Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Dấu ấn chiến tranh từ hai cuốn tiểu thuyết của Xuân Thu

Dấu ấn chiến tranh từ 
hai cuốn tiểu thuyết của Xuân Thu
"Chiều không tắt nắng" và "Hoàng hôn xanh" là sản phẩm dự một trại viết Quân đội của tác giả Xuân Thu. Thực ra đó là một cuốn tiểu thuyết được in thành hai. Tháng 5/2008 Nhà xuất bản Quân đội in 20 phần đầu 286 trang (khổ 13x19) với cái tên "Chiều không tắt nắng". Mọi câu chuyện và số phận nhân vật đều treo lửng lơ... bẵng gần 2 năm đầu năm 2010 NXB Lao Động đưa in nửa còn lại 17 phần cùng khổ sách (13x19) 298 trang với cái tên "Hoàng hôn xanh". Đến cuốn này mọi câu chuyện và số phận nhân vật coi như đã được giải quyết rõ ràng hoàn chỉnh.
Đó là chuyện thật mà lạ về việc in ấn! Bởi trường hợp này không như tiểu thuyết "Vỡ bờ" của Nguyễn Đình Thi hay "Xung đột" của Nguyễn Khải có tập 1 tập 2 theo một "chỉnh thể" của chỉnh thể (có thể đọc 1 tập đã hiểu). Càng không phải như "Cái sân gạch" và "Vụ lúa chiêm" của Đào Vũ trước đây tuy cùng viết về những con người ở một hợp tác xã nông nghiệp nhưng với 2 nhan đề khác nhau mà vẫn có lý... tiểu thuyết của Xuân Thu nếu chỉ đọc một trong hai tập trên khác nào nghe một câu chuyện bỏ dở hẫng hụt! "May là" tác giả đã định được hai cái nhan đề ẩn dụ tượng trưng thống nhất cho nội dung tác phẩm. Song chắc gì bạn đọc nào cũng có trong tay cả hai tập sách này!
"Chiều không tắt nắng" hay "Hoàng hôn xanh" tuy hai mà là một. Có thể dùng một trong hai cái tên đó làm nhan đề chung cho cả hai tập sách đều đúng. Hai cái tên ấy thực ra đều biểu tượng cho tư tưởng chủ đạo của tác phẩm (từ đây thuật ngữ "tác phẩm" được chỉ chung cho hai cuốn sách đã nêu): Những anh thương binh như Quang Việt (nhân vật trung tâm) của tác phẩm tuy tàn mà không phế. Mang theo phần đời còn lại những dấu ấn đau buồn của chiến tranh như "chiều" hay "hoàng hôn") nhưng ý chí tâm hồn lạc quan nghị lực phi thường và niềm vui tình đời vẫn luôn rực cháy trong họ để trở thành động lực sống có ích cho đời (được ẩn dụ bằng "không tắt nắng" hay "xanh" "hoàng hôn") - như điều tâm niệm của họ về lời nói của Pa-ven Cooc-sa-ghin trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" mà tác phẩm này đã đôi lần nhắc đến: "Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận với những năm tháng đã sống hoài sống phí với những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của đời mình. Và để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta tất cả sức ta ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".
Những nhân vật trung tâm ấy xuất hiện trong "cái nền" bối cảnh tác phẩm - những diễn biến tâm lý tư tưởng cung cách làm ăn... của bà con nông dân và cán bộ ở hợp tác xã một xã làng quê miền trung du những năm 70 80 thế kỷ XX từ những hợp tác xã làng đến khi có chủ trương của Đảng "tiến lên sản xuất lớn" sáp nhập thành hợp tác xã lớn xã Tân Phong Hợp Nhất những năm 80 có chủ trương khoán 100 khoán 10 rồi khoán 1 (hộ)...
Bức tranh hiện thực ấy được phản ánh bằng những nét vẽ và sắc màu sinh động khá thành công. Phải chăng đó là thế mạnh của Xuân Thu thời gian anh trực tiếp làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp quê hương. Điều hệ trọng tác giả khẳng định về chủ trương khoán hộ để mỗi người mỗi nhà tự làm chủ ruộng đồng mới là con đường đưa người nông dân thực sự đến ấm no hạnh phúc cùng với cộng đồng và sự hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay đang diễn ra (bài viết này tôi không có ý định bàn về nội dung đó). Song như nhan đề tác phẩm vấn đề chú tâm của tác giả phải chăng là những câu chuyện về dấu ấn của chiến tranh và tấm lòng nhân hậu của những người trong cuộc qua cái nhìn mới.
Mọi người Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc đều biết những điều được mất sống còn của chiến tranh. Chiến tranh đã để lại những dấu ấn trong lòng trên những con người và làng quê đất Việt. Đề tài về chiến tranh là vô tận và đã có nhiều tác phẩm thành công. Tác phẩm này của Xuân Thu góp thêm tiếng nói đó ở cái nhìn riêng mà chung.
Dấu ấn chiến tranh tác giả phản ánh tập trung xoay quanh hai nhân vật thương binh Vũ Vinh Quang và Phan Anh Việt. Là những thanh niên trai tráng họ tình nguyện lên đường chống Mỹ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nay trở về là những thương binh nặng với những dấu ấn cả trên hình thể và chuyện thầm kín trong lòng. Quang bị liệt nửa thân dưới không còn khả năng sinh con. Trên xe lăn lúc nào anh cũng phải mang những ống xông. Nay lại phải "phẫu thuật dạ dày cắt bỏ mấy đoạn ruột lại phải mang bên mình thêm mấy cái ống xông khác nữa". Việt thì bị bom Napan mặt nhăn nhúm biến dạng và "bộ hạ của Việt không còn nguyên vẹn chỉ còn lại đúng có một mẩu thịt ngắn tũn làm nhiệm vụ tiểu tiện". Nhưng tàn mà không phế. Để sống còn có ích cho đời các anh đã đêm ngày say mê sáng tác tiểu thuyết "Đồng vọng" với mục đích - như lời nói đầu cuốn sách (Việt thay Quang đọc lại cho mọi người nghe trong lời khấn lúc sách được đặt lên bàn thờ sau khi nhà xuất bản in và gửi 5 triệu đồng nhuận bút cho tác giả): "Thưa những đồng đội của tôi đã ngã xuống trên các chiến trường! Viết cuốn sách này mục đích duy nhất của tôi là được sống lại những năm tháng hào hùng gặp lại tất cả anh em đồng đội với lòng thành kính sâu sắc nhất đối với các bạn các anh các chị... để mai này con cháu tôi đọc được sẽ hiểu thêm tự hào thêm về cha ông một thuở hào hùng những năm tháng Trường Sơn khói lửa..." Xuân Thu thật tinh tế đặt tâm niệm ấy trong khung cảnh thiêng liêng càng khắc sâu ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc của mục đích cuốn sách "Đồng vọng". Với anh Việt còn đôi chút sức khỏe anh không ngần ngại bất kỳ việc gì nếu có thể làm được. Anh nhận làm quản trang cho làng xã ăn ở sinh hoạt tại căn lán ở nghĩa trang biến nơi âm phủ ấy như công viên thành nơi làm ra hoa trái đỗ lạc... bốn mùa dư thừa. Vượt qua những lời bàn tán xì xào cạnh khóe của một số người anh cưu mang mẹ con cái Ngân - ngơ tâm thần chửa hoang cô quả với tình thương của người cha người ông.
Anh giải thoát cứu Dụ (chủ nhiệm cửa hàng hợp tác xã mua bán người tình địch với mình trong vụ buôn gỗ lậu bị kiểm lâm bắt mà vẫn bí mật đến cùng không đòi sự trả ơn. Đặc biệt trong vụ cứu người bị đắm đò ở dòng sông quê hương Việt đã hy sinh để lại trong lòng dân làng sự cảm phục và lòng tiếc thương vô hạn... sơ lược đôi điều chính về hai con người thương binh ấy chắc hẳn không cần phải bình thêm về phẩm chất của họ! Qua những chi tiết nghệ thuật với giọng kể tả hấp dẫn xúc động Xuân Thu càng làm ta yêu quý những anh thương binh tàn mà không phế những con người sống nhân hậu nghĩa tình.
Dấu ấn buồn đau của chiến tranh để lại không chỉ có ở Quang và Việt. Nỗi đau truyền kiếp kẻ thù gây ra phải kể đến chất độc da cam chúng gieo rắc với hàng triệu người dân Việt. Tác giả chỉ điểm xuyết nhưng thái độ lên án kẻ thù thì sức nặng ngàn cân. Đó là trường hợp vợ chồng anh Dụy - Dụy-da-cam. Từ chiến trường về lấy nhau vợ chồng Dụy mong chờ hạnh phúc đến với mình từng ngày nào ngờ "rõ khổ vợ chồng nhà anh ấy đẻ rặt quáy thai. Đứa thì như cục thịt đứa thì thiếu mắt thiếu tai. Đứa nào đẻ ra cũng chỉ được vài năm thì chết...". Được một con bé trông khá hơn cả thì lại bị rồ bị dại nhưng mười lăm mười sáu tuổi nó lại bỏ vợ chồng Dụy ra đi trong sự xót xa của mọi người: "Đám tang đông lắm hầu như cả làng cả xã đều lặng lẽ hòa vào dòng người theo chiếc quan tài ra tận nghĩa địa mặc cho gió mùa đông bắc từ dưới sông hun hút thổi lên và cái rét buốt thì thấu đến tận xương tận tủy". Đặc biệt sự xuất hiện của đồng đội Quang Việt trong đám tang với nét tả xúc động: "Dân làng bên sông chứng kiến cảnh người thương binh dị dạng mặt nhằng nhịt sẹo da đen cháy loang lổ đẩy một chiếc xe lăn trên đó có một người thương binh khác nhỏ thó nằm bẹp dí. Họ đi theo sát cỗ đòn có linh cữu cô gái xấu số. Không ai khóc nhưng ánh mắt của họ lúc thì vằn đỏ lên giận dữ lúc lại thăm thẳm xa xôi". Lòng họ thầm thì nói với Duy như nói với chúng ta: "Thương lắm Duy ơi! Chiến tranh! Hậu quả chiến tranh là như thế đó! Không xúm lại chung tay giúp đỡ chia sẻ với nhau thì còn ra thể thống gì nữa. Phải không Dụy?".
Đúng chiến tranh là thế đó! Chiến tranh có hy sinh mất mát có đau thương bi kịch với những dấu ấn khó phai. Xuân Thu đã nhìn thẳng vào sự thật lên án kẻ thù cảm thông chia sẻ và nhắn nhủ những người đang sống cái đạo lý truyền thống nghĩa tình nhân hậu "thương người như thể thương thân".
Vượt lên sự né tránh thường thấy trong văn học viết về đề tài chiến tranh một thời tác phẩm của Xuân Thu không ngần ngại khơi dậy những ngõ ngách của chuyện riêng tư thầm kín trong chiến tranh với cái nhìn bao dung và tấm lòng nhân hậu. Đó là câu chuyện về hai đứa con trai Quân và Vinh của hai mối tình Việt và Loan Quang và An - dấu ấn kỷ niệm chiến tranh thầm kín trong lòng họ tưởng không thể nói ra. Quân chính là giọt máu của Việt gửi lại Loan trong đêm chia tay bên bờ sông quê hương trước lúc lên đường đánh Mỹ. Vinh thì ra đời trong tình huống "Cái đêm Trường Sơn năm ấy giữa bão đạn mưa bom anh đã kịp để lại cho em một giọt máu trong mình..." (Lời kể của An trong lễ ăn hỏi Hà tại nhà Quang khi hai người kỳ ngộ gặp nhau). Không như quan niệm thường thấy trong nhiều người dân xưa nay những dấu ấn chiến tranh ấy giờ đây đương nhiên lại trở thành niềm vui lớn may mắn lớn trước sự bao dung và tấm lòng nhân hậu của người thân và dân làng (đoạn viết về sự chấp nhận Quân của hai gia đình họ hàng trong đám tang Việt là đoạn văn hấp dẫn cảm động thể hiện tập trung nhất cái nhìn mới và tấm lòng nhân hậu - trang 268 - 269 cuốn một)...
"Chiều không tắt nắng" và "Hoàng hôn xanh" là cuốn tiểu thuyết chủ yếu viết về đề tài chiến tranh. Chiến tranh qua những kỷ niệm dấu ấn buồn vui với cái nhìn mới và tấm lòng nhân hậu thể hiện tính nhân văn nhân đạo truyền thống sâu sắc của dân tộc ta.
Từ nguyên mẫu ở một vùng quê trung du anh sống cùng với những kỷ niệm một thời quân ngũ Xuân Thu đã dựng một cốt truyện sáng tạo sinh động hấp dẫn phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống và tâm lý xã hội thời hậu chiến tranh với những nhân vật sống động ấn tượng nhất là hai nhân vật trung tâm Việt Quang.
Xuân Thu có cái "duyên" trong cách dẫn truyện hút bạn đọc qua nhiều đoạn tả cảnh tả tình mượt mà sinh động. Song ở cuốn một còn những đoạn tả hơi Sex. Nhất là cuộc làm tình của Dụ và Huê (trang 47 - 51) còn tính hoang dã tự nhiên chủ nghĩa. Phần viết về hợp tác xã nông nghiệp theo tôi còn một số điểm chưa đủ sức thuyết phục. Có phải chăng tâm lực của tác giả dành cho những câu chuyện về chiến tranh?...
Tuy nhiên như nhà văn nhà ký hiệu học người Italia ông Umbeto Eco chủ trương "nhường quyền tạo nghĩa tác phẩm cho độc giả" - từ quá trình đọc cảm thụ văn bản mỗi người đọc sẽ có được tác phẩm cụ thể của mình không phải ai cũng giống ai và càng không cần thiết giống với dự đồ ý nghĩa của chính tác giả.
Dẫu sao bài viết này cũng là một cách cảm thụ của tôi!.
Tháng 1 năm 2010
NGUYỄN ĐÌNH VỴ
 Theo http://xuanthu.vnweblogs.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...