tố, trong đó có một phần thuộc về những đặc điểm
sinh lí của con người, một phần thuộc về các chức năng cơ chế lời nói”.
Ta xem xét hai thành ngữ: Đẻ như gà và Lạch bạch
như vịt bầu.
Vấn đề đặt ra: tại sao chọn gà để so sánh với thuộc
tính đẻ, chọn vịt bầu để so sánh với dáng lạch bạch?
Cả hai con vật này đều thuộc họ gia cầm nên có đặc điểm là đẻ
trứng. Nhưng đặc điểm này chỉ có trong nghĩa về gà, vì nó tiêu biểu
hơn vịt(khi đẻ nhảy ổ, đẻ xong có tiếng báo hiệu, dân gian vẫn nói: te
tái như gà mái nhảy ổ, rối như gà mắc đẻ...) Nếu không cho trứng ấp con, chỉ cần
một thời gian ngắn gà lại đẻ tiếp (mắn đẻ, đẻ dày). Vì vậy người Việt Nam chọn
hình ảnh gà để hàm ý đẻ nhiều, mắn đẻ, đẻ dày, nói là đẻ như gà,
không nói đẻ như vịt.
Từ vịt có nét nghĩa: chân thấp có màng. Trong thực
tế, vịt đi, chạy rất chậm, dáng chạy nặng nề, đặc biệt là vịt bầu. Đây như một
đặc trưng phân biệt vịt với các gia cầm khác và vịt trở thành hình ảnh có ý
nghĩa biểu trưng: chậm chạp nặng nề khi di chuyển.
Mỗi tình huống, hiện tượng trong cuộc sống đều được quan sát
và phát hiện những nét bản chất, đặc trưng, được dân gian cụ thể hóa bằng những hình
ảnh tinh tế.
Các thành ngữ lúng túng như gà mắc tóc, lúng túng như
chó ăn vụng bột, lúng túng như thợ vụng mất kim, lúng túng như cá vào rọ là
những thành ngữ đồng nghĩa, chỉ trạng thái bối rối, lúng túng không biết cách
giải quyết. Nhưng người nói đã dùng những hình ảnh khác nhau để biểu đạt. Sự
quan sát các tình huống, các hiện tượng trong cuộc sống, phát hiện nét riêng
trong các hiện tượng tương đồng đã mang lại kết quả. Mỗi hình ảnh vế
B là một sự cụ thể hóa, sắc thái hóa.
- Lúng túng như gà mắc tóc: lúng túng vì lâm vào cảnh bề
bộn, nhiều sự việc dồn dập mà không tìm được cách tháo gỡ.
- Lúng túng như chó ăn vụng bột: lúng túng vì
phạm sai lầm, muốn che giấu sự khuất tất nhưng không thành.
- Lúng túng như thợ vụng mất kim: lúng túng vì thiếu
kinh nghiệm, mất phương hướng giải quyết côngviệc.
- Lúng túng như cá vào rọ: lúng túng do bị rơi vào tình
thế giam hãm, khống chế, không chủ động, không thi thố được tài năng.
Rõ ràng, xuất phát từ sự quan sát tinh tường mà người lao động
đã lựa chọn được hình ảnh biểu đạt phong phú. Bên cạnh đó, có những hiện tượng
đặc sắc mang dấu ấn văn hoá rõ nét là, cùng một đối tượng trong một nền văn
hoá, nhưng chủ nhân của mỗi vùng văn hoá lại quan sát theo những cách khác
nhau, phát hiện, lựa chọn các thuộc tính khác nhau, và kết quả là đưa vào thành
ngữ những hình ảnh so sánh khác nhau.
3.3 Xuất phát từ quan niệm của người bản ngữ
Mỗi dân tộc có một quan niệm khác nhau khi chọn các biểu tượng
ngôn ngữ. Sự nhìn nhận, cách đánh giá và thái độ của người Việt với các biểu tượng
ngôn ngữ thể hiện rõ trong TNSS.
Trong nhận thức của người phương Tây, các trạng thái tinh thần
của con người xuất phát và tập trung ở khối óc, cũng nhiều khi họ dùng biểu tượng
tim. Quan niệm truyền thống của người Việt hoàn toàn khác. Thành ngữ tiếng Việt
không có hình ảnh tim, chỉ có một trường hợp khẩu phật tâm xà nhưng
đây cũng là thành ngữ gốc Hán. Mọi tư tưởng, tình cảm, trí tuệ đều ở lòng,
bụng, ruột.
Vui như mở cờ trong bụng/ như nở từng khúc ruột
Đau như xé ruột xé gan
Nhớ như chôn vào ruột
Cũng trong quan niệm của người Việt truyền thống, linh hồn tồn
tại sau khi chết, phần linh hồn là phần tinh anh, ma là hiện tượng có thật. ấn
tượng về ma như một sự ám ảnh, con người vừa e dè thoả hiệp vừa đe doạ nó.
Trong TNSS ta thấy rõ quan niệm này: ăn cắp như ranh (ranh: đứa trẻ đầu
thai nhiều lần nhưng không nuôi được, để đòi một cái nợ của kiếp trước), dỗ
như dỗ tà (tà: ma) Chiều như chiều vong (vong: hồn người chết), đuổi
như đuổi tà... Những thành ngữ này một mặt lấy hình ảnh từ tín ngưỡng, mặt khác
phản ánh quan niệm của người Việt trong lĩnh vực này. Hệ thống hình ảnh không
tương ứng với chiếu vật trong hiện thực khách quan mà chỉ tồn tại trong đời
sông tinh thần và ngôn ngữ, do vậy, tính biểu trưng, tính quan niệm thể hiện rất
rõ.
Rất nhiều trường hợp, mối quan hệ giữa hiện thực khách quan
và kết quả liên tưởng hoàn toàn khác nhau do quan niệm của người bản ngữ. Chẳng
hạn, một con vật rất gần gũi tình cảm với con người, hữu ích và trung thành là
con chó, nhưng mỗi dân tộc lại dùng nó làm biểu trưng cho những ý nghĩa khác
nhau. Trong thành ngữ, tục ngữ Nhật, theo tác giả Nguyễn Tô Chung, nó có ít nhất
4 nghĩa: 1- Trung thành, 2- Yêu thương đông loại, 3- Ngu, 4- Tiểu nhân. Như vậy,
người Nhật thấy ở nó cả nét tích cực và tiêu cực, còn trong tiếng Việt, TNSS sẽ
mang sắc thái âm tính khi có hình ảnh con chó biểu trưng cho việc nói năng lải
nhải lặp đi lặp lại (như chó nhai giẻ rách), nói với vẻ bực tức khó
chịu (lẩu bẩu như chó hóc xương), vẻ mặt tiu nghỉu (tiu nghỉu như chó cụp
đuôi), dại dột, ngu xuẩn (ngu như chó), bẩn thỉu từ trong bản chất (bẩn
như chó).
Điều đáng lưu ý là, hầu hết cá TNSS có tên gọi động vật, ngoài
nghĩa đen, nghĩa biểu trưng thì sắc thái tu từ rất rõ, là sự giễu cợt, chê bai,
khinh bỉ. Nếu trong thành ngữ có tên loài chó, ta lí giải sự bình giá của người
nói trên đây phần nào xuất phát từ thực tế sinh sống, đặc tính của con vật thì
với một số con vật hữu ích khác, ta không tìm được nguyên nhân khách
quan dẫn đến sắc thái âm tính trong thành ngữ, tất cả đều do quan niệm của người
bản ngữ. Con mèo hữu dụng cũng bị giễu cợt (như mèo vờn chuột), sự sạch sẽ của
nó cũng bị mỉa mai (giấu như mèo giấu cứt) cách ăn uống nhẹ nhàng từ tốn của nó
bị chê bai (ăn như mèo), cách đùa giỡn của nó dù không phương hại đến ai
cũng bị chỉ trích (lèo nhèo như mèo vật đống rơm).
Nếu trong ca dao, hình ảnh con cò là biểu tượng cho sự tần tảo,
trong trắng của người lao động thì trong TNSS, con cò bị giễu cợt, đay đả:
Lò dò như cò ăn đêm
Lép bép như cò mổ tép
Thất thểu như cò phải bão
Lả như cò bợ
Quan niệm của người bản ngữ khi lựa chọn hình ảnh so sánh thể
hiện rõ nhất đặc trưng văn hoá - dân tộc của thành ngữ. Hình ảnh mang mầu sắc
dân tộc vì nó đi từ cuộc sống hàng ngày vào ngôn ngữ. Nhưng không chỉ như vậy,
nhiều hình ảnh còn là sự cô đọng những sự kiện lịch sử, hiện tượng văn học.
3.4. Xuất phát từ thực tế lịch sử, văn học.
Trong một số trường hợp, B được lấy từ những giai thoại, những
câu chuyện, những hiện tượng có thật hay từ những điển tích văn học.
Ta thấy, hình ảnh chẻ tre trong thế như chẻ tre bắt
nguồn từ câu chuyện lịch sử đời Tấn Trung Hoa. Đỗ Dự cầm quân đi đánh Ngô, khi
quân sĩ đang hăng, đang thắng lớn, một số người can ông tạm thu binh. Ông đã trả
lời: “hiện uy binh đã dậy, ví như chẻ tre, sau khi đã chẻ qua vài đốt thì toàn
đoạn sau tiếp theo lưỡi dao mà vỡ toác ra” (kim binh uy dĩ chân, tỉ như phá
trúc, tiết chi hậu, giai nghênh nhận như giải).
Vì vậy, chẻ tre là nói cái thế đang đà thuận lợi.
Khi vế B là những danh từ riêng chỉ người, sự vật mang tính
chất điển hình thì giá trị biểu trưng của thành ngữ sẽ lớn. Có thể thấy hàng loạt
thành ngữ lấy hình ảnh từ lịch sử, văn học: nợ như Chúa Chổm, đa nghi như
Tào Tháo, nóng như Trương Phi... Ngược lại, khi tên riêng biểu thị người
hoặc sự vật bình thường, chỉ quen thuộc trong phạm vị hẹp thì ý nghĩa biểu
trưng của thành ngữ phần nào nhạt hơn, ví dụ như: vắng như chùa Bà Đanh,
oai oái như phủ Khoái xin cơm...
Qua lớp TNSS so sánh này có thể thấy sự lựa chọn hình ảnh vừa
cho thấy bản sắc văn hoá dân tộc vừa thấy được một biểu hiện của hiện tượng vay
mượn trong ngôn ngữ và quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá của dân tộc ta.
Khả năng và giá trị biểu trưng của các hình ảnh trong TNSS rất
lớn. Một hình ảnh trong TNSS có thể được dùng để biểu trưng không chỉ
cho một mà có thể cho nhiều đặc điểm thuộc tính khác nhau. Ngược lại, một đặc
điểm thuộc tính lại có thể được biểu trưng bằng nhiều hình ảnh khác nhau. Điều
đó cho thấy khả năng biểu trưng của hình ảnh trong TNSS rất phong phú đa dạng.
Mặt khác, qua cách cách dùng hình ảnh biểu trưng, ta cũng thấy khả năng liên tưởng
phong phú đa chiều cũng như đặc điểm về tư duy, bản sắc văn hóa của người Việt.
Tài liệu tham khảo
2. Nguyễn Tô Chung - Góp phần tìm hiểu cácthành ngữ, tục
ngữ tiếng Nhật có danh từ chỉ con vật, Ngữ học trẻ 2003, H, tr211-214.
3. Hoàng Văn Hành, (chủ biên) - Kể chuyện thành ngữ, tục
ngữ, Nxb KHXH, H, in lần 2, 2002
4. Nguyễn Thuý Khanh - Đặc điểm tư duy liên tưởng về thế
giới động vật của người Việt - phẩm chất và chiến lược, Tc Ngôn ngữ số
4/1997, tr 40-48
5. Nguyễn Thế Lịch - Yếu tố chuẩn trong cấu trúc so sánh
nghệ thuật, Tc Ngôn ngữ số 7/2005, tr 57-65
6. Hoàng Phê (chủ biên) - Từ điển tiếng Việt, Nxb KHXH,
H (in lần 3), 1994
7. Nguyễn Đức Tồn - Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc
của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, Nxb ĐHQG, 2002.
8. Bùi Khắc Việt - Về tính biểu trưng của thành ngữ
trong tiếng Việt, Tc Ngôn ngữ số 1/1978, tr 1-6
9. Nguyễn Như ý (chủ biên) - Từ điển giải thích thành ngữ
tiếng Việt, Nxb GD, H, 1998.
Bùi Thị Thi Thơ
Nguồn: TC Ngôn ngữ - Đời sống,
số 12 (134) - 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét