Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Thì thầm “Hát mãi với sông Lô”

Thì thầm “Hát mãi với sông Lô”
Nhà thơ Lê Duy Hảo (người đứng thứ 3 từ phải sang) 
trong Lễ ký kết HĐKT với Thủ tướng nước Lào cuối năm 2007
Chiều nay tôi được anh Phạm Ngọc Chước Thượng tá công an tỉnh Phú Thọ ghé thăm. Anh đưa tôi tập thơ “Hát mãi với sông Lô” của tác giả Lê Duy Hảo và vồn vã nói: “Chú đọc đi. Hay lắm. Người Phú Thọ quê ta đấy. Doanh nhân làm thơ đấy. Xin chú cho vài nhận xét nhé”. Rồi chẳng kịp cho tôi hỏi thăm sơ qua về tác giả anh vội cáo từ vì phải đi dự một đám cưới của một chiến sỹ trong cơ quan. Níu mãi anh lại để hỏi thêm vài câu song anh xua tay: “Chú thông cảm. Đến giờ đám rồi chỉ cần chú đọc và nhận xét vài lời tập thơ ấy là được. Mai tớ sang trao đổi cụ thể”. “Thế tác giả là người thế nào với anh?” không muốn làm phiền anh thêm tôi cố hỏi một câu nữa. Anh cười: “Đồng hương chứ còn thế nào nữa. Cũng chỉ mới biết qua tập thơ này đấy. Chú cứ đọc rồi khắc rõ”. Và anh lên xe vù đi.
Tôi nhìn theo anh mỉm cười. Cái ông này rõ lạ thoắt ẩn thoắt hiện đến là hay. Thượng tá công an cái nghề khô như ngói mà lại mê thơ thế không biết.Viết được bài thơ mới nào hay vớ đâu được tập thơ hay là anh khoe ngay với tôi. Chắc tập này cũng hấp dẫn lắm đây?
Công tác ở Hội VHNT tỉnh tôi được anh em tặng sách khá nhiều và tôi cũng rất chịu khó đọc những sáng tác của họ. “Nghề” của mình nó vậy hơn nữa tôi lại khoái cái “món” này. Tuy nhiên cũng có cuốn tôi bỏ quên mấy ngày sau thậm chí cả tháng sau mới sờ đến để đọc. Thứ nhất là do công việc bận rộn thứ hai là tác giả ấy hoặc là đã in trên tạp chí của mình rồi hoặc là đã đọc ở đâu đó nên “thư thư tí cũng được”. Còn cuốn này do ông bạn mê thơ làm “nghề công an” mang đến khen như thế giục như thế thì không thể chần chừ được. Chẳng biết thực hư thế nào hay lại như mấy vị doanh nhân nọ thừa tiền đem in thơ chơi sang? Tôi hơi ngờ vực song cũng mở tập sách ra đọc theo phản xạ.
Tập thơ cuốn hút tôi ngay từ những trang đầu tiên. Cuốn hút không phải bởi “tem nhãn” nhà xuất bản Hội Nhà văn hay bài giới thiệu của nhà thơ Phạm Tiến Duật “cây thơ” số một thời chống Mỹ (và cả hiện tại nữa) in ở ngay trang đầu tập sách mà bởi chất thơ hồn thơ của Lê Duy Hảo qua mỗi tác phẩm của anh. Tôi đọc ngấu nghiến theo kiểu “vỡ hoang” “bừa qua một lượt” từ đầu đến cuối sau đó đọc nhẩn nha đọc nhấm nháp từng bài một. Đặc biệt gặp những bài thơ khá những câu thơ hay tôi đã dừng lại gập sách lại nhắm mắt lại… để tự thưởng thức cho mình cái tâm đắc cùng tác giả. 55 bài thơ 6 bản nhạc phổ thơ của tác giả 1 truyện cổ tích dạng thơ do tác giả viết hiển hiện trong tập sách 130 trang xinh xắn do Hội Nhà văn ấn hành năm 2007 đã rủ rê tôi dẫn dắt tôi cùng tác giả bồng bềnh trên sông Lô - sông thơ ngược về miền đất Hà Giang địa đầu Tổ quốc mảnh đất mà tác giả đã nặng lòng đã đa mang ở đó.
Đọc và ngẫm và hình dung ra tác giả. Giờ đây qua các tác phẩm đó tôi có thể mường tượng ra được Lê Duy Hảo thế này: anh là một doanh nhân rất nặng lòng rất tâm đắc với Hà Giang. Có tới tám chục phần trăm số bài thơ nhạc phẩm của anh đều vương vấn với Hà Giang. “Lễ vật dâng đời một chút Hà Phương/ Và những hoa trái tình yêu đây đó/ Xin được tiếp những điều còn dang dở/ Cho đẹp tình vẹn nghĩa với Hà Giang” (Lễ vật dâng đời). “Hà Giang ơi! Tôi yêu mãi/ Đến đây rồi chẳng ai muốn về xuôi” (Hà Giang ơi!). Chưa kể những câu có từ Hà Giang chỉ điểm những đầu đề các bài thơ thôi cũng đủ thấy Hà Giang hiện lên sừng sững trong anh. “Hà Giang ơi!” “Hoa tím cổng Trời” “Hát mãi với sông Lô” “Với người làm đẹp Hà Giang” “Ngày buồn ở Hà Giang” “Lên Hà Giang” “Thức với Hà Giang” “Đêm Hà Giang”… Trích ngang lý lịch tôi biết anh sinh ở Đào Xá (Thanh Thủy Phú Thọ) tu nghiệp tại Mỹ khởi nghiệp ở Hà Giang đầu tư công sức tiền của sự nghiệp cho Hà Giang.
Thế nên anh nặng lòng với Hà Giang là phải. Tôi khá ấn tượng với những câu thơ về Hà Giang thế này: “Đêm Hà Giang giật mình thảng thốt/ Gió hú từng cơn chăn gối ướt đầm” “Về Hà Giang lại một đêm/ Cơm ăn chẳng được rượu mềm môi ra/ Núi cao mây gió la đà/ Sông Lô chảy mãi biết là còn mơ” “Hà Giang ơi!/ Quê hương mến yêu/ Dù phải đi cuối đất cùng trời/ Vẫn nhớ về/ Nương chè xanh mướt” “Núi Tiên Quản Bạ không xa/ Cổng Trời ai đứng đợi đà ngàn năm/ Tiên nữ xuống với trăng rằm/ Hồn anh lính trẻ đỡ nằm phong sương”… Không sống chết với Hà Giang không thể viết được những câu thơ như thế.
Lê Duy Hảo còn nặng lòng với đồng đội với quê hương đặc biệt tôi thấy ở anh có sự trở trăn làm thế nào để quê hương (trong đó có Hà Giang) thoát khỏi cảnh đói nghèo? Làm thế nào để cuộc sống này tốt hơn đẹp hơn? Ý chí làm giàu cho quê hương của anh thể hiện rất rõ trong các bài thơ.
Ngậm ngùi trở lại chiến trường xưa trước nấm mồ đồng đội anh viết: “Giờ tôi trở lại một mình/ Xót thương đời lính chung tình đã qua/ Làm sao gửi gắm lòng ta/ Dù thêm chút nhỏ đỡ đà rụng rơi?”. Câu hỏi ấy hình như cứ xoáy vào tâm thức anh thôi thúc anh phải làm một cái gì đó “dù thêm chút nhỏ” thôi để cho “đỡ đà rụng rơi” những cái gì tốt đẹp còn sót lại trong cuộc sống xô bồ bon chen hiện tại. Thương lắm xót lắm anh mới viết được câu thơ này: “Lạnh lắm mãi gió chẳng thôi/ Hồn bao lính trẻ đứng ngồi bên nhau”. Trái tim nghệ sỹ rung lên trước khung cảnh hoang lạnh của những nấm mồ đồng đội nơi viên xứ biên cương ấy. “Ôi! Bông hoa vô danh/Cứ bừng lên bừng lên như lửa/ Cứ cháy lòng cháy lòng như máu đỏ/ Người chếin sỹ năm xưa/ Đã nằm lại nơi này/ Hà Giang ơi!”. Điệp từ “bừng lên” “cháy lòng” được anh sử dụng đã nói lên nỗi lòng của anh với đồng đội.
Từ tình cảm sâu nặng tha thiết đó với trách nhiệm của công dân và ý chí vượt lên nghèo đói làm giàu cho quê hương anh đã gửi gấm gần như là một tuyên ngôn thế này: “Tự bao giờ vẫn cháy trong tim ta/ Một tình yêu Hà Giang thiết tha/ Vì Hà Giang ta chiến đấu/ Vì Hà Giang ta dâng hiến/ Sông Lô ơi ta nợ người”. “Ai về sông Lô cho tôi về với/ Ai về Hà Giang cho tôi gửi tới/ Một tình yêu thiết tha…” (Hát mãi với sông Lô). “Làm gì cũng chưa đủ/ Hõm mắt vào đêm thâu/ Luôn hiện về quá khứ/ Đồng đội tôi đông đủ/ Thì thầm nhắc gọi nhau/ Phải làm giàu đất nước/ Khó khăn đầy phía trước/ Cũng phải cố lên đi”. “Thương trường là chiến trường” câu nói đó rất đúng đặc biệt với doanh nhân như anh.
Trách nhiệm với đồng đội với đất nước đè nặng lên vai anh. “Hõm mắt với đêm thâu” câu thơ thật gợi khắc họa những nhọc nhằn lo toan của người chiến sỹ trên mặt trận mới - mặt trận dựng xây kinh tế. Thành công và thất bại trên thương trường đã cho anh một triết lý “Sống khó hơn là chết/ Không ai nhắc làm gì/ Bởi đã quyết bước đi/ Ta không thể quay lại” “Nguyện đời ta là “mạ”/ Gieo cánh đồng bội thu”.
Tôi cứ đọc đi đọc lại chùm 12 bài thơ “Không đề” của anh và tự hỏi: Phải chăng Lê Duy Hảo gặp điều gì đó trắc trở trên thương trường? “Không đề 1” với bốn câu lục bát khắc hoạ cảnh về quê của tác giả chưa “vấn đề” gì lắm. Đến “Không đề 2” triết lý cuộc đời đã hé lộ: “Không vui ai hiểu nỗi đau/ Không buồn ai biết nỗi sầu thiên thu?”. “Không đề 3” đã thấy trách cứ “Mùa này cạn một khúc sông/ Con chim én lượn uốn cong vòm trời/ Bỗng dưng một cánh sao rơi/ Cuộc đời buồn thảm rối bời hư vô”. “Uốn cong vòm trời” “cánh sao rơi” để câu kết thật buồn. “Không đề 4” anh lại “ngẫm sự đời” để “Không đề 5” với 2 khổ lục bát (mỗi khổ 4 câu) càng rõ hơn cái điều anh nói. “Trăm năm làm được gì đâu/ Vừa chớp mắt đã bể dâu bơ phờ/ Giàu sang như sóng vỗ bờ/ Triều cường có lúc lại trơ cát vàng”. Đến “Không đề 6” tôi bị ám ảnh rất ám ảnh với câu thơ: “Trắng tay mới biết mình là chủ”. Vô lý mà lại rất có lý. Phải đau lắm mất mát lắm Lê Duy Hảo mới viết được câu thơ ấy. “Không đề 7” tứ thơ ý thơ bỗng sáng lên: “Dừng chân bẻ nhánh hoa rừng/ Bỗng nhiên ngan ngát rưng rưng mơ hồ/ Ngừng tay ngắt một câu thơ/ Dòng sông nổi sóng bến bờ xôn xao”. Hình như thơ đã cứu cánh cho anh lấy cho anh lại sự thăng bằng? Qua “Không đề 7” rồi 8 9 10 11 cũng là những vết cắt nhát chém của sự đớn đau mất mát để rồi đến “Không đề 12” thì anh không kìm lòng được nữa phải thốt lên kêu lên thế này: “Tôi ngồi khóc với dòng sông/ Nắng khô cả mắt mưa không muốn về/ Sông Lô còn một lời thề…”. Đau mất… nhưng anh vẫn nặng “một lời thề” với sông Lô. Chính điều này đã không làm anh gục ngã. Anh lại “Ước gì”: “Ước gì bỗng có tài năng/ Ta lên trời để hái trăng làm thuyền/ Ước gì bỗng chẳng vô duyên/ Ta xuống biển có thần tiên soi đường/ Ứớc gì trở lại quê hương/ Ta hồn nhiên giữa người thương mong chờ” và anh đã “Ta ngồi thức với bài thơ/ Ngoài kia sương khói đợi chờ trăng lên”. Tâm hồn thi sỹ của anh đã cất cánh. Mây khói rồi cũng dần tan để ánh trăng vàng đưa thuyền thơ anh rong ruổi.
Không biết tác giả chưa đọc anh bao giờ chỉ mới “cưỡi ngựa xem hoa” qua tập thơ của anh tôi đã cảm nhận được anh là người nhân nghĩa sống có trước có sau sâu nặng với quê hương (đặc biệt với Hà Giang) và đồng đội. Bài thơ “Nỗi nhớ xa nhà” của anh viết trong những ngày anh học ở Mỹ về quê cha đất Tổ viết về mẹ thật hay thật xúc động. Ngoài những câu thơ mà nhà thơ Phạm Tiến Duật chọn ra tôi ấn tượng với câu “Thân gầy ngày tháng chờ mong/ Ai thay tôi đỡ lưng còng mẹ đây?”.
Thơ Lê Duy Hảo dung dị mộc mạc thấm đậm tình yêu thương đồng loại yêu mảnh đất con người nơi anh sinh ra và nơi anh dựng nghiệp. Lục bát của anh khá nhuyễn giàu chất thơ không sa vào ca dao như một số tác giả mắc phải. Các bài theo thể thơ ngũ ngôn thất ngôn hay tự do đều chặt về tứ nặng về tình nhiều câu xuất thần gây ấn tượng với người đọc. Viết về nỗi đau mất mát có thể là sự thất bại nữa song chủ ý của anh tư tưởng của anh vẫn hiện lên một nghị lực mãnh liệt để vượt qua để thực hiện bằng được “một lời thề”. Không oán trách kêu ca không bi luỵ kể cả chùm thơ “Không đề”. Có thể chùm thơ ấy làm cho anh hiểu rõ cuộc đời hơn hiểu rõ sự phức tạp bề bộn của cuộc sống này hơn đặc biệt trên mặt trận mới: thương trường. Thì thế mới là cuộc sống. Thơ là phải thế đâu chỉ ngợi ca một chiều hoặc cố ý ngợi ca. Lê Duy Hảo đã làm được điều này. Chính điều này đã làm cho tập thơ của anh có sức nặng.
Tuy nhiên giá anh chọn lọc sử dụng câu từ cẩn thận thêm tí nữa chắt lọc thêm tí nữa thì tác phẩm sẽ hay hơn. Chùm thơ “Không đề” giá viết cô đọng hơn để cho thơ tự nói lên điều mình muốn nói thì hay hơn. Ví như “Không đề 5” nên bỏ khổ thơ thứ hai là được rồi “Không đề 12” nên chấm lửng ở câu “Sông Lô còn một lời thề” là đủ. Anh hơi tham nên tứ thơ ý thơ bị lộ. Đoạn 2 của “Không đề 5” bình tĩnh cân nhắc sửa thêm thì sẽ được thêm một “Không đề” nữa khá hay. Anh viết “Cuộc đời rồi sẽ sang trang/ Một đêm nằm mộng vội vàng mà ghê/ Bừng tỉnh khi thấy còn mê/ Mở to con mắt bốn bề tay không”. Tôi mạnh dạn sửa thế này: “Cuộc đời tưởng sẽ sang trang/ Gặp cơn ác mộng bàng hoàng mà ghê/ Giật mình choàng tỉnh cơn mê/ Mở to con mắt bốn bề tay không”. Chẳng biết có được không? Thì cũng mạnh dạn thử bút cùng anh tí chút theo ý Thượng tá Chước ấy mà. “Trắng tay rồi mới biết mình là chủ” vẫn đang ám ảnh tôi đấy thôi.
Gấp tập thơ lại tôi cứ thì thầm “Hát mãi với sông Lô” theo anh. Chỉ thì thầm thôi mai gặp Thượng tá Phạm Ngọc Chước tôi sẽ nói to cùng anh rằng: "Thơ Lê Duy Hảo đọc được đấy!". Hy vọng doanh nhân nhà thơ Lê Duy Hảo (người mà lần đầu tiên tôi đọc) sẽ có nhiều tác phẩm hay hơn nữa. Chúc cho anh thành đạt cả trên thương trường và thi ca.
Đỗ Xuân Thu
 Theo http://xuanthu.vnweblogs.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...