Nằm ở thung lũng Mỹ Sơn thuộc xã Duy
Phú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Mỹ Sơn hiện còn di tích của một quần thể đền
tháp Ấn Độ giáo lớn nhất, đặc trưng của nghệ thuật Champa, có quá trình phát
triển liên tục từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII.
Người ta bảo: “Người Chăm cổ đã được
tôn là “bậc thầy của nghệ thuật xây gạch”. Kỹ thuật xây đền tháp cổ đến nay vẫn
còn nhiều bí ẩn. Họ không dùng đến các chất kết dính thông thường, những viên gạch
xây như chỉ được mài khít, chồng xếp nhưng liền khối vững chắc. Giá trị của các
di tích Mỹ Sơn còn được thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc, chạm nổi trên gạch,
trên đá với những hình ảnh sống động về các vị thần, tu sĩ, vũ nữ, hoa lá,
muông thú và các vật tế lễ…”
Tháng 12-1999. UNESCO đã đưa khu di
tích Mỹ Sơn vào danh mục Di sản văn hóa thế giới có giá trị điển hình, tiêu biểu
về giao lưu văn hóa, hội nhập những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài vào xã hội
Việt (đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ. Đồng thời phản ánh sinh động vai
trò của Vương quốc Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.
Từng đọc sách qua màn ảnh nhỏ, thấy
những tháp Chàm uy linh nổi trên nền núi đồi xanh thắm và trời xanh vô tận như
dấu hỏi lặng câm về Vương quốc Chămpa xưa; từng qua Bình Định, Bình Thuận, được
ông từ giao chìa khóa tự tay mở cửa tháp Chàm vào trong thế giới sâu thẳm tận đất,
cao xanh tận trời… mà tôi vẫn không sao hiểu nổi tháp Chàm. Nay về Mỹ Sơn, bước
chân vào khu rừng đền tháp Champa, tôi lại càng thấy Mỹ Sơn huyền bí, mênh mông
đến vô cùng.
Năm giờ sáng. Hội An thức dậy cùng
hương trầm và mùi vị thơm ngon của quà sáng: chè, cháo, phở, xôi, bánh, bún, miến…
Chúng tôi lên xe đi Mỹ Sơn. Xe vòng khắp các khách sạn Hội An đón khách. Phần lớn
là khách nước ngoài hay Việt kiều. Đi Mỹ Sơn vào giờ này sẽ được ngắm cảnh mặt
trời mọc trên sông Thu Bồn và ngắm bóng những tháp Chàm đổ dài trên nền cỏ
quanh khu đền tháp.
Tôi nhiều lần ngắm cảnh mặt trời mọc
trên biển. Không bao giờ quên cảnh tượng huy hoàng ấy. Chân trời, một quả cầu
tròn màu hồng rực rỡ huyền ảo từ từ nhô lên. Bầu trời rạng ánh hồng, xua màn
đêm tăm tối. Biển xanh lấp lánh dần lên. Sóng xanh nhuộm bảy sắc cầu vồng. Hình
như Thượng đế đang mỉm cười, trải tình yêu mênh mang gọi vạn vật thức dậy chào
ngày mới. Không khí ấm dần. Ánh sáng chan chứa khắp nơi. Bình minh vỗ về hồn ta
chơi vơi. Tôi như tan hòa trước ban mai ở biển. Nắng ở đâu? Gió ở đâu? Sóng ở
đâu? Mà giây phút này tất cả ùa tràn. Có cái gì êm dịu lấp đầy không gian tâm
trí tôi. Gió thì thào. Sóng rì rào. Nắng vàng rạo rực dâng tặng lòng tôi tình
yêu không bến bờ. Tôi lâng lâng mở trái tim mình đón nhận tình yêu. Chẳng thời
gian. Chẳng không gian. Chẳng ngăn cách biên cương, chủng tộc, giống nòi. Hồn
tôi nhẹ bẫng. Tôi đang bay cùng sóng gió đại dương về phương mặt trời mọc. Tự
do. Khoáng đạt. Đằm thắm. Nồng ấm. Ngọt lành. Bình an. Tôi nhớ những bông hồng
đỏ thắm của Hà Thành cắm trong lọ thủy tinh trong suốt, đang trầm tĩnh tỏa
hương. Những bông hồng được ướp tình yêu cao cả của những linh hồn cao cả… Trái
tim tôi ca hát, bài thánh ca dâng ngôi đền Tình yêu:
Ngôi sao tình yêu
Tình yêu ở đâu bỗng sáng bừng không gian
Dào dạt mênh mang chẳng bến bờ
Như một vì sao mơ bên trời lung linh
Như vầng trăng rơi miên man ánh vàng
Như rạng hồng tỏa nắng rung rinh
Như ngàn hoa dâng hương sắc nhiệm màu
Nâng mặt đất ngỡ ngàng thức dậy
Trái tim yêu thánh thiện ngọt ngào
Ngân nga cung đàn dịu dàng “Ngôi sao Tình yêu”
Hát lên giai điệu vĩnh hằng “Ngôi sao tình yêu”
Mặt trời bình minh trên sông Thu Bồn
Lần này đi Mỹ Sơn, tôi được ngắm cảnh
tượng huy hoàng. Mặt trời mọc trên dòng sông bạc, cánh đồng xanh. Dòng Thu Bồn
từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đổ về Quảng Nam qua Hội An ra biển.
Xe chúng tôi dừng lại trên cầu Câu
Lâu (Điện Bàn - Quảng Nam) bắc qua sông Thu Bồn như cầu vồng khổng lồ đậu xuống
một vùng sông nước cánh đồng, làng mạc trù phú, lúa ngô mượt mà.
Tôi nhìn về phương Đông. Mặt trời mọc.
Quả cầu hồng lơ lửng trên cao tỏa những tia nắng vàng nhuộm sáng lấp lánh dòng
sông êm ả chảy xuôi về Cửa Đại. Sóng nước nhấp nhô, bừng sáng bảy sắc cầu vồng.
Không gian chan hòa rung rinh nắng. Cánh đồng ngô lúa dậy lên khúc hát chào
bình minh. Chào một ngày mới an vui. Làn không khí đẫm hương đồng gió nội, ướp
hồn núi sông thì thào lời ru ca. Những con thuyền lá lướt trôi trên sắc nắng hồng
ban mai…
Hồn tôi bay lên cùng mặt trời hồng vẫy
gọi. Khoảnh khắc diệu kỳ. Kỳ diệu thay! Bước chân ta đi trên mặt đất. Mặt trời
nâng ta đi trong nắng mới ban mai. Thánh thiện. Bình an. Đóa hoa sen nở trong
Tâm. Tiếng ai thánh thót nguyện cầu an vui ngày mới:
Tỉnh dậy niệm mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Mặt trời hồng trên sông Thu Bồn nâng
xe chúng tôi lâng lâng chạy qua cánh đồng Duy Xuyên xanh lúa, xanh những lũy tre.
Tre xanh mọc thành hàng, lũy bao phủ xóm làng xanh, cánh đồng xanh. Tre Duy
Xuyên ôm giữ ngàn đời kinh đô Trà Kiệu, của người Chăm thế kỷ VI đến thế kỷ
XIII.
Rất tiếc, xe không dừng lại để chúng
tôi được có phút giây đặt chân lên thành quách của vua Chăm thuở trước. Tôi
nhìn lướt qua cửa sổ ô tô thấy một ngọn đồi, những bậc đá lô nhô lên đỉnh đồi tới
một nhà thờ, vài bóng cây đa tỏa nắng.
Bạn hướng dẫn du lịch kể về kinh đô
Trà Kiệu:
- Vào cuối thế kỷ II sau Công Nguyên, vì
không chịu được sự cai trị hà khắc và tàn bạo của quan lại Trung Hoa, nhân
dân huyện Tượng Lâm của nước Việt, đã nổi lên giết huyện lệnh, giành chủ quyền,
lập quốc gia độc lập. Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Khu Liên, được dân tôn
làm vua. Quốc gia của Khu Liên tập trung ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế ngày
nay, gần sáu thế kỷ đã được thư tịch cổ Trung Hoa gọi là nước Lâm Ấp.
Khu Liên làm vua mấy chục năm rồi nhường
ngôi cho cháu ngoại là Phạm Hùng trị vì đến cuối thế kỷ III. Con của Phạm Hùng
là Phạm Dật cướp ngôi, trị vì được mười hai năm (337-349) và nhường ngôi cho
con là Phạm Phật, làm vua được khoảng mười hai năm (349-361) thì Phạm Tu Đạt (
hay Phạm Hồ Đạt) lên thay vào cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V.
Dưới triều vua này, đất nước Champa
phát triển mạnh mẽ. Kinh đô được xây dựng tại Trà Kiệu hay Simhapura (nghĩa là
thành phố Sư Tử), cách Đà Nẵng khoảng bốn mươi cây số về phía Nam, với một quy mô to lớn nhiều thành quách, lâu đài, nhà ở, có hào sâu bao bọc. Bên cạnh kinh
đô Trà Kiệu, một thánh địa cũng được xây lên để phục vụ vương quyền, thờ thần.
Đó là Thánh địa Mỹ Sơn cách Trà Kiệu chừng ba mươi cây số về phía Tây…
Đường vào Đền Tháp Chàm linh thiêng
Những tia nắng mặt trời dẫn chúng
tôi đi sâu vào núi.
Núi ấp núi xanh thắm cây rừng. Đường
vào Mỹ Sơn quanh co uốn lượn vòng quanh núi. Một vài anh xe ôm đèo các bạn Tây
vượt lên.
Cuộc hành trình từ Hội An vào Mỹ Sơn
huyền bí làm cho các bạn Tây vô cùng thú vị. Nắng tinh khôi. Mỹ Sơn hiện ra giữa
một thung lũng đường kính chừng hai km, một con suối sâu chạy theo hướng Bắc cắt
ngang. Bình minh im lặng. Tiếng chim sẻ, chim sâu ríu rít gần, tiếng con chim
gáy “cúc… cù… cu” xa.
Chúng tôi đi bộ qua cầu Khe Thẻ vào khu đền tháp. Rừng thơm.
Thơm cây. Thơm lá. Thơm nước trong nguồn. Tiếng chim dạo nhạc. Trên cao, nắng
chan hòa. Trong cõi vô hình, vũ nữ Champa đang múa vũ điệu ngợi ca Thần linh.
Đứng trước khu đền tháp Mỹ Sơn tôi ngỡ
ngàng như lạc vào cổ tích. Mặt trời đằng Đông chiếu thẳng tới từng ngọn tháp đẫm
sương đêm. Bóng những tháp đen thẫm chàm đổ dài trên bãi cỏ như chạm khắc vào đất
dòng thời gian cổ tích. Không gian tĩnh mịch rơi thẳm vào thiên thu. Tiếng chim
rừng hòa ca. Rừng cây thức dậy đón nắng trời.
Tượng thần Shiva
Tượng thần Shiva khắc đậm trên đá
trong tháp và mặt ngoài vũ nữ Chàm nhảy múa tạc khắp nơi trên đá. Lần đầu tiên
tôi nhìn thấy nhiều bộ linga bằng đá đồ sộ. Những bộ linga bằng đá rất đẹp được
thờ trong các tháp Chàm giờ đây xếp ngổn ngang ngoài bãi cỏ, bởi có những tháp
bị hỏng, người ta phải đưa linga ra ngoài.
Bộ Linga tượng trưng cho thần Shiva.
Shiva là một thành phần của tam thần Ấn Độ giáo là Brahman, Vishnu và Shiva, tượng
trưng cho tiến trình tạo dựng vũ trụ vũ trụ, phương tiện sinh sống và hủy diệt.
Chính Shiva là thần hủy diệt. Tuy vậy Shiva cũng là một sức mạnh của sự tái tạo
và khả năng sinh sản.
Ấn Độ giáo thừa nhận những tiến trình
tự nhiên và sự tương quan của sinh, tử và tái sinh. Nguồn gốc thờ thần Shiva và
mối liên kết của nó với sự sinh sản, ít nhất có từ thời Vệ đà. Trong nghệ thuật
ngài thường được mô tả với đầu tóc thắt bím, biểu tượng chủ nghĩa khổ hạnh của
ngài, một dòng nước từ đầu ngài tuôn ra, chứng tỏ vai trò của ngài trong việc
làm cho những dòng sông Hằng thiêng liêng từ các cõi Trời hạ xuống thế gian dễ
dàng; một vòng hoa và những con rắn quấn chung quanh người; và cây đinh ba với
những vũ khí đầy ý nghĩa của ngài.
Học giả phương Tây C.scott Littleton
viết trong cuốn Trí tuệ phương Đông (NXB VHTT - 2003):
“Chiếc cổ của ngài biến thành màu xanh do bởi ngài uống
một chất độc đe dọa đến tương lai của thế gian. Hành động này biểu lộ về bản chất
lòng bi mẫn của ngài. Cá tính tình cảm đầy trái ngược của thần Shiva được biểu
thị những cực đoan về chủ nghĩa khổ hạnh và thần bí của ngài. Là một đạo sĩ khổ
hạnh, ngài thường được người ta mô tả đang ở trong một trạng thái nhập định sâu
thẳm hoặc là ở trên núi Kailasa, nơi ẩn cư của ngài trên cõi trời, hoặc ở trong
một nghĩa địa, ở nơi này ngài ngồi lõa thể, mình phủ đầy tro, những vòng hoa và
rắn quấn quanh người. Ở trạng thái nhập định sâu kín này có thể kéo dài hàng
ngàn năm, dẫn đến một sức mạnh trí tuệ tuyệt vời của thần Shiva, được tượng
trưng bằng con mắt thứ ba của ngài (tuệ nhãn). Năng lực mãnh liệt giống như lửa
được gom lại bởi những sự tu tập khổ hạnh của ngài, có thể phóng ra bằng cái chớp
mắt này, tạo nên sự hủy diệt hoặc sự giác ngộ. Tính cách khổ hạnh của Shiva cho
phép ngài kiểm soát cũng như điều khiển năng lực tình dục của ngài và sự quân
bình của nguyên tắc khổ hạnh này và năng lực sáng tạo được tượng trưng bằng những
chân dung của ngài đang tham thiền với dương vật căng cứng thẳng đứng; sự kiểm
soát phi thường của ngài trong lúc giao hợp có thể giúp ngài làm tình với người
vợ Parvati của mình trong hàng ngàn năm mà không bao giờ xuất tinh. Hình ảnh thần
Shiva được người ta tôn kính quen thuộc nhất là hình ảnh cái linga, một hình
dáng mang biểu tượng dương vật (sự sinh sản). Một cái linga trong một cái yoni,
tượng trưng cho âm vật và sự hợp nhất giữa nam nữ và toàn bộ sự sinh tồn...”
Tôi lạc vào Mỹ Sơn huyền bí thấy càng
mông lung. Tượng thần Shiva được chạm khắc khắp nơi trên các phiến đá, trong
đài thờ với những đề tài kể chuyện và ngợi ca ngài: cuộc chiến đấu giữa thần
Shiva và quỉ vương; thần Shiva biểu diễn vũ điệu Tandaoa… Đặc biệt có tượng thần
Shiva kích thước cao 1,4m đứng trên một cái bệ yoni đặt trên đài thờ hình
vuông.
Ông Trần Kỳ Phương đã mô tả bức tượng
đó khá chi tiết (Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm- NXB Đà Nẵng- 1988):
- Hai tay thần cong lại đưa ra phía
trước, tay phải cầm một xâu chuỗi hạt, tay trái cầm một cái bình cổ dài có nút
đậy. Đầu ngài đội một cái Giata, các múi tóc kết lại gọn gàng đẹp mắt, trên
chóp có trang điểm một vầng trăng lưỡi liềm, biểu tượng riêng của thần Shiva.
Trên trán có thêm con mắt thứ ba, con mắt dùng để xua tan bóng tối bằng ngọn lửa
thanh khiết, hàng lông mày rậm rạp nhưng thanh tú nối liền nhau trên đôi mắt xếch,
sắc sảo. Bộ râu mép nằm ngay ngắn trên đôi môi dày, điểm một nụ cười điềm đạm.
Nét mặt tươi tỉnh của thần toát ra một vẻ trong sáng đặc biệt đầy phẩm hạnh được
tạo bởi một bút pháp hoàn toàn tả thực. Đây là một pho tượng diễn tả Shiva đi
ăn xin, thần có đôi vai ngang, hợp với dáng hơi thô, trang trọng và khuôn mặt
hiền từ, gợi cho ta lòng kính tín.
- Cảnh chạm trên tấm lá nhĩ này diễn tả thần
Shiva múa điệu vũ trụ. Ở đây, thần không đứng trên lưng quỷ lùn, mà đứng trên
lưng con bò Nancin thân cận của ngài. Cùng nhảy múa với thần có vị thánh gầy gò
và hai nhạc công, một đang ngẩng đầu say sưa đánh trống Baranưng và một đang thổi
sáo dưới bóng cây, trên cây có treo cái ấm nước. Nữ thần Parvati ngồi mỉm cười
tươi tắn và duyên dáng trên một cái bệ. Thần Skanda trần truồng đứng bên phải
ngẩng đầu nhìn mẹ dưới một bóng râm, trên cây có một con chim mỏ quặp đang đậu.
Một nhân vật khác đứng cạnh Parvati đang chắp tay, rụt đầu, thành kính. Xa trên
những đám mây bên phải thần Shiva là thần Mặt Trời Surya xuất hiện với hai đóa
hoa sen cầm trên tay như đang bảo vệ, canh giữ công việc đầy thiên phúc của thần
Shiva đang giữ nhịp thăng bằng giữa cõi sống và cõi chết, đang đốt cháy mọi
hình tượng và tạo cho chúng sự yên nghỉ mới bằng điệu múa huyền nhiệm của mình.
Mỹ Sơn huyền bí
Mỹ Sơn huyền bí giữ trong lòng nó kho
bau vô giá về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm khắc đá, xây dựng gạch… của
Vương quốc Champa huy hoàng một thủa. Mỹ Sơn cuốn hút những nhà nghiên cứu thế
giới đến đây.
Kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz
Kwiatkowshi, trưởng đoàn chuyên gia Ba Lan- Việt Nam phục hồi di tích Chăm viết:
“Thời gian đã và đang từng bước đẩy lùi
vào quá khứ giới hạn của những hiểu biết về giá trị tinh thần ẩn giấu
trong các ngôi tháp đất nung và những pho tượng đá của Văn hóa Chăm đã một thời
vang bóng. Những bí mật còn ẩn giấu ấy là những chứng cứ của một nền văn hóa rực
rỡ kéo dài nhiều thế kỷ từ đầu Công Nguyên cho đến thời Trung cổ ở một vùng
mang đậm ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ trong miền Đông Nam Á. Không thể tìm hiểu về
văn hóa Chăm mà không có những hiểu biết cụ thể về những yếu tố đặc trưng của nền
văn hóa và những mối quan hệ của nó”.
Nhiều cuốn sách về Mỹ Sơn huyền bí được công bố. Nhưng chúng
ta vẫn như đang bơi trên cái không gian
huyền bí ấy. Điều đó thật thú vị. Tôi cũng như bao người, biết
rất lơ mơ về Mỹ Sơn huyền bí, đành theo cuộc hành trình khai mở của nhà nghiên
cứu Trần Kỳ Phương để sơ khai phác thảo bức tranh nghệ thuật Chăm trong đền
tháp Mỹ Sơn.
Bảy thế kỷ nghệ thuật Chăm trong đền tháp Mỹ Sơn
- Quan niệm kiến trúc thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm chịu
ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ, gồm một ngôi đền chính, tiếng Chăm gọi là Kalan, được
bao quanh bởi những ngôi tháp nhỏ hoặc những kiến trúc phụ. Ngôi đền chính tượng
trưng cho ngọn núi Meru- trung tâm vũ trụ, nơi hội tụ của Thần linh. Đó là nơi
để cầu đáo Thần linh. Người cử hành lễ cầu đáo là tầng lớp tu sĩ Bà- la- môn và
quí tộc Chăm.
Tháp Chàm không rộng, bên trong chỉ
thờ một bộ linga tượng trưng cho thần Shiva, chiếm gần hết diện tích tháp. Những
ngôi tháp nhỏ hay miếu thờ phụ, thờ những vị thần phụ trông nom các hướng trời,
nó hẹp chỉ đứng lễ cúng ở phía ngoài, nếu thờ một bộ linga trong đó thì có một
lối hẹp đi vòng bàn thờ như ngôi đền chính.
Tháp Chăm xây bằng gạch, ghép với những
mảng trang trí bằng sa thạch. Những ngôi tháp gạch không có mạch hồ đã đứng vững
hàng nghìn năm phơi sương gió, mưa nắng, cát bụi. Sau khi tường tháp được xây
lên, những nhà điêu khắc mới bắt đầu chạm trổ hoa lá, hình người, động vật lên
tháp. Chạm khắc trên gạch là tài năng độc đáo của người Chăm.
Tháp thường có ba tầng, càng lên cao
càng thu hẹp, mỗi tầng mô phỏng lại vòm cuốn của cửa chính và cửa giả. Ở góc mỗi
tầng tháp đều có hình tháp thu nhỏ và có rất nhiều vật trang trí phụ bằng sa thạch
thể hiện hình tiên nữ Apsara, chim thần Garuda, nỏ thần Nadin… và những hình chạm
trổ hoa lá rất xinh. Trên chóp tháp là một khối đá đặt ngay giữa đỉnh, có thời
đỉnh những ngôi đền lớn được bọc bằng vàng lá. Sự tiến hóa của các phong cách
kiến trúc Chăm chủ yếu là sự thay đổi những phần trang trí, những môtip hoa
văn.
Ngôn ngữ tạo hình Chăm vừa chân chất
lại vừa phóng khoáng. Bức tranh liên hoàn minh họa những cảnh sinh hoạt của
các đạo sĩ Ấn Độ náu mình trong rừng sâu tu luyện. Bằng nghệ thuật hiện thực
khá mạnh mẽ diễn tả được sức sống mãnh liệt tiềm tàng của cuộc sống con người
được hòa vào sức mạnh thiên nhiên. Bức chạm cảnh múa khăn sinh động có ba người
trong tư thế uốn mình hai chân xoãi gần sát đất, hai tay dang rộng, nâng một dải
lụa dài với nét mặt say sưa thành kính ngẩng nhìn lên. Hai bên hông vũ công
chính là hai vũ công khác, chân trái của họ khép lại, chân phải choãi bật ra,
hai tay cong lên nâng dải lụa, gương mặt đầy say sưa hoan lạc.
Tất cả như lắng sâu trong tiết điệu đem hết lòng thành dâng
cúng thần linh. Bằng những khối hình tinh tế và tao nhã, nghệ nhân chạm khắc diễn
tả một tu sĩ nằm tĩnh tâm lần chuỗi hạt, tụng niệm dưới bóng cây. Trong không
khí im mát, trong trẻo của rừng sâu, đôi mắt thầy lim dim xa vắng, vẻ mặt đầy
an lạc, chừng như đã nhập bản ngã của mình vào đại ngã thánh linh. Cảnh sinh hoạt
âm nhạc dâng cúng thần linh, một đạo sĩ thổi sáo, vẻ mặt trang trọng thành kính
như đang tập trung tất cả tinh thần vào điệu nhạc. Cảnh tu sĩ ngồi thiền trầm mặc
giữa núi rừng tĩnh lặng thẳm sâu. Cảnh đạo sĩ đang luyện linh đan, ngồi trong
tư thế của phép Yoga…
Nghệ thuật điêu khắc được ông Phương
mô tả những pho tượng thần Shiva dưới bóng dáng con người trần tục. Shiva được
thế tục hóa, toát ra một sức mạnh dồi dào. Vẻ đẹp ấy được diễn tả từ cái nhìn
thẩm mỹ mang tính dân tộc, thể hiện ra trên những đặc điểm nhân chủng bản địa.
Ông Phương nhận xét:
- Những kiến trúc ở Mỹ Sơn tuy chẳng có
cái nào còn nguyên vẹn, nhưng chúng là hiện thân của quá trình tiến hóa của
nghệ thuật Chăm trong những thời kỳ sinh động nhất. Bảy thế kỷ nghệ thuật tại
đây đã đem lại cho nghệ thuật Chăm những kiệt tác có thể sánh với những tác phẩm
đẹp nhất của nghệ thuật thế giới. Trong bảy thế kỷ ấy, nghệ sĩ Chăm đã đem hết
tinh lực và tài năng của mình trút vào những khối đá, những mảnh gạch vô tri để
tạo nên những tác phẩm tràn đầy sức sống, trường tồn với thời gian, tâm hồn họ
đã được ghi lại trên từng khối hình sinh động, mà ngay những tác phẩm còn dở
dang vẫn mang lại cho người đời sau những rung động, cảm xúc dạt dào. Vào những
chiều nắng đọng lung linh trên lưng tháp, với màu gạch đỏ nồng nàn và màu rêu
xanh năm tháng, Mỹ Sơn gợi cho chúng ta nhiều nhớ nhung xao xuyến…
Thung lũng xanh Mỹ Sơn Thần thánh
Đi trong thung lũng xanh gặp Mỹ Sơn huyền bí, tôi chẳng
biết mình đang lạc vào vùng huyền thoại của thời nảo thời nào. Thánh thần dạo
nhạc hòa cùng tiếng chim ca, tiếng lá rừng rơi nhẹ, tiếng cỏ cây hoa lá cựa
mình dưới nắng ban mai. Thần thánh hiện về trong trái tim tôi. Không gian bừng
lên sức mạnh tinh khiết, bình an, thánh thiện, xóa đi những ô trược, bụi trần.
Thần thánh đã yêu ta. Và tâm hồn trí
tuệ của ta trở nên hướng thượng, thông thái, cho ta sự bình yên, sức mạnh nội
tâm. Ta mở “con mắt thứ ba” như mở cửa sổ nhìn sang một thế giới khác. Ta có thể
phóng tầm suy nghĩ của mình vượt lên cao, bay xa, thoát ra khỏi thế giới vật chất,
tiến vào vương quốc bình an, ngôi nhà bình an, nơi thánh thần đang ngự trị. Ta
cất tiếng hát thánh ca “Ngôi sao tình yêu”.
Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn
Tháng 7- 2007
Mai Thục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét