Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Những thư viện lớn của triều Nguyễn ở kinh đô Huế xưa

Những thư viện lớn của triều Nguyễn 
ở kinh đô Huế xưa
Ảnh: Tòa nhà chính của Quốc Sử Quán. 
Nguồn: Paul Boudet chụp năm 1942.
Một trong những di sản văn hóa tinh thần mà triều Nguyễn để lại cho Việt Nam đó là một khối lượng tư liệu đồ sộ đã tích lũy được tại kinh đô Huế trong gần một thế kỷ rưỡi (1802-1945).
So với những triều đại trước ở Việt Nam thì nhà Nguyễn đã có được một số lượng văn khố phong phú và đa dạng hơn nhiều. Lúc bấy giờ Huế giữ vai trò là kinh đô, cho nên triều đình đã thiết lập tại đây khá nhiều văn khố (kho lưu trữ hay thư viện) nhằm tập trung lưu trữ mọi thông tin trong cả nước, trước tiên là để xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều hành đất nước, tiếp đến là để làm tư liệu viết sử sách cho triều đại. Vào năm Gia Long thứ 10 (1811), nhà vua đã ban hành ba chiếu chỉ cho các dinh trấn trong Nam ngoài Bắc nói về việc sưu tầm các sách sử cũ. Trong một tờ chiếu có đoạn viết: “Tuy sau binh biến, kho sách không còn bằng chứng nhưng những học giả uẩn súc chắc còn ghi chép. Nay đất nước đã thống nhất cần phải tìm xét rộng rãi. Phàm dân chúng các ngươi như có điển xưa việc cũ hoặc do kho nhà nước để lại, hoặc được ở nhà riêng ghi chép, hết thảy điển chương điều lệ, cho phép do quan địa phương sở tại dâng lên. Nếu có điều gì quan hệ đến chính thể, trẫm sẽ tự xét chọn, đều có nêu thưởng ... Từ đấy những sách cất giữ ở nhà dân dần dần được đem ra”. (1)
Vào năm 1820, vua Minh Mệnh cũng xuống chiếu tìm sách cũ, trong chiếu nói: “Trẫm để ý việc xưa, noi theo chí trước... Nhưng từ lúc dấy quân về sau, kho sách không có bằng chứng, duy các nhà nhiều học thức hoặc còn ghi chép được chăng. Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước thì không kể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng.”
“Do đó trong ngoài đều đem các bản biên chép tiến dâng. Thượng thư Trịnh Hoài Đức dâng sách Gia Định thông chí(3 quyển) và sách Minh Bột di ngư văn thảo, Chiêm hậu Hoàng Công Tài dâng sách Bản triều ngọc phả (2 bản) và sách Kỷ sự (2 bản), người Quảng Đức là Cung Văn Hi dâng sách Khai quốc công nghiệp diễn chí (7 quyển), người Thanh Hoa là Nguyễn Đình Chính dâng sách Minh lương khải cáo lục (34 điều), người Quảng Ngãi là Võ Nguyên Biều dâng sách Cố sự biên lục (1 quyển)”. (2)
Đến năm 1828, nhà vua xuống chiếu thu thập tài liệu về triều Tây Sơn: “Sai Bộ Lễ tư hỏi việc cũ của Ngụy Tây (tức nhà Tây Sơn)…
Nay nghĩ chúng tuy bội nghịch, những việc chúng làm thực không đáng kể; song cũng là dấu tích của một đời, kho sách chứa cất không nên thiếu sót. Nên tư giấy cho Bắc Thành, hỏi khắp các cố gia và sĩ thứ ai có ghi chép được việc cũ của Tây Sơn từ năm Bính Ngọ trở đi, từ năm Nhâm Tuất trở lại, phàm một chính lệnh và chiếu sắc tấu sớ, cùng mọi điều mục nhỏ mọn chúng đã làm, không nệ kỵ húy, không kể lời văn quê mùa, hết thảy đều đem nộp qua sẽ lượng khen thưởng”. (3)
Nhờ chính sách sưu tầm trên nên vào thời Gia Long (1802-1819) và Minh Mệnh (1820-1840), triều đình đã tìm được nhiều tài liệu quý. Dưới thời các vua kế nghiệp nhất là các vua Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), các hoạt động văn hóa ngày càng phát triển, số lượng tư liệu tích lũy tại Huế ngày càng phong phú hơn. Thơ văn ngự chế, tác phẩm của các tao nhân mặc khách trong nước, các loại văn kiện hành chính của triều đình, các văn bản ngoại giao, sách vở do các phái bộ mua ở nước ngoài về, sử sách do Quốc Sử Quán, Nội Các, hoặc các học giả tư nhân biên soạn..., tất cả làm cho Huế trở thành một trung tâm tư liệu dồi dào. Do đó triều Nguyễn đã thiết lập tại đây những văn khố dưới các dạng khác nhau để lưu trữ bảo quản và khai thác vốn tài liệu. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn trong phần tìm hiểu tiếp theo dưới đây.
Những thư viện ở kinh đô Huế
Theo những tư liệu, hình ảnh và di tích để lại chúng tôi thấy triều Nguyễn đã thiết lập ở kinh đô Huế 6 thư viện hoặc văn khố được ghi theo thứ tự thời điểm hình thành sau đây:
- Thư viện Sử Quán, thành lập năm 1821.
- Tàng Thư Lâu, xây dựng năm 1825.
- Thư viện Nội Các, thành lập năm 1826.
- Thư viện Tụ Khuê, thành lập năm 1852.
- Tân Thư Viện, thành lập năm 1909.
- Thư viện Bảo Đại, thành lập năm 1923
1. Thư viện Sử Quán
Sử Quán còn được gọi là Quốc Sử Quán, một cơ quan viết sử của triều Nguyễn. Nó được thành lập chính thức vào năm 1821, dưới triều vua Minh Mệnh. Tọa lạc bên tả Kinh Thành ở phường Phú Văn, vào đầu thế kỷ XX gọi là phường Trung Hậu. Nay thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế. Muốn viết sử các sử quan phải có tư liệu. Do đó triều đình đã tập trung tại đây một khối lượng sử sách khá lớn sưu tầm được khắp trong nước và một số tài liệu trong Nội Các cũng được chuyển ra đây để làm tư liệu. Cho nên Quốc Sử Quán đã để lại một khối lượng tài liệu đồ sộ đặc biệt là sử liệu. Trong lĩnh vực sử học, các tác phẩm của Quốc Sử Quán chiếm vị trí chủ đạo và nổi bật hơn cả. Qua các bộ sử tiêu biểu như: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu..., lịch sử triều Nguyễn (bao gồm các đời chúa và vua) đã được tái hiện khá đầy đủ, phản ánh nhiều mặt của lịch sử đương thời.
Trong biên chế của Quốc Sử Quán bấy giờ có một chức quan gọi là Thu chưởng (tòng cửu phẩm). Từ Thu chưởng có nghĩa là người giữ sách (thủ thư), tức là quan chuyên trách quản lý thư viện của Quốc Sử Quán. Thư viện Sử Quán chứa đựng một số lượng tài liệu lớn, phục vụ trực tiếp cho cơ quan viết sử của triều đình nên ngoài việc triều đình cử quan viên quản lý còn tăng cường cơ sở vật chất cho Thư viện. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên thì vào năm 1861, Bộ Lễ tâu xin vua rằng: Tủ để sách cũng nên theo đúng kiểu trước chế tạo 10 chiếc chu vi đều có con song để thoáng hơi, mỗi phần chia làm ba ngăn, ngăn thứ nhất chia làm hai cửa, ngăn thứ hai chia làm ba cửa, ngăn thứ ba chia làm hai cửa, cánh cửa cũng nên làm con song, cửa nào cũng có ổ khóa. Về rộng hẹp cao thấp theo mực thước cũ và đều sơn son. (4)
Theo một đợt kiểm kê vào năm Duy Tân thứ 1 (1907) được ghi lại trong quyển Sử Quán thủ sách (tên đầu sách tại Sử Quán), số sách bấy giờ tại thư viện này là 169 bộ gồm Đại Nam thực lục, Ngọc điệp (Gia phả Hoàng tộc), Ngự chế thi tập (những tập thơ do các vua làm), di chiếu, hòa ước, thương ước... (5). Đến năm 1942, Paul Boudet (Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương) vẫn còn đọc được tại Thư viện Sử Quán nhiều tài liệu viết tay rất quý hiếm từ thời các chúa Nguyễn và các đời vua đầu triều Nguyễn để lại. Ông cũng chụp ảnh và để lại cho chúng ta những tấm ảnh có giá trị về Sử Quán và về những tủ sách tại đây.
Như vậy chức năng của Thư viện Sử Quán là phục vụ trực tiếp cho các sử gia chuyên nghiệp của triều đình. Cơ quan này đã hoạt động liên tục trong 124 năm từ đầu thời Minh Mệnh (1821) đến khi triều Nguyễn cáo chung (1945).
2. Tàng Thư Lâu
Tàng Thư Lâu được xây dựng vào năm 1825, theo chỉ dụ của vua Minh Mệnh. Lầu nằm giữa hồ Học Hải (cạnh hồ Tịnh Tâm), trên một hòn đảo nhân tạo giữa trời nước một vùng hương sen tươi mát, Đây là một công trình được xây cất rất độc đáo, gồm hai tầng: tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái. Trần nhà cuốn tròn không làm đòn tay rui mèn bằng gỗ để tránh hỏa hoạn. Phía trên vòm cuốn là lớp đất nung đặt trên lớp vôi ba ta dày hai phân. Nội thất chia làm nhiều phòng, mỗi phòng là một hình vuông có diện tích chín mét vuông, cao hai mét. Do được làm trên mặt hồ nên Tàng Thư Lâu dễ cứu chữa khi bị hỏa hoạn; hệ thống thông gió tự nhiên và cấu trúc đặc biệt làm cho độ ẩm trong kho giảm, giúp bảo quản tốt tài liệu. Để tăng thêm khả năng bảo vệ, các cửa lớn nhỏ của Tàng Thư Lâu đều được làm bằng sắt rất vững chắc.
Tàng Thư Lâu lưu trữ tất cả sổ sách, văn thư của sáu bộ và các nha thuộc triều đình trung ương..., những tài liệu về đối ngoại của triều Nguyễn, các bản thảo sách Nho, y, lý, số, đặc biệt có nhiều mộc bản và địa bạ trong cả nước. Theo cuốn Tàng Thư Lâu bạ tịch (6) viết năm 1907 thì đây là nơi cất giữ các địa bạ, thế bạ, đinh bạ do Bộ Hộ và Bộ Binh dâng nộp. Các văn kiện hành chính ấy đã được thực hiện từ thời Gia Long trở đi. Theo Paul Boudet người đã từng đến nghiên cứu các tài liệu ở Tàng Thư Lâu thì đầu năm 1942, chỉ riêng số địa bạ thuộc Bộ Hộ thời Gia Long và Minh Mệnh ở đây còn lưu trữ được 12.000 tập và chúng có thể cung cấp những thông tin rất đáng quý cho việc nghiên cứu lịch sử, xã hội và kinh tế.
Vào cuối thời nhà Nguyễn, Bộ Học là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Tàng Thư Lâu. Bộ Học giao cho một Thừa phái (Thư ký) tôn cẩn giữ chìa khóa. Mỗi năm hai lần viên Thừa phái này mở cửa để các bộ ký nạp hồ sơ, tài liệu, sách vở vào kho lưu trữ. Thừa phái không thường trực tại kho. Để bảo vệ kho có 12 lính hộ thành được tuyển chọn, trang bị súng trường dài (loại cổ) của Pháp, thay nhau túc trực ngày đêm.
Sau Cách mạng tháng Tám, Tàng Thư Lâu không có người canh gác trở thành vô chủ, sách vở, tư liệu ở đây bị mất đi một số lượng rất lớn. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, chúng đã biến Tàng Thư Lâu thành nhà giam những tù nhân chính trị. Đến năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục dùng Tàng Thư Lâu làm nơi giam giữ các thành phần đối lập. Vào tháng 11 năm 1963, khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì Tàng Thư Lâu bỏ trống. Sau năm 1975, bộ đội đã cho xây dựng thêm ở Tàng Thư Lâu nhiều công trình phụ dùng làm căn cứ hậu cần doanh trại bộ đội công binh. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và những biến thiên của lịch sử, Tàng Thư Lâu lúc là kho lưu trữ, là thư viện uy nghiêm, lúc biến thành nhà giam, doanh trại quân đội... Nay lầu Tàng Thư vẫn còn đó, trầm ngâm theo những mùa sen nở nhưng từ lâu đã mất hết ý nghĩa đích thực của nó, còn lại chăng chỉ là một di tích văn hóa lịch sử. Điều đó gợi cho chúng ta bao băn khoăn, suy nghĩ và trăn trở.
3. Thư viện Nội Các
Thư viện Nội Các được thành lập năm 1826 dưới triều vua Minh Mệnh. Nội Các là một cơ quan đầu não của triều đình nhà Nguyễn.
Các văn thư giấy tờ, sách vở của văn phòng cao cấp này cần phải có nơi cất giữ; các sách vua đọc, các tài liệu vua tham khảo, các văn kiện hành chính vua phê duyệt, những thơ văn do vua làm..., cần phải có nơi tàng trữ. Cho nên vào năm 1826, vua Minh Mệnh đã cho xây dựng sau lưng Tả Vu một tòa nhà để cất giữ chúng. Tòa nhà có tên là Đông Các, còn được gọi là Thư viện Nội Các. Có thể xem đây là thư viện chính thức của nhà vua hoặc là Thư viện Hoàng gia. Vào năm 1942, Paul Boudet đã viết về tòa nhà này như sau: “Ngôi nhà rất đẹp được xây dựng theo một kiểu mẫu thanh tú nhất, vươn lên một tầng lầu rộng đó là Đông Các Điện. Kín đáo ẩn mình dưới bóng điện Cần Chánh, nơi đây không có gì làm khuấy động sự yên lặng của nó hơn là tiếng kêu cọt kẹt của những cánh tủ cũ kỹ sắp sách và tiếng lào xào đập cánh nhẹ nhàng của những con dơi. Các nhà làm sử và các văn hàn cũng không còn năng lui tới nơi đó và ở đằng trước thì những mái cong của ngôi nhà đó có ngói màu xanh lục mỗi ngày đều vỡ vụn thêm ra một ít... Ở bên trong nhà những tài liệu đều được đóng kỹ vào những cái tủ có nhiều cánh và trong những cái rương sơn láng đã mờ dấu chế tạo của Trung Hoa. Không phải là không xúc động khi người ta mở những cánh tủ lung lay để lấy ra những tấm ván khắc câu đối, những bộ sưu tập tranh vẽ, những bản khắc các câu thơ, các bài thơ do tài năng và ngòi bút của các vị hoàng đế tài hoa về văn học như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức ngự chế”. (7)
Theo đợt kiểm kê năm 1902, ở Thư viện Nội Các có 7.190 bản sách. Nhưng theo quyển Nội Các thư mục được viết trong đợt kiểm kê năm 1908 thì số sách tàng trữ tại đây “ghi rất sơ sài mỗi bộ chỉ có tên sách và số quyển, cũng chia làm 5 loại: Quốc triều thư mục, kinh, sử, tử, tập, không ghi tổng số” (8). Đến năm 1914, theo quyển Nội Các thủ sách thì “sách chứa ở tầng trên tòa Đông Các gồm 70 bộ, toàn sách sử và thơ văn triều Nguyễn” (9). Tuy nhiên theo sự tìm hiểu của Paul Boudet vào năm 1942 thì ở Đông Các lúc ấy còn tàng trữ các loại tư liệu sau:
- Tất cả những bản hiệp ước mà các vua Nguyễn đã ký kết với nước ngoài.
- Những văn kiện ngoại giao với các nước khác nhau.
- Tất cả những giấy tờ ngự chế, tức những giấy tờ có thủ bút ngự phê và các tập thơ ngự chế của vua.
- Những bản đồ và bản vẽ đồ án.
- Một phần những tài liệu hành chính do các vua đọc và ngự phê chữ son bên cạnh, gọi là châu bản.
- Một số Điện thí quyển (tức là những bài làm của thí sinh trong các kỳ thi Đình).
- Một số sách chữ Hán được sưu tập dưới thời Minh Mệnh.(10)
Đây là những tài liệu quan trọng và quý báu của triều Nguyễn.
4. Thư viện Tụ Khuê
Thư viện Tụ Khuê được xây dựng vào năm 1852, ở sát bên trái của Đông Các, bên trong phạm vi của Tử Cấm Thành.
Sở dĩ phải thiết lập thư viện này bên cạnh thư viện kia, có lẽ vì đến bấy giờ, sau 50 năm (1802-1852) trải qua các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và đầu thời Tự Đức, số lượng sách ngự lãm, thơ văn ngự chế, khối lượng châu bản và các loại văn kiện hành chính quan trọng khác của Nội Các đã tích lũy được nhiều, Đông Các không đủ chỗ chứa. Theo quyển Tụ Khuê thư viện tổng mục (11) được thực hiện trong đợt kiểm kê năm 1902, số sách và văn kiện tàng trữ bấy giờ tại đây như sau:
- Bản quốc thư là 232 bộ lẻ 703 bản và 1 tập.
- Kinh bộ 776 bộ lẻ 69 bản.
- Sử bộ 712 bộ lẻ 173 bản.
- Tử bộ 1.081 bộ lẻ 216 bản và 1 tập 3 tờ.
- Tập bộ 1.089 bộ lẻ 84 bản.
- Tây thư 77 bộ lẻ 96 bản và 50 tập.
- Các sách ở Đông Các: 7.190 bản.
5. Tân Thư Viện
Tân Thư Viện hoạt động trong thời gian từ năm 1909-1923, đây là thư viện của Trường Quốc Tử Giám. Trường Quốc Tử Giám của triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1808, dưới thời vua Gia Long tại làng An Ninh gần khu vực Văn Miếu. Đến năm Duy Tân thứ hai (1908), trường được lệnh dời về xây bên trong Kinh Thành, sau cửa Thượng Tứ (nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế). Mặt bằng khu đất khá lớn. Phía đông của Trường Quốc Tử Giám tiếp giáp với Viện Cơ Mật, phía tây kế cận với Hoàng Thành, phía bắc tiếp giáp với Tôn Nhân Phủ, phía nam chạy dọc theo mặt trong của Kinh Thành.
Đến năm 1909, một thư viện của Trường Quốc Tử Giám đã được dựng lên trên khu đất phía sau của trường, có tường rào bao bọc (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế). Ngôi nhà dùng để làm thư viện này là điện Long An vốn từ cung Bảo Định được chuyển về đây.
Tân Thư Viện được dựng lên bên cạnh Trường Quốc Tử Giám, nhằm phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và sinh viên của trường. Bấy giờ triều đình đã cho chuyển một số thư tịch ở Nội Các về lưu trữ ở Tân Thư Viện. Đồng thời một số sách và văn bản chép tay quý của Tòa Khâm sứ Pháp cũng được chuyển về đây. Tất cả được xếp ngay ngắn trong các tủ sơn son đặt trong nội thất của tòa nhà. A. Sallet từng viết về thư viện này như sau: “Nơi đây tập trung các tủ kính khổng lồ, sơn màu đỏ rải rác có các con rồng thếp vàng. Người ta xếp vào đó các sách đang lưu trữ ở Tụ Khuê Lâu”.(12) Theo quyển Tân Thư Viện thủ sách được ghi chép vào năm Duy Tân thứ 6 (1912) thì “ Nguyên sách thư viện cũng xếp theo các kho: kinh, sử, tử, tập và Quốc thư, Tây thư, những bản này là bản kiểm kê theo từng tủ, nên thứ tự loại mục lộn xộn. Theo số tờ và số dòng thì tổng số các sách cũng lên tới trên 4.000 bộ”.(13) Theo Tân Thư Viện thủ sách nhị tập, cũng viết năm Duy Tân thứ 6 thì “ sách xếp theo thứ tự các loại: Quốc thư (sách Việt), Tây thư (sách dịch từ chữ Tây ra Hán văn) rồi đến các loại sách Trung Quốc kinh, sử, tử, tập có đánh số ký hiệu số cuối cùng là 1.558 số, sau cùng mỗi tập có dòng kết, sau tập 6 có dòng tổng kết chung là 30 tủ, hợp cộng là 58.850 bản. Trong số đó sách Việt Nam có1.481 bản”.(14)
Đến năm 1923, để đáp ứng cho nhu cầu mới, Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế là Pierre Pasquier và vua Khải Định cùng quyết định thay đổi chức năng của điện Long An thêm một lần nữa là sử dụng nó làm bảo tàng, đặt tên là Musée Khải Định. Tất cả sách ở đây được chuyển qua đặt ở dãy nhà nằm bên trái phía sau Di Luân Đường.
6. Thư viện Bảo Đại
Thư viện Bảo Đại tọa lạc tại tòa nhà phía sau bên trái Di Luân Đường của Quốc Tử Giám, hoạt động từ năm 1923-1947. Trong thời gian gần 1/4 thế kỷ ấy nhất là từ những năm đầu của thập niên 1940, vì nhiều lý do khác nhau, những sử sách của các thư viện nói trên và một số thư viện khác ở Huế đều lần lượt được tập trung tại Thư viện Bảo Đại đặt dưới sự quản lý của Viện Văn hóa Trung Kỳ (được thành lập vào khoảng đầu thập niên 1940). Theo Bửu Kế, một người làm việc tại thư viện ấy đương thời, mấy hôm sau khi xảy ra việc Nhật đảo chính Pháp, tất cả sổ sách văn thư ở Tòa Khâm sứ Huế và sách vở ở một vài thư viện khác của người Pháp ở bờ nam sông Hương đều được chở bằng ô tô hạng nặng, đưa qua tập trung tại Thư viện Bảo Đại.
Trước đó, một số chuyên viên Hán học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã từng vào thư viện này để sao chép nhiều tư liệu quý hiếm. Rất nhiều tư liệu trong số đó đang được tiếp tục lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam ở Hà Nội hiện nay.
Ngoài những văn khố và thư viện triều đình ấy ra, ở kinh đô Huế xưa còn có những thư phòng của hoàng đế là nơi dành cho vua đọc sách và ngự lãm văn chương như Thanh Hạ Thư Lâu, Thái Bình Lâu...
Nhìn chung những tư liệu trong các thư viện của triều Nguyễn ở Huế xưa là một tài sản tinh thần thật lớn lao và vô giá của triều đại. Ngày nay, bất cứ ai muốn nghiên cứu về Việt Nam cũng điều phải sử dụng nền tư liệu chính thống này. Những người tìm hiểu về di sản văn hóa tinh thần của cố đô Huế lại cần đến các tư liệu ấy hơn.
CHÚ THÍCH
Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 817.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 63.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 796.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, trích dịch bởi Nguyễn Đình Diệm đăng trên Khảo cổ tập san, số 4 năm 1966, Sài Gòn, tr. 119-120.
Theo Phan Thuận An, “Từ thư viện triều Nguyễn đến thư viện Cố đô”, tạp chí Huế Xưa và Nay, số 6 năm 1994, tr. 40.
P. Boudet, “Les archives des empereurs d’Annam et I’histoire annamite”, BAVH, số 3, 1942, Hà Xuân Liêm dịch.
Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 297.
Trần Văn Giáp, sđd, tr. 1.262.
Trần Văn Giáp, sđd, tr. 1.263.
Phan Thuận An, bđd, tr. 42-43.
Trần Văn Giáp, sđd, tr. 1.260-1.261.
A. Sallet, “Viện Bảo tàng Khải Định: Ngôi điện - Nguồn gốc và lịch sử”, BAVH, tập 16, năm 1929, Nguyễn Cửu Sà dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2003, tr. 123.
Trần Văn Giáp, sđd, tr. 1.263.
Trần Văn Giáp, sđd, tr. 1.264.
NGUYỄN CÔNG TRÍ
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và 
Phát triển, số 6-7 (104-105), 2013
Theo https://www.vanhoanghean.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...