Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Bữa trưa

Bữa trưa
Cuối đông, ai ai cũng bận bịu. Năm cũ chưa qua, năm mới đã lại tới. Nào kế hoạch của năm mới, nào công tác tổ chức…Cứ là rối cả lên. Năm nay công ty mình cổ phần hóa. Một nhà máy có bề dày kinh nghiệm đã mấy chục năm nay cổ phần hóa mọi cái cứ gọi là tít mù nó lại vòng quanh. Nào sắp xếp lại tổ chức, nào ra qui chế mới. Úi giời, lãnh đạo cứ gọi là mệt bở hơi tai. Trước đây chỉ có ông giám đốc là to nhất, nay mọc ra cái chân Chủ tịch hội đồng quản trị. Mà ông ta ở tận tận đâu, động cái là điều hành, là chỉ đạo. Trước nay làm việc bao cấp mãi nó quen đi rồi. Công ty có mấy công nhân đâu mà nguyên dân phòng ban đã chiếm đứt mất mấy phần. Hội nhập được ắt phải đổi mới. Mà đổi mới ở đây là đổi mới thực sự chứ đâu chỉ là lý thuyết suông. Mấy ông trưởng phó phòng cứ gọi là ối cả lên. Sợ đến nỗi tè cả ra quần ấy chứ. Ông nào cũng lo lót để giữ ghế. Ôi thôi, ông giám đốc điều hành mới lên lúc nào cũng mỉm cười, thân mật, ngọt ngào hết cỡ nhưng nhất quyết không chịu lấy quà của ai cả. Lần một, lần hai, lần ba…lúc bấy giờ người ta mới ngã ngửa ra là công ty đang đổi mới thực sự. Lúc đầu mấy ông trưởng phó phòng cứ lắc đầu quầy quậy:
- Chúng em biết giảm ai bây giờ chứ? “Rút dây động rừng” lắm xếp ơi…
Đùng một cái hội đồng quản trị họp và ban hành qui chế nội bộ khoán quĩ lương về phòng. Thế là tất cả nhảy nhỡn cả lên. Thế thì đành phải giảm, nếu không lấy đâu tiền mà nuôi nhau. Thế là răm rắp thực thi quyết định giảm biên chế.
Bỗng nhiên mình nảy ra cái định chuyển công tác. Cũng chả biết nữa, đang ổn định công việc vậy mà bỗng chốc nảy nòi ra cái ý định dở người  không đâu. Cũng có thể do số phận mình đến lúc bắt buộc phải rẽ ngang, rẽ dọc.
Mình làm đơn chuyển công tác. Anh chánh văn phòng chả suy suyển nét mặt.
- Anh sẽ hết sức tạo điều kiện nhưng việc này thực sự là  anh không quyết định được. Em là người có năng lực, việc này phải trình xin ý kiến chỉ đạo của chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc điều hành.
Hóa ra xin chuyển cũng không phải dễ. Cổ phần là giảm biên chế, nhưng lại rất cần những người có năng lực. Mình cũng thấy được động viên đôi chút. Dù sao thì như  thế cũng là khẳng định mình là người được việc. Trong bối cảnh giảm biên chế mà lãnh đạo cơ quan muốn giữ lại là điều may mắn không phải ai cũng có được. Cho dù nó chả đem lại cơm áo gạo tiền nhưng cũng là thêm vào cái phần sĩ diện, cái tôi cá nhân trong mỗi con người.
Thế là chuyển công tác. Mình chuyển về làm ở một cơ quan hành chính sự nghiệp. Mình vốn sinh ra ở công nghiệp, con người ta được đào tạo, rèn luyện nên tác phong công nghiệp nó ngấm vào máu thịt, làm việc gì ra việc nấy. Ngày đầu tiên đi làm, chào hỏi, ra mắt xong được phân công làm tổng hợp, dưới sự  dìu dắt,  trực tiếp chỉ  đạo của chị phó trưởng phòng phụ trách. Phòng chỉ có hai chị em. Chị phó trưởng phòng phụ trách là một người tốt bụng và sởi lởi. Chị coi mình như em út, lo cho từng li từng tí. Thấy cuộc sống tràn ngập màu hồng.
Những ngày đầu tiên của tuần làm việc mới trôi qua không quá nhanh so với tưởng tượng lúc đầu. Công việc nhàn nhã hóa ra lại tẻ nhạt. Thời gian trôi đi từng khắc, chậm chạp, nhích từng chút, từng chút làm mình thấy như muốn phát phiền. Quen với cuộc sống công nghiệp, mình chả để ý gì đến những chuyện vặt vãnh xung quanh. Ấy thế nên người ta bắt đầu ì sèo. Mình cũng chả có gì để người ta phê phán. Nhưng “nhàn cư vi bất thiện”, mấy bà mấy cô trong cơ quan bắt đầu sỉa sói:
- Nó ăn mặc chả giống ai cả. Ai đời mặc váy trắng bóc, áo lại đen nữa chứ?
- Trông cái tướng nó tiểu thư, con nhà giàu thế thì có mà chả chơi được đâu. Cái bọn con nhà giàu nó ẽo ợt lắm.
Mình hơi buồn. Ăn mặc lịch sự cũng là điều để người ta chê trách ư? Tư duy hành chính chả giống với doanh nghiệp tý nào. Buồn. Mình chả để ý đến những chuyện bao đồng. Kệ. Những lời ì sèo vẫn đuổi theo sau lưng. Ngày một, ngày hai…mình vẫn cố nín nhịn. Ấy vậy mà họ vẫn chả buông tha. Họ thêu dệt đủ thứ chuyện. Những chuyện trên trời, dưới đất mà chỉ có ma tây mới nghĩ ra. Cuộc họp phòng lần nào bà phó phòng cũng nhai đi nhai lại đúng một câu:
- Đồng chí Thảo làm việc rất tốt, tinh thần trách nhiệm cao…duy chỉ có một điều không gần gũi với chị em.
Mình chả nói gì, chỉ im lặng. Những cuộc họp rồi cũng qua, những lời ì sèo rồi cũng hết. Một ngày, hai ngày…cả  đám đàn bà con gái trong cơ quan bỗng chốc ăn mặc đúng một mốt: quần trắng bốp, áo đen cả loạt. Mình nhìn mà kinh hãi. Cả cơ quan cứ gọi là trắng toát, đen kịt như nhà có đám. Thế mới biết cái gì thái quá cũng trở nên lố bịch.
Ông giám đốc có quyết định chuyển cơ quan, cả đơn vị nháo nhào. Người ta thi nhau bổ ngửa đi nịnh đầm bà vợ ông phó giám đốc là người sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc trong nay mai. Người ta làm gì thì làm nhưng trước khi thuyên chuyển ông giám đốc cũng cố gắng làm các thủ tục để bổ nhiệm một số vị trí cán bộ chủ chốt. Thế là bỏ phiếu tín nhiệm. Phòng mình cũng nằm trong số đó. Trong suy nghĩ của mình, chả chị phó phòng phụ trách lên trưởng thì còn ai nữa? Vậy mà mấy bà mấy cô trong phòng cũng thì thào, bàn tán ra trò quan trọng quá. Mình nhìn mà thấy buồn cho cuộc đời. tại sao lại cứ nhất nhất phải náo loạn, vắt chân lên cổ vì một chiếc ghế trưởng phòng còm chứ? Bà phó phòng thì cứ gọi là chạy tớn cả lên. Lúc nào bà ta cũng ra cái vẻ quan trọng. Vẻ mặt sống trông càng lúc càng gồ lên trông phát ớn. Chị phó phòng phụ trách thì cứ nhẩn nha, ung dung như không có chuyện gì. Mặc dù phòng chỉ có hai chị em nhưng chưa một lần chị làm động thái ‘mua phòng tổ chức cán bộ chủ trì cuộc họp phòng và tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cái chân trưởng phòng. Chị phó phòng phụ trách tất nhiên không được có mặt, vì lần này bỏ phiếu tín nhiệm có một nhân sự là chị. Cả phòng có mặt đông đủ tại phòng họp. Trông nét mặt ai cũng bình thản chỉ trừ có bà phó phòng là cứ đăm đăm. Điện thoại trong túi mình rung lên. Lại là tin nhắn của bà phó phòng. “Em ra hành lang chị nhờ chút việc.”. Sau khi liếc mắt nhìn ý nhị mình nhắn tin trả lời “Sau khi họp phòng xong chị nha”. Chiếc điện thoại trong túi mình lại rung lên bần bật “Không. Việc quan trọng, chị đợi nhé”.
Chị ta đứng phắt lên bước những sải rõ dài ra hành lang. Mình đành miễn cưỡng đi theo sau. Cái đầu mình chưa ló ra khỏi cửa phòng họp đã bị chị ta túm lấy, ấn vào góc tường dưới gầm cầu thang:
- Tý nữa em phải gạch tên nó đi nhé. Dứt khoát đấy.
Mình ớ ra.
- Là bỏ phiếu kín mà chị.
- Thì là bỏ phiếu kín chứ sao? Nhưng cũng phải để cho nó biết nó là ai.
Chị ta còn nói những gỉ những gì nữa, mình chả nghe hết. Những câu nói đầy ẩn ý, cứ rin rít qua lỗ tai làm mình nổi da gà. Đoàn cán bộ phòng tổ chức đi vào. May quá. Mình thở phào nhẹ nhõm, dứt ra khỏi chị ta lao như chạy trốn vào phòng họp.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ như bao cuộc bỏ phiếu kín cấp nhỏ khác. Kết quả thì chắc ai cũng đoán được nhưng nét mặt chị phó phòng thì vẫn ra chiều quan trọng lắm.
Ít ngày sau, một loạt quyết định bổ nhiệm được công bố. Người thì khen kẻ thì dửng dưng, người thì dè bỉu. Thì cuộc đời là vậy. Chị phòng phó phụ trách mời bữa cơm mừng chức mới. Trước bữa ăn bà phó phòng cứ là nhảy loạn cả lên. Cái mặt sống trâu cứ là gồ lên như chuột phải khói. Bà ta ghé vào tai mình mà rít qua kẽ răng:
- Tại em đấy. Tại sao chị đã bảo như vậy mà em vãn bỏ phiếu cho nó?
- Là bỏ phiếu kín, tại sao chị lại biết em bỏ cho ai
- Thì phòng có 10 người, có một phiếu không bỏ cho nó thì mày chả bỏ cho nó còn gì. Phiếu gạch nó là của tao rồi còn gì?
Trời đất. Tai mình ù đi. Nhắm mắt lại vẫn tưởng tượng ra cái khuôn mặt sống trâu gồ ghề, đen tái và giọng nói rin rít của bà phó phòng. Từ ngày đó bà ta trầm hẳn nhưng cứ cuộc họp là bà ta ỉ ôi, bóng gió về “cái bộ phận tổng hợp”. Chả có gì để chọc ngoáy, bà ta chỉ trích đủ thứ: nào là nhàn rỗi quá. Nào là tại sao không hỗ trợ mấy bà mấy chị quét rác…Trời đất, lại còn thế nữa. Mình nghe mà phát chán. Ai đời chuyên viên, trưởng phòng tổng hợp lại đi hỗ trợ làm vệ sinh. Chả biết bà ta đã học qua lớp quản lý chưa mà ăn nói hồ đồ như vậy. Mỗi lần như vậy cả phòng ai cũng tủm tỉm cười. Duy chỉ có bà ta là cứ rúm ró, rụm rọ đay đi đay lại mấy cái câu bóng gió như của mấy bà bán hàng tôm hàng tép.    
Cuộc sống cứ thế trôi đi trong tẻ nhạt. Mình cũng dần quen với những gì nhàn nhạt ở cơ quan mới. Có lẽ lâu dần mình cũng thành họ cũng nên. Cũng chả biết nữa. Thì người ta vẫn bảo “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là gì.
Trưa nay cô bạn vẫn thường ăn trưa cùng nghỉ ốm. Một mình ra quán gội đầu. Cô bé ở nhà hàng chỉ bằng tuổi con mình nhưng đã phải lăn lộn để kiếm sống. Có lẽ mình lạc hậu quá chăng? Ra quán gội đầu vài ba lần nhưng đây là lần đầu tiên  mình thử nghiệm matxa mặt. Lạc hậu quá chăng? Mình rất sợ để người khác vày vò cái mặt của bản thân, trừ phi...
Cô bé làm rất thành thạo, mình bỗng chốc buồn ngủ. Giá giờ có được một giấc ngủ trưa theo đúng nghĩa? Các công đoạn của cái công việc gọi là gội đầu rồi cũng kết thúc.Đưa cô bé chủ quán 20.000 đồng, cô bé trả lại 5.000 đồng. Ngạc nhiên, hóa ra gội đầu không thôi 15.000 đồng, cộng thêm cả công đoạn matxa mặt cũng chỉ có từng ấy? Ra khỏi quán mình vừa đi vừa ngẫm 'Hóa ra mình thật lạc hậu. Cả ngày ở công sở, cuối tuần lu bù với chuyện nhà, chuyện gia đình, chả biết xã hội méo tròn thế nào nữa...
Cái đầu mới gội, khuôn mặt ram ráp vì mới bị vặn ngược vặn xuôi, mình chợt nghĩ đến "cái sân kho hợp tác". Quyết định tạt vào quán ăn nhanh bên đường. Quán ăn này đã mở hàng được mấy tháng nay rồi đấy, nhưng đây là lần đầu tiên mình "bạo gan" thế này. Lần đầu tiên vào mua đồ ăn một mình.
Ăn nhanh là một khái niệm khá mơ hồ vời dân quê vùng này. Mặc dù mở hàng ngay ở cổng một trường đại học nhưng chủ quán cũng phải là người mạnh dạn lắm mới dám đột phá thế. Cửa hàng tuy nhỏ nhưng cũng sạch sẽ. Trong mấy chiếc tủ kính nhỏ có bày bán đủ loại bánh mỳ. Bất chợt nhìn thấy mấy chiếc bánh hămbơgơ  mình đề nghị mua một chiếc.
Cô bé chủ quán mới chỉ hơn chục tuổi đầu, mặc dù không xấu cũng chả xinh nhưng cứ quàu quạu làm sao vậy, trả lời nhát gừng:
- Quán chỉ có mỗi loại hămmbơgơ nhân thịt thôi cô ạ.
Mình gật đầu và trả tiền. Đưa tờ 100.000 đồng. Cô bé bảo:
- Cô có tiền lẻ không?
Hóa ra giá tiền chỉ có 10.000 đồng/chiếc.
Trời mưa, vừa tung tẩy xách chiếc bánh mình vừa mường tượng vào giờ này cách nửa vòng trái đất người ta cũng đang nhâm nhi một chiếc bánh hămbơgơ và...Mình chả dám nghĩ tiếp. Ăn trưa xong uống chút nước chè pha lại, điện thoại cho người ta. Chả thể nào liên lạc được. Lục trong trí nhớ, chả biết đã bao lâu rồi nhỉ, chưa trả lời Email của người ta? Có lẽ cũng khá lâu rồi. Cuộc sống ở môi trường mới tẻ nhạt khiến cho mình cũng bỗng dưng trở nên nhàn nhạt, chả ra làm sao. Đến chuyện tình cảm cũng vậy, cũng cứ nửa nạc nửa mỡ. Thế mới biết môi trường sống đối với mỗi người quan trọng đến thế nào. Mà cũng chả biết mình giận người ta từ bao giờ? Nói giận thì cũng không phải. Có cãi vã nhau đâu mà nói là giận. Với lại mình và người ta cũng chỉ là trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với nhau những lúc vui, những khi buồn. Mà như thế thì đâu gọi là yêu chứ? Mới chỉ là những mối quan hệ trên mức thân mật một chút, mới chỉ là…Cũng không biết nữa, từ ngày về cơ quan mới mình càng ngày càng trở nên tồi tệ. Vô cảm, lạnh lùng, nhìn đàn ông cứ như là lũ nửa người nửa ngợm vậy. Buồn vậy. Họ cứ như một lũ người dị dạng, đàn ông chả ra đàn ông, đàn bà chả ra đàn bà, phát chán.
Lại sắp đến ngày mùng 8 tháng 3. Ngày trước ở cơ quan cũ những ngày này bọn con gái chúng mình lên ngôi, suốt cả tuần mặt đứa nào đứa nấy cứ như hoa nở, tươi hơn hớn. Các đấng nam nhi được cơ hội thể hiện mình hết cỡ. Những bông hoa, những món quà nho nhỏ, những lời chúc mừng có cánh. Ôi trời, bọn mình đứa nào đứa nấy thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Từ ngày lên cơ quan mới mình cứ ngớ ra, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đàn ông ở đây như lũ mặc quần phíp. Cả năm cả đời có mỗi một ngày 8/3 vậy mà họ như lũ chuột hun khói. Cứ lấm lét chỉ sợ phải chúc tụng, chỉ sợ phải tặng quà. Trời đất, cuộc sống như vậy có còn gọi là cuộc sống nữa hay không? Buồn. Thất vọng. Không nhẽ khăn gói trở về cơ quan cũ. Ở đó còn có những ngày sống cho ra sống, chứ đằng này…
Hôm nay là mùng 7 tháng 3, cơ quan chi cho mỗi chị em 100.000 đồng, tiền liên hoan không có, hoa tặng cũng không. Như thế là tốt lắm rồi, mọi năm còn chỉ có 20.000 đồng là cùng thôi. Ai cũng tươi hơn hớn, mừng rỡ ra mặt. Mình nhìn mọi người và thấy buồn. Giá trị của một người phụ nữ, của một nửa thế giới chỉ có từng ấy thôi sao? Dân phòng ban hò nhau quyên góp để mời chị em ăn mừng ngày Quốc tế phụ nữ. Cả khối hành chính cũng chỉ có đến chục phụ nữ, ấy vậy mà cuộc vận động cứ là náo nhiệt cả lên. Bọn đàn ông người đóng người không. Thế là phải huy động đến cả hội phụ nữ. Là ngày của mình lại tự đóng tiền để liên hoan cho mình? Buồn tình. Mình quyết định đóng tiền nhưng chí định là sẽ không ăn. Nghe nó mới chua chát làm sao. Có 50.000 đồng nhưng không phải ai cũng có điều kiện để đóng. Cũng có người không thiếu tiền nhưng lại tiếc, lại cân nhắc được gì, mất gì…thế nên cuộc vận động cũng chả được mấy ai hưởng ứng.
Chiều 7/3, lãnh đạo gặp mặt nữ công nhân viên chức ở hội trường. Bài chúc thì có sẵn, cứ thế là đọc. Những lời chúc sáo mòn cùng năm tháng nghe cứ chờn chợn thế nào, cứ như phải ăn món sắn khô thời bao cấp. Sáng ngày 8/3, chị em phụ nữ ăn mặc chải truốt hơn thường ngày. Mấy đấng nam nhi thì cứ tỉnh khô, chả một lời chúc tụng. Trưa cả bọn hò hét nhau ra nhà ăn tập thể để chúc mừng. Mình cùng cô bạn rủ nhau ra quán cơm bụi thường ngày vẫn ăn. Chị chủ quán tươi cười mua lòng khách như mọi ngày. Anh chủ quán trịnh trọng đặt trước mặt hai đứa một bát loa cơm cháy. Anh đi mấy bước rồi quay quả trở lại nói bằng cái giọng ngài ngại:
 - Chúc hai cô ngon miệng. Hôm nay là mùng 8/3 mà, nhà hàng chả có hoa, chỉ có lời chúc.
Anh ta gãi đầu gãi tai, lủi vội ra sau hè.
Mình và cô bạn cảm ơn. Câu nói cảm ơn lạc lõng giữa không gian ầm ào của một quán cơm bụi. Mấy người khách vốn là lái xe ôm nhìn anh chủ quán bằng những đôi mắt tròn xoe. Mình thấy lòng ấm lại. Hóa ra cuộc đời vẫn còn những điều tốt đẹp. Hóa ra tình người vẫn còn nồng đượm lắm. Đang ăn điện thoại trong túi của mình rung lên. Hóa ra chị bạn làm cùng phòng.
- A lô. Em đang ở đâu vậy? Bận à. Chị đòi lại tiền ăn của em mà không được. Mấy đứa chúng nó bảo “Đóng rồi không được rút ra. Chị đòi phần hoa của em cũng không được. Hoa của em chúng nó cũng không trả. Tức thế chứ…”.
Miếng ăn nghèn nghẹn ngang cổ. Mất hứng, mình chả ăn được nữa. Cô bạn cười ha ha:
- Chị mà còn vậy không sống nổi ở cơ quan này đâu. Phải biết làm ngơ, họ vốn dĩ đã như vậy rồi. Tại sao chị lại còn nộp tiền chứ? 50.000 đồng không to nhưng với chúng nó thì phải thế.
Mình chả còn nghe thấy cô bạn nói gì. Sau bữa trưa hai đứa cùng nhau ngồi trong một quán sinh tố. Cô bạn uống café nâu, mình thì sinh tố chanh leo. Hai đứa ngồi im lặng, mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ. Mình cũng chẳng biết đang vui hay buồn nữa. Mọi cái cứ nhàn nhạt trôi đi. Điện thoại của mình rung lên liên tục. Mấy anh ở cơ quan cũ nhắn tin, điện thoại chúc mừng loạn cả lên. Mọi người vẫn chu đáo và tình cảm như vậy. Một số điện thoại lạ hoắc, toàn số 2. Hóa ra là người ta. Người ta điện thoại chúc mừng. Anh vẫn chu đáo như những ngày chúng mình ở bên nhau. Giọng anh ấm áp, chan chứa tình cảm làm mình thấy buồn hơn. Anh và mình cũng chỉ là những người bạn, không hơn không kém nhưng ở bên anh mình thấy ấm lòng. Thế rồi một ngày kia anh xuất ngoại. Anh ở cách mình những nửa vòng trái đất. Những niềm vui, nỗi buồn của mình chẳng còn biết chia sẻ cùng ai. Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi đi, như dòng sông không ngừng chảy trôi và mình ngày một già thêm. Những lúc vui hay buồn mình vẫn Mail cho anh. Những dòng tâm sự ngày một dài thêm, nếu gom lại có thể thành một cuốn tiểu thuyết nữa không chừng. Cuộc điện thoại rồi cũng kết thúc, mình liên hồi chào tạm biệt anh. Mình lo anh vì mình mà tốn tiền. Vậy mà khi điện thoại chỉ còn tiếng tút tút mình vẫn thấy hụt hẫng. Mình cũng chả biết mình muốn gì, cần gì nữa. Hết giờ trưa, hai đứa rủ nhau về cơ quan. Một buổi chiều ngột ngạt, ai cũng cố làm ra vẻ ta đây, ai cũng làm ra vẻ ga lăng bằng những câu nói xã giao nhàn nhạt, những nụ cười nhàn nhạt.
Chiều về mình cố tình bỏ lại bó hoa nhỏ mà mấy anh em trong phòng tặng lúc sáng, lên xe ô tô của một nhóm bạn dự tiệc mừng 8/3 ở cơ quan cũ. Như thế cũng là không phải nhưng không biết phải giải thích thế nào với bạn bè, người thân ở cơ quan cũ khi đem theo một bó hoa bé xíu trong ngày mùng 8/3. Xe chuyển bánh mình chợt nhớ đến người ta. Giờ này bên đó anh đang ngon giấc ngủ, có mơ thấy mình không? Hay là đang mơ tặng hoa cho ai đó trong ngày 8/3…
Lâm Thao, 25/1/2010
Dương Phan Châu Hà
Theo http://www.voque.org/ 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...