Thầy đã nói tại trại thiền Nargol rằng nghĩa của shaktipat - việc truyền năng lượng thiêng liêng - là ở chỗ năng lượng của điều thiêng liêng giáng xuống thiền nhân. Sau đó Thầy lại nói rằng có khác biệt giữa shaktipat và ân huệ. Hai phát biểu này dường như mâu thuẫn nhau. Xin thầy giải thích.
Có hơi khác biệt giữa hai điều này và cũng có chút ít tương tự giữa hai điều này nữa. Thực tại trường của điều này lấn sang điều kia. Shaktipat là năng lượng của điều thiêng liêng. Thực tế, không có năng lượng nào khác ngoại trừ năng lượng của điều thiêng liêng. Tuy nhiên, trong shaktipat, con người vận hành như một trung gian. Mặc dầu chung cuộc, người này cũng là một phần của điều thiêng liêng, nhưng trong giai đoạn đầu, cá nhân vận hành như một trung gian.
Cũng hệt như sét loé ngang bầu trời và ánh sáng điện làm sáng nhà: chúng là như nhau nhưng ánh sáng chiếu trong nhà được đem tới qua trung gian và bàn tay con người hiển nhiên có đằng sau nó.
Sét loé lên trong cơn mưa cũng là cùng năng lượng của điều thiêng liêng nhưng nó không do con người mang tới. Nếu con người trở nên tuyệt chủng, sét vẫn cứ tiếp tục loé sáng ngang bầu trời, nhưng bóng đèn điện sẽ không làm việc nữa. Shaktipat giống như bóng đèn điện trong đó con người là trung gian; ân huệ là sét trên bầu trời xảy ra không cần sự trợ giúp của trung gian.
Người đạt tới mức độ năng lượng này, người có tiếp xúc với điều thiêng liêng, có thể vận hành như trung gian vì người đó là phương tiện tốt hơn bạn cho điều này xảy ra. Người đó quen với năng lượng này và cách làm việc của nó. Năng lượng này có thể đi vào bạn nhanh chóng hơn khi qua người đó. Bạn còn hoàn toàn chưa quen biết, chưa chín muồi; người này là phương tiện đã chín muồi. Nếu năng lượng đi vào bạn qua người đó, nó tới dễ dàng vì người đó là một trung gian có hiệu quả.
Điều thứ hai, người đó là một kênh hẹp qua đó bạn sẽ nhận năng lượng, nhưng chỉ theo khả năng của bạn thôi. Bạn có thể ngồi dưới ánh sáng điện trong nhà và đọc vì nó là ánh sáng đều đặn; bạn không thể đọc dưới tia sét trong bầu trời vì nó không theo cách đều đặn.
Nếu bỗng nhiên, bởi may mắn, một người ở vào trạng thái mà ân huệ có thể giáng xuống người đó hay một tình huống bất thần được tạo ra mà shaktipat xảy ra cho người đó không qua trung gian, thế thì có mọi khả năng người đó hoảng sợ hay trở thành mất trí. Năng lượng đã giáng xuống người đó có thể quá nhiều mà khả năng giữ lại của người đó quá nhỏ; do đó người đó có thể bị tan tành hoàn toàn. Thế thì những kinh nghiệm chưa biết, không quen thuộc của vui vẻ sẽ trở thành đau đớn và không thể chịu đựng nổi.
Điều này cũng tựa như một người đang ở trong bóng tối trong nhiều năm bỗng nhiên được đem ra ánh sáng ban ngày: đen tối sẽ còn sâu sắc hơn bao giờ hết và người đó sẽ không thể nào thấy được ánh sáng mặt trời. Mắt người đó đã quen nhìn trong bóng tối, cho nên chúng không thể chịu được ánh sáng chói loà và sẽ phải nhắm lại.
Cho nên đôi khi sự việc xảy ra là một tình huống như thế có thể xuất hiện bên trong bạn, trong đó năng lượng vô hạn của ân huệ vô tình giáng xuống bạn; nhưng tác động của nó có thể là tai hoạ, huỷ diệt, nếu bạn chưa sẵn sàng. Bạn đã bị mắc trong vô ý thức cho nên biến cố có thể trở thành thảm hoạ. Vâng, ân huệ cũng có thể trở thành có hại và mang tính huỷ diệt.
Trong trường hợp của shaktipat, những cơ hội cho tai nạn là rất ít, gần như không, vì có người vận hành như trung gian, như phương tiện. Truyền qua trung gian, năng lượng trở thành nhẹ nhàng và ôn hoà, và người trung gian cũng có thể điều chỉnh cường độ của năng lượng. Người đó có thể cho phép chỉ một lượng năng lượng nào đó được chảy vào bạn mà bạn có thể giữ lại được. Nhưng nhớ lấy, người trung gian chỉ là phương tiện và không phải là cội nguồn của năng lượng này.
Cho nên nếu một người nói rằng người đó đang làm shaktipat, rằng người đó đang làm việc truyền năng lượng, thế thì người đó sai. Điều ấy cũng hệt như là bóng đèn tuyên bố rằng nó là người đem cho ánh sáng. Vì ánh sáng bao giờ cũng được phát ra qua bóng đèn, bóng đèn có thể bị ảo tưởng rằng nó là đấng sáng tạo ra ánh sáng. Điều này không phải là như vậy. Nó không phải là nguồn sáng chủ chốt mà chỉ đơn thuần là trung gian để biểu lộ ánh sáng. Cho nên một người tuyên bố rằng mình có thể thực hiện shaktipat là đang trong cùng ảo tưởng như bóng đèn vậy.
Năng lượng được truyền qua bao giờ cũng là năng lượng của điều thiêng liêng. Nhưng nếu một người trở thành trung gian, thế thì chúng ta có thể gọi điều đó là shaktipat. Nếu không có trung gian và năng lượng này giáng xuống bất thần, nó có thể có hại. Nhưng nếu một người đã chờ đợi đủ lâu, nếu một người đã thiền với sự kiên nhẫn vô hạn, thế thì shaktipat nữa cũng có thể xảy ra dưới dạng ân huệ. Thế thì sẽ không có trung gian, nhưng thế thì sẽ không có tai nạn. Chờ đợi vô hạn của người đó, kiên nhẫn vô hạn của người đó, thành tâm không dao động của người đó, quyết tâm vô tận của người đó, đã làm phát triển khả năng của người đó để cho phép điều vô hạn. Thế thì sẽ không có tai nạn. Và biến cố có thể xảy ra theo cả hai cách - có hay không có trung gian. Nhưng khi thiếu trung gian người đó sẽ không cảm thấy nó như shaktipat mà như ân huệ từ cõi bên kia.
Cho nên có những điểm tương đồng cũng như những điểm khác biệt giữa hai điều này. Tôi thiên về ân huệ mỗi khi điều ấy là có thể; mỗi khi có thể, không nên qua trung gian. Nhưng trong một số trường hợp điều này là có thể và trong một số trường hợp khác điều này là không thể. Cho nên đáng lẽ với loại người đang lang thang vô hạn kiếp, một người nào đó có thể được làm thành trung gian để đem năng lượng thiêng liêng xuống cho họ. Chỉ người đó mới có thể là người trung gian, tuy nhiên, người đó phải không còn là một bản ngã cá thể nữa. Thế thì mối nguy hiểm là gần như không, vì một người như thế trong khi trở thành người trung gian, không trở thành guru: không có người nào còn lại để trở thành guru. Hiểu khác biệt này cho rõ.
Khi một người trở thành guru, người đó trở thành guru trong qui chiếu với bạn; khi một người trở thành trung gian, người đó trở thành như thế trong quan hệ với bản thể vũ trụ; thế thì người đó chẳng có liên quan gì tới bạn cả. Bạn có hiểu khác biệt này không?
Bản ngã không thể tồn tại trong bất kì trạng thái nào được sinh ra trong mối quan hệ với bạn. Cho nên guru thực là người không trở thành guru. Định nghĩa về sadguru, thầy hoàn hảo, là người không trở thành guru. Điều này có nghĩa là tất cả những ai tự gọi mình là guru đều không đủ phẩm cách là guru. Không có gì mất tư cách lớn hơn việc tuyên bố về mình là guru; điều đó chỉ ra sự hiện diện của bản ngã trong người như thế, và điều đó là nguy hiểm.
Nếu một người bỗng nhiên đạt tới trạng thái hư không, trạng thái bản ngã đã biến mất hoàn toàn, người đó có thể trở thành trung gian. Thế thì shaktipat có thể xảy ra gần người đó, trong sự hiện diện của người đó, và không có khả năng nguy hiểm. Không có nguy hiểm gì cho bạn hay cho người trung gian mà qua đó năng lượng tuôn chảy.
Và vậy mà về cơ bản tôi thiên về ân huệ. Khi bản ngã đã chết và người đó không còn là một cá nhân nữa, khi những điều kiện này được đáp ứng, shaktipat gần như trở thành ân huệ.
Nếu cá nhân đó không tự ý thức về trạng thái này, thế thì shaktipat là rất gần với ân huệ. Thế thì chỉ ở gần người đó cũng có thể đem lại biến cố. Người này xuất hiện với bạn như một người nhưng thực tế người đó đã trở thành một với điều thiêng liêng. Tốt hơn là nên nói rằng người đó đã trở thành bàn tay của điều thiêng liêng chìa ra cho bạn. Người đó gần bạn. Bây giờ một người như thế hoàn toàn là công cụ. Nếu người đó nói theo ngôi thứ nhất trong trạng thái ý thức như thế, chúng ta có khuynh hướng hiểu lầm người đó. Khi một người như vậy nói ‘tôi’ người đó ngụ ý cái ta tối cao - nhưng thật khó cho chúng ta hiểu ngôn ngữ của người đó.
Đó là lí do tại sao Krishna có thể nói với Arjuna, "Bỏ tất cả các cái khác và buông xuôi nơi ta." Trong hàng nghìn năm chúng ta sẽ đắn đo về đây là loại người nào mà nói, "Buông xuôi nơi ta." Phát biểu của ông ấy dường như xác nhận sự hiện diện của bản ngã. Nhưng người này có thể nói điều đó theo cách này đơn giản vì người đó không còn là bản ngã nữa. Bây giờ cái ‘ta’ của người đó là bàn tay của ai đó được chìa ra, và chính ai đó đang ở đằng sau người đó nói, "Buông xuôi nơi ta - cái một duy nhất." Những lời này, cái một duy nhất là vô giá. Krishna nói, "Buông xuôi nơi ta, cái một duy nhất." Cái ‘ta’ không bao giờ là cái một duy nhất - nó là nhiều. Krishna đang nói từ nơi mà cái ‘ta’ là cái một duy nhất, và điều này không phải là ngôn ngữ của bản ngã.
Nhưng chúng ta chỉ hiểu ngôn ngữ của bản ngã; do đó, chúng ta cảm thấy rằng Krishna đã đưa ra một tuyên bố đầy bản ngã bằng việc bảo Arjuna phải buông xuôi nơi ông ấy. Nhưng đây là sai lầm. Chúng ta bao giờ cũng có hai cách nhìn vào mọi vật: một là qua quan điểm riêng của chúng ta, từ nơi chúng ta thường xuyên bị lừa dối; và cách kia là từ quan điểm của điều thiêng liêng, từ nơi không có vấn đề về lừa dối. Cho nên biến cố có thể xảy ra thông qua một người như Krishna, người mà bản ngã cá nhân không còn đóng vai trò gì nữa.
Cả hai biến cố, shaktipat và ân huệ, là rất mâu thuẫn ở ngoại vi; cả hai là rất gần nhau tại trung tâm. Tôi thiên về không gian đó nơi khó phân biệt được giữa shaktipat và ân huệ. Một mình điều đó là hữu dụng; một mình điều đó là có giá trị.
Một sư ở Trung quốc thường kỉ niệm ngày sinh của guru của mình bằng lễ hội lớn. Mọi người hỏi ông ấy đang mở hội cho ngày sinh của ai, vì ông ấy bao giờ cũng nói rằng ông ấy không có guru và rằng không cần guru. Thế thì tất cả những điều này là về gì vậy? Ông ấy cầu xin họ đừng hỏi về ông ấy, nhưng họ cứ nài nỉ, "Hôm nay là ngày của guru - thầy có guru không?"
Sư nói, "Đừng làm khó cho ta. Tốt hơn cả là ta im vậy."
Nhưng ông ấy càng im lặng người ta lại càng nài nỉ nhiều, "Vấn đề là gì vậy? Có gì mà thầy phải mở hội? - vì đây là ngày mở hội thầy. Thầy có thầy không?"
Sư nói, "Nếu các ông cứ nài nỉ thế thì ta phải nói đôi điều về việc đó. Hôm nay ta nhớ tới một người đã từ chối làm guru của ta, vì nếu người đó đã chấp nhận ta như đệ tử, ta sẽ đi lạc lối. Ngày đó khi ông ấy từ chối ta, ta đã rất giận ông ấy, nhưng hôm nay ta muốn cúi mình trước ông ấy với lòng biết ơn lớn lao. Nếu mà ông ấy muốn, ông ấy đã có thể là guru của ta rồi, vì chính ta đã cầu xin ông ấy chấp nhận ta, nhưng ông ấy đã không đồng ý."
Thế là mọi người hỏi, "Thế thì thầy việc gì phải cám ơn ông ấy khi ông ấy đã từ chối thầy?"
Sư nói, "Phải nói rằng bằng việc không trở thành guru của ta mà con người này đã làm cho ta điều mà không guru nào có thể làm được. Do đó, nghĩa vụ của ta gấp đôi. Nếu như ông ấy đã là guru của ta, sẽ có cái gì đó cho và nhận từ cả hai phía. Ta sẽ chạm vào chân ông ấy, cúng dường tôn kính và kính trọng của mình, và vấn đề đã được chấm dứt. Nhưng con người này đã không yêu cầu phải kính trọng và ông ấy đã không trở thành guru ta. Do đó nghĩa vụ của ta đối với ông ấy gấp đôi lên. Điều này hoàn toàn là một phía: ông ấy cho và ta thậm chí không thể cám ơn ông ấy được, bởi vì ông ấy đã không để lại chỗ nào cho điều đó cả."
Bây giờ trong tình huống như thế này sẽ không còn bất kì khác biệt nào giữa shaktipat và ân huệ cả. Khác biệt càng lớn bạn càng phải tránh xa nó; càng ít khác biệt càng tốt hơn. Do đó, tôi nhấn mạnh vào ân huệ. Cái ngày shaktipat tới rất gần với ân huệ, gần đến mức bạn không thể phân biệt được giữa shaktipat và ân huệ, biết rằng biến cố đúng đắn đã xảy ra. Khi điện trong nhà bạn trở thành tựa như tia chớp tự nhiên và không cản trở trên bầu trời và trở thành một phần của năng lượng vô hạn, khoảnh khắc đó bạn nên biết rằng nếu shaktipat xảy ra, nó cũng tương đương với ân huệ. Nhớ điều tôi vừa nói.
Tại trại thiền Nargol Thầy đã nói rằng hoặc năng lượng dâng lên từ bên trong và đạt tới điều thiêng liêng, hoặc năng lượng của điều thiêng liêng hạ xuống và hội nhập vào bên trong. Thầy đã nói rằng trường hợp thứ nhất là việc dâng lên của kundalini; còn trường hợp thứ hai là ân huệ của điều thiêng liêng. Thế rồi về sau Thầy lại nói rằng khi năng lượng ngủ bên trong gặp gỡ với năng lượng khổng lồ của cái vô hạn, việc bùng nổ xảy ra, mà đó chính là samadhi. Liệu sự hợp nhất của kundalini được thức tỉnh và của ân huệ phải chăng là tuyệt đối cần thiết cho việc đạt tới samadhi? Hay liệu tiến hoá của kundalini cho tới sahasrar có tương tự như việc xảy ra của ân huệ thiêng liêng không?
Bùng nổ chẳng bao giờ xảy chỉ với một năng lượng. Bùng nổ là việc hợp nhất của hai năng lượng. Nếu bùng nổ có thể có với một năng lượng, thế thì nó đã xảy ra từ lâu rồi.
Hệt như là nếu bạn có hộp diêm và bạn đặt một que diêm gần nó: chúng có thể nằm như vậy vô hạn định và chẳng có ngọn lửa nào phát sinh cả. Dù khoảng cách giữa hai vật này nhỏ đến đâu - nửa xăng ti mét hay một phần tư xăng ti mét cũng chẳng khác biệt gì - vẫn chẳng có kết quả nào. Để có được bùng nổ, việc cọ xát giữa hai vật này là cần thiết; chỉ thế thì bạn mới có lửa. Lửa bị dấu kín trong cả hai nhưng không có cách nào tạo ra nó với chỉ một trong hai vật này.
Bùng nổ xảy ra khi hai năng lượng này gặp nhau. Vậy, lực đang ngủ bên trong một cá nhân phải dâng lên tới sahasrar và chỉ thế thì hợp nhất, bùng nổ, mới có thể. Không thể có hợp nhất ngoại trừ tại điểm sahasrar. Điều này giống như cửa nhà bạn vẫn đóng và mặt trời đang chiếu sáng bên ngoài. Ánh sáng ở bên ngoài cửa nhà bạn. Bạn đi bên trong nhà cho tới cửa, nhưng bạn sẽ không gặp ánh sáng mặt trời. Chỉ khi cửa mở ra bạn mới đi vào tiếp xúc với ánh mặt trời.
Cho nên điểm tối thượng của kundalini là sahasrar. Đó là cánh cửa nơi ân huệ đang đợi chúng ta. Điều thiêng liêng bao giờ cũng đợi tại cánh cửa này. Chính bạn không ở cửa: bạn bao giờ cũng ở đâu đó bên trong. Bạn phải đi đến cánh cửa ấy. Tại đó hợp nhất sẽ xảy ra, và hợp nhất đó sẽ có dạng bùng nổ. Nó được gọi là bùng nổ bởi vì thế thì bạn sẽ lập tức biến mất; bạn sẽ không còn nữa. Que diêm đã cháy trong bùng nổ nhưng hộp diêm vẫn còn đó. Que diêm chính là bạn, biến thành tro và hội nhập vào cái vô hình.
Trong biến cố đó bạn sẽ không còn nữa. Bạn sẽ mất đi; bạn sẽ vỡ ra và tan tành; bạn sẽ không còn đó nữa. Bạn sẽ không còn là cái bạn đã từng là đằng sau cánh cửa đóng lại. Tất cả những cái đã từng là, bạn sẽ mất đi. Chỉ cái một đang đợi bên ngoài cánh cửa là còn lại, và bạn sẽ trở thành một phần của nó. Điều này không thể xảy ra cho một mình bạn được, bởi bản thân bạn được. Để có được bùng nổ này bạn cần phải đạt tới năng lượng vũ trụ vô hạn. Năng lượng đang ngủ bên trong phải được thức tỉnh và làm cho dâng lên tới sahasrar nơi năng lượng vũ trụ chờ đợi mãi mãi. Cuộc hành trình của kundalini bắt đầu từ trung tâm đang ngủ của bạn và kết thúc ở chỗ, ở biên giới, nơi bạn biến mất.
Cho nên có một biên giới thuộc về tầng vật lí, điều chúng ta coi là đương nhiên đã có. Nhưng đây không phải là biên giới lớn hơn. Nếu tay tôi bị chặt đi cũng chẳng có mấy khác biệt đối với tôi. Nếu chân tôi bị chặt đi, thân thể sẽ không chịu đau nhiều, vì tôi vẫn còn. Nói cách khác, tôi vẫn còn mặc những thay đổi bên trong các giới hạn này. Thậm chí cả mắt và tai mà không có, tôi vẫn còn.
Cho nên biên giới thực tại của bạn không phải là biên giới của thân thể; biên giới thực tại của bạn là trung tâm sahasrar, sau nơi đó bạn không còn nữa. Ngay khi bạn lấn sang biên giới này, bạn đã mất rồi; bạn không thể còn lại được.
Kundalini của bạn là năng lượng đang ngủ của bạn. Biên giới của nó trải rộng từ trung tâm dục tới đỉnh đầu. Đó là lí do tại sao chúng ta liên tục nhận biết rằng chúng ta có thể không đồng nhất mình với các bộ phận khác của thân thể, nhưng chúng ta không thể phá vỡ được sự đồng nhất mình với khuôn mặt, với cái đầu. Dễ dàng nhận ra rằng "tôi có thể không phải là cái tay", nhưng nhìn vào mặt mình trong gương mà quan niệm rằng "tôi không phải là khuôn mặt này", là rất khó khăn. Khuôn mặt và cái đầu là giới hạn. Do đó, con người sẵn sàng để mất mọi thứ trừ trí tuệ mình.
Có lần Socrates nói về mãn nguyện, ông ấy nói rằng đó là kho báu vĩ đại. Ai đó hỏi ông ấy liệu ông ấy thích là một Socrates không hài lòng hay là con lợn thoả mãn. Socrates đáp, "Tôi thích là một Socrates không hài lòng hơn là con lợn thoả mãn, bởi vì con lợn thoả mãn không có tri thức gì về sự mãn nguyện của nó cả. Một Socrates không thoả mãn ít nhất cũng có ý thức về cái không thoả mãn của mình." Con người này, Socrates, đang nói rằng con người sẵn sàng mất tất cả, trừ trí tuệ của mình - cho dù nó là trí tuệ không được thoả mãn.
Trí tuệ cũng rất gần với trung tâm sahasrar, luân xa thứ bẩy và cuối cùng. Nói đại thể chúng ta có hai biên giới. Một là trung tâm dục; dưới trung tâm này thế giới của tự nhiên bắt đầu. Tại trung tâm dục không có khác biệt giữa cây cối, chim chóc, muông thú và bản thân chúng ta. Trung tâm này là giới hạn tối hậu cho chúng, trong khi đối với con người nó là điểm đầu tiên, tuyến xuất phát. Khi chúng ta dựa vào trung tâm dục, chúng ta nữa cũng là con vật. Giới hạn kia của chúng ta là trí tuệ. Nó ở gần đường biên thứ hai của chúng ta mà vượt ra ngoài nữa là điều thiêng liêng. Bên ngoài điểm này chúng ta không còn là bản thân mình; thế thì chúng ta là điều thiêng liêng. Đây là hai đường biên của chúng ta, và giữa hai đường biên này năng lượng chúng ta chuyển động
Bây giờ, kho dự trữ nơi tất cả các năng lượng của chúng ta đang nằm ngủ là ở gần trung tâm dục. Đó là lí do tại sao chín mươi chín phần trăm ý nghĩ, mơ mộng và hoạt động của con người đều dành cho xung quanh kho dự trữ này. Dù chúng ta có biểu lộ mức độ văn hoá như thế nào, cũng chẳng thành vấn đề, dù cho xã hội có thể viện ra những cớ giả tạo thế nào, con người vẫn sống và ở đấy một mình: người đó sống quanh trung tâm dục. Nếu người đó kiếm tiền, đấy là vì dục; nếu người đó xây nhà, đấy là vì dục; nếu người đó kiếm danh vọng, người đó cũng làm như vậy vì dục. Tại gốc rễ của nó tất cả chúng ta sẽ thấy dục.
Những người đã hiểu đều nói về hai mục đích - dục và giải thoát. Hai mục đích khác, của cải và tôn giáo, chỉ là phương tiện. Của cải là nguồn tài nguyên của dục; do đó, thời đại càng nhiều dục, nó lại càng hướng của cải. Thời đại càng nhiều tìm kiếm giải thoát, nó lại càng khát khao tôn giáo. Tôn giáo chỉ là phương tiện như của cải là phương tiện. Nếu bạn khao khát giải thoát, tôn giáo trở thành phương tiện. Nếu bạn muốn có thỏa mãn dục, của cải là phương tiện. Cho nên có hai mục tiêu và hai phương tiện - vì chúng ta có hai biên giới.
Điều thú vị là giữa hai cực điểm này bạn không thể nghỉ được ở bất kì đâu, bạn không thể dừng ở bất kì chỗ nào. Nhiều người thấy mình gặp khó khăn lớn vì họ không có ham muốn về giải thoát, và nếu bởi lí do nào đó họ trở nên đối kháng với dục, họ thấy mình trong tình thế khó chịu khủng khiếp. Họ bắt đầu ra xa khỏi trung tâm dục, nhưng họ lại chẳng đi đâu tới gần trung tâm giải thoát. Họ rơi vào hoài nghi và bất định, và điều đó rất khó khăn, rất đau đớn, và thực sự là địa ngục. Cuộc sống của họ đầy những rối loạn bên trong.
Nấn ná ở lưng chừng là không đúng không tự nhiên mà cũng vô nghĩa. Cứ dường như một người trèo lên thang rồi dừng lại nửa chừng. Với người đó chúng ta sẽ nói, "Làm một trong hai điều này: hoặc trèo lên hoặc tụt xuống, vì thang không phải là nhà, dừng ở giữa là vô nghĩa." Không thể nào có người vô ích hơn là người đang dừng ở lưng chừng thang. Bất kì điều gì người đó phải làm, người đó có thể làm nó hoặc ở trên đỉnh thang hay dưới chân thang.
Cho nên cột sống là chiếc thang, cứ nói như vậy. Trên chiếc thang này, mỗi đốt sống là một bậc thang. Kundalini bắt đầu từ trung tâm thấp nhất và đạt tới chính đỉnh. Nếu nó đạt tới trung tâm cao nhất, bùng nổ là không thể tránh khỏi. Nếu nó vẫn còn tại trung tâm thấp nhất, nó chắc chắn lấy dạng phát tiết dục, xuất tinh. Hai điều này phải được hiểu rõ.
Nếu kundalini ở tại trung tâm thấp nhất, việc phát tiết của năng lượng dục là không tránh khỏi. Nếu nó đạt tới trung tâm cao nhất bùng nổ là chắc chắn. Cả hai đều là bùng nổ và cả hai đều yêu cầu sự tham gia của người khác. Trong phát tiết dục người khác là cần có, cho dù đấy là người khác tưởng tượng. Nhưng tất cả năng lượng của bạn không nên bị rải rác tại đây, vì đây chỉ là điểm bắt đầu của bản thể bạn. Bạn còn hơn thế nhiều, và bạn đã tiến bộ nhiều từ đấy. Con vật tràn đầy thoả mãn tại điểm này và do đó không tìm kiếm giải thoát.
Nếu con vật có thể viết kinh sách, kinh sách được viết cho chúng chỉ nổi bật với hai mục đích: của cải và dục. Của cải sẽ là dạng thích hợp cho thế giới loài vật. Con vật béo tốt hơn, mạnh khoẻ hơn, sẽ là kẻ giàu có hơn. Nó sẽ chiến thắng các con vật khác trong việc đua tranh dục; nó sẽ quần tụ được hàng chục con cái quanh nó. Và đây cũng là một dạng của cải. Lớp mỡ phụ bên trong thân thể nó là của cải của nó.
Con người cũng có giàu sang mà có thể được chuyển thành "mỡ" bất kì lúc nào. Một ông vua có thể có hàng nghìn mĩ nữ phi tần. Đã có thời của cải của người ta được đo bằng số vợ người đó có. Nếu một người là nghèo, làm sao người đó đảm đương được bốn vợ? Tiêu chuẩn ngày nay về giáo dục và số dư tài khoản là sự phát triển mới hơn nhiều. Ngày xưa số vợ là tiêu chuẩn duy nhất về của cải. Đây là lí do tại sao trong khi ca tụng về giàu có của các anh hùng cổ đại chúng ta đã thổi phồng số đàn bà của họ, và điều này nhiều lần là giả.
Chẳng hạn, mười sáu nghìn vợ của Krishna. Vào thời của Krishna, không có cách nào khác để diễn tả sự vĩ đại của ông ấy: "Nếu Krishna là người vĩ đại, thế thì ông ta có bao nhiêu vợ?" Cho nên chúng ta phải gợi lên con số khổng lồ mười sáu nghìn - thế thì đấy là con số ấn tượng, mặc dầu ngày nay nó dường như không được ấn tượng đến thế do bùng nổ dân số. Vào những ngày đó không có nhiều người thế. Ở châu Phi thậm chí cho đến giờ còn có những cộng đồng chỉ có ba người. Cho nên nếu họ được nghe kể rằng một người có bốn vợ, đấy sẽ là con số không thể được vì họ không biết gì bên ngoài số ba.
Trong cõi dục, hiện diện của người khác là cần thiết. Nếu người khác không hiện diện, ngay cả việc tưởng tượng về người khác cũng tạo ra hiệu quả cần thiết. Đó là lí do tại sao người ta tin rằng nếu Thượng đế hiện diện ngay cả trong tưởng tượng, bùng nổ có thể xảy ra. Do đó, một truyền thống lâu dài về bhakti, con đường của sùng kính, đã phát triển mà trong đó tưởng tượng được dùng như phương tiện cho bùng nổ. Nếu việc xuất tinh là có thể xảy ra qua tưởng tượng, tại sao bùng nổ năng lượng không thể xảy ra theo cùng cách tại sahasrar? Điều này làm nảy sinh khả năng gặp gỡ Thượng đế trong đầu thông qua việc dùng tưởng tượng. Nhưng điều này không thực sự có thể có. Xuất tinh là có thể trong tưởng tượng vì nó thực tế đã được kinh nghiệm; do đó nó có thể được tưởng tượng. Nhưng chúng ta chưa từng gặp Thượng đế; do đó không thể tưởng tượng được ngài. Chúng ta chỉ tưởng tượng được điều mà mình đã kinh qua.
Nếu một người đã kinh nghiệm một loại vui thú nào đó, người đó bao giờ cũng có thể ngồi lại, nhớ lại kinh nghiệm đó và tận hưởng nó lần nữa. Người điếc không thể nghe được trong giấc mơ dù người đó có cố gắng đến đâu đi chăng nữa; người đó thậm chí không thể nào tưởng tượng được âm thanh. Tương tự, người mù không thể nhìn thấy ánh sáng được. Nhưng nếu một người bị mất mắt, người đó bao giờ cũng có thể mơ được về ánh sáng. Hơn thế, bây giờ người đó chỉ thấy ánh sáng trong giấc mơ của mình, vì người đó không còn mắt để thấy nữa. Cho nên chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm của mình, nhưng không có cách nào để tưởng tượng điều chưa bao giờ được kinh nghiệm cả.
Bùng nổ không phải là kinh nghiệm của chúng ta, do đó tưởng tượng không có tác dụng ở đây. Chúng ta thực tế phải đi vào trong, và thế thì biến cố thực tại có thể xảy ra. Cho nên luân xa sahasrar là biên giới tối thượng của bạn, nơi bạn kết thúc.
Như tôi đã nói trước đây, con người là chiếc thang. Lời của Nietzsche trong hoàn cảnh này là rất quí giá. Ông ấy nói, "Con người là chiếc cầu bắc qua hai sự vĩnh hằng." Có một vĩnh hằng - đó là tự nhiên, cái không có kết thúc - và có một vĩnh hằng khác, về điều thiêng liêng, cũng vô hạn, vô giới hạn. Con người là cây cầu bắc giữa hai điều này. Do đó con người không phải là chỗ nghỉ. Người ta hoặc tiến lên hoặc lùi lại. Không có chỗ để xây nhà trên chiếc cầu này. Bất kì ai cố định cư trên nó đều phải hối hận, vì cầu không phải là nơi để xây nhà; nó chỉ có nghĩa để đi qua từ đầu này sang đầu kia.
Tại Fatehpur Sikri, Akbar đã cố gắng dựng nên một ngôi đền dành cho mọi tôn giáo. Ông ấy đã mơ về một tôn giáo, mà ông ấy gọi là Deen-e Ilahe - tinh hoa của mọi tôn giáo. Thế là ông ấy cho khắc một câu trên cửa lối vào, chính là lời của Jesus Christ. Nó nói là: Thế giới này chỉ là chỗ nghỉ và không phải là nhà vĩnh viễn. Bạn có thể dừng lại ở đây một khoảng thời gian nào đó, nhưng bạn không thể dừng lại mãi mãi. Đây chỉ là nơi nghỉ trên cuộc hành trình của bạn. Nó là mảnh đất cắm trại, nhà gỗ dựng tạm của lữ khách, nơi người ta có thể ở qua đêm và lại lên đường đi tiếp vào buổi sáng. Chúng ta dừng ở đây chỉ để cho chúng ta có thể nghỉ lại đêm và bắt đầu vào ngày mới. Không có mục đích gì khác. Chúng ta không dừng ở đây mãi mãi.
Con người là chiếc thang phải được trèo qua; do đó người đó bao giờ cũng căng thẳng. Nói rằng con người căng thẳng là không đúng: thay vì thế thì con người là sự căng thẳng. Cây cầu bao giờ cũng căng thẳng; nó là cây cầu bởi vì nó là căng thẳng. Nó là cái nằm giữa hai cực đoan. Con người là sự căng thẳng không tránh khỏi; do đó con người chẳng bao giờ an bình, chẳng bao giờ an bình cả. Chỉ khi người đó trở thành giống như con vật người đó mới kinh nghiệm được một chút an bình, hay ngược lại người đó đạt được an bình hoàn hảo khi người đó trở thành điều thiêng liêng. Căng thẳng lỏng dần khi người đó trở thành con vật; thế thì người đó đã bước xuống chiếc thang để đứng trên đất nền, chỗ người đó đã từng quen thuộc trong hàng nghìn kiếp. Người đó đã làm giảm nhẹ cho mình bớt lo âu về căng thẳng. Cho nên con người tìm kiếm tự do khỏi căng thẳng trong dục, hay trong những kinh nghiệm khác có liên quan tới dục như rượu, ma tuý, vân vân, cái có thể đem người đó vào vô ý thức tạm thời. Nhưng bạn có thể ở đó chỉ trong một khoảng ngắn ngủi; cho dù bạn muốn, bạn cũng không thể ở lại trong trạng thái con vật mãi mãi được. Ngay cả một người với phẩm chất tồi tệ nhất cũng chỉ có thể ở trong trạng thái con vật trong một khoảng ngắn ngủi mà thôi.
Người phạm tội giết người làm điều đó trong khoảnh khắc khi người đó trở thành con vật. Nếu như người đó chờ đợi một khoảnh khắc lâu hơn, có lẽ người đó có thể không làm được việc đó. Việc trở thành giống con vật của chúng ta là điều gì đó tựa như việc con người nhảy: trong một khoảnh khắc người đó trong không trung; thế rồi người đó rơi trở lại mặt đất. Cho nên người tồi tệ nhất trong con người không phải là tồi mãi mãi; người đó không thể thế được. Người đó chỉ như thế trong các khoảnh khắc; ngoài ra, người đó bình thường giống như bất kì người nào khác. Trong một khoảnh khắc người đó thấy thoải mái, vì người đó rơi trở lại vào cái nền đã biết nơi không có căng thẳng. Đây là lí do tại sao chúng ta thấy không có căng thẳng trong con vật.
Nhìn vào trong mắt chúng: không có căng thẳng. Con vật chẳng bao giờ phát điên hay tự tử; nó chẳng bị đau tim. Nhưng tất cả những điều này trở thành có thể đối với con vật đang bị con người cầm tù - khi nó phải kéo xe cho con người hay trở thành con vật nuôi trong nhà của người đó. Khi con người cố gắng kéo con vật qua chiếc cầu đó, sự phức tạp bắt đầu.
Bây giờ nếu một con chó lạc đi vào căn phòng này, nó sẽ đi lung tung theo ý thích, nhưng nếu một con chó nuôi đi vào, nó sẽ đi và ngồi tại nơi nó được ra lệnh. Bây giờ con chó nuôi này đã đi vào thế giới loài người và bỏ lại thế giới loài vật của nó đằng sau. Nó chắc chắn đưa nó vào rắc rối rồi. Nó là con vật bị bắt trải qua sự căng thẳng của con người. Vậy, nó mãi mãi trong lo âu. Nó năng nổ chờ đợi mệnh lệnh để chạy ra khỏi phòng này.
Con người có thể rơi lại vào trạng thái con vật chỉ trong thoáng chốc. Đây là lí do tại sao chúng ta nói rằng tất cả những niềm vui của mình đều ngắn ngủi. Niềm vui cũng có thể vĩnh hằng, nhưng nơi chúng ta tìm nó, đấy chỉ là trạng thái nhất thời. Chúng ta cố tìm ra hạnh phúc trong trạng thái con vật, và điều này có thể chỉ có trong thoáng chốc rất ngắn. Chúng ta không thể vẫn còn trong trạng thái con vật lâu được. Khó mà quay lại trạng thái tồn tại trước đây của chúng ta. Nếu bạn muốn quay lại ngày hôm qua, bạn có thể nhắm mắt và quán tưởng - nhưng được bao lâu? Khi bạn mở mắt ra bạn sẽ thấy bản thân mình ở nơi bạn vẫn đang ở đấy.
Bạn không thể đi ngược lại. Bạn có thể bó buộc làm điều đó trong khoảnh khắc, nhưng rồi bạn bao giờ cũng ăn năn. Do đó, mọi vui thú nhất thời đều đem tới ăn năn trong quá trình của nó. Bạn bị bỏ lại với cảm giác là những cố gắng của bạn đều phù phiếm, nhưng sau vài ngày bạn quên mất và lại rơi vào cũng sai lầm đó. Niềm vui nhất thời có thể đạt tới ở mức độ con vật, nhưng niềm vui vĩnh hằng, chỉ đạt tới khi hội nhập với điều thiêng liêng. Cuộc hành trình này phải được hoàn tất bên trong bản thể riêng của bạn. Bạn phải đi qua từ đầu cầu này sang đầu cầu kia; chỉ thế thì biến cố thứ hai mới xảy ra.
Do đó, tôi coi dục và samadhi là tương đương. Có lí do cho điều này. Thực tế, đây chỉ là hai biến cố tương đương nhau. Trong dục chúng ta ở tại một đầu cầu, bậc thang thấp nhất của chiếc thang, nơi chúng ta là một với tự nhiên; trong samadhi chúng ta ở đầu kia của cây cầu, bậc thang cao nhất của chiếc thang, nơi chúng ta là một với điều thiêng liêng. Cả hai đều là việc hợp nhất; cả hai đều là bùng nổ theo một cách nào đó. Trong cả hai trường hợp bạn đều làm mất bản thân mình theo một nghĩa đặc biệt: trong dục bạn mất bản thân mình trong thoáng chốc, còn trong samadhi, mất mãi mãi. Trong cả hai trường hợp bạn đều dừng tồn tại. Trường hợp trước là bùng nổ rất nhất thời, và sau đó bạn kết tinh lại, vì nơi bạn đã qua là trạng thái thấp hơn mà bạn không thể trở lại được. Nhưng một khi bạn hội nhập với điều thiêng liêng, bạn không thể kết tinh lại được nữa.
Việc đảo ngược này là không thể được để cho cái một đi vào trạng thái con vật. Điều đó tuyệt đối không thể được. Nó cũng hệt như việc trông đợi người lớn chui được vào trong bộ quần áo trẻ sơ sinh. Bạn đã trở thành một với cái tuyệt đối, cho nên bạn không thể trở lại với cái cá thể. Bây giờ cái ngã cá thể đã trở thành nơi chật hẹp và ít ý nghĩa đến độ bạn không thể đi vào đó được nữa. Bây giờ bạn thậm chí không thể nào hình dung được làm sao bạn có thể vào trong nó. Vấn đề của cá thể kết thúc ở đây.
Để cho bùng nổ xảy ra, phải cần tới hai điều: cuộc hành trình bên trong của bạn phải đạt tới điểm của sahasrar và gặp gỡ với ân huệ ở đó...
Tại sao chúng ta gọi trung tâm này là sahasrar cần phải được giải thích. Cái tên này không phải là điều trùng hợp, mặc dầu ngôn ngữ bao giờ cũng phát triển một cách ngẫu nhiên và bởi việc sử dụng thường xuyên. Chúng ta dùng từ cái cửa: bất kì cái tên nào khác đều cũng có thể dễ dàng được dùng để kí hiệu cho cùng một thứ. Có hàng nghìn ngôn ngữ trên thế giới và phải có hàng nghìn từ có nghĩa cái cửa và có thể truyền đạt cùng ý nghĩa đó. Nhưng khi một thứ không ngẫu nhiên thì có xuất hiện sự tương tự trong mọi ngôn ngữ. Cho nên nghĩa của cái cửa, hay dwar, truyền đạt ý nghĩa của cái mà qua đó chúng ta đi vào và đi ra. Cho nên trong mọi ngôn ngữ từ được dùng cho cái cửa sẽ chuyển vận ý nghĩa này, vì đây là một phần của kinh nghiệm và không phải là sự bố trí trùng hợp. Ý tưởng về không gian mà qua đó lối vào và lối ra là có thể được đều được truyền đạt qua từ cái cửa này.
Vậy từ sahasrar đã được đặt ra như kết quả của các kinh nghiệm, và nó không phải là ngẫu nhiên. Ngay khi bạn đạt tới kinh nghiệm này, bạn cảm thấy dường như hàng nghìn nụ hoa nở rộ bên trong bạn một cách bất thần. Chúng ta nói một nghìn, nhưng ngụ ý vô hạn, và chúng ta ví nó với hoa vì kinh nghiệm này tựa như việc nở hoa. Cái gì đó bên trong đã từng khép lại như nụ chồi đã mở ra. Từ hoa được dùng trong ngữ cảnh của việc nở hoa. Và không chỉ một hay hai thứ nở ra - vô hạn thứ cùng nở ra.
Cho nên việc gọi chứng nghiệm này là "nở ra của hoa sen một nghìn cánh" là tự nhiên. Bạn đã từng thấy hoa sen nở ra dưới tia sáng mặt trời buổi sáng chưa? Quan sát cẩn thận vào. Lại gần ao hoa sen và im lặng quan sát khi nụ hoa sen từ từ mở cánh ra. Thế thì bạn có thể quán tưởng điều cảm nhận sẽ là thế nào nếu hoa sen một nghìn cánh nở ra theo cách này trong đầu. Thế thì bạn sẽ có thể tưởng tượng về kinh nghiệm này theo cách nào đó.
Còn có một kinh nghiệm tuyệt vời khác: đó là dục. Những người đi sâu vào trong kinh nghiệm dục cũng cảm thấy việc nở hoa này, nhưng nó là kinh nghiệm lướt qua rất nhanh. Cái gì đó bên trong mở ra, nhưng nó khép lại gần như ngay tức khắc.
Nhưng có khác biệt giữa hai kinh nghiệm này. Trong kinh nghiệm dục hoa được cảm thấy treo xuống, trong khi trong samadhi cánh hoa nở được cảm thấy nở lên. Khác biệt này chỉ có thể thấy được bằng cách trải qua cả hai kinh nghiệm đó. Điều tự nhiên là hoa nở xuống nối bạn với thực tại thấp hơn, trong khi hoa nở lên nối bạn với thực tại cao hơn. Thực tế, việc nở hoa này là việc mở ra làm cho bạn thành mong manh với thực tại khác. Nó là cánh cửa mở ra - cánh cửa qua đó cái gì đó đi vào bên trong bạn để cho sự bùng nổ xảy ra.
Vậy, cả hai điều này đều cần tới. Bạn sẽ du hành lên trên cho tới sahasrar và có ai đó bao giờ cũng đợi bạn. Nói ai đó sẽ đến đó khi bạn tới là không đúng; phải nói là ai đó đã có ở đấy rồi đang đợi cho biến cố xảy ra trong bạn.
Liệu biểu lộ kundalini hướng về sahasrar chỉ có được bằng cách thông qua shaktipat không? Chỉ thế thì bùng nổ mới xảy ra chăng? Nếu là như vậy, thế thì điều đó có nghĩa là có thể đạt tới samadhi qua ai đó khác không?
Điều này cần phải được hiểu cho đúng. Trong sự tồn tại, trong cuộc sống, không có biến cố nào đơn giản đến mức bạn có thể hiểu nó chỉ bởi một khía cạnh về nó; nó phải được xem xét theo nhiều chiều. Bây giờ nếu tôi đập cánh cửa bằng búa và cửa mở ra, tôi có thể nói rằng cửa được mở ra bởi cú đập búa của tôi. Theo một nghĩa nào đó điều này đúng: nếu tôi không đập cửa, cửa sẽ không mở ra. Bây giờ cũng với cái búa đó tôi đập vào cánh cửa khác, nhưng búa có thể bị gẫy mà cửa lại không mở - thế thì, ... Thế thì một nhân tố nữa bước vào tri thức của chúng ta: khi tôi đập cánh cửa thứ nhất và nó mở ra, đấy không phải hoàn toàn do chiếc búa. Cánh cửa đã sẵn sàng mở rồi. Nó có thể đã cũ kĩ, nó có thể đã suy yếu, nhưng dù bất kì điều gì, nó đã sẵn sàng mở. Cho nên cánh cửa cùng là một nhân tố như chiếc búa cho điều này xảy ra. Trong trường hợp này chiếc búa đập vào và cửa mở ra; trong trường hợp kia, búa gẫy mà cửa, không mở.
Cho nên khi biến cố xảy ra trong shaktipat, đấy không hoàn toàn là do shaktipat. Tại đầu kia, thiền nhân phải trong hoàn cảnh đã có chuẩn bị bên trong và với sự sẵn sàng, vậy một cú xô khẽ cũng trở nên có hiệu quả. Nếu cú xô này không do shaktipat gây ra, thiền nhân có thể mất thời gian lâu hơn để đạt tới sahasrar. Cho nên kundalini không đạt tới sahasrar chỉ bởi vì shaktipat; chính yếu tố thời gian bị giảm đi - không gì nhiều hơn. Thiền nhân đằng nào cũng sẽ đạt tới.
Giả sử tôi không đập búa đập cửa, nhưng cánh cửa này cũ quá và sắp sập: thế thì nó có thể sập xuống bởi một cơn gió mạnh. Mà dù cho không có gió, trong quá trình thời gian nó cũng sẽ sập đổ theo cách của nó. Thế thì sẽ khó giải thích được tại sao và bằng cách nào nó đổ xuống, vì nó đã chuẩn bị cho sự sụp đổ vào mọi lúc. Cho nên nhiều nhất, khác biệt cũng chỉ là khoảng thời gian.
Chẳng hạn, thoáng nhìn về điều thiêng liêng đã xảy ra cho Swami Vivekananda khi ở gần Ramakrishna. Nếu Ramakrishna một mình chịu trách nhiệm biến cố trong Vivekananda, thế thì điều ấy cũng có thể đã xảy ra cho những người khác tới với ông. Ông ấy có hàng trăm đệ tử. Nếu Vivekananda một mình chịu trách nhiệm, điều đó đáng phải xảy ra cho ông ta từ trước đó lâu rồi. Ông ta đã tới nhiều bậc thầy khác trước khi tới Ramakrishna, mà biến cố đã không xảy ra. Cho nên Vivekandanda đã sẵn sàng theo cách của mình và Ramakrishna có khả năng theo cách của ông ấy.
Khi sự sẵn sàng và khả năng này gặp gỡ nhau vào một điểm đặc biệt, lỗ hổng thời gian cho biến cố được rút ngắn lại. Có thể là nếu Vivekananda không gặp Ramakrishna vào khoảnh khắc đặc biệt đó, biến cố cũng có thể xảy ra chậm hơn một năm, hai năm, hay có thể ở lần sinh tiếp của ông ta, hay có thể sau mười kiếp nữa. Thời gian là không quan trọng. Nếu một người đã sẵn sàng thế thì biến cố sẽ xảy ra chẳng chóng thì chầy.
Lỗ hổng thời gian có thể được rút ngắn. Và điều quan trọng cần hiểu rằng thời gian là hư huyễn, tựa giấc mơ; do đó nó chẳng có giá trị gì mấy. Thực tế thời gian là hiện tượng tựa như giấc mơ tới mức nó chẳng có giá trị gì mấy. Bạn có thể chợp mắt và một vài phút trôi qua, nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi đó bạn có thể thấy một giấc mơ suốt từ thời thơ ấu của mình cho tới tuổi già của bạn, với đủ mọi biến cố, sự kiện. Nhưng trong trạng thái thức thật khó mà tin được rằng giấc mơ dài thế lại kéo dài không quá một phút. Thực tại, chiều thời gian trong trạng thái mơ là rất khác biệt. Thời gian mơ có khả năng bao lấy nhiều, nhiều sự kiện trong một khoảng rất ngắn; do đó đấy là ảo tưởng.
Bây giờ, có những loài côn trùng sinh ra vào buổi sáng và chết đi lúc tối. Chúng ta nói "Loài vật này thật đáng thương!" - nhưng ta đâu có biết rằng trong khoảng thời gian đó loài côn trùng đó đã sống cuộc sống của nó trong sự toàn bộ của nó, và nó kinh nghiệm tất cả những điều chúng ta kinh nghiệm trong bẩy mươi năm. Không có gì khác biệt cả: loài côn trùng như thế xây nhà, tìm vợ, có con, đánh nhau với kẻ khác, và thậm chí còn đạt tới trạng thái sannyas - tất cả trong vỏn vẹn có mười hai tiếng đồng hồ. Nhưng cảm nhận của chúng về thời gian có khác. Chúng ta thương hại chúng vì chúng được ban cho cuộc sống quá ngắn ngủi, còn chúng thương hại chúng ta vì chúng ta phải mất đến bẩy mươi năm để làm tất cả những cái mà chúng có thể làm trong thời kì mười hai tiếng đồng hồ. Theo chúng, chúng ta phải đần độn làm sao!
Thời gian phụ thuộc vào tâm trí; nó là thực thể tâm trí. Chiều dài thời gian thăng giáng theo trạng thái tâm trí chúng ta. Khi bạn hạnh phúc, thời gian thành ngắn ngủi. Khi bạn lo âu hay đau khổ, thời gian thành đằng đẵng. Khi bạn ngồi cạnh giường chết của người thân, đêm dường như chẳng bao giờ chấm dứt; dường như mặt trời chẳng bao giờ mọc. Cứ dường như là đấy là đêm cuối cùng của thế gian và nó sẽ chẳng bao giờ kết thúc, mặt trời sẽ chẳng bao giờ mọc.
Nỗi buồn kéo dài thời gian. Trong buồn bạn muốn thời gian trôi qua nhanh chóng. Bạn càng trông đợi thời gian qua mau, dường như nó lại bò hơn, chậm hơn, bởi vì đây là kinh nghiệm tương đối, mặc dầu thời gian thực tế cứ trôi qua với tốc độ bình thường của nó. Khi một người đợi người yêu mình tới, người đó cảm thấy cô ấy mất quá nhiều thời gian để tới trong khi thực sự cô ấy vẫn bước theo nhịp thông thường của cô ấy. Người đó muốn cô ấy có tốc độ máy bay.
Cho nên thời gian dường như chậm chạp trong nỗi buồn. Khi bạn hạnh phúc, khi bạn gặp bạn mình hay người yêu mình, bạn để cả đêm nói chuyện rồi đến sáng bạn tự hỏi sao đêm trôi qua chóng thế. Cảm nhận thời gian thật khác biệt trong những khoảnh khắc hạnh phúc hay buồn bã.
Thời gian phụ thuộc vào tâm trí; do đó, có thể đem đến thay đổi về thời gian bằng cách tác động vào tâm trí bởi tác nhân bên ngoài. Nếu tôi lấy gậy đập vào đầu bạn, tự nhiên đầu bạn đau. Thân thể bạn có thể bị đánh từ bên ngoài, tâm trí bạn cũng vậy. Nhưng bạn không thể nào bị đánh bởi lực bên ngoài nào đó, vì bạn không là thân thể mà cũng không là tâm trí. Nhưng ngay bây giờ bạn đang nghĩ rằng bạn là thân thể và tâm trí, cho nên thân thể và tâm trí có thể bị ảnh hưởng. Và bằng việc tác động vào thân-tâm bạn, tỉ lệ thời gian có thể đuợc thay đổi theo những cách khác nhau; hàng thế kỉ có thể được thu lại trong vài khoảnh khắc, và ngược lại.
Khoảnh khắc thức tỉnh xảy ra cho bạn, bạn sẽ rất ngạc nhiên. Tới giờ đã hai nghìn năm kể từ khi Jesus chết, năm nghìn năm từ Krishna, và rất nhiều thời gian đã trôi qua kể từ khi Zarathushtra và Moise. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên rằng khoảnh khắc bạn thức tỉnh, bạn sẽ nói: "Trời, họ cũng vừa mới thức tỉnh!" Lỗ hổng thời gian dừng lại hoàn toàn. Bây giờ nhiều nghìn năm này trở thành tựa như thời gian mơ.
Cho nên khi người ta thức tỉnh, tất cả đều thức tỉnh. Thậm chí không có khác biệt tới một khoảnh khắc. Điều này khó hiểu. Khoảnh khắc bạn thức tỉnh, bạn trở thành đương đại với Phật, Christ, Mahavira và Krishna. Họ sẽ ở quanh bạn dường như họ cũng vừa mới thức tỉnh với bạn. Không có khác biệt một khoảnh khắc - không thể thế được.
Bây giờ nếu chúng ta vẽ ra một hình tròn và nhiều đường nối từ tâm ra chu vi, ta sẽ thấy rằng tại chu vi khoảng cách giữa bất kì hai đường nào cũng là lớn nhất. Thế rồi, khi bạn đi theo các đường này vào tâm, khoảng cách giữa hai đường trở nên ngày càng nhỏ đi, đến tại điểm tâm không còn khoảng cách nữa. Tất cả các đường trở thành một tại điểm đó. Cho nên khi một người đạt tới tâm của kinh nghiệm sâu sắc đó, khoảng cách đã từng hiện diện ở chu vi - về hai nghìn năm, năm nghìn năm - tan biến. Nhưng thật khó cho người như vậy để giải thích kinh nghiệm của mình, vì người nghe của người đó vẫn còn ở phần ngoại vi và ngôn ngữ của họ cũng là ngôn ngữ của phần ngoại vi. Đó là lí do tại sao có khả năng bị hiểu sai sâu xa.
Một người tới tôi. Người đó là người tôn sùng Jesus.
Người đó hỏi tôi: "Thầy nghĩ gì về Jesus?"
Tôi đáp, "Nói ra ý kiến về chính mình là không thích hợp"
Người đó nhìn tôi ngạc nhiên. "Có lẽ thầy không hiểu tôi," người đó nói. "Tôi hỏi ý kiến của thầy về Jesus cơ."
Tôi nói, "Tôi cũng cảm thấy rằng bạn đã không nghe tôi. Tôi đã nói rồi, 'Đưa ra ý kiến về chính mình là không thích hợp.' Người đó trông hoang mang. Thế rồi tôi giải thích cho người đó, 'Bạn có thể lí thuyết hoá về Jesus chừng nào bạn chưa biết về ông ấy. Khoảnh khắc bạn biết, sẽ không khác biệt gì giữa bạn và ông ấy cả. Làm sao bạn còn có ý kiến được?'"
Một hôm, một nghệ sĩ đem tới cho Ramakrishna xem bức tranh người đó đã vẽ về Ramakrishna. Ông ấy hỏi Ramakrishna có thích bức tranh ấy không, nhưng ông ấy thấy rằng Ramakrishna cúi rạp mình trước tấm tranh và chạm trán vào chân người trong tranh. Người có mặt ở đó nghĩ rằng chắc có nhần lẫn, lẫn lộn gì đó. Có lẽ Ramakrishna không nhận ra rằng đấy là chân dung mình. Cho nên hoạ sĩ đã nhắc ông ấy rằng ông ấy đang cúi lạy trước bức chân dung của chính mình.
"Tôi quên mất điều ấy," Ramakrishna trả lời. Bức tranh này thật là sâu lắng trong samadhi - làm sao đấy lại có thể là tranh của tôi được? Nếu samadhi có đấy, không có ‘tôi’ mà cũng chẳng có ‘anh’. Cho nên tôi cúi mình trước samadhi. Cũng tốt là ông đã nhắc tôi nếu không người ta sẽ cười." Nhưng mọi người đều đã cười rồi.
Ngôn ngữ của chu vi không phải là ngôn ngữ của trung tâm. Cho nên khi Krishna nói: "Chính ta là Rama", và khi Jesus nói: "Ta đã tới trước và đã nói với ông", và khi Phật tuyên bố: "Ta sẽ trở lại nữa", họ đều nói ngôn ngữ của trung tâm, và điều này thật khó cho chúng ta hiểu. Phật tử vẫn chờ đợi sự quay trở lại của Phật lần nữa trên thế gian. Sự thật là ở chỗ ông ấy đã trở tới nhiều lần rồi. Cho dù ông ấy tới, ông ấy cũng chẳng được thừa nhận, vì không có cách nào tới trong cùng dạng lần nữa. Khuôn mặt đó là một hiện tượng tựa giấc mơ, và nó đã mất đi mãi mãi.
Cho nên tại trung tâm không có lỗ hổng thời gian. Do đó, thời gian được ngụ ý cho việc xảy ra chứng ngộ có thể được tăng tốc lên hay làm chậm đi; nó có thể được tăng tốc lên rất nhiều. Điều đó có thể được thực hiện bởi shaktipat.
Và trong phần cuối câu hỏi của bạn, bạn đang hỏi về người khác tham gia vào việc xảy ra samadhi.
Người khác dường như là người khác bởi níu bám dai dẳng của bạn vào biên giới của bản ngã riêng mình. Do vậy Vivekananda sẽ nghĩ rằng chứng ngộ xảy ra là do Ramakrishna. Nếu Ramakrishna nghĩ theo cách đó thì sẽ là xuẩn ngốc. Với Ramakrishna điều đó xảy ra theo cách khác. Cũng tựa như là tay phải đau và tay trái đặt thuốc lên. Bây giờ, tay phải có thể nghĩ rằng ai đó khác đang chữa chạy cho nó và có thể cám ơn hay từ chối việc chữa chạy ấy. Tay phải có thể nói, "Tôi không nhận sự giúp đỡ từ người khác; tôi độc lập." Nhưng thế thì nó không biết rằng cùng năng lượng ấy đang làm việc thông qua tay trái, cũng làm việc thông qua tay phải. Cho nên khi một người được người khác giúp đỡ, đấy không thực là người khác đâu; đấy chính là sự sẵn sàng của riêng bạn đã kêu gọi sự giúp đỡ này từ phần khác của chính cái ta riêng của bạn.
Có một cuốn sách cổ đại ở Ai cập trong đó có nói, "Đừng bao giờ đi tìm thầy. Thầy sẽ xuất hiện tại cửa nhà bạn vào khoảnh khắc bạn đã sẵn sàng." Nó cũng nói: "Cho dù bạn có lên đường đi tìm thầy, làm sao bạn tìm được? Làm sao bạn nhận ra được thầy? Nếu bạn đã có đủ phẩm chất để nhận ra thầy, thế thì chẳng cái gì thiếu trong bạn."
Do đó, bao giờ cũng là thầy nhận ra đệ tử. Đệ tử không bao giờ có thể nhận ra được thầy. Không có khả năng nào, không có cách nào. Vì bạn vẫn không thể nào nhận ra được bản thể bên trong riêng của mình, làm sao bạn nhận ra thầy được? Cái ngày mà bạn sẵn sàng, một bàn tay nào đó, mà thực sự là bàn tay của riêng bạn, sẽ hiện diện như người hướng dẫn của bạn để giúp bạn. Bàn tay đó là bàn tay của người khác chừng nào bạn vẫn còn chưa biết. Cái ngày bạn biết, bạn thậm chí sẽ không chờ đợi đưa ra lời cám ơn nữa.
Có một lệ trong các thiền viện ở Nhật bản. Khi thiền nhân tới thiền viện để học thiền, người đó đem theo chiếc chiếu của mình, trải nó ra trên đất và ngồi lên nó. Hàng ngày người đó thiền trên chiếc chiếu và rồi để nó ở đấy. Cái ngày việc thiền của người đó hoàn tất, người đó sẽ cuộn chiếu và ra đi. Thế thì thầy hiểu rằng việc thiền của người đó đã hoàn thành. Thầy không trông đợi lời cám ơn, vì nhu cầu ở đâu? Mà ai cám ơn ai? Thiền nhân không nói một lời. Thầy thấy thiền nhân cuộn chiếu và ông ấy hiểu. Thời điểm đã tới để cuộn chiếu. Thế là tốt. Chẳng cần gì mà giữ hình thức cám ơn cả. Ai được cám ơn? Và nếu thiền nhân phạm phải sai lầm này, thầy có thể lấy thiền trượng đánh người đó khi ra lệnh cởi chiếu ra vì việc thiền vẫn còn chưa xảy ra.
Cho nên ý tưởng về người khác chỉ là do dốt nát của chúng ta; nếu không, lấy đâu ra người khác? Chỉ có một mình bản thân mình trong vô số hình dạng; chỉ có bản thân mình trên vô số cuộc hành trình; chỉ có bản thân mình trong vô hạn tấm gương. Dứt khoát chỉ có một mình bản thân mình đang trong gương, mặc dầu điều người ta thấy là khác với bản thân mình.
Có một câu chuyện Sufi. Một con chó lạc lối trong một lâu đài. Tường và trần của lâu đài này đều làm bằng gương, cho nên con chó gặp khó khăn lớn. Bất kì chỗ nào nó nhìn cũng toàn chó là chó. Nó trở nên rất phân vân: nhiều chó khắp xung quanh thế! Nó có mỗi mình vậy mà bị bao quanh bởi lắm chó thế. Không có cách nào thoát ra được, vì cửa cũng bằng gương cho nên nó thấy chó cả ở đấy nữa. Thế rồi nó bắt đầu sủa, nhưng tất cả các con chó trong gương cũng bắt đầu sủa với nó. Và khi tiếng sủa của nó tràn ngập trong phòng, nó chắc chắn nỗi sợ của nó không phải là không có căn cứ và rằng cuộc sống nó đang lâm nguy. Nó cứ tiếp tục sủa và tất cả các con chó khác cũng sủa còn to hơn. Nó chạy lăng xăng để đánh nhau với chúng; chó trong gương cũng làm hệt như vậy. Cả đêm nó kiệt sức vì sủa và đánh nhau với những con chó trong gương, mặc dầu nó chỉ có mỗi mình ở đó! Đến sáng lính gác thấy nó chết bên trong lâu đài. Con chó chết vì chạy, sủa và đánh nhau với hình phản xạ, mặc dầu chỉ có mình nó ở đấy. Khi nó chết, mọi tiếng động cũng lắng xuống; các tấm gương trở nên im lặng.
Có nhiều tấm gương, và khi chúng ta nhìn người khác, đấy chỉ là sự phản chiếu của riêng chúng ta trong các tấm gương khác nhau; do đó, người khác là ảo tưởng. Ý niệm rằng chúng ta đang giúp người khác là ảo tưởng, và ý niệm rằng chúng ta đang nhận sự giúp đỡ từ người khác cũng là ảo tưởng nốt. Thực tại, người khác, như họ vậy, là ảo tưởng.
Một khi điều này được nhận ra, cuộc sống trở thành đơn giản. Thế thì bạn không làm cái gì đó cho người khác, mà coi người đó là người khác, bạn cũng không để người khác làm điều gì đó cho bạn mà cảm thấy người đó là người khác. Thế thì đấy chính là bản thân bạn được mở rộng ra cả hai đầu. Thế thì nếu bạn đưa tay giúp đỡ ai đó trên đường tức là bạn đã giúp cho chính mình rồi. Nếu ai đó khác đưa tay giúp bạn, thế thì người đó cũng chỉ giúp chính họ thôi. Nhưng điều này đến trong hiểu biết của chúng ta chỉ sau kinh nghiệm tối thượng. Trước lúc đó, người khác dứt khoát là người khác.
Có lần thầy đã ngụ ý rằng shaktipat tỏ ra là có hại cho Vivekananda.
Không phải shaktipat là có hại cho Vivekananda mà điều xảy ra sau đó. Nhưng ý tưởng về được và mất cũng đi đôi với trạng thái mơ; nó không phải là vượt ra ngoài mơ.
Với giúp đỡ của Ramakrishna, Vivekananda có một thoáng thấy samadhi mà lẽ ra ông ta sẽ có trên cơ sở sức mạnh của riêng mình, nhưng muộn hơn nhiều. Bây giờ, điều ấy tựa thế này: Tôi đập cửa bằng búa và cửa đổ ra, nhưng tôi có thể dựng cửa dậy lần nữa bằng cách đóng đinh vào nó cũng cùng với cái búa ấy. Búa có thể đánh đổ cửa mà cũng có thể chữa lại nó - nhưng chính là cùng một chiếc búa có tác dụng trong cả hai trường hợp.
Ramakrishna có khó khăn nên ông ấy cần dùng Vivekananda để giải quyết chúng. Ramakrishna là con người hoàn toàn mộc mạc, vô học, vô giáo dục. Kinh nghiệm của ông ấy sâu sắc nhưng ông ấy không có phương tiện để diễn đạt nó, truyền đạt nó. Ông ấy cần phải sử dụng người khác như phương tiện, như trung gian để làm cho thế giới biết tới kinh nghiệm của ông ấy. Nếu điều này không phải là như vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ biết tới Ramakrishna. Chính là từ lòng từ bi của ông ấy mà ông ấy mới cố gắng truyền đạt cho bạn về kinh nghiệm của mình thông qua người khác.
Nếu tôi phát hiện ra kho báu nào đó trong nhà tôi và nếu tôi là người què, và tôi trèo lên vai người khác để giao kho báu đó sang nhà bạn, tôi sẽ phải dùng đôi vai của người này. Người đó sẽ phải chịu đôi chút bất tiện và khó nhọc bởi việc cõng tôi, nhưng ý định của tôi chỉ là để trao kho báu cho bạn. Nhưng bởi vì tôi bị què, còn kho báu, có thể chưa bao giờ được yêu cầu tới, tôi thậm chí không thể đi ra và trao tin đó được.
Vấn đề này có đấy đối với Ramakrishna; vấn đề không phải như vậy đối với Phật. Trong cá tính của Phật cả Ramakrishna lẫn Vivekananda đều cùng hiện diện. Phật có thể diễn đạt điều ông ấy biết; Ramakrishna không thể diễn đạt điều ông ấy biết. Ông ấy cần người khác, người có thể là phương tiện cho việc diễn đạt của ông. Cho nên ông ấy để lộ cho Vivekananda thoáng thấy kho báu bên trong, nhưng ngay lập tức bảo Vivekananda rằng ông ấy giữ chìa khoá bên mình và ông ấy sẽ trao chìa khoá đó lại cho Vivekananda ba ngày trước cái chết của ông ấy.
Vivekananda bắt đầu khóc lóc và van xin Ramakrishna đừng tước đi những cái ông ấy cho mình. Ramakrishna bảo ông ấy: "Ông có công việc khác phải làm. Nếu ông đi vào samadhi ông sẽ mất hút mãi mãi và công việc của ta sẽ bị ảnh hưởng. Điều tốt là ông không kinh nghiệm samadhi trước khi công việc của ta kết thúc, vì ông chỉ có thể làm được việc đó trước khi đạt tới samadhi." Ramakrishna không biết rằng người ta làm được việc đó cả sau samadhi. Ông ấy có thể không biết tới điều đó, vì bản thân ông ấy không thể nào làm được bất kì điều gì sau samadhi.
Thông thường chúng ta được hướng dẫn bởi kinh nghiệm của riêng mình. Sau kinh nghiệm của mình về samadhi, Ramakrishna không thể làm được việc gì. Ông ấy không thể nói lâu được - việc nói là rất khó cho ông ấy. Ngay cả nếu ai đó nói ra từ Ram, ông ấy sẽ đi vào ngay trong cơn mê. Ai đó tới chào ông ấy, "Jai Ramji" và thế là ông ấy sẽ bị lạc khỏi thế giới. Đối với ông ấy, rất khó để vẫn còn có ý thức dù chỉ nhắc tới danh xưng của Thượng đế, như Ram. Nó ngay lập tức nhắc nhở ông ấy về thế giới khác. Ai đó nói "Allah!" và ông ấy sẽ biến mất. Nếu ông ấy thấy ngôi đền hồi giáo, ông ấy sẽ mất hút vào samadhi; ông ấy không thể ra khỏi chỗ đó được. Ông ấy mà nghe thấy bài ca sùng kính khi đang bước trên đường, ông ấy sẽ đổ sập vào cơn mê, ngay tại chỗ ấy lúc ấy.
Cho nên theo kinh nghiệm riêng của mình, ông ấy là đúng khi nghĩ rằng cùng điều đó thể xảy ra cho Vivekananda. Do đó, ông ấy đã bảo Vivekananda, "Ông còn nhiệm vụ rất lớn lao cần phải thực hiện, và sau đó, ông có thể đi vào samadhi." Toàn bộ cuộc sống của Vivekananda đã trôi qua mà không đạt tới samadhi, và điều này gây ra cho ông ấy nỗi đau lớn.
Nhưng nhớ lấy, đau là thuộc về thế giới mơ. Cũng tựa như một người mơ giấc mơ xấu. Ba ngày trước khi chết ông ấy được trao cho chìa khoá, nhưng mãi cho đến lúc đó vẫn cứ là một nỗi đau lớn lao. Những bức thư mà ông ấy viết cho đến quãng năm đến bẩy ngày trước khi ông chết đều đầy những đau đớn và khổ não, và lại ngày một tăng thêm với khao khát khắc khoải về điều mà ông ấy mới chỉ có được thoáng nhìn.
Khát khao của bạn chưa đến mức mãnh liệt thế bởi vì bạn chẳng có ý tưởng nó là gì cả. Thoáng nhìn trong khoảnh khắc và thế là khao khát sẽ bắt đầu. Bạn có thể hiểu điều đó theo cách này: bạn đang đứng trong bóng tối với những viên đá cuội trong tay, cứ đinh ninh chúng là kho báu đá quí. Bạn rất hạnh phúc. Rồi một tia chớp loé lên và bạn thấy rằng có các mỏ kim cương ở phía trước trong khi bạn đang cầm đá cuội trong tay. Rồi tia chớp tắt đi, nhưng nó để lại một thông báo đằng sau rằng bạn phải báo cho những người khác cũng đang đứng đấy cầm đá cuội trong tay họ, rằng một kho báu vô giá đang đợi họ. Rồi ánh chớp không loé lên cho bạn nữa, và bạn phải thực hiện nhiệm vụ kể cho mọi người về kho báu đang nằm phía trước mặt. Vậy Vivekananda bị buộc phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, là bổ sung thêm cho Ramakrishna và cũng là điều cần thiết cho ông ấy; điều bị thiếu trong Ramakrishna ông ấy phải bù thêm thông qua một người khác.
Điều như thế này vẫn xảy ra nhiều lần. Nếu một người không thể thực hiện được một nhiệm vụ đặc biệt, thì sẽ phải cần tới ba hay bốn người khác. Đôi khi thậm chí cần có năm đến mười người để giúp lan truyền thông điệp của một người. Cho nên Ramakrishna đã làm điều đó do lòng từ bi, nhưng việc ấy tạo ra khó khăn nào đó cho Vivekananda.
Cho nên tôi nói tránh shaktipat nhiều nhất có thể được. Nhiều nhất có thể được, cố gắng vì ân huệ. Chỉ shaktipat đó mới có ích, cũng tốt như ân huệ, không có sợi dây nào được gắn vào, không có điều kiện nào cùng nó, tuyệt đối vô điều kiện, với điều đó không ai có thể nói, "Tôi đang giữ chìa khoá trong một thời kì nào đó."
Shaktipat phải xảy ra không có người trung gian ngay cả để truy vấn điều đã xảy ra. Nếu bạn muốn cám ơn người đó, thậm chí bạn cũng sẽ không biết chỗ tìm người đó; thế thì sẽ dễ dàng cho bạn. Nhưng nhiều lúc, khi một người như Ramakrishna cần giúp đỡ của người khác, không có cách nào khác để thu được điều đó như cách này; nếu không, kinh nghiệm của Ramakrishna sẽ bị mất, không được diễn đạt. Ông ấy cần người trung gian để diễn đạt điều đó và Vivekananda đã hoàn thành việc đó.
Đây là lí do tại sao Vivekananda bao giờ cũng nói rằng bất kì cái gì ông ấy đang nói, đều không thuộc về ông ấy. Khi ông ấy được tôn vinh ở Mĩ ông ấy nói rằng ông rất đau đớn bởi vì vinh dự thuộc về một người mà mọi người khác chẳng ai biết đến cả. Và khi ai đó gọi ông ấy là người vĩ đại, ông nói, "Tôi thậm chí không xứng đáng được là hạt bụi dưới chân của con người vĩ đại chính là thầy tôi." Nhưng sự kiện vẫn còn là giá mà Ramakrishna qua Mĩ, ông sẽ bị nhốt vào nhà thương điên cho người mất trí; ông ấy sẽ bị đưa vào điều trị tâm thần. Chẳng ai sẽ nghe nói về ông nữa; thay vì thế thì ông ấy dứt khoát bị công bố là điên.
Chúng ta chưa thể nào thấy được khác biệt giữa điên thường và điên thiêng liêng, cho nên ở Mĩ cả hai kiểu điên này đều bị tống vào nhà thương điên. Ramakrishna sẽ bị giam giữ để chữa trị trong khi Vivekananda nhận được mọi tôn vinh - vì điều Vivekananda nói có thể hiểu được bằng lí trí. Bản thân ông ấy không trong trạng thái điên thiêng liêng. Ông ấy chỉ đơn thuần là sứ giả, bưu tá mang bức thư của Ramakrishna và đọc nó cho người ở nước ngoài. Nhưng ông ấy có thể đọc hay.
Mulla Nasrudin là người có học duy nhất trong làng - và bạn có thể tưởng tượng anh ấy là người có học thức thế nào trong trường hợp đó - cho nên mọi người trong làng phải nhờ tới anh ta viết thư của họ. Một người tới ông ấy để nhờ viết thư. Nasruddin nói anh ta không viết vì chân anh ta bị đau. Người này nói, "Chân anh thì liên quan gì tới việc viết thư? Anh không viết bằng tay à?"
Nasruddin nói, "Ông không biết đấy thôi. Khi tôi viết thư, chỉ mỗi tôi mới có thể đọc thư. Cho nên tôi phải đi sang làng khác để đọc nó. Tôi sẽ viết lá thư đó nhưng ai sẽ đọc nó? Chân tôi lại đau quá. Chừng nào mà tôi còn chưa thể bước đi được, tôi sẽ không viết bức thư nào đâu."
Cho nên nếu một người như Ramakrishna viết một bức thư, một mình người đó có thể đọc được nó, vì người đó đã quên mất ngôn ngữ của bạn và ngôn ngữ người đó nói ra là vô nghĩa đối với bạn. Chúng ta gọi những người như thế là điên. Cho nên những người như thế phải tìm kiếm và chọn lấy một sứ giả trong chúng ta, người có thể viết theo ngôn ngữ chúng ta. Người như vậy không hơn gì một bưu tá. Do đó, thận trọng về Vivekananda. Ông ấy không có kinh nghiệm của riêng mình. Điều ông ấy nói là kinh nghiệm của người khác. Ông ấy thành thạo trong nghệ thuật của mình, ông ấy là chuyên gia trong việc dùng từ, nhưng đấy không phải là kinh nghiệm của ông ấy.
Chính bởi lí do này mà chúng ta thấy sự cả tin trong các bài nói của Vivekananda. Ông ấy nhấn mạnh vào quan điểm của mình quá mức cần thiết, và điều này lại tạo nên khiếm khuyết. Bản thân ông ấy cũng nhận biết được sự kiện là điều ông đang nói không xuất phát từ kinh nghiệm riêng của ông ấy. Tuy nhiên người trí huệ bao giờ cũng ngại ngùng: người đó sợ; người đó có thể không nêu ra được kinh nghiệm của mình rõ ràng như người đó cảm thấy nó. Người đó sẽ suy ngẫm hàng nghìn cách trong đầu trước khi nói ra, ấy thế mà người đó vẫn còn băn khoăn rằng điều mình nói có thể không hoàn toàn là điều mình muốn diễn đạt. Người không biết cứ xông bừa lên và nói điều người đó phải nói. Người đó không cảm thấy ngại ngùng gì, vì người đó biết đích xác tất cả những điều người đó phải nói.
Nhưng điều này rất khó cho người đã chứng ngộ như Phật. Ông ấy không đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi. Ông ấy hay nói, "Khó trả lời được những câu hỏi này." Cho nên mọi người hay nói, "Có những người giỏi hơn trong làng ta, họ trả lời được mọi câu hỏi của chúng ta. Họ còn khôn ngoan hơn Phật. Chúng ta hỏi họ liệu có Thượng đế hay không, và họ trả lời một cách tự tin hoặc có hoặc không. Phật không trả lời vì ông ấy không biết."
Nhưng với Phật, rất khó trả lời có hay không, cho nên ông ấy ngần ngại và nói, "Hỏi câu hỏi khác đi, không phải câu hỏi này." Điều đó tự nhiên làm cho mọi người nói rằng ông ấy không biết và rằng ông ấy nên thừa nhận về dốt nát của mình. Nhưng điều này Phật cũng không thể không nói được, vì ông ấy biết. Thực tế Phật nói ngôn ngữ hoàn toàn khác với chúng ta và đây là điều gây ra khó khăn.
Cho nên điều đã xảy đi xảy lại nhiều lần là việc nhiều người như Ramakrishana rời khỏi thế giới này không để lại thông điệp của họ. Họ không thể làm được điều đó. Rất hiếm người tổ hợp được cả hiểu biết và khả năng truyền đạt. Khi việc tổ hợp hãn hữu này xảy ra, chúng ta gọi người như thế là tirthankara, avatar, nhà tiên tri, vân vân. Cho nên số người đã chứng ngộ không hạn chế chỉ vào những người đã nói ra. Còn nhiều người khác không thể chuyển giao thông điệp của họ.
Ai đó hỏi Phật, "Thầy có mười nghìn khất sĩ bhikkus ở đây, và trong suốt bốn mươi năm qua thầy đã thuyết giảng cho mọi người. Bao nhiêu người đã đạt được cùng mức độ tâm thức như thầy đang vậy?
Phật nói: "Nhiều người đã đạt tới."
Người này hỏi, "Thế thì tại sao chúng tôi không thể nhận ra được họ như chúng tôi có thể nhận ra thầy?
Phật nói, "Ông không thể nhận ra được họ do khác biệt ở chỗ ta có thể nói còn họ không thể nói. Nếu ta cũng giữ im lặng, ông sẽ không biết ta. Ông chỉ nhận biết lời nói; ông không thể nhận ra chứng ngộ. Ngẫu nhiên mà ta biết và cũng có thể nói về nó."
Cho nên có khó khăn với Vivekananda mà ông ấy phải chỉnh lại các kiếp sống sắp tới. Nhưng khó khăn này là không tránh khỏi. Do đó Ramakrishna, vì rất cần, đã đem điều đó tới cho ông. Vivekananda cảm thấy mất mát nhưng cái mất của ông ấy thuộc về thế giới mơ. Nhưng dù cho là thế thì tại sao người ta phải trải qua mất mát ngay cả trong cõi tựa giấc mơ? Nếu chúng ta cần giấc mơ thế thì tại sao lại không có giấc mơ hay?
Có một câu chuyện ngụ ngôn của Aesop:
Ngày xưa một con mèo đang ngủ mơ dưới bóng cây. Một con chó đi qua đó và cũng nằm dài ra dưới cây. Con mèo dường như đang mơ một giấc mơ rất thích thú, và con chó tò mò muốn biết nó đang mơ gì.
Khi mèo tỉnh dậy, chó bèn hỏi mèo mơ gì. Mèo ta nói, "Ôi, thật là một giấc mơ đáng yêu làm sao, trời đổ chuột xuống."
Con chó khinh khỉnh nhìn và nói, "Ngốc ơi là ngốc! Làm gì có chuyện trời mưa ra chuột. Chúng tớ cũng mơ đấy, mà bao giờ chúng tớ cũng chỉ thấy xương rơi xuống - và kinh sách của chúng tớ cũng nói rằng trời toàn mưa ra xương thôi. Chuột không rơi xuống như mưa đâu, đồ mèo ngốc ạ! Nếu cậu phải mơ, mơ về xương ấy."
Với chó, xương mới có nghĩa. Tại sao nó phải mơ về chuột? Nhưng với mèo, xương là vô dụng.
Cho nên tôi nói với bạn: Nếu bạn phải mơ, sao lại mơ giấc mơ xấu? Và nếu bạn định thức tỉnh, thế thì dùng tối đa khả năng của bạn, sức mạnh riêng của bạn, quyết tâm riêng của bạn - và đừng đợi người khác đến giúp bạn. Giúp đỡ sẽ tới, nhưng đấy là vấn đề khác. Bạn không nên chờ đợi và mong đợi giúp đỡ, vì bạn càng trông đợi, quyết tâm của bạn sẽ càng trở nên yếu hơn. Chấm dứt suy nghĩ theo đường hướng đó. Trông đợi chẳng ích gì và nỗ lực toàn bộ, luôn nhớ rằng bạn chỉ có một mình. Giúp đỡ sẽ tới từ nhiều nguồn khác nhau - nhưng đấy lại là vấn đề khác rồi.
Do đó, nhấn mạnh của tôi là vào sức mạnh ý chí của riêng bạn, để cho không cản trở nào được tạo ra cho bạn.
Và khi bạn nhận được cái gì đó từ ai đó, nó bao giờ cũng phải không do bạn đã yêu cầu hay trông đợi. Nó nên đến tựa cơn gió, và thế thì nó có thể ra đi tựa cơn gió.
Đây chính là lí do tại sao tôi nói rằng Vivekananda phải chịu mất mát, và chừng nào ông ấy còn sống, ông ấy còn phải nhận biết sâu sắc về điều đó. Thính giả của Vivekananda ngồi nghe mê mẩn; họ nhận được thoáng nhìn từ điều ông ấy nói. Nhưng Vivekananda tự mình biết rõ là điều ấy đã không xảy ra cho mình. Sẽ là điều khủng khiếp đối với tôi nếu phải đem đến cho bạn tin tức về hương vị của cái gì đó và bản thân tôi chẳng có kinh nghiệm gì về hương vị của nó cả. Tôi có thể có một lần đã nếm trải nó, nhưng trong mơ mà nay đã tan vỡ. Tưởng tượng nếu sau đó tôi được bảo, "Bây giờ ông sẽ chẳng còn mơ gì về nó nữa đâu, nhưng cứ đi và nói cho mọi người về nó đi." Cho nên đấy là trường hợp đối với Vivekananda. Ông ấy có thử thách gay go riêng. Nhưng ông ấy là một người mạnh mẽ; ông ấy có khả năng chịu đựng được thử thách này. Đây là một phần của lòng từ bi, nhưng điều này không có nghĩa là bạn nữa cũng phải chịu đựng những thử thách như vậy.
Vivekananda đã có kinh nghiệm về samadhi qua tiếp xúc với Ramakrishna. Liệu nó có phải là kinh nghiệm đích thực không?
Đúng hơn nên gọi nó là kinh nghiệm sơ bộ. Vấn đề chân thực không quan trọng ở đây. Đấy hoàn toàn là kinh nghiệm sơ bộ mà trong đó người ta chỉ có được thoáng nhìn. Thoáng nhìn này không thể rất sâu sắc hay tâm linh.
Biến cố này xảy ra tại đường biên nơi tâm trí kết thúc và linh hồn bắt đầu. Tại chiều sâu này nó chỉ là kinh nghiệm tâm lí; do đó thoáng nhìn đã bị mất đi. Nhưng trong trường hợp của Vivekananda, chẳng ích gì mà đi quá sâu vì Ramakrishna sợ. Ông ấy đã không cho phép điều đó được đi quá sâu; bằng không, con người này sẽ chẳng còn tác dụng gì cho ông ấy nữa. Ramakrishna quan tâm sâu sắc về linh ảnh của mình đến mức chẳng bao giờ ông ấy nghĩ quan niệm của ông ấy về kinh nghiệm này làm cho một người thành vô dụng vì thế giới này không phải là một trăm phần trăm đúng đắn.
Phật đã nói trong bốn mươi năm sau chứng ngộ của ông ấy; tình huống cũng tương tự với Jesus và Mahavira. Họ không có khó khăn gì. Nhưng với Ramakrishna, vấn đề lại khác. Ông ấy có khó khăn này; khó khăn bao giờ cũng trong tâm trí riêng của ông ấy. Do đó, ông ấy đã cho Vivekananda chỉ thoáng nhìn lướt nhanh. Nó là chân thực khi xảy ra, nhưng nó cũng sơ cấp. Nó không đi đủ sâu; bằng không, Vivekananda có lẽ đã thấy khó mà quay lại được.
Không phải bộ phận mà là sơ bộ. Có khác biệt giữa hai điều này. Kinh nghiệm về samadhi không thể mang tính bộ phận được, nhưng có thể có thoáng nhìn tâm trí về samadhi. Kinh nghiệm này mang tính tâm linh, thoáng nhìn mang tính tâm trí. Nếu tôi đứng trên đỉnh núi và nhìn ra biển, tôi nhất định sẽ thấy biển, nhưng từ khoảng cách xa. Tôi sẽ không đứng trên bờ cát; tôi sẽ không chạm vào hay nếm nước biển; tôi sẽ không chìm đắm vào hay tắm trong nó. Tôi đã thấy biển từ đỉnh núi. Bạn có gọi kinh nghiệm này là bộ phận được không?
Không. Và mặc cho sự kiện là tôi không chạm tới một giọt nước đại dương, bạn cũng không thể gọi kinh nghiệm của tôi là không chân thực được. Tôi đã thấy đại dương từ trên đỉnh núi cho dù tôi không trở thành một với nó. Theo cùng cách này bạn có thể thấy được linh hồn từ đỉnh cao nhất của thân thể bạn.
Thân thể cũng có đỉnh của nó - các kinh nghiệm đỉnh của nó. Nếu bạn có kinh nghiệm rất sâu sắc về thân thể, bạn cũng có thể có được thoáng nhìn về linh hồn trong nó. Nếu bạn hoàn toàn mạnh khoẻ và kinh nghiệm cái cảm nhận khoẻ mạnh ấy, nếu thân thể tràn ngập với sức khoẻ tốt, bạn có thể đạt tới chiều cao của thân thể mà từ đó bạn có thể có thoáng nhìn về linh hồn. Bạn sẽ kinh nghiệm rằng bạn không phải là thân thể và rằng bạn là cái gì đó khác. Bạn sẽ không biết linh hồn là gì nhưng bạn sẽ đạt tới chiều cao tối thượng của thân thể.
Tâm trí cũng có chiều cao của nó. Chẳng hạn, khi bạn ở sâu trong tình yêu - không trong dục, vì dục là khả năng duy nhất của thân thể. Nhưng ngay cả trong dục, nếu bạn đạt tới đỉnh của kinh nghiệm dục, bạn sẽ có thoáng nhìn về linh hồn. Tuy nhiên, nó sẽ là thoáng nhìn xa xôi - thoáng nhìn từ điểm cuối xa nhất. Nhưng nếu bạn có kinh nghiệm sâu sắc về tình yêu, nếu bạn ngồi cạnh người mình yêu trong một khoảnh khắc mà không thốt ra một lời phá vỡ im lặng, chỉ với tình yêu chuyển qua lại giữa hai bạn, không làm hay ham muốn gì mà chỉ có sóng tình yêu đi từ người nọ sang người kia, trong khoảnh khắc tình yêu đó bạn sẽ đạt tới chiều cao mà từ đó bạn sẽ có thoáng nhìn về linh hồn. Cho nên những người yêu nhau cũng có được thoáng nhìn về linh hồn.
Nghệ sĩ vẽ bức tranh. Người đó bị cuốn hút trong việc vẽ đến mức trong khoảnh khắc đó người đó trở thành Thượng đế, đấng sáng tạo, vì người đó kinh nghiệm cùng trạng thái mà Thượng đế phải đã cảm thấy khi ngài tạo ra thế giới. Nhưng chiều cao này là của tâm trí. Trong khoảnh khắc của thoáng nhìn ấy, người này cảm thấy giống đấng sáng tạo. Nhiều lần người đó phạm phải sai lầm nghĩ rằng kinh nghiệm này là đủ. Kinh nghiệm này có thể có từ âm nhạc, từ thơ ca, từ cái đẹp tự nhiên và từ những vật khác như vậy. Nhưng tất cả những cái đó đều là các đỉnh xa xôi. Khi bạn đã hoàn toàn tan biến trong samadhi, việc nhận biết xảy ra. Từ bên ngoài có nhiều đỉnh mà từ đó bạn có thể có thoáng nhìn về linh hồn.
Cho nên kinh nghiệm này của Vivekananda đã xảy ra tại mức độ của tâm trí, vì như tôi đã bảo với bạn, người khác có thể đi vào trong bạn tới đỉnh của tâm trí và có thể nâng bạn lên đỉnh đó
Nhìn điều đó theo cách này: tôi đặt một đứa bé lên vai mình và nó nhìn khắp xung quanh. Rồi tôi hạ nó xuống - vì vai tôi không thể là vai riêng của nó. Chân nó vẫn còn nhỏ và nó sẽ phải cần một khoảng thời gian dài để lớn lên đến chiều cao như tôi. Nhưng được nâng lên trên vai tôi nó đã thấy, và bây giờ nó có thể đi tới người khác và nói rằng nó đã thấy điều gì đó. Mọi người có thể không tin vào nó; họ có thể nói rằng với chiều cao của nó, điều ấy là không thể được. Nhưng nó có thể trèo lên vai của người khác và có cái nhìn. Tất cả những điều này đều là khả năng của tâm trí; do đó, nó không phải là tâm linh.
Tất cả đều như nhau, nó không phải là không chân thực; nó là sơ cấp. Kinh nghiệm sơ cấp có thể xảy ra hoặc trong thân thể hoặc trong tâm trí. Và nó không phải là bộ phận; nó là đầy đủ, nhưng nó bị giới hạn vào cõi của tâm trí. Nó không phải là của linh hồn, vì trong kinh nghiệm này về linh hồn, không có quay lại. Tại mức độ đó không ai có thể giữ được chìa khoá của bạn; không ai có thể nói rằng khi người đó đưa lại chìa khoá, chỉ lúc ấy điều đó mới xảy ra. Không ai khác có bất kì lời nào ở đó được. Nếu nhiệm vụ nào đó còn đang được trông đợi cần được hoàn thành bởi người trung gian, thế thì người đó phải bị chặn lại trước điểm siêu việt; bằng không, khó khăn sẽ nảy sinh.
Chúng tôi có thể nói rằng Ramakrishna đã khai thác Vivekananda được không?
Có thể nói thế nhưng mà lại không nên nói thế thì vì từ này truyền đạt ý tưởng kết án đằng sau nó. Ramakrishna đã không lợi dụng Vivekananda để thu được cái gì đó ích kỉ cho bản thân mình; ý tưởng của ông ấy là ở chỗ qua Vivekananda người khác sẽ được lợi. Ông ấy khai thác ông này chỉ theo nghĩa ông ấy sử dụng ông này. Có khác biệt lớn giữa khai thác và sử dụng. Khi tôi giải quyết cái gì đó hay dùng cái gì đó với mục đích của bản ngã tôi, thế thì điều đó trở thành khai thác. Nhưng khi tôi làm điều gì đó cho thế giới, cho vũ trụ, cho mọi người, không có vấn đề khai thác.
Bên cạnh đó, liệu có chắc chắn rằng nếu Ramakrishna không chỉ cho ông này thoáng nhìn ấy, Vivekananda tự mình có được nó trong cuộc đời không? Điều này có thể được quyết định chỉ bởi những người đã chứng ngộ. Tôi cảm thấy đấy chắc là trường hợp này, nhưng chúng ta không thể đưa ra bất kì bằng chứng nào cho sự việc như thế. Khi Ramakrishna bảo Vivekananda rằng ba ngày trước cái chết của mình, ông này sẽ có được chìa khoá, điều đó chỉ có thể có nghĩa là theo Ramakrishna, Vivekananda sẽ đạt tới samadhi ba ngày trước khi chết như kết quả của nỗ lực riêng của mình. Bây giờ, khi có liên quan tới việc đưa lại chìa khoá, Ramakrishna đã chết, nhưng chìa khoá đã được trao lại đích xác như đã được nói.
Điều này là có thể vì bạn không biết cá tính riêng của mình như người đã đi sâu vào bên trong cái ta. Từ chiều sâu của riêng mình người này có thể biết được tiềm năng của bạn. Người này thậm chí còn có thể nói được khi nào bạn sẽ đạt tới chứng ngộ nếu bạn có thể bước theo nhịp của riêng mình.
Chúng ta lấy thí dụ, bạn đã bắt đầu trên cuộc hành trình và có một trái núi trên con đường của bạn. Bây giờ tôi biết con đường và các bước đi qua núi, phải mất bao lâu để đi qua nó và những khó khăn gì bạn sẽ gặp phải. Tôi thấy bạn đang trèo lên núi, và tôi có thể nói rằng bạn sẽ mất, chẳng hạn, ba tháng để vượt qua nó. Tôi có thể biết được từ tốc độ bước đi của bạn và cách thức bạn du hành mà bạn phải mất ngần ấy thời gian. Nếu tôi định đón bạn trên đường và cho cho bạn thoáng nhìn về đỉnh núi, rồi bỏ bạn lại nơi bạn đang ở đó, hứa với bạn rằng trong vòng ba tháng bạn sẽ tìm thấy mục đích, điều này về căn bản không thể được coi như việc tôi dùng bạn được. Mọi thứ bên trong, tinh tế và phức tạp đến mức bạn không thể biết được nó từ bên ngoài.
Chẳng hạn, hôm qua Nirmala về nhà và ai đó bảo cô ấy rằng cô ấy sẽ chết vào độ tuổi năm mươi ba. Bây giờ, tôi đưa ra lời đảm bảo rằng cô ấy sẽ không chết vào tuổi năm ba. Không phải là tôi sẽ thực hiện lời đảm bảo này: tự nó sẽ hoàn thành theo cách riêng của nó. Cho nên bây giờ nếu cô ấy không chết ở độ tuổi năm ba, cô ấy sẽ cho là điều đó là do tôi.
Vivekananda nói rằng chiều khoá đã được trao ba ngày trước cái chết của ông ấy - nhưng ai có đó để mà trao lại chìa khoá?
Có thể là Ramakrishna biết rằng Vivekananda phải trải qua một thời kì gian khổ trong nỗ lực tâm linh với những thất bại và đau đớn, và do vậy, từ lòng từ bi, ông ấy đã cho ông này thoáng nhìn để nuôi dưỡng hi vọng của ông này chăng?
Đừng bao giờ nghĩ dưới dạng ngôn ngữ này, rằng "Có thể là..." vì điều này không có mục đích và không có nghĩa trong đó. Theo cách này bạn sẽ cứ nghĩ ngợi chẳng liên quan gì. Chỉ cần nghĩ dưới dạng điều gì đích xác là có thể và không nhiều hơn, vì bằng không đó là những con đường vô nghĩa có thể dẫn bạn đi lạc lối. Trong hình mẫu suy nghĩ này bạn sẽ bị hại nhiều lắm, vì bạn sẽ cứ bỏ lỡ cái đang đó. Cho nên bao giờ cũng thấy sự kiện như nó đang đó, và nếu bạn muốn biết một vật như nó đang đó, cắt bỏ tất cả những cái có thể đã là. Nếu bạn không biết đích xác sự kiện, thế thì biết rằng bạn quả là không biết, nhưng đừng cố che đậy dốt nát của bạn với giả thiết khôn ngoan về "Nó có thể là." Đây là cách chúng ta che đậy nhiều thiếu sót của mình. Tốt hơn cả là phanh lại từ đây.
Chương 2. Chín muồi của thiền nhân trên con đường
Trong một bài nói trước đây, Thầy đã nói rằng việc giáng xuống đột nhiên và trực tiếp của ân huệ đôi khi có thể trở thành thảm họa. Người này có thể bị hại hay bị điên hay thậm chí chết. Câu hỏi tự nhiên nảy sinh: Liệu ân huệ có phải bao giờ cũng có lợi không? Ân huệ không giữ cân bằng của nó sao? Rủi to cũng có thể do sự kiện là người nhận chưa đủ khả năng. Trong trường hợp đó, làm sao ân huệ có thể giáng xuống một người chưa đủ phẩm chất?
Thượng đế không phải là người mà là năng lượng. Điều này ngụ ý rằng năng lượng không xét tới người; bất kì cái gì xảy ra cho từng người, cũng đều xảy ra một cách không thiên vị.
Chẳng hạn, cây cối bên bờ sông nhận được nuôi dưỡng từ dòng nước chảy qua; nó sẽ đâm hoa kết quả và trở nên cao lớn và mạnh mẽ. Nhưng cây rơi vào trong cùng dòng nước đó, sẽ bị cuốn đi xa cùng dòng nước trôi nhanh. Bây giờ sông chẳng có liên can gì tới những cây này. Nó không quan tâm tới việc nuôi dưỡng cây trước mà cũng chẳng quan tâm tới việc phá huỷ cây sau. Sông chỉ chảy thôi. Sông là năng lượng chảy, nó không phải là người.
Chúng ta bao giờ cũng phạm phải sai lầm về việc coi Thượng đế là người. Do đó, mọi suy nghĩ của chúng ta về Thượng đế đều dường như là ngài là một người. Chúng ta nói ngài rất tốt; chúng ta nói ngài đầy khoan dung; chúng ta nói ngài ban phúc cho chúng ta. Đây chỉ là mong đợi và ham muốn chúng ta áp đặt lên Thượng đế. Mặc dầu chúng ta có thể áp đặt mong đợi của mình lên một người và nếu mong đợi không được đáp ứng, chúng ta đổ cho người đó trách nhiệm về việc ấy, chúng ta không thể làm điều này cho năng lượng được. Cho nên bất kì khi nào chúng ta coi năng lượng như là người, chúng ta nhất định đi lạc lối, vì thế thì chúng ta bị lạc trong mơ. Nếu chúng ta giải quyết với năng lượng, kết quả sẽ hoàn toàn khác.
Chẳng hạn, lực hấp dẫn: bạn có thể bước trên đất bởi vì lực này, nhưng lực này không chỉ ngụ ý làm cho bạn bước được. Đừng tưởng lầm rằng nếu bạn không bước, lực hấp dẫn sẽ không tồn tại. Nó đã có đấy khi bạn còn chưa có trên trái đất và nó vẫn còn đấy ngay cả sau khi bạn không còn nữa. Nếu bạn bước theo cách thức sai, bạn có thể bị ngã và gẫy chân. Điều này cũng là do lực hấp dẫn; nhưng với điều này bạn sẽ không thể nào đi kiện bất kì ai vì không có ai để trách cả. Hấp dẫn là luồng năng lượng. Bạn phải cẩn thận với luật vận hành của nó nếu bạn muốn đối phó với nó. Nhưng nó chẳng nghĩ chút nào về cách đối phó với bạn.
Năng lượng của Thượng đế không vận hành cho riêng bất kì ai. Thực tế, nói rằng "năng lượng của Thượng đế", cũng không đúng, thay vì thế ta nên nói "Thượng đế là năng lượng." Thượng đế không nghĩ về cách hành xử với bạn; nó có luật vĩnh hằng của riêng nó và luật vĩnh hằng này là tôn giáo. Tôn giáo có nghĩa là luật của hành vi của năng lượng, cái là Thượng đế.
Nếu bạn ứng xử một cách sáng suốt, hiểu biết và tuân theo năng lượng này, nó trở thành ân huệ cho bạn - không phải ân huệ của riêng nó mà là vì bạn đấy thôi. Nếu bạn làm điều ngược lại, nếu bạn đi ngược lại các luật của năng lượng, nó trở thành cái ban phát điều không ân huệ cho bạn. Trong trường hợp này, Thượng đế không phải là không cho ân huệ; nó là vậy bởi vì bạn.
Cho nên sẽ là sai lầm nếu coi Thượng đế như người. Thượng đế không phải là người mà là năng lượng; do đó, cầu nguyện và tôn thờ chẳng mang nghĩa nào. Trông đợi từ Thượng đế là vô nghĩa. Nếu bạn muốn rằng năng lượng thiêng liêng này trở thành phúc lành, ân huệ cho bạn, thế thì bạn phải làm điều gì đó cho cái ta của riêng bạn; do đó thực hành tâm linh có nghĩa, cầu nguyện không có nghĩa. Thiền có nghĩa, tôn thờ không có nghĩa. Hiểu khác biệt này cho rõ ràng.
Trong lời cầu nguyện, bạn đang làm điều gì đó với Thượng đế: bạn cầu xin, bạn nài nỉ, bạn trông đợi, bạn đòi hỏi. Trong thiền bạn đang làm việc cho cái ta riêng của mình. Trong tôn thờ bạn đang làm điều gì đó với Thượng đế; trong nỗ lực tâm linh bạn đang làm điều gì đó cho bản thân bạn. Nỗ lực cho trưởng thành tâm linh nghĩa là bạn đang làm biến đổi bản thân mình theo cách mà bạn không còn trong bất hoà với sự tồn tại, với tôn giáo. Khi dòng sông chảy bạn không bị dòng nước cuốn đi. Thay vì vậy, bạn ở trên bờ, nơi nước sông làm mạnh thêm gốc rễ của bạn chứ không cuốn nó đi. Khoảnh khắc chúng ta thấy Thượng đế như năng lượng, toàn bộ cấu trúc tôn giáo thay đổi.
Chính với lí do này mà tôi đã nói rằng nếu ân huệ bất thần và trực tiếp giáng xuống, đôi khi nó trở thành thảm hoạ.
Điều khác bạn đã hỏi là: "Người không đủ năng lực liệu có thể nhận được ân huệ không?
Không, ân huệ không bao giờ giáng xuống cho người không đủ phẩm chất với nó. Nó bao giờ cũng giáng xuống cho người đã được chuẩn bị về nó. Nhưng đôi khi một người không đủ năng lực bỗng nhiên phát triển các phẩm chất cần thiết, và bản thân người đó lại không biết về điều này. Điều xảy ra bao giờ cũng xảy ra dưới những điều kiện đúng, hệt như ánh sáng là thấy được chỉ với những người có mắt và là không thấy được với người nù. Nhưng nếu người mù đã được điều trị thuốc thang để cho người đó có thể thấy được, rồi người đó ra khỏi bệnh viện và nhìn trực tiếp vào mặt trời, người đó sẽ bị tai hại trầm trọng. Người đó phải đeo kính râm trong một hay hai tháng và chờ đợi.
Nếu người không nhạy cảm bỗng nhiên trở thành nhạy cảm, nhất định sẽ có rủi ro. Trong trường hợp người mù, mặt trời đâu đáng trách. Người đó phải phát triển sức mạnh của mắt để chịu đựng được ánh sáng mặt trời nếu không sẽ có nguy hiểm là người đó trở thành mù hoàn toàn. Cái mù lần đầu là có thể chữa được, nhưng bây giờ sẽ khó mà chữa cho cái mù lần thứ hai của người đó.
Hiểu điều này cho kĩ: kinh nghiệm chỉ tới cho những người xứng đáng. Nhưng đôi khi có khả năng một người không xứng đáng bỗng nhiên phát triển các phẩm chất cần thiết do hoàn cảnh mà bản thân người đó lại chẳng biết gì về điều đó cả. Thế thì bao giờ cũng có nỗi sợ về thảm hoạ, vì năng lượng giáng xuống bất thần và bạn, lại không trong điều kiện chịu đựng được nó.
Chẳng hạn: một người bỗng nhiên có được món tiền lớn. Thông thường, điều ấy chẳng hại gì, nhưng nếu nó tới một cách đột ngột nó có thể nguy hiểm. Hạnh phúc đột ngột cũng có thể tạo ra tai nạn, vì chúng ta cần một khả năng nào đó để chịu đựng nó. Chúng ta trở nên có khả năng chịu đựng nó nếu nó tới dần dần. Nếu phúc lạc tới dần dần, chỉ có thế chúng ta mới trở nên được chuẩn bị cho nó.
Việc được chuẩn bị này, khả năng chịu đựng này, tuỳ thuộc vào biết bao nhiêu nhân tố. Thần kinh trong bộ não, tình trạng sung sức về thể chất, khả năng tinh thần - tất cả đều có những giới hạn của chúng, và năng lượng chúng ta đang nói tới là vô giới hạn. Nó cũng tựa như cả đại dương rơi vào trong một giọt nước: nếu giọt nước không được chuẩn bị theo cách nào đó để đón nhận đại dương, nó đơn thuần sẽ chết; nó sẽ bị phá huỷ và nó sẽ chẳng đạt tới cái gì cả.
Nói cho chính xác, có một loạt hành động kép cần cho sự phát triển tâm linh. Chúng ta phải đưa bản thân mình lên con đường và trở thành hài hoà với nó. Nhưng trước khi đó chúng ta phải phát triển khả năng của mình để hấp thu nó. Đây là hai nhiệm vụ cần phải được người tìm kiếm thực hiện. Một mặt chúng ta phải mở cửa và cải thiện thị lực của mình, và mặt khác chúng ta phải đợi thậm chí đến sau khi thị lực đã được cải thiện để cho mắt có thể chịu đựng được sự rực rỡ của ánh sáng; bằng không quá nhiều ánh sáng sẽ đem tới bóng tối còn tối hơn. Đây là giải quyết một chiều - ánh sáng chẳng liên quan gì tới nó cả. Trách nhiệm hoàn toàn ở phía chúng ta và chúng ta không thể trách bất kì ai về điều đó được.
Cuộc hành trình của cuộc đời người trải rộng qua nhiều kiếp, và người đó làm nhiều thứ trong mỗi kiếp sống. Nhiều lần điều xảy ra là người đó chết ngay khi người đó sắp có thể nhận được ân huệ. Với cái chết này người đó mất đi tất cả kí ức về cuộc đời này. Làm việc với bản thân mình qua nhiều kiếp bạn có thể đạt tới chín mươi chín bậc trưởng thành; chết đi bạn sẽ quên mất tất cả thành tựu của mình - nhưng những yếu tố tồn tại của sự trưởng thành bên trong sẽ được mang sang kiếp sống tiếp.
Có người khác, ngồi cạnh bạn, mới chỉ hoàn thành một bậc phát triển trong kiếp sống quá khứ của mình. Người đó cũng quên tất cả về nó. Cả hai bạn đều thiền: cả hai bạn đều thuộc về mức độ phát triển hoàn toàn khác nhau. Bây giờ, nếu một mức độ phát triển xảy ra, người kia sẽ đạt tới chỉ mức độ thứ hai của sự phát triển và ân huệ không giáng xuống người đó. Nhưng với thêm một mức độ trưởng thành nữa bạn sẽ đạt tới điểm một trăm bậc và ân huệ đột nhiên sẽ giáng xuống bạn. Điều này sẽ là đột nhiên cho bạn vì bạn chẳng có ý tưởng gì là bạn đã ở bậc thứ chín mươi chín. Và do vậy cõi trời có thể rơi vào bạn, tất cả mọi sự chuẩn bị đúng đắn và đột nhiên cần phải được tiến hành cho điều này.
Khi tôi nói rủi ro, tôi chỉ nói tới việc xảy ra mà với nó chúng ta không được chuẩn bị. Rủi ro không nhất thiết có nghĩa là biến cố xấu hay đau đớn; nó chỉ có nghĩa là sự xuất hiện của biến cố đó mà chúng ta chưa sẵn sàng. Bây giờ nếu một người trúng xổ số một triệu đô la, đây không phải là biến cố xấu. Nhưng người đó có thể chết. Một triệu đô la! - tim người đó có thể ngừng đập. Cho nên rủi ro nghĩa là sự xuất hiện của một biến cố mà chúng ta chưa được chuẩn bị.
Điều đối lập cũng có thể xảy ra. Nếu một người được chuẩn bị cho cái chết của mình và nó tới, không nhất thiết cái chết của người đó là biến cố xấu. Nếu một người như Socrates được chuẩn bị để gặp gỡ cái chết và đón mừng nó với vòng tay rộng mở, thế thì với người như vậy cái chết trở thành samadhi. Người đó chấp nhận cái chết với tình yêu và niềm vui đến mức người đó sẽ thấy rằng thực tại chẳng bao giờ chết.
Chúng ta tiếp cận tới cái chết với nhiều buồn khổ đến mức chúng ta trở nên vô ý thức trước cái chết. Chúng ta không kinh nghiệm cái chết một cách có ý thức. Đây là lí do tại sao, cho dù ta đã chết đi nhiều lần rồi, chúng ta vẫn không biết về quá trình chết. Một khi bạn biết cái chết là gì, thế thì chính ý tưởng là bạn có thể chết sẽ chẳng bao giờ nảy sinh nữa. Thế thì biến cố chết sẽ xảy ra và bạn sẽ đứng sang bên quan sát nó. Nhưng điều này phải xảy ra với ý thức hoàn toàn.
Cho nên cái chết có thể là vận may tốt cho người này và ân huệ có thể là tai hoạ cho người khác. Do đó sự trưởng thành tâm linh cũng có hai mặt: chúng ta phải kêu gọi, cầu khẩn, tìm kiếm và đi, và đồng thời chúng ta phải chuẩn bị bản mình cho biến cố này để cho khi ánh sáng lan tới cánh cửa mình, chúng ta không bị loá vì nó. Nếu bạn ghi nhớ những điều tôi đã nói với bạn ngay từ đầu, sẽ không có khó khăn nào cả. Nếu bạn coi Thượng đế là người, bạn sẽ thấy bản thân mình gặp khó khăn lớn; nếu bạn coi ông ấy như năng lượng, sẽ chẳng có khó khăn gì.
Khái niệm này về Thượng đế như người đã gây ra rất nhiều khó khăn. Tâm trí ham muốn ngài là người để cho chúng ta có thể truyền mọi trách nhiệm cho ông ấy, và làm cho ngài chịu trách nhiệm, chúng ta bắt đầu đặt gánh nặng của mọi thứ nhỏ nhoi lên ngài. Nếu một người tìm được việc, người đó cám ơn Thượng đế; nếu người đó mất việc, người đó trở nên giận Thượng đế. Nếu một người bị vết phỏng rộp, người đó nghi ngờ điều đó là việc làm của Thượng đế; nếu vết phỏng lành, người đó cám ơn Thượng đế. Chúng ta chẳng bao giờ xem xét cách chúng ta sử dụng Thượng đế; chúng ta thậm chí còn chưa nghĩ đến thái độ này ích kỉ làm sao, mà với nó ta cứ giả sử rằng Thượng đế phải lo lắng đến cả vết phỏng rộp mình.
Nếu chúng ta đánh mất một đồng xu và rồi ngẫu nhiên tìm thấy nó, ta nói, "Nhờ ơn trời mình tìm thấy nó rồi." Chúng ta muốn Thượng đế trông giữ tài khoản cho chúng ta tới từng đồng ru pi cuối cùng. Ý tưởng này thoả mãn cho tâm trí chúng ta vì thế thì chúng ta có thể đứng ở trung tâm thế giới. Thế thì cách giải quyết của chúng ta với Thượng đế cũng tương tự như cách đối xử của người hầu trước ông chủ. Chúng ta trông đợi ông ấy đứng gác trước cửa nhà ta và chăm nom của cải của ta cho tới đồng xu cuối cùng. Ưu điểm của việc coi Thượng đế như người là ở chỗ trách nhiệm có thể dễ dàng đẩy sang cho ngài.
Nhưng người tìm kiếm nhận trách nhiệm về bản thân mình. Thực tế, là người tìm kiếm nghĩa là không coi ai khác ngoài bản thân mình chịu trách nhiệm cho mọi thứ. Nếu có nỗi buồn trong đời tôi, tôi chịu trách nhiệm, và nếu có hạnh phúc trong đời tôi, tôi cũng chịu trách nhiệm. Nếu tôi yên bình, chính tôi chịu trách nhiệm; nếu tôi bất ổn, đấy là việc làm của riêng tôi thôi. Không có ai ngoài bản thân tôi chịu trách nhiệm cho bất kì trạng thái nào tôi đang trong đó. Nếu tôi ngã và gẫy chân, đấy là lỗi của tôi và tôi không thể trách lực hấp dẫn được. Nếu đây là thái độ của tâm trí, thế thì bạn đã hiểu đúng rồi đấy. Thế thì ý nghĩa của rủi ro sẽ khác đi.
Bởi lí do này, tôi nói rằng ân huệ là có ích lợi và là phúc lành cho người đã chuẩn bị chu đáo cho điều đó. Thực tế mọi thứ đều có thời của nó cả. Có một khoảnh khắc đặc biệt cho từng việc xảy ra, và bỏ lỡ khoảnh khắc này là thảm kịch lớn.
Trong một trong những bài nói của Thầy, Thầy đã nói rằng tác động của shaktipat giảm đi dần dần; vậy người tìm kiếm phải duy trì tiếp xúc đều đặn với người trung gian. Điều này chẳng có nghĩa là sự phụ thuộc vào một người nào đó dưới dạng một guru hay sao?
Điều này có thể trở thành phụ thuộc. Nếu ai đó nôn nóng là guru và nếu ai đó nôn nóng có được guru, trạng thái phụ thuộc này có thể xảy ra. Cho nên đừng phạm sai lầm mà trở thành đệ tử hay làm cho ai đó thành guru của bạn. Nhưng nếu không có vấn đề về guru hay đệ tử, chẳng phải lo sợ gì về phụ thuộc cả. Thế thì người mà bạn nhận sự giúp đỡ đơn giản là một phần của chính cái ta riêng của bạn, người đã đi trước trên con đường này. Thế thì ai là guru và ai là đệ tử?
Tôi thường kể câu chuyện rằng Phật đã kể về một trong những kiếp trước của ông ấy. Ông ấy nói, "Ta là kẻ dốt nát trong kiếp trước của mình. Một người trí huệ đã đạt tới chứng ngộ, cho nên ta đến gặp người đó. Ta cúi đầu chạm chân người đó trong sùng kính. Nhưng ngay khi ta vừa ngửng dậy, ta rất đỗi ngạc nhiên là ông già đã cúi người chạm chân ta.
"‘Thầy làm cái gì thế này!’ Ta buột kêu lên. ‘Tôi phải chạn vào chân thầy là phải và đúng, nhưng thầy chạm chân tôi thì không hợp chút nào!’
"Ông già nói, ‘Nếu anh chạm chân ta mà ta lại không chạm chân anh, đó sẽ là sai lầm lớn, vì ta chẳng là gì ngoài một phần của anh, bước vài bước trước anh thôi. Và khi ta cúi đầu chạm chân anh là ta nhắc anh rằng anh đã làm đúng khi chạm chân ta. Nhưng chớ hiểu lầm rằng anh và ta là hai. Cũng vậy, đừng sai lầm nghĩ rằng ta trí huệ còn anh dốt nát. Đấy chỉ là vấn đề thời gian thôi. Chỉ cần thêm chút thời gian nữa và anh cũng sẽ được chứng ngộ. Cũng hệt như khi chân phải của ta tiến lên, chân trái còn lại phía sau: thực tại, chân trái còn lại phía sau để cho chân phải có thể tiến lên."
Mối quan hệ của guru và đệ tử là có hại. Tuy nhiên, việc đặt mối quan hệ vô quan hệ giữa guru và đệ tử, lại rất ích lợi. Vô quan hệ nghĩa là không có hai; quan hệ là nơi có hai. Chúng ta có thể hiểu nếu đệ tử cảm thấy guru là thực thể phân tách khỏi người đó, vì đệ tử là dốt nát. Nhưng nếu guru cũng cảm thấy cùng điều đó, thế thì quá lắm. Thế thì điều đó nghĩa là kẻ mù đang dẫn lối cho kẻ mù - và người mù dẫn đường còn nguy hiểm hơn, vì người mù thứ hai hoàn toàn tin cậy vào người đó.
Chẳng có ý nghĩa tâm linh nào đối với mối quan hệ guru-đệ tử cả. Thực tại, mọi mối quan hệ đều là mối quan hệ quyền lực. Tất cả chúng đều là mối quan hệ về chính trị quyền lực. Ai đó là bố, ai đó là con; nếu đây là mối quan hệ tình yêu, nó sẽ là vấn đề khác. Thế thì người bố sẽ không ý thức về việc mình là bố, mà người con cũng không ý thức mình là con. Thế thì con sẽ là dạng có trước của bố và bố sẽ là dạng tiếp sau của con - và điều này là chân lí của vấn đề.
Chúng ta gieo hạt mầm và cây mọc lên. Thế rồi cây này sinh ra hàng nghìn hạt. Đâu là mối quan hệ giữa những hạt này và chiếc hạt đầu tiên? Hạt này đến trước rồi các hạt khác theo sau. Chính cuộc hành trình của cùng một hạt, rơi xuống đất, đâm chồi và tan biến trong đất. Người bố là mối nối đầu tiên và đứa con là mối nối thứ hai trong cùng một dây chuyền. Nhưng thế thì có dây chuyền, không phải là những con người cá thể. Thế thì nếu con chạm vào chân bố nó tức là nó biểu hiện sự kính trọng của mình đối với mối nối trước đó. Nó đang biểu lộ sự thành tâm của mình với cái đang diễn ra, vì không có bố, nó không thể tới thế giới này được. Nó đã đi vào sự tồn tại thông qua người bố.
Và nếu người bố nuôi dưỡng con mình, cho nó ăn và mặc, người đó không bỏ công sức cho ai đó khác; chính mở rộng của riêng người đó mà người đó đang nuôi dưỡng. Nếu ta nói rằng người bố trở thành thanh niên lần nữa trong đứa con mình, chúng ta cũng không sai. Thế thì vấn đề không phải là vấn đề về quan hệ nữa; đấy là một việc hoàn toàn khác. Đấy là tình yêu, không phải là quan hệ.
Nói chung chúng ta thấy mối quan hệ giữa bố và con là mối quan hệ chính trị. Bố mạnh và con yếu, cho nên bố chi phối con. Bố cố gắng làm cho con cảm thấy, "Mày chẳng là gì cả, tao là mọi thứ." Nhưng ông ấy không nhận ra rằng chẳng mấy chốc thời gian sẽ tới khi đứa con thành người mạnh mẽ. Thế thì nó sẽ chi phối người bố theo hệt như vậy.
Mối quan hệ giữa thầy và đệ tử, giữa vợ và chồng đều bị bóp méo... Nếu không, tại sao phải có bất kì mối quan hệ nào giữa chồng và vợ? Hai người đã cảm thấy cái một giữa họ, cho nên họ cùng nhau. Nhưng không, điều này không như vậy. Chồng chi phối vợ theo cách riêng của mình; vợ chi phối chồng theo cách riêng của mình. Cả hai đều chơi với sức mạnh riêng của mình như trò chính trị quyền lực với nhau.
Điều hệt như vậy cũng là trường hợp với guru và đệ tử. Guru áp bức đệ tử, còn đệ tử, đợi đến khi thầy chết để cho mình có thể trở thành guru. Nếu guru chậm chết, sẽ có âm mưu và mưu đồ chống lại ông ta. Cho nên khó mà tìm được guru có đệ tử không nổi loạn chống lại ông ta hay trở thành kẻ thù của ông ta. Đại đệ tử chắc chắn là kẻ thù của thầy. Cho nên người ta phải cẩn thận trong việc chọn đại đệ tử. Điều này gần như không tránh khỏi, vì sức ép quyền lực bao giờ cũng gặp với nổi loạn. Tâm linh chẳng liên quan gì với nó cả.
Tôi có thể hiểu người bố đang gây sức ép lên đứa con: đấy là trường hợp của hai người dốt nát, và họ có thể được tha thứ. Điều ấy không tốt nhưng có thể lượng thứ được. Chồng áp bức vợ và ngược lại là điều thông thường - không tốt nhưng rất thông thường. Nhưng khi guru đàn áp đệ tử của mình, điều ấy trở thành khó khăn. Lĩnh vực này ít nhất cũng không nên có mọi lời tuyên bố rằng "Ta biết còn anh không biết."
Mối quan hệ này giữa guru và đệ tử là gì vậy? Một người là người yêu sách: người này nói, "Ta biết, anh không biết. Anh dốt nát, ta trí huệ. Kẻ dốt nát phải cúi lạy người trí huệ." Nhưng loại người trí huệ nào nói ra "Anh phải cúi lạy trong tôn kính"? Người đó là người dốt nát nhất. Người đó biết vài bí mật được kế thừa, người đó đã nghiên cứu một số kinh sách và người đó có thể lặp lại chúng từ kí ức. Người đó chẳng có gì nhiều hơn điều này.
Có lẽ bạn còn chưa được nghe câu chuyện này:
Có một con mèo đã trở thành kẻ biết tất. Nó trở nên nổi tiếng trong các con mèo - nổi tiếng đến mức nó sắp được coi như một tirthankara. Lí do cho việc trở thành kẻ biết tất là ở chỗ nó đã tìm ra cách rúc vào trong thư viện. Nó biết mọi điều về thư viện này. Với mọi điều là tôi muốn ngụ ý cách vào và ra khỏi thư viện, chồng sách nào là dễ chịu nhất để rúc vào, cuốn sách nào ấm áp nhất trong mùa đông và cuốn nào, mát mẻ nhất trong mùa hè, vân vân.
Cho nên lời đồn đại trong các con mèo là nếu ai muốn có hiểu biết gì về thư viện, con mèo biết tất đó có thể đưa ra câu trả lời. Một cách tự nhiên, chẳng có hoài nghi gì về một kẻ như thế biết mọi điều về thư viện, phải là đấng toàn năng. Con mèo này thậm chí phải có tín đồ nữa. Nhưng sự kiện còn lại là ở chỗ nó chẳng biết gì. Tất cả những cái nó biết về sách chỉ là liệu nó có thể nằm sau sách đó một cách thoải mái, sách nào có đóng bằng vải, ấm, còn sách nào không. Nhiều hơn nữa, nó không biết.
Nó chẳng có ý tưởng nào về cái gì bên trong sách. Mà làm sao mèo có thể biết cái gì bên trong sách?
Có những con mèo biết tất như thế trong loài người nữa đấy, những người biết che chắn cho mình bằng sách vở. Bạn tấn công họ còn họ, lập tức trú ngụ trong Ramayana và cố gắng kìm hãm bạn với lời kinh trong đó. Hay họ sẽ nói, "Gita nói như thế đấy."
Bây giờ ai dám cãi với Gita đây? Nếu tôi định nói, "Đây là điều tôi nói,", bạn có thể tranh luận với tôi. Nhưng nếu tôi đem Gita ra, tôi an toàn rồi. Tôi lẩn đằng sau Gita. Gita toả hơi ấm trong giá lạnh; nó cho tôi nghề nghiệp và trở thành lá chắn bảo vệ chống lại kẻ thù. Nó thậm chí còn trở thành đồ trang trí và có thể nô đùa, nhưng một người làm điều này, chỉ biết nhiều nhất là Gita cũng như mèo trong thư viện; người đó cũng chẳng biết nhiều hơn con mèo biết.
Có thể là bởi kết giao lâu dài mà con mèo có khả năng đi tới biết điều bên trong cuốn sách, nhưng các guru thông thái này sẽ chẳng biết gì cả. Họ càng học thuộc lòng nhiều, họ càng ít cần phải biết. Thế thì họ sẽ bị ảo tưởng rằng họ biết tất cả những cái phải biết.
Bất kì khi nào một người công bố thẩm quyền về việc biết, biết rằng đấy chỉ là cái dốt nát đã trở nên được nói ra, vì việc khẳng định là dốt nát rồi. Nhưng khi một người ngần ngại thậm chí nhắc đến rằng mình biết, thế thì biết rằng người đó đã bắt đầu nhận được thoáng nhìn, tia sáng của trí huệ. Tuy nhiên một người như vậy sẽ không trở thành guru đâu, người đó thậm chí cũng chẳng mơ thành guru, vì với việc trở thành guru, thẩm quyền về tri thức sẽ tới. Ý nghĩa của guru là người biết: người đó chắc chắn rằng mình biết, và bây giờ bạn không cần biết nữa; người đó có thể truyền đạt lại tri thức của mình cho bạn.
Cho nên công bố và thẩm quyền này giết chết ý nghĩa của việc truy tìm và truy vấn trong người khác. Thẩm quyền không thể tồn tại mà không có đàn áp, vì người sử dụng thẩm quyền, bao giờ cũng sợ phát kiến của bạn về chân lí. Thế thì quyền lực của người đó sẽ trở thành thế nào? Cho nên người đó sẽ chặn bạn không cho phát hiện ra. Người đó sẽ thu thập tín đồ và đệ tử quanh mình, và bên trong các đệ tử cũng sẽ có phân cấp các đại đệ tử và các đệ tử thường. Điều này lần nữa lại là cái mạng nhện chính trị và nó chẳng liên quan gì tới tâm linh cả.
Khi tôi nói rằng điều xảy ra tựa như shaktipat - sự giáng xuống của năng lượng của điều thiêng liêng - xảy ra dễ dàng trong sự hiện diện của một người đặc biệt, tôi không có ý rằng bạn nên níu bám và gắn chặt với người này; mà tôi cũng không nói rằng bạn nên phụ thuộc vào người đó hay làm cho người đó thành guru. Tôi cũng không nói rằng bạn nên dừng việc tìm kiếm của mình. Ngược lại, bất kì khi nào biến cố này xảy ra qua một người trung gian, bạn sẽ cảm thấy rằng nếu kinh nghiệm này qua một nguồn gián tiếp mà có thể đem tới vui sướng đến thế thì, việc kinh nghiệm sự giáng xuống trực tiếp của năng lượng thiêng liêng sẽ phải sung sướng đến dường nào! Sau rốt, khi một điều tới qua ai đó, nó quả có mất đi một chút tươi mát; nó trở thành cũ đi một chút.
Tôi ra vườn và tôi tràn ngập với hương thơm của hoa, và rồi bạn tới gặp tôi và bạn cảm thấy hương thơm của hoa qua tôi. Bạn sẽ thấy rằng hương thơm ấy sẽ còn trộn lẫn cả với mùi của tôi nữa, và bởi thế nó cũng sẽ trở nên mờ nhạt.
Cho nên khi tôi nói shaktipat ban đầu rất có ích, điều tôi ngụ ý là ở chỗ trước hết bạn nên nhận lấy tin tức là có một khu vườn và có hoa để cho bạn có thể được động viên khởi hành cuộc hành trình. Nhưng nếu bạn kiếm được một guru bạn sẽ trì trệ, cho nên đừng dừng lại tại cột cây số. Cột cây số nói cho ta còn nhiều điều hơn người mà ta gọi là guru. Chúng cho ta biết ta còn bao xa so với đích. Không guru nào có thể cho được thông tin chính xác như thế. Vậy mà chúng ta cũng chẳng tôn thờ cột cây số hay ngồi gần chúng. Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ tự chứng tỏ mình còn kém hơn cả hòn đá, vì hòn đá có đó để chỉ ra cuộc hành trình còn bao xa nữa. Nó không đứng đó để chặn bạn lại.
Nếu cột cây số biết nói, nó nữa cũng sẽ cất tiếng gọi, "Anh đi đâu đấy? Ta đã trao cho anh thông tin cần thiết. Anh đã đi được mười dặm đường và anh còn phải đi thêm hai mươi dặm nữa. Bây giờ anh biết rồi, vậy anh chẳng cần phải đi thêm nữa. Làm đệ tử của ta; theo ta." Nhưng hòn đá lại không nói được, cho nên nó không thể trở thành guru.
Con người nói được; do đó ông ta trở thành guru. Ông ta nói, "Ta đã chỉ cho anh bao nhiêu thứ; phải biết ơn ta chứ. Anh phải biểu lộ lòng biết ơn của mình, hàm ơn của mình đối với ta." Nhớ lấy, ông ta người yêu cầu sự biết ơn ấy, chẳng có gì cho bạn cả. Ông ta đơn thuần cho bạn một mẩu tin hệt như cột cây số. Cột cây số chẳng biết gì về cuộc hành trình. Chỉ có một mẩu thông tin khắc trên nó mà nó đem trao cho mọi người đi ngang qua thế thôi.
Giống vậy, nếu lòng biết ơn được trông đợi và đòi hỏi, hãy đề phòng. Đừng bị dính mắc vào cá thể. Vượt ra ngoài tính cá thể hướng về cái vô hình, cái vĩnh cửu, cái vô hạn. Tuy nhiên, thoáng nhìn là có thể có được thong qua một người, vốn chỉ là một phương tiện, vì cuối cùng cá nhân cũng thuộc vào điều thiêng liêng. Giống như đại dương có thể được biết tới thông qua chiếc giếng, cho nên cái vô hạn có thể được biết thông qua cá nhân. Nếu thoáng nhìn có thể xảy ra cho bạn, thế thì việc nhận ra cũng có thể xảy ra. Nhưng đừng phụ thuộc vào bất kì ai hay bị nô lệ vào bất kì cái gì.
Mọi quan hệ đều là gắn dính, dù đấy là chồng và vợ, bố và con, hay guru và đệ tử. Nơi nào có quan hệ, nơi đó có cảnh nô lệ. Cho nên người tìm kiếm tâm linh phải không tạo ra quan hệ. Nếu người đó giữ mối quan hệ chồng và vợ, không có hại gì; đấy không phải là cản trở vì quan hệ này là không liên quan. Nhưng điều trớ trêu nằm ở sự kiện là người đó từ bỏ và vứt bỏ các mối quan hệ chồng-vợ, bố-con để tạo ra quan hệ guru-đệ tử mới. Điều này là rất nguy hiểm.
Ý tưởng về mối quan hệ tâm linh chẳng có ý nghĩa gì cả. Tất cả các mối quan hệ đều thuộc về thế gian trần tục. Quan hệ như thế là trần tục. Nếu nói rằng mối quan hệ là thế gian này, điều ấy cũng không sai. Bạn một mình, không kết giao. Đây không phải là phát biểu ích kỉ vì người khác cũng một mình và không kết giao. Ai đó bước trước bạn hai bước; nếu bạn nghe thấy tiếng bước chân, thế thì bạn đã biết về hướng của cuộc hành trình xa của bạn. Có một số người đang bước hai bước sau bạn, có một số người khác đi cùng với bạn. Cho nên vô số linh hồn đang du hành trên con đường. Trong cuộc hành trình này tất cả chúng ta đều là bạn đồng hành; khác biệt duy nhất là ở chỗ ai đó đi trước một chút hay đi sau một chút. Tận dụng tối đa ưu điểm của những người đi trước bạn, nhưng đừng biến điều đó thành một loại cảnh nô lệ nào đó.
Tránh xa khỏi phụ thuộc và các mối quan hệ, và đặc biệt xa khỏi mối quan hệ "tâm linh" - bao giờ cũng vậy. Mối quan hệ trần tục không nguy hiểm, vì thế gian như nó thế đã là mối quan hệ rồi. Nó không phải là vấn đề. Đón nhận thông điệp và chỉ dẫn bất kì chỗ nào chúng có sẵn. Tôi không ngụ ý bạn không nên cám ơn chúng.
Điều này không nên tạo ra bất kì phức tạp nào trong tâm trí bạn. Điều tôi đang nói là ở chỗ nếu lòng biết ơn được yêu cầu, nó là sai, nhưng nếu bạn không biết ơn, đấy lại cũng là sai tương đương. Chúng ta nên cám ơn cột cây số vì cho ta thông tin, dù nó có nghe thấy hay không.
Khi chúng ta nói rằng guru không nên yêu cầu hay trông đợi vào biết ơn, điều đó đánh lừa người nghe và nuôi dưỡng cho bản ngã của người đó. Người đó nghĩ, "Điều này tuyệt đối đúng. Thậm chí chẳng cần cám ơn ông ấy!" Thế là chúng ta phạm phải sai lầm, vì thế thì chúng ta lại hiểu lời phát biểu từ cực đối lập. Tôi không nói rằng bạn thậm chí không cần phải tỏ ra biết ơn. Điều tôi ngụ ý là ở chỗ guru không nên đòi hỏi lòng biết ơn. Cho nên nếu bạn không biết ơn, điều đó cũng sai tương đương về phần bạn. Bạn phải biết ơn, nhưng lòng biết ơn này sẽ không gắn dính bạn, vì cái gì chưa bao giờ được yêu cầu, sẽ chẳng bao giờ gắn dính. Nếu tôi cám ơn bạn mà không có việc yêu cầu từ bạn, điều đó chẳng gắn dính gì. Nhưng nếu bạn yêu cầu có cám ơn, dù tôi có cám ơn bạn hay không, điều ấy sẽ gắn dính bạn và tạo ra rắc rối.
Nhận lấy hướng dẫn hay thoáng nhìn từ bất kì đâu bạn có được nó. Nó sẽ biến mất qua lần này lần nọ. Nó không thể thường hằng vì nó đến từ người khác. Chỉ cái là của bạn mới kéo dài mãi.
Cho nên bạn sẽ phải trải qua việc xảy ra của spaktipat lặp đi lặp lại. Nếu bạn sợ mất tự do của mình, tìm kiếm kinh nghiệm của riêng mình đi. Không ích gì mà phải sợ cảnh tù túng, vì nếu tôi dính tôi với bạn, đấy là tù túng, còn nếu tôi trốn chạy khỏi bạn với nỗi sợ bị bám dính, thế thì tôi cũng bị móc nối vào và do đó bị dính vào bạn.
Cho nên nhận những gì bạn được một cách im lặng; biết ơn và đi tiếp. Và nếu bạn cảm thấy điều gì đó đã từng tới nhưng đã từng mất nhiều lần, thế thì tìm kiếm cội nguồn bên trong, từ nơi nó không bao giờ bị mất. Không có cách nào làm mất đi được, vì kho báu của riêng chúng ta là vô tận. Với những cái có nguồn gốc từ người khác, có cơ là nó sẽ bị mất.
Đừng là kẻ ăn xin cứ hỏi xin từ người khác mãi. Cái bạn nhận được từ người khác phải làm cho bạn bắt đầu việc tìm kiếm riêng của mình. Và điều này trở thành có thể chỉ khi bạn không bị mắc kẹt trong việc có mối quan hệ. Cảm nhận, đưa ra lời cám ơn, và đi tiếp.
Thầy đã nói rằng Thượng đế là năng lượng không thiên vị và thuần khiết. Thượng đế không quan tâm đặc biệt tới cuộc sống con người mà cũng chẳng có nghĩa vụ với cuộc sống con người. Trong Kath Upanishad có một lời kinh hàm nghĩa, "Thượng đế tới gặp người mà Thượng đế yêu mến." Đâu là cơ sở và lí do cho ưa thích này?
Thực tại, tôi không nói rằng Thượng đế không quan tâm tới bạn: nếu như ngài không quan tâm, bạn đã chẳng có rồi. Mà tôi cũng không nói ngài dửng dưng với bạn: ngài không thể thế được vì bạn không xa rời khỏi ngài. Bạn là mở rộng của ngài. Điều tôi nói là ở chỗ ngài không có bất kì mối quan tâm đặc biệt nào tới bạn. Có khác biệt giữa những phát biểu này.
Năng lượng, mà là Thượng đế, không có mối quan tâm đặc biệt nào tới bạn theo nghĩa nó sẽ không vi phạm luật lệ của mình vì bạn. Nếu bạn đập đầu vào đá, bạn nhất định bị thương; tự nhiên sẽ chẳng quan tâm đặc biệt gì tới bạn - mặc dầu khi bạn đập đầu và máu bắt đầu chảy ra, máu cứ chảy vì Thượng đế có tham dự vào việc xảy ra. Khi bạn chết đuối trong dòng sông, thế nữa tự nhiên cũng đang chơi phần của nó - phần làm bạn chết đuối. Nhưng không có mối quan tâm đặc biệt nào theo nghĩa là nó sẽ cứu bạn khi các luật lệ của nó là làm bạn chết đuối. Luật là ở chỗ nếu bạn ngã từ trên mái, bạn sẽ gẫy xương; tự nhiên chẳng quan tâm đặc biệt gì tới việc bạn phải không bị gẫy xương.
Những người tin Thượng đế là người đã thêu dệt ra nhiều câu chuyện mang hương vị thiêng liêng - chẳng hạn như Pralad không bao giờ bị bỏng bởi lửa hay bị thương khi ông ấy bị ném từ trên núi xuống. Những câu chuyện này là suy nghĩ mong ước của chúng ta; chúng ta muốn rằng sự việc phải như vậy. Chúng ta ước rằng Thượng đế có quan tâm đặc biệt tới chúng ta, rằng chúng ta phải là trung tâm sự chú ý của ông ấy.
Vận hành của năng lượng bao giờ cũng tuân theo luật. Mối quan tâm của con người có thể là đặc biệt; con người có thể thiên vị. Nhưng năng lượng, bao giờ cũng vô tư, vô tư là mối quan tâm duy nhất của nó; do đó nó sẽ làm những điều bên trong luật của nó và không bao giờ ra khỏi luật đó. Không có phép màu nào về phần của Thượng đế.
Bây giờ về Kath Upanishad - ý nghĩa của nó là rất khác. Nó nói, "Ngài chỉ gặp những người trong chọn lựa của ngài, gặp những ai mà ngài thấy hạnh phúc và những ai mà ngài thích." Một cách tự nhiên bạn sẽ nói điều này nghĩa là ngài có mối quan tâm đặc biệt tới một số người. Điều này không phải như vậy. Thực tại, rất khó giải thích những việc như thế thì vì khi chân lí được đem ra giải thích, người ta phải giải quyết với rất nhiều khía cạnh.
Những người đã đạt tới Thượng đế luôn luôn nói, "Chúng ta là ai và nỗ lực của chúng ta có giá trị nào cơ chứ? Chúng ta không là ai cả và giá trị của chúng ta, thậm chí cũng chẳng bằng một hạt bụi; vậy mà chúng ta đã đạt tới ngài. Và nếu chúng ta thiền một chốc, giá trị lớn lao nào so sánh được với kho báu vô giá này mà chúng ta đã đạt được? Chẳng có gì so sánh được giữa nỗ lực của chúng ta và cái thu được của chúng ta." Cho nên những người đã đạt tới chứng ngộ đều xác nhận rằng nó không phải là kết quả của nỗ lực của họ. "Đấy là ân huệ của ngài, đấy là mong ước của ngài để ban phúc cho chúng ta; bằng không, liệu chúng ta có thể tìm thấy ngài được không?" họ bao giờ cũng hỏi.
Đây là phát biểu của người vô ngã, người đã hiểu vẻ nguy nga và vĩ đại trong việc đạt tới này của mình. Tuy nhiên, nếu điều này trở thành cách nghĩ của những người còn chưa chứng ngộ, nó sẽ rất nguy hiểm. Khi điều này tới từ những người đã chứng ngộ, phát biểu này là khớp và chuyển tải một dấu hiệu phân biệt về cái tinh xảo của cảm giác.
Những người như vậy xác nhận, "Chúng ta là ai mà chúng ta đã đạt tới ngàiy? Sức mạnh của chúng ta, khả năng của chúng ta là gì? Quyền của chúng ta là gì? Chúng ta đã thỉnh cầu gì về ngài? Thế mà do từ bi của ngài, ngài đã ban phúc cho chúng ta gặp ngài." Với những người đã đạt tới, phát biểu này là đúng. Điều họ ngụ ý là ở chỗ họ không coi việc đạt tới của mình là kết quả trực tiếp của nỗ lực của họ. Điều đó không là thành tựu của bản ngã; nó là món quà, ân huệ. Điều họ nói là đúng, nhưng đọc Kath Upanishad, bạn sẽ gặp khó khăn. Đọc bất kì kinh sách nào con người cũng trong khó khăn lớn, vì kinh sách là phát biểu của những người biết và được đọc bởi những người không biết. Họ nhận nó tương ứng theo việc hiểu của mình và nói, "Được. Nếu Thượng đế chỉ gặp người ngài muốn gặp, theo cái thích riêng của ngài, sao chúng ta phải bận tâm? Tại sao chúng ta phải làm cái gì?" Thế thì tuyên bố của người vô ngã trở thành việc bảo vệ cho trạng thái lờ phờ của chúng ta.
Có khác biệt bao la giữa hai loại người này - giống như giữa trời và đất. Các phát biểu khiêm tốn và vô ngã của người đã chứng ngộ trở thành việc bảo vệ cho cái đờ đẫn và lười nhác của chúng ta. Thế thì chúng ta nói, "Được, Thượng đế chỉ gặp những ai mà ngài muốn gặp và ngài không gặp những ai mà ngài không muốn gặp."
Có một phát biểu tương tự của thánh Augustine nói tới cái gì đó tựa thế này: "Những người mà Thượng đế muốn, ngài làm cho họ điều lành; những người mà ngài muốn, ông ấy làm cho họ điều xấu." Đây dường như là một phát biểu rất nguy hiểm. Nếu điều này là như vậy - rằng Thượng đế làm cho một số người xấu và làm cho một số người tốt theo tính đồng bóng của mình - thế thì mọi sự phát rồ! Thế thì ngài phải là Thượng đế mất trí!
Khi bạn đọc điều này bạn có thể gán một ý nghĩa rất tiêu cực cho nó. Nhưng điều Augustine ngụ ý hoàn toàn khác. Ông nói với người tốt, "Chớ có kiêu ngạo rằng ông là tốt, vì những người mà Thượng đế muốn, ông ấy làm cho họ tốt." Còn với người xấu ông nói, "Chớ có nản chí, đừng lo âu. Những người mà Thượng đế muốn, ông ấy làm cho họ xấu."
Ông ấy đang dứt ra cái kiêu căng trong bản ngã của người tốt và ông đang dứt bỏ cái chua cay trong điều hối tiếc của người xấu. Phát biểu này đến từ người biết. Nhưng người xấu nghe điều này và người đó nói, "Nếu sự việc là như vậy, tôi chẳng có quyền hành gì trong đó - vì những người mà Thượng đế muốn là xấu, là xấu." Cuộc hành trình của người tốt cũng bị chểnh mảng đi, người này nói, "Còn gì phải làm nữa nào? Những người Thượng đế chọn làm tốt, ông ấy làm tốt, còn những người ông ấy chọn không làm tốt, ông ấy không làm tốt." Cuộc sống người đó trở nên vô nghĩa và trì trệ.
Đây là điều các kinh sách đã làm cho toàn thế giới. Kinh sách là lời của những người đã chứng ngộ. Tuy nhiên, những người biết không cần đọc kinh sách, còn những người không biết lại đọc chúng; thế thì khác biệt trong việc hiểu biết là các cực xa nhau. Ý nghĩa mà chúng ta trao cho lời của họ chính là của riêng chúng ta và không phải là ý nghĩa thực tại.
Tôi đã đi tới cảm giác rằng nên có hai loại kinh sách - lời của những người đã chứng ngộ nên được giữ tách biệt, và nên có những kinh sách tách biệt đặc biệt được chuẩn bị cho những người chưa chứng ngộ. Kinh sách chứa lời của người đã chứng ngộ nên hoàn toàn bị dấu kín với người dốt nát, bởi vì người này nhất định sẽ suy diễn ý nghĩa riêng của mình và thế thì mọi thứ trở thành xoắn xuýt và méo mó. Cứ theo cách này, mọi trí huệ của chúng ta đều bị méo mó hết. Bạn có hiểu điều tôi đang nói không?
Thầy đã nói rằng shaktipat, việc truyền năng lượng sống, xảy ra qua trung gian của người vô ngã và rằng người nói, "Ta có thể làm shaktipat,", chắc chắn là giả và shaktipat sẽ không xảy ra qua người đó. Nhưng tôi biết nhiều người vẫn thực hành shaktipat và năng lượng kundalini bắt đầu đi lên và phát triển như vẫn được viết trong các kinh sách. Đây có phải là các quá trình giả không? Nếu có, nó là thế nào và tại sao?
Đây cũng là một điểm quan trọng cần phải hiểu. Thực tế không có gì trong thế giới này không có phần đối xứng giả của nó. Tiền giả tồn tại trong mọi chiều hướng của cuộc sống. Và bao giờ tiền giả cũng có vẻ sáng loáng hơn tiền thật. Nó phải là như vậy, bởi vì chính sự sáng loáng ấy làm cho nó hấp dẫn; nó là vô dụng trong thực tại của nó. Đồng tiền thực có tác dụng cho dù nó không sáng loáng. Tiền giả tạo ra lời tuyên bố hùng hồn vì nó phải bù lại, và bởi vì cái vô giá trị của nó, nó dễ dàng có sẵn.
Tất cả thành tựu tâm linh đều có phần giả tương ứng của chúng và không một kinh nghiệm nào không có thành phần giả. Nếu có kundalini thực, cũng có kundalini giả. Nếu có các luân xa thật, cũng có các luân xa giả. Nếu có phương pháp đúng của yoga, cũng có các phương pháp giả nữa. Khác nhau giữa hai điều này là ở chỗ kinh nghiệm thật xuất hiện trên bình diện tâm linh, trong khi cái giả xuất hiện trên bình diện tâm lí, tâm trí.
Chẳng hạn, nếu một người đi vào thiền sâu và tới gần hơn bản thể mình, người đó sẽ bắt đầu kinh nghiệm nhiều điều. Người đó có thể kinh nghiệm hương thơm mà mình chưa bao giờ biết trước đây; người đó có thể nghe thấy âm nhạc bên ngoài thế giới này; người đó có thể thấy những mầu sắc mà không thấy có trên thế gian. Nhưng tất cả những kinh nghiệm này cũng có thể được tạo ra bởi thôi miên, nhanh chóng và chẳng khó khăn gì. Mầu sắc có thể được tạo ra; giai điệu có thể được tạo ra; hương và vị có thể được tạo ra. Và với tất cả những điều này chẳng cần phải trải qua thiền sâu và biến đổi bên trong gì cả. Tất cả điều bạn cần là trở thành vô ý thức qua thôi miên; thế thì bất kì cái gì được gợi ý từ bên ngoài cũng có thể xảy ra bên trong. Những kinh nghiệm này là đồng tiền giả cả.
Bất kì cái gì xảy ra trong thiền cũng đều có thể xảy ra qua thôi miên nhưng nó sẽ không phải là tâm linh. Đấy là trạng thái được gây ra; nó giống như giấc mơ. Nếu bạn yêu người đàn bà trong trạng thái tỉnh, bạn cũng có thể yêu cô ấy trong mơ nữa - và người đàn bà trong mơ sẽ đẹp hơn. Nếu người đàn ông không tỉnh thức và giữ việc mơ của mình, người này sẽ chẳng bao giờ biết cô gái trong mơ là thực hay ảo tưởng. Làm sao mà người đó biết được? Chỉ khi mơ bị phá vỡ, người đó mới biết rằng đó là mơ.
Cho nên có những phương pháp mà qua đó mọi loại mơ đều có thể được tạo ra bên trong bạn. Mơ về kundalini có thể được tạo ra; mơ về luân xa có thể được tạo ra; nhiều kinh nghiệm có thể được tạo ra. Bạn sẽ ham mê thích thú trong những mơ này; chúng dễ chịu đến mức bạn sẽ không muốn chúng biến mất đi. Chúng là những mơ mà thật khó để gọi chúng là mơ được, bởi vì chúng xảy ra trong khi bạn đang thức, trong khi bạn đang hoạt động. Chúng là mơ ngày. Chúng có thể được thực hành và bạn có thể trải qua cả đời trong chúng, nhưng đến cuối cùng bạn sẽ thấy bạn chẳng đạt tới đâu cả; bạn đã thấy một giấc mơ dài. Có những phương tiện và phương pháp để tạo ra những giấc mơ này. Người khác có thể đưa chúng vào trong bạn và bạn sẽ không bao giờ có khả năng phân biệt nổi giữa giả và thật, bởi vì bạn không có ý tưởng nào về kinh nghiệm thật cả.
Nếu một người chưa bao giờ thấy tiền thực và bao giờ cũng chỉ dùng tiền giả, làm sao người đó sẽ biết rằng đồng tiền của mình là giả? Để biết cái giả, cái thật phải được biết. Cho nên chỉ khoảnh khắc mà kundalini biểu lộ chính nó, người ta mới có thể thấy hai kinh nghiệm này cách nhau bao xa. Kundalini thực là một kinh nghiệm khác hẳn.
Nhớ lấy, nhiều mô tả về kundalini trong kinh sách là giả, và có lí do cho điều này. Bây giờ tôi sẽ nói cho bạn về một bí mật của kinh sách. Tất cả các hiền nhân và nhà tiên tri đã từng sống trên trái đất này đều để lại một cách có chủ ý một số lỗi lầm cơ bản trong từng kinh sách với mục đích để đánh giá sự tiến bộ và độ chân thực của đệ tử. Bây giờ, chẳng hạn, tôi có thể bảo bạn từ bên ngoài ngôi nhà này rằng có năm buồng bên trong, nhưng tôi biết có sáu. Một hôm bạn có thể tới và nói, "Tôi đã thấy ngôi nhà từ bên trong và chỉ có năm buồng như thầy nói." Thế thì tôi sẽ biết rằng bạn đã đến thăm lâu đài nào khác - lâu đài ảo tưởng - chứ không phải là ngôi nhà tôi đã nói tới.
Theo cách này một phòng đã bị bỏ bớt; điều này cho thông tin liệu bạn có thực sự kinh nghiệm hay không, liệu kinh nghiệm của bạn là thật hay không. Nếu kinh nghiệm của bạn hoàn toàn tương ứng với kinh sách, đấy là đồng tiền giả, bởi vì cái gì đó bao giờ cũng đã bị bỏ đi trong kinh sách; rất cần phải làm như vậy.
Nếu kinh nghiệm của bạn phù hợp với sách vở, biết rằng tri thức sách vở ấy là được phóng chiếu. Khoảnh khắc kinh nghiệm của bạn tới theo cách thức khác, cách thức mà trong đó chúng có thể trùng với kinh sách ở chỗ này và không trùng ở chỗ khác, thế thì biết rằng bạn đang trên con đường đúng - những điều đang xảy ra là chân thực và rằng bạn không đơn thuần phóng chiếu những mô tả mà bạn đã đọc trong kinh sách.
Cho nên khi kundalini thức tỉnh một cách chân thực, bạn sẽ biết chỗ nào trong kinh sách mọi thứ đã được phát minh ra để đánh giá độ chân thực của kinh nghiệm của thiền nhân. Nhưng trước điều này bạn không thể biết được nó. Mọi kinh sách đều cần phải bỏ đi thông tin nào đó; bằng không, sẽ khó mà đánh giá được độ chân thực của chứng nghiệm.
Có một thầy giáo của tôi. Ông ấy là một giáo sư đại học. Bất kì sách nào tôi nói tới ông ấy đều nói là ông ấy đã đọc nó. Một hôm tôi nhắc tới một cuốn sách hư cấu và tên tác giả của nó. Tôi nói, "Thầy đã đọc cuốn sách vậy chưa? Một cuốn sách tuyệt vời."
Ông ta nói, "Có, tôi đọc rồi."
"Bây giờ, hoặc thầy tạo ra sách đó hoặc tất cả những lời tuyên bố trước đây của thầy về việc đọc sách đều phải bị huỷ bỏ," tôi bảo ông ta, "Chẳng có cuốn sách như thế mà cũng chẳng có tác giả như thế!"
Ông ta ngạc nhiên, "Anh định nói gì vậy? Không có cuốn sách như thế à?" ông ấy nói.
"Không!" tôi nói, "Không có cách nào khác để đánh giá độ chân thực lời thầy nói."
Những người biết sẽ lập tức tìm ra. Nếu kinh nghiệm của bạn là đúng đắn như đã được đặt trong kinh sách, bạn sẽ bị bắt, bởi vì có những lỗ hổng bị bỏ lại trong kinh sách; đôi khi cái giả đã được thêm vào, đôi khi cái thật bị bỏ ra, và tất cả những điều này là tuyệt đối cần thiết vì nếu không sẽ khó mà nói được cái gì xảy ra cho ai.
Những kinh nghiệm được mô tả trong kinh sách có thể được bịa ra; mọi thứ đều có thể được bịa ra, bởi vì khả năng của tâm trí con người nhiều thế. Và trước khi người ta đi vào cốt lõi bên trong nhất của bản thể, tâm trí lừa dối người ta theo cả nghìn cách. Và nếu bạn muốn tự lừa mình thế thì điều ấy rất là dễ dàng.
Cho nên tôi nói vấn đề về các mô tả trong kinh sách hay ai đó tự xưng là làm shaktipat hay các kĩ thuật tạo ra kinh nghiệm giả, không phải là điều thật có ý nghĩa. Cốt lõi bản chất của vấn đề là cái gì đó khác. Có nhiều cách khác để tìm ra tính chân thực của kinh nghiệm của bạn.
Một người đang uống nước ban ngày và cơn khát của người đó được dịu đi; người đó uống nước trong mơ nhưng cơn khát của người đó không dịu đi. Buổi sáng người đó thấy cổ họng khô rang và đôi môi khô ráo, bởi vì việc uống nước trong mơ không thể làm dịu cơn khát. Chỉ nước thực mới làm dịu cơn khát. Liệu nước là thực hay không thực có thể được tìm ra từ cơn khát của bạn - liệu cơn khát có được dịu đi hay là không.
Cho nên với những người mà bạn đang nói tới, những người cứ tuyên bố đánh thức kundalini của mọi người hay người nói ít nhất kundalini của họ đã trở nên được đánh thức cũng vẫn là đang tìm kiếm thôi. Họ nói họ đã kinh nghiệm nhiều điều, vậy mà việc tìm kiếm của họ vẫn tiếp tục. Họ xác nhận họ đã tìm thấy nước, ấy vậy mà họ chẳng có ý tưởng về cái hồ!
Mới hôm kia thôi một người bạn tới và nói anh ta đã đạt tới trạng thái vô ý nghĩ, và anh ta đã tới để hỏi về phương pháp thiền. Bây giờ phải nói gì cho người như thế đây! Một người nói kundalini của mình đã thức tỉnh nhưng tâm trí anh ta vẫn bất ổn; người khác, nói rằng kundalini đã thức tỉnh nhưng anh ta vẫn còn bị hành hạ bởi dục! Có những phương sách trung gian để phát hiện ra tính chân thực của kinh nghiệm của bạn.
Nếu kinh nghiệm là thực, việc tìm kiếm chấm dứt. Thế thì cho dù Thượng đế tới và mời chào an bình hay phúc lạc, người này sẽ từ chối một cách lễ phép và yêu cầu Thượng đế cứ giữ lấy nó cho mình; người này không cần nó. Cho nên để tìm ra cái chân thực của kinh nghiệm nhìn sâu vào nhân cách của người này về một số triệu chứng khác của biến đổi.
Một người nói rằng người đó đi vào samadhi, vào siêu tâm thức. Người đó chôn mình dưới đất trong sáu ngày rồi chui ra vẫn sống. Nhưng nếu bạn để tiền trong ngôi nhà, người này sẽ ăn cắp; nếu người này thấy có cơ hội, người đó sẽ say sưa trong việc uống rượu. Nếu bạn không biết về lời tuyên bố của người đó về samadhi, bạn sẽ chẳng thấy cái gì có giá trị trong người đó cả. Không hương thơm, không toả sáng, không ân huệ nào trong nhân cách người đó cả; người đó chỉ là người thường.
Không, người đó không đi vào samadhi: người đó đã học thủ đoạn về samadhi giả. Người đó đã làm chủ thủ đoạn ở dưới đất trong sáu ngày bằng pranayam; người đó đã học cách kiểm soát hơi thở để cho bên trong vùng đã định của chỗ nghỉ ngơi của mình, người đó có thể dùng một lượng ô xi tối thiểu. Do vậy người đó có thể ở dưới đất trong sáu ngày. Người đó gần như ở trong trạng thái con gấu Siberi ngủ đông dưới tuyết trong sáu tháng. Người đó không ở trong bất kì loại samadhi nào cả. Đến cuối mùa mưa, ếch vẫn nằm chôn vùi dưới đất trong tám tháng: chúng không trong samadhi. Người này đã học cùng kĩ thuật, không gì hơn.
Bây giờ, nếu bạn chôn một người dưới đất, người đã đạt tới trạng thái samadhi chân thực, người này rất có thể chết, vì samadhi chẳng liên quan gì tới việc bị chôn vùi dưới đất. Nếu Mahavira hay Phật bị cho nằm xuống dưới đất theo cách này, hầu như không có khả năng họ ra mà vẫn sống. Nhưng người này sẽ ra vẫn sống, bởi vì thành tựu này chẳng liên quan gì tới samadhi. Samadhi là chuyện khác hẳn. Nhưng người này sẽ hấp dẫn quần chúng. Nếu Mahavira thất bại mà người này thành công, người này sẽ dường như là một tirthankara thực còn Mahavira sẽ dường như là giả.
Cho nên những đồng tiền tâm lí giả này có lời tuyên bố giả dối của riêng chúng, và nhiều phương pháp đã được tiến triển để làm cho chúng thành thuyết phục. Do vậy một thế giới tách biệt đã được tạo ra quanh họ chẳng liên quan gì tới thực tại. Những người như vậy, người đang tham dự vào việc buôn bán các đồng tiền giả, đã lạc mất con đường chân chính nơi biến đổi thực sự xảy ra. Ở sáu ngày hay sáu tháng dưới đất chẳng liên quan gì tới việc tự nhận ra. Nhưng cái gì là phẩm chất bên trong của người như thế? Người này có được bao nhiêu an bình và im lặng bên trong? Người này có phúc lạc bên trong không? Nếu người này mất một đồng tiền, người đó sẽ không ngủ đêm được nhưng người đó lại có thể ở thoải mái dưới đất trong sáu ngày. Tất cả những điều này phải được xem xét và ý nghĩa thực đằng sau nó cần phải được tìm ra.
Cho nên những người tuyên bố có khả năng làm shaktipat, có thể làm như vậy, nhưng đấy không phải là shaktipat chân thực. Về bản chất, đấy là một loại thôi miên. Sâu phía dưới bằng cách nào đó họ đã học được những kĩ năng đùa với từ lực. Cũng không chắc là họ biết toàn bộ khoa học về chủ đề này. Họ chẳng biết về khoa học của quá trình này mà họ cũng không nhận biết về cái giả trong tuyên bố của mình. Họ là đống lộn xộn lớn.
Bạn thấy một nhà ảo thuật đường phố ở Ấn Độ đang trình diễn các thủ đoạn của mình. Ông ta trải tấm vải và bảo một đứa trẻ nằm vào trong đó. Ông ta để một món nữ trang rẻ tiền vào ngực đứa bé. Rồi ông ấy hỏi đứa bé số tiền trong ví một người xem. Đứa bé sẽ nói ra con số. "Đồng hồ của người đang đứng kia chỉ mấy giờ rồi?" Đứa bé lại trả lời đích xác thời gian. "Tên người này là gì?" Đứa trẻ sẽ nói cho ông ta cái tên. Mọi người đang xem đều bị thuyết phục bởi ảo thuật của món nữ trang này.
Thế rồi ông ta bỏ món nữ trang khỏi ngực đứa bé và lặp lại câu hỏi. Đứa bé nằm im: nó không thể nào trả lời được. Bây giờ nhà ảo thuật làm việc kinh doanh thuận lợi với đồ nữ trang này - mỗi món đồ nữ trang bán một đồng ru pi! Bạn đem nó về nhà: bạn có thể để nó lên ngực mình trong cả đời mình mà chẳng có gì sẽ xảy ra. Không phải là đứa bé kia đã được nhà ảo thuật dạy để nói khi món đồ nữ trang này đang trên ngực nó và phải im lặng khi nó bị lấy đi, cũng không phải có phẩm chất gì đặc biệt trong bản thân món đồ nữ trang này. Thủ đoạn này tinh vi hơn và bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên mà biết điều đó.
Quá trình này được gọi là gợi ý hậu thôi miên. Một người được thôi miên thành vô ý thức, và trong trạng thái mê thôi miên này người đó được bảo phải nhìn kĩ vào món nữ trang. Người đó cũng được bảo rằng ngay khi món nữ trang này được đặt lên ngực mình, người đó phải trở thành vô ý thức.. Thế rồi, trong trạng thái vô ý thức ấy, người đó có thể được làm cho đọc được số các tờ tiền hay nói về thời gian trên đồng hồ. Không có gì giả trong đó cả. Ngay khi đứa trẻ được cho nằm trên tấm chăn trong trạng thái thôi miên và đồ nữ trang được đặt lên ngực nó, nó đi vào cơn mê thôi miên. Bây giờ nó có thể nói về số tờ bạc nếu được nhà ảo thuật hỏi. Cả đứa trẻ lẫn nhà ảo thuật đều chẳng biết rõ cái gì đang được xảy ra bên trong.
Nhà ảo thuật đã học được một thủ thuật: một người được đặt vào trong cơn mê thôi miên và thế rồi khi được chỉ cho thấy một thứ người này sẽ được bảo, "Bất kì khi nào vật này được đặt trước anh, anh sẽ lập tức trở thành vô ý thức, rơi vào trong cơn thôi miên lần nữa." Phương pháp này làm việc hoàn hảo - nhà ảo thuật chỉ biết đến thế này thôi. Cả hai chẳng ai biết cơ chế bên trong, tính năng động của hiện tượng năng lượng. Nếu như họ có biết, họ sẽ không thực hiện thủ đoạn này bên lề đường. Việc biết tính năng động của quá trình này là một chủ đề sâu sắc cho dù nó chỉ là hiện tượng tâm lí. Ngay cả Freud hay Jung cũng chẳng biết nó. Ngay cả ngày nay các nhà tâm lí vĩ đại nhất của thế giới cũng không biết đến tính năng động của của năng lượng thân thể trong tính toàn bộ của nó. Nhưng nhà ảo thuật này bằng cách nào đó đã vớ được thủ đoạn này mà ông ta dùng để kiếm sống.
Bật công tắc điện lên, điều đó không cần bạn phải biết điện là gì, nó được tạo ra như thế nào, hay kĩ nghệ điện tất cả là gì. Bạn đơn giản nhấn nút và điện bắt đầu chạy. Bất kì ai cũng đều có thể nhấn nút được.
Nhà ảo thuật trên phố đã học được nghệ thuật gợi ý hậu thôi miên và ông ta dùng nó để bán đồ nữ trang rẻ tiền. Bạn mua món đồ trang sức rẻ tiền, đem nó về nhà, nhưng nó sẽ vô dụng cho bạn. Đồ nữ trang có tác dụng với một quá trình nào đó về gợi ý hậu thôi miên. Bạn đặt nó lên ngực mình và chẳng cái gì xảy ra cả. Thế thì bạn cảm thấy rằng bạn bị sai sót ở đâu đó, bởi vì bạn đã thấy đồ nữ trang này có tác dụng.
Cho nên nhiều kinh nghiệm giả và giả mạo có thể được tạo ra. Giả và giả mạo không theo nghĩa là chúng không tồn tại mà theo nghĩa là chúng không tâm linh; chúng chỉ là các quá trình tinh thần. Mọi kinh nghiệm tâm linh đều có cái song song về tinh thần. Do đó, các tương xứng tinh thần có thể được tạo ra bởi những người chưa tâm linh, người đưa ra tuyên bố về khả năng tinh thần của họ. Nhưng chẳng có gì so sánh được với kinh nghiệm tâm linh xác thực.
Người tâm linh đích thực không tuyên bố về điều gì cả. Người đó không nói, "Tôi đang làm shaktipat; tôi đang làm cái này cái nọ. Và khi điều ấy xảy ra, bạn sẽ trở nên tham dự và gắn bó với tôi." Người đó đã trở thành không ai cả, cái không. Chỉ bởi ở gần người đó mà cái gì đó bắt đầu xảy ra cho bạn. Nhưng người đó tuyệt đối không có ý làm nó.
Có một câu chuyện cổ La mã về một hiền nhân vĩ đại. Hương thơm của bản thể ông ấy và tia sáng từ trí huệ của ông ấy lan toả nhiều đến mức chúng đạt tới các vị thần trên trời. Họ tới gặp ông và nói, "Ông cầu xin ân huệ đi. Chúng ta đã được chuẩn bị để ban cho ông bất kì cái gì ông muốn."
Thánh nhân đáp, "Cái phải xảy ra, đã xảy ra rồi; chẳng còn gì nữa để ham muốn. Xin đừng đẩy tôi vào khó khăn bởi việc hỏi tôi ham muốn gì. Đừng làm tôi bối rối với đề nghị của các ông. Sẽ là cách cư xử không hay nếu tôi không hỏi, nhưng sự kiện là ở chỗ chẳng còn lại gì để tôi hỏi cả. Mọi thứ đã xảy ra cho tôi, ngay cả cái mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới."
Các thần thậm chí còn bị ấn tượng hơn bởi lời của ông ấy, bởi vì hương thơm của ông trở nên mạnh hơn với sự kiện là ông ấy đã vượt ra ngoài ham muốn. "Ông phải yêu cầu điều gì đó," các thần nài nỉ. "Chúng tôi sẽ không đi mà không ban ân huệ cho ông."
Thánh nhân bị lâm vào tình thế khó khăn. "Tôi sẽ yêu cầu cái gì đây? Tôi không thể nghĩ được cái gì cả," ông ấy nói với các vị thần. "Các ông cho tôi bất kì cái gì các ông thích; tôi sẽ lấy nó."
"Chúng ta sẽ cho ông quyền năng. Chỉ cái chạm của ông sẽ đem người chết về cuộc sống và người ốm thành khoẻ mạnh," họ bảo ông ấy.
"Điều này thật tốt, sự giúp đỡ lớn lao," ông ấy nói, "nhưng về tôi thì sao? Tôi sẽ bị rắc rối lớn, vì tôi có thể có ý tưởng rằng tôi đang chữa lành người ốm, rằng tôi đưa người chết về với sự sống. Nếu bản ngã tôi quay lại từ cửa sau, thế thì tôi bị kết thúc rồi, thế thì tôi bị lạc trong bóng tối. Xin cứu tôi với; từ bi với tôi; làm điều gì đó để cho tôi không biết đến những phép màu này."
Thế là các thần đồng ý. Họ nói, "Bất kì chỗ nào bóng ông phủ tới, nó sẽ đem người chết về với cuộc sống."
"Điều ấy thật tốt," hiền nhân nói. "Bây giờ xin cho tôi ân huệ cuối cùng. Xin ban cho cổ tôi trở thành cứng nhắc để cho tôi không thể nào quay lại sau để thấy tác động của cái bóng của tôi."
Ân huệ được ban ra. Cổ của hiền nhân bị cứng ngắc. Ông ấy đi từ thị trấn nọ sang thị trấn kia. Khi cái bóng ông ấy phủ lên hoa héo, chúng bắt đầu nở hoa, nhưng rồi ông ấy lại đi lên trước; cổ ông ấy không cho phép ông ấy ngoái nhìn lại. Ông ấy chẳng bao giờ đi tới biết. Khi ông ấy chết ông ấy hỏi các thần liệu món quà của họ có kết quả không, bởi vì ông ấy chẳng bao giờ biết về điều đó. Tôi cảm thấy câu chuyện này rất đáng yêu.
Khi shaktipat xảy ra, nó xảy ra hệt như thế này. Nó xảy ra với cái bóng và cái cổ cứng ngắc. Người trung gian, qua người đó năng lượng tuôn chảy, phải là hư không hoàn toàn bằng không đầu của người đó có thể quay lại. Nếu có dù chỉ một dấu vết của bản ngã, sẽ có thôi thúc nhìn lại và xem liệu việc xảy ra có tới hay không. Nếu nó tới, thế thì cảm giác về "Ta đã làm nó," sẽ tới. Sẽ khó tránh cảm giác này.
Cho nên bất kì khi nào một người trở thành trống rỗng và im lặng, shaktipat sẽ xảy ra với thoải mái lớn quanh người đó, hệt như mặt trời lên và hoa nở, hay như sông chảy và cây được nuôi dưỡng. Sông chưa bao giờ tuyên bố rằng nó đã tưới nước cho biết bao nhiêu cây cối và biết bao nhiêu cây cối đang nở hoa vì nó. Sông thậm chí không biết tất cả những điều này. Vào lúc hoa nở, nước nuôi dưỡng cây đó đã ra tới đại dương. Thời gian đâu để nó đợi mà thấy được? Không có cách nào nhìn lại cả. Khi sự kiện xảy ra trong những điều kiện như thế thì nó có một giá trị tâm linh. Nhưng nơi có bản ngã, có người làm, khi ai đó nói rằng "Ta là người làm đây," thế thì đấy là hiện tượng tâm trí và nó chẳng gì nhiều hơn việc thôi miên.
Không có khả năng của thôi miên và ảo tưởng trong phương pháp Thiền động mới của thầy chứ? Với nhiều người tham dự mà chẳng có gì xảy ra cả; họ có trên đường đúng không? Có những người khác trong nhiều quá trình đang xảy ra; họ có trên đường đúng không? Liệu một số trong những người này có khoe mẽ không?
Có hai hay ba điều cần phải hiểu cho đúng. Thôi miên là một khoa học và nó có thể dễ dàng được dùng để tạo ra lừa dối. Tuy nhiên, thôi miên cũng có thể có ích để giúp bạn. Khoa học bao giờ cũng là lưỡi kiếm hai cạnh.
Năng lượng nguyên tử có thể tạo ra lúa mì trên các cánh đồng; nó cũng có thể xoá đi toàn bộ loài người chỉ trong một cú. Cả hai khả năng đều có đó. Dòng điện làm quay quạt máy trong nhà bạn cũng có thể giết chết bạn, nhưng bạn sẽ không coi điện chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu một kẻ bản ngã dùng thôi miên, người đó sẽ làm như vậy ấy để đàn áp, phá huỷ và lừa dối người khác. Nhưng việc đối lập của điều này cũng là có thể.
Thôi miên là năng lượng trung tính; nó là một khoa học. Nó có thể được dùng để phá vỡ giấc mơ cứ diễn ra bên trong bạn, và những ảo tưởng bắt rễ sâu xa của bạn cũng có thể bị nó nhổ bật đi.
Phương pháp tôi đang dùng là thôi miên ở pha khởi đầu, nhưng điều này được gắn với một yếu tố nền tảng sẽ bảo vệ bạn khỏi việc bị thôi miên - và đó là chứng kiến. Đây là khác biệt duy nhất giữa thôi miên và thiền, nhưng đây là khác biệt rất lớn. Khi bạn bị thôi miên, bạn bị làm trở thành vô ý thức. Chỉ thế thì bạn mới có thể bị làm cho làm việc. Tuy nhiên, tôi nói rằng thôi miên thiền là có ích, nhưng chỉ khi bạn trở thành người quan sát. Thế thì bạn tỉnh thức và tỉnh táo, và bạn biết điều đang xảy ra vào mọi lúc. Thế thì chẳng điều gì có thể được làm chống lại ý chí bạn; bạn bao giờ cũng hiện diện. Trong thôi miên những lời gợi ý có thể được dùng để làm cho bạn thành vô ý thức và những lời gợi ý có thể được dùng để phá vỡ vô ý thức của bạn.
Cho nên các bước khởi đầu của điều tôi gọi là thiền động toàn là thôi miên, và chúng nhất định là như thế bởi vì bất kì cuộc hành trình nào hướng về cái ta đều chỉ bắt đầu từ tâm trí. Điều này là vì bạn sống trong tâm trí; đó là chỗ bạn đang ở, cho nên cuộc hành trình bắt đầu từ đó. Nhưng cuộc hành trình này có thể thuộc hai loại: hoặc nó có thể đưa bạn trên con đường tròn bên trong tâm trí nơi bạn sẽ cứ đi lòng vòng mãi như con bò kéo cối xay, chẳng bao giờ có khả năng đi ra, hoặc nó có thể đưa bạn tới bờ của tâm trí mà từ đó bạn có thể nhảy ra. Trong cả hai trường hợp, những bước khởi đầu sẽ phải được lấy từ bên trong tâm trí.
Cho nên dạng khởi đầu của thôi miên là giống hệt như dạng khởi đầu của thiền, nhưng dạng cuối cùng là khác nhau và mục tiêu cũng khác nhau. Và trong cả hai quá trình này một phần tử cơ bản là khác nhau. Thôi miên lập tức đòi hỏi vô ý thức, ngủ; do đó, tất cả các gợi ý của nó đều bắt đầu với ngủ, ngủ lơ mơ, và thế rồi phần còn lại theo sau. Trong thiền, lời gợi ý bắt đầu với sự tỉnh thức, và sau đó nhấn mạnh là vào trạng thái chứng kiến. Nhân chứng trong bạn là việc thức tỉnh, cho nên không tác nhân bên ngoài nào có thể ảnh hưởng tới bạn. Và bạn cũng nhớ rằng bất kì cái gì xảy ra bên trong bạn, bạn tràn đầy ý thức về nó.
Bây giờ, cái gì là khác biệt giữa những người mà mọi thứ đang xảy ra và những người mà mọi thứ không xảy ra? Những người mà với họ chẳng có gì xảy ra, đều có sức mạnh ý chí yếu hơn. Họ sợ hãi, hoảng hốt. Họ thậm chí còn sợ rằng điều đó có thể xảy ra! Con người kì lạ làm sao! Họ đã tới để thiền; họ đã tới để cho việc thiền xảy ra, nhưng bây giờ họ lại sợ rằng điều đó có thể thực sự xảy ra. Và khi họ thấy mọi sự xảy ra cho người khác, họ lại tự hỏi liệu đấy có phải là làm ra bộ hay không. Đây là cách thức đề phòng của họ. Họ nói, "Chúng ta không yếu đuối đến mức trở thành bị ảnh hưởng đâu. Những người này là những người yếu đuối." Theo cách này họ thoả mãn bản ngã của mình, không biết rằng quá trình này không thể nào xảy ra cho người yếu đuối được. Họ cũng không biết rằng điều này xảy ra chỉ cho người thông minh và không cho người không thông minh.
Người ngốc, không thể bị thôi miên mà cũng chẳng thể nào được đưa vào trong thiền. Cả hai đều không thể được. Tương tự, người khùng không thể nào bị bắt làm việc được. Người càng thiên tài, càng nhanh chóng bị thôi miên. Người càng kém thiên tài, càng cần thời gian dài hơn để thôi miên người đó.
Làm sao mọi người có thể hợp lí hoá về việc thiếu thông minh, ý chí và thiên tài? Họ sẽ nói theo đề phòng của mình, "Dường như là những người này đơn thuần biểu diễn. Họ mang tâm trí yếu đuối và bị ảnh hưởng từ bên ngoài."
Gần đây tại Amritsar một người tới gặp tôi. Người đó là một ông già có học - một tiến sĩ về hưu. Ông ấy tới vào ngày thực nghiệm thiền thứ ba. Ông ấy nói, "Tôi đã tới để xin thầy tha thứ cho ý nghĩ tội lỗi đã tới trong tâm trí tôi."
"Có chuyện gì vậy?" tôi hỏi ông ta.
Ông ta đáp, "Ngày thứ nhất khi tôi tới thiền, tôi cảm thấy thầy đã tổ chức mọi người của thầy ăn mặc và đóng vai trong việc trình diễn này, và có một số người với tâm trí yếu đuối theo đuôi họ một cách mù quáng. Thế là tôi nói, ‘Để mình xem lần thứ hai.’ Ngày thứ hai tôi thấy hai hay ba người bạn mình, cũng là tiến sĩ đang tham dự hoàn toàn vào thực nghiệm thiền. Tôi tới nhà họ để hỏi. Tôi bảo họ, ‘Không thể nào có việc anh đã được chuẩn bị cho điều này. Điều đó phải chẳng đã thực sự xảy ra cho anh hay là anh giả vờ?’
"Họ đáp lại, ‘Cần gì phải giả vờ để làm cái gì? Mãi cho tới hôm qua tôi cũng nghĩ giống thế đấy, nhưng hôm nay việc ấy đã xảy ra cho chúng tôi."
Thế rồi đến ngày thứ ba, khi điều đó xảy ra cho ông ta, ông ấy tới xin lỗi. Ông ấy nói, "Hôm nay điều ấy đã xảy ra cho tôi, và bây giờ ảo tưởng của tôi tất cả đã biến mất; bằng không, tôi đã không tin vào nó. Tôi cũng đã nghi ngờ các bạn tiến sĩ của tôi. Thầy chẳng bao giờ có thể nói những ngày này người ta sẽ làm gì. Có thể họ đã có một hợp đồng biểu diễn với thầy! Tôi biết họ, nhưng ai nói được? - họ có thể tới dưới quyến rũ thôi miên của thầy. Nhưng hôm nay điều đó đã xảy ra cho tôi. Hôm nay khi tôi về nhà, cậu em tôi, người cũng là tiến sĩ, đã hỏi, ‘Cuộc trình diễn thế nào? Điều gì đó đã xảy ra cho anh chưa?’, tôi bảo nó, ‘Này em, tha lỗi cho anh, anh không thể gọi điều đó là trình diễn nữa. Trong hai ngày anh đã chế giễu toàn bộ thực nghiệm, nhưng hôm nay điều đó đã xảy ra cho anh. Và anh không giận gì em, vì mới hôm qua thôi bản thân anh còn chỉ trích hệt như em.’"
Con người này lần nữa lại xin tôi tha thứ cho những ý nghĩ tiêu cực của mình.
Đây là các biện pháp đề phòng của chúng ta. Những người không thấy gì xảy ra cho mình sẽ tìm ra cách thức và phương tiện để bảo vệ bản ngã họ. Nhưng chỉ có một khoảng cách rất nhỏ giữa người mà điều đó xảy ra và người mà điều đó không xảy ra. Chỉ thiếu một chút ít cương quyết nữa. Nếu người ta thu được lòng dũng cảm, cương quyết hơn và vứt bỏ tất cả các cấm đoán, sự kiện sẽ xảy ra.
Hôm nay một người đàn bà tới tôi và bảo tôi rằng bạn cô ấy gọi điện cho cô ấy và bảo cô ấy rằng "Trong những thực nghiệm này một số người cởi trần ra, một số người làm những điều kì lạ. Làm sao các quí bà của các gia đình tử tế tham gia vào những điều đó được?"
Một số người có ảo tưởng thuộc về gia đình "tử tế", còn số khác, thuộc về các gia đình "không đức hạnh". Đây tất cả đều là các biện pháp đề phòng. Người đàn bà nghĩ mình thuộc về gia đình tử tế bây giờ sẽ bỏ lỡ thực nghiệm này và tự hạn chế mình vào ngôi nhà mình. Nếu cô ấy bị rắc rối bởi người khác trở nên ở trần, thế thì cô ấy không thuộc vào gia đình tử tế. Cô ấy phải làm gì với người đó?
Cho nên tâm trí chúng ta tạo ra những cái cớ kì lạ. Nó nói, "Đây tất cả đều là tình trạng lộn xộn và một đống hỗn độn, và điều đó không thể xảy ra cho tôi được. Tôi không phải là người yếu đuối - tôi có tâm trí mạnh mẽ." Nếu điều này quả là như vậy, nếu bạn quả thực là người mạnh mẽ và thông minh, thế thì sự việc sẽ phải xảy ra.
Dấu hiệu của người thông minh là ở chỗ người đó không ra quyết định gì trước khi thử một việc. Người đó thậm chí sẽ không nói rằng điều người khác làm là sai.
Người đó sẽ nói, "Tôi là ai để mà bình luận về người đó? Chụp mũ người khác sai là không tốt. Bạn là ai mà quyết định rằng ai đó khác là sai?" Những quyết định sai như vậy đã gây ra rất nhiều khó khăn.
Mọi người không tin rằng cái gì đã xảy ra cho Jesus; bằng không, họ đã không treo ông ấy lên cây thánh giá. Họ nói, "Con người này dở hơi và nguy hiểm; hắn ta nói toàn điều ngớ ngẩn!" Mọi người sẽ không ném đá vào Mahavira nếu họ không nghĩ rằng ông ấy đã gây ra rối loạn bởi việc ở trần. Họ nói rằng chẳng cái gì đã xảy ra cho Mahavira.
Dựa trên thẩm quyền nào mà chúng ta có thể quyết định điều gì đang xảy ra bên trong cho người khác? Đây là triệu chứng của người thông minh - rằng người đó không diễn đạt ý kiến chừng nào người đó còn chưa tự mình thử sự việc. Nếu không cái gì xảy ra cho tôi, tôi phải tìm xem liệu tôi có tiến hành các hướng dẫn về thực nghiệm ấy đầy đủ chưa. Nếu tôi chưa làm được nó đầy đủ, làm sao cái gì có thể xảy ra được?
Gần đây ở trại thiền Porbander tôi đã nói rằng nếu một người còn chưa tự mình cố gắng một trăm phần trăm, cho dù nỗ lực của người đó đã lên tới chín mươi chín phần trăm, người đó vẫn thất bại.
Một người bạn tới và nói, "Tôi cứ ung dung nghĩ rằng việc ấy sẽ cần thời gian lâu thêm chút ít để xảy ra. Nhưng hôm nay tôi nhận ra rằng nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra theo cách này. Cho nên tôi sẽ tự mình cố gắng hôm nay hoàn toàn, và nó đã xảy ra."
Nếu bạn có thái độ này để làm thực nghiệm chậm chạp, thế thì tại sao làm nó? Theo cách này chúng ta muốn giương buồm trong hai thuyền một lúc, nhưng người đặt từng chân lên từng thuyền khác nhau thấy mình gặp khó khăn lớn. Một thuyền thì tốt; thế thì cho dù nó có đi xuống địa ngục ít nhất bạn cũng trong một con thuyền. Nhưng chúng ta là những người kì lạ; chúng ta đặt một chân lên thuyền đi tới cõi trời còn chân kia, lên thuyền xuống địa ngục!
Thực tế, tâm trí bị lẫn lộn về nơi đi tới. Nó sợ hãi và không quyết định được liệu nó sẽ hạnh phúc trên cõi trời hay trong địa ngục. Đặt một chân lên hai thuyền bạn sẽ chẳng đạt tới đâu cả; bạn sẽ chết vẫn trên sông. Đấy là công việc của tâm trí vào mọi thời điểm. Đấy là tinh thần phân liệt. Chúng ta sẽ nỗ lực để đi rồi dừng mình lại nữa. Điều này rất có hại.
Tiến hành thực nghiệm này với toàn bộ sự mãnh liệt của mình, và đừng hình thành ý kiến nào về người khác. Nếu người ta trải qua thực nghiệm đầy đủ, mọi thứ chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi đang nói về những điều rất khoa học, không phải là cái gì đấy thuộc vào mê tín tôn giáo.
Chính sự kiện khoa học là ở chỗ với toàn bộ nỗ lực, kết quả nhất định xảy ra. Không có cách khác, bởi vì Thượng đế là năng lượng và năng lượng này là vô tư. Tại đây, cầu nguyện hay tôn thờ, hay sự kiện được sinh ra trong gia đình đẳng cấp cao hay trên mảnh đất Ấn Độ, đều không có tác dụng. Đây là vấn đề khoa học thuần tuý. Nếu một người trải qua điều này một cách chân thành, ngay cả Thượng đế cũng chẳng thể nào ngăn cản anh ta thành công. Và cho dù không có Thượng đế cũng chẳng thành vấn đề. Thấy rằng bạn đang đặt toàn bộ năng lượng của mình vào trong thực nghiệm thiền. Và bao giờ cũng ra quyết định theo kinh nghiệm bên trong của mình, không phải là từ dáng vẻ bên ngoài của biến cố; bằng không, bạn sẽ đi sai đường.
Chương 3. Con đường kundalini: Chân thực và tự do
Trong bài nói hôm qua, Thầy đã nói rằng kinh nghiệm giả về kundalini có thể được phóng chiếu điều Thầy coi không phải là tâm linh mà là tâm trí. Tuy nhiên, trong bài nói ban đầu, Thầy đã nói rằng kundalini chỉ là tâm trí. Điều này có nghĩa là, theo Thầy, có hai trạng thái kundalini - tâm trí và tâm linh. Xin thầy giải thích điều này.
Để cho bạn hiểu điều này, cần phải nói thêm chi tiết về cấu trúc của các thể tinh tế đa dạng.
Cá nhân có thể được chia thành bẩy thể. Thể thứ nhất là thể vật lí mà tất cả chúng ta đều biết. Thể thứ hai là thể ê te, và thể thứ ba - bên ngoài thể thứ hai này - là thể vía.
Thể thứ tư - bên ngoài thể này - là thể trí hay hồn; còn thể thứ năm - lại ở ngoài thể này - là thể tâm linh. Thể thứ sáu ở ngoài thể thứ năm, và nó được gọi là thể vũ trụ. Thế rồi thể thứ bẩy và là thể cuối cùng là nirvana sharir, hay thể niết bàn, thể vô thể. Một chút ít thông tin thêm về bẩy thể này sẽ làm cho bạn có thể hiểu được kundalini đầy đủ.
Trong bẩy năm đầu của cuộc sống, sthul sharir - thể vật lí một mình được hình thành. Các thể khác còn đang ở dạng hạt mầm. Chúng có tiềm năng cho sự trưởng thành nhưng chúng nằm ngủ trong lúc bắt đầu cuộc sống. Cho nên bẩy năm đầu là những năm của giới hạn. Không có trưởng thành trí tuệ, xúc cảm hay ham muốn trong những năm này. Chỉ thể vật lí phát triển trong thời kì này. Một số người chưa bao giờ trưởng thành vượt ra ngoài bẩy năm này; họ trì trệ tại giai đoạn này và không hơn con vật. Con vật chỉ phát triển trong thể vật lí; các thể khác vẫn còn không được động chạm tới bên trong chúng. Trong bẩy năm tiếp sau - tức là từ bẩy cho tới mười bốn tuổi - bhawa sharir, thể ê te, phát triển. Bẩy năm này là những năm trưởng thành về xúc cảm của cá nhân. Đây là lí do tại sao sự chín muồi dục, vốn là dạng mạnh mẽ nhất của xúc cảm, được đạt tới vào độ tuổi mười bốn. Bây giờ một số người còn trì trệ ở giai đoạn này. Thể vật lí của họ phát triển nhưng họ bị mắc kẹt với hai thể đầu.
Trong thời kì bẩy năm thứ ba, giữa độ tuổi mười bốn và hai mươi mốt, shukshma sharir, thể vía, phát triển. Trong thể thứ hai xúc cảm được phát triển; trong thể thứ ba lập luận, tư duy và trí tuệ được phát triển. Đây là lí do tại sao không toà án luật pháp nào buộc trẻ con phải chịu trách nhiệm về hành động của của nó cho đến bẩy tuổi, bởi vì trẻ con chỉ có thể vật lí. Chúng ta đối xử với trẻ con giống như cách ta đối xử với con vật; chúng ta không thể buộc nó có trách nhiệm được. Cho dù trẻ con có phạm phải tội ác, điều đó vẫn được coi rằng nó phạm tội dưới hướng dẫn của ai đó - rằng tội phạm thực là ai đó khác.
Sau khi phát triển thể thứ hai, người ta đạt tới tuổi trưởng thành. Nhưng đây là tuổi trưởng thành về dục. Công trình của tự nhiên được hoàn chỉnh với sự phát triển này, và đây là lí do tại sao tự nhiên trao cộng tác hoàn toàn cho tới giai đoạn này. Nhưng tại giai đoạn này con người không phải là con người theo nghĩa hoàn toàn của từ này. Thể thứ ba, nơi năng lực lập luận, trí tuệ và tư duy phát triển, là kết quả của giáo dục, văn minh và văn hoá. Đây là lí do tại sao quyền bỏ phiếu được cấp cho một người khi người đó hai mươi mốt tuổi. Mặc dầu điều này là phổ biến trên khắp thế giới, một số nước đang tranh cãi xem liệu có cho phép người mười tám tuổi có quyền đi bầu hay không. Điều này là tự nhiên, bởi vì con người đang trở nên ngày càng tiến hoá hơn, khoảng thời gian bẩy năm cho việc trưởng thành của mỗi thể đang trở nên ngày một ngắn hơn.
Trên khắp thế giới con gái đạt tới tuổi dậy, vào độ tuổi mười ba hay mười bốn. Từ ba mươi năm qua độ tuổi cho điều này đang ngày một trở nên thấp dần. Thậm chí con gái mười một tuổi cũng đạt tới dậy thì. Việc hạ thấp độ tuổi đi bầu xuống mười tám là một chỉ dẫn rằng con người bây giờ hoàn tất công việc của hai mươi mốt năm trong mười tám năm. Tuy nhiên, thông thường hai mươi mốt năm là cần thiết cho trưởng thành của thể thứ ba, và đại đa số mọi người đều không phát triển hơn điều này. Trưởng thành của họ dừng lại ngay với phát triển của thể thứ ba, và không có phát triển thêm nữa cho phần còn lại cuộc sống của họ.
Điều tôi có thể gọi là hồn là ở thể thứ tư - manas sharir. Thể này có những kinh nghiệm kì diệu riêng của nó. Bây giờ một người có trí tuệ không phát triển thì không thể có khả năng quan tâm tới hay thích thú toán học, chẳng hạn. Toán học có cái đẹp của riêng nó, và chỉ Einstein mới có thể bị cuốn hút vào nó như nhạc sĩ trong âm nhạc hay hoạ sĩ trong mầu sắc. Với Einstein toán học không phải là công việc mà là trò chơi, nhưng trí tuệ phải đạt tới đỉnh phát triển này để biến toán học thành trò chơi được.
Với mỗi thể đã phát triển đều có vô hạn khả năng mở ra trước chúng ta. Người có thể ê te không phát triển, người trì trệ sau bẩy năm phát triển đầu tiên, không có mối quan tâm gì trong cuộc sống ngoài ăn và uống. Cho nên văn hoá của những nền văn minh mà tại đó đại đa số mọi người phát triển chỉ tới thể đầu tiên, vẫn xoay vòng quanh những chồi nụ ăn uống của họ. Nền văn minh mà đại đa số mọi người bị mắc kẹt ở thể thứ hai sẽ đọng vào dục. Nhân cách của họ, văn chương của họ, âm nhạc, phim ảnh, sách vở của họ, thơ ca và hội hoạ của họ, thậm chí nhà cửa và xe cộ của họ, đều sẽ đặt trọng tâm vào dục, vào dâm dục: tất cả những điều này sẽ được rót đầy bằng dục, bằng dâm dục.
Trong nền văn minh mà trong đó thể thứ ba phát triển đầy đủ, mọi người sẽ mang tính trí tuệ và suy tư. Bất kì khi nào việc phát triển thể thứ ba trở thành rất quan trọng trong xã hội hay trong quốc gia, nhiều cuộc cách mạng trí tuệ xảy ra. Tại Bihar, đại đa số mọi người mang phẩm chất này vào thời của Phật và Mahavira. Đây là lí do tại sao tám người có tầm vóc của Phật và Mahavira đã được sinh ra trong tỉnh Bihar nhỏ bé này. Bên cạnh đó, có hàng nghìn người khác vào thời đó, những người được trời phú thiên tài. Đó cũng là hoàn cảnh ở Hi lạp vào thời Socrates và Plato; đó cũng là hoàn cảnh ở Trung quốc vào thời Lão Tử và Khổng tử. Điều thậm chí còn kì diệu hơn và cần lưu ý là sự kiện rằng tất cả những con người chói sáng này đều tồn tại trong thời kì năm trăm năm. Trong năm trăm đó sự phát triển của thể thứ ba trong con người đã đạt tới đỉnh của nó. Nói chung con người dừng lại tại thể thứ ba. Đại đa số mọi người không phát triển sau hai mươi mốt tuổi.
Có những kinh nghiệm bất thường về thể thứ tư. Thôi miên, viễn cảm, thiên nhãn tất cả đều là tiềm năng của thể thứ tư. Người này có thể có liên hệ với người khác mà không bị cản trở bởi thời gian hay nơi chốn; họ có thể đọc được ý nghĩ của người khác mà không phải hỏi hay họ có thể phóng chiếu ý nghĩ lên người khác. Không có bất kì sự giúp đỡ bên ngoài nào người ta vẫn có thể truyền dẫn hạt mầm ý nghĩ vào người khác. Người ta có thể du hành bên ngoài thân thể mình; người đó có thể phóng chiếu thể vía và tự biết mình bên ngoài thể vật lí.
Có những khả năng lớn trong thể thứ tư, nhưng chúng ta thông thường không phát triển thể này vì có nhiều mạo hiểm cũng như lừa dối. Khi mọi thứ bắt đầu trở nên ngày một tinh tế, khả năng lừa dối cũng tăng thêm. Bây giờ khó mà tìm ra liệu một người có thực bước ra khỏi thân thể mình hay không. Người đó có thể mơ rằng mình bước ra khỏi thân thể mà người đó cũng có thể thực tại đã làm như vậy nữa, và trong cả hai trường hợp không có nhân chứng nào khác hơn bản thân người đó. Cho nên có mọi khả năng lừa dối.
Thế giới bắt đầu từ thể thứ tư mang tính chủ quan, trong khi thế giới trước đó mang tính khách quan. Nếu tôi có đồng ru pi trong tay, tôi có thể thấy nó, bạn có thể thấy nó, năm mươi người khác cũng có thể thấy nó. Đây là thực tại chung mà trong đó tất cả chúng ta có thể dự phần, và người ta có thể nghiên cứu liệu đồng ru pi có đó hay không. Nhưng trong địa hạt suy nghĩ của tôi, bạn không thể là đối tác, mà tôi cũng không thể là đối tác trong địa hạt suy nghĩ của bạn. Từ đây thế giới cá nhân bắt đầu với tất cả những may rủi của nó; không qui tắc bên ngoài nào về tính hợp thức của chúng ta có thể dùng được ở đây. Cho nên thế giới thực của sự lừa dối bắt đầu từ thể thứ tư. Tất cả mọi lừa dối của ba thể đầu đều có thể thấy được.
Nguy hiểm lớn nhất là ở chỗ không nhất thiết kẻ lừa dối nhận biết được sự kiện rằng mình đang lừa dối. Người đó có thể lừa dối một cách không chủ ý - cả bản thân mình cũng như người khác. Mọi việc đều tinh tế, hiếm hoi và cá nhân trên bình diện này đến mức người ta chẳng có phương tiện nào để kiểm tra tính hợp thức của kinh nghiệm của người đó. Cho nên người đó không thể nói được liệu mình đang tưởng tượng mọi thứ hay liệu chúng thực sự xảy ra cho người đó.
Cho nên chúng ta bao giờ cũng cố gắng cứu loài người khỏi thể thứ tư này, và những người đã dùng thể thứ tư này, bao giờ cũng bị kết án và vu cáo. Hàng trăm đàn bà đã bị đóng dấu sắt nung là phù thuỷ và bị thiêu sống ở châu Âu bởi vì họ đã dùng các khả năng của thể thứ tư. Hàng trăm người thực hành mật tông đã bị giết ở Ấn Độ bởi thể thứ tư. Họ biết một số bí mật dường như là nguy hiểm cho con người. Họ biết điều xảy ra trong tâm trí bạn; họ biết nơi các thứ được cất giấu trong nhà bạn mà chẳng cần phải bước tới đó. Cho nên địa hạt thể thứ tư bị xem như nghệ thuật "đen" trên toàn thế giới, vì người ta chẳng bao giờ biết cái gì có thể xảy ra. Chúng ta bao giờ cũng cố gắng hết sức để chặn tiến bộ không cho đi xa hơn nữa từ thể thứ ba, bởi vì thể thứ tư bao giờ cũng dường như là rất nguy hiểm.
Có những may rủi, nhưng cùng với những điều này cũng có những cái lợi kì diệu. Cho nên thay vì dừng lại, nghiên cứu là cần thiết. Thế thì chúng ta có thể tìm ra cách thức để kiểm tra tính hợp lệ của kinh nghiệm của mình. Bây giờ có những công cụ khoa học, và quyền năng hiểu biết của con người cũng tăng lên. Cho nên có thể tìm ra những cách thức hệt như trong trường hợp của nhiều khám phá khác đã được thực hiện trong khoa học.
Người ta không biết liệu con vật có mơ hay không. Làm sao điều này có thể chắc chắn được khi mà con vật không nói? Chúng ta biết điều ta mơ bởi vì ta dậy vào buổi sáng và nói rằng chúng ta đã mơ. Sau những nỗ lực và kiên nhẫn lớn, bây giờ người ta đã tìm ra cách thức. Một người đã làm việc nhiều năm với khỉ để tìm ra về điều này, và cách thức người này tiến hành thực nghiệm này cũng đáng để hiểu. Người này bắt đầu bằng việc chiếu phim cho khỉ xem. Ngay khi phim được bắt đầu, con khỉ được đem vào thực nghiệm sẽ bị gây một cú sốc điện. Một nút được đặt trên ghế của con khỉ và nó được dạy để nhấn nút này khi nó cảm thấy sốc. Cho nên hàng ngày nó được đặt ngồi trên ghế, và khi phim bắt đầu, nó cảm thấy sốc. Thế là nó ấn nút để tắt đi.
Điều này tiếp diễn trong vài ngày; thế rồi nó được gây ngủ trong ghế. Bây giờ khi nó bắt đầu mơ, nó sẽ bắt đầu cảm thấy không thoải mái, bởi vì với nó phim trên màn ảnh và phim trong giấc mơ của nó là một và như nhau. Nó lập tức ấn nút. Nhiều lần lặp đi lặp lại nó ấn phím, và điều này chứng tỏ rằng nó đang mơ. Theo cách này, con người bây giờ có thể thâm nhập vào thế giới mơ bên trong của các con vật câm. Các thiền nhân cũng đã tìm ra cách thức để kiểm tra kinh nghiệm về thể thứ tư từ bên ngoài, và bây giờ người ta có thể chứng minh liệu điều xảy ra là đúng hay sai. Kinh nghiệm về kundalini trên thể thứ tư có thể là về hồn, nhưng điều đó không làm cho chúng thành giả. Có những trạng thái hồn chân thực và trạng thái hồn giả. Khi tôi nói rằng kundalini có thể chỉ là kinh nghiệm tâm trí, điều đó không nhất thiết có nghĩa là đấy là kinh nghiệm giả. Kinh nghiệm tâm trí có thể là giả cũng như chân thực.
Bạn thấy một giấc mơ ban đêm. Bây giờ giấc mơ này là sự kiện bởi vì nó đã xảy ra. Nhưng khi tỉnh dậy vào buổi sáng, bạn có thể nhớ ra một giấc mơ nào đó mà bạn không thực đã mơ; thế nhưng bạn vẫn cứ khăng khăng rằng đấy là điều bạn đã mơ. Thế thì đây là giả. Một người có thể dậy vào buổi sáng và nói mình chẳng hề mơ. Nhiều người tin họ không mơ. Họ có mơ: cả đêm dài họ mơ, và điều này đã được chứng minh một cách khoa học. Nhưng vào buổi sáng họ khẳng định họ chưa hề mơ. Cho nên điều họ nói là tuyệt đối sai, mặc dầu họ không biết về nó. Thực tế, họ không nhớ các giấc mơ. Điều hoàn toàn đối lập cũng xảy ra: bạn nhớ những giấc mơ mà bạn chưa hề mơ. Điều này cũng sẽ là giả.
Mơ là không giả; chúng có thực tại của riêng chúng. Nhưng mơ có thể là thực cũng như không thực. Mơ thực là những giấc mơ thực tế đã được mơ. Điều rắc rối cũng là ở chỗ bạn không thể nào kể lại giấc mơ của mình một cách chính xác khi tỉnh dậy. Bởi lí do này, ngày xưa bất kì ai có thể kể lại giấc mơ của mình một cách rõ ràng và chính xác đều được quí trọng cao. Rất, rất khó để báo cáo lại một giấc mơ cho đúng. Trình tự giấc mơ là một điều khi bạn mơ nó và là điều đối lập lại khi bạn nhớ nó. Nó cũng tựa như cuốn phim. Khi chúng ta xem phim, câu chuyện trải ra từ đầu phim. Tương tự, cuộn phim về vở kịch mơ cuốn theo một chiều trong giấc ngủ và bắt đầu tháo ra theo chiều ngược lại trong trạng thái tỉnh, cho nên chúng ta nhớ phần cuối của giấc mơ trước hết rồi đi ngược để nhớ lại. Điều ta mơ đầu tiên trở thành điều cuối cùng được nhớ lại. Điều này cũng giống hệt như ai đó cố gắng đọc một cuốn sách từ cuối ngược lên; từ đảo ngược sẽ gây ra những lộn xộn như vậy. Cho nên nhớ lại giấc mơ và đưa ra cách biểu diễn đúng cho nó là một nghệ thuật lớn. Nói chung, khi chúng ta nhớ lại giấc mơ, chúng ta hồi tưởng những sự kiện mà chúng ta chưa hề mơ tới. Chúng ta bỏ phần lớn của mơ thực và sau đó bỏ phần lớn phần còn lại.
Mơ xảy ra cho thể thứ tư, và thể thứ tư có tiềm năng lớn. Bất kì cái gì siddhis được nói tới trong yoga cũng đều đạt được trong thể này. Yoga không ngừng cảnh báo cho thiền nhân đừng đi vào trong chúng. Nguy hiểm lớn nhất là việc đi lạc lối. Cho dù bạn đi vào trạng thái hồn, nó cũng chẳng có giá trị tâm linh nào.
Cho nên khi tôi nói kundalini là hồn, điều tôi muốn nói là ở chỗ nó thực tại là điều xảy ra cho thể thứ tư. Đây là lí do tại sao các nhà sinh lí học không thể nào phát hiện ra kundalini bên trong thân thể con người. Cho nên cũng là điều tự nhiên mà họ từ chối sự tồn tại của kundalini và luân xa và gọi chúng là tưởng tượng. Chúng là những sự kiện của thể thứ tư. Thể thứ tư tồn tại, nhưng nó rất tinh tế; nó không thể tới bên trong việc hiểu thấu của chúng ta. Chỉ thể vật lí mới có thể được hiểu thấu. Nhưng có những điểm tương ứng giữa thể thứ nhất và thể thứ tư.
Nếu chúng ta đặt bẩy tờ giấy chồng lên nhau, xuyên một lỗ qua chúng bằng chiếc đinh ghim để cho tất cả các tờ giấy đều bị xuyên thủng, thế thì cho dù lỗ hổng biến mất trong tờ đầu, nó vẫn mang một dấu hiệu tương ứng với lỗ hổng trong các tờ giấy còn lại. Thế thì mặc dầu tờ giấy đầu tiên không có lỗ hổng, nó vẫn có một điểm tương ứng trực tiếp với các lỗ hổng trên các tờ giấy khác khi nó được đặt lên chúng. Cho nên luân xa, kundalini, vân vân không thuộc vào thể thứ nhất nhưng có những điểm tương ứng trong thể thứ nhất. Cho nên nhà sinh lí học cũng không sai nếu ông ta phủ định chúng. Luân xa và kundalini là trong các thể khác, nhưng các điểm tương ứng với chúng có thể thấy trên thể vật lí.
Vậy kundalini là việc xảy ra ở thể thứ tư và đó là phần hồn. Và khi tôi nói rằng phần hồn này có hai loại - một thật và một giả - thế thì bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Nó sẽ là giả khi nó là sản phẩm của trí tưởng tượng của bạn, bởi vì tưởng tượng cũng là một đặc trưng của thể thứ tư. Con vật không có quyền năng tưởng tượng, cho nên chúng có rất ít kí ức về quá khứ và không có ý tưởng nào về tương lai. Con vật được tự do khỏi lo âu vì lo âu bao giờ cũng là về tương lai. Con vật thấy nhiều cái chết xảy ra, nhưng chúng chưa bao giờ tưởng tượng rằng chúng cũng có thể chết; do đó, chúng không sợ chết. Trong con người cũng có nhiều người không bị bận tâm bởi việc sợ chết. Người như vậy bao giờ cũng liên kết cái chết với người khác chứ không với chính mình. Lí do là ở chỗ quyền năng tưởng tượng trong thể thứ tư còn chưa phát triển đầy đủ để nhìn vào tương lai.
Điều này có nghĩa là tưởng tượng cũng có thể thật hoặc giả. Tưởng tượng thật nghĩa là chúng ta có khả năng thấy trước tương lai, nghĩa là chúng ta có thể quán tưởng cái còn chưa tới. Nhưng tưởng tượng điều gì đó sẽ xảy ra mà không thể nào xảy ra được, cái không tồn tại, lại là tưởng tượng giả. Khi tưởng tượng được dùng theo đúng hoàn cảnh của nó, nó trở thành khoa học; khoa học chủ yếu chỉ là tưởng tượng.
Từ hàng nghìn năm con người đã mơ bay lượn. Những người đã mơ theo cách này đều phải rất giàu trí tưởng tượng. Nếu con người chưa bao giờ mơ về việc bay, sẽ không thể nào có chuyện anh em nhà Wright làm máy bay đầu tiên. Họ đã làm cho ham muốn bay của con người thành cái gì đó cụ thể. Ham muốn này cần thời gian để thành hình; thế rồi thực nghiệm đã được tiến hành, và cuối cùng con người đã thành công trong việc bay.
Cũng thế từ hàng nghìn năm nay con người đã muốn lên tới mặt trăng. Trước hết đấy chỉ là tưởng tượng của con người; dần dần nó thu được mảnh đất, và bây giờ nó được hoàn thành. Bây giờ, những tưởng tượng này là chân thực: tức là, chúng không phải trên con đường giả. Những tưởng tượng này đang trên con đường hiện thực mà có thể được khám phá vào thời gian sau. Cho nên các nhà khoa học cũng tưởng tượng, và người điên cũng làm như vậy.
Nếu tôi nói rằng khoa học là việc tưởng tượng và điên khùng cũng là tưởng tượng, chớ nghĩ rằng chúng là một và cùng một thứ. Người điên tưởng tượng những thứ không tồn tại và không có quan hệ gì với thế giới vật lí. Nhà khoa học cũng tưởng tượng: ông ta tưởng tượng những thứ có quan hệ trực tiếp với thế giới vật lí. Và nếu điều ấy ban đầu không dường như là vậy thì vẫn có khả năng đầy đủ cho sự hiện hữu của chúng trong tương lai.
Trong số những khả năng của thể thứ tư bao giờ cũng có cơ hội đi sai. Thế thì thế giới giả bắt đầu. Đây là lí do tại sao tốt nhất chúng ta đừng nuôi dưỡng bất kì trông đợi nào trước khi đi vào thể này. Thể thứ tư này là thể hồn. Bây giờ, chẳng hạn, nếu tôi muốn đi xuống tầng đất của ngôi nhà này, tôi sẽ phải tìm thang máy hoặc cầu thang để đi xuống. Nhưng nếu tôi muốn đi xuống trong ý nghĩ của mình, chẳng cần thang máy hay cầu thang. Tôi có thể ngồi ngay đây và đi xuống.
Mối nguy của tưởng tượng và ý nghĩ là ở chỗ người ta chẳng phải làm gì ngoại trừ việc tưởng tượng hay suy nghĩ, và do vậy bất kì ai cũng đều có thể làm điều đó. Hơn nữa, nếu bất kì ai đi vào cõi này với những ý tưởng và trông đợi định trước, thế thì người đó lập tức đi vào những điều này, bởi vì thế thì tâm trí cũng sẽ sẵn lòng hợp tác với điều đó. Nó sẽ nói, "Mình muốn thức tỉnh kundalini ư? Được thôi! Nó đang lên đấy... nó đã lên rồi." Thế thì bạn sẽ bắt đầu tưởng tượng kundalini đang lên, và tâm trí sẽ động viên bạn trong cái cảm giác giả tạo này cho tới cuối cùng bạn sẽ cảm thấy rằng nó hoàn toàn được thức tỉnh và rằng các luân xa đều đã được kích hoạt hết. Nhưng có một cách để kiểm tra tính hợp lệ của nó, và đó là ở chỗ với việc mở từng luân xa sẽ có sự thay đổi rõ rệt trong nhân cách của bạn. Sự thay đổi này bạn không thể tưởng tượng hay nghĩ trước, bởi vì sự thay đổi này xảy ra trong thế giới vật chất.
Cho nên, chẳng hạn, khi kundalini thức tỉnh, bạn không thể uống chất say được; điều ấy là không thể được. Thể trí bị ảnh hưởng bởi rượu cồn rất nhanh chóng vì nó rất tinh tế. Đây là lí do tại sao - và bạn sẽ ngạc nhiên mà biết điều này - khi đàn bà uống rượu, cô ấy trở nên còn nguy hiểm hơn đàn ông làm việc đó. Điều này là vì thể trí của cô ấy còn tinh tế hơn, và nó bị ảnh hưởng nhanh chóng đến mức mọi thứ tuột ra ngoài sự kiểm soát của cô ấy. Đây là lí do tại sao đàn bà đã được bảo vệ khỏi nguy cơ này bởi một số luật lệ trong xã hội. Đây là một chỗ mà đàn bà không tìm kiếm sự bình đẳng với đàn ông, mặc dầu không may là về sau, cô ấy lại cố gắng làm điều đó. Cái ngày cô ấy khẳng định sự bình đẳng của mình trong lĩnh vực này và cố gắng vượt trội hơn đàn ông trong điều đó, cô ấy sẽ gây ra tác hại cho bản thân mình mà chưa bao giờ hành động của đàn ông gây ra lại gây tác hại được đến thế.
Trong thể thứ tư việc thức tỉnh của kundalini không thể được chứng minh bởi việc bạn nói về kinh nghiệm này, bởi vì, như tôi đã nói trước đây, bạn có thể tưởng tượng giả về việc thức tỉnh và kinh nghiệm kundalini nữa. Nó chỉ có thể được đánh giá qua những nét vật lí của bạn: liệu có biến đổi triệt để nào đã xảy ra trong nhân cách của bạn hay không. Ngay khi năng lượng này được thức tỉnh, lập tức sẽ có những dấu hiệu về thay đổi trong bạn. Đây là lí do tại sao tôi bao giờ cũng nói rằng hành vi là tiêu chuẩn bên ngoài và không phải là nguyên nhân bên trong. Nó là tiêu chí cho điều đã xảy ra bên trong. Với từng nỗ lực, một số điều bắt đầu xảy ra không tránh khỏi. Khi năng lượng thức tỉnh, thiền nhân trở nên không thể nào uống được bất kì chất say nào. Nếu người đó vẫn còn say mê ma tuý và rượu cồn, thế thì biết rằng kinh nghiệm của người đó tất cả là tưởng tượng, bởi vì điều ấy là tuyệt đối không thể được.
Sau khi thức tỉnh kundalini, khuynh hướng bạo hành biến mất hoàn toàn. Thiền nhân không chỉ không bạo hành, mà người này còn không cảm thấy bạo hành bên trong mình nữa. Thôi thúc để bạo hành, thôi thúc làm hại người khác, chỉ có thể tồn tại khi sinh lực đang ngủ. Khoảnh khắc nó thức tỉnh, người khác dừng là người khác và do vậy bạn không thể muốn làm hại người đó. Thế thì bạn sẽ không phải kìm nén bạo hành bên trong bản thân mình bởi vì thế thì bạn không thể là bạo hành được.
Nếu bạn thấy rằng bạn phải kìm nén cảm giác bạo hành, thế thì biết rằng kundalini còn chưa thức tỉnh đâu. Nếu sau khi mắt mở ra bạn vẫn phải dò đường bằng gậy, thế thì biết rằng mắt vẫn chưa thể thấy được, dù bạn có nói gì khác cũng chẳng thành vấn đề - bởi vì bạn vẫn chưa vứt được cây gậy đi. Việc người ngoài có thấy liệu bạn có thể thấy được hay không là tuỳ ở hành động của bạn. Gậy của bạn, dò dẫm của bạn và bước đi loạng choạng của bạn chứng tỏ rằng mắt bạn vẫn còn chưa mở.
Cho nên sẽ có thay đổi triệt để trong hành vi của bạn với việc thức tỉnh, và tất cả các lời thề tôn giáo đều giống như lời thề của mahavrata - không bạo hành, không ăn cắp, không sở hữu, vô dục và đầy nhận biết - sẽ trở thành tự nhiên và dễ dàng cho bạn. Thế thì biết rằng kinh nghiệm của bạn là chân thực. Tuy nó là phần hồn, nhưng tất cả đều là chân thực như nhau. Bây giờ bạn có thể tiến thêm nữa. Bạn có thể tiến lên nếu con đường của bạn là chân thực nhưng không có điều ngược lại. Bạn không thể ở yên mãi mãi trong thể thứ tư vì đấy không phải là mục đích. Còn có các thể khác cần phải đi qua.
Như tôi đã nói, chúng ta thấy rằng rất ít người có khả năng phát triển thể thứ tư. Đó là lí do tại sao có những người thực hiện phép màu trong thế giới ngày nay. Nếu thể thứ tư trong mọi người đều được phát triển, phép màu sẽ tan biến ngay khỏi trái đất này. Nếu như có xã hội của những người mà sự phát triển của họ đã bị đình trệ sau độ tuổi mười bốn, thế thì người đã phát triển thêm một chút nữa, người có thể cộng hay trừ, sẽ được coi như thực hiện được phép màu.
Hàng nghìn năm trước đây, khi một người tuyên bố về ngày tháng của nhật thực, điều đó được coi như một phép màu mà chỉ những người rất thông thái mới có thể thực hiện nổi. Ngày nay chúng ta biết rằng thậm chí máy cũng có thể cho chúng ta thông tin này. Đấy là vấn đề tính toán và chẳng cần đến một nhà thiên văn hay nhà tiên tri hay người có học nào cả. Một máy tính có thể cho thông tin không chỉ về một nhật thực mà còn hàng triệu nhật thực. Nó thậm chí còn có thể dự đoán ngày mà mặt trời sẽ lạnh đi - vì có tất cả các tính toán. Máy có thể tính ngày tháng từ số lượng năng lượng mà mặt trời phát ra hàng ngày, chia cho tổng số năng lượng của mặt trời để thu được số năm mặt trời sẽ kéo dài.
Nhưng tất cả những điều này bây giờ đối với chúng ta không giống như phép màu nữa vì bây giờ tất cả chúng ta đều đã phát triển tới thể thứ ba. Một nghìn năm trước đây, nó đã là phép màu lớn nếu một người tiên đoán được rằng năm tới, trong tháng này, trong đêm này, sẽ có nguyệt thực. Người đó sẽ được coi là siêu nhân. ‘Phép màu’ đó bây giờ xảy ra thường xuyên - bùa mê ảo thuật, tro thả từ khung tranh - tất cả đều là sự kiện thông thường của thể thứ tư. Nhưng vì chúng ta không biết nên nó thành phép màu với chúng ta.
Cũng hệt như bạn đứng dưới gốc cây còn tôi đang ngồi trên cây, và chúng ta hai người cùng nói. Bây giờ tôi thấy một chiếc xe đang chạy từ xa và tôi bảo bạn rằng trong một giờ nữa xe sẽ tới và dừng dưới cây. Bạn sẽ nói, "Thầy có là nhà tiên tri không đấy? Thầy nói điều bí ẩn thế. Chẳng có xe nào ở đâu quanh đây cả. Tôi không tin vào điều thầy nói." Nhưng sau một giờ, chiếc xe lăn bánh tới cái cây, và tất yếu bạn phải chạm chân tôi và nói, "Thưa thầy kính yêu, tôi kính trọng thầy. Thầy đúng là nhà tiên tri." Khác biệt chỉ là thế này thôi, đó là tôi ngồi cao hơn bạn một chút - trên cây - từ đó có thể thấy được chiếc xe một giờ trước khi bạn cũng thấy được. Tôi không nói về tương lai, tôi đang nói chính về hiện tại. Nhưng có khoảng cách một giờ giữa thời hiện tại của bạn và của tôi bởi vì tôi ở mức cao hơn. Với bạn, nó sẽ thành hiện tại sau một giờ, nhưng với tôi nó là hiện tại bây giờ.
Người càng đứng sâu hơn bên trong bản thể mình, người đó càng trở thành phép màu lớn hơn đối vối những người vẫn ở tầng bề mặt. Thế thì tất cả những việc làm của người đó sẽ trở thành phép màu với chúng ta bởi vì chúng ta không có cách nào phán đoán những điều xảy ra này vì chúng ta không biết luật của thể thứ tư. Đây là cách thức ảo thuật và phép màu xảy ra: chúng là sự trưởng thành hơn của thể thứ tư. Cho nên nếu chúng ta muốn phép màu chấm dứt trong thế giới này, nó sẽ không xảy ra bởi việc thuyết giảng cho quần chúng. Cũng hệt như việc chúng ta trao dạy dỗ cho một người về thể thứ ba và làm cho người đó hiểu được ngôn ngữ và toán học, bây giờ chúng ta phải trao cho người đó việc huấn luyện về thể thứ tư. Mỗi người đều phải có đủ khả năng tương ứng, bởi vì chỉ thế thì phép màu mới dừng lại; bằng không, ai đó hay người khác bao giờ cũng sẽ lợi dụng điều này. Thể thứ tư phát triển cho tới hai tám tuổi - tức là, cho bẩy năm nữa. Nhưng rất ít người có thể phát triển được nó.
Atma sharir - thể thứ năm, còn được gọi là thể tâm linh - có giá trị lớn. Nếu trưởng thành trong cuộc sống còn tiếp tục theo cách thức đúng đắn, đến độ tuổi ba mươi nhăm thể này phải được phát triển hoàn toàn. Nhưng đây là ý tưởng xa xôi bởi vì thậm chí thể thứ tư cũng chỉ được phát triển ở rất ít người. Đây là lí do tại sao linh hồn và những điều như vậy là chủ đề thảo luận duy nhất cho chúng ta; không có nội dung đằng sau từ này. Khi chúng ta nói atman, đấy đơn thuần chỉ là từ; chẳng có gì đằng sau nó cả. Khi chúng ta nói bức tường, không chỉ có từ mà còn có cả chất liệu đằng sau từ này; chúng ta biết "tường" nghĩa là gì. Nhưng không có ý nghĩa đằng sau từ atman, vì chúng ta không có tri thức, không có kinh nghiệm về atman. Đây là thể thứ năm của chúng ta, và chỉ nếu kundalini thức tỉnh trong thể thứ tư, lối vào thể thứ năm mới thành có thể; bằng không, chúng ta không thể vào được. Chúng ta không nhận biết về thể thứ tư cho nên thể thứ năm cũng vẫn còn là điều không được biết tới.
Rất ít người phát hiện ra thể thứ năm; họ là những người mà chúng ta gọi là người tâm linh. Những người này coi điều này là chỗ kết thúc cuộc hành trình và tuyên bố, "Đạt tới atman là đạt tới tất cả." Nhưng cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, những người dừng lại ở thể thứ năm đều phủ nhận Thượng đế. Họ nói, "Không có brahman; không có paramatman," cũng hệt như người trì trệ ở thể thứ nhất sẽ phủ nhận sự tồn tại của atman. Cũng hệt như người duy vật nói, "Thân thể là mọi thứ; khi thân thể chết, mọi thứ đều chết," cho nên người tâm linh tuyên bố, "Không có gì bên ngoài atman: atman là mọi thứ; nó là trạng thái cao nhất của hiện hữu." Nhưng đây chỉ là thể thứ năm.
Thể thứ sáu là brahman sharir - thể vũ trụ. Khi một người tiến hoá ra ngoài atman của mình, khi người đó sẵn lòng mất nó đi, người đó đi vào thể thứ sáu. Nếu loài người phát triển một cách khoa học, sự phát triển tự nhiên của thể thứ sáu sẽ xảy ra vào độ tuổi bốn mươi hai, và sự phát triển của nirvana sharir - thể thứ bẩy - vào độ tuổi bốn mươi chín. Thể thứ bẩy là thể niết bàn, thể vô thể - trạng thái vô thể. Đây là trạng thái tối thượng nơi chỉ cái hư không còn lại - thậm chí không có cả brahman, thực tại vũ trụ, mà chỉ có cái trống rỗng. Cái không còn lại; mọi thứ đã biến mất.
Cho nên khi bất kì ai hỏi Phật, "Cái gì xảy ra ở đó?", ông ấy đáp, "Ngọn lửa mất rồi." "Thế thì cái gì xảy ra?" người ta sẽ lại hỏi ông ấy. "Khi ngọn lửa mất đi, ông không hỏi, ‘Nó đã đi đâu? Ngọn lửa bây giờ đâu rồi?’ Nó mất đi, có vậy thôi." Từ niết bàn hàm ý sự tiêu tan của ngọn lửa. Do đó, Phật nói, niết bàn xảy ra.
Trạng thái của moska được kinh nghiệm trong thể thứ năm. Giới hạn của bốn thể đầu bị siêu việt lên và linh hồn trở thành hoàn toàn tự do. Cho nên giải thoát là kinh nghiệm của thể thứ năm. Cõi trời và địa ngục đi đôi với thể thứ tư, và người dừng lại đây sẽ kinh nghiệm chúng. Với những người dừng lại các thể thứ nhất, thứ hai và thứ ba, cuộc sống giữa sinh và tử trở thành mọi thứ; không có cuộc sống bên ngoài cái chết cho họ. Nếu một người vượt ra ngoài đi vào thể thứ tư, sau cuộc đời này người đó kinh nghiệm cõi trời và địa ngục, nơi có những khả năng vô hạn của hạnh phúc và khổ.
Nếu người đó đạt tới thể thứ năm, có cánh cửa của giải thoát, và nếu người đó đạt tới thể thứ sáu, có khả năng của trạng thái nhận ra Thượng đế. Thế thì không có vấn đề về giải thoát hay không giải thoát; người đó trở thành một với cái đang đấy. Lời tuyên bố về "Aham Brahmasmi" - Ta là Thượng đế - là của bình diện này. Nhưng có một bước nữa, là bước nhảy cuối cùng - nơi không có aham và không có Brahman, nơi cái ta và người là hoàn toàn không tồn tại, nơi đơn thuần không có gì - nơi chỉ có cái hư không toàn bộ và tuyệt đối. Đó là niết bàn.
Đây là bẩy thể được phát triển trong thời kì bốn mươi chín năm. Đây là lí do tại sao điểm giữa của năm mươi năm đã được biết tới như điểm cách mạng. Trong hai mươi nhăm năm đầu có một hệ thống cuộc sống. Trong thời kì này nỗ lực được tiến hành để phát triển bốn thể đầu; thế rồi việc giáo dục của người đó được coi như hoàn thành. Thế rồi người đó được coi như sẽ đi tìm các thể năm, sáu bẩy của mình trong phần còn lại của cuộc sống mình, và trong phần hai mươi nhăm năm còn lại người đó được trông đợi đạt tới thể thứ bẩy. Do đó, độ tuổi năm mươi được xem như tuổi trọng yếu. Vào lúc này con người trở thành wanaprasth, điều chỉ có nghĩa là bây giờ người đó nên quay cái nhìn về rừng rậm - rằng bây giờ người đó nên quay mắt ra khỏi mọi người, xã hội và phố thị.
Độ tuổi bẩy mươi nhăm lại là một điểm cách mạng nữa - khi con người đã trở nên được điểm đạo có tính sannyas. Quay hướng về rừng rậm có nghĩa là loại bỏ bản thân mình khỏi đám đông và mọi người; sannyas nghĩa là bây giờ thời điểm đã đến để nhìn ra ngoài bản ngã, siêu việt lên trên bản ngã. Trong rừng rậm cái ‘tôi’ sẽ cần phải đi cùng với người đó mặc dầu người đó đã từ bỏ tất cả những điều khác, nhưng tại độ tuổi bẩy mươi nhăm, cái ‘tôi’ này nữa cũng phải bị từ bỏ.
Tuy nhiên, điều kiện là ở chỗ trong cuộc đời người ta như một người quản gia, người ta phải trải qua và phát triển tất cả bẩy thể để cho phần còn lại của cuộc hành trình trở thành tự phát và vui vẻ. Nếu điều này không được tiến hành, sẽ rất khó khăn, bởi vì với mọi chu kì bẩy năm đều được gắn với một trạng thái phát triển đặc biệt. Nếu thể vật lí của đứa trẻ không trưởng thành đầy đủ trong bẩy năm đầu cuộc sống của nó, nó bao giờ cũng ốm yếu. Nhiều nhất chúng ta có thể thấy trong đó là nó không còn ốm - nhưng nó sẽ không bao giờ khoẻ bởi vì nền tảng mạnh khoẻ cơ sở của nó mà đáng phải hình thành trong bẩy năm đầu đã bị lung lay. Cái mà đáng phải trở nên mạnh mẽ và vững chắc, đã bị rối loạn, và đó là thời gian cho việc phát triển nó.
Cũng giống hệt như việc làm móng cho ngôi nhà: nếu nền móng yếu, sẽ khó - không, phải nói là không thể được - để sửa chữa nó một khi đã lên tới mái. Tại giai đoạn nền móng này chỉ có thể làm việc đặt nền móng cho vững. Cho nên trong bẩy năm đầu này, nếu có sẵn những điều kiện đúng đắn cho thể thứ nhất, thân thể sẽ phát triển đúng đắn. Bây giờ nếu thể thứ hai và các xúc cảm không phát triển đầy đủ trong bẩy năm tiếp, một số hư hỏng dục sẽ phát sinh. Thế thì sẽ rất khó để sửa chữa những điều này về sau. Cho nên thời kì phát triển cho một thể đặc biệt là chủ chốt nhất.
Tại mỗi bước của cuộc sống, mỗi thể đều có thời kì phát triển định sẵn của nó. Có thể có hơi khác biệt đây đó, nhưng đấy là vấn đề phụ. Nếu một đứa trẻ không phát triển về mặt dục trong mười bốn năm, toàn bộ cuộc sống của nó trở thành cuộc thử thách lâu dài. Nếu trí tuệ không phát triển vào lúc nó hai mươi mốt tuổi, rất ít có cơ hội cho việc phát triển của nó vào thời kì về sau. Nhưng cho đến nay chúng ta đều đồng ý: chúng ta chăm sóc cho thể thứ nhất, thế rồi chúng ta chăm nom gửi trẻ con tới trường để phát triển trí tuệ của chúng nữa. Nhưng chúng ta quên mất rằng phần các thể còn lại cũng có thời gian được chia phần của chúng mà nếu bị mất đi, sẽ đẩy chúng ta vào khó khăn.
Con người phải mất năm mươi năm để phát triển thân thể mà người đó đáng phải phát triển trong hai mươi mốt năm. Hiển nhiên là người đó không có nhiều sức mạnh vào độ tuổi năm mươi như khi người đó ở độ tuổi hai mươi mốt, cho nên người đó phải đổ ra rất nhiều cố gắng. Thế thì điều đáng ra dễ dàng hơn để hoàn thành vào độ tuổi hai mươi mốt sẽ trở thành dài và gay go.
Còn có khó khăn khác mà người đó gặp phải: tại độ tuổi hai mươi mốt người đó ở đúng cánh cửa nhưng người đó đã bỏ lỡ nó. Bây giờ, ba mươi năm qua, người đó đã ở biết bao nhiêu chỗ đến mức người đó mất cái nhìn về lối mở đúng. Sự lang thang của người đó bây giờ làm cho người đó không thể nào định vị được nơi mà người đó đã đứng ở tuổi hai mươi mốt tuổi và cái được cần để hơi đẩy là mở ra.
Do đó, cần có hoàn cảnh được tổ chức tốt cho trẻ con chừng nào chúng còn chưa đạt tới độ tuổi hai mươi nhăm. Điều đó nên được lập kế hoạch chu đáo để đưa chúng tới mức thể thứ tư. Sau thể thứ tư phần còn lại là dễ dàng. Thế thì nền tảng sẽ được đặt chu đáo; bây giờ chỉ quả là còn phải phát triển. Cây đã được hình thành cho tới thể thứ tư; thế rồi quả bắt đầu xuất hiện từ thể thứ năm và lên tới cao trào ở thể thứ bẩy. Chúng ta có thể phải cho phép một chút xíu chỗ này chỗ nọ, nhưng chúng ta phải rất để tâm tới những nền tảng.
Theo khía cạnh này một vài điều nữa cũng nên được lưu tâm. Có khác biệt giữa đàn ông và đàn bà qua bốn thể đầu. Chẳng hạn, nếu một cá nhân là đàn ông, thể vật lí của anh ta là thể nam tính. Nhưng thể thứ hai của anh ta - thể ê te, nằm sau thể vật lí - lại là nữ tính, bởi vì không cực âm hay cực dương nào có thể tự mình tồn tại cả. Một thể nam tính và một thể nữ tính, dưới dạng điện, là các thể dương và âm.
Thể vật lí của đàn bà là âm tính; do đó, cô ấy không bao giờ năng nổ trong vấn đề dục. Cô ấy có thể chịu đựng bạo hành của đàn ông trong phương diện này, nhưng tự mình không thể bạo hành. Cô ấy không thể làm gì với người đàn ông mà không có sự bằng lòng của người này. Thể đầu tiên của đàn ông là dương tính - năng nổ. Anh ta có thể, do đó, làm điều gì đó năng nổ với đàn bà mà chẳng cần sự bằng lòng của cô ấy; anh ta có thể thứ nhất là năng nổ. Nhưng bởi vì âm tính không có nghĩa là số không hay thiếu vắng. Dưới dạng điện, âm tính có nghĩa là tiếp nhận, dự trữ. Trong thân thể đàn bà, năng lượng nằm dưới dạng dự trữ; nhiều năng lượng nằm trong dự trữ. Nhưng nó không hoạt động; nó bất hoạt.
Đây là lí do tại sao đàn bà không sáng tạo ra cái gì. Cô ấy không làm thơ, không tạo ra bức hoạ lớn, không ấp ủ nghiên cứu khoa học. Điều này là bởi vì cần phải có năng nổ cho nghiên cứu hay công việc sáng tạo nào đó. Cô ấy chỉ có thể đợi; đó là lí do tại sao cô ấy chỉ có thể tạo ra trẻ con.
Đàn ông có thể dương tính, nhưng bất kì ở đâu có thể dương tính, cũng đều phải có thể âm tính đằng sau nó bằng không nó không thể kéo dài được. Cả hai phải cùng hiện diện; thế thì vòng tròn là đầy đủ. Cho nên thể thứ hai của đàn ông là nữ tính, trong khi thể thứ hai của đàn bà là nam tính. Đây là lí do tại sao - và đây cũng là sự kiện thú vị - đàn ông trông và là rất mạnh, khi thể vật lí bắt đầu. Nhưng đằng sau sức mạnh bề ngoài đó là thể nữ tính yếu đuối thường trực. Đây là lí do tại sao anh ta xoay xở bày tỏ sức mạnh chỉ cho vài khoảnh khắc mỗi lúc. Trong hoạt động dài anh ta thua bàn tay đàn bà, bởi vì thể đằng sau thể nữ tính yếu đuối của cô ấy là thể nam tính mạnh.
Đây là lí do tại sao sức mạnh chịu đựng của đàn bà, khả năng của cô ấy về chịu đựng, lại lớn hơn khả năng của đàn ông. Nếu đàn ông và đàn bà cùng chịu đựng một bệnh tật, đàn bà có thể chịu đựng được lâu hơn đàn ông. Đàn bà tạo ra trẻ con. Nếu đàn ông phải tạo ra trẻ con, họ sẽ hiểu cực nhọc phải bị trải qua. Thế thì có lẽ sẽ không cần phải có kế hoạch hoá gia đình nữa - bởi vì đàn ông không thể nào chịu đựng được biết bao đau đớn trong thời gian lâu như thế. Trong một hay hai lúc anh ta có thể phiêu diêu trong giận dữ, có thể đánh gối, nhưng anh ta không thể mang một đứa trẻ trong bụng suốt trong chín tháng, cũng chẳng thể kiên nhẫn ôm bế nó trong nhiều năm sau. Nếu nó khóc cả đêm, anh ta có thể bóp chết nó. Anh ta sẽ không thể nào tha thứ cho sự quấy nhiễu. Anh ta có sức mạnh phi thường, nhưng đằng sau anh ta là thể ê te tinh tế, ẻo lả. Bởi vì điều này anh ta không thể chịu được đau đớn hay không thoải mái.
Đây là lí do tại sao đàn bà lại ít ốm đau hơn đàn ông, khoảng sống của họ dài hơn của đàn ông. Bởi lí do này mà chúng ta nên giữ khác biệt năm năm giữa con trai và con gái vào lúc hôn nhân, bằng không, thế giới sẽ đầy những bà goá. Nếu con trai hai mươi tuổi, chúng ta nên chọn con gái hai mươi bốn hay hai mươi nhăm cho anh ta. Khoảng sống của đàn ông ít hơn đàn bà bốn hay năm năm, cho nên khác biệt này sẽ làm quân bình mọi thứ và cả hai sẽ đồng bộ với nhau.
Một trăm mười sáu con trai được sinh ra để ứng với một trăm con gái được sinh ra. Khác biệt về số lượng khi sinh là mười sáu, nhưng về sau con số này bằng nhau. Mười sáu đứa con trai chết đi trước lúc chúng đạt tới tuổi mười bốn và do vậy con số thành bằng nhau. Nhiều con trai chết đi dễ dàng hơn con gái. Điều này là bởi vì con gái có sức mạnh chịu đựng lớn hơn qua thể nam tính thứ hai.
Bây giờ thể thứ ba của con trai - tức là thể vía - sẽ lại là nam tính, và thể thứ tư hay thể hồn sẽ lại là nữ tính. Đảo ngược lại sẽ là trường hợp của con gái. Phân chia nam tính và nữ tính này chỉ tồn tại tới thể thứ tư; thể thứ năm vượt ra ngoài giới tính. Do đó, ngay khi đạt tới atman, không còn con trai con gái nữa - nhưng chưa đạt tới lúc đó thì vẫn còn.
Có một điều nữa cần tính tới trong mối liên quan này. Vì mọi nam đều có thể nữ tính bên trong mình và mọi nữ đều có thể nam tính bên trong mình, cho nên nếu ngẫu nhiên một người đàn bà lấy được người chồng đồng nhất với thể nam tính bên trong của mình, hay nếu người đàn ông lấy người đàn bà có thể nữ tính đồng nhất với thể nữ tính bên trong của mình, chỉ thế thì hôn nhân mới thành công; ngoài ra thì không.
Đây là lí do tại sao chín mươi chín phần trăm hôn nhân thất bại: bởi vì qui tắc bản chất cho thành công là chưa được biết tới. Chừng nào chúng ta không thể chắc chắn được liên minh đúng giữa các thể năng lượng tương ứng của hai người, hôn nhân nhất định thất bại dù ta có tiến theo hướng nào đi chăng nữa. Hôn nhân thành công chỉ có thể có nếu các chi tiết khoa học tuyệt đối rõ ràng có liên quan tới các thể bên trong khác nhau này được đạt tới. Con trai hay con gái đã đạt tới điểm thức tỉnh kundalini sẽ thấy rất dễ dàng chọn đúng bạn tình trong cuộc sống. Với tri thức đầy đủ về tất cả thể của mình bên trong, người ta có thể chọn đúng ở bên ngoài. Trước điều này là rất khó khăn.
Do đó, những người biết đều nhấn mạnh rằng trẻ con nên để cho phát triển bốn thể đầu trước trong hai mươi nhăm năm đầu bởi việc duy trì brahmacharya- vô dục, và chỉ thế thì nó mới có thể xây dựng gia đình - bởi vì nó sẽ lấy ai? Nó sẽ sẽ muốn dành cả phần còn lại cuộc sống với ai? Nó sẽ tìm kiếm ai? Người đàn bà tìm người đàn ông nào? Cô ấy tìm người đàn ông bên trong mình. Nếu ngẫu nhiên mà các ghép nối đúng được tạo ra, thế thì cả hai đàn ông và đàn bà đều được thoả mãn; bằng không, sự không thoả mãn vẫn cứ còn và hàng nghìn hư hỏng nảy sinh từ điều này. Thế thì đàn ông đi tới nhà thổ hay tìm kiếm đàn bà hàng xóm. Thất vọng của anh ta lớn lên hang ngày, và khổ sở này nhất định tăng lên với sự tăng lên của trí tuệ con người.
Nếu sự trưởng thành của một người dừng lại tại tuổi mười bốn, người đó sẽ không phải chịu đựng nỗi khổ này, bởi vì tất cả mọi đau khổ đều bắt nguồn từ sự trưởng thành của thể thứ ba. Nếu chỉ có hai thể đầu là phát triển, con người sẽ được thoả mãn bởi dục. Cho nên có hai cách: hoặc trong hai mươi nhăm năm đầu, trong thời kì brahmacharya - vô dục, chúng ta nên phát triển trẻ con cho tới thể thứ tư, hoặc bằng không, khuyến khích chúng xây dựng gia đình. Tảo hôn có nghĩa là hôn nhân trước khi phát triển trí tuệ để cho người ta trì trệ tại dục; thế thì không có rắc rối gì khi mối quan hệ vẫn hoàn toàn trên bình diện con vật. Mối quan hệ của tảo hôn là mối quan hệ dục thuần tuý; không có khả năng của tình yêu trong nó.
Bây giờ những nơi như Mĩ, nơi mà giáo dục đã có tiến bộ lớn và nơi mà thể thứ ba đã phát triển hoàn toàn, hôn nhân tan vỡ. Chúng nhất định phải tan vỡ, bởi vì thể thứ ba nổi loạn ở mối quan hệ bạn tình sai. Cho nên li dị xảy ra như kết quả, bởi vì không thể nào kéo lê hôn nhân như vậy lâu được.
Hình thức đúng đắn của giáo dục là ở chỗ phát triển bốn thể đầu. Giáo dục đúng đắn là ở chỗ nó đem bạn tới thể thứ tư. Tại đó công việc giáo dục là hoàn chỉnh. Không giáo dục nào có thể giúp bạn đi vào thể thứ năm; bạn phải tự mình đi tới đó. Giáo dục đúng có thể dễ dàng đưa bạn tới thể thứ tư. Sau điều này sự trưởng thành của thể thứ năm bắt đầu, điều rất có giá trị và mang tính cá nhân. Kundalini là tiềm năng của thể thứ tư; đây là lí do tại sao kundalini là hiện tượng hồn. Tôi hi vọng điều này bây giờ rõ ràng cho bạn.
Liệu có khả năng gắn bó hồn giữa thiền nhân và người trung gian trong shaktipat không? Liệu nó có thể bất lợi cho thiền nhân hay nó có ích cho người này?
Mối liên hệ gắn bó không bao giờ có thể ích lợi, bởi vì gắn bó bản thân nó là xấu. Càng gắn bó sâu sắc, lại càng tồi tệ hơn. Gắn bó hồn là một điều rất xấu. Nếu ai đó trói buộc tôi bằng xích, chỉ có thể vật lí của tôi là bị ảnh hưởng, nhưng nếu ai đó trói buộc tôi bằng dây xích tình yêu, nó thấm sâu hơn và khó phá vỡ hơn. Nếu ai đó gắn bó tôi bằng dây xích shraddha, niềm tin, nó còn đi sâu hơn nữa. Thế thì việc phá vỡ dây xích này sẽ là "tội lỗi." Cho nên tất cả xiềng xích đều xấu, và xiềng xích hồn thậm chí còn xấu hơn thế.
Người hành động như người trung gian trong shaktipat, đáng phải không bao giờ ràng buộc với bạn. Nếu người đó làm như vậy, người đó không đáng là người trung gian. Nhưng rất có thể là bạn bị gắn chặt với người đó. Bạn có thể ôm lấy chân người đó và thề không bao giờ rời bỏ người đó bởi vì ân huệ rất lớn đã được dành cho bạn. Cần phải rất tỉnh táo vào khoảnh khắc đó. Thiền nhân nên tự bảo vệ mình khỏi gắn bó. Tuy nhiên, nếu vấn đề trở nên rõ ràng với thiền nhân rằng tất cả những gắn bó đều tỏ ra là gánh nặng trong cuộc hành trình tâm linh, thế thì cảm giác biết ơn sẽ không phải là lực ràng buộc mà là lực giải thoát. Nếu tôi cám ơn bạn về điều gì đó, vấn đề gắn bó là ở đâu? Thực tế, nếu tôi không bầy tỏ lòng biết ơn của mình, sự kiện này sẽ vẫn còn như sự tù túng bên trong: rằng thậm chí tôi đã không bầy tỏ lòng biết ơn của mình. Nhưng việc cám ơn này hoàn chỉnh vấn đề.
Biết ơn không phải là lệ thuộc. Ngược lại, nó là việc bầy tỏ tự do tối hậu. Nhưng khuynh hướng trở nên bị lệ thuộc bao giờ cũng ở bên trong chúng ta bởi vì có nỗi sợ bên trong. Chúng ta chưa bao giờ chắc chắn liệu chúng ta sẽ có khả năng tự đứng một mình hay không; do đó mới có thôi thúc níu bám vào ai đó. Nói gì tới việc níu bám vào ai đó - khi một người đi qua phố tối trong đêm, người này hát to bởi vì âm thanh của chính người đó làm khuây khoả đi nỗi sợ. Nếu đấy là tiếng nói của người khác, thế nữa nó cũng sẽ là cái gì đó để níu bám vào, nhưng về cơ bản người đó tập trung sức mạnh và lòng can đảm từ tiếng nói của riêng mình. Con người hoảng sợ cho nên người đó nắm giữ vào bất kì cái gì; đó là lí do tại sao nếu người chết đuối vớ phải cọng rơm, người đó sẽ giữ chặt nó cho dù điều này chẳng bảo vệ được người đó khỏi chết chìm. Thay vì thế cọng rơm cũng chìm cùng với người đó. Cho nên từ nỗi sợ mà tâm trí có khuynh hướng ôm giữ ai đó, cái gì đó, dù đó là guru hay bất kì ai hay bất kì cái gì khác. Bằng việc làm như vậy chúng ta muốn bảo vệ lấy chính mình. Nỗi sợ là gốc rễ của mọi loại níu bám.
Thiền nhân bao giờ cũng phải thận trọng về an ninh. An ninh là mạng nhện gắn bó lớn nhất cho thiền nhân. Nếu người này tìm kiếm an ninh dù chỉ một khoảnh khắc thôi, nếu người này cảm thấy rằng mình có sự hỗ trợ của ai đó mà với bảo vệ của người đó anh ta chẳng có gì phải sợ và do vậy anh ta bây giờ sẽ không đi lạc lối, nếu anh ta đang nghĩ rằng mình sẽ chẳng đi đâu cả và đang ở dưới đôi cánh của thầy mãi mãi, thế thì anh ta đã lạc đường rồi. Với người tìm kiếm không có an ninh; không an ninh là phúc lành cho người tìm kiếm. Không an ninh càng lớn, cơ hội cũng càng lớn cho linh hồn người đó mở rộng và trở nên bạo dạn và không sợ hãi. Càng được bảo vệ, người đó càng trở nên yếu đuối theo cùng tỉ lệ. Nhận sự trợ giúp là một điều, nhưng cứ giữ bị phụ thuộc lại là điều hoàn toàn khác.
Bạn được trao cho sự hỗ trợ để cho bạn có thể đứng vững mà không cần hỗ trợ. Nó được trao cho với chủ định rằng chẳng mấy chốc bạn sẽ không cần nó nữa. Bạn có để ý rằng khi người bố đang giúp đứa con mình tập bước, người đó giữ tay con chứ không phải là đứa trẻ giữ tay không? Trong thời gian vài ngày nó học bước đi, và rồi người bố bỏ tay mình ra. Nhưng ban đầu đứa trẻ nắm lấy tay bố vì tin cậy. Cho nên nếu đứa trẻ cứ nắm lấy tay bố nó, điều đó có nghĩa là mặc dầu nó đã học bước đi nhưng nó sẽ không bỏ việc nắm tay đó. Nếu người bố giữ tay đứa trẻ, thế thì biết rằng đứa trẻ vẫn còn chưa biết đi và sẽ nguy hiểm để cho nó đi theo kiểu của nó. Người bố muốn tay mình được thả ra sớm; đó là lí do tại sao người đó dạy cho đứa trẻ bước đi. Nếu người bố nào đó cho phép con mình cứ nắm giữ tay mình do niềm sung sướng lớn lao mà người đó có được từ điều đó, người đó là kẻ thù của con mình.
Nhiều bậc cha mẹ, nhiều guru đã làm điều này, nhưng đây là sai lầm. Lí do vì nó mà sự trợ giúp được trao cho đã bị thất bại. Thay vì việc làm phát sinh một con người lành mạnh khoẻ mạnh, người có thể bước trên đôi chân riêng của mình, người đó đã làm phát sinh ra người què quặt, người sẽ phụ thuộc vào đôi nạng cả đời. Tuy nhiên điều này lại là niềm vui đem lại sự thoả mãn cho ông bố hay guru - rằng bạn không thể đi được trên con đường của mình mà không có sự trợ giúp của họ. Theo cách này bản ngã của họ được thoả mãn.
Nhưng guru như thế thì không phải là guru. Cho nên chính guru phải là buông tay thiền nhân ra và bảo người đó hãy quả quyết bước đi trên đôi chân của riêng mình. Và chẳng hại gì nếu người đó bị ngã một đôi lần; người đó có thể đứng dậy được. Sau rốt, người ta phải ngã để vươn lên, và cần phải ngã vài lần để vượt qua nỗi sợ ngã.
Tâm trí cố gắng nắm bắt sự hỗ trợ nào đó và do vậy việc trói buộc bắt đầu. Điều này không nên xảy ra. Thiền nhân bao giờ cũng nên nhớ trong tâm sự kiện là mình không tìm kiếm an ninh. Người đó đang tìm kiếm chân lí, không an ninh. Nếu người đó chân thành trong việc truy tìm chân lí của mình, người đó phải từ bỏ tất cả các ý tưởng về an toàn và an ninh. Sự giả dối tạo ra rất nhiều bảo vệ - và rất nhanh chóng nữa, cho nên người đang tìm kiếm an toàn, nhanh chóng bị hấp dẫn về phía nó. Người tìm kiếm sự thuận tiện chưa bao giờ cân được sức nặng của chân lí, bởi vì cuộc hành trình là dài. Thế thì người đó sẽ rập khuôn cái sai lầm từ những ý tưởng đồng bóng và bắt đầu tin rằng mình đã đạt tới trong khi người đó vẫn còn ngồi lại nơi người đó đang vậy.
Do đó, bất kì kiểu gắn bó nào cũng là nguy hiểm - và thậm chí gắn bó với guru còn nguy hiểm hơn, bởi vì đây là gắn bó tâm linh. Chính thuật ngữ gắn bó tâm linh là mâu thuẫn. Tự do tâm linh có nghĩa, nhưng nô lệ tâm linh là vô nghĩa. Nhưng trong thế giới này, các kiểu nô lệ khác kém tính nô lệ hơn nhiều so với nô lệ về tâm linh. Có lí do cho điều này. Thể thứ tư, từ đó tinh thần tự do nảy sinh, vẫn còn chưa phát triển. Đại đa số mọi người đã phát triển chỉ tới thể thứ ba.
Điều rất thường được thấy là viên quan toà thượng thẩm hay vị phó giám đốc đại học đang ngồi dưới chân một kẻ tuyệt đối ngốc. Thấy điều này, những người khác theo cách nghĩ phù hợp rằng nếu một người nổi tiếng như thế mà còn ngồi dưới chân con người này..., chúng ta chẳng là gì trong so sánh. Họ không biết rằng mặc dầu viên quan toà này, vị phó giám đốc đại học này, đã phát triển thể thứ ba của mình đến mức đầy đủ, rằng mặc dầu người đó đã phát triển trí tuệ mình tới một mức rất cao, người đó vẫn còn dốt nát khi có liên quan tới thể thứ tư của mình. Người đó tương đương với kẻ dốt nát khi đó là những vấn đề của thể thứ tư. Và thể thứ ba của người đó - cái đã phát triển về mặt trí tuệ và lập luận - đã bị vét hết bởi việc suy nghĩ và tranh luận thường xuyên và bây giờ phải nghỉ.
Bây giờ khi trí tuệ mệt mỏi và thảnh thơi, nó mê đắm vào những theo đuổi rất không thông minh. Bất kì cái gì thảnh thơi sau hoạt động cực đoan đều trở thành đối lập với bản tính của nó. Điều này là nguy hiểm, và đây là lí do tại sao bạn sẽ thường thấy các quan toà thượng thẩm ở các đạo tràng. Họ kiệt sức và họ lo âu bởi trí tuệ của mình, cho nên họ muốn loại bỏ chúng. Trong hoàn cảnh như vậy họ sẽ làm bất kì cái gì bất hợp lí; họ sẽ chỉ nhắm mắt lại và đặt niềm tin của mình vào bất kì cái gì. Luận điểm của họ là ở chỗ tất cả những học hỏi và lập luận của họ cùng những thảo luận đều chẳng dẫn họ đến đâu cả, cho nên họ vứt bỏ chúng. Và để cắt đứt tất cả mọi mối nối với chúng, họ thường nắm giữ cái gì đó hoàn toàn trái ngược. Thế rồi phần còn lại của đám đông, những người tin vào trí tuệ của những người địa vị cao như thế, bắt đầu bắt chước họ. Những người này có thể rất trí thức, nhưng trong vấn đề về thể thứ tư, họ chẳng là gì cả. Do đó, một hơi chút phát triển của thể thứ tư trong bất kì cá nhân nào sẽ đủ để đem những nhà trí thức vĩ đại nhất xuống dưới chân người này, bởi vì người này có điều gì đó mà nhà trí thức thiếu hoàn toàn.
Loại trói buộc này xuất hiện khi thể thứ tư còn chưa được phát triển. Thế thì tâm trí muốn bám vào ai đó có thể thứ tư đã phát triển, nhưng điều này sẽ không giúp ích gì cho bạn phát triển thể thứ tư của mình. Chỉ bằng việc hiểu người như thế mới có thể làm cho thể thứ tư của bạn phát triển. Tuy nhiên, để tránh rắc rối của việc hiểu người đó bạn nắm giữ lấy người đó. Thế thì bạn sẽ nói, "Cần gì phải hiểu? Chúng tôi sẽ bám chân thầy để khi thầy đi qua dòng sông địa ngục, chúng tôi cũng sẽ đi qua cùng thầy; chúng tôi sẽ níu bám lấy con thuyền của thầy để qua dòng sông cõi trời."
Người ta phải đau khổ để trưởng thành trong hiểu biết. Biến đổi là cần thiết cho việc hiểu biết xảy ra. Hiểu biết là nỗ lực, là sadhana. Hiểu biết cần gắng sức, hiểu biết là cách mạng. Trong hiểu biết biến đổi xảy ra, mọi thứ thay đổi. Cái cũ phải bị đổi thành cái mới. Tại sao phải trải qua tất cả những cái khó chịu này? Tốt hơn cả là cứ ôm lấy người đã biết. Nhưng sự kiện là ở chỗ chẳng ai đạt tới chân lí bởi việc đi theo ai đó khác cả. Người ta phải đi một mình. Đó là con đường hoàn toàn đơn độc. Do đó bất kì loại gắn bó nào cũng đều là cản trở.
Học, hiểu, đón chào cái thoáng nhìn bất kì ở đâu bạn bắt gặp nó. Nhưng chớ dừng lại ở đâu cả; đừng làm ra nơi ở tại bất kì chỗ nghỉ nào; đừng nắm giữ bàn tay chìa ra cho bạn và coi nó như đích. Tuy nhiên bạn sẽ thấy nhiều người nói, "Đừng đi thêm nữa. Dừng lại đây; đây là bờ bên kia rồi." Như tôi đã nói trước đây, một số người sợ hãi ham muốn được trói buộc và còn có những người khác sợ hãi muốn trói họ lại để tự mình thấy không sợ. Khi một người thấy một nghìn người theo mình người đó nhất định cảm thấy rằng mình trí huệ - vì ngược lại tại sao những người này phải theo mình? Người này tự nhủ, "Chắc chắn mình biết điều gì đó, bằng không tại sao những người này tin vào mình?"
Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng nhiều lần hiện tượng về guru được gây ra bởi phức cảm tự ti đi tìm kiếm thu thập đám đông quanh mình. Cho nên guru trở nên bận rộn để tăng số tín đồ - một nghìn, mười nghìn, hai mươi nghìn người. Con số càng lớn, ông ta càng được đảm bảo về tri thức của mình - vì ngược lại tại sao những người này phải theo ông ấy? Cách lập luận này giúp làm tăng tinh thần ông ta. Nếu những tín đồ này mất đi, mọi thứ đều mất đi. Thế thì người đó sẽ cảm thấy rằng tất cả bị mất đi và rằng người đó không biết.
Nhiều trò chơi tâm trí tiếp diễn và tốt hơn cả là nhận biết về chúng. Và trò chơi này có thể được chơi từ cả hai phía. Đệ tử bị trói buộc với guru, và người bị trói buộc hôm nay sẽ trói buộc ai đó khác ngày mai bởi vì tất cả điều này là phản ứng dây chuyền. Người là đệ tử hôm nay sẽ là guru ngày mai. Người đó có thể vẫn còn là đệ tử được bao lâu? Nếu người đó ôm giữ ai đó hôm nay, người đó sẽ thấy rằng ai đó sẽ ôm giữ mình ngày mai. Cảnh nô lệ cứ chạy theo chuỗi, và lí do thực chất cho tất cả những điều này là ở việc không phát triển thể thứ tư. Nếu bạn bắt đầu phát triển thể này, bạn có thể độc lập. Thế thì không có lệ thuộc.
Điều này không có nghĩa là bạn trở thành vô nhân tính, rằng bạn sẽ không có liên hệ nào với mọi người. Thay vì thế thì điều đối lập sẽ là hoàn cảnh: nơi có lệ thuộc, không có quan hệ. Giữa chồng và vợ có lệ thuộc. Chúng ta chẳng dùng cách diễn đạt "trói buộc trong đời sống vợ chồng thiêng liêng" đó sao? Chúng ta gửi giấy mời nói rằng "Con trai tôi hay con gái tôi được gắn bó bởi sợi dây thương mến..." Nơi có phục vụ, không có quan hệ. Làm sao có thể có đó được? Có lẽ trong một tương lai xa nào đó người bố có thể gửi một giấy mời nói rằng "Con gái tôi trở nên tự do trong tình yêu của ai đó." Và điều đó cho cảm giác về thông minh rằng tình yêu của ai đó làm cho cô ấy tự do trong cuộc sống; bây giờ sẽ không có lệ thuộc; cô ấy đang trở thành tự do trong tình yêu. Và tình yêu nên cho sinh thành tự do. Nếu tình yêu bắt làm nô lệ thế thì cái gì khác trong thế giới này sẽ giải thoát?
Nơi có lệ thuộc, có khổ, có địa ngục. Vẻ ngoài là lừa dối; bên trong mọi thứ mục nát. Đều là như thế cả, sự lệ thuộc của guru-đệ tử, bố-con, chồng-vợ hay thậm chí hai người bạn: nơi có lệ thuộc, không thể có quan hệ. Nếu quan hệ có đó thế thì lệ thuộc là không thể có. Và qua bề ngoài điều dường như đúng là nơi có lệ thuộc, phải có quan hệ, thực tế là điều chúng ta có thể có quan hệ chỉ với người mà chúng ta không bị ràng buộc với họ theo bất kì cách nào. Đây là lí do tại sao nhiều lần điều xảy ra là bạn nói được cho người lạ những điều mà bạn sẽ chẳng bao giờ nói với con bạn.
Tôi ngạc nhiên biết rằng một người đàn bà thường hay nói chuyện cởi mở với người lạ mà bà ấy mới chỉ gặp một giờ trước đó và thậm chí còn kể những điều mà bà ấy sẽ không mơ đến việc kể chúng cho chồng mình. Chính sự kiện là ở chỗ khi không có lệ thuộc, mối quan hệ trở nên dễ dàng hơn. Đây là lí do tại sao chúng ta bao giờ cũng tốt bụng với người lạ và không tốt được như thế với những người chúng ta biết. Với người lạ, không có lệ thuộc, và do đó không có quan hệ; bằng không, có mối ràng buộc, và do đó không có quan hệ. Thế thì cho dù bạn muốn chúc ai đó buổi sáng tốt lành, điều ấy dường như giống nhiệm vụ.
Tuy nhiên có thể có mối quan hệ giữa guru và đệ tử, và tất cả các mối quan hệ đều có thể đẹp. Nhưng lệ thuộc không thể đẹp được. Mối quan hệ có nghĩa là cái giải thoát.
Có một tục lệ hay trong các thiền sư. Khi một đệ tử kết thúc việc học hỏi, thầy ra lệnh cho anh ta ra nhập trường của đối thủ của mình và học hành ở đó. Ông ấy sẽ nói, "Ông đã thu được tri thức từ một phía, bây giờ biết nó từ phía bên kia." Thế rồi thiền nhân sẽ đi từ thiền viện này sang thiền viện khác trong nhiều năm và ngồi học dưới chân của đối thủ của thầy mình. Thầy anh ta sẽ nói, "Có thể là điều mà kẻ đối lập ta nói lại đúng. Tới và nghe tất cả những điều người đó phải nói; thế rồi ông hãy tự mình quyết định cho mình. Rất có thể là ông sẽ có khả năng quyết định mọi điều tốt hơn sau khi nghe cả hai chúng ta. Hay có lẽ cái còn lại sau khi vứt bỏ cả hai chúng ta có thể biến thành chân lí. Do đó, đi và tìm kiếm đi." Điều này chỉ xảy ra khi thiên tài tâm linh đạt tới trưởng thành tối hậu. Thế thì chẳng cái gì có thể trói buộc được cả.
Cảm giác của tôi là ở chỗ khi hoàn cảnh của đất nước này trở thành hoàn cảnh mà thầy sẽ phái đệ tử của mình vào trong thế giới mà không trói buộc họ, thế thì sẽ có kết quả kì diệu. Và ai biết được kết quả cuối cùng sẽ là cái gì! Bây giờ một người như vậy, người phái bạn tới học và nghe người khác, không thể sai được, cho dù tất cả những cái mà bản thân người đó dạy bạn có thể biến thành sai. Khi một người như vậy nói với bạn, "Ông hãy đi, tìm kiếm chỗ khác; có lẽ ta có thể sai," thế thì cho dù nếu tất cả giáo huấn của người đó chứng tỏ là giả, bạn cũng vẫn sẽ biết ơn ông ấy. Ông ấy chẳng bao giờ có thể sai, bởi vì chính ông là người đã phái bạn đi.
Ngày nay điều đang xảy ra là ở chỗ mọi người đều trói buộc thiền nhân và không cho người đó ra đi. Guru này cấm đệ tử mình không được nghe guru khác. Kinh sách nói, "Đừng bao giờ tới ngôi đền khác. Thà bị voi điên dày xéo còn hơn là trú ẩn trong đền của ai đó khác." Nỗi sợ bao giờ cũng có đó rằng cái gì đó có thể lọt vào tai của thiền nhân. Cho nên cho dù giáo huấn của một guru, người trói bạn, là đúng đắn, người này vẫn sai và bạn không bao giờ có thể biết ơn ông ấy được. Người như vậy chỉ làm bạn thành nô lệ. Ông ấy nghiền nát tâm hồn bạn và giết chết linh hồn bạn. Nếu điều này được hiểu, sẽ không có vấn đề lệ thuộc.
Thầy đã nói rằng nếu shaktipat là chân thực và thuần khiết, không có lệ thuộc. Điều đó có đúng không?
Đúng.
Sẽ không có trói buộc gì.
Việc khai thác hồn liệu có thể có nhân danh shaktipat không? Làm sao điều đó là có thể và làm sao thiền nhân đề phòng được điều đó?
Điều đó là có thể. Nhiều việc khai thác tâm linh là có thể nhân danh shaktipat. Thực tế, nơi có yêu cầu, có tuyên bố, bao giờ cũng có khai thác. Khi một người tuyên bố rằng mình sẽ cho, người đó cũng sẽ lấy cái gì đó để đáp lại, bởi vì cho và nhận đi đôi với nhau. Thế thì dù nó ở dưới bất kì dạng gì - dưới dạng của cải, dưới dạng kính trọng, dưới dạng tin cậy - người đó cũng sẽ nhận. Nơi có việc khăng khăng cho, thế thì chắc chắn có việc nhận. Và người tuyên bố cho nhất định sẽ nhận cái đáp lại nhiều hơn, bằng không người đó chẳng cần phải hô trong bãi chợ.
Người câu cá móc giun vào lưỡi câu trên cần câu bởi vì cá không ăn lưỡi câu. Có lẽ một ngày nào đó cá có thể bị dỗ ngon ngọt mà nuốt lưỡi câu trực tiếp, nhưng chính giun hấp dẫn cá đến cần câu và nó nuốt lưỡi câu với ý định ăn giun. Chỉ sau khi nuốt giun nó mới nhận ra rằng lưỡi câu là cái chính và giun là con mồi. Nhưng đến lúc đó, nó đã bị bắt rồi.
Cho nên bất kì khi nào bắt gặp bất kì ai rêu rao thực hiện shaktipat, người rêu rao là cho bạn trí huệ và đưa bạn tới samadhi, người đưa ra cả nghìn lời tuyên bố khác, hãy cẩn thận. Thận trọng, bởi vì người thuộc vào cõi bên kia không tuyên bố gì về bản thân mình cả. Nếu bạn bảo một người như vậy, "Nhờ có anh mà tôi kinh nghiệm ân huệ," người đó sẽ nói, "Làm sao điều ấy có thể được? Thậm chí tôi cũng chẳng biết. Chắc anh lầm rồi. Điều đó phải xảy ra bởi ân huệ của Thượng đế." Cho nên lời cám ơn của bạn sẽ không được người như vậy thừa nhận; người đó sẽ thậm chí sẽ không thừa nhận rằng mình là trung gian cho việc xảy ra. Người đó sẽ khăng khăng rằng ân huệ giáng xuống bởi vì bạn xứng đáng với điều đó - đó là từ bi của Thượng đế rơi xuống bạn. Người đó là ai? Người đó đứng ở đâu? Giá trị của người đó là gì? Người đó không tới chút nào: đó là điều người đó sẽ nói.
Jesus đi qua một thị trấn. Một người ốm được đưa tới ông ấy. Jesus ôm lấy người này và người đó được chữa khỏi tất cả mọi bệnh tật. Người này nói với Jesus, "Làm sao tôi có thể cám ơn được ông đây? Ông đã giải cho tôi mọi bất hạnh của mình."
Jesu đáp, "Chớ nói như thế. Đưa ra lời cám ơn cho
đúng chỗ đi. Ta là ai và ta bước vào đâu?"
Người này nói, "Nhưng chẳng có ai khác ngoài ông ở đây."
Jesus nói, "Ông và ta đều không có. Ông không thể thấy được ngài, người đang có đấy - và tất cả mọi sự đều xảy ra qua ngài. Ngài đã chữa lành cho ông."
Bây giờ, làm sao một người như vậy có thể khai thác được? Lưỡi câu phải bị bao phủ bởi giun để mà khai thác. Người đó thậm chí không sẵn sàng để có giun, để mỗi lưỡi câu thôi. Cho nên bất kì khi nào một người tuyên bố đạt kết quả, đề phòng đi. Khi người đó nói làm việc này cho bạn việc nọ cho bạn, người đó chỉ che phủ lưỡi câu bằng giun. Người đó đang làm bốc lên trông đợi của bạn; người đó đang kích thích hi vọng và ham muốn của bạn. Và khi bạn bị chiếm lĩnh bởi ham muốn và bạn nói, "Ôi, thầy kính yêu, xin cho...!", người đó bắt đầu đòi hỏi của mình. Bạn sẽ nhận ngay ra rằng con giun chỉ ở trên chóp và lưỡi câu ở bên trong.
Cho nên theo dõi bước đi của mình ở bất kì đâu có những lời tuyên bố phép màu. Đấy là lãnh thổ nguy hiểm. Tránh con đường nơi ai đó đang đợi là guru của bạn. Có nỗi sợ vướng mắc ở đó. Cho nên làm sao người tìm kiếm bảo vệ được mình? Người đó phải tự bảo vệ mình với những người đưa ra lời tuyên bố đao to búa lớn, và do vậy người đó sẽ tự cứu mình khỏi mọi điều xấu. Người đó không nên tìm kiếm những người chuyên rêu rao về những kết quả kì diệu; bằng không, người đó sẽ gặp khó khăn, vì những người như thế cũng đang tìm kiếm. Họ đang tìm những người sẽ rơi vào bẫy của họ. Có những người như thế đang đi khắp mọi nơi. Đừng hỏi bất kì lợi lộc tâm linh nào và đừng chấp nhận bất kì tuyên bố tâm linh nào.
Điều bạn phải làm là vấn đề hoàn toàn khác. Bạn phải chuẩn bị bản thân mình từ bên trong. Và cái ngày bạn sẵn sàng, việc xảy ra nhất định sẽ xảy ra. Thế thì nó sẽ xảy ra qua bất kì trung gian nào. Người trung gian chỉ là thứ yếu; người đó cũng giống như cái móc. Cái ngày bạn có được áo choàng, cái móc sẵn sàng để treo nó lên. Thế thì cái móc cũng chẳng quan trọng lắm. Nếu không có móc, bạn vẫn có thể treo áo choàng lên cửa. Nếu không có cửa, bạn có thể treo nó lên cành cây. Bất kì móc nào cũng có tác dụng; vấn đề chính là cái áo. Nhưng chúng ta không có áo choàng, trong khi móc gọi: "Lại đây! Ta là móc đây." Bạn sẽ bị bắt nếu bạn tới. Bạn không có áo choàng cho nên bạn sẽ làm gì khi đi tới cái móc? Có mọi điều nguy hiểm là bạn tự treo mình lên móc. Bạn phải tìm kiếm giá trị riêng của mình, khả năng của riêng mình. Bạn phải làm cho bản thân mình sẵn sàng để có khả năng nhận ân huệ khi nó tới.
Bạn không phải lo nghĩ về guru chút nào; đấy không phải là mối bận tâm của bạn. Đó là lí do tại sao điều Krishana nói với Arjuna là đúng. Ông ấy nói, "Thực hiện hành động của anh và để kết quả cho điều thiêng liêng." Bạn không phải lo nghĩ về kết quả hành động của mình; điều đó sẽ trở thành cản trở. Thế thì tất cả các loại phức tạp sẽ nảy sinh: bận tâm về hành động nào của bạn sẽ đưa ra, về kết quả sẽ là gì. Và trong lo âu của bạn về kết quả, hiệu năng của bạn sẽ bị mất. Đó là lí do tại sao bản thân hành động nên là mối bận tâm chính của chúng ta.
Chúng ta nên bận tâm tới giá trị và sự tiếp nhận riêng của mình. Khoảnh khắc nỗ lực của chúng ta được hoàn tất - cũng như khi hạt mầm đạt tới điểm nhú ra của nó - chính khoảnh khắc đó tất cả đều đạt được. Khoảnh khắc cái chồi sẵn sàng nhú ra và việc nở thành hoa, mặt trời bao giờ cũng sẵn sàng, nhưng chúng ta không có nụ mà nở ra thành hoa. Thế thì cho dù mặt trời có chiếu sáng trên bầu trời điều đó cũng vô dụng. Cho nên bạn đừng đi tìm kiếm mặt trời; tham dự vào việc phát triển nụ của mình. Mặt trời có đó mãi mãi và bao giờ cũng có sẵn.
Không chiếc bình nào còn chưa được rót đầy cho dù một khoảnh khắc trong thế giới này. Bất kì loại chấp nhận nào cũng đều trở thành được rót đầy ngay lập tức. Thực tế, mang tính chấp nhận và được rót đầy không phải là hai sự kiện; chúng là hai mặt của cùng một sự việc xảy ra. Nếu chúng ta bỏ đi tất cả không khí trong phòng này, không khí trong lành từ bên ngoài sẽ lập tức rót đầy chân không. Đây không phải là hai điều xảy ra, bởi vì khi chúng ta loại bỏ không khí trong phòng, không khí bên ngoài xô vào. Điều như thế cũng là luật của thế giới bên trong. Chúng ta thậm chí khó sẵn sàng về phần mình khi việc đáp ứng cho nỗ lực của chúng ta bắt đầu giáng xuống. Tuy nhiên, khó khăn của chúng ta là ở chỗ yêu cầu của chúng ta bắt đầu từ lâu trước sự sẵn sàng của chúng ta. Thế thì bao giờ cũng có việc cung cấp sai cho yêu cầu sai.
Một số người thực sự làm tôi sửng sốt. Một người tới và nói, "Tâm trí tôi rất bất ổn; tôi muốn an bình." Ông ấy nói với tôi tới nửa giờ, và trong quá trình nói, ông ấy thú nhận rằng nguyên nhân bất ổn của ông ấy là ở chỗ con ông ấy thất nghiệp. Nếu con ông ấy có việc, tâm trí ông ấy sẽ yên ổn. Bây giờ người này tới với cái cớ rằng ông ấy muốn an bình tâm trí, nhưng yêu cầu thực tại của ông ấy lại tuyệt đối khác; nó chẳng liên quan gì với việc an bình tâm trí cả. Ông ấy chỉ muốn có việc cho con mình. Vậy, ông ấy tới sai người.
Bây giờ, người đi vào kinh doanh tôn giáo sẽ nói, "Anh cần việc sao? Lại đây. Ta sẽ kiếm việc cho anh và ta sẽ cho anh an bình tâm trí nữa. Bất kì ai tới đây đều kiếm được việc; bất kì ai tới đây, của cải người đó sẽ tăng lên và công việc của người đó chạy tốt."
Bây giờ vài người sẽ tụ tập xung quanh "cửa tiệm" của người bảo bạn, "Con tôi vừa kiếm được việc." Người khác sẽ nói, "Vợ tôi vừa mới được cứu sống." Người thứ ba nói, "Tôi mới thắng kiện." Người thứ tư nói, "Của cải cứ đổ về tôi." Không phải là những người này đang nói dối hay họ đang đi làm thuê; mà họ cũng chẳng phải là đại lí cho doanh nghiệp này. Không cái gì như thế cả. Khi một nghìn người tới để hỏi việc, mười trong số họ nhất định sẽ kiếm được việc trong quá trình thông thường. Bây giờ mười người này vẫn còn đấy trong khi chín trăm chín mươi người còn lại bỏ đi.
Thế thì mười người này dần dần lan truyền từ ‘phép màu’, và đám đông xung quanh tăng lên. Đây là lí do tại sao mọi cửa tiệm như vậy đều có người bán hàng và người quảng cáo. Những người nói con họ kiếm được việc không phải là nói ra điều không thật; mà họ cũng không bị ông chủ tiệm mua. Người như vậy cũng đã tới để tìm kiếm, và điều xảy ra là con của người đó kiếm được việc. Những người có con không kiếm được việc đã bỏ đi từ lâu để kiếm guru khác, người đáp ứng cho ham muốn của họ. Những người có ham muốn được đáp ứng bắt đầu thường lui tới cửa tiệm; họ tới từng cuộc liên hoan hàng năm. Đám đông tăng lên hàng ngày, và một nhóm hình thành quanh cái gọi là guru như thế. Thế rồi điều họ nói trở thành bằng chứng không thể cãi được. Nếu ao ước của bao nhiêu người như vậy được đáp ứng, tại sao ao ước của bạn lại không? Bây giờ đây là con giun; lưỡi câu bẫy người này là ở bên trong.
Đừng bao giờ yêu cầu, bằng không bạn chắc chắn bị mắc câu. Chuẩn bị cho bản thân mình và bỏ lại tất cả các điều khác để làm chứng. Để cho ân huệ xảy ra khi khoảnh khắc chín muồi cho nó xảy ra. Nếu nó không xảy ra, chúng ta sẽ biết chúng ta còn chưa sẵn sàng đón nhận.
Sự kiện là ở chỗ bạn sẽ cảm thấy nhu cầu shaktipat lặp đi lặp lại chỉ khi sự kiện còn chưa xảy ra. Và bạn sẽ thấy nhu cầu để lấy từ người khác chỉ khi kinh nghiệm của bạn với nhu cầu shaktipat đầu tiên là vô ích. Nếu shaktipat đầu tiên thành công, vấn đề chấm dứt ở đó. Cũng giống như việc thử tới nhiều bác sĩ vì bệnh vẫn còn chưa được chữa lành. Một cách tự nhiên, phải thay bác sĩ. Nhưng bệnh nhân người được chữa, chẳng bao giờ nêu ra vấn đề về việc thay đổi bác sĩ.
Kinh nghiệm nhỏ nhất về thoáng nhìn do shaktipat đem lại làm cho vấn đề này thành không liên quan. Bên cạnh đó, một khi thoáng nhìn này được đạt tới từ ai đó, cũng chẳng khác biệt gì nếu nó được đạt tới từ người khác. Cũng chính cùng năng lượng đó tới từ cùng nguồn gốc, chỉ người trung gian là khác - nhưng điều này không làm phát sinh bất kì khác biệt nào. Dù tới từ mặt trời hay bóng điện hay đèn dầu, ánh sáng vẫn là một.
Không có gì khác biệt và cũng chẳng hại gì nếu việc xảy ra phải xảy ra. Nhưng chúng ta không đi tìm kiếm điều xảy ra. Nếu nó tới với bạn trên đường, chấp nhận nó và đi thêm nữa - nhưng đừng tìm kiếm nó. Nếu bạn tìm kiếm, có nguy cơ, bởi vì thế thì chỉ kẻ lừa đảo mới tới trên con đường của bạn và chứ không phải là người có thể thực sự cho. Người đó sẽ xuất hiện chỉ khi bạn không tìm kiếm, khi bạn đã tự chuẩn bị mình. Cho nên việc tìm kiếm người đó là sai, việc hỏi là sai. Cứ để việc xảy ra có thời gian riêng của nó và để cho ánh sáng tới từ hàng nghìn con đường. Tất cả các con đường đều sẽ chứng tỏ là chân thực của cùng một nguồn cội. Nó là cùng một nguồn cội; nó chỉ có vẻ từ mọi phía.
Ai đó hôm nọ mới nói rằng người đó đã tới gặp một sadhu, một người tôn giáo, và nói rằng trí huệ phải là của riêng người ta. Vị sadhu này bắt bẻ lại rằng không thể thế được - rằng trí huệ "bao giờ cũng thuộc về người khác, và rằng sư như thế như thế đã trao nó cho người như thế như thế, thế rồi ông này lại truyền nó cho người khác."
Thế rồi tôi giải thích cho người bạn này rằng kinh nghiệm của Krishna là của riêng ông ấy. Khi ông ấy nói rằng "điều như thế và như thế đã nhận được nó từ điều như thế và như thế", ông ấy ngụ ý rằng trí huệ này, đã tự nó khải lộ cho ông ấy, không được khải lộ cho riêng một mình ông ấy, nó cũng được khải lộ như thế và như thế thì trước ông ấy. Thế thì người này có chung điều xảy ra với những người khác, và việc xảy ra này cũng xảy ra trong ông ấy nữa. Nhưng điều cần lưu ý ở đây là ở chỗ khải lộ không xảy ra bởi việc nói đơn thuần; nó được nói ra sau khi việc xảy ra. Cho nên Krishna nói với Arjuna, "Trí huệ này ta đang truyền đạt cho ông là cũng điều đã tới với ta. Nhưng việc ta nói lại nó sẽ không đem nó vào trong ông. Khi nó xảy ra cho ông, ông sẽ có khả năng nói cho người khác rằng nó giống như thế này."
Chớ cầu xin về nó, vì nó không được đạt tới từ bất kì ai. Chuẩn bị bản thân mình cho nó và nó sẽ bắt đầu tới từ mọi hướng. Thế thì một hôm khi sự việc xảy ra bạn sẽ nói, "Tôi mù làm sao mà không thể thấy được cái đang tới tôi từ mọi phía."
Người mù có thể đi qua một ngọn đèn hay một đèn điện hay đi ra mặt trời, nhưng người đó chẳng bao giờ thấy ánh sáng. Thế rồi một hôm nếu thị lực của người đó được khôi phục, người đó sẽ bị sốc khi thấy rằng mình bao giờ cũng được bao bọc bởi ánh sáng. Cho nên vào ngày việc xảy ra, bạn sẽ thấy nó tất cả bao quanh bạn. Và chừng nào thời gian còn chưa tới cho nó xảy ra, cúng dường tôn kính của mình ở bất kì đâu bạn thoáng thấy chân lí. Nhận nó từ bất kì đâu bạn có thể được nó, nhưng xin đừng cầu xin nó như kẻ ăn xin - bởi vì chân lí không bao giờ được trao cho kẻ ăn xin. Đừng cầu xin chân lí bằng không việc kinh doanh nào đó có thể quyến rũ bạn với những gợi ý có lợi. Thế thì sự khai thác tâm linh sẽ bắt đầu.
Đi con đường của mình và bao giờ cũng chuẩn bị cho mình, chuẩn bị cho bản thân mình, và bất kì khi nào bạn ngẫu nhiên thấy nó, chấp nhận nó. Cúng dường lòng biết ơn của mình và đi tiếp; thế thì vào khoảnh khắc đạt tới hoàn toàn bạn sẽ không thể nào nói rằng bạn nhận nó từ như thế và như thế. Khoảnh khắc đó bạn sẽ nói, "Tôi có được phép màu từ sự tồn tại. Dù tôi tới bất kì ai, tôi đều đón nhận từ người đó." Thế thì tạ ơn cuối cùng sẽ là cho sự tồn tại và không phải cho bất kì ai nói riêng.
Câu hỏi này đã nảy sinh bởi vì sự kiện là tác động của shaktipat cứ yếu dần đi.
Đúng, nó sẽ yếu dần đi. Thực tế, cái thu được từ người khác nhất định sẽ giảm đi. Bên cạnh đó nó chỉ là thoáng nhìn và bạn không phụ thuộc vào nó. Bạn phải đánh thức nó bên trong bản thân mình: chỉ thế thì nó mới là vĩnh viễn. Tất cả các ảnh hưởng đều ngoại lai; chúng thuộc về bên ngoài. Tôi nhặt một hòn đá và tôi ném nó vào không khí: nó sẽ rơi xuống theo lực do tay tôi tác động. Hòn đá không có sức mạnh của riêng nó, nhưng nó có thể nghĩ, khi nó bay qua không khí, rằng nó có sức mạnh cắt qua không khí và rằng không ai dừng được nó. Nhưng thế thì nó không biết ảnh hưởng nào đã gây nên điều này; nó không biết lực của tay đằng sau nó. Nó sẽ rơi xuống - nếu không sau mười mét thì hai mươi mét, nhưng nó sẽ rơi xuống. Thực tại, bất kì tác động nào tới từ người khác bao giờ cũng bị giới hạn và nhất định suy giảm đi.
Ưu điểm duy nhất của ảnh hưởng bên ngoài là ở chỗ trong thoáng nhìn tạm thời mà bạn kinh nghiệm, bạn có thể có khả năng thấy cội nguồn nguyên thuỷ của mình. Thế thì nó sẽ có ích. Nó cũng tựa như tôi bật que diêm: nó sẽ cháy sáng được bao lâu? Bây giờ bạn có thể làm hai điều: thứ nhất, bạn vẫn còn trong bóng tối và tuỳ thuộc vào ánh sáng của que diêm tôi. Trong khoảnh khắc ánh sáng sẽ tắt đi và trời lại tối đen như hắc ín. Thứ hai, trong ánh sáng của que diêm bạn có thể định vị được cửa và bạn chạy ra; bạn không còn phụ thuộc vào que diêm của tôi. Bạn ra ngoài; bây giờ chẳng có gì khác biệt với bạn dù que diêm có cháy hay không. Bây giờ bạn đã đạt tới nơi có mặt trời. Bây giờ điều gì đó đã trở thành kéo dài và ổn định.
Và tất cả những điều xảy ra này chỉ có một cái dụng: rằng với sự giúp đỡ bên ngoài bạn làm điều gì đó bên trong cho bản thân mình. Nhưng đừng đợi những điều xảy ra này, bởi vì que diêm sẽ cháy và tắt lặp đi lặp lại và bạn, sẽ trở nên bị ước định theo chúng. Thế thì bạn sẽ trở nên phụ thuộc vào que diêm và bạn sẽ chờ đợi trong bóng tối để que diêm sáng lên, và khi nó sáng lên bạn sẽ cứ kinh hãi khoảnh khắc nó tắt đi, khi nó tắt đi lần nữa bạn sẽ nhào vào trong bóng tối. Cho nên điều này sẽ trở thành cái vòng luẩn quẩn. Không, bạn đừng dừng lại lúc que diêm sáng lên. Nó sáng lên là để trong ánh sáng đó bạn thấy con đường và chạy ra khỏi bóng tối nhanh nhất có thể được.
Đây là tất cả ưu thế mà chúng ta có thể lợi dụng từ người khác. Nó không bao giờ có thể là điều lợi vĩnh viễn; mặc dầu nó là điều lợi và không nên bị bỏ qua. Điều đáng kinh ngạc là chúng ta có thể nhận được nhiều thế từ người khác. Nếu người khác là trí huệ và hiểu biết, người đó sẽ chẳng bao giờ bảo bạn ở lại đó. Người đó sẽ nói, "Diêm đã cháy sáng, bây giờ chạy đi - vì chẳng mấy chốc mà diêm sẽ cháy hết." Nhưng nếu người trung gian bảo bạn ở lại, trên mảnh đất mà người đó và không ai khác đã đốt sáng diêm, nếu người đó bảo bạn rằng bạn nên được người đó điểm đạo cho và thề trung thành với người đó, thế thì mối quan hệ này sẽ còn lại. Nếu người đó khẳng định quyền của mình với bạn và cấm bạn đi chỗ khác hay nghe bất kì ai khác, thế thì điều này là rất nguy hiểm.
Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu một người như thế không bật sáng que diêm chút nào, bởi vì người đó đã làm điều hại lắm. Trong bóng tối bạn sẽ cảm thấy cách ra một ngày nào đó và đạt tới ánh sáng. Bây giờ bạn đã tự mình tiếp đất trong khó khăn bởi việc ôm giữ lấy que diêm của người đó. Bây giờ bạn sẽ đi đâu? Và một điều là chắc chắn: người này đã đánh cắp que diêm từ đâu đó. Nó không phải là của riêng người đó; bằng không, người đó đã biết cách dùng nó. Người đó sẽ phải biết rằng nó chỉ có nghĩa giúp cho người ta thoát ra khỏi bóng tối và rằng nó không có nghĩa là chặn lại bất kì ai hay dừng tiến bộ của người ta.
Do đó, đây là que diêm bị đánh cắp mà người này đang kinh doanh. Bây giờ người này tuyên bố rằng tất cả những ai có được thoáng nhìn từ que diêm của người đó đều phải ở lại với người đó và phải hết lòng với người đó: đây là sự kết thúc! Bóng tối đầu tiên chặn con đường; bây giờ đấy là guru này. Và bóng tối còn tốt hơn là một guru đòi hỏi, bởi vì nó không trải rộng bàn tay ra để chặn bạn lại. Cản trở của bóng tối là thụ động, nó yên tĩnh, nhưng guru này cản trở một cách tích cực. Ông ấy sẽ tóm lấy tay bạn và chắn đường bạn bằng việc nói, "Đây là bội bạc, đây là lừa dối."
Mới ngày hôm nọ một cô gái tới và bảo tôi rằng guru của cô ấy phản đối cô ấy tới gặp tôi. Guru này nói, "Giống như chồng hay vợ là thuộc về nhau và không thuộc vào ai khác cả, cũng vậy nếu đệ tử bỏ guru đó là tội lỗi lớn." Ông ấy phải đấy - nhưng cái phải của ông ấy là que diêm ăn cắp. Chẳng khó khăn gì trong việc đánh cắp diêm; có nhiều cái sẵn có trong kinh sách lắm.
Diêm ăn cắp có thể cháy được không?
Sự việc là ở chỗ người chưa thấy ánh sáng, không thể nói được cái gì bị đốt cháy để chỉ ra cho người đó ánh sáng. Khi người đó thấy ánh sáng thực tại, chỉ thế thì người đó mới biết cái gì là cái gì. Người đó không chỉ biết cái gì đã được sáng mà người đó thậm chí còn sẽ biết liệu cái gì thực sự sáng được hay liệu người đó chỉ được làm cho tưởng tượng nó là thế thôi.
Khoảnh khắc bạn thấy được ánh sáng, chín mươi chín phần trăm các guru sẽ bị chứng tỏ là bạn bè của bóng tối và là kẻ thù của ánh sáng. Chỉ thế thì chúng ta mới biết họ là kẻ thù nguy hiểm đến mức nào: họ là tay sai của bóng tối.
Chương 4. Bí ẩn của bẩy thể và bẩy luân xa
Trong bài nói hôm qua, Thầy đã nói rằng người tìm kiếm trước hết phải lo nghĩ về sự tiếp nhận riêng của mình và không nên ăn xin hết cửa nhà nọ đến cửa nhà kia. Thế nhưng chính ý nghĩa của sadhak là ở chỗ có chướng ngại trên con đường trưởng thành tâm linh của người đó. Người đó không biết cách mang tính tiếp nhận. Liệu có khó thế để gặp người hướng dẫn đúng không?
Tìm kiếm và yêu cầu là hai điều khác nhau. Thực tế, chỉ người không muốn tìm kiếm mới yêu cầu. Tìm kiếm và yêu cầu không phải là một và không như nhau; thay vì thế chúng mâu thuẫn nhau. Người muốn tránh việc tìm kiếm thì yêu cầu. Quá trình tìm kiếm và quá trình xin xỏ là rất khác nhau. Trong yêu cầu, chú ý được đặt trọng tâm vào người khác - vào người cho; trong tìm kiếm, trọng tâm được đặt vào bản thân người ta - vào người nhận. Nói rằng có chướng ngại trong con đường trưởng thành tâm linh có nghĩa là có chướng ngại bên trong bản thân người tìm kiếm. Con đường nữa cũng nằm bên trong và không phải là khó lắm để hiểu cản trở riêng của người ta. Sẽ phải giải thích rất dài về chướng ngại là gì và làm sao chúng có thể được loại bỏ. Hôm qua tôi đã nói cho các bạn về bẩy thể. Chúng ta sẽ nói chi tiết nhiều hơn nữa về những thể này và nó sẽ trở nên rõ ràng cho bạn.
Vì có bẩy thể, nên cũng có bẩy luân xa, các trung tâm năng lượng, và mỗi luân xa đều được nối theo cách đặc biệt với thể tương ứng của nó. Luân xa của thể vật lí là muladhar. Đây là luân xa đầu tiên và nó có việc nối toàn diện với thể vật lí. Luân xa muladhar có hai khả năng. Tiềm năng thứ nhất của nó là tiềm năng tự nhiên được trao cho chúng ta với việc sinh thành; khả năng kia của nó là thu được qua thiền.
Khả năng tự nhiên cơ sở của luân xa này là thôi thúc dục của thể vật lí. Chính vấn đề đầu tiên nảy sinh trong tâm trí của người tìm kiếm là phải làm gì đối với nguyên lí trung tâm này. Bây giờ có khả năng khác của luân xa này, và đó là brahmacharya, vô dục, điều đạt tới được thông qua thiền. Dục là khả năng tự nhiên còn brahmacharya là biến đổi của nó. Tâm trí càng hội tụ vào và bị ham muốn dục nắm giữ, sẽ càng khó để đạt tới tiềm năng tối thượng của brahmacharya.
Bây giờ điều này có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng tình huống được tự nhiên trao cho chúng ta theo hai cách. Chúng ta có thể sống trong điều kiện mà tự nhiên đã đặt chúng ta vào - nhưng thế thì quá trình trưởng thành tâm linh không thể bắt đầu được - hoặc là chúng ta biến đổi trạng thái này. Nguy hiểm duy nhất trên con đường biến đổi là ở chỗ có khả năng là chúng ta có thể bắt đầu tranh đấu với trung tâm tự nhiên của mình. Cái gì là nguy hiểm thực sự trên con đường của người tìm kiếm? Chướng ngại đầu tiên là ở chỗ nếu thiền nhân chỉ mê đắm vào trật tự mọi việc của tự nhiên, người đó không thể nào vươn lên khả năng tối thượng của thể vật lí của mình và người đó trì trệ tại điểm bắt đầu. Một mặt có nhu cầu; mặt khác có kìm nén gây cho thiền nhân phải tranh đấu với thôi thúc dục. Kìm nén là chướng ngại trên con đường thiền. Đây là chướng ngại của luân xa thứ nhất. Biến đổi không thể nào tới cùng kìm nén.
Nếu kìm nén là chướng ngại, giải pháp là gì? Thế thì hiểu biết sẽ giải quyết vấn đề này. Biến đổi xảy ra bên trong khi bạn bắt đầu hiểu dục. Có lí do cho điều này. Tất cả các yếu tố của tự nhiên nằm mù quáng và vô ý thức bên trong chúng ta. Nếu chúng ta trở nên có ý thức về chúng, biến đổi bắt đầu. Nhận biết là giả kim thuật; nhận biết là giả kim thuật của việc thay đổi chúng, của việc biến đổi chúng. Nếu một người trở nên nhận biết về ham muốn dục của mình với toàn bộ cảm giác của mình và toàn bộ hiểu biết của mình, thế thì brahmacharya sẽ bắt đầu sinh thành bên trong người đó ở vị trí của dục. Chừng nào mà một người còn chưa đạt tới brahmacharya trong thể thứ nhất của mình, vẫn còn khó khăn để làm việc với tiềm năng của các trung tâm khác.
Thể thứ hai, như tôi đã nói, là thể xúc động hay thể ê te. Thể thứ hai được nối với luân xa thứ hai, luân xa svadhisthan. Luân xa này nữa cũng có hai khả năng. Về cơ bản, tiềm năng tự nhiên của nó là sợ hãi, căm ghét, giận dữ và bạo hành. Tất cả những điều này đều là những điều kiện thu được từ tiềm năng tự nhiên của luân xa svadhisthan. Nếu một người trì trệ tại thể thứ hai, thế thì những điều kiện đối lập trực tiếp của biến đổi - tình yêu, từ bi, dũng cảm, thân thiện - không xảy ra. Chướng ngại trên con đường của thiền nhân trong luân xa thứ hai là căm ghét, giận dữ và bạo hành, và vấn đề là việc biến đổi chúng.
Ở đây nữa cùng sai lầm bị phạm phải. Một người có thể trút giận dữ của mình ra; người khác có thể kìm nén giận dữ của mình. Một người có thể chỉ sợ hãi; người khác có thể kìm nén sợ hãi của mình và phô bầy dũng cảm. Nhưng cả hai đều không dẫn tới biến đổi. Khi có sợ nó phải được chấp nhận; chẳng hữu dụng gì mà che giấu hay kìm nén nó. Nếu có bạo hành bên trong chẳng hữu dụng gì trong việc che đậy nó bằng khăn choàng bất bạo hành. Hô khẩu hiệu bất bạo hành sẽ không đem tới thay đổi trong trạng thái bạo hành bên trong. Nó vẫn còn bạo hành. Nó là điều kiện được tự nhiên trao cho chúng ta trong thể thứ hai. Nó có cái dụng của nó cũng như có nghĩa cho dục. Qua một mình dục các thể vậy lí khác có thể cho việc sinh thành. Trước khi thể vật lí này sụp đổ, tự nhiên đã tạo ra thứ dự trữ cho việc sinh thành ra thể vật lí khác.
Sợ hãi, bạo hành, giận dữ, tất cả đều cần thiết trên bình diện thứ hai; bằng không, con người có thể không tồn tại được, không thể bảo vệ được bản thân mình. Sợ hãi bảo vệ người đó, giận dữ đưa người đó vào trong cuộc vật lộn chống lại người khác và bạo hành giúp cho người đó cứu bản thân mình khỏi bạo hành của người khác. Tất cả những điều này đều là phẩm chất của thể thứ hai và là cần thiết cho sự sống còn, nhưng nói chung chúng ta dừng lại ở đây và không đi xa thêm. Nếu một người hiểu được bản chất của sợ hãi, người đó đạt tới vô sợ hãi, và nếu người đó hiểu bản chất của bạo hành, người đó đạt tới bất bạo hành. Tương tự, bằng hiểu biết giận dữ chúng ta phát triển phẩm chất bao dung.
Thực tế, giận dữ là một mặt của đồng tiền, bao dung là mặt kia. Chúng mặt nọ lẩn sau mặt kia - nhưng đồng tiền phải được lật lại. Nếu chúng ta đi tới biết hoàn toàn mặt này của đồng tiền, tự nhiên chúng ta trở nên tò mò muốn biết mặt bên kia là gì - và do vậy đồng tiền lật lại. Nếu chúng ta giấu đồng tiền và giả vờ chúng ta không sợ hãi, không bạo hành bên trong, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết được bạo dạn và bất bạo hành. Người chấp nhận sự hiện diện của sợ hãi bên trong bản thân mình và người đã nghiên cứu nó tường tận sẽ sớm đạt tới chỗ người đó sẽ muốn tìm ra cái gì nằm đằng sau nỗi sợ. Tò mò của người đó sẽ động viên người đó nhìn sang phía bên kia của đồng tiền.
Khoảnh khắc người đó lật nó lên, người đó trở thành không sợ hãi. Tương tự, bạo hành sẽ biến thành từ bi. Đây là những tiềm năng của thể thứ hai. Do vậy, thiền nhân phải đem biến đổi vào trong những phẩm chất mà tự nhiên trao cho anh ta. Và với điều này không cần phải đi vòng hỏi người khác; người ta phải giữ việc tìm kiếm và hỏi bên trong bản thân mình. Tất cả chúng ta đều biết rằng giận dữ và sợ hãi là trở ngại - bởi vì làm sao kẻ hèn nhát có thể tìm kiếm được chân lí? Kẻ đó sẽ cầu xin chân lí; kẻ đó sẽ muốn rằng ai đó sẽ đem nó cho mình mà mình không phải đi vào mảnh đất chưa biết.
Thể thứ ba là thể vía. Thể này cũng có hai chiều. Về căn bản, thể thứ ba xoay quanh hoài nghi và suy nghĩ.
Nếu những điều này được biến đổi, hoài nghi trở thành tin cậy và suy nghĩ trở thành vivek, nhận biết. Nếu hoài nghi bị kìm nén bạn chẳng bao giờ đạt tới shraddha, tin cậy, mặc dầu chúng ta được khuyên hãy kìm nén hoài nghi và tin vào điều ta nghe. Người kìm nén hoài nghi của mình chẳng bao giờ đạt tới tin cậy, bởi vì hoài nghi vẫn còn hiện diện bên trong mặc dầu bị kìm nén. Nó sẽ lẻn bên trong tựa như ổ ung thư và gặm nhấm sinh lực của bạn. Niềm tin được cấy vào vì nỗi sợ hoài nghi. Chúng ta sẽ phải hiểu phẩm chất của nghi ngờ, chúng ta sẽ phải sống nó và đi cùng nó. Thế thì rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt tới điểm mà tại đó chúng ta sẽ bắt đầu có hoài nghi về chính bản thân việc hoài nghi. Khoảnh khắc chúng ta bắt đầu hoài nghi bản thân việc hoài nghi, tin cậy bắt đầu.
Chúng ta không thể nào đạt tới sự sáng tỏ phân biệt mà không đi qua quá trình suy nghĩ. Có những người không nghĩ và những người cổ vũ họ không nghĩ. Họ nói, "Đừng nghĩ; vứt bỏ mọi ý nghĩ." Người chấm dứt việc suy nghĩ tự mình tiếp đất vào dốt nát và niềm tin mù quáng. Đây không phải là sáng tỏ. Quyền năng của việc phân biệt chỉ có được sau khi đã trải qua phần lớn các quá trình suy nghĩ tinh tế nhất. Đâu là ý nghĩa của vivek, phân biệt? Hoài nghi bao giờ cũng hiện diện trong ý nghĩ. Nó bao giờ cũng lưỡng lự. Do đó, những người nghĩ rất nhiều chẳng bao giờ đi tới quyết định. Chỉ khi họ bước ra khỏi bánh xe của ý nghĩ họ mới có thể quyết định. Quyết định tới từ trạng thái sáng tỏ ở bên ngoài ý nghĩ.
Ý nghĩ không có mối nối nào với quyết định. Người bao giờ cũng mê mải trong ý nghĩ chẳng bao giờ đạt tới quyết định. Đó là lí do tại sao điều thường xảy ra là những người có cuộc sống ít bị ý nghĩ chi phối rất quyết đoán, trong khi những người nghĩ rất nhiều lại thiếu quyết tâm. Có nguy hiểm trong cả hai loại người này. Những người không nghĩ cứ xông lên và làm bất kì cái gì họ quyết tâm làm, bởi lí do đơn giản là họ không có quá trình suy nghĩ để tạo ra hoài nghi bên trong.
Người giáo điều và người cuồng tín trên thế giới là những người rất tích cực và hăng hái; với họ không có vấn đề về hoài nghi - họ chẳng bao giờ suy nghĩ! Nếu họ cảm thấy rằng cõi trời được đạt tới bằng việc giết một nghìn người, họ sẽ dừng lại chỉ sau khi đã giết một nghìn người và không dừng lại trước lúc đó. Họ chưa bao giờ dừng để suy nghĩ về điều họ đang làm cho nên chẳng bao giờ có lưỡng lự về phần họ. Một người hay nghĩ, ngược lại, sẽ cứ suy nghĩ mãi thay vì ra bất kì quyết định nào.
Nếu chúng ta đóng cánh cửa của mình đối với nỗi sợ ý nghĩ, chúng ta sẽ bị bỏ lại chỉ với những niềm tin mù quáng. Điều này là rất nguy hiểm và là chướng ngại lớn trên con đường của thiền nhân. Điều được cần tới là có suy xét khôn ngoan với đôi mắt mở to và các ý nghĩ rõ ràng, quả quyết, và điều đó cho phép chúng ta ra quyết định. Đây là ý nghĩa của vivek: sáng tỏ, nhận biết. Nó có nghĩa là sức mạnh suy nghĩ là hoàn chỉnh. Nó có nghĩa chúng ta đã trải qua các ý nghĩ chi tiết đến mức tất cả các hoài nghi đều bị xoá sạch. Bây giờ chỉ còn lại quyết định thuần khiết trong bản chất của nó.
Luân xa liên quan tới thể thứ ba là manipur. Hoài nghi và tin cậy là hai dạng của nó. Khi hoài nghi được biến đổi tin cậy là kết quả. Nhưng nhớ lấy, tin cậy không phải là đối lập hay mâu thuẫn với hoài nghi. Tin cậy là sự phát triển thuần khiết nhất và tối thượng nhất của nó. Nó là cực điểm tối thượng của hoài nghi, nơi mà ngay cả hoài nghi cũng trở nên bị mất đi bởi vì ở đây hoài nghi bắt đầu hoài nghi bản thân nó và theo cách này nó tự tử. Thế thì tin cậy được sinh ra.
Bình diện thứ tư là thể trí hay hồn và luân xa thứ tư, anahat, được nối với thể thứ tư. Phẩm chất tự nhiên của bình diện này là tưởng tượng và mơ. Đây là điều mà tâm trí bao giờ cũng làm: tưởng tượng và mơ. Nó mơ trong đêm và ban ngày nó mơ ngày. Nếu tưởng tượng được phát triển đầy đủ, tức là nói nếu nó được phát triển tới hết cỡ của nó, theo một cách đầy đủ, nó trở thành quyết tâm, ý chí. Nếu mơ phát triển đầy đủ, nó được biến đổi thành linh ảnh - linh ảnh hồn. Nếu khả năng mơ của con người được phát triển đầy đủ, người đó chỉ cần nhắm mắt và người đó có thể thấy mọi thứ. Thế thì người đó thấy được thậm chí xuyên qua tường. Ban đầu người đó chỉ mơ thấy bên ngoài bức tường; về sau người đó thực tế thấy bên ngoài nó. Bây giờ người đó chỉ có thể đoán điều bạn đang nghĩ, nhưng sau biến đổi người đó thấy điều bạn nghĩ. Linh ảnh nghĩa là thấy và nghe những cái mà không dùng giác quan thông thường. Các giới hạn về thời gian và không gian không còn nữa đối với người phát triển linh ảnh.
Trong mơ bạn du hành nơi xa. Nếu bạn đang ở Bombay, bạn tới Calcutta. Trong linh ảnh bạn cũng có thể du hành khoảng cách xa, nhưng sẽ có khác biệt: trong mơ bạn tưởng tượng bạn đã đi, trong khi trong linh ảnh bạn thực đi. Thể hồn, thứ tư thực tại có thể hiện diện ở đó. Vì chúng ta không có ý tưởng nào về khả năng tối thượng của thể thứ tư này, chúng ta đã bỏ qua khái niệm cổ đại về mơ trong thế giới ngày nay. Kinh nghiệm cổ đại là ở chỗ trong mơ một trong các thể của con người thoát ra khỏi người đó và tiến hành cuộc hành trình.
Có một người, Swedenborg, được mọi người coi là một tay mơ. Ông ấy hay nói về cõi trời và địa ngục và rằng chúng chỉ có thể tồn tại trong mơ. Nhưng một buổi chiều, khi ông ấy thiếp đi, ông ấy bắt đầu kêu to: "Cháy!
Cháy! Nhà tôi cháy rồi." Mọi người xô đến, nhưng không có đám cháy nào ở đó. Mọi người đánh thức ông ấy dậy để đảm bảo cho ông ấy là đấy chỉ là mơ và không có nguy hiểm gì về cháy cả. Tuy nhiên ông ấy cứ khăng khăng rằng nhà ông ấy bị cháy. Nhà ông ấy ở cách xa gần năm trăm ki lô mét và nó bị bốc cháy vào thời điểm đó. Vào ngày thứ hai hay thứ ba, tin về thảm hoạ này mới tới. Nhà ông bị cháy thành tro, và nó thực cháy khi ông ấy kêu lên trong giấc ngủ. Bây giờ điều này không còn là mơ nữa mà là linh ảnh. Khoảng cách năm trăm ki lô mét không còn đó nữa. Con người này đã chứng kiến điều đã xảy ra cách xa năm trăm ki lô mét.
Bây giờ các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng những khả năng hồn lớn lao của thể thứ tư. Bởi vì con người bây giờ đã bước ra không gian, cho nên nghiên cứu theo hướng này đã trở thành quan trọng hơn. Sự kiện vẫn còn lại là cho dù các máy móc con người đang dùng có tin cậy đến đâu đi chăng nữa, vẫn không thể nào dựa cậy vào chúng hoàn toàn được. Nếu liên lạc radio trong con tầu không gian bị dừng hoạt động, các nhà du hành vũ trụ sẽ mất tiếp xúc với thế giới vào mọi lúc. Họ sẽ không thể nào báo cho chúng ta họ đang ở đâu hay điều gì đã xảy ra với họ. Cho nên các nhà khoa học ngày nay rất sính phát triển viễn cảm và linh ảnh của thể hồn để vượt qua rủi ro này. Nếu nhà du hành vũ trụ có khả năng liên lạc trực tiếp bằng quyền năng của viễn cảm, đó sẽ là một phần của việc phát triển thể thứ tư. Thế thì việc du hành không gian có thể an toàn. Rất nhiều công trình đã được tiến hành theo hướng này.
Ba mươi năm trước đây một người khởi hành thám hiểm Bắc cực. Ông ấy được trang bị với tất cả những gì cần thiết cho liên lạc không dây. Một sự thu xếp thêm cũng đã được thực hiện mà cho tới nay vẫn còn chưa được biết tới. Một người lên đồng có khả năng thể thứ tư đang vận hành cũng đã được làm thành người nhận để nhận việc truyền tin từ người thám hiểm. Điều đáng ngạc nhiên nhất là ở chỗ khi thời tiết xấu, các thiết bị không dây không làm việc, nhưng người lên đồng này vẫn nhận được tin tức mà không khó khăn gì. Khi so sánh các nhật kí về sau người ta mới thấy rằng tám mươi đến chín mươi phần trăm thời gian tín hiệu được nhận bởi người lên đồng này là đúng, trong khi các tin tức truyền qua ra dio, không sẵn có trong hơn bẩy mươi hai phần trăm thời gian, bởi vì có nhiều lần bị đứt đoạn. Bây giờ Nga và Mĩ cả hai nước này đều rất hăng hái, và rất nhiều công việc đang được tiến hành trong lĩnh vực viễn cảm, thiên nhãn, qua việc phóng chiếu và qua việc đọc. Tất cả những điều này đều là khả năng của thể thứ tư. Mơ là phẩm chất tự nhiên của nó; thấy chân lí, thấy cái thực, là khả năng tối thượng của nó. Anahat là luân xa của thể thứ tư này.
Luân xa thứ năm là vishuddhi. Nó nằm ở cổ họng. Thể thứ năm là thể tâm linh. Luân xa vishuddhi được nối với thể tâm linh. Bốn thể đầu và luân xa của chúng đều được chia làm đôi. Nhị nguyên chấm dứt với thể thứ năm.
Như tôi đã nói trước đây, khác biệt giữa nam và nữ kéo dài cho tới thể thứ tư; sau đó nó chấm dứt. Nếu ta quan sát thật kĩ, tất cả các nhị nguyên đều thuộc về nam hay nữ. Khi khoảng cách giữa nam và nữ không còn nữa, tại đúng điểm đó tất cả nhị nguyên đều dừng lại. Thể thứ năm là bất nhị. Nó không có hai khả năng mà chỉ có một.
Đây là lí do tại sao không có nhiều nỗ lực cho thiền nhân để thực hiện: bởi vì tại đây không có gì mâu thuẫn để phát triển; tại đây người ta chỉ phải đi vào. Vào lúc chúng ta đạt tới thể thứ tư, chúng ta phát triển nhiều khả năng và sức mạnh đến mức rất dễ dàng đi vào thể thứ năm. Trong trường hợp đó làm sao chúng ta có thể biết được sự phân biệt giữa người đã đi vào thể thứ năm và người chưa đi vào? Khác biệt sẽ là ở chỗ người đã đi vào thể thứ năm, hoàn toàn loại bỏ mọi vô ý thức. Người đó thực tế sẽ không ngủ ban đêm. Tức là, người đó ngủ nhưng chỉ một mình thân thể người đó ngủ thôi; ai đó bên trong tỉnh thức mãi mãi. Nếu người đó trở mình trong giấc ngủ, người đó biết điều đó; nếu người đó không trở mình trong giấc ngủ, người đó cũng biết điều đó. Nếu người đó đắp chăn, người đó biết điều đó; nếu người đó không đắp chăn thế thì người đó cũng biết điều đó. Nhận biết của người đó không bị giảm bớt trong giấc ngủ; người đó tỉnh thức cả hai mươi bốn giờ. Với người còn chưa đi vào thể thứ năm, trạng thái của người đó lại là đối lập lại. Trong giấc ngủ người đó ngủ, và trong những giờ tỉnh vẫn còn một tầng của người đó sẽ ngủ.
Mọi người dường như là làm việc. Khi bạn về nhà vào mọi tối, chiếc xe ô tô rẽ trái vào cổng nhà bạn; bạn đạp phanh khi bạn tiến tới hành lang. Bạn đừng ảo tưởng rằng bạn đang làm tất cả những điều này một cách có ý thức. Nó xảy ra một cách vô ý thức bởi một lực hoàn toàn thói quen. Chỉ trong những khoảnh khắc nào đó, những khoảnh khắc nguy hiểm lớn, chúng ta mới thực sự đi vào tỉnh táo. Khi nguy hiểm lớn đến mức không thể thiếu được tỉnh táo, chúng ta thức tỉnh. Chẳng hạn, nếu một người chĩa dao vào ngực bạn, bạn sẽ nhảy vào ý thức. Cái điểm dao chĩa trong khoảnh khắc đó đưa bạn thẳng vào thể thứ năm. Với ngoại lệ của những khoảnh khắc này trong cuộc sống của mình, chúng ta sống giống như người mộng du.
Vợ không thấy đúng khuôn mặt của chồng mà chồng cũng chẳng thấy khuôn mặt vợ. Nếu chồng cố gắng quán tưởng khuôn mặt vợ, anh ta sẽ không thể nào làm được như vậy. Các đường nét khuôn mặt cô ấy sẽ bắt đầu lẩn đi và sẽ khó nói liệu đấy là cùng khuôn mặt mà anh ta đã thấy trong ba mươi năm qua hay không. Bạn chưa bao giờ thấy được, bởi vì phải có người thức tỉnh bên trong bạn để thấy.
Người đang "thức tỉnh" dường như là thấy đấy nhưng thực tế người đó không thấy - bởi vì người đó đang ngủ bên trong, đang mơ, và mọi thứ cứ tiếp diễn trong trạng thái mơ này. Bạn giận dữ, thế rồi bạn nói, "Tôi không biết làm sao tôi phát cáu; tôi đâu có muốn thế." Bạn nói, "Tôi xin lỗi! Tôi không muốn thô lỗ, điều ấy buột ra khỏi mồm." Bạn hay dùng lời lẽ tục tĩu và chính bạn lại từ chối ý định dùng nó. Tội nhân bao giờ cũng nói, "Tôi không muốn giết người. Việc ấy xảy ra bất chấp tôi." Điều ấy chứng tỏ chúng ta như cái máy tự động. Chúng ta nói điều ta không muốn nói; chúng ta làm điều ta không muốn làm.
Mọi tối chúng ta nguyện sẽ dậy vào bốn giờ sáng. Nhưng khi bốn giờ sáng và chuông báo thức reo, chúng ta lại chuyển ý nói chẳng cần phải dậy sớm thế. Thế rồi bạn dậy vào lúc sáu giờ và tràn đầy hối hận vì đã ngủ quá. Thế rồi bạn lại thề giữ cùng lời nguyện như ngày hôm qua. Thật kì lại rằng người quyết định một điều vào buổi tối và không giữ lời hứa vào buổi sáng! Thế thì điều người đó quyết định vào lúc bốn giờ sáng lại bị thay đổi so với trước vào lúc sáu giờ, và điều người đó quyết định lúc sáu giờ lại thay đổi rất lâu trước buổi tối, và ở khoảng giữa người đó thay đổi hàng nghìn lần. Những quyết định này, ý nghĩ này, tới chúng ta trong trạng thái ngủ. Chúng cũng tựa như giấc mơ vậy: chúng mở rộng và nổ tựa như bong bóng. Không có người tỉnh thức đằng sau chúng - không ai tỉnh táo và có ý thức.
Cho nên ngủ là điều kiện bẩm sinh trước khi bắt đầu bình diện tâm linh. Con người là kẻ mộng du trước khi người đó đi vào thể thứ năm, và tại đó phẩm chất là thức tỉnh. Do đó, sau khi trưởng thành từ thể thứ tư chúng ta có thể gọi một cá nhân là phật, người thức tỉnh. Bây giờ một người như thế là thức tỉnh. Phật không phải là tên của Gautam Siddharth mà là cái tên được đặt cho ông ấy sau khi ông ấy đạt tới bình diện thứ năm. Phật Gautama có nghĩa là Gautam người đã thức tỉnh. Tên ông ấy vẫn còn là Gautam, nhưng đấy chỉ là cái tên của người ngủ cho nên dần dần nó bị bỏ đi và chỉ còn lại Phật.
Khác biệt này tới với việc đạt tới thể thứ năm. Trước khi chúng ta đi vào trong nó, bất kì điều gì chúng ta làm đều là hành động vô ý thức không thể tin cậy được. Khoảnh khắc này một người nguyện sẽ yêu đương và trìu mến người yêu mình cả đời rồi đến khoảnh khắc tiếp người đó hoàn toàn có khả năng bóp chết cô ấy. Mối thông gia mà người đó hứa cho cả đời không kéo dài cho lắm. Con người đáng thương này không nên bị trách cứ. Đâu là giá trị của lời hứa được đưa ra trong giấc ngủ? Trong mơ tôi có thể hứa, "Đây là mối quan hệ cả đời." Lời hứa này có giá trị gì? Vào buổi sáng tôi sẽ phủ nhận nó bởi vì đấy chỉ là mơ.
Không thể tin cậy vào người đang ngủ được. Thế giới này của chúng ta hoàn toàn là thế giới của người ngủ; do đó, biết bao nhiêu là lẫn lộn, biết bao nhiêu là xung đột, biết bao nhiêu là tranh cãi, biết bao nhiêu là hỗn loạn. Tất cả nó đều là việc làm của những người đang ngủ.
Có một khác biệt quan trọng khác giữa người ngủ và người đã thức tỉnh mà chúng ta nên nhớ trong tâm. Người ngủ không biết mình là ai, cho nên người đó bao giờ cũng cố gắng chứng tỏ cho người khác rằng mình là thế này hay mình là thế nọ. Đây là nỗ lực cả đời của người đó. Người đó cố gắng theo cả nghìn cách để chứng tỏ bản thân mình. Đôi khi người đó leo lên chiếc thang chính trị và tuyên bố, "Tôi là như thế và như thế." Đôi khi người đó xây nhà và trưng bày của cải của mình, hay người đó trèo lên núi và thể hiện sức mạnh của mình. Người đó cố gắng theo đủ mọi cách để chứng tỏ bản thân mình. Và trong tất cả những nỗ lực đó thực tế người đó không chủ ý cố gắng tìm ra cho bản thân mình xem mình là ai. Người đó chẳng biết mình là ai cả.
Trước khi đi qua bình diện thứ tư chúng ta không thể nào tìm được câu trả lời. Thể thứ năm được gọi là thể tâm linh bởi vì tại đó bạn thu được câu trả lời cho việc truy tìm "Tôi là ai?" Việc nhắc tới cái ‘tôi’ dừng lại một lần cho mọi lần trên bình diện này; tuyên bố là ai đó đặc biệt tan biến ngay lập tức. Nếu bạn nói với người như vậy, "Anh là như vậy và như vậy,", người đó sẽ cười. Tất cả mọi lời tuyên bố từ phía người đó bây giờ sẽ dừng lại, bởi vì bây giờ người đó biết. Không còn bất kì nhu cầu nào để chứng tỏ bản thân mình, bởi vì mình là ai bây giờ là sự kiện đã được chứng minh.
Những xung đột và vấn đề của cá nhân chấm dứt ở bình diện thứ năm. Nhưng bình diện này có những hiểm nguy của riêng nó. Bạn đã đi tới biết về bản thân mình, và việc biết này phúc lạc và mãn nguyện đến mức bạn có thể muốn kết thúc cuộc hành trình của mình tại đây. Bạn có thể không cảm thấy cần phải tiếp tục nữa. Mối hiểm nguy mà đã có cho tới nay tất cả đều là đau đớn và đau khổ; bây giờ hiểm nguy bắt đầu là phúc lạc. Bình diện thứ năm phúc lạc đến độ bạn sẽ không còn đành lòng rời bỏ nó và đi thêm nữa. Do đó, những cá nhân đi vào bình diện này phải rất tỉnh táo về việc níu bám vào phúc lạc để cho nó không cản trở người đó đi thêm nữa. Tại đây phúc lạc là tối cao và tại đỉnh vinh quang của nó; nó là trong chiều sâu sâu lắng nhất. Một biến đổi lớn tới bên trong cho người đã biết tới bản thân mình. Nhưng điều này không phải là tất cả; còn phải đi thêm nữa.
Sự kiện là ở chỗ thất vọng và đau khổ không cản trở con đường chúng ta nhiều như niềm vui. Phúc lạc là rất cản trở. Việc rời bỏ đám đông và sự lẫn lộn của bãi chợ đã khó, nhưng còn một nghìn lần khó hơn nữa để rời bỏ âm nhạc dịu dàng của đàn veena trong đền. Đây là lí do tại sao nhiều thiền nhân dừng lại tại atma gyan, việc nhận ra cái ta, và không tiến lên Brahma gyan, kinh nghiệm về Brahman - thực tại vũ trụ.
Chúng ta sẽ phải tỉnh táo về phúc lạc này. Nỗ lực của chúng ta ở đây phải là không bị mất hút trong phúc lạc này. Phúc lạc kéo chúng ta về bản thân nó; nó nhấn chìm chúng ta; chúng ta hội nhập vào nó hoàn toàn. Đừng trở nên bị hội nhập vào trong phúc lạc. Biết rằng điều này nữa cũng là một kinh nghiệm. Sướng là một kinh nghiệm, khổ là một kinh nghiệm; phúc lạc nữa cũng là một kinh nghiệm. Đứng ngoài nó, là nhân chứng. Chừng nào còn kinh nghiệm thì vẫn còn chướng ngại: điểm cuối tối thượng vẫn còn chưa đạt tới. Tại trạng thái tối thượng tất cả các kinh nghiệm chấm dứt. Niềm vui và nỗi buồn đi tới kết thúc, cả phúc lạc cũng vậy. Tuy nhiên ngôn ngữ của chúng ta không vượt được ra ngoài điểm này. Đây là lí do tại sao chúng ta đã mô tả Thượng đế là sat-chit- ananda - chân lí-tâm thức-phúc lạc. Đây không phải là dạng của cái ta tối thượng, nhưng đây là điều tối thượng mà lời có thể diễn tả được. Phúc lạc là cách biểu diễn tối thượng của con người. Thực tế, lời không thể vượt ra ngoài bình diện thứ năm. Nhưng về bình diện thứ năm chúng ta có thể nói, "Phúc lạc có đấy; có thức tỉnh hoàn hảo; có việc nhận ra cái ta ở đó." Tất cả điều này có thể được mô tả.
Do đó, sẽ không có bí ẩn về những người dừng lại tại bình diện thứ năm. Việc nói của họ sẽ có vẻ rất khoa học bởi vì thực tại của bí ẩn nằm bên ngoài bình diện này. Mọi thứ đều rất rõ ràng cho tới bình diện thứ năm. Tôi tin rằng khoa học chẳng chóng thì chầy sẽ hấp thu những tôn giáo lên tới thể thứ năm, bởi vì khoa học có khả năng đạt tới atman.
Khi người tìm kiếm lên đường, trên con đường này việc tìm kiếm của người đó chủ yếu là về phúc lạc và không phải là chân lí. Bị thất vọng bởi đau khổ và bất ổn người này lên đường tìm kiếm phúc lạc. Cho nên người tìm kiếm phúc lạc, nhất định sẽ dừng lại tại bình diện thứ năm; do đó, tôi phải bảo bạn tìm kiếm không phải phúc lạc mà là chân lí. Thế thì bạn sẽ không còn lại lâu ở đó.
Thế thì một câu hỏi nảy sinh: "Có ananda: điều này là tốt và tốt lành. Mình biết bản thân mình: điều này nữa cũng là tốt và tốt lành. Nhưng những điều này chỉ là lá và hoa. Gốc rễ ở đâu? Mình biết bản thân mình, mình là phúc lạc - điều đó là tốt, nhưng mình phát sinh từ đâu? Gốc rễ mình ở đâu? Từ đâu mình tới đây? Đâu là chiều sâu của sự tồn tại của mình? Từ đại dương nào có con sóng này mà mình nảy sinh ra?"
Nếu cuộc truy tìm của bạn là về chân lí bạn sẽ tiến tới thể thứ năm. Do đó ngay từ ban đầu, cuộc truy tìm của bạn nên là về chân lí chứ không phải là phúc lạc; bằng không, cuộc hành trình của bạn tới bình diện thứ năm sẽ dễ dàng nhưng bạn sẽ dừng lại ở đó. Nếu việc truy tìm là về chân lí, không có vấn đề dừng lại ở đó.
Cho nên chướng ngại lớn nhất trên bình diện thứ năm là niềm vui vô song mà chúng ta kinh nghiệm - và còn nhiều hơn thế bởi vì chúng ta tới từ một thế giới không có gì ngoài đau đớn, đau khổ, lo âu và căng thẳng. Thế thì, khi chúng ta đạt tới ngôi đền này của phúc lạc, có ham muốn tràn ngập để nhảy múa với cực lạc, được nhấn chìm, được mất hút trong phúc lạc này. Đây không phải là chỗ để mất hút. Chỗ đó rồi sẽ tới, và thế thì bạn sẽ không phải làm mất bản thân mình; bạn sẽ đơn giản mất đi. Có khác biệt lớn lao giữa đánh mất bản thân mình và bị mất hút. Nói cách khác, bạn sẽ đạt tới chỗ mà cho dù bạn muốn bạn cũng không thể cứu được bản thân mình. Bạn sẽ thấy bản thân mình trở nên bị mất đi; không phương cứu chữa. Vậy mà ở đây tại thể thứ năm bạn cũng có thể làm mất bản thân mình. Nỗ lực của bạn, cố gắng của bạn, vẫn có tác dụng ở đây - và cho dù bản ngã đã chết thực sự ở bình diện thứ năm, nhưng cái-tôi-đây vẫn còn dai dẳng. Do đó cần phải hiểu khác biệt giữa bản ngã và cái-tôi-đây.
Bản ngã, cảm giác về ‘tôi’, sẽ chết, nhưng cảm giác về ‘đây’ vẫn chưa chết. Có hai điều trong "tôi đây," cái ‘tôi’ là bản ngã còn cái ‘đây’ là asmita - cảm giác về sự hiện hữu. Cho nên cái ‘tôi’ sẽ chết trên bình diện thứ năm, nhưng sự hiện hữu, cái ‘đây’, sẽ còn lại: tôi-đây sẽ còn lại. Đứng trên bình diện này, thiền nhân sẽ tuyên bố, "Có vô hạn linh hồn và từng linh hồn đều khác lẫn nhau và tách biệt nhau." Trên bình diện này thiền nhân sẽ kinh nghiệm sự tồn tại của vô hạn linh hồn, bởi vì người đó vẫn còn cảm thấy cái đây, cảm thấy sự hiện hữu mà làm cho người đó cảm thấy tách rời người khác. Nếu việc truy tìm chân lí hiểu thấu tâm trí, chướng ngại của phúc lạc có thể bị vượt qua - bởi vì phúc lạc không dừng trở thành chán ngắt. Một giai điệu đơn độc có thể trở thành tẻ nhạt.
Bertrand Russel có lần đã nói đùa: "Tôi không bị hấp dẫn với giải thoát, bởi vì tôi nghe nói chẳng có gì ngoài phúc lạc ở đó. Một mình phúc lạc sẽ rất đơn điệu - phúc lạc và phúc lạc mà chẳng có gì khác cả. Nếu không có một dấu hiệu về bất hạnh - không lo âu, không căng thẳng trong nó - làm sao người ta có thể chịu đựng được phúc lạc như vậy?"
Bertrand Russel có lần đã nói đùa: "Tôi không bị hấp dẫn với giải thoát, bởi vì tôi nghe nói chẳng có gì ngoài phúc lạc ở đó. Một mình phúc lạc sẽ rất đơn điệu - phúc lạc và phúc lạc mà chẳng có gì khác cả. Nếu không có một dấu hiệu về bất hạnh - không lo âu, không căng thẳng trong nó - làm sao người ta có thể chịu đựng được phúc lạc như vậy?"
Bị mất hút trong phúc lạc là nguy hiểm của bình diện thứ năm. Nó rất khó vượt qua. Đôi khi phải mất nhiều lần sinh thành để làm như vậy. Bốn bước đầu không khó lắm để vượt qua, nhưng bước thứ năm là rất khó. Nhiều lần sinh thành có thể cần phải có để cho chán phúc lạc, để cho chán cái ta, để cho chán atman.
Cho nên truy tìm cho tới thể thứ năm vẫn là để gạt bỏ đau đớn, hận thù, bạo hành và ham muốn. Sau thể thứ năm việc tìm kiếm là để gạt bỏ cái ta. Cho nên có hai điều: thứ nhất là tự do khỏi cái gì đó; đây là một điều và nó được hoàn tất tại bình diện thứ năm. Điều thứ hai là tự do khỏi cái ta, và do vậy một thế giới hoàn toàn mới bắt đầu từ đây.
Thể thứ sáu là Brahma sharira, thể vũ trụ, và luân xa thứ sáu là luân xa agya. Tại đây không có nghị nguyên. Kinh nghiệm về phúc lạc trở nên mạnh mẽ ở bình diện thứ năm và kinh nghiệm về sự tồn tại, về hiện hữu, là ở bình diện thứ sáu. Asmita bây giờ sẽ bị mất - tôi đây. Cái tôi trong điều này bị mất tại bình diện thứ năm và cái đây sẽ ra đi ngay khi bạn siêu việt lên trên bình diện thứ năm. Cái có đây sẽ được cảm thấy; tathata, cái như thế sẽ được cảm thấy. Không đâu còn cái cảm giác về tôi hay đây; chỉ cái đang đó còn lại. Cho nên ở đây sẽ là sự cảm nhận về thực tại, về hiện hữu - cảm nhận về tâm thức. Nhưng ở đây tâm thức tự do với tôi; nó không còn là tâm thức của tôi. Nó chỉ là tâm thức - không còn là sự tồn tại của tôi, mà chỉ là sự tồn tại.
Một số thiền nhân dừng lại sau khi đạt tới Brahma sharira, thể vũ trụ, bởi vì trạng thái của "Tôi là Brahman" đã tới - trạng thái của "Aham Brahmasmi," khi tôi không có đó mà chỉ có Brahman. Bây giờ cái gì có đấy nữa để mà tìm kiếm? Cái gì phải được tìm? Chẳng gì còn lại để mà tìm kiếm cả. Bây giờ mọi thứ đều đã đạt tới. Brahman nghĩa là toàn bộ. Người đứng tại điểm này nói, "Brahman là chân lí tối thượng, Brahman là thực tại vũ trụ. Chẳng có gì vượt ra ngoài nữa."
Có thể dừng lại ở đây, và người tìm kiếm quả có dừng lại tại giai đoạn này hàng triệu lần sinh thành, bởi vì dường như là chẳng còn gì phía trước nữa. Cho nên Brahma gyani, người đã đạt tới việc nhận ra Brahman, sẽ bị mắc kẹt ở đây; người đó sẽ không đi thêm nữa. Điều này khó khăn thế để vượt qua vì chẳng có gì để vượt qua cả. Mọi thứ đều đã được bao quát. Người ta không cần một không gian để đi vào sao? Nếu tôi muốn đi ra ngoài căn phòng này phải có chỗ nào đó khác để đi chứ. Nhưng căn phòng bây giờ đã trở nên khổng lồ, vô thuỷ vô chung, vô hạn, vô biên tới mức chẳng có đâu mà đi cả. Cho nên chúng ta sẽ đi tìm kiếm ở đâu? Chẳng cái gì còn lại để được tìm kiếm; mọi thứ đều đã được bao quát cả rồi. Cho nên cuộc hành trình có thể dừng lại tại giai đoạn này cho vô hạn lần sinh thành.
Cho nên Brahman là chướng ngại tối thượng - rào chắn cuối cùng trong cuộc truy tìm tối thượng của người tìm kiếm. Bây giờ chỉ hiện hữu là còn lại, nhưng vô hiện hữu, vẫn còn phải được hiểu. Hiện hữu, cái đây, đã được biết tới, nhưng vô hiện hữu vẫn còn cần được nhận ra - cái không có vẫn còn phải được biết. Do đó, bình diện thứ bảy là nirvana kaya, thể niết bàn, và luân xa của nó là sahasrar. Chẳng điều gì có thể nói được liên quan tới luân xa này. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục nói nhiều nhất cho tới bình diện thứ sáu - và điều đó nữa cũng là rất khó khăn rồi. Phần lớn trong đó đều sẽ trở thành sai.
Cho tới thể thứ năm, việc tìm kiếm diễn ra bên trong phương pháp rất khoa học; mọi thứ đều có thể được giải thích. Tại bình diện thứ sáu chân trời bắt đầu mờ nhạt đi; mọi thứ dường như vô nghĩa. Hướng dẫn vẫn có thể được cho nhưng chung cuộc ngón tay chỉ cũng mất và hướng dẫn cũng không còn nữa bởi vì sự hiện hữu riêng của người ta bị xoá bỏ. Cho nên Brahman, hiện hữu tuyệt đối, được biết tới từ thể thứ sáu và luân xa thứ sáu.
Do đó những người tìm kiếm Brahman sẽ thiền về luân xa agya nằm ở giữa hai con mắt. Luân xa này được nối với thể vũ trụ. Những người làm việc hoàn toàn trên luân xa này sẽ bắt đầu nhớ tới sự mở rộng vô hạn bao la mà họ chứng kiến con mắt thứ ba. Đây là con mắt thứ ba mà từ đó bây giờ họ có thể xem vũ trụ, cái vô hạn.
Một cuộc hành trình nữa vẫn còn lại - cuộc hành trình vào vô hiện hữu, vô tồn tại. Sự tồn tại chỉ mới là một nửa câu chuyện: còn có cả vô tồn tại. Ánh sáng có, nhưng phía bên kia có bóng tối. Cuộc sống là một phần, nhưng cũng có cái chết. Do đó, cũng cần biết cái vô tồn tại còn lại, cái hư không, vì chân lí tối thượng chỉ có thể được biết khi đã biết cả hai được biết - sự tồn tại và sự vô tồn tại. Hiện hữu được biết trong tính toàn bộ của nó và vô hiện hữu cũng được biết trong tính toàn bộ của nó: thế thì việc biết là đầy đủ. Sự tồn tại được biết trong tính toàn bộ và sự vô tồn tại cũng được biết trong tính toàn bộ của nó: thế thì chúng ta biết cái toàn thể; bằng không kinh nghiệm của chúng ta là không đầy đủ. Có bất hoàn hảo trong brahma gyan, mà đó là việc không thể nào biết được cái vô hiện hữu. Do đó, brahma gyani phủ nhận rằng có những điều như vô tồn tại và gọi nó là ảo tưởng. Người đó nói rằng nó không tồn tại. Người đó nói rằng hiện hữu là chân lí còn không hiện hữu là giả dối. Đơn giản không có điều như vậy, cho nên vấn đề biết nó không nảy sinh.
Nirvana kaya, thể niết bàn, có nghĩa là shunya kaya, cái hư không mà từ đó chúng ta nhảy từ hiện hữu vào vô hiện hữu. Trong thể vũ trụ cái gì đó vẫn còn chưa được biết tới. Cái đó nữa cũng phải được biết - không hiện hữu là gì, cái gì còn phải bị xoá sạch. Do đó, bình diện thứ bẩy theo một nghĩa nào đó là cái chết tối hậu. Niết bàn, như tôi đã nói với các bạn trước đây, nghĩa là sự tắt ngấm của ngọn lửa. Cái mà đã là tôi tắt ngấm rồi; cái đã là đây tắt ngấm rồi. Nhưng bây giờ chúng ta lại đi vào hiện hữu bởi việc là một với tất cả. Bây giờ chúng ta là Brahman, và điều này nữa sẽ phải bỏ đi. Người mà sẵn sàng lấy cú nhảy cuối cùng, biết cả sự tồn tại và cả sự vô tồn tại.
Cho nên có bẩy thể và bẩy luân xa, và bên trong chúng có tất cả các phương tiện cũng như rào chắn. Không có rào chắn nào ở bên ngoài. Do đó, không có nhiều lí do để mà tìm kiếm ở bên ngoài. Nếu bạn đã đi hỏi ai đó hay hiểu từ ai đó, thế thì đừng xin xỏ. Hiểu là một chuyện, xin xỏ là chuyện khác. Tìm kiếm của bạn bao giờ cũng nên tiếp tục. Bất kì cái gì bạn đã nghe và hiểu cũng nên được làm thành việc tìm kiếm của bạn. Đừng làm nó thành niềm tin bằng không nó sẽ thành xin xỏ.
Bạn hỏi tôi điều gì đó; tôi trao cho bạn câu trả lời. Nếu bạn tới xin của bố thí, bạn sẽ đặt câu trả lời này vào túi và cất nó đi như kho báu của mình. Thế thì bạn không phải là thiền nhân mà là kẻ ăn xin. Không, điều tôi nói với bạn nên trở thành cuộc truy tìm của bạn. Nó nên làm tăng tốc việc tìm kiếm của bạn; nó nên kích thích và động viên tính tò mò của bạn. Nó nên đẩy bạn vào khó khăn lớn, làm cho bạn bất ổn hơn và nêu ra những câu hỏi mới trong bạn, những chiều hướng mới, để cho bạn sẽ khởi hành một con đường khám phá mới. Thế thì bạn đã không lấy của bố thí từ tôi, thế thì bạn đã hiểu điều tôi nói. Và nếu điều này giúp cho bạn hiểu bản thân mình, thế thì đây không phải là xin xỏ.
Cho nên đi để biết và hiểu; đi để tìm kiếm. Bạn không phải là người tìm kiếm duy nhất; nhiều người khác cũng đang tìm kiếm. Nhiều người đã tìm kiếm, nhiều người đã đạt tới. Cố gắng để biết, để hiểu thấu, điều đã xảy ra cho những người như thế và cả những điều còn chưa xảy ra; cố gắng và hiểu tất cả những điều này. Nhưng trong khi hiểu điều này, đừng dừng việc cố gắng hiểu về cái ta riêng của bạn. Đừng nghĩ rằng việc hiểu người khác đã trở thành việc nhận ra của bạn. Đừng đặt niềm tin vào kinh nghiệm của họ; đừng tin mù quáng vào họ. Thay vì thế chuyển mọi thứ thành đặt câu hỏi. Biến chúng thành câu hỏi chứ không phải là câu trả lời; thế thì cuộc hành trình của bạn sẽ tiếp tục. Thế thì nó sẽ không phải là việc xin xỏ: nó sẽ là cuộc truy tìm của bạn.
Chính việc tìm kiếm của bạn sẽ đưa bạn đến cái cuối cùng. Khi bạn thấm vào bên trong bản thân mình, bạn sẽ thấy hai phía của từng luân xa. Như tôi đã nói với các bạn, một phía do tự nhiên trao cho bạn và một phía bạn phải khám phá ra. Giận dữ được trao cho bạn; bao dung bạn phải tìm ra. Dục được trao cho bạn; vô dục (brahmacharya) bạn phải phát triển lấy. Giấc mơ bạn có; linh ảnh phải tiến triển ra.
Việc tìm kiếm của bạn về cái đối lập sẽ tiếp tục cho tới luân xa thứ tư. Từ luân xa thứ năm việc tìm kiếm của bạn sẽ bắt đầu cho cái không phân chia được, cho cái bất nhị. Cố gắng liên tục tìm kiếm cái khác với cái đã đến với bạn trong thể thứ năm. Khi bạn đạt tới phúc lạc, cố gắng tìm ra cái nằm bên ngoài phúc lạc. Tại bình diện thứ sáu bạn đạt tới Brahman, nhưng vẫn giữ việc tìm kiếm, "Cái gì có đó bên ngoài Brahman?" Thế thì một ngày nào đó bạn sẽ bước vào thể thứ bẩy, nơi hiện hữu và vô hiện hữu, ánh sáng và bóng tối, sống và chết, đều cùng xuất hiện. Đó là đạt tới điều tối thượng... và không có phương tiện trao đổi gì trong trạng thái này.
Đây là lí do tại sao các kinh sách của chúng ta chấm dứt với thể thứ năm, hay nhiều nhất, cũng chỉ lên tới thể thứ sáu. Những người với thiên hướng tâm trí khoa học hoàn toàn không nói về cái gì ở sau thể thứ năm. Thực tại vũ trụ, vô biên và vô giới hạn, bắt đầu từ đây, nhưng các nhà huyền môn như người Sufi nói về những bình diện bên ngoài bình diện thứ năm. Rất khó để nói về những bình diện này bởi vì người ta phải tự mâu thuẫn với chính mình lặp đi lặp lại. Nếu bạn đọc qua văn bản của tất cả những điều mà một thầy Sufi nói, bạn sẽ nói con người này là điên. Đôi khi ông ấy nói điều này đôi khi nói điều gì đó khác. Ông ấy nói, "Có Thượng đế" và ông ấy cũng nói luôn, "Không có Thượng đế." Ông ấy nói, "Ta đã thấy ngài" và trong cùng nhịp thở đó ông ấy nói luôn, "Làm sao ông thấy ngài được? Ngài không phải là một vật mà mắt có thể thấy!" Những nhà huyền môn này hay đưa ra những câu hỏi mà bạn sẽ phải tự hỏi liệu ông ta có đang tự hỏi chính mình hay hỏi người khác.
Huyền môn bắt đầu với bình diện thứ sáu. Do đó, nơi không có huyền môn trong tôn giáo, biết rằng nó đã kết thúc ở thể thứ năm. Nhưng huyền môn cũng không phải là giai đoạn cuối cùng. Cái tối thượng là hư không - cái không. Tôn giáo kết thúc với huyền môn sẽ kết thúc ở thể thứ sáu. Hư không là điều tối thượng, hư vô là điều tối thượng, bởi vì sau nó chẳng còn gì nữa để mà nói.
Cho nên việc tìm kiếm advaita, bất nhị, bắt đầu với thể thứ năm. Tất cả việc tìm kiếm về cái đối lập đều chấm dứt với thể thứ tư. Tất cả các rào chắn đều bên trong chúng ta và chúng là hữu dụng, bởi vì chính những chướng ngại này khi được biến đổi đều trở thành phương tiện của bạn để tiến tới.
Tảng đá nằm trên đường. Chừng nào bạn còn không hiểu, nó sẽ vẫn là chướng ngại cho bạn. Cái ngày bạn hiểu ra, nó sẽ trở thành chiếc thang cho bạn. Tảng đá nằm trên đường: chừng nào bạn chưa hiểu, bạn sẽ kêu to, "Tảng đá đang ngáng đường tôi. Làm sao tôi có thể đi lên được?" Khi bạn đã hiểu, bạn sẽ trèo qua tảng đá và tiến tới, cám ơn tảng đá bằng những lời, "Bạn đã ban ân huệ cho tôi nhiều lắm vì sau khi trèo qua bạn tôi đã tìm thấy bản thân mình ở bình diện cao hơn. Bây giờ tôi đang tiến tới trên mức cao hơn. Bạn là phương tiện và tôi đã coi bạn như rào chắn," bạn sẽ nói thế. Con đường bị chắn bởi tảng đá cuội này. Điều gì sẽ xảy ra? Cứ trèo qua nó và sẽ biết. Theo cách này, vượt qua giận dữ đi; xuyên qua nó và đạt tới bao dung, cái ở mức độ khác. Xuyên qua dục và đạt tới brahmacharya cái ở bình diện hoàn toàn khác. Thế thì bạn sẽ cám ơn dục và giận dữ vì là những hòn đá bước lên.
Mọi tảng đá trên con đường đều có thể là rào chắn cũng như người trung gian. Điều đó tuỳ thuộc hoàn toàn vào điều bạn làm với nó. Một điều là chắc chắn: Đừng tranh đấu với tảng đá, bởi vì thế thì bạn sẽ chỉ làm vỡ đầu mình và tảng đá sẽ không giúp ích gì. Nếu bạn tranh đấu với tảng đá, tảng đá sẽ chắn đường bạn, vì bất kì nơi đâu chúng ta tranh đấu chúng ta dừng lại. Chúng ta phải dừng lại gần người hay vật mà chúng ta tranh đấu; chúng ta không thể nào tranh đấu từ một khoảng cách. Đó là lí do tại sao nếu ai đó tranh đấu với dục, người đó phải bị dính líu vào dục cũng nhiều như người khác mê say trong nó. Thực tế, nhiều lần người này đến gần dục hơn, bởi vì người say mê trong nó cũng có thể rút ra khỏi nó một ngày nào đó, có thể siêu việt lên trên nó. Nhưng người tranh đấu không thể rút ra khỏi nó được; người đó cứ đi lòng vòng mãi.
Nếu bạn tranh đấu với giận dữ, bạn sẽ trở nên giận dữ với bản thân mình. Toàn bộ nhân cách của bạn sẽ chất đầy với giận dữ và từng thớ thịt trong thân thể bạn sẽ rung động với nó. Bạn sẽ phát ra giận dữ tất cả xung quanh bạn. Những câu chuyện chúng ta đọc về các hiền nhân và thầy tu khổ hạnh như Durwasa rất giận dữ là có bởi vì họ đã tranh đấu với giận dữ; do vậy, họ chẳng thể nghĩ gì ngoài nguyền rủa. Nhân cách của người như thế biến thành lửa. Đây là những người đã tranh đấu với tảng đá và bây giờ đang trong khó khăn. Họ đã trở thành cái mà họ tranh đấu chống nó.
Bạn sẽ đọc về các tu sĩ khác mà các tiên nữ tinh tú trên trời giáng xuống và làm hư hỏng họ trong khoảnh khắc. Thật là kì lạ! Điều này chỉ có thể nếu một người đã tranh đấu với dục; không thể khác. Người đó đã tranh đấu và tranh đấu và do vậy làm yếu dần bản thân mình. Thế thì dục là an toàn trong chỗ riêng của nó; nó chỉ đợi cho người này bị suy sụp. Dục này bây giờ có thể bùng ra bất kì đâu. Hầu như không có khả năng một apsara thực tế từ trên trời xuống - chẳng lẽ những tiên nữ như thế lại hợp đồng để quấy nhiễu các tu sĩ và munis? Khi dục bị kìm nén bằng bàn tay nặng nề, người đàn bà thông thường cũng trở thành tiên nữ tinh tú. Tâm trí phóng chiếu các mơ mộng vào ban đêm và ý nghĩ vào ban ngày và nó trở thành chất đầy với những ý nghĩ này. Thế thì một thứ mà không hấp dẫn chút nào lại trở thành quyến rũ.
Cho nên người tìm kiếm phải nhận biết về khuynh hướng tranh đấu. Người đó nên cố gắng tột bực để hiểu, và việc cố gắng để hiểu có ngụ ý là hiểu cái được tự nhiên trao cho người đó. Qua cái đã được trao cho bạn, bạn sẽ đạt tới cái còn cần đạt tới. Đây là điểm bắt đầu. Nếu bạn chạy khỏi cái chính là chỗ bắt đầu thì không thể nào đạt tới đích được. Nếu bạn chạy khỏi dục trong hoảng loạn, làm sao bạn đạt tới brahmacharya? Dục là lối mở do tự nhiên trao cho còn vô dục brahmacharya là việc truy tìm cần phải được tiến hành qua chính lối mở này. Nếu bạn thấy trong viễn cảnh này, không cần phải xin xỏ từ đâu cả; hiểu biết chính là cái được cần tới. Tất cả sự tồn tại đều có đó với mục đích cho hiểu biết. Học từ bất kì ai, nghe mọi người, và cuối cùng, hiểu cái ta riêng của mình từ bên trong.
Thầy đã làm sáng tỏ cho chúng tôi về bẩy thể. Thầy có thể nói cho chúng tôi tên một số cá nhân - cổ đại hay hiện đại - người đã đạt tới thể niết bàn, thể vũ trụ hay thể tâm linh không?
Đừng bận tâm về điều này. Nó không phục vụ cho mục đích gì cả; nó là vô nghĩa. Cho dù tôi nói cho bạn, bạn cũng chẳng có phương tiện kiểm chứng nó. Nhiều nhất có thể được, tránh so sánh và đánh giá các cá nhân vì nó chẳng phục vụ cho mục đích gì; nó không có nghĩa. Vứt mối bận tâm đó đi.
Người đã đạt tới thể thứ năm và các thể sau đó có lấy lại các thể vật lí sau khi chết không?
Có, điều đó đúng. Người đạt tới thể thứ năm hay thứ sáu trước khi chết, được tái sinh ở cõi trời cao nhất, và tại đó người đó sống ở bình diện của các deva (thần). Người đó có thể ở lại cõi này lâu tuỳ ý, nhưng để đạt tới niết bàn, người đó phải quay trở lại hình hài con người. Sau khi đạt tới thể thứ năm, không có việc sinh thành trong thể vật lí, những vẫn có các thể khác. Thực tế, điều chúng ta gọi là deva hay thần có nghĩa là một loại thân đang tồn tại. Kiểu thân này tồn tại sau khi đạt tới thể thứ năm. Sau thể thứ sáu, ngay cả những thân này cũng sẽ không có. Thế thì chúng ta sẽ thu được dạng của cái ta gọi là Ishwar, sinh linh tối cao.
Nhưng tất cả những điều này vẫn là các thể. Kiểu nào là vấn đề phụ. Sau thể thứ bẩy, không có thể nào nữa. Từ thể thứ năm trở đi các thể ngày càng trở nên tinh tế hơn cho tới khi chúng đạt tới trạng thái vô thể sau thể thứ bẩy.
Trong một bài nói trước, Thầy đã nói Thầy thích shaktipat gần nhất với ân huệ - nếu nó được như thế là tốt hơn cả. Điều này có nghĩa là có khả năng tiến triển và phát triển dần dần trong quá trình shaktipat không? Nói cách khác liệu có thể có quá trình lượng đổi trong shaktipat không?
Rất có thể có. Nhiều điều là có thể. Thực tế, khác biệt giữa shaktipat và ân huệ là lớn. Về nền tảng, chỉ ân huệ mới hữu dụng và không qua trung gian chính là sự thuần khiết nhất của nó, bởi vì sẽ không có ai ở giữa để làm cho nó thành không thuần khiết. Cũng hệt như là khi tôi nhìn bạn trực tiếp bằng đôi mắt riêng của mình: hình ảnh của bạn sẽ rõ nét nhất. Thế rồi tôi đeo đôi kính vào: cái nhìn sẽ không còn thuần khiết nữa, bởi vì bây giờ vật trung gian đã len vào giữa. Bây giờ có thể có nhiều đa dạng về vật trung gian - thuần khiết, không thuần khiết. Đôi kính có thể có mầu, đôi khác trong suốt, và chất lượng của bản thân thấu kính cũng sẽ thay đổi.
Cho nên khi chúng ta thu được ân huệ qua trung gian, nhất định có không thuần khiết và chúng là do người trung gian. Do đó, ân huệ thuần khiết nhất là ở chỗ nó được nhận trực tiếp khi không có trung gian. Bây giờ, chẳng hạn, nếu chúng ta có thể thấy mà không cần mắt, đấy sẽ có nghĩa là cái nhìn thuần khiết hơn, bởi vì ngay cả mắt cũng là trung gian và nhất định gây ra cản trở nào đó. Ai đó có thể có mắt lác, ai đó có thể có thị lực yếu, ai đó có thể có trục trặc khác về mắt - cho nên đây là những khó khăn. Người có thị lực yếu sẽ thấy một cặp kính đặc biệt làm trung gian là rất có ích. Có lẽ nó có thể cho người đó cái nhìn rõ ràng hơn mắt nhìn không đeo kính, và do vậy kính sẽ trở thành một trung gian nữa. Bây giờ có hai trung gian, nhưng trung gian thứ hai bù thêm cho cái yếu của trung gian thứ nhất.
Theo đích xác cùng cách thức này ân huệ đạt tới một người thông qua người khác thu thập những thứ không thuần khiết trên con đường. Bây giờ nếu những cái không thuần khiết này làm cho chúng có hiệu quả đảo ngược lại những cái không thuần khiết bên trong người tìm kiếm, cả hai sẽ bù trừ cho nhau. Thế thì điều sẽ xảy ra sẽ gần với ân huệ nhất. Nhưng điều này sẽ phải được quyết định tách biệt trong từng trường hợp.
Do đó, ưa thích của tôi là dành cho ân huệ trực tiếp. Đừng bận tâm về trung gian. Nếu đôi khi trong quá trình cuộc sống, thoáng nhìn có thể tới từ người trung gian nữa, nhưng người tìm kiếm không nên lo nghĩ hay lo âu về điều này. Đừng đi xin xỏ, bởi vì như tôi đã nói, thế thì người cho nhất định sẽ kéo đến. Thế thì trung gian càng đậm đặc, pha trộn càng có hiệu quả. Người cho phải là người không có ý thức về việc cho; thế thì shaktipat có thể là thuần khiết. Cho dù thế nó vẫn không phải là ân huệ. Bạn sẽ vẫn cần nhận được ân huệ trực tiếp không qua trung gian. Phải không có ai giữa bạn và và Thượng đế; phải không có ai giữa điều thiêng liêng và bạn. Và điều này bao giờ cũng nên có trong tâm trí bạn. Điều này nên là khao khát của bạn và điều này nên là việc tìm kiếm của bạn. Nhiều sự kiện sẽ xảy ra trên con đường, nhưng bạn không dừng lại ở đâu cả; đó là tất cả những điều được đòi hỏi ở bạn. Và bạn sẽ cảm thấy khác biệt. Nhất định có khác biệt về định tính cũng như định lượng, và lí do sẽ có nhiều.
Shaktipat có thể xảy ra qua người trung gian, người đã đạt tới thể thứ năm, nhưng nó sẽ không thuần khiết như nó có thể tới từ người ở thể thứ sáu, bởi vì asmita của người đó, cái có-đây của người đó vẫn còn không bị động tới. Cái tôi, đã chết, nhưng cái đây vẫn còn. Bây giờ cái đây này vẫn sẽ cảm thấy tự hài lòng. Trong người của thể thứ sáu cái đây cũng đã biến mất; chỉ còn lại Brahman. Thế thì shaktipat sẽ là thuần khiết. Vậy mà một số ảo tưởng vẫn còn, bởi vì trạng thái vô hiện hữu vẫn còn chưa được đạt tới dù rằng trạng thái hiện hữu đã có. Việc hiện hữu này cũng là màn che rất tinh tế - rất mảnh mai, rất trong suốt; tất cả là như nhau, nó có đấy.
Cho nên shaktipat qua người ở thể thứ sáu sẽ tốt hơn cái đến qua người ở thể thứ năm, và sẽ rất gần với ân huệ trực tiếp. Tuy nhiên dù nó có thể gần, một hơi chút khoảng cách, dẫu sao, cũng vẫn là khoảng cách. Và một thứ càng vô giá, khoảng cách dù nhỏ nhất cũng trở thành khoảng cách lớn. Cho nên điều vô giá là địa hạt của ân huệ mà ngay cả tấm màn che tinh tế nhất của hiện hữu cũng tỏ ra là rào chắn.
Bây giờ shaktipat thu được từ người đã đạt tới bình diện thứ bẩy sẽ là thuần khiết nhất - nhưng dầu vậy nó vẫn không là ân huệ. Dạng thuần khiết nhất của shaktipat giáng xuống qua thể thứ bẩy - thuần khiết nhất. Tại đây shaktipat sẽ đạt tới trạng thái tối thượng, bởi vì không có tấm màn chắn chừng nào có liên quan tới người trung gian: người đó là một với cái hư không. Nhưng chừng nào bạn còn có liên quan, còn có rào chắn. Bạn sẽ coi người đó như một người trong toàn bộ cuộc sống của mình; tấm màn của bạn sẽ gây ra rào chắn tối thượng. Người đó là một với cái hư không; người đó không có bất kì rào chắn nào - nhưng bạn sẽ nhìn người đó như một cá nhân.
Bây giờ giả sử tôi đạt tới bình diện thứ bẩy: tôi sẽ biết rằng tôi đã đạt tới cái hư không, nhưng bạn thì sao? Bạn sẽ nhìn tôi như một người, và khái niệm này về một cá nhân sẽ trở thành tấm màn che cuối cùng. Bạn chỉ có thể gạt bỏ khái niệm này khi biến cố xuất hiện qua cái vô hình. Nói cách khác, thế thì bạn không thể nào chỉ ra được biến cố xảy ra từ đâu và như thế nào. Khi bạn không thể nào tìm được cội nguồn, khái niệm này sẽ bị loại bỏ. Biến cố này phải là vô nguồn. Nếu tia nắng mặt trời tới, bạn sẽ nghĩ rằng mặt trời là người. Nhưng khi tia sáng tới từ không đâu cả, khi mưa rơi mà chẳng có đám mây nào, thế thì tấm màn che cuối cùng được tạo nên bởi việc nhân cách hoá sẽ sụp đổ.
Khi bạn tiếp tục khoảng cách sẽ trở nên ngày càng tinh tế, và biến cố cuối cùng của ân huệ sẽ xảy ra khi không có ai ở giữa. Chính ý nghĩ của bạn rằng có ai đó ở giữa là đủ thành rào chắn. Chừng nào có hai, còn có nhiều cản trở: bạn có đó và người khác có đó. Ngay cả khi người khác không còn nữa, bạn vẫn còn, và bởi vì bạn có đấy nên sự hiện hiện của người khác cũng được cảm thấy. Ân huệ sẽ giáng xuống không có nguồn gốc nào, không có bất kì gốc gác ở đâu cả, sẽ là tốt nhất. Cá nhân bên trong bạn sẽ tuôn chảy đi trong ân huệ này, cái tới từ hư không. Nếu người khác hiện diện, người đó phục vụ cho mục đích cứu lấy tính cá nhân của bạn mặc cho sự kiện rằng người đó đang làm việc vì bạn.
Nếu bạn đi ra bãi biển, bạn sẽ kinh nghiệm an bình lớn hơn, nếu bạn đi vào rừng sâu, bạn sẽ kinh nghiệm an bình lớn hơn, bởi vì người khác không hiện diện ở đó và do vậy bạn vẫn còn vững chắc và mạnh mẽ. Nếu hai người ngồi trong một căn phòng, có sóng và phản sóng căng thẳng ở đó cho dù hai người có thể không đánh nhau hay không cãi nhau hay thậm chí không nói. Cho nên ngay cả khi họ im lặng, cái tôi của mỗi người vẫn thường xuyên hoạt động. Xâm lấn và đề phòng có đó trong độ hoạt động lớn nhất. Những điều này có thể tiếp tục một cách im lặng và chẳng cần đụng độ trực tiếp. Chỉ sự hiện diện của hai người và căn phòng tràn đầy căng thẳng.
Nếu bạn thu được tri thức đầy đủ về tất cả những luồng chảy phát xuất từ bạn, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng căn phòng chứa hai người đã bị phân chia thành hai và mỗi cá nhân đã trở thành một trung tâm. Các rung động năng lượng từ cả hai đối diện nhau giống như hai đội quân trên chiến trường. Sự hiện diện của người khác làm mạnh thêm cho cái tôi của bạn. Khi người khác bỏ đi, căn phòng sẽ trở thành một chỗ khác. Bạn thảnh thơi. Cái tôi đã cáu kỉnh sẽ tự buông bỏ mình. Nó bây giờ dựa lên nệm và nghỉ ngơi, nó bây giờ thở tự do vì người khác không có đó. Do đó, ý nghĩa của đơn độc là thảnh thơi cho bản ngã bạn và giúp nó buông bỏ. Chính bởi lí do này mà bạn thấy dễ chịu khi ở gần cây cối hơn là trong một toán người khác.
Đây là lí do tại sao, trong các nước mà căng thẳng giữa người và người đang trở nên ngày một sâu sắc hơn, người ta có khuynh hướng sống với con vật nuôi. Sống với vật nuôi dễ dàng hơn với con người, bởi vì chúng không có cái tôi. Bạn thắt vòng cổ cho con chó, và nó đi lăng xăng hạnh phúc. Chúng ta không thể thắt vòng cổ cho người theo cách này, mặc dầu chúng ta cố gắng lắm. Vợ thắt vòng cổ cho chồng, chồng thắt vòng cổ cho vợ, và cả hai cố gắng hạnh phúc - nhưng vòng cổ này là tinh tế và không thể nào thấy được một cách công khai. Vậy mà mỗi người đều cố gắng giũ vòng cổ ra và được tự do - nhưng con chó, bước đi hạnh phúc vẫy đuôi. Cho nên niềm vui mà con chó đem lại, không người nào có thể đem lại được, bởi vì người khác lập tức đem bản ngã của bạn vào sự chú ý của bạn, và thế là rắc rối bắt đầu.
Dần dần con người cố gắng phá vỡ mối quan hệ của mình với người khác và thiết lập mối quan hệ với đồ vật bởi vì chúng dễ giải quyết hơn. Cho nên số các đồ vật cứ tăng lên hàng ngày. Có nhiều đồ trong nhà hơn là người.
Mọi người đem tới mất trật tự và lẫn lộn; đồ đạc không làm bận tâm. Cái ghế vẫn còn ở chỗ tôi đặt nó. Nếu tôi ngồi lên nó, nó không gây rắc rối gì. Sự hiện diện của cây cối, dòng sông, núi non, không gây rắc rối; do đó chúng ta cảm thấy thoải mái ở gần chúng. Lí do chỉ là thế này: cái tôi không đứng với sức mạnh đầy đủ trước chúng ta; do đó, chúng ta cũng cảm thấy được thảnh thơi. Khi người khác không có đó, cần gì có cái tôi? Thế thì cái tôi nữa cũng không có. Nhưng hơi chút ý niệm mơ hồ về người khác thôi, và cái tôi nhảy vào chú ý. Nó lo nghĩ về an ninh của nó, về việc thiếu thông tin của nó như khoảnh khắc tiếp có thể đem tới cái gì; do đó, nó phải sẵn sàng mọi lúc.
Bản ngã bao giờ cũng còn tỉnh táo cho tới khoảnh khắc cuối cùng. Ngay cả khi bạn gặp một người ở bình diện thứ bẩy, bản ngã cũng tỉnh táo. Đôi khi nó trở nên tỉnh táo quá mức trước một người như vậy. Bạn không sợ người thường mấy đâu, bởi vì cho dù người đó làm bạn tổn thương, vết thương cũng không sâu lắm. Nhưng người đã đạt tới thể thứ năm hay bên ngoài thể thứ năm, có thể gây ra cuộc phẫu thuật sâu trong thể của bạn ở mức người đó đã đạt tới. Do vậy sợ của bạn trở nên nhiều hơn, bởi vì "Trời biết ông ấy có thể làm gì." Bạn bắt đầu cảm thấy cái gì đó chưa biết dường như các lực không quen thuộc đang quan sát bạn qua người đó, cho nên bạn trở nên thận trọng. Bạn thấy vực thẳm khắp quanh người đó. Bạn trở nên tỉnh táo và cảnh giác. Bạn bắt đầu cảm thấy kinh nghiệm về thung lũng sâu, và bạn bị nỗi sợ bắt giữ rằng nếu bạn đi vào trong người đó, bạn sẽ rơi vào trong vực thẳm này.
Đó là lí do tại sao khi những người như Jesus, Krishna và Socrates được sinh ra, chúng ta giết họ: chính sự hiện diện của họ gây ra lẫn lộn lớn trong chúng ta. Đi gần họ là đi có chủ tâm gần nguy hiểm. Thế rồi khi họ chết chúng ta tôn thờ họ bởi vì bây giờ không có sợ nữa. Bây giờ chúng ta có thể đúc ảnh họ bằng vàng và đứng chắp tay trước họ, gọi họ là sư phụ kính yêu của chúng ta. Nhưng trong thời họ còn sống, chúng ta đối xử với họ khác. Thế thì chúng ta rất sợ họ và sợ này là về điều chúng ta cũng chẳng biết: bạn không biết chắc vấn đề là gì. Người càng đi sâu vào bên trong bản thân mình, người đó càng trở thành giống như vực thẳm với chúng ta. Thế thì điều đó cũng giống hệt như ai đó sợ nhìn xuống thung lũng bởi vì nó làm cho người đó chóng mặt. Tương tự vậy, nhìn vào mắt người như thế cũng sẽ tạo ra sợ hãi: chúng ta chắc chắn chóng mặt.
Có một câu chuyện hay về Moses. Sau khi Hazrat Moses có linh ảnh về Thượng đế, ông ấy chẳng bao giờ để khuôn mặt mình lộ trần ra nữa. Cả đời mình, ông ấy đều đi với tấm mạng che mặt, bởi vì nhìn vào khuôn mặt ông ấy trở thành nguy hiểm. Bất kì ai làm như vậy đều phải chạy trốn. Có vực thẳm vô hạn trong mắt ông ấy. Cho nên Moses đi lại đều với mặt được che kín bởi vì mọi người sợ đôi mắt ông. Mắt ông dường như kéo họ lại như nam châm tới vực thẳm chưa biết đó ở bên trong. Họ trở nên sợ hãi bởi vì họ không biết đôi mắt ông ấy sẽ lôi họ đi đâu và điều gì sẽ xảy ra với họ.
Người đã đạt tới bình diện thứ bẩy và bình diện cuối cũng vẫn tồn tại chừng nào còn liên quan tới bạn, nhưng bạn, sẽ cố gắng để bảo vệ bản thân mình khỏi người đó và rào chắn sẽ còn lại ở giữa. Do đó, shaktipat trong trường hợp này cũng không thể là thuần khiết. Nó có thể thuần khiết nếu bạn vứt bỏ ý nghĩ về một sinh linh như vậy là người - nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi cái tôi của bạn mất đi. Khi bạn đạt tới trạng thái mà bạn hoàn toàn không biết gì về bản ngã, bạn sẽ có thể thu được shaktipat từ bất kì đâu, bởi vì thế thì không có vấn đề về việc nó tới từ bất kì ai; nó sẽ trở thành vô nguồn gốc, nó sẽ trở thành ân huệ.
Đám đông càng lớn, bản ngã của bạn càng cô đặc và cứng rắn hơn. Do đó, từ lâu đã có việc thực hành thoát khỏi đám đông và cố gắng vứt bỏ bản ngã trong đơn độc. Nhưng con người thật kì lạ: nếu người đó ngồi dưới gốc cây lâu, người đó sẽ bắt đầu nói về điều đó và đề cập tới điều đó như ‘bạn’. Nếu người đó ngồi gần đại dương, người đó cũng làm hệt như thế. Cái ‘tôi’ trong chúng ta sẽ làm bất kì cái gì có thể để giữ cho nó còn sống. Nó sẽ tạo ra người khác không thành vấn đề bạn đi đến đâu, và nó sẽ thiết lập mối quan hệ tình cảm ngay cả với những vật vô tri và sẽ bắt đầu nhìn chúng như các cá nhân.
Khi một người tiến tới giai đoạn cuối, người đó làm Thượng đế thành người khác để cho người đó có thể cứu cái ‘tôi’ của mình. Do đó, người sùng kính bao giờ cũng nói, "Làm sao chúng tôi có thể là một với Thượng đế được? Ngài là ngài và chúng tôi là chúng tôi. Chúng tôi ở dưới chân ngài, và ngài là Thượng đế." Người sùng kính chẳng nói gì khác hơn điều này, rằng nếu bạn muốn là một với ngài, bạn sẽ phải làm mất bản ngã của mình. Cho nên người đó giữ Thượng đế ở một khoảng cách và người đó bắt đầu hợp lí hoá. Người đó nói, "Làm sao chúng ta có thể là một với ngài được? Ngài vĩ đại, ngài là tuyệt đối. Chúng ta là những kẻ bị ruồng bỏ bất hạnh cho nên làm sao chúng ta có thể là một với ngài được?" Người sùng kính đang cứu cái ‘ngươi’ để cứu cái ‘tôi’ của mình. Do đó, bhakta, người sùng kính, chưa bao giờ vươn lên trên bình diện thứ tư. Người đó thậm chí không lên tới bình diện thứ năm: người đó mắc kẹt tại bình diện thứ tư. Thay vì tưởng tượng, trên bình diện thứ tư linh ảnh tới với người đó. Người đó phát hiện ra tất cả những khả năng tốt nhất của thể thứ tư. Biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong cuộc đời người sùng kính, mà là điều huyền bí, nhưng bhakta vẫn cứ còn ở bình diện thứ tư như cũ.
Atma sadhak - người đi tìm cái ta - hatha yogi - nhà yoga theo khổ hạnh - và nhiều người trải qua các thực hành tương tự, đạt tới bình diện thứ năm là nhiều nhất. Ham muốn bản chất của sadhak là đạt tới phúc lạc, đạt tới giải thoát và tự do khỏi đau khổ. Đằng sau tất cả những ham muốn này có cái ‘tôi’: người đó nói, "Tôi muốn giải thoát" - không phải là giải thoát khỏi cái tôi, mà là giải thoát của cái tôi. Người đó nói, "Tôi muốn được tự do, tôi muốn phúc lớn." Cái tôi của người đó vẫn cô đặc, cho nên người đó chỉ đạt tới bình diện thứ năm.
Raja yogi có thể đạt tới bình diện thứ sáu. Người này nói, "Có gì trong cái ‘tôi’? Tôi là cái không; một mình ngài hiện hữu - không phải tôi, nhưng ngài, Brahman, là mọi thứ." Người đó sẵn sàng đánh mất bản ngã nhưng người đó không được chuẩn bị để mất sự hiện hữu của mình. Người đó nói, "Tôi sẽ còn là một phần của Brahman; tôi là một với ngài. Tôi là Brahman. Tôi sẽ buông bỏ bản thân mình, nhưng bản thể bên trong của tôi sẽ còn được hội nhập trong ngài." Người tìm kiếm như vậy có thể đi lên tới thể thứ sáu.
Một thiền nhân như Phật, đạt tới bình diện thứ bẩy bởi vì người đó sẵn sàng vứt bỏ tất cả - ngay cả Brahman. Người đó sẵn sàng đánh mất bản thân mình và đánh mất mọi thứ. Người đó nói, "Cứ để cái hiện hữu còn lại. Về phần mình, tôi không ham muốn cái gì còn lại cả: tôi sẵn sàng đánh mất tất cả mọi cái của tôi." Người đã chuẩn bị mất mọi thứ có quyền thu được tất cả.
Thể niết bàn chỉ được đạt tới khi chúng ta được chuẩn bị trở thành cái không. Thế thì có sự sẵn sàng để biết ngay cả cái chết. Để biết cuộc sống, nhiều người đã sẵn sàng. Do đó, người muốn biết về cuộc sống sẽ dừng tại bình diện thứ sáu. Nhưng người sẵn sàng tìm hiểu về cái chết cũng sẽ có thể biết tới tầng thứ bẩy.
Tại sao thiền nhân đã thu được khả năng linh ảnh và cái nhìn tinh tế ở bình diện thứ tư - và nhiều người đã đạt tới giai đoạn này - vẫn không thể tiết lộ tri thức về mặt trăng, mặt trời, trái đất và chuyển động của chúng, như các nhà khoa học đã làm?
Có bốn điều cần phải hiểu liên quan tới điều này. Điều thứ nhất là ở chỗ nhiều trong số những sự kiện này đã được tiết lộ bởi những người như thế, người tại bình diện thứ tư. Chẳng hạn, có rất ít khác biệt giữa tuổi trái đất như được những người này chỉ ra và như các nhà khoa học chỉ ra, và ấy vậy mà người ta vẫn không thể nói được rằng khoa học là đúng đắn. Các nhà khoa học bản thân họ không tuyên bố mình là tuyệt đối đúng đắn.
Thứ hai, thậm chí còn có ít khác biệt về thông tin do hai loại người này đưa ra về hình dạng và kích thước của trái đất. Bên cạnh đó, ngay cả trong liên hệ với vấn đề này cũng không nhất thiết những người đã đạt tới bình diện thứ tư là sai trong ước lượng của họ. Hình dạng trái đất thay đổi mãi mãi. Khoảng cách giữa trái đất và mặt trời không phải là một như trong thời cổ đại, và cùng tình huống đó cũng xảy ra giữa mặt trăng và trái đất. Châu Phi không phải ở ở cùng chỗ nó như bây giờ; đã có thời nó gắn với Ấn Độ. Hàng nghìn thay đổi đã xuất hiện và vẫn còn đang xuất hiện, và nhiều thay đổi xảy ra thường xuyên. Tính tới những thay đổi thường xuyên này bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng người ở bình diện thứ tư từ lâu đã tiết lộ nhiều khám phá mà khoa học ngày nay mới tìm ra.
Cũng nên hiểu rằng có khác biệt nền tảng giữa ngôn ngữ diễn đạt của người ở bình diện thứ tư và nhà khoa học. Đây là khó khăn rất lớn. Người ở bình diện thứ tư không có ngôn ngữ toán học. Người đó có ngôn ngữ của linh ảnh, hình ảnh và kí hiệu. Người đó có ngôn ngữ của dấu hiệu. Như không có ngôn ngữ trong giấc mơ, trong linh ảnh nữa cũng không có ngôn ngữ. Nếu chúng ta hiểu thấu đáo, chúng ta sẽ biết rằng nếu chúng ta mơ trong đêm điều chúng ta làm trong cả ngày, chúng ta sẽ chọn phương tiện kí hiệu và dấu hiệu, bởi vì không có ngôn ngữ ở đó. Nếu tôi là người tham vọng, người muốn ở trên mọi người khác, tôi sẽ mơ tôi là con chim bay cao trên trời trên các con chim khác. Trong giấc mơ tôi sẽ không thể nào diễn tả bằng lời rằng tôi tham vọng, cho nên toàn thể ngôn ngữ thay đổi trong giấc mơ. Theo cùng cách đó, ngôn ngữ của linh ảnh không phải là lời nói mà là hình ảnh.
Việc diễn giải giấc mơ bắt đầu phát triển sau Freud, Jung và Adler. Bây giờ chúng ta có thể tìm ra ý nghĩa của giấc mơ. Theo cùng cách thức đó, bất kì điều gì người ở bình diện thứ tư đã nói đều phải đợi diễn giải. Vậy mà thậm chí chúng ta vẫn không có khả năng giải thích hiện tượng mơ một cách thấu đáo; việc giải thích linh ảnh hồn cũng là vấn đề khó khăn. Chúng ta phải biết ý nghĩa của điều đã được thấy trong linh ảnh và của điều mà người ở bình diện thứ tư đang nói.
Chẳng hạn, khi Darwin nói rằng con người đã tiến hoá từ con vật, ông ấy nói theo ngôn ngữ khoa học.
Nhưng nếu chúng ta đã đọc câu chuyện về các hoá thân Hindu, chúng ta sẽ thấy rằng điều này không là gì ngoài cùng câu chuyện đã được kể hàng nghìn năm trước đây dưới dạng biểu tượng. Hoá thân thứ nhất không phải là người, ông ấy là cá. Darwin cũng nói rằng dạng đầu tiên của người là hình dạng cá. Bây giờ, khi chúng ta nói rằng hoá thân đầu tiên là matsya avatar - cá, đây là biểu tượng. Đây không phải là ngôn ngữ của khoa học: một hoá thân và con cá! Chúng ta phủ nhận phát biểu này. Nhưng khi Darwin nói rằng phần tử sống đầu tiên tới dưới dạng cá và rồi các dạng khác theo sau, chúng ta sẵn sàng đồng ý vì nó dường như hợp lí với chúng ta. Phương pháp và việc tìm kiếm của Darwin là khoa học.
Bây giờ những người thấy linh ảnh đều thấy điều thiêng liêng lấy dạng sinh đầu tiên là cá. Người viễn kiến nói theo ngôn ngữ của ngụ ngôn. Thế rồi hoá thân thứ hai là con rùa. Sinh vật này thuộc về cả đất và nước. Hiển nhiên, việc chuyển cuộc sống từ nước lên đất không thể đột nhiên được. Phải có trạng thái trung gian. Cho nên bất kì sinh vật nào đã tiến hoá, cũng đều phải thuộc vào cả đất và nước. Thế rồi dần dần con cháu của rùa bắt đầu sống trên đất, và rồi phải có tách biệt rõ rệt với cuộc sống trong nước.
Nếu bạn đọc qua câu chuyện này về các hoá thân Hindu, bạn sẽ ngạc nhiên mà để ý rằng chúng ta đã phát hiện ra từ rất lâu điều mà Darwin đã phát hiện mãi hàng nghìn năm sau, và theo thứ tự niên đại đúng. Thế thì, trước biến hình cuối cùng, phải có hoá thân nửa người, nửa vật - narsinh avatar. Sau rốt, con vật không trở thành con người trong một bước chuyển; chúng nữa cũng phải trải qua giai đoạn trung gian có dạng nửa người nửa vật. Không thể nào một con vật cho sinh ra một con người được. Có mối móc nối bị thiếu giữa con vật và con người mà có thể là narsinh - nửa người nửa vật.
Nếu chúng ta hiểu tất cả những câu chuyện này, chúng ta sẽ biết rằng điều Darwin nói dưới dạng khoa học, những người ở bình diện thứ tư đã nói từ trước đó lâu theo ngôn ngữ của Puranas. Nhưng mãi cho tới giờ những kinh sách huyền thoại Hin du này vẫn còn chưa được giải thích đúng đắn. Lí do cho điều này là ở chỗ Puranas đã rơi vào tay những người dốt nát, vô học. Chúng không ở trong tay các nhà khoa học.
Một khó khăn khác là ở chỗ chúng ta đã đánh mất chìa khoá để giải mật mã của Puranas. Chúng ta không có mã giải; do đó, khó khăn. Bây giờ khoa học nói rằng con người có thể tồn tại trên trái đất nhiều nhất là bốn nghìn năm nữa. Tiên đoán trong nhiều Puranas là ở chỗ thế giới này không thể kéo dài hơn năm nghìn năm. Khoa học nói ngôn ngữ khác. Nó nói mặt trời sẽ lạnh dần đi, các tia sáng của nó sẽ giảm đi, nhiệt của nó sẽ khuếch tán, và trong bốn nghìn năm nữa nó sẽ lạnh đi. Thế thì cuộc sống trên trái đất sẽ dừng lại cùng với nó.
Puranas nói theo ngôn ngữ khác. Và nếu Puranas đưa ra thời gian năm nghìn năm chứ không phải là bốn nghìn năm như các nhà khoa học nói, phải nhớ trong trí rằng vẫn chưa quyết định được liệu khoa học có tuyệt đối đúng không. Có thể là năm nghìn năm - và tôi tin rằng sẽ như thế, bởi vì có thể có sai lầm trong tính toán của khoa học nhưng không bao giờ có sai lầm trong linh ảnh. Do đó khoa học cứ tự cải tiến nó hàng ngày. Nó nói một điều ngày hôm nay rồi lại điều khác vào ngày mai và điều khác nữa vào ngày kia. Nó phải thay đổi hàng ngày. Newton nói điều này, Einstein nói điều gì đó khác.
Cứ năm năm khoa học lại thay đổi lí thuyết của nó bởi vì nó đi tới các giải pháp tốt hơn. Không thể quyết định được liệu điều chung cuộc trong khoa học có khác biệt với linh ảnh của bình diện thứ tư không. Và nếu những điều này không trùng nhau, cũng không nhất thiết phải ra quyết định hấp tấp trên nền tảng của điều ta biết bây giờ qua khoa học và qua điều những người viễn kiến đã nói. Cuộc sống là sâu sắc đến mức chỉ tâm trí không khoa học mới đưa ra quyết định hấp tấp. Nếu chúng ta xem xét những khám phá của khoa học trong vòng một trăm năm qua chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các khám phá một trăm năm qua đọc giống như chuyện cổ Puranas: không ai sẵn sàng tin vào chúng thêm nữa bởi vì những điều khác và tốt hơn được khám phá theo quá trình thời gian.
Mã để lộ ra chân lí trong Puranas đã bị mất. Bây giờ, chẳng hạn, nếu có thế chiến thứ ba, tác động đầu tiên của nó sẽ là ở chỗ tất cả tầng lớp người văn minh, có giáo dục sẽ bị tiêu diệt. Cũng kì lạ là chỉ những người vô văn hoá, vô giáo dục là còn lại. Một số bộ lạc nguyên thuỷ ở Ấn Độ sống trên vùng núi non và rừng rậm xa xôi sẽ vô sự. Không ai sẽ được miễn thứ ở Bombay hay New York. Bất kì khi nào có cuộc thế chiến, bao giờ những cộng đồng tốt nhất cũng bị tiêu diệt, bởi vì chính họ bị tấn công. Thổ dân nào đó ở Bastar, Ấn Độ có thể sống sót. Người này có thể kể cho con cháu mình về máy bay trên trời mặc dầu người đó sẽ không có khả năng giải thích cho chúng. Người đó đã thấy chúng bay và điều đó là thật, nhưng người đó không thể nào giải thích thế nào và tại sao về nó vì người đó không có mã. Mã có cùng những người sống ở Bombay, nhưng bây giờ họ đã chết.
Với một hay hai thế hệ, trẻ con có thể tin vào các bậc huynh trưởng, nhưng về sau chúng sẽ hỏi trong hoài nghi, "Bác đã thấy chúng chưa?" Và các bận huynh trưởng sẽ đáp, "Chúng ta cũng chỉ nghe nói như vậy, ông cha chúng ta nói như vậy - và đến lượt họ, cũng được ông cha họ nói như vậy - rằng máy bay bay trên trời. Thế rồi xảy ra một cuộc chiến tranh lớn và mọi thứ đều bị tiêu huỷ." Dần dần trẻ con sẽ hỏi, "Máy bay ở đâu? Cho chúng cháu chỉ dẫn nào đó, dấu hiệu nào đó." Sau hai nghìn năm trẻ con sẽ nói, "Tất cả những điều này chỉ là tưởng tượng của tổ tiên chúng ta. Chẳng ai bay trên trời cả."
Những sự kiện như thế đã từng xảy ra. Trên đất nước này tri thức đã thu được bởi tâm trí lên đồng đã bị tiêu huỷ trong trận chiến Mahatharata. Bây giờ nó chỉ là một câu chuyện. Bây giờ chúng ta nghi ngờ liệu Rama có thể bay được trong máy bay từ Sri Lanka không. Tất cả đều là vấn đề nghi ngờ bởi vì khi mà thậm chí không có đến một chiếc xe đạp còn lại từ thời đó, thế thì máy bay dường như là điều không thể có được. Và điều đó cũng chẳng được nhắc gì tới trong bất kì sách vở nào. Thực tế, toàn bộ tri thức đã tồn tại trước Mahatharata đều bị tiêu huỷ trong cuộc chiến này. Cái mà có thể còn được giữ lại trong kí ức là tất cả những gì có thể được giữ. Do đó tên của các nhánh tri thức cổ đại là smriti - được ghi nhớ theo truyền thống và được viết ra về sau; và shruti - được nghe kể theo truyền thống và rồi được viết ra. Đấy là những tuyển tập tri thức đã được ghi nhớ và đã được kể lại; chúng không phải là khối lượng sự kiện đã được kiểm nghiệm và minh chứng. Ai đó bảo ai đó, thế rồi người đó nói cái gì đó khác, và tất cả những điều này chúng ta đã thu thập và gìn giữ dưới dạng kinh sách. Nhưng bây giờ chúng ta không thể nói là chứng minh được điều gì từ chúng.
Nhớ rằng giới trí thức của thế giới chỉ là một nhúm nhỏ người. Nếu Einstein chết, sẽ khó khăn để tìm ra người khác giải thích về thuyết tương đối. Bản thân ông cũng đã nói rằng không quá mười đến mười hai người hiểu được lí thuyết này. Nếu mười hai người này chết đi, chúng ta sẽ có sách về tương đối nhưng chẳng ai hiểu được nó. Tương tự, Mahabharata đã tiêu diệt tất cả những người tài giỏi của thời đó. Thế thì cái còn lại trở thành chuyện kể. Tuy nhiên bây giờ các cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn để kiểm chứng lại chúng, nhưng chúng ta ở Ấn Độ lại không may vì bản thân chúng ta chẳng làm gì theo hướng này cả.
Gần đây, người ta đã phát hiện ra một nơi mà quãng bốn đến năm nghìn năm trước dường như là sân bay. Không có lí do có thể nào khác cho một nơi như thế. Việc xây dựng này đã được tìm thấy mà không thể nào khả dĩ nếu không có máy móc. Thực tế, đá đã được nâng lên các kim tự tháp đều vượt ra ngoài khả năng của những máy nâng lớn nhất của chúng ta. Những tảng đá này đã được đặt ở đó - điều đó thật rõ ràng - và chúng đã được con người nâng lên. Hoặc là những người này có máy móc phức tạp để dùng hoặc là họ đã dùng thể thứ tư.
Chẳng hạn, tôi sẽ kể cho bạn một thực nghiệm mà bạn có thể thử được. Để một người nằm dài trên đất. Bây giờ bốn người khác đứng quanh người đó. Hai người đặt ngón tay lên đầu gối người nằm ở mỗi bên, còn hai người kia đặt ngón tay vào dưới vai người nằm. Mỗi người chỉ đặt một ngón tay thôi. Rồi mỗi người nên hạ quyết tâm chắc chắn nâng người nằm lên chỉ bằng một ngón tay mình. Họ nên thở mạnh trong năm phút, rồi ngừng thở và nâng người nằm lên. Họ có thể thành công trong việc nâng người này chỉ bằng ngón tay của mình. Cho nên những tảng đá của kim tự tháp hoặc là được nâng lên bằng những máy nâng khổng lồ hoặc bởi lực hồn nào đó. Người Ai cập cổ đại có thể đã dùng phương pháp nào đó như vậy; không có cách khác. Đá còn đó và chúng đã được đặt đúng chỗ đó: điều này không thể phủ nhận được.
Điều nữa cần lưu ý là ở chỗ lực hồn có chiều hướng vô hạn. Không nhất thiết là người đã đạt tới bình diện thứ tư phải biết đến mặt trăng. Có thể người đó chẳng quan tâm tới việc biết đó; người đó có thể coi là chẳng đáng để biết. Những người như thế quan tâm tới việc biết những thứ khác - những thứ còn có giá trị hơn theo họ - và họ đã hoàn thành việc tìm kiếm của mình theo những chiều hướng này. Chẳng hạn, họ háo hức biết liệu linh hồn có là một thực tại hay không - và họ đã biết. Bây giờ khoa học đã khám phá ra rằng linh hồn là có. Những người đã đạt tới thể thứ tư đều háo hức muốn biết người ta đi đâu sau khi chết và như thế nào.
Những người đã đạt tới bình diện thứ tư gần như không quan tâm gì mấy đến thế giới vật chất. Họ không bận tâm về đường kính trái đất. Trông đợi họ quan tâm tới những vấn đề như vậy cũng giống như trẻ con kể cho người đã trưởng thành, "Chúng cháu không coi bác là người khôn ngoan vì bác không thể nói cho chúng cháu con búp bê được làm như thế nào. Thằng bé nhà bên cạnh biết tất cả về điều đó. Nó là người biết tất." Chúng là đúng theo cách riêng của chúng, bởi vì chúng quan tâm tới việc biết cái gì bên trong con búp bê, trong khi người lớn, không thể quan tâm tới điều đó được.
Nghiên cứu của người ở bình diện thứ tư thay đổi chiều hướng. Người đó muốn biết những điều khác. Người đó muốn biết về cuộc hành trình của linh hồn sau cái chết: con người đi đâu sau khi chết, người đó du hành theo con đường nào, nguyên tắc của cuộc hành trình này là gì, làm sao người đó lại được sinh ra, và liệu có thể nói trước về việc sinh và nơi sinh của người đó không. Người đó không quan tâm tới việc con người lên mặt trăng: điều đó chẳng liên quan gì với người đó cả. Người đó háo hức muốn tìm ra cách chứng ngộ của con người, bởi vì chỉ mỗi điều này là có nghĩa cho người đó. Một người như thế bao giờ cũng khát khao biết cách atman đi vào bụng mẹ khi đứa trẻ được thụ thai, liệu atman có được giúp đỡ để chọn đúng bụng mẹ hay không, và phải mất bao lâu để atman đi vào bào thai.
Có một cuốn sách Tây Tạng tên là Sách Tây Tạng về người chết. Mọi người ở Tây Tạng mà đã đạt tới thể thứ tư đều làm việc trên một dự án: làm sao có thể trợ giúp tốt nhất cho một người sau cái chết. Giả sử bạn chết: tôi yêu bạn, nhưng tôi chẳng thể giúp gì cho bạn sau cái chết. Nhưng ở Tây Tạng có thu xếp đầy đủ để hướng dẫn và trợ giúp cho một người và động viên người đó chọn việc sinh thành đặc biệt và đi vào bụng mẹ đặc biệt. Khoa học sẽ vẫn còn phải tốn thời gian để khám phá ra điều này, nhưng nó sẽ phát hiện ra điều đó, chẳng có gì khó khăn. Và người Tây Tạng đã tìm thấy những cách thức và phương tiện để kiểm tra lại tính hợp lệ của những biến cố này.
Tại Tây Tạng, khi Đạt lai Lạt ma chết, ông ấy nói trước nơi ông ấy sẽ sinh ra tiếp đó và cách thức người khác nhận ra ông ấy. Ông ấy để lại những dấu hiệu về sau để nhận ra ông ấy. Thế rồi sau khi ông ấy chết, việc tìm kiếm bắt đầu trên khắp cả nước. Đứa trẻ nói được bí mật của dấu hiệu, sẽ được coi là hoá thân của vị Lạt ma đã chết, bởi vì chỉ mình nó biết bí mật này. Đạt lai Lạt ma hiện tại đã được phát hiện theo cách này. Đạt lai Lạt ma trước ông ấy đã để lại một dấu hiệu. Một châm ngôn đặc biệt được truyền đi mọi thôn làng, và đứa trẻ nào có thể giải thích điều đó đều được hiểu là người mà linh hồn của vị Đạt lai Lạt ma kia đã đi vào. Việc tìm kiếm cũng khá lâu, nhưng cuối cùng người ta cũng tìm ra đứa trẻ có thể giải thích điều mã hoá. Đó là một công thức rất bí mật, và chỉ Đạt lai Lạt ma chân thực mới biết ý nghĩa của nó.
Cho nên tò mò của người ở bình diện thứ tư là hoàn toàn khác. Vũ trụ là vô hạn và bí ẩn và bí mật của nó cũng vô hạn. Đừng nghĩ rằng chúng ta đã khám phá ra tất cả những điều cần khám phá bởi nghiên cứu khoa học ngày nay. Hàng nghìn khoa học mới sẽ đi ra ánh sáng bởi vì có hàng nghìn chiều hướng và tầm hướng khác nhau. Và khi khoa học mới phát triển, người ta sẽ gọi chúng ta là người không khoa học, bởi vì chúng ta sẽ không biết tới điều họ sẽ biết. Nhưng chúng ta không nên gọi người cổ đại là không khoa học; đấy chỉ là tò mò của họ mang bản chất khác. Các chiều hướng có thể cho việc nghiên cứu là đa dạng và nhiều lắm.
Chúng ta rất có thể hỏi rằng vì chúng ta đã tìm ra cách chữa cho nhiều bệnh tật, tại sao những người ở bình diện thứ tư không tìm ra chúng? Bạn sẽ sửng sốt mà biết đến số dược thảo đã được mô tả trong nhánh y học Ayurvedic và Yunanic. Làm sao mà những người này, chẳng có giúp đỡ gì của nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, đã phát hiện ra đúng cách chữa cho mọi bệnh tật? Có mọi khả năng là điều này đã được đưa lại bởi việc dùng thể thứ tư.
Có câu chuyện nổi tiếng về Vaidya Lukman, chuyện kể rằng ông trồng từng cây và hỏi công dụng của nó là gì. Bây giờ, câu chuyện này đã trở thành vô nghĩa trong thế giới ngày nay. Trông đợi cây cỏ nói dường như là thất bại của logic. Đây cũng là một sự kiện mà cho đến năm mươi năm qua người ta không cho là cây cối có cuộc sống. Nhưng bây giờ khoa học thừa nhận có cuộc sống trong cây cỏ. Ba mươi năm trước đây chúng ta đã không tin rằng cây cỏ cũng thở; bây giờ chúng ta thừa nhận rằng chúng có thở. Mười lăm năm trước đây chúng ta đã không tin rằng cây cỏ có thể cảm được, nhưng trong mười lăm năm qua chúng ta đã phải thừa nhận rằng chúng có cảm giác. Khi bạn tiến tới cây cỏ trong giận dữ, trạng thái hồn của nó thay đổi, và khi bạn tiến tới nó trong yêu thương, lần nữa trạng thái nó thay đổi. Cho nên cũng sẽ chẳng sai chỗ nếu chúng ta phát hiện ra trong năm mươi năm tới là chúng ta có thể nói chuyện với cây cỏ nữa - nhưng điều này sẽ là sự phát triển dần dần.
Tuy nhiên, Lukman đã chứng minh điều đó từ lâu trước đây. Nhưng cách đối thoại này không thể như cách đối thoại của chúng ta. Trở thành một với cây cỏ là phẩm chất của thể thứ tư. Thế thì cây cỏ cũng có thể được hỏi han. Tôi tin vào câu chuyện này, bởi vì không có nhắc gì đến phòng thí nghiệm đủ khổng lồ trong những ngày đó nơi Lukman có thể tiến hành nghiên cứu của ông ấy về hàng triệu loại cỏ mà ông ấy đã đưa vào sử dụng. Điều đó là không thể được, bởi vì mỗi cây cỏ sẽ đòi hỏi một thời gian sống để tiết lộ ra bí mật của nó nếu được làm một cách khoa học, trong khi người này nói về cây cỏ vô giới hạn. Bây giờ khoa học thừa nhận hiệu quả của những dược thảo này trong chữa bệnh và chúng vẫn còn được dùng. Tất cả những nghiên cứu trong quá khứ đều là nghiên cứu của người ở bình diện thứ tư.
Bây giờ chúng ta điều trị hàng nghìn bệnh, mà rất không khoa học. Người của bình diện thứ tư sẽ nói, "Chẳng có bệnh tật gì hết cả. Tại sao các ông chữa cho họ?" Bây giờ khoa học hiểu điều này và phép chữa đối chứng đang dùng những phương pháp trị liệu mới. Trong một số bệnh viện ở Mĩ người ta đang làm việc về các phương pháp mới. Giả sử có mười bệnh nhân đang bị cùng chứng bệnh. Năm người được tiêm nước còn năm người kia được cho cách trị liệu thuốc thang thông thường. Thế rồi phát hiện chỉ ra rằng các bệnh nhân của mỗi nhóm đáp ứng với cách chữa trị của họ là như nhau. Điều này chứng tỏ rằng những người được điều trị với nước, không thực sự ốm đau nhưng có ảo tưởng là bệnh tật. Nếu những người này được được chữa trị thông thường cho bệnh tật, điều ấy sẽ đầu độc hệ thống của họ và đem lại kết quả trái ngược. Họ chẳng cần chữa trị.
Nhiều tật bệnh được sinh ra do việc chữa trị không cần thiết và thế thì chúng lại thành khó chữa chạy. Nếu bạn không có bệnh thật - chỉ bệnh hão huyền - thuốc cho bệnh đó sẽ phải tác động theo cách nào đó cho dù các điều kiện cần thiết của bệnh này không có trong bạn. Nó sẽ tạo ra chất độc bên trong mà bạn sẽ phải trải qua việc điều trị mới. Bệnh hão huyền sẽ cứ dọn đường cho bệnh thật nào đó. Theo khoa học, chín mươi phần trăm bệnh tật đều là do căng thẳng thần kinh. Năm mươi năm trước đây khoa học hiện đại từ chối tin vào điều này, nhưng bây giờ cách trị liệu đối chứng thừa nhận nó là năm mươi phần trăm. Tôi nói họ sẽ phải thừa nhận thêm bốn mươi phần trăm nữa, bởi vì đó là thực tại.
Bây giờ không ai xác định được điều người ở bình diện thứ tư đã biết; không ai cố gắng diễn giải người đó. Không người nào có thể đặt tri thức của người đó vào đúng cảnh quan theo thuật ngữ khoa học ngày nay; đây là khó khăn duy nhất. Một khi điều này có thể được thực hiện, sẽ không có vấn đề gì. Nhưng ngôn ngữ ngụ ngôn lại rất khác.
Khoa học ngày nay nói rằng tia sáng mặt trời đi qua lăng kính và chia thành bẩy phần; và theo cách này chúng trở nên được phân phối thành bẩy mầu. Các nhà thơ tu sĩ (rishi) của Veda nói, "Thần mặt trời có bẩy con ngựa với bẩy mầu." Bây giờ đây là ngôn ngữ của ngụ ngôn. "Mặt trời có bẩy con ngựa với mầu khác nhau và ông ấy cưỡi lên chúng" có nghĩa là các tia sáng mặt trời chia thành bẩy phần. Phần trước là ngụ ngôn còn phần sau là dạng khoa học. Chúng ta sẽ phải hiểu ngôn ngữ của ngụ ngôn hệt như chúng ta hiểu ngôn ngữ của khoa học ngày nay. Không nên có bất kì khó khăn nào.
Những người với khả năng cận hồn tiên đoán mọi điều sớm hơn nhiều còn khoa học hiểu chúng muộn hơn nhiều. Nhưng thế thì tiên đoán tất cả đều theo ngôn ngữ biểu tượng. Chỉ khi khoa học chứng minh cùng sự kiện, chúng mới được đưa vào ngôn ngữ hàng ngày. Trước lúc đó, không có ngôn ngữ. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết, nếu bạn nghiên cứu theo mọi chiều hướng, rằng khoa học chỉ là kẻ mới đến còn ngôn ngữ và toán học, đến sớm hơn nhiều. Những người đã phát hiện ra ngôn ngữ và toán học, họ có thể đã dùng việc thống kê nào? Họ có thể đã có phương tiện nào - biện pháp nào? Làm sao họ đi tới biết rằng trái đất quay xung quanh mặt trời một lần trong một năm? Chính đây là một tiến hoá của trái đất quanh mặt trời mà phải mất một năm. Bây giờ, đây là một khám phá rất cổ - rất xa trước khoa học; cùng điều này cũng là trường hợp của sự kiện có ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm. Nhưng dường như không có bất kì phương tiện khoa học nào đằng sau nhà tiên tri cổ đại. Do đó, linh ảnh hồn là câu trả lời thay thế duy nhất.
Một sự kiện rất kì lạ đã đưa ra ánh sáng. Một người ở Arabia có trong tài sản của mình một tấm bản đồ thế giới bẩy trăm năm trước. Đây là cái nhìn từ trên không mà không thể nào quan niệm nổi khi đứng trên đất. Chỉ có hai giải pháp: hoặc đã có máy bay từ bẩy trăm năm trước đây - và điều này, dường như không thể có được - hoặc người nào đó đã tự nâng mình lên cao trong thể thứ tư của mình và thế rồi vẽ ra bản đồ này. Một điều là chắc chắn: lúc đó không có máy bay. Nhưng bản đồ trên không này về thế giới đã được làm ra từ bẩy trăm năm trước. Điều này có nghĩa gì?
Một sự kiện rất kì lạ đã đưa ra ánh sáng. Một người ở Arabia có trong tài sản của mình một tấm bản đồ thế giới bẩy trăm năm trước. Đây là cái nhìn từ trên không mà không thể nào quan niệm nổi khi đứng trên đất. Chỉ có hai giải pháp: hoặc đã có máy bay từ bẩy trăm năm trước đây - và điều này, dường như không thể có được - hoặc người nào đó đã tự nâng mình lên cao trong thể thứ tư của mình và thế rồi vẽ ra bản đồ này. Một điều là chắc chắn: lúc đó không có máy bay. Nhưng bản đồ trên không này về thế giới đã được làm ra từ bẩy trăm năm trước. Điều này có nghĩa gì?
Nếu chúng ta nghiên cứu Charak và Sushrut, hai bậc thầy cổ đại về khoa học thảo mộc, chúng ta sẽ sửng sốt mà biết rằng họ đã mô tả mọi thứ về thân thể con người mà các nhà khoa học mới đi tới biết bằng giải phẫu. Có thể chỉ có hai phương pháp để biết. Một khả năng là ở chỗ việc giải phẫu đã trở nên tinh tế đến mức không thể có bằng chứng về việc giải phẫu đã được tiến hành - bởi vì không có công cụ giải phẫu nào hay sách vở nào về giải phẫu đã được phát hiện ra. Nhưng có những mô tả về từng phần rất kĩ lưỡng của thân thể con người - những bộ phận tỉ mỉ đến mức khoa học chỉ mãi về sau mới phát hiện ra, các bộ phận mà chỉ hai mươi nhăm năm trước đây các nhà khoa học còn từ chối chấp nhận như hiện tại. Nhưng những điều này đã được các thầy chữa cổ đại này mô tả. Có một cách thức có thể thứ hai mà qua đó người ta cũng có thể biết: người trong trạng thái linh ảnh có thể đi vào thân thể con người và thấy những điều này.
Ngày nay chúng ta biết rằng tia X có thể đi vào thân thể con người. Nếu một người nói rằng người đó có thể chụp ảnh bộ xương chúng ta một trăm năm trước đây, chúng ta không tin anh ta. Ngày nay chúng ta phải tin bởi vì nó là như vậy. Nhưng bạn có biết: mắt của người ở thể thứ tư có thể thấy thậm chí còn sâu hơn là tia X, và rằng bức tranh về thân thể bạn có thể được tạo ra mà còn đầy đủ hơn bức tranh được tạo ra như kết quả của việc giải phẫu. Giải phẫu đã được phát triển ở phương Tây bởi vì ở đó người ta chôn người chết. Tại một nơi như Ấn Độ, nơi mà cái xác bị đem thiêu, điều này là không thể có được. Và bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng nghiên cứu này đến với sự giúp đỡ của kẻ cắp, cho nên họ sẽ đánh cắp xác chết và bán chúng cho các bác sĩ để nghiên cứu và tìm hiểu.
Tục lệ hoả thiêu cũng là một ý tưởng của những người hồn, bởi vì họ tin rằng linh hồn gặp khó khăn khi lấy lần sinh thành mới nếu thân thể của kiếp sống trước vẫn còn lại. Thế thì nó cứ lởn vởn quanh cái xác cũ. Nếu cái xác này bị thiêu thành tro, linh hồn sẽ gạt bỏ trở ngại này - bởi vì một khi nó thấy thân thể biến thành tro, trong thân thể tiếp có lẽ nó sẽ hiểu rằng cái được coi là của riêng nó, sau cùng chỉ là thứ có thể bị tiêu huỷ.
Cho nên có việc hoả táng ở Ấn Độ, và do đó không có cách nào để giải phẫu thân thể con người. Tại phương Tây kẻ cắp đã đánh cắp xác chết từ nghĩa trang và bán chúng cho các nhà khoa học dùng trong nghiên cứu của họ. Có những trường hợp đưa ra toà và nhiều khó khăn khác cho những người này, bởi vì đánh cắp xác chết và giải phẫu nó cả hai đều bị coi là tội ác.
Cho nên điều chúng ta đi tới biết được qua vô số việc giải phẫu, sách vở ba nghìn năm trước đã tiết lộ mà chẳng cần giải phẫu. Điều này chỉ chứng tỏ rằng có phương pháp khác mà qua đó mọi thứ có thể được biết bên cạnh thực nghiệm khoa học. Thỉnh thoảng tôi sẽ nói chi tiết về chủ đề này để cho bạn có thể hiểu rõ hơn.
Chương 5. Bí ẩn huyền nhiệm của tôn giáo
Trong bài nói hôm qua Thầy đã nói rằng có thể khoa học đi vào thể thứ năm hay tâm linh. Rồi Thầy nói về khả năng của khoa học trong thể thứ tư. Xin Thầy nói cho chúng tôi về những khả năng của khoa học trong thể thứ năm.
Điều chúng ta gọi là thể vật lí và điều chúng ta gọi là linh hồn, không phải là hai thứ khác nhau và tách rời. Không có đứt quãng giữa chúng; có mối nối. Chúng ta bao giờ cũng nghĩ rằng thân thể là tách biệt và linh hồn là tách biệt, và rằng chẳng có gì nối chúng lại. Cũng vậy, chúng ta đã từng nghĩ không chỉ chúng là tách biệt mà chúng còn đối lập lẫn nhau. Ý tưởng này đã tách bạch tôn giáo với khoa học. Tôn giáo được giả định tìm kiếm những cái khác thân thể, trong khi khoa học được giả định phát hiện mọi thứ về thân thể - tất cả ngoại trừ atman, linh hồn. Cho nên cũng là tự nhiên mà bên này phải phủ nhận bên kia.
Khoa học bị thu hút vào thân thể vật lí và do vậy nó hỏi, "Thân thể là thực, nhưng linh hồn ở đâu?" Tôn giáo đã tìm kiếm cái bên trong và gọi nó là linh hồn. Nó nói, "Linh hồn là thực nhưng thân thể là ảo tưởng." Do đó, khi tôn giáo đã đạt tới đỉnh của nó, nó mô tả thân thể như ảo tưởng, giả tưởng, maya, và nói rằng thực tế nó không tồn tại. Nó tuyên bố atman là chân lí và thân thể là ảo tưởng. Khi khoa học đạt tới đỉnh cao của nó, nó phủ nhận atman. Nó nói, "Khái niệm về linh hồn là sai; đấy là nói dối. Thân thể là mọi thứ." Lỗi này có nguyên nhân đằng sau quan niệm rằng thân thể và atman là hai điều đối lập.
Tôi đã nói về bẩy thể. Nếu thể thứ nhất là vật lí và thể cuối cùng là tâm linh, thế thì nếu chúng ta không xem xét năm thể ở giữa, sẽ không có cầu nối giữa hai thể này. Nó sẽ hệt như bạn định trèo lên một chiếc thang và rồi vứt đi tất cả những bậc ở giữa bậc đầu và bậc cuối. Thế thì chẳng có mối nối nào giữa bước đầu tiên và bước cuối cùng cả.
Nếu bạn thấy chiếc thang đầy đủ bạn sẽ thấy rằng bậc đầu tiên được nối với bậc cuối cùng. Và nếu bạn xem xét nó kĩ càng hơn, bạn sẽ thấy rằng bậc cuối cùng là phần cuối cùng của bậc đầu tiên, và bậc đầu tiên là phần đầu tiên của bậc cuối cùng. Tương tự, nếu chúng ta lấy tất cả bẩy thể, chúng ta sẽ thấy mối nối giữa các thể thứ nhất và thứ hai. Thể thứ nhất là thể vật lí; thể thứ hai là thể ê te - thể xúc cảm. Nó chỉ là dạng tinh tế của thể vật lí và không phải là phi vật chất. Nó chỉ là cái tinh tế đến mức nó vẫn chưa được các phương tiện vật lí nắm bắt hoàn toàn. Nhưng bây giờ các nhà vật lí cũng không phủ nhận sự kiện là vật chất vật lí trở thành ngày càng loãng hơn và phi vật lí hơn trong dạng tinh tế của nó.
Chẳng hạn, khoa học hiện đại nói rằng vật chất khi bị phân tích ra, chung cuộc thu lại thành điện tử, không phải là vật chất mà là hạt điện. Chẳng cái gì giống như chất liệu là còn lại đến cuối cùng cả - chỉ có năng lượng. Cho nên khoa học đã tìm ra một khám phá kì diệu trong ba mươi năm qua. Mặc dầu nó vẫn coi vật chất là một thực tại, nó bây giờ đi tới kết luận rằng vật chất không tồn tại trong khi năng lượng là sự kiện. Khoa học bây giờ nói rằng vật chất là ảo tưởng được gây ra bởi việc chuyển động của năng lượng với tốc độ cao.
Khi cái quạt được làm cho quay với tốc độ cao, chúng ta không thể thấy ba cánh của nó một cách tách biệt. Điều ta thấy là một vòng tròn quay mãi. Cũng thế, không gian giữa các cánh quạt dường như bị lấp đầy. Thực tại, cánh quạt chuyển động nhanh đến mức trước khi phản chiếu của một cánh đi qua mắt chúng ta, cánh thứ hai đã có đó. Thế rồi cánh thứ ba tới mau lẹ, với kết quả là chúng theo sau lẫn nhau để cho chúng ta không thể thấy không gian trống giữa chúng. Cái quạt này có thể làm cho quay với tốc độ mà bạn có thể ngồi lên nó và chẳng bao giờ biết được rằng cái gì đang chuyển động dưới bạn. Khoảng cách giữa hai cánh có thể bị chất đầy mau lẹ đến mức sau khi một cánh lướt qua dưới bạn, cánh thứ hai lập tức thay thế nó; thế thì bạn sẽ không cảm thấy khoảng cách trống rỗng chút nào. Đấy hoàn toàn là vấn đề tốc độ.
Khi năng lượng quay ở tốc độ cao, nó giống như vật chất. Năng lượng nguyên tử, mà toàn bộ nghiên cứu khoa học hiện đại của chúng ta dựa trên đó, chưa bao giờ được cảm nhận một cách trực quan; chỉ các tác động của nó là thấy được. Năng lượng nền tảng là vô hình và vấn đề thấy nó không nảy sinh, nhưng chúng ta có thể quan sát tác động của nó.
Cho nên nếu chúng ta nhìn vào thể ê te như thể nguyên tử, sẽ không sai - bởi vì trong trường hợp này nữa chúng ta chỉ thấy tác động mà không thấy bản thân thể ê te. Do tác động này chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của nó. Thể thứ hai này là dạng tinh tế của thể thứ nhất; do đó không có khó khăn trong việc nối hai thể này. Theo một cách nào đó chúng được nối với nhau. Một thể là thô và do đó có thể thấy nó được; thể kia, tinh tế và do đó không thể thấy được.
Bên ngoài thể ê te là thể vía. Nó là dạng tinh tế hơn hai thể kia. Khoa học còn chưa đạt tới đây, nhưng nó đã đạt tới một kết luận rằng nếu chúng ta phân tích vật chất, cái cuối cùng còn lại là năng lượng. Năng lượng này có thể được gọi là ê te. Nếu ê te còn bị chia thêm nữa thành những thành phần tinh tế hơn, cái còn lại là vía - và điều này là tinh tế hơn cái tinh tế.
Khoa học còn chưa đạt tới thể vía nhưng nó sẽ đạt tới. Mãi cho tới gần đây khoa học chỉ chấp nhận vật chất và phủ nhận sự tồn tại của nguyên tử. Cho đến hôm qua, gần như vậy, nó còn nói rằng vật chất là cứng rắn. Hôm nay nó nói rằng chẳng có gì là chất liệu cứng rắn và mọi thứ đều không cứng rắn. Bây giờ người ta đã chứng minh rằng ngay cả bức tường, dường như cứng rắn, cũng không cứng rắn như vậy. Nó là xốp và các thứ có thể xuyên ra sau ra trước qua các lỗ hổng của nó. Chúng ta có thể có khuynh hướng nói rằng ít nhất cái bao quanh lỗ hổng phải là cứng rắn, nhưng cái này nữa cũng không cứng rắn: mỗi nguyên tử đều xốp.
Nếu chúng ta khuếch đại nguyên tử tới cùng kích thước như trái đất, chúng ta sẽ thấy rằng có nhiều khoảng cách giữa hai thành phần của nguyên tử như có giữa trái đất và mặt trăng hay mặt trời và các vì sao. Thế thì chúng ta có thể nói rằng ít nhất hai thành phần tại hai đầu là cứng rắn - nhưng khoa học nói rằng cả hai đầu này nữa cũng không cứng rắn nốt; chúng là các hạt điện. Bây giờ khoa học thậm chí không sẵn sàng chấp nhận từ hạt, bởi vì với từ đó có gắn liền với khái niệm vật chất. Hạt có nghĩa là một phần vật chất - nhưng các thành phần của nguyên tử không phải là vật chất, bởi vì vật chất cứng rắn và giữ hình dáng của nó trong khi những thành phần này liên tục thay đổi hình dạng. Chúng giống như sóng, không phải hạt. Khi một con sóng phát sinh trong nước, trước khi bạn thậm chí nói với mình, "Đây là con sóng", nó đã thay đổi, bởi vì sóng là cái tới và đi liên tục.
Nhưng sóng cũng là biến cố vật chất, cho nên khoa học đã phát minh ra một từ mới mà trước đây ba mươi năm còn chưa có. Từ đó là lượng tử quanta. Khó mà tìm ra một từ Hindu tương đương cũng như nhiều từ Hindu không có từ tương đương trong tiếng Anh: chẳng hạn từ Brahman - thực tại vũ trụ. Các từ được tạo ra bởi vì có sự cần thiết diễn đạt về phần những người đã kinh nghiệm qua. Khi Brahman được kinh nghiệm, những người đã kinh nghiệm nó cần phát minh ra một từ để diễn đạt nó, cho nên từ brahman đã được phát minh ra ở phương Đông. Phương Tây còn chưa đạt tới giai đoạn này; do vậy họ không có bất kì từ tương đương nào, bởi vì họ đã không yêu cầu về nó.
Đây là lí do tại sao nhiều thuật ngữ tôn giáo không có từ tương đương trong tiếng Anh. Chẳng hạn, từ aum - từ này không thể được dịch sang bất kì ngôn ngữ nào trên thế giới. Nó là cách diễn đạt về kinh nghiệm tâm linh sâu sắc. Phương Tây không có từ tương đương mà qua đó có thể diễn tả được. Theo cùng cách thức đó, lượng tử là một từ được phát minh ra để diễn tả đỉnh cao khoa học và nó cũng không có từ tương đương trong bất kì ngôn ngữ nào. Nếu chúng ta cố gắng hiểu ý nghĩa của lượng tử, nó có nghĩa là hạt và sóng cùng nhau. Tuy nhiên rất khó để quan niệm về nó. Nó là cái gì đó đôi khi hành xử như hạt, đôi khi hành xử như sóng, và có hành vi không thể nào dự đoán trước được.
Cho đến bây giờ vật chất là tin cậy nhất; có chắc chắn về vật chất. Nhưng phần tối hậu của vật chất, năng lượng nguyên tử mà đã được phát hiện ra, lại rất bất định. Hành vi của nó không thể nào đoán trước được. Ban đầu khoa học đứng vững chãi bởi sự chắc chắn của vật chất. Nó nói rằng mọi thứ đều chính xác và xác định. Bây giờ nhà khoa học không nhấn mạnh vào lời tuyên bố này nữa, vì ông ta biết rằng từ chỗ ông ta đã đạt tới trong nghiên cứu hôm nay, cái chắc chắn này là rất nông cạn. Có bất định sâu sắc bên trong, và sẽ đáng quan tâm để biết cái bất định này nghĩa là gì.
Nơi có cái bất định, nhất định có ý thức; bằng không, không thể có bất định được. Bất định là một phần của ý thức, chắc chắn là một phần của vật chất. Nếu chúng ta để chiếc ghế ở một chỗ nào đó trong phòng, chúng ta sẽ thấy nó đích xác vẫn ở đấy khi chúng ta quay lại, nhưng nếu chúng ta bỏ lại trong phòng một đứa bé, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy nó ở chỗ chúng ta đã bỏ lại. Bao giờ cũng có hoài nghi, bất định, nó sẽ ở đâu và nó sẽ làm gì. Chúng ta có thể chắc chắn về vật chất, nhưng chẳng bao giờ chắc chắn về ý thức. Do đó, khi khoa học chấp nhận tính bất định trong hành vi của phần tối hậu của nguyên tử, nó cũng chấp nhận khả năng của ý thức trong phần tối hậu của vật chất.
Bất định là phẩm chất của ý thức, nhưng vật chất không thể là không dự đoán được. Không phải là lửa có thể cháy khi nó lựa chọn và không cháy khi nó không lựa chọn việc cháy, cũng không phải là nước có thể chảy theo bất kì hướng nào nó thích hay sôi ở bất kì nhiệt độ nào nó muốn. Sự vận hành của nước là tất định, nhưng khi chúng ta đi vào bên trong vật chất chúng ta thấy rằng chung cuộc nó là không xác định.
Bạn có thể hiểu nó theo cách này: nếu chúng ta muốn tìm ra bao nhiêu người chết ở Bombay, điều này là có thể. Nếu có mười triệu người chúng ta có thể lấy con số chết trong một năm và tìm ra xấp xỉ bao nhiêu người chết trong một ngày, và điều này sẽ gần như là đúng đắn. Nếu chúng ta tính tỉ lệ chết cho toàn bộ đất nước chín trăm triệu người theo cùng cách, con số sẽ gần với số đúng hơn. Nếu chúng ta tính tỉ lệ chết cho toàn thế giới, tính chắc chắn của con số thậm chí sẽ còn lớn hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn tìm ra khi nào một người sẽ chết, tính toán của chúng ta sẽ là bất định nhất.
Đám đông càng lớn, mọi thứ càng trở nên nhiều vật chất hơn. Hiện tượng càng cá nhân, chúng ta càng tìm thấy nhiều ý thức hơn. Thực tế, chỉ một mẩu vật chất cũng là đám đông của hàng triệu nguyên tử; do đó, chúng ta có thể dự đoán về nó. Nhưng nếu chúng ta xuyên thấu vào bên trong nguyên tử và bắt giữ lấy điện tử, chúng ta thấy rằng nó là cá nhân: chúng ta không thể xác định tiến trình của nó và dường như là nó quyết định điều đó theo ý riêng của nó. Cho nên về một tảng đá cứng chúng ta có thể chắc chắn: chúng ta sẽ tìm thấy nó ở một chỗ đặc biệt. Nhưng cấu trúc của từng nguyên tử bên trong sẽ không hệt như thế. Vào lúc chúng ta trở lại tảng đá, tất cả các nguyên tử bên trong sẽ thay đổi vị trí của chúng và đã du hành từ chỗ này sang chỗ khác.
Bất định bắt đầu bằng việc đi sâu vào bên trong vật chất. Đây là lí do tại sao khoa học đã thay đổi ngôn ngữ của nó từ chắc chắn sang xác suất. Nó không còn nói, "Đây là cách mà cái này hay cái kia sẽ là." Thay vì thế, nó nói, "Có thể cách này hơn cách kia." Nó không còn nói nhấn mạnh, "Nó là thế này." Trong quá khứ tất cả những tuyên bố của khoa học đều theo ngôn ngữ của chắc chắn: bất kì cái gì nó nói cũng đều nhất định là vậy. Nhưng khi việc tìm kiếm của khoa học đi sâu hơn, tất cả những khái niệm trước đó của nó bắt đầu bị phá vỡ. Lí do là ở chỗ khoa học đã tiến bước không chủ định từ cõi vật lí vào ê te, mà về điều đó nó không có hiểu biết. Chừng nào mà nó còn chưa chấp nhận sự kiện về việc bước từ bình diện vật lí sang bình diện ê te, nó không thể nào có bất kì hiểu biết nào được. Nó đã đạt tới chiều thứ hai của vật chất, chiều ê te, và điều này có những khả năng riêng của nó. Không có lỗ hổng giữa thể thứ nhất và thể thứ hai.
Thể thứ ba hay thể vía thậm chí còn tinh tế hơn nữa. Nó là tinh tế nhất của cái tinh tế. Nếu chúng ta đập vỡ ê te thành nguyên tử - mà điều này vẫn dường như là không có thể, bởi vì chúng ta đã mở trần trụi nguyên tử vật lí, cho nên việc thực nghiệm với ê te sẽ mất thời gian dài. Khi nguyên tử ê te đã được biết, chúng ta sẽ thấy rằng chúng là các hạt của thể tiếp sau - có nghĩa là, thể vía. Khi chúng ta đập vỡ nguyên tử vật lí, các hạt tinh tế nhất của nó được tìm thấy là ê te. Tương tự, nếu chúng ta đập vỡ nguyên tử ê te, các hạt tinh tế nhất sẽ là hạt của thể vía. Cho nên chúng ta sẽ thấy mối nối giữa chúng. Ba thể này được nối rõ ràng với nhau và chính bởi lí do này mà ảnh ma đã được chụp.
Ma không có thể vật lí. Việc che giấu của nó bắt đầu với thể ê te. Có thể chụp ảnh ma, bởi vì khi thể ê te cô đặc lại, máy ảnh nhậy có thể bắt được sự phản xạ của nó. Một điều nữa về ê te là ở chỗ nó tinh tế đến mức nó dễ dàng bị ảnh hưởng bởi hồn. Nếu linh hồn người chết muốn xuất hiện, nó có thể cô đặc hình dạng của nó để cho các nguyên tử đang trải rộng bên ngoài dồn lại gần nhau hơn và tạo ra hình nét mờ ảo. Điều này có thể được máy ảnh bắt giữ.
Vậy, thể thứ hai của chúng ta, thể ê te, bị ảnh hưởng bởi tâm trí hơn thể vật lí nhiều. Thể vật lí nữa cũng tới dưới ảnh hưởng của tâm trí, nhưng không đến được mức độ đó. Thể càng tinh tế, càng bị ảnh hưởng bởi tâm trí và nó sẽ gần tâm trí hơn. Thể vía thậm chí bị ảnh hưởng bởi tâm trí nhiều hơn. Đây là lí do tại sao việc du hành vía là có thể. Một người có thể ngủ trong phòng này nhưng người đó có thể đi tới bất kì đâu trên thế giới bằng thể vía của mình. Bạn phải đã nghe những câu chuyện về người được thấy ở hai ba nơi một lúc. Điều này là có thể. Thể vật lí của người đó sẽ ở một chỗ còn thể vía của người đó ở chỗ khác. Đấy chỉ là vấn đề có chút ít thực hành và điều này có thể xảy ra.
Quyền năng của tâm trí phát triển ngày càng nhiều khi chúng ta đi vào trong và chúng tiêu tan khi chúng ta đi ra ngoài. Đi ra ngoài cũng hệt như thắp một ngọn đèn rồi chụp bóng thuỷ tinh che lên ngọn lửa. Sau khi chụp bóng lên, ngọn lửa sẽ không còn rất sáng nữa. Thế rồi chúng ta lại chụp bóng nữa rồi bóng nữa. Theo cách này chúng ta đặt bẩy bóng bao phủ nó. Sau bẩy lần bao phủ, ánh sáng của ngọn lửa sẽ cực kì mờ và xỉn bởi vì nó phải đi qua bẩy tầng.
Theo cách này năng lượng sống của chúng ta trở nên rất mờ vào lúc nó đạt tới thể vật lí. Đây là lí do tại sao chúng ta dường như không có mấy kiểm soát lên thân thể vật lí. Nhưng nếu ai đó bắt đầu du hành vào bên trong, việc kiểm soát của người đó trên thể vật lí của mình trở nên ngày càng nhiều hơn, đích xác tỉ lệ với chiều sâu cuộc hành trình bên trong của người đó. Dạng tinh tế của thể vật lí là thể ê te và phần còn tinh tế hơn nữa của thể ê te là thể vía. Thế rồi tới thể thứ tư - thể trí.
Cho tới giờ chúng ta vẫn có ấn tượng là tâm trí là một thứ và vật chất là một thứ khác. Tâm trí và vật chất đã bị coi như hai điều tách biệt. Thực tế, không có cách nào xác định chúng. Nếu chúng ta định hỏi, "Tâm trí là gì?" chúng ta sẽ được cho biết, "Cái không phải là vật chất," và ngược lại. Nếu chúng ta định hỏi, "Vật chất là gì?" không có định nghĩa nữa. Và đây là cách thức mà chúng ta bao giờ cũng nghĩ về chúng - là khác biệt và tách biệt. Tuy nhiên bây giờ chúng ta biết rằng âm trí cũng là một dạng tinh tế hơn của vật chất. Đảo lại, chúng ta có thể nói rằng vật chất là dạng cô đặc của tâm trí.
Khi các nguyên tử của thể vía bị phá vỡ, chúng trở thành sóng ý nghĩ. Có một sự xấp xỉ gần gũi giữa lượng tử và sóng ý nghĩ; điều đó còn chưa được xem xét tới. Cho tới nay, ý nghĩ vẫn chưa được coi là có sự tồn tại vật lí, nhưng sự kiện là ở chỗ khi bạn nghĩ về một loại ý nghĩ đặc biệt, rung động quanh bạn thay đổi tương ứng. Điều thú vị cần lưu ý là không chỉ ý nghĩ mà ngay cả lời nói cũng có rung động của riêng nó. Nếu bạn rải các hạt cát lên tấm kính và tụng Aum thật to, dưới kính hình mẫu gây ra bởi rung động của âm thanh sẽ khác với hình mẫu gây ra bởi việc tụng Rama. Nếu bạn thốt ra lời chửi rủa, hình mẫu sẽ lại thay đổi.
Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng lời nói càng thô lỗ và chửi rủa, hình mẫu được tạo nên càng xấu, và lời nói càng hay, hình mẫu rung động càng đẹp. Lời chửi rủa sẽ tạo nên một hình mẫu hỗn loạn, trong khi các đường của lời hay sẽ được tạo nên rất đẹp và cân đối.
Do đó, trong hàng nghìn năm nghiên cứu đã được tiến hành để tìm ra lời tạo ra những rung động đẹp, và người ta đã xem xét liệu cường độ của chúng có đủ ảnh hưởng tới trái tim hay không. Lời nói là ý nghĩ được biểu lộ. Tuy nhiên, những lời không biểu lộ cũng mang sự vang động và chúng ta gọi chúng là ý nghĩ. Khi bạn nghĩ về điều gì đó, một loại vang động đặc biệt được tạo ra quanh bạn, một loại rung động đặc biệt bao quanh bạn. Đây là lí do tại sao đôi khi bạn thấy rằng khi bạn tới gần một người đặc biệt bạn cảm thấy buồn chẳng nguyên cớ nào cả. Có thể là người này cũng chẳng thốt ra lời tiêu cực nào, và có khi người đó còn cười to và hạnh phúc gặp bạn. Vậy mà nỗi buồn cứ bám riết lấy bạn từ bên trong. Mặt khác, trong toán người khác bạn có thể bỗng nhiên cảm thấy vui vẻ.
Bạn đi vào phòng và bạn có thể cảm thấy thay đổi bất thần bên trong bản thân mình. Cái gì đó thiêng liêng hay không thiêng liêng chiếm giữ bạn. Trong vài khoảnh khắc bạn được bao bọc bởi an bình và tĩnh lặng, và trong khoảnh khắc khác lại bị bao bọc bởi bất ổn. Bạn không thể hiểu tại sao và bạn tự hỏi, "Mình cảm thấy rất an bình. Tại sao cái bất ổn này lại bỗng nhiên nảy sinh trong tâm trí mình?" Tất cả xung quanh bạn đều có sóng ý nghĩ, và chúng cứ đi vào trong bạn cả hai mươi bốn giờ.
Gần đây một nhà khoa học người Pháp đã làm ra một dụng cụ thành công trong việc bắt sóng ý nghĩ. Ngay khi một người tiến lại gần dụng cụ này, nó bắt đầu chỉ ra ý nghĩ gì đang bên trong người đó. Dụng cụ này bắt đầu bắt sóng ý nghĩ. Nếu một kẻ ngốc được đưa tới đứng trước nó, sẽ rất ít sóng được báo ra, bởi vì người như thế gần như chẳng nghĩ gì. Nếu một nhà trí thức được đưa tới đứng trước nó, máy sẽ tiếp quản tất cả những rung động của ý nghĩ của người đó.
Cho nên điều chúng ta biết về tâm trí là dạng tinh tế của thể vía. Khi chúng ta ngày càng đi vào bên trong, các tầng lại ngày càng tinh tế hơn. Khoa học đã đạt tới thể ê te nhưng thậm chí bây giờ nó vẫn khăng khăng gọi đó là bình diện nguyên tử hay bình diện năng lượng nguyên tử. Nhưng khoa học đã đạt tới thể thứ hai của vật chất. Cũng sẽ chẳng lâu lắm để đạt tới bình diện thứ ba, bởi vì bây giờ đã trở nên cần phải làm như vậy.
Công việc cũng đang được tiến hành trên bình diện thứ tư nhưng theo chiều hướng khác. Vì tâm trí được coi như một phần từ thể này, một số nhà khoa học đang làm việc chỉ về tâm trí; họ đã bỏ thân thể ra ngoài hoàn toàn. Họ đã kinh nghiệm rất nhiều điều về thể thứ tư. Chẳng hạn, tất cả chúng ta, theo một cách nào đó, đều là nguồn phát. Ý nghĩ của chúng ta lan toả khắp quanh ta. Ngay cả khi tôi không nói với bạn, ý nghĩ của tôi vẫn cứ tới bạn.
Nhiều công trình đang tiến triển ở Nga trong lĩnh vực viễn cảm. Một nhà khoa học, Fayadev, đã thành công trong việc truyền ý nghĩ cho một người ở khoảng cách xa hàng nghìn dặm hệt như được làm trong việc phát sóng radio. Nếu chúng ta tập trung sự chú ý với toàn bộ sức mạnh ý chí vào một hướng đặc biệt và truyền một ý nghĩ, nó sẽ tới đích đặc biệt đó. Nếu tâm trí ở tại đầu kia cũng cởi mở tương đương và sẵn sàng tiếp nhận vào khoảnh khắc đó và được tập trung theo cùng hướng, ý nghĩ sẽ được nhận.
Bạn có thể thử một thực nghiệm đơn giản tại nhà. Trẻ nhỏ bắt sóng ý nghĩ rất nhanh bởi vì tính tiếp nhận của chúng rất sắc bén. Bảo một đứa trẻ ngồi trong góc buồng tối và bảo nó tập trung vào bạn trong năm phút. Bảo nó rằng bạn sẽ nói cho nó điều gì đó trong im lặng và nó phải cố gắng và lắng nghe. Nếu nó nghe thấy, nó lặp lại điều nó nghe thấy. Thế rồi bạn chọn một từ, Rama chẳng hạn. Bây giờ tập trung vào đứa trẻ và lặp lại từ này bên trong bạn cho tới khi nó vang dội trong bạn. Đừng nói to từ đó. Trong thời gian hai hay ba ngày, bạn sẽ thấy rằng đứa trẻ đã bắt được từ đó.
Điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Một khi thực nghiệm này thành công, sẽ dễ dàng tiến hành thêm các thử nghiệm. Bây giờ bạn có thể bảo đứa trẻ tập trung vào bạn. Nó nên nghĩ về một từ và ném từ đó vào hướng của bạn theo cùng cách. Với phần đầu của thực nghiệm, hoài nghi của bạn đã được xoá sạch khi đứa trẻ bắt được từ của bạn. Cho nên bây giờ bạn sẽ tiếp nhận và bắt lấy từ của đứa trẻ. Khi thực nghiệm này thành công, bạn sẽ chấm dứt việc hoài nghi, và tính tiếp nhận của bạn sẽ tăng lên tương ứng.
Giữa bạn và đứa trẻ có thế giới vật lí. Ý nghĩ này về bản chất nên mang tính vật lí trong nội dung của nó bằng không nó sẽ không thể xuyên qua môi giới vật lí. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng Mahavira thậm chí đã định nghĩa nghiệp như vật chất. Nếu bạn giận dữ và bạn giết ai đó, đấy là hành động của sự giận dữ và của kẻ giết người. Mahavira nói rằng các nguyên tử tinh tế của những hành động này bám vào bạn như lớp váng nghiệp và hành động. Cho nên hành động nữa cũng là vật lí, và chúng cũng bám chặt vào bạn như vật chất.
Mahavira gọi việc trở nên tự do với sự lệ thuộc tích luỹ này của nghiệp là nirjara - giải lệ thuộc. Tất cả các nguyên tử của nghiệp này mà đã tụ tập quanh bạn phải bị rũ bỏ hết. Cái ngày mà bạn gạt bỏ tất cả chúng, cái còn lại của bạn sẽ là sự thuần khiết tuyệt đối. Nirjara nghĩa là rũ bỏ các nguyên tử của hành động. Khi bạn giận dữ, đấy là hành động, thế thì giận dữ này vẫn còn với bạn bao giờ cũng trong dạng nguyên tử của nó. Đó là lí do tại sao khi thể vật lí suy sụp, những nguyên tử này không bị tan rã - bởi vì chúng rất tinh tế. Chúng đi cùng bạn tới lần sinh thành tiếp.
Cho nên thể trí là dạng tinh tế của thể vía. Vậy, như bạn có thể thấy, không có lỗ hổng giữa bốn thể này. Mỗi thể lại là dạng tinh tế của thể trước đó. Nhiều công trình đang được tiến hành về thể trí. Các nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực tâm lí và đặc biệt cận tâm lí, và những qui tắc kì lạ và kì diệu của năng lượng tinh thần đang từ từ tới bên trong hiểu thấu của họ. Tôn giáo đã hiểu thấu chúng từ lâu, nhưng bây giờ nhiều thứ đã trở nên rõ ràng cả cho khoa học nữa.
Có nhiều người ở Monte Carlo không bao giờ bị thua trong trò chơi xúc sắc. Bất kì con xúc sắc nào họ gieo cũng đều đưa lại số họ muốn. Ban đầu người ta cứ ngỡ là có lẽ xúc sắc đã được thiết kế đặc biệt để gieo số mà họ muốn. Thế rồi con xúc sắc được thay đổi, nhưng kết quả vẫn như cũ: con xúc sắc vẫn cứ rơi đích xác chỗ những người này muốn chúng rơi. Nhiều thay đổi xúc sắc đều cho cùng kết quả. Thậm chí khi bị bịt mắt những người này vẫn xoay xở để gieo đúng số. Điều này làm cho những người khác ngôi cạnh phải để ý. Các cuộc điều tra đã bắt đầu để tìm ra nguyên nhân. Thực tại, chính quyết tâm của ý nghĩ của họ đã ảnh hưởng tới con xúc sắc. Họ gieo con xúc sắc với quyết tâm để được số họ muốn. Sóng ý nghĩ của họ đem con xúc sắc về đúng số đó. Điều này có nghĩa là gì? Nếu sóng ý nghĩ có khả năng thay đổi hướng của con xúc sắc, chúng cũng phải là vật chất bằng không điều này không thể có được.
Tiến hành một thực nghiệm nhỏ và bạn sẽ hiểu. Vì bạn nói về khoa học, tôi nói về thực nghiệm. Lấy một cái cốc đổ đầy nước. Bỏ thêm vào cốc một ít glycerine hay bất kì chất béo nào khác để tạo nên một màng mỏng trên bề mặt nước. Đặt một chiếc đinh ghim thẳng nhẹ nhàng trên màng này để cho nó nổi trên bề mặt. Đóng cửa phòng mọi phía. Để bàn tay áp sát xuống đất, tập trung sự chú ý của bạn hoàn toàn vào chiếc kim. Trong năm phút nhìn thẳng vào chiếc kim. Rồi bảo chiếc kim quay sang trái và nó sẽ quay sang trái. Rồi bảo nó quay sang phải và nó sẽ quay sang phải. Bảo nó dừng lại và nó sẽ dừng; bảo nó di chuyển và nó sẽ di chuyển. Nếu ý nghĩ của bạn có thể làm chuyển động chiếc kim, nó cũng có thể làm chuyển động cả quả núi nữa; đấy chỉ là vấn đề tỉ lệ. Về nền tảng, nguyên tắc là như nhau. Nếu bạn có khả năng làm chuyển động chiếc kim thì điều nền tảng đã được chứng minh. Đấy là vấn đề khác nếu núi có thể là một cấu trúc quá khổng lồ không di chuyển được - nhưng nó có thể di chuyển.
Sóng ý nghĩ của chúng ta chạm vào vật chất và làm biến đổi nó. Có những người khi được trao cho chiếc khăn tay của bạn, sẽ có thể nói nhiều điều về bạn gần như thấy bạn. Điều này là bởi vì khăn tay của bạn hấp thu sóng ý nghĩ của bạn. Những sóng này cũng tinh tế đến mức một chiếc khăn thuộc về Alexander Đại Đế vẫn sẽ còn mang những sự kiện về nhân cách ông ta. Những sóng này cũng tinh tế đến mức phải mất hàng triệu năm nó mới ra khỏi vật mang. Đây là lí do tại sao các nấm mồ và samadhi lại được xây dựng.
Hôm qua tôi đã nói với các bạn rằng ở Ấn Độ chúng ta có tục lệ hoả thiêu người chết, nhưng không hoả thiêu sannyasin chết. Thân thể của người thường được đem đi thiêu để cho linh hồn người đó không tiếp tục lởn vởn quanh nó. Nhưng sannyasin không bị đem đi thiêu bởi vì linh hồn người đó đã dừng lởn vởn quanh thân thể mình ngay từ khi người này vẫn còn sống. Bây giờ không phải sợ linh hồn người đó còn có gắn bó với thân thể người đó. Chúng ta muốn gìn giữ thân thể người đó, bởi vì thân thể của người đã trải qua nhiều năm trong kinh nghiệm điều thiêng liêng sẽ khuếch tán cùng những sóng ý nghĩ đó trong hàng nghìn năm. Chỗ chôn cất người đó sẽ là có nghĩa; nó sẽ cho kết quả. Thân thể đã chết, nhưng thân thể này đã gần gũi với linh hồn này đến mức nó hấp thu phần lớn những rung động đã phát ra từ nó.
Các ý nghĩ có những khả năng vô hạn, nhưng dẫu sao chúng cũng là vật lí. Do đó, phải rất cẩn thận về điều bạn nghĩ, bởi vì các sóng ý nghĩ tinh tế sẽ còn lại với bạn ngay cả sau khi thân thể suy sụp. Tuổi vật lí của bạn rất ngắn ngủi nếu so với tuổi của những sóng tinh tế này. Các nhà khoa học bây giờ đi đến kết luận rằng nếu đã có những người như Jesus và Krishna, trong tương lai gần họ cũng sẽ có thể bắt được sóng ý nghĩ của những người này. Thế thì chúng ta sẽ có khả năng biết liệu Krishna có thực đã nói Gita hay không - bởi vì sóng ý nghĩ đã được phát ra từ Krishna vẫn còn hiện diện trong vũ trụ, bật lại từ hành tinh nào đó, tinh tú nào đó.
Cũng hệt như khi chúng ta ném một hòn đá vào biển: khi nó rơi xuống nó tạo nên các vòng tròn nhỏ. Đá sẽ chìm vì nó không thể nào ở lâu trên mặt nước được; nó bắt đầu chìm ngay khi nó chạm vào nước. Các gợn sóng do tác động của nó lên nước bắt đầu tăng lên. Chúng trở nên càng ngày càng rộng và việc mở rộng của chúng là vô tận. Chúng có thể đi vượt ra ngoài đường chân trời tầm nhìn của bạn, và ai biết chúng đạt tới bến bờ xa xôi nào.
Cho nên ý nghĩ, dù được sinh ra như thế nào - không chỉ những ý nghĩ được nói ra mà còn cả những ý nghĩ ở trong tâm trí - cũng lan rộng trong vũ trụ, và chúng cứ lan rộng mãi. Và chúng có thể bị bắt giữ lại. Một ngày nào đó, khi đà của khoa học tăng lên và con người tiến bộ hơn nữa, chúng ta sẽ có thể nghe thấy chúng lần nữa. Bây giờ tin tức radio truyền từ Delhi tới Bombay phải mất một chút thời gian để tới Bombay vì âm thanh mất thời gian để du hành. Vào lúc nó tới Bombay, nó không còn ở Delhi nữa: sóng đã rời khỏi Delhi qua một khoảng cách chỉ trong vài khoảnh khắc. Có lỗ hổng thời gian.
Bây giờ giả sử ở Ấn Độ chúng ta thấy một người ở New York trên ti vi. Khi hình ảnh người này được tạo ra ở New York, chúng ta không thấy được ngay lập tức; có lỗ hổng giữa việc hình thành nó và thời gian khi nó tới chúng ta. Có thể trong khoảng thời gian đó người này đã chết, nhưng người đó vẫn dường như sống với chúng ta.
Cây cối, con vật và con người phản ứng mạnh mẽ lại với môi trường âm thanh. Thế mà ê te do các ý nghĩ tạo ra, lại còn thấm tràn hơn nhiều so với sóng âm thanh. Dạng rất mịn này của năng lượng vật lí sẽ được các nhà khoa học nghiên cứu, đó là điều không hoài nghi gì nữa.
Sóng ý nghĩ từ trái đất, cũng như các gợn sóng của những biến cố khác, đi ra tới vô số các hành tinh. Nếu như chúng ta tiến lên trước chúng và bắt lấy chúng, chúng sẽ vẫn là sống theo một nghĩa nào đó. Con người chết nhưng ý nghĩ của người đó không chết nhanh thế. Cuộc sống của con người rất ngắn; cuộc sống của ý nghĩ rất dài. Nhớ cả điều này nữa, ý nghĩ chúng ta không diễn đạt còn sống lâu hơn ý nghĩ chúng ta diễn đạt bởi vì chúng tinh tế hơn. Vật càng tinh tế hơn, cuộc sống của nó càng dài hơn; vật càng thô hơn, cuộc sống càng ngắn hơn.
Ý nghĩ ảnh hưởng tới thế giới vật lí theo nhiều cách. Chúng ta chẳng có ý tưởng gì về hiệu quả của nó. Các nhà sinh học bây giờ đã kinh nghiệm rằng nếu một bản nhạc tình được chơi bên cạnh một cây, nó bắt đầu nở hoa sớm - thậm chí trái vụ. Nếu nhạc giậm giật, ầm ĩ được chơi gần nó thế thì nó không nở hoa - không nở hoa thậm chí dù đúng mùa vụ. Rung động của âm nhạc chạm tới cây cối. Bò cho nhiều sữa hơn dưới ảnh hưởng của các kiểu âm nhạc khác nhau. Ý nghĩ tạo ra ê te tinh tế hơn mà ê te lại tạo ra hào quang gợn sóng. Mỗi người đều mang quanh mình thế giới riêng các ý nghĩ của mình mà từ đó gợn sóng cứ lan toả liên tục mãi.
Những sóng ý nghĩ này cũng là vật lí. Điều ta biết về tâm trí là một dạng rất tinh tế của năng lượng vật lí. Do đó, không khó khăn cho khoa học đạt tới chúng, bởi vì những sóng này có thể bị bắt lại và được nghiên cứu. Chẳng hạn, mãi đến gần đây chúng ta vẫn không biết con người ngủ say thế nào - tâm trí người đó đi vào độ sâu nào. Bây giờ chúng ta biết; chúng ta có dụng cụ để tìm ra. Khi chúng ta có dụng cụ để đo tỉ lệ xung, chúng ta cũng có dụng cụ để đo giấc ngủ. Một thiết bị được gắn vào đầu suốt cả đêm, và từ đồ thị được tạo nên từ nó chúng ta có thể biết đích xác khi nào giấc ngủ của người này trở nên sâu, người đó ngủ được bao lâu, người đó mơ bao lâu, lúc nào là mơ tốt, lúc nào là mơ xấu, các giấc mơ kéo dài bao lâu, và liệu chúng có mang tính dục hay không dục. Tất cả những điều này đều được đồ thị chỉ ra. Có khoảng mười phòng thí nghiệm ở Mĩ nơi hàng nghìn người được trả tiền để tới và ngủ và giấc ngủ của họ được kiểm tra chặt chẽ. Vấn đề có sự quan tâm lớn là chúng ta vẫn còn chưa quen biết với giấc ngủ.
Một phần ba đời người trôi qua trong giấc ngủ. Ngủ không phải là vấn đề nhỏ. Nếu một người sống sáu mươi năm, người đó ngủ hai mươi năm trong số đó. Nếu thời kì hai mươi năm này vẫn còn không được biết, một phần ba đời người đó sẽ còn không được biết với người đó. Bây giờ sự kiện đáng quan tâm là ở chỗ nếu người đó không ngủ trong hai mươi năm này, người đó sẽ không sống được cho bốn mươi năm. Do đó, giấc ngủ là nhu cầu cơ bản. Một người có thể ngủ mà không tỉnh trong sáu mươi năm, nhưng người đó không thể sống mà không ngủ. Vậy, giấc ngủ là một yêu cầu cơ bản.
Trong giấc ngủ chúng ta ở đâu đó khác; tâm trí ở đâu đó khác. Nhưng tâm trí này có thể được đo. Bây giờ người ta có thể biết một người đi vào giấc ngủ say thế nào. Có nhiều người cứ khăng khăng là mình không mơ. Đây là ý nghĩ tuyệt đối sai lầm, và họ nói điều này bởi vì họ không biết. Rất khó tìm ra người không mơ. Rất khó đấy! Mơ xuất hiện suốt đêm trường. Bạn nghĩ rằng bạn chỉ có một giấc mơ hay hai, nhưng điều đó là sai. Máy móc nói rằng giấc mơ xuất hiện cả đêm nhưng chúng ta không nhớ chúng. Bạn ngủ nên việc nhớ bị thiếu vắng. Giấc mơ bạn nhớ chính là giấc mơ cuối cùng xảy ra khi giấc ngủ gần kết thúc. Khi bạn trở lại từ giấc ngủ, giấc mơ cuối cùng còn lại trong ý nghĩ của bạn. Tiếng vọng mờ nhạt của nó vẫn còn nấn ná bên trong khi bạn tỉnh dậy. Nhưng bạn không nhớ chút nào tất cả những giấc mơ của giấc ngủ say.
Bây giờ vấn đề đã trở thành cần thiết để nghiên cứu giấc mơ nào xuất hiện trong giấc ngủ say, bởi vì cái mà người ta mơ trong chiều sâu của giấc ngủ, để lộ ra nhân cách xác thực của người đó. Thực sự chúng ta trở nên không xác thực khi thức tỉnh. Thông thường ta nói, "Cái gì có đó trong mơ?" Nhưng mơ để lộ ra nhiều chân lí về bản thân chúng ta hơn là trạng thái tỉnh của chúng ta. Trong thời kì có ý thức của mình, chúng ta che đậy bản thân mình bằng áo giả. Nếu một ngày nào đó chúng ta thành công trong việc tạo ra một cửa sổ trong đầu con người để từ đó chúng ta có thể quan sát tất cả các giấc mơ của người đó, tự do cuối cùng của người đó sẽ bị mất. Thế thì người đó sẽ không được tự do ngay cả với việc mơ. Người đó sẽ sợ mơ, bởi vì cũng có giá trị đạo đức với các luật lệ và qui tắc của nó sẽ tạo nên cảnh sát của nó. Nó sẽ nói, "Giấc mơ này là không đúng; anh đang không mơ đúng." Tuy nhiên hiện tại chúng ta không có tự do này. Con người được tự do trong giấc ngủ - nhưng tự do của con người sẽ không kéo dài, bởi vì sự xâm lấn vào giấc ngủ đã bắt đầu. Chẳng hạn, bây giờ Nga đã bắt đầu giáo dục trong giấc ngủ.
Nhiều công trình đang tiếp tục về việc dạy học trong khi ngủ. Trong những giờ thức tỉnh, người ta phải tốn nhiều nỗ lực hơn bởi vì trẻ con cưỡng lại. Khó mà dạy một đứa trẻ điều gì đó, bởi vì về cơ bản nó từ chối bị dạy. Thực tế, mọi người đều từ chối việc học, bởi vì mỗi người đều bắt đầu với ý nghĩ cơ bản rằng mình đã biết. Trẻ con cũng từ chối bằng việc nói, "Thầy dạy gì vậy?" Chẳng có cách nào để cho nó sẵn sàng học. Thế thì chúng ta phải hối lộ nó bằng việc trao giải thưởng sau kì thi, huân chương vàng, vân vân. Chúng ta phải khơi dậy tinh thần tham vọng bên trong nó; chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy nó để giáo dục nó. Xung đột này chiếm một thời gian quá dài. Điều mà đứa trẻ có thể học trong hai giờ, chúng ta nhồi vào nó trong hai tháng.
Cho nên phương pháp dạy trong khi ngủ đã được làm tiến hoá, và vấn đề đã trở thành rõ như ban ngày là đứa trẻ có thể được dạy rất tốt trong giấc ngủ. Lí do là giản dị: không có sự cưỡng lại trong giấc ngủ. Một băng ghi âm được bật lên gần đứa trẻ đang ngủ truyền đạt bất kì cái gì cần phải nhồi vào cho đứa trẻ. "Hai cộng hai là bốn; hai cộng hai là bốn," băng cứ lặp đi lặp lại. Hỏi đứa trẻ vào buổi sáng và nó sẽ nói, "Hai cộng hai là bốn."
Bây giờ ý nghĩ này đã được truyền đạt trong giấc ngủ cũng có thể được làm thấm nhuần vào tâm trí bằng phương tiện sóng ý nghĩ, bởi vì bây giờ chúng ta biết về sóng ý nghĩ. Trong quá khứ chúng ta không biết, nhưng bây giờ chúng ta biết rằng bản thân lời không được khắc ghi vào đĩa hát. Thay vì thế thì vết khắc ghi của sóng âm thanh được ghi lại trên đĩa. Khi kim chạm vào đường rãnh mà đã được tạo ra, nó lặp lại cùng sóng vốn gây ra cho đường rãnh được ghi lại.
Như tôi đã nói trước đây, nếu bạn tụng Aum một hình mẫu sẽ được tạo thành trên cát. Bản thân hình mẫu này, không phải là aum - nhưng nếu bạn biết rằng hình mẫu đặc biệt này được tạo nên bởi aum, thế thì một ngày nào đó bạn sẽ có khả năng chuyển đổi hình mẫu này trở lại aum. Tuỳ theo việc hình thành hình mẫu này mà âm thanh của aum sẽ xuất hiện. Hình mẫu và aum có thể được xem như cùng một vật. Trong việc ghi đĩa hát không lời - chỉ có đường rãnh được tạo ra bởi tác động của âm thanh của lời. Khi những đường rãnh này đi vào tiếp xúc với kim, chúng được chuyển đổi thành âm thanh tương ứng.
Trong tương lai rất gần chúng ta sẽ có khả năng tạo ra bản ghi ý nghĩ. Vì tác động của ý nghĩ đã được nhận ra nên con người sẽ không mất thời gian lâu để có khả năng ghi lại nó. Thế thì một điều kì diệu sẽ xảy ra. Sẽ có thể là mặc dầu Einstein đã chết nhưng quá trình suy nghĩ đầy đủ của ông ấy sẽ được ghi lại. Thế thì điều Einstein sẽ nghĩ trong tương lai, nếu như ông ấy vẫn còn sống, cũng sẽ được máy móc cung cấp, bởi vì máy này sẽ bắt giữ tác động của toàn bộ sóng ý nghĩ của ông ấy.
Ngủ, mơ và vô ý thức đã được nghiên cứu đầy đủ. Vậy, tất cả khả năng khoa học của tâm trí bây giờ đều được biết cho con người. Do đó, cũng tốt là hiểu chúng. Chẳng hạn, lấy một người đang giận dữ. Theo tính toán cũ của chúng ta, chúng ta sẽ khuyên anh ta, "Đừng lao vào giận dữ; anh sẽ xuống địa ngục đấy." Chúng ta không có cách nào khác. Nhưng nếu người này nói anh ta sẵn sàng xuống địa ngục, thế thì chúng ta bất lực; chúng ta không thể làm gì cho anh ta được. Và nếu người này còn tuyên bố thêm nữa rằng anh ta nóng lòng muốn xuống địa ngục, tất cả đạo đức của chúng ta thành vô dụng. Chúng ta có thể kiểm soát một người chỉ nếu người đó sợ địa ngục. Đây là lí do tại sao ngay khi nỗi sợ địa ngục rời bỏ thế giới này, nền đạo đức của chúng ta cũng ra đi cùng nó. Bây giờ chẳng ai sợ địa ngục cả. "Địa ngục ở đâu?" ai cũng muốn biết.
Cho nên đạo đức bị kết thúc hoàn toàn, bởi vì nỗi sợ mà nó dựa trên đó đã mất. Nhưng khoa học nói không cần đạo đức vì nó đã xây dựng một công thức khác dựa trên việc chấm dứt những bí mật thân thể nào đó. Khi chúng ta đang giận dữ, một quá trình hoá học đặc biệt xảy ra bên trong thân thể, bởi vì giận dữ là biến cố vật lí. Khi có giận dữ bên trong, tuyệt đối cần hoá chất nào đó được giữ kín trong thân thể. Vậy, công thức của khoa học là thế này: những chất được giữ kín này có thể bị ngăn lại không cho hình thành và thế thì sẽ không có giận dữ. Thế thì chẳng cần phải chấm dứt giận dữ một cách trực tiếp. Nếu chất lỏng này bị dừng lại con người sẽ thấy không thể nào giận dữ được. Nếu chúng ta cố gắng khuyên nam nữ thanh niên tiết chế dục, thực hành vô dục, họ chẳng bao giờ nghe. Khoa học nói, "Chấm dứt tất cả những điều này đi! Nếu chúng ta hạn chế phát triển của tuyến nào đó, chín muồi dục sẽ không tới trước tuổi hai mươi nhăm."
Điều này rất nguy hiểm. Khoảnh khắc tâm trí tới đầy đủ bên trong việc hiểu của khoa học, con người sẽ bắt đầu dùng sai tri thức của mình. Khoa học nói rằng thành phần hoá chất của một người có tâm trí nổi dậy khác với thành phần hoá chất của người với tâm trí chính thống. Phát kiến này chứa những khả năng nguy hiểm. Nếu thành phần của những hoá chất này được con người biết tới, chúng ta có thể làm cho người nổi dậy thành thụ động và người chính thống thành người nổi dậy. Một khi các thành phần hoá chất đem tới thôi thúc ăn cắp hay giết người là được biết tới, sẽ không còn cần gì tới giam cầm và xử tử nữa. Tất cả những điều cần thiết vậy là cần phẫu thuật hay trị liệu để loại bỏ chất này khỏi người đó. Hoá chất đang xét có thể bị loại bỏ hay hoá chất khác có thể được đưa vào để trung hoà chúng hay có thể cho thuốc giải độc. Tất cả công trình này hiện đang được nghiên cứu.
Tất cả những điều này chỉ ra rằng không còn nhiều khó khăn trên con đường của khoa học để đạt tới thể thứ tư. Vấn đề duy nhất là ở chỗ một phần rất lớn của khoa học đang tham gia vào nghiên cứu vì mục đích chiến tranh. Đó là lí do tại sao loại nghiên cứu này lại không được coi là chủ yếu; nó vẫn còn là vấn đề thứ yếu. Vậy mà đã có tiến bộ lớn và thu được các kết quả bất thường.
Aldous Huxley đã tuyên bố rằng điều đã xảy ra cho Meera hay Kabir có thể đem lại bởi việc tiêm. Đấy là một tuyên bố rất hung hăng, mặc dầu đúng ở mức độ nào đó. Mahavira sẽ nhịn ăn một tháng và tâm trí của ông ấy sẽ trở nên yên tĩnh. Nhịn ăn là hành động vật lí, và nếu tâm trí có thể trở nên an bình bằng hành động vật lí thế thì tâm trí nữa cũng là vật lí. Với việc nhịn ăn một tháng toàn bộ thành phần hoá học của thân thể thay đổi; đó là tất cả những cái có đó cho nó. Chất dinh dưỡng mà thân thể đáng phải có bị phủ nhận cho nó và tất cả chất dự trữ của thân thể đều được dùng hết. Chất béo tan đi và những phần tử không thiết yếu trải qua việc tiêu huỷ trong khi những phần tử thiết yếu được gìn giữ. Theo cách này toàn bộ việc thu xếp hoá học của thân thể trải qua sự thay đổi hoàn toàn.
Khoa học nói, "Cần gì phải trải qua vất vả thế trong một tháng dài? Tỉ lệ hoá chất có thể được thay đổi theo những mô tả ở đây và bây giờ." Nếu thay đổi hoá chất này được khoa học đem tới, bạn sẽ kinh nghiệm cùng an bình mà Mahavira đã kinh qua sau khi nhịn ăn một tháng dài mà chẳng mất thời gian gì cả; nhịn ăn một tháng sẽ là không cần thiết.
Cho nên tôi bảo các bạn trong khi thiền, thở thật mạnh và nhanh. Nhưng cái gì sẽ xảy ra sau một nửa giờ thở mạnh? Đấy chỉ là tỉ lệ các bô níc và ô xi bên trong bạn sẽ thay đổi - nhưng điều này có thể được đem lại bằng các phương tiện bên ngoài nữa. Chẳng cần phải làm cho bạn lao động trong nửa giờ. Tỉ lệ ô xi và các bô níc trong phòng này có thể được thay đổi và tất cả những người ngồi đây sẽ kinh nghiệm an bình và bình thản và sẽ cảm thấy vui vẻ. Vậy, khoa học đã đi vào thể thứ tư từ mọi hướng, và nó vẫn đang thấm vào đó hơn nữa.
Trong thiền những kinh nghiệm khác nhau xảy ra cho bạn. Bạn ngửi thấy tất cả các loại hương thơm, bạn thấy mầu sắc. Tất cả những điều này bây giờ có thể được đem tới mà chẳng cần thiền, bởi vì khoa học đã tìm ra phần nào của bộ não bạn trở nên tích cực trong những kinh nghiệm này. Nếu phần sau của bộ não tôi được kích thích khi tôi thấy mầu đẹp, các cuộc điều tra khoa học sẽ chỉ ra đích xác phần trở nên kích hoạt và chiều dài sóng được tạo ra. Bạn không cần đi vào thiền. Cùng rung động đó có thể được đem lại bên trong bạn với sự trợ giúp của điện và bạn sẽ bắt đầu thấy mầu sắc. Đây là những biến cố song song, bởi vì chúng ta giữ cực nào đi chăng nữa, đầu bên kia cũng lập tức trở nên được kích hoạt ngay.
Tuy nhiên có nguy hiểm trong điều này. Càng nhiều nghiên cứu mới của con người tràn vào bên trong, nguy hiểm của nó càng tăng lên. Chẳng hạn, bây giờ chúng ta có thể tăng tuổi của con người lên theo ý muốn. Điều đó không còn trong tay của tự nhiên nữa; nó là trong tay của khoa học. Cho nên ở châu Âu và Mĩ có hàng nghìn người già kêu la về quyền được chết theo ý chí tự do của riêng mình, nhưng họ bị giữ sống lay lắt trên giường chết. Họ được cấp cho ô xi và có thể được làm cho sống trong một thời gian lâu. Một ông già chín mươi tuổi cầu xin được chết, nhưng bác sĩ nói, "Chúng tôi không thể ủng hộ điều đó được; điều đó là chống lại luật pháp." Thậm chí đứa con của ông già cũng cảm thấy rằng bố mình đang phải chịu đựng quá nhiều và ông ấy bây giờ nên được phép chết, người đó không thể nói một cách cởi mở như vậy được. Có những máy móc để giữ cho một người hấp hối vẫn còn sống và người sắp chết được làm cho sống tiếp. Bây giờ điều này, theo cách này, là nguy hiểm.
Luật cũ của chúng ta đã được làm ra khi chưa có phương tiện để giữ cho con người sống và khi chúng ta cũng có thể giết chết một người. Bây giờ luật cần phải được xem xét lại, bởi vì chúng ta có thể giữ một người hấp hối vẫn sống và kéo dài đủ lâu để người đó cảm thấy, "Điều này là bạo hành, điều này là tàn ác! Tôi không muốn sống thêm nữa. Các ông đang làm gì tôi vậy?" Đã có thời khi chúng ta trừng phạt một người bởi tội ác của người đó bằng cách treo cổ người đó. Sẽ không có gì phải ngạc nhiên nếu năm mươi năm sau chúng ta trừng phạt một người bằng việc không cho phép người đó chết. Và việc trừng phạt này sẽ còn tồi tệ hơn là việc trừng phạt đầu, bởi vì chết là vấn đề của vài giây trong khi sống có thể đến hàng thập kỉ.
Cho nên bất kì khi nào có khám phá mới trong thế giới bên trong của con người đều có hai kết quả: hoặc loài người có thể đau khổ bởi nó, hoặc nó có thể có ích. Bất kì khi nào quyền năng tới, nó bao giờ cũng có hai mặt cả.
Khoa học đã đạt tới bình diện thứ tư bên trong con người. Trong vòng năm mươi năm nữa - đúng hơn, trong vòng ba mươi năm nữa - nó sẽ thâm nhập sâu hơn vào trong thể thứ tư. Có lẽ bạn có thể không biết rằng bất kì cái gì đã được thực hiện trong một thế kỉ đặc biệt đều đạt tới cực đỉnh của nó vào cuối thế kỉ. Mọi thế kỉ đều hoàn thành công việc của nó vào lúc nó đi tới kết thúc. Thế kỉ này đã tiến hành rất nhiều công việc mà sẽ được hoàn tất trong thời gian ba mươi năm. Nhiệm vụ lớn nhất của nó là đi vào trong hồn con người, và điều này sẽ được hoàn tất.
Thể thứ năm - thể tâm linh - thậm chí còn tinh tế hơn thể thứ tư. Tại đây không chỉ có rung động của ý nghĩ mà còn rung động của bản thể. Nếu tôi ngồi hoàn toàn im lặng không một ý nghĩ bên trong, dù thế bản thể của tôi vẫn tạo ra rung động. Nếu bạn tới gần tôi và không có ý nghĩ trong tôi, bạn sẽ vẫn ở bên trong trường rung động của tôi. Và điều thú vị nhất là ở chỗ các rung động của ý nghĩ của tôi, không mạnh hay không thấm sâu như rung động của bản thể của tôi. Do đó, người đạt tới trạng thái vô trí trở nên rất mạnh. Khó mà đánh giá được tác động của sức mạnh của người này bởi vì rung động của sự tồn tại bắt đầu nảy sinh bên trong người này. Rung động năng lượng của thể thứ năm là dạng tinh tế nhất của năng lượng trong toàn bộ tri thức của con người.
Cho nên điều đó đã xảy ra trong nhiều trường hợp, như trong trường hợp của Mahavira, là ông ấy không nói. Tức là, ông ấy hoặc nói rất ít hoặc ông ấy không nói chút nào; ông ấy chỉ ngồi. Mọi người tới, ngồi trước ông ấy, hiểu ông ấy và quay về. Điều này là có thể vào thời ông ấy, nhưng bây giờ không có như thế nữa. Điều ấy bây giờ rất khó bởi vì bạn sẽ chỉ kinh nghiệm sóng sâu của thể tâm linh nếu bản thân bạn sẵn sàng ở trạng thái vô ý nghĩ, và không có điều ngược lại. Nếu bạn đầy tiếng ồn của các ý nghĩ riêng của mình bạn sẽ lỡ những rung động tinh tế này. Chúng sẽ chỉ đi qua bạn và bạn sẽ không thể nào hiểu thấu được chúng.
Nếu những rung động của sự tồn tại tới bên trong sự hiểu thấu của người ta, nếu có trạng thái vô ý nghĩ về cả hai phía, thế thì không cần nói. Thế thì việc trao đổi xảy ra ở mức độ rất thân thiết, và việc trao đổi này đi thẳng vào tim. Thế thì không có giải thích bởi vì không có cách giải thích. Thế thì bạn cũng sẽ không lưỡng lự về liệu điều này hay điều kia sẽ có hay sẽ không có. Bản thể của bạn sẽ biết trực tiếp điều đã xảy ra.
Cũng không nhất thiết chỉ có trường hợp con người bị những rung động của thể thứ năm động chạm tới. Có một hiện tượng kì diệu trong cuộc sống của Mahavira: tương truyền rằng ngay cả con vật cũng cũng tới dự cuộc tụ họp của ông ấy. Các sư Jaina đã không thể nào giải thích được hiện tượng này và họ chẳng bao giờ giải thích nổi. Bây giờ con vật không hiểu ngôn ngữ con người nhưng nó hiểu ngôn ngữ của bản thể rất rõ. Nếu tôi ngồi trong điều kiện vô ý nghĩ gần con mèo, con mèo đã trong trạng thái vô ý nghĩ. Tuy nhiên với bạn, tôi sẽ phải nói. Việc đưa bạn tới trạng thái vô ý nghĩ của con mèo là một cuộc hành trình rất dài. Con vật, cây cối và thậm chí tảng đá cũng hiểu các rung động bắt nguồn từ thể tâm linh; không có khó khăn gì trong đó cả. Cho nên thể này cũng là thâm nhập được, nhưng chỉ sau thể thứ tư. Thể thứ tư đã bị tràn vào từ nhiều mặt trận, và khoa học sẽ sẵn lòng chấp nhận trạng thái tâm linh. Nhưng sau điều này, có một số khó khăn.
Cho nên khi tôi nói rằng mọi thứ có thể rất rõ ràng theo khoa học cho thể thứ năm nhưng sau thể thứ năm khó khăn bắt đầu, có lí do cho điều này. Nếu chúng ta hiểu rõ khoa học, nó là việc đặc thù hoá theo một hướng đặc biệt; nó là chọn lựa đặc biệt. Cho nên khoa học chỉ có thể đi sâu hơn khi nó hạn chế việc tìm kiếm của nó vào ít điều nhất có thể và cố gắng biết nhiều nhất có thể chỉ về chúng. Mục đích của khoa học là biết ngày càng nhiều hơn về ngày càng ít thứ. Công việc của nó có hai phần: nó cố gắng biết nhiều hơn về một vật nhỏ nhất có thể được. Nó làm cho chủ thể của việc tìm hiểu thành nhỏ nhất có thể được và tăng tri thức của nó về điều ấy.
Các thầy lang ngày xưa đều thông thái về toàn thân thể, nhưng bác sĩ ngày nay không thế. Kiểu nhà thực hành tổng quát cũ bây giờ khó mà thấy được. Trong thế giới ngày nay người đó đã trở thành di tích; người đó không còn được tin cậy nữa. Người đó biết về quá nhiều thứ; do đó người đó không thể biết về bất kì một cái gì thật rõ đủ để tin cậy được. Bây giờ có các nhà chuyên môn về mắt và các nhà chuyên môn về tai, và họ có thể tin cậy được vì họ đã thu được tri thức tối đa trong một lĩnh vực đặc biệt.
Chẳng hạn, tất cả sách báo có sẵn về mắt mênh mông đến mức một đời người cũng không đủ để xem hết chúng. Hoàn toàn có thể là trong tương lai gần sẽ có một nhà chuyên môn về mắt phải và một nhà chuyên môn khác về mắt trái, hay có lẽ một nhà chuyên môn về con ngươi và một nhà chuyên môn về võng mạc. Khi tri thức tăng lên, mắt sẽ được phân chia thành nhiều phần cho nghiên cứu đặc biệt, bởi vì mỗi phần bản thân nó cũng là một trường hợp quan trọng rồi. Mục đích của khoa học là tập trung sự hội tụ chú ý của nó vào một đầu ghim nhỏ sao cho nó có thể thấm tràn vào chiều sâu lớn nhất. Đây là cách khoa học có thể đi tới biết rất nhiều.
Cho nên, như tôi đã nói trước đây, khoa học sẽ đạt tới thể thứ năm, bởi vì cho tới thể thứ năm, cá nhân vẫn còn tồn tại; do đó người đó có thể đi vào trong sự hội tụ của nó. Từ thể thứ sáu vũ trụ bắt đầu, và điều này nằm ngoài sự hội tụ của khoa học. Thể vũ trụ có nghĩa là toàn bộ: khoa học không thể vào đó, bởi vì khoa học đi từ cái nhỏ đến cái nhỏ nhất. Cho nên nó chỉ có thể hiểu thấu cá nhân; nó sẽ thấy rất khó khăn để hiểu thấu vũ trụ. Một mình tôn giáo có thể hiểu thấu vũ trụ. Do đó, cho tới atman, cái ta, khoa học sẽ không có rắc rối gì. Khó khăn bắt đầu với Brahman - cái ta vũ trụ. Tôi không nghĩ khoa học sẽ có thể hiểu thấu được Brahman, bởi vì thế thì nó sẽ phải rời bỏ cái đặc thù của nó. Và khoảnh khắc mà nó rời bỏ cái đặt thù của nó, nó không còn là khoa học nữa. Thế thì nó sẽ được tổng quát và mông lung như tôn giáo. Cho nên với sự giúp đỡ của khoa học chúng ta có thể du hành vào thể thứ năm. Tại thể thứ sáu khoa học sẽ bị lạc, và thể thứ bẩy là không thể được cho nó vì tất cả tìm kiếm của nó đều hội tụ chỉ vào cuộc sống.
Thực tại, trung tâm của sự tồn tại của chúng ta là cuộc sống. Chúng ta muốn ít ốm và nhiều mạnh khoẻ; chúng ta muốn sống lâu hơn, hạnh phúc hơn, thoải mái hơn. Mục tiêu của khoa học là làm cho cuộc sống được hạnh phúc sâu sắc hơn, thoả mãn hơn, mạnh khoẻ hơn và vui sướng hơn. Nhưng thể thứ bẩy là việc chấp nhận cái chết: nó là cái chết tối thượng. Tại đây, thiền nhân vượt ra ngoài việc tìm kiếm cuộc sống. Người đó nói, "Tôi cũng muốn biết cả cái chết nữa. Tôi đã biết sự tồn tại và bí ẩn của hiện hữu; bây giờ tôi muốn biết cái không tồn tại, cái không hiện hữu."
Khoa học chẳng có nghĩa gì trong miền này. Các nhà khoa học như Freud sẽ gọi điều này là ước muốn chết và nói rằng đây không phải là trạng thái lành mạnh của tâm trí - rằng đấy là tự tử. Theo Freud, giải thoát và niết bàn chẳng ích lợi gì cho cuộc sống cả và những khái niệm này là bằng chứng về ước muốn của bạn được chết. Ông ta nói rằng bạn muốn chết, đấy là lí do tại sao bạn ốm yếu. Nhà khoa học chống lại ham muốn chết, vì khoa học dựa trên ý chí muốn sống và trên việc mở rộng cuộc sống. Người muốn sống là người lành mạnh, nhưng khoảnh khắc sẽ tới khi ước muốn chết cũng là lành mạnh tương đương. Nếu ai đó muốn chết trước khi khoảnh khắc này tới, đấy dứt khoát là điều không lành mạnh. Tuy nhiên, một khoảnh khắc sẽ tới trong cuộc sống khi một người muốn chết với mục đích chết.
Người ta có thể nói tỉnh thức là lành mạnh và ngủ là không lành mạnh, và dần dần chúng ta ngày càng dành nhiều chỗ cho ngày hơn đêm. Ban đầu đêm bắt đầu lúc sáu giờ, bây giờ nó bắt đầu lúc hai giờ sáng. Chúng ta đã đem thời gian đêm cho ngày. Có một số nhà tư tưởng hiện đại còn đi xa đến mức cảm thấy rằng nếu như người ta có thể loại hẳn đêm khỏi cuộc sống con người, một phần đáng kể của cuộc sống mình có thể được cứu cho khỏi bị phí hoài. Cần quái gì ngủ? Phải vứt bỏ việc ngủ đi, họ biện minh. Nhưng khi có vui trong tỉnh thức, cũng có cả vui trong ngủ nữa. Cũng hệt như ham muốn tỉnh thức là tự nhiên và lành mạnh, ham muốn ngủ cũng vậy. Nếu một người vẫn giữ cái hăm hở sống cho tới hơi thở cuối cùng, người đó không phải là lành mạnh, và nếu một người cứ nuôi dưỡng ham muốn chết từ ngay lúc sinh ra, thế nữa cũng là phi tự nhiên và không lành mạnh. Nếu một đứa trẻ khao khát chết nó ốm yếu, bất thường, và nó nên được điều trị. Nếu một người già còn khao khát sống, người đó nữa cũng nên được điều trị bởi vì người đó cũng ốm yếu.
Sống và chết là hai chi của sự tồn tại. Nếu bạn chấp nhận chỉ một điều, bạn nhất định là què quặt. Chừng nào thời điểm chưa tới để bạn chấp nhận điều kia, tàn tật vẫn cứ còn đấy. Cả hai chi là quan trọng - hiện hữu và vô hiện hữu. Người ôm choàng và chấp nhận cả hiện hữu và vô hiện hữu như nhau có thể được gọi là hoàn toàn lành mạnh. Người nói, "Tôi đã biết hiện hữu là gì; bây giờ tôi muốn biết vô hiện hữu là gì," không sợ cái vô hiện hữu.
Bình diện thứ bẩy chỉ dành cho những người dũng cảm - người đã biết cuộc sống và hăm hở biết cái chết, người hăng say thám hiểm cái chết, trạng thái tuyệt diệt. Họ hăng say biết vô hiện hữu là gì, tuyệt diệt giống cái gì, vô hiện hữu là gì. Họ đã nếm trải cuộc sống; bây giờ họ muốn nếm trải cái chết.
Tại điểm này bạn nên biết rằng cái chết giáng xuống từ bình diện thứ bẩy. Điều chúng ta thường biết như cái chết tới từ bình diện thứ bẩy và điều chúng ta biết như cuộc sống tới từ bình diện thứ nhất. Sinh bắt đầu với thể vật lí; sinh có nghĩa là việc bắt đầu của thể vật lí. Đây là lí do tại sao thể vật lí vào hiện hữu trước nhất trong bụng mẹ và rồi các thể khác theo sau. Cho nên thể thứ nhất là việc bắt đầu của cuộc sống và thể cuối cùng, thể niết bàn, là từ nơi cái chết tới. Cho nên người níu bám vào thể vật lí rất sợ chết, và người sợ chết, sẽ chẳng bao giờ biết tới thể thứ bẩy.
Vậy, khi chúng ta ngày càng dần tách ra khỏi thể vật lí, một thời điểm sẽ tới khi chúng ta cũng chấp nhận cái chết. Chỉ thế thì chúng ta mới biết. Và người biết tới cái chết được giải thoát theo nghĩa thực của từ này, bởi vì thế thì cuộc sống và cái chết trở thành hai phần của cùng một điều và người ta vượt ra ngoài cả hai. Cho nên không có hi vọng nào để cho khoa học đạt tới thể thứ bẩy, mặc dầu có khả năng cho nó đi lên tới bình diện thứ sáu.
Cánh cửa của bình diện thứ tư đã mở ra cho khoa học, và bây giờ thực tế không khó khăn gì cho nó đi lên tới thể thứ năm. Nhưng cần có những người như vậy với tâm trí khoa học và trái tim tôn giáo. Một khi họ xuất hiện, đi vào thể thứ năm sẽ không khó khăn. Tuy nhiên việc tổ hợp này là rất khó, bởi vì việc huấn luyện nhà khoa học ngăn cản người đó không trở nên mang tính tôn giáo theo nhiều hướng. Cũng vậy, theo cùng một cách, việc huấn luyện tôn giáo ngăn cản người ta không trở nên có tính khoa học. Chẳng có ở đâu mà hai nhánh huấn luyện này lại trùng lên nhau, và điều này là khó khăn lớn.
Đôi khi điều này cũng xảy ra, và bất kì khi nào điều này xảy ra trên thế giới, một đỉnh cao mới của tri thức đi vào hiện hữu. Chẳng hạn, lấy Pantajali: ông ấy là một người có tâm trí khoa học, nhưng ông ấy đã đi vào tôn giáo. Ông ấy đã mang yoga tới một đỉnh cao mà mãi cho tới nay còn khó vượt qua được. Bây giờ một thời gian dài từ khi Pantajali chết và rất nhiều công trình nữa đã được tiến hành trong lĩnh vực này, nhưng người ta vẫn chưa tìm ra ai có trí thông minh của nhà khoa học và thế giới bên trong của thực hành tâm linh. Chưa có một ai leo lên đỉnh cao hơn của yoga. Sri Aurobindo đã thử nhưng ông ấy đã không thành công.
Sri Aurobino có tâm trí khoa học - có lẽ còn khoa học hơn Pantajali, bởi vì ông đã được huấn luyện ở phương Tây. Việc huấn luyện của ông ấy thật tuyệt vời. Khi ông ấy mới sáu tuổi, bố ông ấy đã gửi ông ấy đi học bên ngoài Ấn Độ và cấm ông ấy không được trở về chừng nào ông ấy còn chưa hoàn toàn chín chắn. Ngay cả trên giường chết, khi những người khác trong gia đình nói tới việc gọi Aurobindo về, bố ông ấy cũng không cho phép điều đó. Ông ấy nói, "Cũng được thôi nếu tôi không gặp lại nó trước khi chết. Nó phải thấm đẫm văn hoá phương Tây đầy đủ. Đừng để cái bóng của phương Đông trùm lên nó. Thậm chí đừng để nó biết rằng tôi chết." Ông ấy phải là một người cha rất dũng cảm. Vậy, Aurobindo đã hấp thu sâu sắc văn hoá phương tây. Nếu như có một người mang tính chất Tây phương theo nghĩa thực sự của từ này đó là Aurobindo. Ông ấy đã phải học lại tiếng mẹ đẻ sau khi trở về Ấn Độ.
Cho nên tri thức khoa học là đầy đủ trong ông ấy, nhưng tôn giáo là việc khắc ghi về sau và do đó nó không thể được diễn đạt sâu sắc; bằng không, con người này sẽ đạt tới tầm cao lớn hơn là Pantajali. Nhưng điều này đã không như vậy. Theo một cách thức sâu sắc, cách đào tạo của phương Tây đã trở thành rào chắn, bởi vì cách suy nghĩ của ông ấy hoàn toàn giống như cách suy nghĩ của nhà khoa học. Ông ấy đã đem toàn bộ lí thuyết tiến hoá của Darwin vào trong tôn giáo. Ông ấy đã đưa vào trong tôn giáo những tư tưởng mà ông ấy đã đem về từ phương Tây. Nhưng ông ấy không có cái nhìn sáng suốt vào trong tôn giáo, cái mà ông ấy có thể đưa vào trong khoa học. Kết quả là, ông ấy đã tạo ra một khối lượng tài liệu khoa học đồ sộ mà trong đó, tôn giáo lại rất hời hợt, bởi vì bất kì nỗ lực nào để giải thích về những bí ẩn của bình diện thứ sáu và thứ bẩy nhất định là thất bại vì điều đó không thể nào được diễn đạt theo thuật ngữ của khoa học và logic.
Bất kì khi nào cân bằng được đạt tới giữa trí tuệ khoa học và tâm trí tôn giáo, những đỉnh cao vĩ đại cũng được đạt tới. Nhưng có rất ít khả năng cho điều này xảy ra ở phương Đông, bởi vì phương Đông đã đánh mất tôn giáo của mình và khoa học nó chưa bao giờ có. Có nhiều khả năng hơn ở phương Tây, bởi vì ở đó khoa học đã trở thành quá nhiều.
Bất kì khi nào có thái quá, con lắc lại có khuynh hướng đung đưa sang cực điểm kia. Đó là lí do tại sao các siêu trí thức ở phương Tây đọc Gita với hứng thú không thấy có ở đâu trong Ấn Độ.
Lần đầu tiên Schopenhauer đọc Gita ông ấy đã đội cuốn sách này lên đầu và nhảy múa vui sướng. Khi mọi người hỏi ông có việc gì vậy, cái gì gây ra hành vi điên khùng này, ông ấy nói, "Cuốn sách này không chỉ đáng đọc mà còn đáng đội lên đầu và nhảy múa! Tôi chưa bao giờ biết rằng đã có thời người trên trái đất này lại nói theo cách này. Điều mà tôi nghĩ là chẳng bao giờ có thể nói được thành lời, đã được diễn đạt trong cuốn sách này." Bây giờ chúng ta sẽ không tìm ra một người ở đây tại Ấn Độ này, người đặt cuốn Gita lên đầu và nhảy múa. Chúng ta sẽ chỉ tìm thấy những người sẽ đặt Gita vào ghế tầu hoả và ngồi lên nó - nhưng điều này là vô nghĩa.
Đến cuối thế kỉ này một đỉnh cao mới sẽ được chạm tới, bởi vì khi nhu cầu nảy sinh, nhiều lực được kích hoạt trên thế giới. Einstein trở thành người tôn giáo trước khi ông ấy chết. Trong cuộc đời mình ông ấy vẫn còn là nhà khoa học, nhưng khi cuộc sống của ông ấy trôi đến đoạn cuối, ông ấy trở thành người tôn giáo. Đó là lí do tại sao những người về bản chất là khoa học lại nói, "Chúng ta không nên coi lời tuyên bố cuối cùng của Einstein là nghiêm chỉnh. Ông ấy đã mất trí."
Những lời cuối cùng của Einstein là có nghĩa. Ông ấy nói, "Tôi tưởng tôi biết mọi thứ có đó là biết về thế giới này, nhưng khi tôi biết càng ngày càng nhiều, tôi lại thấy rằng điều này là không thể được, bởi vì có cái vô hạn bao la vẫn còn lại để được biết. Tôi tưởng rằng một ngày nào đó tôi sẽ giải quyết được bí ẩn của thế giới khoa học và qui nó về thành phương trình toán học và rằng thế thì nó sẽ không còn là bí ẩn nữa. Nhưng vấn đề toán học lại ngày càng trở nên lớn hơn, và thay vì giải bí ẩn của thế giới, bản thân nó lại trở thành bí ẩn. Bây giờ, không thể nào giải quyết được vấn đề này."
Một vài nhà bác học tiếng tăm nhất của thời hiện đại cũng đang quanh quẩn ở ngoại vi tôn giáo. Những khả năng như thế bây giờ xuất hiện trong khoa học bởi vì khoa học đã đi qua thể thứ hai và đang tiến tới thể thứ ba, và khi nó tiến tới gần thể thứ ba, tiếng vọng của tôn giáo trở thành không tránh khỏi. Chính ý muốn riêng của khoa học là đi vào trong thế giới chưa biết của bất định và xác suất. Đôi khi, ở đâu đó, nó sẽ phải thừa nhận cái không biết. Nó sẽ phải đồng ý rằng còn có nhiều điều nữa bên cạnh cái có thể thấy được bằng mắt trần. Cái không thể thấy được vẫn tồn tại; cái không thể nghe thấy được cũng vẫn tồn tại. Một trăm năm trước đây chúng ta đã nói rằng cái không thể nghe thấy được hay nhìn thấy được hay sờ được là không tồn tại. Bây giờ khoa học nói khác. Nó nói rằng phạm vi sờ thấy được là rất nhỏ nhưng phạm vi không sờ thấy được là rất bao la. Phạm vi âm thanh là rất nhỏ nhưng cái mà không thể nghe được là vô giới hạn. Cái thấy được có đấy nhưng vô cùng nhỏ nếu so với tính vô hạn của cái không thấy được.
Thực tại, cái mà mắt chúng ta nhìn thấy là một phần rất nhỏ của cái đang đấy. Mắt chúng ta bắt được một bước sóng đặc biệt, tai chúng ta nghe được một bước sóng đặc biệt. Trên và dưới những bước sóng này còn vô hạn các bước sóng khác. Đôi khi, bởi ngẫu nhiên, các giác quan chúng ta cũng có thể bắt được những bước sóng này.
Có lần một người bị ngã từ trên núi xuống và tai bị thương. Bây giờ tai anh ta bắt đầu nghe thấy các sóng radio của đài phát thanh thành phố. Khi anh ta vào bệnh viện, anh ta gặp rất nhiều khó khăn; ban đầu anh ta không hiểu điều gì đã xảy ra. Anh ta nghĩ, "Hoặc là mình phát điên hoặc là mình không thể nào hiểu được ý nghĩa của điều đang xảy ra."
Thế rồi mọi thứ bắt đầu dường như rõ ràng và anh ta phàn nàn với bác sĩ. Anh ta hỏi bác sĩ, "Đài phát thanh để ở đâu trong bệnh viện thế?"
Bác sĩ nói, "Anh nghe thấy cái gì sao? Chẳng có đài phát nào cả."
Anh ta vẫn cứ khăng khăng rằng mình đang nghe thấy tin tức và anh ta kể lại điều mình nghe thấy. Viên bác sĩ chạy về văn phòng và bật đài lên. Ông ta ngạc nhiên, ông ta nghe thấy đích xác cũng tin tức đã được thuật lại. Thế rồi mọi sự trở nên rõ ràng. Người ta phát hiện ra rằng tai anh ta đã trở nên quen với các bước sóng mới; chúng đã thay đổi khi anh ta bị ngã từ trên núi.
Rất có thể là trong tương lai gần chúng ta sẽ có thể bắt được trực tiếp các bước sóng bằng việc gắn một vật vào tai. Những âm thanh vô hạn vẫn đang đi qua và bao quanh chúng ta, nhưng chúng ta không thể nào nghe thấy chúng bởi vì trường nghe thấy của chúng ta rất hạn chế.
Thậm chí nhiều âm thanh lớn chúng ta cũng không thể nghe thấy được. Chúng ta không thể nghe thấy âm thanh trên hay dưới khả năng nghe của tai ta. Khi một ngôi sao sụp đổ, âm thanh cực kì lớn của việc sụp đổ của nó lan rộng khắp quanh ta nhưng chúng ta không thể nghe thấy nó được. Nếu tình huống là ngược lại, chúng ta sẽ trở nên bị điếc. Tương tự, phạm vi thân nhiệt của chúng ta là xấp xỉ giữa chín mươi tám và một trăm mười độ Farenheit (ba mươi sáu và bốn mươi ba độ Celcius). Nếu nó xuống thấp dưới chín mươi tám độ hay nó lên quá một trăm mười độ, chúng ta chết. Cuộc sống chúng ta đung đưa giữa mười tới mười hai độ. Nhiệt lại có phạm vi mênh mông. Nó có thể thấp hơn phạm vi mười hai độ này, nhưng chúng ta không có liên quan với điều này.
Theo cùng cách này chúng ta có những giới hạn của mình về mọi thứ. Nhưng chúng ta có thể biết về những thứ bên ngoài các giới hạn này bởi vì chúng cũng tồn tại. Khoa học đã bắt đầu chấp nhận sự tồn tại của chúng. Một khi có chấp nhận, việc truy tìm những thứ này ở đâu và là cái gì được bắt đầu. Tất cả những điều này đều có thể được biết tới, tất cả những điều này đều có thể được nhận ra, và chính với lí do này tôi đã nói khoa học có thể đạt tới thể thứ năm.
Ai biết được cái không hiện hữu và dựa trên cơ sở nào mà người ta có thể biết được?
Câu hỏi này bản thân nó là sai.
Câu hỏi này không thể nêu ra được và không thể nào được hình thành, bởi vì khi chúng ta hỏi, "Ai biết cái không hiện hữu?", chúng ta coi điều đó là ai đó vẫn còn ở đằng sau. Thế thì đấy không phải là không hiện hữu.
Làm sao tri thức về nó được báo cáo lại?
Không có việc báo cáo lại. Chẳng hạn, khi bạn ngủ ban đêm... Bạn ý thức chỉ về cái xuất hiện trong những giờ tỉnh thức của mình. Một khi ngủ rồi, bạn quên mất những thứ xung quanh mình. Cho nên bạn chỉ có thể báo cáo về những giờ tỉnh thức của mình - về tình huống tồn tại cho tới điểm bạn ngủ. Nhưng như một qui tắc bạn làm điều đối lập lại. Bạn nói, "Tôi đã ngủ tới tám giờ." Điều này là sai. Bạn đáng phải nói, "Tôi không tỉnh cho tới tám giờ tối." Bạn không thể báo cáo lại giấc ngủ, bởi vì khi bạn ngủ, ai báo cáo? Việc báo cáo chỉ có thể từ phía bên kia: "Tôi không tỉnh cho tới tám giờ, hay mãi đến tám giờ tôi mới biết là mình tỉnh, nhưng tôi không biết gì trước tám giờ. Thế rồi tôi biết về việc tỉnh lúc sáu giờ. Có một lỗ hổng giữa tám và sáu giờ mà trong thời gian đó tôi đã ngủ."
Nói điều này để nêu làm thí dụ. Bạn sẽ biết mọi điều cho tới thể thứ sáu. Khi bạn nhào vào thể thứ bẩy và đi ra lần nữa để vào thể thứ sáu, bạn sẽ có thể nói "A ha! Ta đã ở đâu đó. Ta đã kinh nghiệm cái không hiện hữu." Việc miêu tả này chỉ được đưa ra ở thể thứ sáu, và biết bao nhiêu người đã không nói sau khi đạt tới bình diện thứ bẩy. Có lí do: tại sao nói ra cái mà không thể nào nói ra được?
Gần đây có một người tên là Witgenstein, và ông ấy đã đưa ra một số phát biểu hiếm hoi. Một trong chúng là: "Cái mà không thể nói ra được, phải không được nói ra." Nhiều người đã nói điều không thể được nói ra và do vậy đẩy chúng ta vào khó khăn bởi vì họ cũng đã bảo chúng ta rằng điều đó không thể nào nói ra được. Cho nên điều này trở thành việc báo cáo phủ định. Đây là tin tức chớp loé lên từ biên giới cuối cùng nơi nó được nói ra, "Tôi đã tới điểm đó, nhưng sau đó, tôi không có nữa. Sau điểm này, chẳng còn gì để biết và không ai có đó để biết. Không có báo cáo và không có người báo cáo. Nhưng điều này đã xảy ra sau một biên giới đặc biệt mà trước đó, tôi có." Đường biên giới đó là biên giới của thể thứ sáu.
Veda, Kinh Thánh, Upanishad, Gita đều đi lên tới thể thứ sáu. Thể thứ bẩy là cái mà không thể diễn tả nổi và thực tế cũng không thể nào diễn tả được. Cho tới thể thứ sáu, cũng không có nhiều khó khăn lắm và tới thể thứ năm, rất dễ diễn đạt. Nhưng tại bình diện thứ bẩy, người biết không còn mà tri thức cũng chẳng còn. Thực tế, cái mà chúng ta ngụ ý là cái còn lại, cũng không còn lại. Nếu chúng ta nói về lỗ hổng trống rỗng này, chúng ta sẽ phải dùng ngôn ngữ phủ định. Do đó, Veda và Upanishad phải nói, "Chẳng cái này cũng chẳng cái kia". Chúng nói, "Đừng có hỏi cái gì có đó. Chúng ta chỉ có thể bảo cho ông cái không có đó; chúng ta chỉ có thể nói rằng cái đang có đó là không có đó. Không có bố ở đó, không vợ, không vật chất, không kinh nghiệm, không tri thức. Và cái ‘tôi’ cũng không có nốt: bản ngã không có. Không có thế giới lẫn người sáng tạo ra nó. Không có gì ở đó cả." Đây là đường biên giới của thể thứ sáu. Cái gì có đó? Bạn sẽ phải im lặng, bởi vì điều ấy không thể diễn đạt nổi.
Tin tức về Brahman đã được báo cáo lại, nhưng điều được truyền đạt vượt ra ngoài nó, nhất định phải là phủ định - như điều đã được Phật nói lại. Phật đã cố gắng cực kì vất vả để diễn đạt bình diện thứ bẩy. Do đó, tất cả những gì ông ấy truyền đạt đều là phủ định, và do vậy điều này không đi vào hiểu biết của mọi người nước ông ấy. Kinh nghiệm về Brahman, kinh nghiệm tích cực, đã được mọi người hiểu rõ. Brahman được gọi là sat-chit- ananda - chân lí, tâm thức, phúc lạc - và những khẳng định này đã được hiểu rõ. Người ta có thể nói về nó là thế này, thế nọ, nhưng Phật nói về cái không có đó. Có lẽ ông ấy là người duy nhất đã làm việc vất vả để làm cho mọi người biết tới bình diện thứ bẩy.
Phật đã không được chấp nhận ở đất nước này bởi vì chỗ mà ông ấy nói tới, chẳng có gốc rễ mà cũng không hình dạng. Mọi người nghe và nghĩ điều ấy là vô ích. "Chúng ta sẽ làm gì ở chỗ chẳng có gì cả thế?" họ nói. "Ít nhất, chỉ ra cho chúng tôi nơi mà chúng tôi sẽ có đó chứ." Nhưng Phật nói, "Cả ông cũng sẽ không có." Cho nên mọi người trên đất nước này xa lánh khỏi ông ấy, bởi vì họ muốn cứu mình ở chính chỗ cuối cùng.
Phật và Mahavira là người đồng đại, nhưng mọi người hiểu Mahavira rõ hơn bởi vì Mahavira nói về những hiện tượng cho tới bình diện thứ năm. Mà ông ấy thậm chí cũng chẳng đề cập tới bình diện thứ sáu. Điều này là bởi vì Mahavira có tâm trí khoa học, và bất kì khi nào ông ấy cố gắng giải thích về bình diện thứ sáu, ông ấy đều cảm thấy rằng lời nói dường như trở thành nhập nhằng, mơ hồ và phi logic. Cho tới bình diện thứ năm, mọi thứ đều ổn định và có thể đưa ra lời mô tả rằng điều này là như vậy hay điều kia là như vậy, bởi vì cho tới bình diện thứ năm, chúng ta thấy mọi thứ tương tự như kinh nghiệm của mình.
Giả sử có một hòn đảo rất nhỏ ở giữa đại dương và chỉ một loài hoa mọc trên đảo này. Có vài người sống trên đảo và họ chưa bao giờ bước ra khỏi đảo. Thế rồi một hôm một con tầu đi qua và mang một trong những người này ra nước ngoài rồi lại đưa anh ta trở về đảo. Tại nước ngoài người này thấy nhiều loài hoa khác nhau. Với anh ta "hoa" có nghĩa là một kiểu hoa đặc biệt mọc trên đảo của mình. Bây giờ, lần đầu tiên, ý nghĩa của hoa đã được mở rộng, và anh ta hiểu rằng từ hoa không chỉ nói tới một loài hoa mà còn tới hàng nghìn loài hoa. Anh ta thấy ở đó có hoa hồng, hoa loa kèn, hoa sen và hoa nhài. Bây giờ anh ta lo nghĩ. Làm sao anh ta sẽ về và giải thích cho đồng bào mình rằng hoa không chỉ là một loài hoa? Làm sao anh ta sẽ giải thích rằng hoa có tên, bởi vì trên đảo của mình, hoa chỉ có một loài và không có tên: nó đơn thuần là ‘hoa." Bây giờ anh ta tự hỏi làm sao mình sẽ nói cho những người khác về hoa loa kèn và hoa nhài đây.
Anh ta trở về đảo, và mặc cho những khó khăn của mình, vẫn có một lối thoát cho anh ta. Có ít nhất một loài hoa để xem xét. Bây giờ anh ta có thể nói thêm chi tiết về loài hoa này và cố gắng giải thích tính đa dạng về mầu sắc, hình dáng và hương thơm của các hoa khác để truyền đạt ý tưởng nào đó trong khám phá của mình. Anh ta có thể nói, "Giống như loài hoa này mầu trắng, cũng còn có những loài hoa khác mầu đỏ, mầu hồng, mầu vàng và nhiều mầu khác. Giống như loài hoa này nhỏ bé, cũng còn có những hoa to như hoa sen." Theo cách này anh ta có thể trao đổi, bởi vì một loài hoa đã có đó để chỉ ra điều gì đó về loài hoa khác.
Nhưng giả sử rằng người này không tới nước khác mà thay vì thế anh ta lên mặt trăng nơi không có hoa, không cây cỏ, nơi bầu không khí là bất thường với anh ta và sức ép khí quyển cũng khác. Khi anh ta quay về hòn đảo của mình và người ta hỏi anh ấy thấy gì trên mặt trăng, thế thì sẽ rất khó giải thích, bởi vì chẳng có gì tương đương với kinh nghiệm của anh ta để giải thích cả. Không có từ ngữ hay kí hiệu nào trong ngôn ngữ của anh ta để truyền đạt lại báo cáo.
Đây đích xác là tình huống đang xét. Cho tới bình diện thứ năm chúng ta còn tìm ra lời để diễn đạt, nhưng nó cũng hệt như là cố gắng giải thích khác biệt giữa một hoa và một nghìn hoa. Từ bình diện thứ sáu ngôn ngữ trở thành lẫn lộn. Tại đó chúng ta đạt tới điểm mà ngay cả sự khác nhau giữa một và một nghìn cũng không đủ để giải thích. Điều ấy là rất khó. Cho dù thế thì, với việc khéo dùng phủ định, tính toàn bộ vẫn có thể truyền đạt được ý tưởng nào đó. Chúng ta có thể nói không có giới hạn; nó là vô biên. Chúng ta quen thuộc với các biên giới, cho nên với sự giúp đỡ của tri thức này chúng ta có thể truyền đạt rằng không có biên giới nào ở đó. Điều này sẽ cho một ý tưởng nào đó, và mặc dầu nó vẫn còn mông lung chúng ta vẫn có thể giả thiết rằng chúng ta hiểu. Nhưng vấn đề lại không phải là thế.
Cho nên có nhiều lẫn lộn. Chúng ta cảm thấy chúng ta đã theo được cái được nói - rằng không có biên giới ở đó. Nhưng "không biên giới" có nghĩa là gì? Kinh nghiệm của chúng ta là về các biên giới. Nó cũng hệt như những người ở hòn đảo ấy sẽ nói, "Vâng, chúng tôi đã hiểu. Nó là hoa mà anh đang nói tới." Thế thì anh bạn của chúng ta sẽ nói, "Không, không phải đâu! Chớ có xem xét hoa đó. Hoa đấy chẳng liên quan gì đến hoa này cả; hoa như thế không tìm thấy được ở đây đâu." Thế thì mọi người sẽ nói, "Tại sao anh lại gọi chúng là hoa nếu như chúng không giống hoa này? Một mình hoa này mới là hoa thôi."
Chúng ta nữa cũng đang dưới ảo tưởng rằng chúng ta hiểu. Khi chúng ta được bảo, "Thượng đế là vô hạn, vô giới hạn,", chúng ta nói, "Vâng, chúng tôi hiểu." Nhưng kinh nghiệm của chúng ta chỉ là về các biên giới. Chúng ta thêm từ "không" vào nó và chúng ta cảm thấy rằng mình hiểu là không có biên giới ở đó và chúng ta chắc chắn rằng chúng ta đã hiểu. Nhưng một khi bạn bắt đầu quan niệm về cái mà không có giới hạn, thế thì điều đó thành đáng sợ. Dù bạn có quán tưởng đến đâu đi chăng nữa, biên giới vẫn cứ còn lại. Bạn đi xa hơn, xa hơn nữa - thậm chí hàng triệu và hàng tỉ dặm vượt ra ngoài nơi năm ánh sáng chấm dứt - nhưng bất kì khi nào bạn dừng lại, biên giới sẽ xuất hiện.
Ý nghĩa của vô biên trong tâm trí chúng ta nhiều nhất, cũng chỉ có thể là biên giới mà ở rất rất xa xôi; nó xa đến mức vượt ra ngoài sự lĩnh hội của chúng ta, nhưng nó vẫn cứ tồn tại. Thế thì lần nữa chúng ta sẽ lại bị lỡ. Cho nên có thể nói điều gì đó về bình diện thứ sáu và chúng ta có thể nghĩ chúng ta đã hiểu, nhưng kì thực chúng ta không hiểu.
Bây giờ với bình diện thứ bẩy chúng ta sẽ thậm chí không làm đến cả việc nói ra là chúng ta hiểu nữa. Bình diện thứ bẩy thậm chí không thể nào được nói tới nữa. Nếu ai đó cố gắng nói, chúng ta sẽ lập tức nói, "Anh đang nói cái điều vớ vẩn gì vậy?" Do đó, một từ ngớ ngẩn đã được dùng để chỉ ra bình diện thứ bẩy - một từ mà không có ý nghĩa nào, không ngụ ý cái gì.
Chẳng hạn, lấy thí dụ, từ aum: nó chẳng có nghĩa gì cả; nó là từ vô nghĩa, và chúng ta đã dùng nó trong mối quan hệ với thể thứ bẩy. Cho tới thể thứ năm chúng ta còn có thể nói được, nhưng khi ai đó cứ khăng khăng nói về thể thứ bẩy, chúng ta nói, "Aum." Do đó, khi một bản kinh được hoàn tất, từ Aum shanti được viết ra. Bạn có biết nó có nghĩa gì không? Nó có nghĩa là thể thứ bẩy đã tới; chẳng còn gì thêm nữa mà nói. Các kinh sách kết thúc ngay khi bình diện thứ bẩy xuất hiện; việc bắt đầu của bình diện thứ bẩy là việc chấm dứt của kinh sách. Do đó, vào cuối mỗi kinh sách chúng ta không viết "Hết"; chúng ta viết "Aum Shanti." Aum là biểu tượng về bình diện thứ bẩy và nó ngụ ý để truyền đạt rằng không thể có bất kì thảo luận gì nữa. Nó thôi thúc chúng ta tĩnh lặng và an bình từ đó trở đi.
Chúng ta đã tạo ra một lời ngớ ngẩn không có ý nghĩa gì, không có động cơ đằng sau nó. Và nếu có bất kì động cơ nào sau nó, nó trở thành vô dụng bởi vì chúng ta đã tạo ra lời này cho cái thế giới mà tại đó tất cả các động cơ đều chấm dứt. Nó là lời vô động cơ và do đó nó không tồn tại trong bất kì ngôn ngữ nào khác của thế giới. Nhiều thực nghiệm đã được tiến hành nhưng không có ý nghĩa cho aum. Người Ki tô giáo cầu nguyện và cuối lời cầu nguyện của mình người đó sẽ nói "Amen." Người đó đang nói "Thế là đủ! Kết thúc rồi! An bình từ đây trở đi. Không thêm lời nào nữa." Nhưng điều này không tương đương với aum. Aum không thể nào dịch được. Nó là biểu tượng mà chúng ta đã chọn cho bình diện thứ bẩy.
Nó đã được khắc vào trong các đền để nhắc nhở chúng ta đừng dừng lại ở bình diện thứ sáu bởi vì còn có bình diện thứ bẩy nữa. Nó được đặt vào giữa hình ảnh của Rama và Krishna để gợi ý rằng aum còn lớn lao hơn họ. Krishna nhìn vào nó - nhưng aum còn lớn lao hơn nhiều, aum là rất bao la. Mọi thứ đều xuất hiện ra từ nó, mọi thứ đều hội nhập vào trong nó. Do đó, chúng ta không định giá aum với bất kì cái gì khác trên thế giới. Nó là cái linh thiêng nhất của sự linh thiêng theo nghĩa là nó là cái tối thượng, cái vượt ra ngoài, nơi mọi thứ đều mất đi cá tính của mình.
Cho nên không có gì có thể được báo cáo lại từ bình diện thứ bẩy. Nó chỉ có thể được mô tả theo ngôn ngữ phủ định: "Nó không phải là thế này; nó không thể là thế nọ, vân vân.." Nhưng điều này cũng chỉ mang nghĩa cho tới bình diện thứ sáu. Do đó, nhiều người thấy vẫn còn im lặng về bình diện thứ bẩy. Những người cố gắng nói về nó, đều tạo ra nhiều khó khăn cho bản thân mình, bởi vì thậm chí trong khi nói về nó, họ cũng phải lặp đi lặp lại rằng điều đó là không thể nào diễn tả nổi. Họ cứ luôn luôn cảnh tỉnh người nghe: "Chúng tôi đang nói về điều đó, nhưng quả thực điều đó không thể nào nói ra được." Thế thì chúng ta bị thách đố. Tại sao họ nói về những điều mà không thể nào nói ra được? Họ không nên nói về nó chứ. Nhưng họ nói, "Bình diện thứ bẩy, dứt khoát là có, nhưng chúng tôi không có lời nào xứng đáng để mô tả cho nó."
Không có gì trong thế giới này so sánh được với nó; nó là không diễn đạt nổi. Có rất nhiều điều có thể được nói về nó, nhiều điều có thể được diễn tả, nhưng khó khăn là ở chỗ không có phương tiện nào để truyền đạt nó thành lời. Nó chỉ có thể được biết nhưng nó không thể nào được diễn tả ra.
Đó là lí do tại sao những người đã có thời rất mau miệng, những người là diễn giả lớn, những người có thể giải thích được mọi thứ dưới mặt trời, lại bỗng nhiên trở thành câm lặng khi họ trở về từ bình diện thứ bẩy. Khi họ đột nhiên thành im hơi lặng tiếng theo cách này, việc im hơi lặng tiếng của họ truyền đạt một thông điệp: đôi mắt im lặng của họ nói lên cái không nói được. Chẳng hạn, liên quan tới điều bạn đang hỏi đây, Phật đã nêu ra một qui tắc là những câu hỏi nào đó không nên nêu ra cho ông ấy. Ông ấy nói, "Đừng hỏi những câu hỏi này. Không thích hợp để hỏi về chúng; không thích hợp để biết về chúng." Ông ấy sẽ nói rằng một chủ đề nào đó là không thể nào xác định nổi và do đó không nên được thảo luận. Việc thảo luận về nó sẽ là không thích hợp.
Lão tử nói, "Đừng yêu cầu ta viết ra, bởi vì bất kì điều gì ta viết ra rồi sẽ trở thành sai. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể truyền đạt được điều ta muốn truyền đạt; ta chỉ có thể viết ra cái mà ta không muốn truyền đạt. Nhưng dùng điều đó để làm gì?" Cho nên ông ấy đã không viết cho đến lúc cuối cùng. Khi dân quê ép buộc ông ấy, ông ấy đã viết một cuốn sách nhỏ. Chính câu đầu ông ấy đã viết là "Đạo khả đạo phi thường đạo" - Ngay khi chân lí được diễn đạt ra, nó trở thành sai. Nhưng đây là chân lí của bình diện thứ bẩy. Tại bình diện thứ sáu nó trở thành không sai, nhưng mơ hồ. Tại bình diện thứ năm, chân lí được diễn đạt không thể tranh cãi nổi. Tại bình diện thứ bẩy, duy nhất việc diễn đạt của nó là không thể được. Nơi mà chúng ta không còn nữa, làm sao lời nói và ngôn ngữ còn lại được? Chúng nữa cũng chấm dứt với chúng ta.
Đâu là những đặc trưng rõ ràng của aum mà từ đó nó đã được chọn để biểu thị cho bình diện thứ bẩy?
Có hai lí do cho việc chọn aum. Một là ở chỗ lời được tìm phải không có ý nghĩa, không thể được cho bất kì nghĩa nào - bởi vì nếu nó truyền đạt bất kì nghĩa nào, nó sẽ bị thu về bình diện thứ năm. Cho nên một lời được cần tới, theo một nghĩa nào đó, phải là vô nghĩa. Tất cả các lời của chúng ta đều có nghĩa; chúng ta tạo ra lời để chúng truyền đạt ý nghĩa. Nếu chúng không truyền đạt bất kì ý nghĩa nào, tại sao phải dùng chúng? Chúng ta sử dụng chúng, và mục đích của việc nói là để truyền đạt một ý nghĩ nào đó.
Khi tôi thốt ra một lời, nó phải gợi ra một ý nghĩa nào đó bên trong bạn. Cho nên khi người ta trở về từ bình diện thứ bẩy, họ cảm thấy rằng nếu họ tạo ra bất kì lời nào để diễn tả bình diện thứ bẩy mà truyền đạt một ý nghĩa, họ lập tức bị đẩy trở lại bình diện thứ năm. Thế thì những lời đó sẽ được thêm vào từ điển, chỗ mà mọi người sẽ đọc chúng và nghĩ rằng họ đã hiểu. Nhưng bình diện thứ bẩy lại không có ý nghĩa. Bạn có thể nói rằng nó là vô nghĩa hay nói rằng nó là vượt ra ngoài ý nghĩa - cả hai điều này đều mang cùng một nghĩa.
Cho nên trong hoàn cảnh mà tất cả ý nghĩa đều bị mất, không ý nghĩa nào còn lại, ta có thể tìm ra được loại lời nào cho điều này và làm sao nó có thể hình thành được? Lời này đã được tạo ra với sự giúp đỡ của của tầm nhìn và dự phóng vĩ đại, và theo cách thức rất khoa học. Một lời gốc, lời cơ sở, đã được xây dựng, lời này được làm thành nền tảng. Do vậy làm sao mà lời này, lời phải truyền đạt cái không có nghĩa, lại có thể được tìm ra? Nó được hình thành theo cách nào? Theo cách thức sâu sắc nó sẽ trở thành biểu tượng cho nguồn gốc nguyên thuỷ.
Ba âm cơ bản của lời nói chúng ta là a-u-m. Tất cả việc xây dựng lời của chúng ta đều là sự mở rộng của ba âm này. Chúng là các âm gốc. Bây giờ bản thân các âm a- u-m đều không có nghĩa, bởi vì chính mối quan hệ của chúng mới quyết định ra ý nghĩa. Khi ‘a’ trở thành một lời, nó mang một nghĩa; khi ‘m’ trở thành một lời nó lại mang một nghĩa. Nhưng bản thân chúng, vô nghĩa. Thế mà chúng vẫn là gốc rễ, và tất cả việc xây dựng lời nói của chúng ta đều là việc mở rộng và tổ hợp của ba âm này.
Cho nên ba âm gốc này đã được lấy ra và gắn lại để tạo nên lời aum. Bây giờ aum có thể được viết ra, nhưng bằng việc viết ra nó, người ta có thể bắt đầu nghĩ rằng nó có thể có ý nghĩa giống như bất kì các lời nào được viết ra khác. Người ta sẽ nghĩ rằng aum nghĩa là cái trong bình diện thứ bẩy. Cho nên không lời nào đã được phát minh ra nhưng bức tranh về aum, lại được tạo ra: không chữ nào được dùng cho nó. Ba chữ a-u-m chỉ là âm và không có chữ nào hay từ nào. Cho nên aum đi vào sự hiện hữu dưới dạng hình ảnh để cho nó không bị bỏ xó trong từ điển và thay vào đó sẽ đập vào mắt và trở thành một dấu hỏi. Nó đi vào sự hiện hữu theo cách này để cho người ta sẽ trở nên háo hức tìm ra nó có nghĩa gì.
Bất kì khi nào một người đọc tiếng Phạn hay tới nghiên cứu sách cổ, lời này cũng trở thành khó giải thích. Lời tới trong việc hiểu thấu về chúng bởi vì chúng có ý nghĩa - nhưng , lại vượt ra ngoài việc hiểu. Người ta bao giờ cũng hỏi, "Aum ngụ ý gì? Đâu là ý nghĩa của nó? Nó có nghĩa gì và tại sao nó lại không được viết ra theo chữ giống như a-u-m? Tại sao lại là dạng bức tranh này?" Nếu bạn nhìn kĩ vào bức tranh này, bạn sẽ thấy rằng nó được tạo nên từ ba phần gồm kí hiệu cho a, u và m.
Bức tranh này đòi hỏi nghiên cứu sâu sắc; nó không phải là bức tranh thông thường. Việc nghiên cứu về nó đã được tiến hành từ thể thứ tư chứ không từ bình diện vật lí. Thực tại, khi một người đi vào thể thứ tư và trong trạng thái vô suy nghĩ, âm điệu của a-u-m bắt đầu vang vọng bên trong người đó và tổ hợp của chúng tạo thành lời aum. Khi có tĩnh lặng hoàn hảo bên trong, khi ý nghĩ hoàn toàn vắng bặt, thế thì tiếng rì rầm của aum bắt đầu vọng vang bên trong. Âm thanh này đã được nghe thấy từ bình diện thứ tư nơi ý nghĩ không còn nữa và ngôn ngữ cũng không còn nữa. Thế thì cái còn lại là âm thanh của aum. Cho nên theo cách này âm thanh đó được nghe thấy.
Bây giờ như tôi đã nói trước đây, mỗi lời đều có hình mẫu của riêng nó. Khi chúng ta dùng một lời nào đó, một hình mẫu đặc biệt sẽ hình thành trong tâm trí. Nếu ai đó thiền về aum, khi nó vang vọng ở bình diện thứ tư, hình ảnh tương ứng sẽ bắt đầu biểu hiện bên trong. Đây là cách thức tất cả các câu mật chú mầm đã được phát hiện ra. Khi tiếng vang vọng của một luân xa đặc biệt được thiền nhân bắt lấy trong khi thiền, câu mật chú mầm của luân xa đó được biển hiện ra. Đây là cách thức tất cả các câu mật chú mầm này đã được hình thành, và aum là hạt mầm tối thượng. Nó không phải là hạt mầm của bất kì luân xa đặc biệt nào; thay vì thế thì nó là biểu tượng của bình diện thứ bẩy mà là vô hạn và vĩnh hằng.
Cho nên theo cách này lời aum đã được tìm ra. Và khi nó ăn khớp với kinh nghiệm của hàng nghìn người tìm kiếm, người nêu ra sự chấp thuận về nó, lời này được chấp nhận. Nó không đi vào sự tồn tại với sự chấp thuận của một người hay của một nhóm người. Khi cùng lời này được dội lên trong nhiều thiền nhân, khi hàng triệu người trong số họ chứng nhận về tính chân thực của nó, chỉ thế thì nó mới được chọn. Do đó, lời aum không phải là tài sản của tổ tiên truyền lại của bất kì tôn giáo hay tổ chức nào. Vậy, Phật giáo và Jaina giáo tự do dùng nó mà không sợ hãi gì. Nó không phải là tài sản riêng của Hindu giáo. Lí do là ở chỗ nó đã được đạt tới bởi đủ loại thiền nhân từ nhiều con đường khác nhau. Bất kì cái gì tương đương mà chúng ta tìm ra ở các nước khác, theo một cách nào đó đều là sự phân mảnh của chính từ này.
Bây giờ nếu chúng ta xem xét lại những phát kiến của người tìm kiếm La Mã hay A Rập, chúng ta sẽ thấy rằng âm "m" thường được nhắc tới. Một số phát kiến gắn ‘a’ cùng với ‘m’, nhưng ‘m’, chắc chắn có. Điều này là bởi vì ‘a’ và ‘u’ là rất tinh tế, và do vậy khó mà bắt được chúng. Cho nên phần thứ nhất của từ này tuột ra khỏi sự chú ý của chúng ta và chỉ phần sau mới được nghe thấy. Do đó, khi âm thanh của aum bắt đầu vang vọng bên trong, ‘m’ trong nó là dễ dàng nghe thấy được. Nếu bạn ngồi trong một căn phòng kín và tụng aum, âm thanh trước sẽ nhường đường cho âm thanh của ‘m’. Vậy, ‘a’ và ‘u’ trở thành hoàn toàn không nghe thấy nữa, còn chính âm ‘m’, vang vọng khắp nơi. Cho nên thiền nhân sẽ đi tới kết luận rằng âm ‘m’ là chắc chắn, trong khi những âm đi trước, không hoàn toàn rõ ràng. Khác biệt chỉ là ở việc nghe thấy, nhưng bất kì khi nào việc tìm kiếm đã được tiến hành theo cách này, cái gì đó này khác về từ này lại được thiền nhân hiểu thấu. Khi một nghiên cứu ráo riết được tiến hành - chẳng hạn, nếu một nghìn nhà khoa học tiến hành cùng một thực nghiệm và thu được cùng kết quả, thế thì tính hợp lệ của nó được chứng minh.
Đất nước này thật may mắn theo nghĩa hàng nghìn năm đã được dành ra ở đây trên cuộc hành trình hướng tới cái ta. Không đâu khác trên thế giới này mà mọi người ở bất kì nước nào lại tiến hành thực nghiệm này trên qui mô lớn đến thế và bao gồm nhiều người đến thế. Mười nghìn thiền nhân ngồi quanh Phật; bốn mươi nghìn người, cả nam lẫn nữ, ngồi quanh Mahavira và họ tiến hành việc thực nghiệm quần chúng. Trong một chỗ nhỏ bé như Bihar bốn mươi nghìn đệ tử của Mahavira đã thực nghiệm. Không đâu khác trên thế giới này xảy ra sự kiện như vậy. Jesus, ông bạn tội nghiệp, chỉ có mỗi mình, còn Mohammed, đã phải dành thời gian để vật lộn vô vọng với những người dốt nát.
Trên đất nước này tình huống đặc biệt đã phát triển trong đó mọi người đều nhận biết về sự kiện là đây không phải là vấn đề tranh đấu. Tại đây mọi thứ đều rõ ràng. Mahavira ngồi đấy và bốn mươi nghìn người thực hành thiền ngay trước ông ấy. Điều này đem lại cơ hội lớn cho việc quan sát và kiểm chứng lại những kinh nghiệm của các thiền nhân khác nhau trên những bình diện khác nhau. Có thể sẽ có sai sót nào đó khi chỉ có một hay hai người thực hành, nhưng khi có đến bốn mươi nghìn người, không thể có sai sót được. Bốn mươi nghìn người bận rộn với nhiều kĩ thuật thiền khác nhau. Mọi thứ đều được suy nghĩ đúng, mọi thứ đều được kiểm chứng, mọi thứ đều được hiểu thấu đúng đắn.
Do đó, đất nước này đã thực hiện nhiều khám phá trong lĩnh vực tâm linh hơn là các nước khác, bởi vì tại các nước khác, người tìm kiếm chỉ có một mình. Cũng giống như phương Tây ngày nay đang tiến hành các thực nghiệm khoa học trên qui mô lớn về việc sử dụng các nhà khoa học, theo cùng cách đó đất nước này đã có thời sử dụng hàng nghìn thiên tài, trí thức của mình vào khoa học về linh hồn. Những khám phá mà họ đem lại từ các cuộc hành trình của mình vào linh hồn là rất có ích, nhưng trên cuộc hành trình của chúng tới mảnh đất khác, tri thức này cũng bị phân mảnh và biến dạng.
Chẳng hạn, cây thánh giá của Jesus: nó là phần còn lại của chữ thập ngoặc. Trong cuộc hành trình lâu dài của nó tới những miền đất xa xôi, đây là cái còn lại của chữ thập ngoặc. Chữ thập ngoặc đã từng là biểu tượng giống như aum. Aum là biểu tượng cho bình diện thứ bẩy, chữ thập ngoặc là biểu tượng cho bình diện thứ nhất. Do đó, hình ảnh của chữ thập ngoặc là động. Các nhánh của nó trải ra và cho ấn tượng về chuyển động; nó quay mọi lúc. Thế giới thông thường có nghĩa là cái chuyển vận vào mọi lúc. Cho nên chữ thập ngoặc đã được tạo nên làm biểu tượng cho thể thứ nhất, còn aum là biểu tượng cho thể cuối cùng. Không có chuyển động gì trong aum cả. Nó tuyệt đối tĩnh lặng; có im lặng hoàn toàn; mọi thứ đều ở điểm dừng. Với chữ thập ngoặc, có chuyển động.
Trong cuộc hành trình của mình chữ thập ngoặc đã trở thành cây thập tự vào lúc nó đạt tới Ki tô giáo. Có mọi khả năng là Jesus đã tới Ai cập cũng như Ấn Độ. Ông ấy đã ở Nalanda, trường đại học Phật giáo cổ đại, cũng như ở Ai cập, và do vậy ông ấy đã thu hoạch được rất nhiều tri thức. Một điều là tri thức về chữ thập ngoặc. Nhưng tri thức này bị biến dạng đi giống như tin tức được đem lại do những người đã thấy nhiều hoa kể cho nơi chỉ có một loài hoa tồn tại. Thông điệp của Jesus đã bị phá huỷ và chỉ cây thập tự là còn lại.
Phần phía trên của dấu hiệu aum, đã tới đạo Hồi. Nửa vầng trăng mà họ đảo ngược chính là mảnh phía trên của aum mà đã bị tách rời khỏi phần chính trong cuộc du hành của nó sang A rập. Các từ và kí hiệu bị biến dạng tồi tệ trong cuộc hành trình của chúng, và sau hàng nghìn năm chúng bị mòn mỏi tới mức khó mà nhận ra dạng nguyên thuỷ của chúng nữa. Âm thanh mới, lời mới, được thêm vào chúng khi chúng du hành từ chỗ nọ sang chỗ kia, và những người khác nhau với văn hoá khác nhau sử dụng chúng. Tất cả các loại thay đổi đều xảy ra, và thế thì khi cái gì đó tách ra khỏi nguồn gốc nguyên thuỷ của nó, khó mà phân biệt được vị trí nguyên thuỷ của nó, cách thức nó đi vào sự hiện hữu và điều gì đã xảy ra cho nó.
Luồng tâm linh của toàn thế giới có liên hệ thực sự với đất nước này, bởi vì ngọn nguồn nguyên thuỷ, cơ bản của tâm linh đã được sinh ra tại đây và cũng từ đây mà tin tức về nó lan truyền đi xa và rộng. Nhưng người truyền thông điệp, người mang thông điệp này tới những miền đất khác và những người nhận thông điệp ấy lại nói theo ngôn ngữ khác. Do đó, sự sáng tỏ bị thiếu trong việc giao và nhận thông điệp này. Bây giờ không người Ki tô giáo nào đeo cây thập tự quanh cổ có thể nghĩ được rằng đấy là một phần của chữ thập ngoặc; không người hồi giáo nào có thể mơ được rằng một nửa vầng trăng người đó đảo ngược lại chính là một đoạn của aum.
Theo một số học giả Ki tô giáo, amen chỉ là một dạng biến thể xa của aum. Vào cuối tất cả những lời cầu nguyện của người Ki tô giáo lời amen được dùng để biểu thị việc tuân phục điều thiêng liêng. Chính niềm tin của người nghiên cứu là ở chỗ trong Kinh thánh, cứ chỗ nào nói, "Lúc đầu đã có lời và lời chính là cùng với Thượng đế,", aum là từ được ngụ ý. Amen là nói tới cả alpha lẫn omega - cái bắt đầu và cái kết thúc. Người ta cũng nói rằng Jesus đã nói với tông đồ John, "Ta là Amen." Ở chỗ khác amen đã được dùng để ngụ ý chân lí tuyệt đối hay "Nó là như vậy."
Nhiều từ Latin được sử dụng trong cách thức tôn kính của người Ki tô giáo, và trong tất cả chúng, một dạng biến thể của aum đều hiện diện. Chẳng hạn, Per omni secula seculorum, vân vân. Nó cũng hiện hữu trong các từ tiếng Anh omnipresent - toàn diện, omniscient - toàn trí, omnipotent - toàn năng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét