Cảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối
chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt
là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong
sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt,
rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy
tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.
Cứ mỗi buổi chiều tà, khi ông mặt trời đỏ mọng, từ từ khuất
sau khe núi, người ta lại thấy một người đàn bà từ cửa rừng Sắc Rông đi ra,
vai khoác ba lô, quần xắn qua gối, người đàn bà dò dẫm lội qua con suối nước
trong rồi mất hút vào làng Trà Tân. Một cái làng chỉ có hơn trăm hộ gia đình
từ miền Bắc di dân vào lập nghiệp sau ngày miền giải phóng.
Người đàn bà ấy, tuổi đã ngoài 30, tên là Trần Hạnh Dung. Hạnh Dung dáng người tầm thước, khuôn mặt luôn đượm buồn, nhưng nét hào hoa, duyên dáng một thời vẫn còn đọng lại. Hạnh Dung là vợ Trần Quang. Ngày ấy hai người yêu nhau lắm. Cứ tưởng cả trái đất này chẳng ai yêu Hạnh Dung hơn Quang. Cứ tưởng chả sức mạnh nào có thể tách rời được hai trái tim ấy. Vậy mà họ lại tự nguyện rời nhau. Sống bên nhau chưa đầy tuần trăng, Quang lên đường vào chiến trường B3. Ngày Quang và Dung li biệt, họ thề: nếu Quang không trở về Dung sẽ sống một mình đến già. Lời nguyền ấy đã thành sự thật. Ngày làm lễ truy điệu Quang, Hạnh Dung mới ngoài đôi mươi tuổi. Cái tuổi tinh hoa của người con gái đang kỳ rực rỡ. Gương mặt tròn trĩnh, đôi mắt trong veo, tính tình dịu dàng, đoan trang. Nhiều bạn trai trong làng ngoài xã để ý và đặt vấn đề với Hạnh Dung, nhưng Dung đều khéo léo khước từ. Năm tháng qua đi, Dung lầm lũi tựa cái bóng thủy chung với lời nguyền và âm thầm nuôi đứa con gái, kết quả của tình yêu mà Quang để lại. Khi hai miền Bắc Nam thống nhất, nhiều gia đình ở miền Bắc vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên tìm hài cốt của chồng, của con đưa về nghĩa trang quê nhà. Hạnh Dung cũng muốn đi tìm mộ Quang. Nhưng hoàn cảnh gia đình chưa cho phép nên chưa có dịp đi được. Một năm sau, theo chủ trương của nhà nước, chuyển một bộ phận dân cư vào khai hoang ở Tây Nguyên. Quê Dung đất chật người đông, nên cả làng tình nguyện vào Trà Tân, Đắc Min Đắc Lắk xây dựng quê hương mới. Vào đây, ngày ngày vừa phát nương, làm rẫy, nuôi mẹ già, nuôi con, Dung vừa đi rừng tìm hài cốt của chồng. Người đàn bà lội suối lầm lũi đi vào rừng tìm hài cốt cùng Hạnh Dung là bà Phan mẹ của Quang. Bà gần 70 tuổi, mặt nhiều nếp nhăn, nhưng vẫn cố sức. Bà hy vọng một ngày nào đó bà và Dung sẽ tìm thấy Quang, vì bà nghe kể Quang đã chiến đấu, hy sinh ở khu rừng này. Người ta bảo rừng Sắc Rông huyền bí và thiêng lắm. Đêm khuya vắng vẻ, nhất là những đêm mịt trời, người dân ở các bản làng quanh khu rừng thường nghe thấy những âm thanh kỳ lạ, não nùng. Có khi như là âm thanh của rất nhiều người la hét, ai oán. Có khi là tiếng trẻ con gào gọi, cười vang. Tất cả đều trộn trong tiếng lá rừng lao xao. Những đêm trời sắp mưa, mây đen trùm xuống, âm khí ngột ngạt, y như là đêm ấy có hiện tượng lạ. Khu rừng mịt mùng bóng tối bỗng vụt lên những đốm lửa, khi bay là là, khi vút lên cao. Từ một vài đốm, lan toả dần dần, rồi tới hàng trăm đốm chập chờn. Những đốm lửa chập chờn trong rừng lừ lừ đi ra, rồi lại lừ lừ đi vào. Người thì bảo đấy là ma trơi. Hiện tượng này ở nhiều nơi người ta cũng đã gặp. Người thì cho là bóng lân tinh từ gốc cây rừng bay ra. Nhưng lân tinh chỉ chiếu sáng lập lòe chứ sao lại như ngọn lửa chập chờn. Có người cho đó là cốt khí bốc hoả của các linh hồn tan thây vì bom đạn trong chiến tranh. Bà Phan và Dung cùng một số dân làng Trà Tân cũng nghĩ như thế. Hạnh Dung nhớ có lần một ông già người Ê Đê, mình trần, da nâu về thăm bản và đã kể lại. Làng Trà Tân chính là vùng đất trước kia người Ê Đê sinh sống. Ông bảo trong những năm đánh Mỹ, một hôm có một trung đoàn bộ đội hành quân qua vùng này. Họ trú quân trong rừng Sắc Rông. Bộ đội nhiều, họ mắc võng dày đặc gốc cây, ngồi kín cả đất rừng. Không may bọn thám báo rình mò phát hiện. Nửa đêm, chúng gọi máy bay Mỹ trút bom xuống khu rừng. Lúc ấy bộ đội đang ngủ. Máy bay quần đảo bắn phá suốt từ 12 giờ khuya tới sáng hôm sau. Hàng trăm tấn bom sát thương và bom cháy đủ loại đổ xuống rừng Sắc Rông. Những chớp lửa bùng lên cháy rừng rực, sáng một góc trời đêm. Cả trung đoàn bộ đội bị thương và hy sinh gần hết. Ngày hôm sau dân bản vào rừng chôn cất và băng bó cho những anh bộ đội còn sống. Nhưng người sống chẳng còn được là bao. Bom đạn cày xới nhiều lần thi hài bộ đội hầu hết bị vùi lấp và tan nát, lẫn vào đất đá. Ngày ấy là mùa nắng. Mấy hôm sau máu và thịt xương bộ đội văng lên cành cây, khe đá còn sót, bốc mùi nồng nặc. Ông già bảo, dân bản lại cùng nhau vào rừng tìm kiếm, thu nhặt. Nhiều người trèo lên tít ngọn cây mới gỡ được những bàn tay, bàn chân, mảng tóc đưa xuống. Ông già và mọi người gói lại được hơn một trăm gói thịt đem chôn cất cẩn thận... Nghe ông già Ê Đê kể lại, dân làng Trà Tân không ai cầm được nước mắt. Dung bùi ngùi nói với bà Phan: - Chồng con và nhiều anh em báo tử không có mộ chí và hài cốt, có thể cũng hy sinh như hoàn cảnh các anh bộ đội trong rừng Sắc Rông mẹ ạ. Bà Phan gật đầu bảo: - Chỉ thương các chú ấy vì dân, vì nước chết mà không được vẹn toàn. Hạnh Dung nghĩ, chồng chị cũng đã từng chiến đấu ở Tây Nguyên, ở trên mảnh đất này. Trong số hàng nghìn chiến sĩ hy sinh ấy, có thể có cả anh Trần Quang của chị. Thế là từ đó, cứ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, sau những mùa làm rẫy, Hạnh Dung lại cùng bà Phan vào rừng tìm kiếm hài cốt của Quang và đồng đội của anh. Dung coi đó như là trách nhiệm, một công việc thường ngày trong cuộc sống của chị. Ngày mới vào khai hoang, vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Rồi bệnh tật, sốt rét, ốm đau, trạm y tế thiếu, trường học thiếu. Một số gia đình không chịu nổi quay gót hồi hương về quê cũ. Số người trụ lại, dần dần cuộc sống khá hơn. Non nghìn ha cà phê của làng Trà Tân trải dài trên 5 quả đồi xanh tươi bạt ngàn. Những luống cà phê cao ngập đầu người, chùm quả đỏ thẫm, dày dít. Mùa cà phê chín, cả làng lên đồi thu hái nhộn nhịp. Nhờ liên tiếp được mùa cà phê, dân làng Trà Tân ngày một khấm khá. Nhiều gia đình trở thành giàu có. Đứa con gái của Hạnh Dung tên là bé Hoa. Càng lớn Hoa càng ngoan ngoãn và rất hiếu nghĩa với mẹ, với bà nội. Ngoài buổi đi học, về nhà Hoa giúp mẹ dọn dẹp, cơm nước, chăm sóc bà nội. Ba người nương tựa vào nhau, Dung cảm thấy ấm lòng. Nhờ mấy vụ cà phê, cuộc sống gia đình Dung ngày càng ổn định, khá giả hơn trước. Dung dành dụm một số tiền mua vải tốt, và mua những chiếc túi nhựa thật tốt, thật dày. Mỗi lần đi tìm hài cốt, Dung mang theo một miếng vải, một túi nhựa cho vào chiếc ba lô. Chiếc ba lô của chú em đi bộ đội, về phục viên tặng chị. Một vai khoác ba lô, một vai vác cây xẻng, chị lặng lẽ đi vào rừng Sắc Rông. Có ngày chị đi cùng mẹ chồng, nhiều hôm Dung đi một mình. Rừng Sắc Rông mênh mông, bao la. Nay tìm ở khu này, mai sang khu khác. Chân bước mắt dõi nhìn, tay vạch lá. Hễ có mô đất cao cao là Dung nghĩ ngay ở dưới có hài cốt. Dung đào, đào hì hục, đào không biết mệt, rồi bới đất tìm kiếm. Có khi đào hàng chục mô đất, mệt phờ người cũng chả có gì. Những lúc đào trúng mộ, Dung hồi hộp lắm. Mộ nào chị cũng mong là hài cốt anh Quang. Nhưng chẳng có dấu vết gì riêng biệt. Mặc dù khuôn mặt Quang khi còn sống rất gần gũi thân thương, Dung còn rất nhớ. Vậy mà trước mỗi thi hài tìm được, chị vẫn không thể nào hình dung ra nổi, có phải hài cốt anh Quang không? Ngắm những bộ xương sọ, cái sọ nào đôi mắt cũng sâu hun hút, cái cằm cũng hoăn hoắt nhọn. Bộ xương đầu nào, Dung cũng cảm thấy có nét hao hao, giông giống anh Quang. Chị nhẹ nhàng bới tìm từng mẩu xương, lau sạch rồi gói cẩn thận vào tấm vải. Tất cả những bộ hài cốt tìm được, Dung đều lặng lẽ mang về chôn cất chu đáo ở khu vườn sau nhà. Chị giấu bé Hoa vì sợ bé Hoa sợ hãi, nên khi đưa hài cốt về. Chị phải chờ lúc bé Hoa đi học hoặc chờ trời tối mới ra vườn đào hố chôn cất. Dung giấu cả mọi người vì sợ dân làng và người thân ngăn cản. Gần 3 năm leo đèo, lội suối, đi rừng vất vả Dung đã tìm được hơn một trăm bộ hài cốt liệt sỹ đưa về chôn cất. Tuy mộ không đắp to cao, nhưng vì thấy nhiều mô đất cạnh nhau, nên có lần bé Hoa ra vườn đã hỏi: - Mẹ ơi, mẹ đắp những mô đất này làm gì thế? Dung nói lái đi: - Để sau này ươm cây cho chóng tốt con ạ. - Sao mẹ lại thắp hương? Dung lúng túng rồi cũng mau nghĩ được cách ứng xử: - Khu đất này ngày trước là chiến trường có nhiều chú bộ đội hy sinh ở đây. Mẹ thắp hương để các chú bộ đội về phù hộ cho mẹ con ta đấy. - Vậy à Dung nói với bé Hoa: - Bố con ngày trước cũng chiến đấu ở B3 tức là ở vùng đất Tây Nguyên này. Biết đâu bố con cũng sẽ về đây. Bé Hoa vui lên: - Bố hy sinh ở đây thì về nhà mình gần mẹ nhỉ. Ở một góc phía Tây rừng Sắc Rông, Phạm Tường, người đại đội trưởng thời chống Mỹ, bạn thân của liệt sỹ Trần Quang. Anh đang cùng bảy chiến sỹ đi tìm hài cốt đồng đội. Vai khoác ba lô, vai mang xẻng cuốc, vừa đi vừa quan sát quanh gốc cây rừng. Sau ngày miền giải phóng, Phạm Tường chuyển ngành về một đơn vị chính sách chuyên đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở Tây Nguyên. Anh là thương binh loại hai trên bốn. Tuổi tác và sức khoẻ tuy có giảm, nhưng tinh thần đồng đội của anh vẫn như thời trai trẻ. Anh tình nguyện xin vào làm việc này vừa là trách nhiệm, vừa là duyên nợ với đồng đội. Anh bảo, hơn mười năm chiến đấu ở chiến trường B3 Tây Nguyên phần nào anh hiểu được thông thổ đất rừng ở đây. Anh đã từng chứng kiến và trực tiếp chôn cất nhiều đồng đội ở cánh rừng Sắc Rông này. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đội tìm kiếm hài cốt len lỏi vào tận rừng sâu, hẻm núi. Ban ngày quan sát, phát hiện, đào đất. Ban đêm mắc võng ngủ ngay dưới tán cây rừng. Tìm được một thi thể đâu có dễ. Có khi hàng ngày, hàng mấy ngày vất vả đào bới, tay không vẫn hoàn tay không. Nhưng cũng có khi đào một hố, tìm được hai, ba đồng đội. Mỗi khi thấy một bộ hài cốt Phạm Tường cùng anh em kiểm tra rất cẩn thận các di vật kèm theo. Quan trọng nhất là tìm được cái lọ pênicêlin. Bên trong lọ đựng tờ giấy ghi họ tên, đơn vị, quê quán, đậy nắp cao su rất kín. Tìm được là biết được địa chỉ anh bộ đội ở đâu, khi xây mộ làm bia sẽ có đầy đủ họ tên, quê quán. Hài cốt nào không có cái lọ pênicêlin đựng "danh tính" thì được xây ở hàng liệt sĩ vô danh. Rừng Sắc Rông mênh mông, trùng điệp. Bao nhiêu đồng đội đã vùi xác ở đây. Ngày ấy, cuộc chiến còn đang tiếp diễn, mọi người còn mải truy đuổi quân thù, nên các chiến sĩ hy sinh phải nằm nghỉ tạm nơi rừng xanh, khe suối. Mà hồi đó, thời gian mưa nắng xoá nhoà, cây rừng lấp khuất, phải vất vả lắm mới tìm được nơi các anh yên nằm. Một hôm vừa vượt qua con suối cạn gặp ngay một cái dốc dựng đứng. Leo tới đỉnh dốc, tình cờ gặp một cây sấu đại thụ bị bom phạt cụt ngọn, mọc cành mới toè ra hai bên. Phạm Tường dừng lại nghiêng ngó và bất chợt nhận ra dấu vết xưa. Đầu anh gật gật rồi nói với mọi người: - Có thể chỗ này là nơi bọn mình đã chôn cất một người đồng đội. Người ấy là bạn của mình. Chôn ngay dưới gốc cây sấu đây. Phạm Tường nhớ lại cái ngày bất hạnh của Trần Quang, người bạn của anh. Hồi đó là cuối năm 1972, đơn vị của Tường và Quang đóng quân ở khu rừng này. Hôm ấy đơn vị cử Quang đi gùi gạo. Kho quân lương chỉ cách nơi đóng quân chừng ba cây số đường rừng, mà đến tối không thấy Quang trở về. Đơn vị cử người đi tìm suốt đêm, suốt cả ngày hôm sau vẫn không thấy. Bốn ngày sau đơn vị phải hành quân di chuyển địa điểm. Phạm Tường và Bùi Minh được phân công ở lại tiếp tục tìm kiếm Trần Quang. Tìm đến trưa ngày thứ năm, mệt quá, Tường và Minh dừng nghỉ, ngồi ăn cơm dưới gốc cây sấu cụt. Bỗng dưng Minh phát hiện ra gò đất kỳ lạ bên gốc cây sấu đối diện sát chỗ hai người ngồi. Minh sửng sốt chỉ tay: - Anh Tường trông kìa, ai lại đắp tượng bên gốc cây kia nhỉ? Tường ngước nhìn nhạc nhiên: - Ừ nhỉ. À, hình như là đống mối cậu ạ. Mối nó xông gốc cây đấy. Mắt Minh vẫn không rời mô đất. - Mối xông, sao lại xông hình người ngồi, lạ nhỉ? Tường và Minh ngồi ăn cơm, thỉnh thoảng mắt vẫn hướng về phía đống mối. Bỗng dưng cả hai cùng kinh ngạc. Mô đất mối xông hình người bên gốc cây đối diện tự nhiên lúc lắc, cựa quậy. Tường và Minh trấn tĩnh rồi khe khẽ bước lại phía đống đất. Đúng là một ổ mối, một ổ mối rất giống hình người ngồi dựa lưng vào gốc cây. Phần đầu cựa quậy làm một mảnh đất vỡ ra. Tường đoán có thể là một người ngồi chết bị mối xông. Minh lấy một khúc cây đập đập và dùng lưỡi dao găm rạch phần trên ổ mối, đất bở ra, một cái mặt người trật ra. Tường và Minh sửng sốt cùng nhận ra cái mặt người ấy là Quang. - Trời ơi! Quang. Đúng là Quang rồi. Sao cậu lại ra nông nỗi này Quang ơi! Tường và Minh cuống quít bóc tách ổ mối bao quanh người Quang. Cả ba lô gạo sau lưng Quang mối cũng xông kín. Bóc Quang ra khỏi ổ mối, đặt anh nằm xuống, vừa lau chùi, Tường và Minh vừa thay nhau thổi ngạt, hà hơi tiếp sức cho Quang. Sờ lên ngực, nhịp tim Quang vẫn đập nhưng yếu. Hơi thở chỉ còn nhè nhẹ. Người lạnh toát. Chừng hơn 10 phút sau, trái tim Quang ngừng hẳn, hơi thở cũng không còn, anh vĩnh viễn ra đi. Tường và Minh vuốt phẳng ống quần, cài cúc áo, đặt anh nằm ngay ngắn trên tấm vải đỏ. Hai người lặng lẽ ngồi bên Quang rất lâu và phán đoán. Có thể Quang gùi gạo về tới đây thì đột ngột lên cơn sốt rét ác tính. Hoặc bị cảm, bị đau bất thường, dữ dội. Vì mệt lả, Quang để nguyên cả bao gạo sau lưng ngồi dựa vào gốc cây. Cơn bệnh làm anh hôn mê, bất tỉnh. Kiệt sức, cứ ngồi mê man trong cơn bệnh hành hạ suốt bốn, năm ngày đêm nắng, mưa nên mối đã xông kín người Quang. Đống mối lúc lắc, động đậy mà Minh nhìn thấy, có thể là thời khắc Quang sắp trút hơi thở cuối cùng. Con người ta trước khi chết thường có sự vật vã, hoặc dãy dụa, co dật. Với Quang có lẽ anh không còn đủ sức dãy dụa, vật vã nên trước khi tắt thở chỉ cựa quậy yếu ớt. Tường và Minh đào đắp một cái bệ đất cao chừng nửa mét, gom lá cây trải ra rồi trải tấm ni lon lên trên. Khẽ khàng khiêng thi hài Quang đặt lên mô đất. Đêm ấy hai người thay nhau đốt hương, đốt lửa suốt đêm bên thi hài của bạn, và lặng lẽ ngồi bên linh cữu Quang cho tới sáng hôm sau. Khi ông mặt trời lên nửa cây rừng, là lúc Tường và Minh đào xong cái huyệt bên gốc cây sấu cụt rồi nhẹ nhàng đặt Quang vào yên nghỉ dưới đó. Trước lúc vĩnh biệt bạn, Tường và Minh quỳ xuống chống tay bên nấm mộ, giọng Tường nghẹn ngào: "Quang ơi, thế là từ nay anh em mình vĩnh viễn xa nhau. Đơn vị đại đội hai mất một người đồng chí. Gia đình Quang mất một người con, Dung mất một người chồng... Đơn vị đang hành quân vào mặt trận nên chỉ có Tường và Minh tiễn đưa Quang về nơi an nghỉ cuối cùng. Quang yên lòng nằm lại đây nghe. Bao giờ đất nước thống nhất, nếu chúng tôi còn sống, nhất định chúng tôi sẽ vào đón Quang về"... Tường đi đi, lại lại, quan sát xác định nấm mộ dưới gốc cây sấu cụt. Cỏ dại và cây gai đã trùm kín. Giá không có ngọn cây sấu cụt và cái dốc dựng đứng qua con suối để xác định, để nhớ thì cũng khó tìm được nơi Quang yên nghỉ giữa chốn rừng xanh mênh mông này. Mặc dù ngay từ buổi đầu đặt chân tới tìm hài cốt đồng đội trong rừng Sắc Rông, Tường đã để tâm đến liệt sĩ Quang bạn của anh. Tường chỉ đạo anh em phát quang bụi gai quanh gốc sấu. Tuấn đi lại phía Tường: - Anh Tường, chúng em đào nhé! - Ừ, nhưng phải cẩn thận nhé. Đừng để lưỡi xẻng chạm vào xương nghe! - Anh Tường ơi, anh lại xem, bạn anh tiêu gần hết rồi. Tường cúi xuống, thục tay cào bới. Tấm vải đỏ gói Quang mối xông nát vụn. Hài cốt của Quang phần lớn đã tan vào đất. Chỉ còn cái hộp sọ là còn nguyên, nhưng rễ cây đã quấn chặt. Tường nhẹ nhàng gỡ từng cái rễ cây nhỏ xíu để hộp sọ không bị dập vỡ. Anh tỉ mỉ nhặt từng mẩu xương bỏ vào túi hài cốt. Gần nửa giờ sau, Tường và Tuấn mới gỡ được hộp sọ ra khỏi búi rễ cây. - Sao ngày đó các anh không mai táng anh Quang trên gò đất cao, để tránh rễ cây và mối xông? Tuấn hỏi. - Nếu để ngoài gò đất trên cao, chỉ một trận bom là thi thể tan tành. Có khi trúng bom tung lên rồi văng mỗi nơi, mỗi mảnh. Để bên gốc cây, chúng mình cho là an toàn hơn, nhất là cây đại thụ sẽ che chắn cho thi thể. Tường nói tiếp: - Dù bị dễ cây quấn chặt, mối xông, còn một phần còn hơn là mất hết. Hài cốt của Quang nằm trong ba lô của Tường, các chiến sĩ tiếp tục rẽ cây tiến vào rừng sâu. Giữa rừng Sắc Rông, một buổi chiều. Pơ Kan người bản Đắk Lak, thân hình cường tráng, bắp thịt săn chắc như thân cây mun. Nước da nâu, hai bờ vai đỏ thẫm. Anh khoác tấm vải thô màu xẫm, đóng khố, tay cầm con rựa, vai vác khúc gỗ, khật khưỡng đi dưới tán cây rừng. Bất chợt Pơ Kan gặp một người thiếu phụ nằm im bên một hố đất như không hề hay biết có thế gian này. Đưa một ngón tay hơ hơ lên mũi, thấy hơi nóng còn ra. Pơ Kan cởi tấm vải trên vai đắp lên người thiếu phụ. Anh vút chạy đi, lao vào bụi cây, tìm lá thuốc mang tới bên người thiếu phụ. Một nửa nắm lá đặt lên trán người nạn nhân, một nửa đưa lên miệng nhai vụn ra nước. Tay khẽ nâng người nạn nhân, mặt cúi xuống, chấm môi mình vào môi người thiếu phụ, nhả miếng nước lá thuốc vào miệng. Rồi khe khẽ đỡ đầu chị đặt lên đùi cho dễ thở và anh ngồi im chờ đợi. Lần đầu tiên trong đời Pơ Kan được gặp một người đàn bà xinh đẹp lạ thường. Người đàn bà đang nằm thiêm thiếp trên đùi anh. Cổ trắng ngần, bờ vai và thân hình tròn lẳn, đôi mắt khép mơ màng. Tai họa của người thiếu phụ là điều may đối với Pơ Kan. Anh nghĩ thế. Anh cảm như trời phú cho anh một nàng tiên đẹp, đẹp hơn cả giấc chiêm bao. Pơ Kan hồi hộp đặt một bàn tay lên trán chị, hơi ấm đang dần dần nóng lên. Lại nhai một miếng lá thuốc nữa, lại cúi xuống chấm làn môi khô bỏng lên môi người thiếu phụ mềm lạnh. Nước thuốc từ miệng anh nhỏ xuống thấm dần lan tỏa khắp cơ thể. Người thiếu phụ đó là Hạnh Dung. Chị đang đi tìm hài cốt của chồng và hài cốt đồng đội của chồng. Thấy một mô đất hình con rùa, trên có đặt phiến đá màu xám, rêu đã phong phủ. Gặp nấm mộ nào chị cũng linh cảm trong sâu thẳm của lòng đất là hài cốt của anh Quang. Riêng nấm mộ này không hiểu sao chị tin hơn tất cả. Chị tin là mộ anh Quang. Niềm tin thành ảo tưởng, khiến chị cứ tưởng như là đang ngồi trên nấm mộ của chồng. Chị lo lắng hồi hộp. Chị hì hục đào, hì hục cuốc. Đất rừng mùa khô kết như hóa thạch. Lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại tóe lên những tia lửa. Chị vẫn đào. Bao nhiêu sinh lực trong cơ thể dồn vào cán xẻng. Mồ hôi đầm đìa. Cái bệnh tim của chị đã từ lâu mỗi khi làm quá sức là cảm giác khó thở lại dâng lên nghèn nghẹn ở hai cánh mũi. Nhưng sức mạnh từ thế giới bên trong nấm mộ đã truyền sang chị. Cả một khối đất hình con rùa khô xác, hóa thạch được đôi bàn tay nhỏ nhắn của chị kiên nại quật lên. Đặt cái xẻng, cắm một nắm hương lên đống đất mới đào. Làn khói hương như những sợi mây trắng tỏa ra quẩn quanh bên đống đất rồi từ từ bay lên đám lá rừng. Chị đưa bàn tay khẽ gạt lớp đất vụn màu tro, lật miếng ni lon đã rách, một bộ xương hộp sọ vỡ làm nhiều mảnh nhỏ hiện ra trước mặt. Chị rùng mình, không cưỡng nổi cơn bệnh và sự kiệt lả. Rừng cây như đưa võng, cổ nghẹn ứ, đôi mắt hoa vàng và rất nhanh chóng tối sầm lại. Chị ngã gục xuống. Hạnh Dung nằm mê man gối đầu lên đùi người con trai Kà Tu, một quãng đùi trần mềm ấm. Cái cảm giác đầu tiên, Dung mơ hồ nhận ra là làn môi ấm áp, mạnh mẽ. Làn môi có lúc xa xăm, chờn vờn, run rẩy, đặt lên làn môi bất động của chị. Rồi từ làn môi ấy, một dòng nước vừa đăng đắng, vừa ngọt ngào truyền vào miệng chị, và lan chảy khắp cơ thể rân ran. Ngày chị và Quang yêu nhau, cảm giác hoàn toàn khác. Cả hai cùng hết mình truyền cảm sức sống kỳ diệu của tình yêu vào làn môi nồng nàn, cháy bỏng. Lại một làn môi khẽ chạm lên môi chị vẫn ấm nóng nhưng rất mơ hồ. Lại một dòng nước ngòn ngọt, đăng đắng nhỏ xuống. Chị khẽ ngửa lên theo phản xạ, nuốt ngon lành những giọt nước thuốc nhỏ xuống. Hai bờ vai cựa quậy, mi mắt khép mở. Bất chợt một luồng sáng vàng vọt ùa vào hai khoé mắt. Luồng sáng mờ đục như chiếu qua một làn sương mỏng chứa hơi nước bỗng bừng lên. Hạnh Dung từ từ mở mắt. Mọi cảnh vật dần dần hiện rõ. Thoạt tiên Hạnh Dung nhận ra một người đàn ông rất lạ đang bế chị. Chị vẫn chưa định hình nổi cái gì đã xảy ra. Người đàn ông là ai? Chị nghĩ tới Trần Quang. Những giây phút hạnh phúc lâng lâng như bay bổng, chập chờn, có lúc như tan vào trong vũ trụ. Pơ Kan nhìn chị - như nhìn vào cõi hư vô. Dung cựa mình, và dần dần tỉnh hẳn. Chị đã nhận ra người đàn ông từ từ nâng chị ngồi dậy là người hoàn toàn xa lạ. Chị cựa quậy, ngượng nghịu định vượt ra khỏi tay người đàn ông. Nhưng một giọng nói lạ và trầm: - Nằm yên lát nữa cho tỉnh hẳn đã. Chị vừa bị ngất mà. Dung chợt nhớ bộ hài cốt và nhận ra nỗi đau từ cái hộp sọ, hiểu ra một tai họa vừa đi qua. Ngực chị vẫn còn nằng nặng và thỉnh thoảng buốt nhói. Ngồi trước mặt Pơ Kan, chị không còn cảm thấy ngượng nghịu. Chị nhìn anh và cất tiếng nhẹ nhàng: - Không có anh chắc là tôi đã đi theo anh ấy nhà tôi rồi. - Ồ, không đi được. Chị phúc hậu và đẹp như một nàng tiên ấy, giàng chưa cho chị đi mà. Pơ Kan giới thiệu về mình. Dung thì nói lại công việc mà chị đang làm từ khi vào xây dựng quê hương mới ở Đắc Min. Pơ Kan vẫn không rời chị. Anh giúp Dung bới đất lần tìm những mảnh xương vỡ dưới hố, đưa lên ghép lại và gói vào tấm vải hoa. Anh bảo Hạnh Dung: - Chị là người Kinh, nhưng vô đây là thành người Tây Nguyên rồi, nên phải theo tập tục của người Tây Nguyên. Mùa này là mùa lễ hội, người Tây Nguyên không bỏ mả đâu. Rước người chết lên, giàng không cho cái hồn theo cái xác đâu. Có khi còn bị nó quở đấy. Mùa khô, mùa nắng mới là mùa bỏ mả. Trò chuyện với Pơ Kan, Dung đã rõ được đôi nét văn hoá và những tập quán của vùng đất Tây Nguyên mà dân làng Trà Tân của chị chưa có dịp am hiểu. Pơ Kan bảo: ở Tây Nguyên khi năm cũ hết là lúc thóc đã lên sàn, mẹ lúa đã về ngủ với đất. Mọi người lao động đã xong. Con người đi thăm nhau. Mùa lễ hội bắt đầu, tiếng cồng chiêng ầm ĩ, vang động suốt ngày, suốt đêm. Tiếng vang dội từ sườn núi bên này âm âm, u u vọng qua sườn núi bên kia. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân nga vang lên từ sâu thẳm. Người ta bảo đấy là tiếng hồn của rừng, của đất, của sông núi. Khắp nẻo buôn làng, gái trai, già trẻ cùng nhảy múa, ca hát, đốt lửa và đánh đàn. Tiếng đàn Tơ Rưng trầm trầm vút cao. Đàn KSi thánh thót, kèn Dinh vang xa. Trai gái hỏi vợ, gả chồng, mùa cưới nhau say mê, cuồng nhiệt, cứ thế cho đến lúc ông Giàng phóng xuống những cái roi lửa lòng vòng lên núi, lên đồi, là lúc sấm gọi mẹ lúa dậy, mùa lao động lên nương, lên rẫy lại bắt đầu... Rừng Sắc Rông một buổi tối. Phạm Tường cùng các chiến sĩ mắc võng quây quần bên nhau, y như ngày hành quân vượt Trường Sơn vào chiến đấu. Để tránh mối xông và mưa ướt, những bộ hài cốt tìm được trong buổi chiều chưa kịp đưa về nghĩa trang, mọi người xếp trong ba lô rồi lấy ni lon bọc kín, treo lên gốc cây. Cây khô được chất đống, đốt lửa sáng lên một góc rừng. Tám cái võng giăng sát bên nhau, trò chuyện rôm rả đung đưa dưới tán cây lập loè ánh lửa. Từ một cái võng tiếng Thuần vọng ra: -Mấy hôm nay chúng ta kiếm được toàn là hài cốt chị em. - Sao cậu biết là hài cốt chị em. Tường hỏi. - Trông biết quá đi chứ. Hộp sọ phụ nữ thường tròn xương, mặt và cằm nhỏ, ngắn. giới cằm nhọn, xương dài, hốc mắt rất sâu. - Cậu có nghề đấy. - Gần 3 năm đi kiếm tìm đồng đội, chuyên đào bới hài cốt, phải có nghề chứ. Nếu không có nghề, có khi gặp con vượn chết lại bảo xương đồng đội. Từ cái võng gốc cây bên cạnh, tiếng Bùi Phán nói: - Mình tìm được nhiều hài cốt con gái, chắc những năm chiến tranh, vùng này có nhiều đơn vị nữ đóng quân hoặc có các cô thanh niên xung phong ở đây phải không? - Đúng đấy. Đây gần tuyến đường chiến lược, có nhiều đơn vị thanh niên xung phong vào mở đường. Các đơn vị thanh niên xung phong hầu hết toàn là con gái. Phán bảo Thuần: - Hồi đó qua đây, chắc Thuần gặp nhiều chị em lắm. Có chuyện gì vui vẻ, tình tứ hay kỷ niệm sâu nặng với nhau, kể cho vui đi. Ở đây buồn chết đi được. Mọi người khích lệ, Thuần ngồi bật dậy. Hai cây đầu võng rung rinh. Anh nói: - Mình chẳng có tính tang, vui vẻ hay sâu nặng gì cả, nhưng có một lần đi "phục kích" chị em buồn cười lắm. - Thế thì tuyệt, kể đi. Thuần hồi nhớ lại chuyện ngày đó rồi kể: - Hôm ấy tiểu đội của mình đi gùi đạn từ kho quân giới giữa một khu rừng ne. Trên đường về nghe tiếng reo ào ào, bọn mình biết ngay là trước mặt có suối sâu. Tiểu đội trưởng phát lệnh: "Tất cả chuẩn bị tụt quần, vắt vai, lội suối". - Thế các cậu truồng à? - Giữa rừng như bưng lấy mắt, chả truồng thì để ướt hết à. Thuần tiếp: Khi tới gần bờ suối, bỗng nghe tiếng con gái cười khúc khích. Tất cả nín thở, im lặng, khe khẽ tiến lại phía bờ suối, phục kích. Thì ra dưới con suối đến hai chục cô gái đang tắm "trần". Toàn là những nàng mười tám, đôi mươi ở đơn vị thanh niên xung phong ra suối tắm. Tưởng giữa núi rừng heo hút chẳng có ai qua lại, các nàng cởi hết, kỳ cọ, ôm nhau cười. Ngực các nàng đầy đặn, da thì trắng, nước suối thì trong. Bọn mình rón rén nhoài lên sát bờ suối, vén lá nhìn, các cô nàng chẳng hay biết gì. Có những thứ trời ban cho con gái, lần đầu tiên được nhìn, trời ơi. - Các cậu thích không? - Thích chứ. Bao nhiêu năm sống ở rừng mà. - Sao lúc ấy không ào xuống, mỗi anh quơ một nàng. - Quơ hai nàng vẫn còn thừa. Bọn mình có 9 tên, mà dưới suối những hơn hai chục em. Nhưng ai lại làm thế. Kỷ luật quân đội các cậu tưởng ú ớ được ư? Anh nào léng phéng còn bị kỷ luật. Xấn vào ôm người ta có mà chết toi. - Anh Thuần kể tiếp đi, rồi sau làm sao? Nằm trên võng một chiến sĩ thò đầu ra giục. Hình như cả tốp anh nào cũng thích những chuyện bất ngờ như thế. Thuần tiếp: - Bọn mình vẫn nằm im thưởng thức cảnh vật đang sống động dưới lòng suối. Các nàng té nước, đuổi nhau, đùa dỡn. Tắm chán tất cả kéo nhau lên bờ mặc quần áo. Từ giữa con suối cứ thế lông nhông lội vào. Các nàng đi lên chẳng may lại đúng vào chỗ bọn mình đang mai phục. Tất cả nằm im, nhưng chẳng giấu kín được đống ba lô và những cái chân xõng xoài, những cái đầu cúi gằm, làm các nàng hoảng sợ, vơ vội quần áo, vừa che, vừa chạy, miệng kêu ré lên. Tranh thủ lúc các nàng biến vào những bụi cây mặc quần áo, bọn mình tụt quần, vượt suối, rút quân an toàn. - Thật tiếc cho các cậu, toàn những em xinh đẹp vậy mà để mất… Phán hỏi: - Có khi nào Thuần gặp lại các cô em ấy không? - Không. Đơn vị mình sau đó chuyển vào chiến trường B2. Chỉ có ở gần các tuyến đường vận chuyển mới có chị em thanh niên xung phong. - Thuần đã gặp rồi nhé! ở cái võng kề bên, Bính bật dậy liền nói. Hôm qua đào được mấy bộ hài cốt liệt nữ, cậu thốt lên bảo, những khuôn mặt trông quen lắm. Biết đâu thi hài những liệt nữ trong ba lô kia lại là những cô gái tắm truồng ở con suối mà cậu đã gặp. - Cũng có thể. Thuần nói. Ở vùng này ngày ấy bom Mỹ đánh suốt ngày. Không ít đơn vị thanh niên xung phong trúng bom hy sinh gần hết. Những thi hài chúng ta tìm được, chắc chắn là thi hài của nữ thanh niên xung phong. Từ cái võng đối diện, Hoàng nói vọng sang: - Nếu không có chiến tranh, hẳn bây giờ các cô ấy đã là vợ, là mẹ, sống hạnh phúc như bao người đang sống. Hoàng tiếp tục nói, giọng anh lắng xuống vẻ căm giận: - Vậy mà đế quốc Mỹ đã cướp đi tất cả. Tội ác của chúng, dẫu có mang cả nước Mỹ sang bồi thường cũng không xứng với những hậu quả, mất mát mà chúng đã gây ra. Năm con đom đóm lập loè trên ngọn cây từ từ bay xuống, lượn qua lượn lại quanh những cái võng. Chừng một lát, lại từ từ bay lên đậu vào những chiếc ba lô hài cốt. Bỗng một con sà xuống thành một vệt sáng dài lao sát đầu võng của Tú. Tú nhổm dậy gọi: - Anh Tường ơi, anh đổi chỗ cho em. Trong nhóm đi tìm hài cốt, Tú là người trẻ nhất, mới ngoài đôi mươi. Tường nói: - Sao lại đổi chỗ. Cậu sợ mấy con đom đóm kia chứ gì. Phán trêu Tú: - Đom đóm cõng ma. Nó bay đến cõng linh hồn thi hài những cô gái trẻ trong ba lô về võng của cậu đấy, vì cậu cũng trẻ mà. Phạm Tường bảo: - Sợ gì. Phán nó doạ đấy. Ở rừng làm gì có ma. Gặp đom đóm rừng là sắp có tin mừng. Chắc người yêu cậu đang gửi thư vào cho cậu đó! Tú vẫn không nghe: - Anh không đổi, em sang nằm chung với anh đây. - Nằm hai người đứt mẹ nó võng. Thôi được, cậu sang đây, tớ sang đấy. Đồ nhát, chắc ở nhà đêm đi tè, mẹ phải đi kèm chứ gì? Tất cả cùng cười, cây hai đầu võng rung rung. Những con đom đóm buông chiếc ba lô lập loè bay tít lên cao. Phạm Tường tụt xuống võng, bước ra ném thêm mấy cành khô vào đống lửa. Anh cúi áp mặt xuống đống củi thổi phù phù. Ngọn lửa bùng lên cháy. Đi về phía võng của Tú, Tường ngồi xuống rồi nói: - Thôi nhé. Hết chuyện tiếu lâm rồi, giờ các cậu trật tự, mình trao đổi một vài công việc rồi ngủ. Ngày mai tổ của Phán chuyển những bộ hài cốt đã tìm được về trạm để làm thủ tục nhập nghĩa trang. Còn anh em ta chuyển hướng về phía bắc của cánh rừng Sắc Rông này, tiếp tục tìm kiếm những đồng đội còn lấp khuất. Đống củi cháy sắp tàn. Thỉnh thoảng một đốm than còn đỏ lửa lòe lên rồi tắt hẳn. Khu rừng đen tối mênh mông. Những con đom đóm từ trên ngọn cây sà xuống, lập lòe lượn quanh bên những cánh võng...
Ba ngày sau, tốp chuyển hài cốt tập kết về trạm đã quay trở lại.
Phán kể lại những chuyện đau lòng, mắt thấy tai nghe mà các anh gặp trên đường
và khuyên mọi người phải hết sức cảnh giác khi đưa hài cốt về nghĩa trang.
Minh Chuyên- Hôm ấy khi tới ngã ba gần đài liệt sĩ khu một, tôi và Đức tạt vào một quán cơm bình dân bên đường. Lúc ấy anh nào bụng cũng đói meo. Chúng tôi đang ngồi ăn thì có hai người khách vào quán. Một người chột mắt, sau đó được bà chủ quán cho biết tên hắn là Hảo, Hảo chột. Một tên có chòm râu tỉa nhọn và bộ ria mép rất dày tên là Kiệt, Kiệt râu. Hai tên cứ quẩn quanh bên hai cái ba lô của chúng tôi. Khi chúng ra ngoài, bà chủ quán ghé tai tôi thì thầm: "Các chú có gì phải cẩn thận đấy". Một lát sau Hảo chột và Kiệt râu tới làm quen, ngồi xuống đối diện với tôi và Đức. Không hiểu sao chúng biết được hành trình công việc của chúng tôi, thậm chí biết được trong ba lô có gì? Tên chột lên tiếng trước: - Các anh để chúng tôi chuyển giúp những bộ hài cốt này về nghĩa trang cho. Đi tìm kiếm các anh đã mệt lắm rồi. Tôi sửng sốt và sau đó trấn tĩnh bảo: - Xin cảm ơn, nhiệm vụ của chúng tôi phải làm bằng xong, không được phiền hà người khác. Hảo chột nói thêm: - Chúng tôi cũng làm việc nghĩa. Trước đây cũng đi tìm hài cốt đồng đội. Thấy các anh vất vả mới giúp đỡ. Sao lại từ chối. Đức bảo hắn: - Công việc của chúng tôi không nhờ người khác được! Tên Kiệt râu mỉm cười. Hắn nháy Hảo chột và ý tứ chuyển hướng: - Thôi thì thế này, thú thực nhé. Bọn tôi đang cần một số bộ hài cốt. Các ông để những bộ hài cốt này cho chúng tôi, chúng tôi trả tiền cho các ông tiêu, được chứ. - Bao nhiêu? Đức hỏi: - Trăm ngàn một bộ! Sao! Không được à.Trăm rưỡi xong không? - Các anh mua làm gì? Hảo chột hì hì: - Mấy ông chính sách nhờ bọn tôi. Trước kia chúng tôi cũng xuyên rừng, leo núi tìm kiếm, nhưng giờ thì ngán lắm rồi. Mỗi bộ họ xí cho một tí, còn bọn cai thầu ăn tiệt, nên đành bỏ nghề. Thi thoảng nhờ mấy anh, đỡ vất vả tìm kiếm, cũng được tí chút. - Mấy ông chính sách thu gom hài cốt để báo cáo thành tích à? Tôi hỏi. - Cáo mèo gì đâu. Các ông lập kế hoạch xây dựng nghĩa trang, quy tập liệt sĩ. Có hài cốt mới được duyệt xây. Có xây mới kiếm được chứ. Xây dựng bây giờ là trúng nhất. Xây nghĩa trang lại càng ăn. - Thì ra là vậy. Đức nói. Tên chột bảo: - Thế nào, các ông có để cho bọn này không? Đức nóng mặt: - Thôi các anh đi đi. - Sao, đuổi bọn này hả. Nói cho mà biết nhé, không để thì chúng ông mua của người khác. Thiếu gì kẻ bán xương người. Việc gì phải cáu. Mang tiền đến cho, không biết, ngu! Đức đứng phắt dậy: - Này, anh bảo ai ngu! - Thôi thôi, mình không bán thì thôi sao phải xỉa xói nhau. Hai tên không giở trò gì được, đứng dậy rồi lững thững đi ra đường. Bà chủ quán đi lại chỗ tôi và Đức, phủi ghế, ngồi xuống, giọng bà khe khẽ: - Trông hai chú lực lưỡng chúng không dám làm gì. Bọn này ghê lắm. Cứ lảng vảng ở ngã ba này. Đón người đi tìm hài cốt ở rừng xuống hoặc chuyển từ nghĩa trang miền trong ra đưa về quê là chúng tìm cách đánh cắp. Không nẫng được thì chúng gạ mua bán như vừa rồi. Bà dướn người nhìn ra ngoài đường, nói tiếp: - Gần đây nhà nước có chính sách quy tập mộ liệt sĩ. Chính sách này rất là nhân đạo. Nhưng một số ít người lợi dụng vào chính sách để kiếm chác. Mỗi ngôi mộ cứ có hài cốt để được xây dựng là họ kiếm vài trăm ngàn. Vì thế có bộ hài cốt họ sẻ làm đôi, thế là một anh bộ đội hy sinh được xây hai ngôi mộ. Và họ xếp đó là những ngôi mộ vô danh. Phán và Đức không thể tưởng tượng và cứ ngồi im nghe bà chủ quán kể: Bà tiếp: - Hồi đầu năm có một chị người Định lặn lội vào tận trong này tìm hài cốt chồng, để đem về quê. Hàng tháng trời mới tìm được. Mang ra tới đây bị chúng thó mất. Chị ta vật v kêu gào suốt mấy ngày đêm, đến nỗi kiệt sức ngất lịm mọi người phải khiêng vào viện nằm. Bà rưng rưng nói tiếp: - Chỉ thương cho anh bộ đội, đã được vợ con tìm thấy, đón về quê mà chẳng được về quê. Chúng cũng đưa vô nghĩa địa thôi. Nhưng đang có tên, có quê hương bản quán lại thành mồ vô danh. Mà vô danh chắc gì đã được nguyên vẹn, có khi chúng chia đôi, sẻ ba thành đôi, ba cái mồ vô danh. Thật tội nghiệp cho anh bộ đội xấu số ấy. Nghe bà chủ quán nói, lòng Đức căm giận: - Sao người ta không gô cổ chúng lại. Bà chủ quán bảo: - Làm việc thất nhân tâm, sớm muộn rồi cũng vô nhà đá.Pơ Kan vào rừng Sắc Rông đẵn củi như thường lệ. Tay cầm con dao, mình trần, cắt rừng, đi về phía người đàn bà tên là Hạnh Dung anh đã gặp 3 tháng trước đó. Lòng Pơ Kan rạo rực, mắt anh chan hòa màu nắng, màu của cây rừng. Leo năm cái dốc, lội mấy con suối, nghĩ đến Hạnh Dung là cái mệt tan biến. Chả hiểu người đàn bà miền Bắc có thần bí chi mà như thể đã hút hết hồn vía của anh rồi.Pơ Kan nhằm phía trước, vừa đi vừa thầm mong được gặp lại Hạnh Dung như hôm nào. Hôm ấy, Dung nằm thiêm thiếp trên bắp đùi anh. Pơ Kan cúi xuống, hai vành môi chạm vào nhau. Những dòng nước thuốc vừa đắng, vừa ngọt từ miệng anh truyền sang miệng Dung. Anh bồi hồi ngắm nhìn, cổ Dung trắng ngần, bờ vai và thân hình tròn trặn. Trong đời Pơ Kan chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một người con gái như Dung. Một nàng tiên ở cõi trần. Nàng tiên lại nằm trong vòng tay lúng túng, vụng về của anh. Pơ Kan hết mình chăm sóc cho Dung tỉnh lại. Hai người e thẹn nhìn nhau. Đôi má Dung ửng hồng. Rồi Pơ Kan đưa Dung về làng mới Trà Tân. Dắt Hạnh Dung lội qua dòng suối Kông Xa. Dòng suối trong veo, chân Dung trắng ngần,Pơ Kan bồi hồi. Có lúc Pơ Kan mung lung, suy nghĩ, hay là Giàng đã thương, đã ban phước lành cho Pơ Kan người đàn bà ấy. Ôi thế thì ở trên đời này Pơ Kan là người hạnh phúc nhất. Pơ Kan định lựa một dịp nào đó sẽ chọn ngày lành, sẽ tìm lời đẹp giãi bày tình riêng. Pơ Kan đã có vợ, nhưng người vợ, ở với anh được hai mùa rẫy thì bị bệnh thương hàn, đã về ngủ với đất. Pơ Kan muốn được làm người bạn đời với Hạnh Dung, nhưng không tin Dung sẽ bằng lòng. Vì Pơ Kan là người Kà Tu, Dung là người Kinh miền Bắc. Tính người và tập tục khác nhau. Dung xinh đẹp, cái miệng tươi như hoa núi, chắc Dung không chịu ở chung nhà sàn bập bùng ánh lửa với người Kà Tu. Ở một góc rừng Sắc Rông, Hạnh Dung mê mải làm cái công việc thầm lặng như chị đã làm suốt mấy năm qua. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê hoặc việc nương rẫy thư thả Dung lại tranh thủ vào rừng tìm kiếm hài cốt của chồng và đồng đội của chồng. Lần này, Dung không đi theo cái lối mòn quen thuộc mà rẽ vào một cánh rừng bên trái. Dung bẻ cây, rẽ lối và chăm chú quan sát những mô đất ven đường đi. Càng xa lối mòn, cây cối càng rậm rạp, hoang vắng. Những cây đại thụ cao vút, hai ba người ôm không xuể. Bên dưới dằng dịt những cây mun, lồ ô, dành dành làm khu rừng âm u tĩnh lặng. Bất chợt Dung nhớ tới lời Pơ Kan kể trên đường đưa Dung về Trà Tân. Anh bảo: khu rừng này thiêng lắm. Một mình đi rừng hay bị thần rừng gây tai họa. Có khi chết vì cây đổ, có khi bị thú rừng ăn thịt, hoặc bị rắn độc cắn... Thời đánh Mỹ, bộ đội ở trong rừng đông lắm và họ cũng chết nhiều lắm. Chết vì bom đạn, vì mìn, vì biệt kích, thám báo mai phục. Khi chiến tranh kết thúc, thằng Mỹ về nước Mỹ, bộ đội xuống hết thành phố và đồng bằng. Khu rừng ít người qua lại, càng thiêng hơn. Pơ Kan bảo: Những đêm trở gió hoặc trời mưa giông, dân bản Ka Ná gần đó thường nghe thấy tiếng rừng cây ầm ào, có lúc rú vang như thể lẫn cả tiếng kêu u ú, vù vù, có lúc như tiếng người hét vang, não nùng. Hạnh Dung cho rằng đó là tiếng mưa giông, tiếng gió giật của núi. Pơ Kan bảo không phải, đấy là hồn thiêng của rừng. Hạnh Dung đi một mình là nguy hiểm lắm. Dung nằm ôm đống đất, mắt không mở được, chân không đứng được, đấy là ma rừng muốn bắt Dung đi. Nếu Pơ Kan không gặp, nó đã mang Hạnh Dung vào rừng sâu rồi. Không biết có đúng vậy, nhưng hôm đó giá không gặp Pơ Kan, chả có ma rừng đón rước thì Hạnh Dung cũng đã gửi thân xuống hố đất có bộ xương của anh bộ đội nào đó mà Dung tìm thấy. Hạnh Dung miên man suy nghĩ và bỗng dưng muốn tình cờ lại gặp Pơ Kan ở đây. Không muốn tai họa phải nằm trên đùi anh, nhưng muốn được anh ân cần giúp đỡ. Đang rẽ cây lồ ô mở lối đi lên, bỗng gặp gò đất nổi cao, Hạnh Dung dừng lại. Một nửa gò đất lấp trong bụi cây gai. Dung thọc cây gậy lật bụi gai, bất chợt một con chim màu đen, mỏ đỏ vụt bay ra, làm chị giật thót. Tới một cành cây cao vút cách gò đất chừng hơn 100m, nó đậu lại, lẫn vào tán lá xanh. Hạnh Dung dùng con dao quắm mang theo phát quang cây cối chung quanh. Từ những kinh nghiệm đã gặp, Dung thấy gò đất không bình thường. Những nấm mồ chị đào được chỉ nhỏ bằng cái thúng úp, thậm chí có ngôi chỉ lùm lùm cao hơn mặt đất một tí. Thời gian mưa nắng xói mòn, biến dạng. Có khi bom thả tung lên, quật xuống tan nát không còn gì. Có chỗ gồ ghề chỉ cần gạt lớp đất mỏng đã lộ ra một anh "bộ đội" hài cốt còn nguyên. Gò đất trước mặt Hạnh Dung khá to, như được ai đó đắp lên chắc chắn. Hạnh Dung có linh cảm ở bên dưới là một thi hài chị đang cần tìm. Dung quyết định đào lên. Dung cố hết sức mình, cái lưỡi xẻng mới bẩy lên được một ít đất. Nắng mưa nén chặt, đất rắn chắc. Hì hục gần một giờ đồng hồ Hạnh Dung mới đào được phần đất nổi. Toá mồ hôi, thở gấp gáp, Dung phải ngồi nghỉ để lấy lực đào tiếp. Làm quá sức, hoặc xúc động quá, Dung rất dễ bị choáng ngất. Như lần trước, bắt đầu từ hai con mắt, như toé ra một đàn đom đóm, rồi trời đất chao nghiêng. Dung có cảm giác như bị hẫng hụt, bị rơi vào một khoảng không, mắt tối sầm rồi chị mê man. Hạnh Dung nhớ lại Pơ Kan người con trai Kà Tu không quen biết đã tận tình cứu giúp chị. Anh đã "mớm chị". Dòng nước lá thuốc hiệu nghiệm từ miệng Pơ Kan truyền sang, đưa Dung ra khỏi cái thế giới bóng đen chờn vờn, sâu thẳm. Ra khỏi cơn hôn mê đang sắp sửa vùi chị vào trong cõi vô hư. Lần đầu tiên được một người con trai mớm mình, nghĩ lại ngường ngượng mà lại rất tình người. Không chỉ cứu Dung mà còn như thể truyền cho Dung một sức sống mới. Sau lần ấy, từ trong lòng Dung như thức dậy một tình cảm khác lạ. Đôi lúc Dung cứ muốn nghĩ tới Pơ Kan. Không rõ bây giờ anh đang ở đâu. Dung rất muốn chính lúc này có anh ở bên cạnh. Chị sẽ có thêm sức mạnh...Nghỉ một lát đỡ mệt, Hạnh Dung tiếp tục đào. Chị đào sâu vào trong gò đất chừng hơn một mét thì gặp một lỗ hổng hình bầu dục. Thuổng rộng ra, Dung phát hiện dưới có một cửa hầm. Hơi nóng từ trong hầm phụt ra nồng nồng hôi hôi. Dung cúi đầu áp ngực vào bờ đất nhòm xuống, thăm thẳm tối om. Lấy đèn pin mang theo soi xuống, căn hầm sâu hun hút. Đào cho cửa hầm rộng ra, Dung quyết định chui xuống căn hầm để xem xét. Hầm được kết cấu kiểu hình chữ nhật, bề ngang chừng hơn một mét. Hai bên vách hầm đóng cọc bằng những khúc gỗ tròn, trên trần được lát cũng bằng những khúc gỗ to hơn bắp chân. Tất cả đều mốc xanh, có đoạn mục ruỗng. Đi vào hầm được mấy bước Dung thấy người dờn dợn. Một cảm giác lạnh và ngột ngạt. ánh đèn pin vừa dọi vào phía cuối căn hầm, bỗng Dung rùng mình. Soi tiếp. Trời ơi. Dung thảng thốt định hét lên. Một đống thi hài chồng lên nhau rõ hình từng người. Dung run sợ lao ra cửa hầm, bò vội lên mặt đất. Suýt nữa lại bị choáng. Nhưng lần này, tim đập mạnh, dồn dập, toát mồ hôi, người vẫn tỉnh. Ngồi im, tĩnh tâm, những câu hỏi tò mò hiện lên trong đầu. Sao căn hầm lại chứa nhiều hài cốt thế? Sao các thi hài lại chồng lên nhau? Dung lại bấm đèn pin xuống lần nữa, mắt quan sát những vật dụng ở ngách hầm bên phải, Dung nhận ra những khẩu súng dựa tụm vào nhau đã han rỉ. Dung nghĩ: "có thể đây là hầm của các anh bộ đội bị vùi lấp nên tất cả đều bị chết ngạt". Nghĩ tới các anh bộ đội, tự dưng cảm giác sợ bớt đi. Dung nghĩ đến Quang. Biết đâu trong đống hài cốt dưới hầm có cả hài cốt của anh Quang. Dung quyết định lại chui xuống hầm và sẽ bốc hài cốt các anh bộ đội đưa về chôn cất. Lom khom, nhẹ bước trong căn hầm trống lạnh, Dung có cảm giác như mình đang đi vào cõi tâm linh. Những hốc mắt sâu thẳm từ đống thi hài như đang dõi theo. Dẫu là các anh bộ đội, song linh hồn các anh đã thuộc về thế giới bên kia. Thế giới âm hồn, mà ngàn đời nay người ta gọi âm hồn là bóng ma. Nghĩ thế, Dung lại lạnh toát và sởn hết gai người.Đặt cây pin cố định, hướng ánh sáng vào giữa căn hầm, ngồi quan sát, Dung nghĩ có thể lúc tuyệt vọng cuối cùng, các anh bộ đội đã ôm nhau, để truyền hơi ấm cho nhau trước khi trút bỏ cõi đời. Tay Dung run run khi chạm vào bộ hài cốt ở ngoài cùng. Quần áo anh bộ đội mặc đã hoai mục. Dung mở túi ni lon lần lượt xếp từng bộ xương vào trong túi. Trong lúc làm, Dung gượng nhẹ, cẩn thận để các đoạn xương vốn đã mục không bị dập, gẫy. Chị cố gắng, cẩn thận từng tí để xương anh này không lẫn vào xương anh kia. Nhưng cũng rất khó vì các bộ xương đầu áp sát vào nhau. Trong ánh đèn pin nửa sáng, nửa mờ, nhìn những hốc mắt tối om trên mỗi hộp sọ, Dung cố hình dung ra Quang. Và cảm thấy hộp sọ nào cũng có nét giông giống anh Quang. Dung gói buộc cẩn thận bộ hài cốt đầu tiên vào một cái túi. Rồi mở bao ni lon bốc bộ thứ hai. Lau xong cái hộp sọ bỏ vào túi, tay Dung nhè nhẹ nâng những rẻ xương sườn lên, bất chợt Dung nhặt được cái bọc nhỏ bên cạnh bộ hài cốt. Giở ra, bên trong là một bức thư, được bọc ni lon cẩn thận, nhưng cũng đã rách lỗ chỗ, có đoạn chữ nhoè mờ. Dung mừng quá, cầm lá thư chui lên khỏi hầm, ngồi đọc. Những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn ngoèo, có dòng nét chữ thấm ướt loang lổ, luận mãi Dung mới đọc được.Thư viết: "Chúng tôi gồm 9 chiến sĩ đại đội 1, tiểu đoàn 3 trung đoàn 462 đi công tác qua đây, bất ngờ gặp một đại đội biệt kích. Chúng tôi quyết chiến. Mặc dù trận chiến đấu không cân sức, song chúng tôi đã bắn chết và làm bị thương khá nhiều tên địch. Sau đó chúng gọi máy bay tới bắn phá. Anh em chúng tôi tất cả xuống căn hầm này để tránh bom và làm điểm tựa chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Căn hầm do công binh ta xây dựng trước đó. Vừa ngừng loạt bom, bọn địch ập tới thả lựu đạn xuống hầm. Cuộc chiến đấu quyết tử lại diễn ra. Chúng tôi thay nhau bò ra cửa hầm bắn lên, làm cho hàng chục tên địch tiếp tục bỏ mạng. Anh em chúng tôi 6 người hy sinh, hai người bị thương, còn lại mình tôi. Chúng tôi tiếp tục dựa vào căn hầm khống chế, đánh địch. Đến khi khẩu súng AK chỉ còn một viên đạn, chúng tôi đành ém vào ngách hầm, cùng với quả lựu đạn duy nhất còn lại để chờ bọn địch xuống cùng chết một thể. Nhưng bọn chúng nhút nhát, cứ ở lì bên trên lén lút bắn xuống. Thấy im ắng, tưởng chúng tôi đã chết hoặc bị thương, tiếng một tên vọng xuống hầm: "Đứa nào còn sống lên đầu hàng sẽ thoát chết" tôi và hai chiến sỹ bị thương bảo nhau: Tất cả thà chết chứ nhất định không hàng địch. Tôi bò ra hướng nòng súng lên cửa hầm chờ đợi. Thấy im ắng, một tên định cúi xuống nghe ngóng, tôi bóp cò, hắn tung người lên. Hình như nó không chết mà chỉ bị trọng thương. Bọn địch tới tấp ném lựu đạn xuống. Hai chiến sĩ nữa hy sinh, tôi bị thương nặng. Bọn địch đợi ở trên, im lặng chừng 30 phút, lại tiếng một tên vọng xuống: "Đứa nào còn sống, muốn về với cha mẹ, vợ con thì lên đầu hàng. Nếu ngoan cố nằm lì dưới đó, chúng tao sẽ lấp hầm, chôn sống chúng mày nghe chưa. Quả nhiên chúng thực hiện ngay hành động d tâm ấy. Chúng hô hoán, đào đất lấp hầm. Đất ném xuống hình hịch. Tôi không còn đủ sức bò ra tung nốt quả lựu đạn cuối cùng thì đất đổ xuống kín cửa hầm. Biết mình cũng sẽ mãi mãi cùng đồng đội yên nghỉ trong căn hầm này, tôi ghi vội lá thư này nhắn gửi, nếu sau này ai tìm thấy sẽ báo giùm cho đơn vị tiểu đoàn 3 trung đoàn 426 biết 9 anh em chúng tôi đã quyết tử và tất cả đều hy sinh tại căn hầm trong khu rừng Sắc Rông này"… Đoạn cuối lá thư mủn rách, Dung không đọc được. Trời ơi. Thì ra các anh bộ đội đây đã gặp một cảnh huống hết sức éo le. Các anh đã dũng cảm chiến đấu đến hơi sức cuối cùng. Gập lá thư cất vào túi áo, Hạnh Dung lại chui xuống hầm tiếp tục bốc hài cốt. Dung thận trọng bóc tách để các hài cốt không dính lẫn nhau, rồi gói lại đưa lên miệng hố, xếp vào ba lô. Cứ mỗi bộ Hạnh Dung đèo một chuyến. Hơn hai ngày vượt suối, xuyên rừng Dung mới đưa hết 9 bộ hài cốt về khu vườn nhà mình. Về nhà, Dung nấu nước lá vang, lá ngũ vị, để nguội, lần lượt rửa từng bộ xương thật sạch sẽ. Mỗi bộ hài cốt được gói trong tấm vải đỏ, bên ngoài bọc túi nhựa ni lon. Dung đào huyệt, đặt gói hài cốt xuống, đắp đất lên thành từng nấm mộ. Xong xuôi, Dung cắm lên mỗi ngôi mộ một bông hoa đỏ và 3 nén hương trầm. Rồi quỳ xuống bên từng ngôi mộ, miệng lẩm bẩm: "Hôm nay ngày đẹp, tháng lành, Dung đón các anh về đây để các anh bớt lạnh lẽo, cô quạnh trong rừng sâu. Khi nào tìm được đơn vị, Dung sẽ báo cho mọi người biết, để đơn vị đón các anh về quê hương. Còn nếu không tìm được, các anh cứ coi đây là quê hương của mình. Dung nguyện thường xuyên chăm lo phần mộ, và hương khói phụng thờ các anh"... Đội tìm kiếm hài cốt trong một đêm trăng tại cánh rừng Sắc Rông. Những cái võng giăng dưới gốc cây rừng. Tất cả lặng lẽ chìm trong giấc ngủ. Chỉ còn người đội trưởng Phạm Tường vẫn thức. Anh trằn trọc ân hận nghĩ đến cái chết oan nghiệt của Hoàng Thao tại khu rừng này. Cái chết do anh lầm lỡ gây nên. Những năm tháng qua, đi tìm hài cốt đồng đội là nghĩa cử và trách nhiệm của người còn sống. Song với Tường, anh còn có trách nhiệm với Hoàng Thao. Hơn 30 năm sau, nhớ lại những giờ phút tuyệt vọng cuối cùng của Thao, Tường vẫn thấy rùng rợn: Cuối mùa mưa 1972, đại đội ba do Phạm Tường làm đại đội trưởng bám chốt trên đồi Mặt Trời. Quả đồi là cửa ngõ phía tây của rừng Sắc Rông. Trên đồi không có cây mọc, mặt trời chiếu nắng quanh năm nên người ta gọi là đồi Mặt Trời. Đóng quân ở đây có thể quan sát cả bốn phía và ngăn chặn được quân địch vượt sông Kông Xa. Phía đối phương luôn có âm mưu đánh chiếm quả đồi để khống chế quân giải phóng tấn công căn cứ Đák Chiêng. Vì thế địch liều chết cố chiếm, ta quyết tử cố giữ.Trận chiến đấu ngày 15 tháng 7 năm 1972 giữa tiểu đoàn lính ngụy có sự yểm trợ của quân Mỹ, với đại đội 3 của Phạm Tường diễn ra vô cùng khốc liệt. Pháo địch từ cứ điểm Đák Chiêng bắn tới, tiếng nổ ầm ầm, mặt đồi rung chuyển, bụi đất, khói đạn mờ mịt. Sau mỗi trận pháo dồn dập, quân địch dưới chân đồi lại ào lên. Từ những căn hầm đan cài trên sườn đồi, các cây súng của ta đồng loạt rung lên. Lựu đạn tới tấp tung xuống. Quân ngụy có cả lính Mỹ bị thương và chết nằm la liệt. Quân ta 15 chiến sỹ bị thương và hy sinh.Ngày thứ hai 16 tháng 7 cuộc chiến đấu càng gay go. Địch tiếp tục bắn pháo dọn đường và thúc bộ binh đánh lên. Các chiến sĩ ta tấn công đánh trả liên tục. Mười bảy lần quân địch kéo lên đồi đều bị đánh bật trở lại. Sau mỗi loạt súng và lựu đạn phản kích, Tường nhìn rõ những tên địch trúng đạn quằn quại lăn xuống chân dốc, xác chết chồng lên nhau. Đại đội của Tường hơn một nửa hy sinh. Bị địch vây chặt dưới chân đồi, quân ta không tiếp viện được, đơn vị hoàn toàn bị cô lập. Tường và đồng chí chính trị viên bò đến từng căn hầm động viên anh em cố thủ, quyết tâm chiến đấu. Tới khẩu đội hai, thấy tiểu đội trưởng Thao, trên đầu quấn băng, máu thấm ra ướt sũng, Thao vẫn ghì khẩu súng AK bóp cò. Thao giơ tay ấn vai Tường xuống để tránh đạn bắn lên, miệng kiên quyết: - Đại đội trưởng cứ yên tâm, dù có chết, chúng tôi cũng không bỏ trận địa.Quân Mỹ thay đổi chiến thuật, chúng không nã pháo mà dùng máy bay trực thăng bắn xuống. Hai chiếc sà xuống, cánh quạt quay tít, bụi đất mù mịt. Chúng chà đi, xát lại, chỗ nào tình nghi có phục kích, trực thăng dừng lại trút đạn xối xả. Tường và Thao nhìn rõ những tên lĩnh Mỹ đội mũ sắt, mặt đỏ, cắp đại liên, chĩa súng bắn xuống... Hình như chúng phán đoán lực lượng quân ta đã bị tiêu diệt, chỉ còn lại rất ít. Một chiếc trực thăng sà xuống sát mặt đất, bay rất chậm, vừa phát loa kêu gọi quân giải phóng đầu hàng, vừa tìm kiếm mục tiêu. Nó từ từ lướt tới bụi cỏ, nơi Hoàng Thao đang nằm phục. Bất ngờ Thao đứng phắt dậy, nhảy lên, bám chặt hai tay vào cái càng sắt dưới gầm chiếc máy bay trực thăng. Chiếc máy bay từ từ bốc lên, những tên Mỹ trên máy bay không hề biết có một chiến sĩ quân giải phóng bám dưới bụng chiếc máy bay của chúng. Chỉ có Phạm Tường, anh phát hiện ngay từ khi Thao nhảy lên đu dưới gầm chiếc trực thăng. Rất nhanh, Tường nghĩ tới hành động đê tiện của Thao. Anh giơ liền khẩu AK chĩa vào Thao, đang đu dưới chiếc trực thăng, bóp cò. Một loạt đạn nổ. Thao rơi từ chiếc máy bay xuống đất. Thấy có hỏa lực bắn lên, hai chiếc máy bay vọt lên cao. Tường quàng khẩu súng qua vai, bò tới chỗ Thao đang giãy giụa, vật vã. Những viên đạn găm vào chân, vào vai, máu chảy đầm đìa, lại bị rơi từ trên cao xuống, một lát sau, Thao nằm im, thoi thóp thở. Tường mở vội túi thuốc cá nhân, lấy hai cuộn băng, băng cầm máu cho Thao và nâng đầu cao cho Thao dễ thở. Tường lẩm bẩm: "Cậu vừa mới hứa, có chết cũng không bỏ trận địa. Vậy mà... Hoàng Thao từ từ mở mắt. Hình như anh đã nghe rõ lời oán trách của Tường và hiểu ra sự thật nghiệt ngã của loạt đạn bắn lên "kẻ phản bội" bám dưới chiếc trực thăng. Thao muốn nói với Tường điều gì đó, nhưng hơi thở đã rất yếu. Một lát sau Thao mới thều thào: "Anh Tường ơi, anh hiểu lầm tôi rồi... khi chiếc trực thăng sà xuống, tôi chỉ còn duy nhất một quả lựu đạn. Lúc ấy tôi đã tính ném quả lựu đạn vào trong chiếc máy bay. Nhưng nó đang di chuyển, cửa máy bay thì bé, tôi lo ném không trúng. Thế là tôi nẩy ý lao lên bám vào gầm chiếc trực thăng. Không phải tôi chạy trốn theo địch đâu anh ạ. Lúc ấy tình huống gấp gáp, chỉ tích tắc là mất cơ hội nên không báo được cho anh. Tôi hy vọng từ dưới gầm máy bay, tôi sẽ tìm cách, một là lên hẳn chiếc trực thăng rồi mở chốt lựu đạn. Hai là sẽ quăng quả lựu đạn vào trong chiếc máy bay chắc ăn hơn. Lựu đạn nổ, những tên lính Mỹ trên máy bay sẽ phải tan xác. Chỉ có cách đó mới có thể tiêu diệt được chúng. Tất nhiên khi lựu đạn nổ, máy bay bốc cháy, tôi xác định mình cũng hy sinh... Nói đến đây, một dòng máu từ miệng Thao ộc ra. Thao trúc hơi thở cuối cùng. Nghe lời trăn trối của Hoàng Thao, Tường thảng thốt kêu lên: "Trời ơi, vậy mà... Tại sao tôi không nghĩ như thế. Tôi hiểu sai về Thao rồi". Tường gục xuống ôm chặt lấy Thao, nước mắt dàn dụa: "Mình đã hại cậu rồi Thao ơi". Một cánh quân của ta tới chi viện, bất ngờ đánh tập hậu lực lượng dưới chân dốc, tiến lên phối hợp với các chiến sĩ còn lại, phản công tiêu diệt quân địch, buộc chúng phải rút khỏi đồi Mặt Trời. Sau trận đánh, Tường có ý định không nói ra những điều rủi ro về cái chết của Hoàng Thao. Coi như Thao chiến đấu quả cảm và đã anh dũng hy sinh như bao đồng đội khác. Hy sinh do viên đạn phía bên kia đã bắn trúng anh. Đơn vị Tường đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương chiến công cho liệt sĩ Hoàng Thao. Có lúc Tường nghĩ nếu nói sự thật về cái chết của Thao, có thể có người cũng không tin. Có thể đơn vị sẽ xem xét trách nhiệm của Tường về cái chết oan nghiệt ấy. Liệu Tường có tránh khỏi những phiền toái không? Thực ra lúc ấy hành động của Tường rất trong sáng. Bắn bỏ một tên phản bội, đó là việc làm cần thiết, có công chứ không phải có tội. Tường đã trút hết căm phẫn vào cò súng. Oái oăm thay, hành động của Hoàng Thao đâu phải là hành động của kẻ phản bội. Hành động của anh, hành động của một người anh hùng. Mặc dù lo toan mọi việc cho Hoàng Thao thật chu tất. Song từ sâu thẳm cõi lòng, lương tâm của Tường vẫn day dứt không nguôi. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương miền Bắc, việc đầu tiên, Tường đến thăm gia đình của Thao. Mẹ Thao đang ốm nặng. Khi biết tin có Tường, người cùng đơn vị, cùng sống bên Thao những ngày ở chiến trường, bà tỉnh táo hẳn lên. Bà ngồi dậy hỏi chuyện Tường về Thao. Tường gọi bà là mẹ và xưng là con. Hôm ấy, Tường đã kể lại cho bà cùng gia đình nghe về những ngày Thao công tác, chiến đấu ở đơn vị và sự hy sinh anh dũng của Thao trong trận đánh cuối cùng. Mẹ Thao ngồi lặng lẽ nghe, một lát sau bà hỏi: - Em nó hy sinh như thế nào. Trước lúc nhắm mắt nó có dặn gì tôi không? - Khi đó Thao không nói gì. Nhưng trước đấy, có một đêm chúng con tâm sự với nhau. Thao nói, trong chiến đấu chẳng biết sống chết thế nào, lỡ mình hy sinh, trở về, Tường sẽ đến thăm và báo tin cho mẹ mình nhé. Tường dặn mẹ mình đừng lo gì cho mình, kẻo ốm thì khổ... Mẹ Thao đưa tấm khăn lên chấm mắt. Bà khóc. Một lát sau giọng khẽ thều thào: - Chú có nhớ mộ của em Thao chôn cất ở đâu không? - Dạ nhớ. Khi Thao hy sinh đơn vị chúng con mai táng thi hài của Thao dưới chân một quả đồi thuộc xã Đák Mun ở Tây Nguyên. Mẹ Thao cảm động nói: - Xin cảm ơn chú, cảm ơn đơn vị đã tận tình vì em nó. Mẹ Thao nói rồi thở hổn hển vì cơn ho. Một lát sau lại tiếp: - Tôi chắc cũng chẳng còn được bao lâu nữa. Tôi chỉ có một nguyện vọng làm sao đưa được hài cốt của em Thao về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Mẹ con tôi sống đã xa nhau. Khi chết được ở bên nhau thì tôi mn nguyện lắm. Bà tiếp: - Về đây có bà con họ tộc và dân làng thường xuyên hương khói, cũng ấm áp hơn. Mẹ Thao nói với Tường: - Chú biết phần mộ của em Thao ở trong ấy, nếu có dịp, chú thương mẹ con tôi, chú đưa em nó về quê thì quý hoá lắm. Tường nhận lời mẹ Thao: - Vâng. Mẹ cứ yên tâm, con sẽ đưa hài cốt Thao về quê nhà. Nhất định con sẽ làm. Mẹ Thao rân rấn nước mắt: - Xin cảm ơn chú trước. Giá em Thao biết được nó có người bạn tốt như chú, hẳn em sẽ vui lắm. Hai ngày sau Sơn bệnh hiểm nghèo ập tới, mẹ Thao qua đời. Tang lễ người mẹ liệt sĩ được chính quyền xã Tam Quang và bà con họ tộc tổ chức linh đình, chu đáo. Trong đám tang, có một sự kiện làm mọi người hết sức cảm kích. Mẹ Thao duy nhất chỉ có một người con trai đã hy sinh. Ai cũng nghĩ bà không còn người "chống gậy" lúc lâm chung. Vậy mà trong những ngày tang lễ bà, có một người con trai mặc áo vải xô trắng, đầu chít khăn tang, tay chống gậy đứng cạnh linh cữu mẹ Thao, cúi đầu đáp lễ mỗi khi có người vào phúng viếng. Khi đưa mẹ Thao ra đồng, người con trai ấy, vẫn đầu chít khăn tang, mặc quần áo vải xô trắng, tay chống gậy đi giật lùi trước cỗ quan tài mẹ Thao. Người ấy chính là Phạm Tường. rước khi tổ chức tang lễ, Tường đã thưa chuyện với ông trưởng tộc và anh em họ hàng gia đình mẹ Thao. Anh bảo: anh với Thao khi còn sống đã kết nghĩa anh em và thề chiến đấu sống chết bên nhau. Vì thế mẹ của Thao cũng là mẹ của anh vậy. Và anh xin được làm trách nhiệm của một người con, báo đáp người mẹ trong lúc lâm chung. Trong thâm tâm của Tường, nếu anh không lầm tưởng, nếu không có những viên đạn bay ra từ nòng súng của Tường, thì Thao đã trở về chịu tang bên mẹ. Nhìn Tường chống gậy bên nấm mộ mẹ Thao lúc tạ lễ cuối cùng, ông trưởng tộc cảm kích nói với bà con trong họ: - Chú Thao mà biết được có người anh em kết nghĩa về chịu tang mẹ mình, hẳn chú ấy sẽ rất yên lòng phải không bà con? - Vâng, thật may cho chú Thao. Một người nói. Chú có một người bạn tốt như chú Tường đây thật là quý hoá. Được dân làng cùng bà con gia quyến của Hoàng Thao quý mến, dành những tình cảm tốt đẹp về mình, Tường lại càng suy nghĩ, trăn trở. Về nghỉ phép ít ngày, Tường quay lại đơn vị chính sách để đi tìm hài cốt đồng đội. Trong những ngày trở lại Trường Sơn, Tường sẽ tìm thấy đồi Mặt Trời ở cánh rừng Sắc Rông. Tường hy vọng sẽ đưa Thao trở về quê nhà. Hẳn khi ấy ở cõi âm thế mẹ Thao sẽ được bên Thao. Đó là nguyện ước cuối cùng của mẹ mà Tường đã hứa trước lúc mẹ ra đi. Phạm Tường cùng các chiến sĩ trong đội tìm kiếm hài cốt suốt 3 ngày đào, lấp dưới chân đồi Mặt Trời, vẫn không tìm thấy mộ Hoàng Thao. Tường đi ngược lên mặt đồi để quan sát xác định lại vị trí. Tình cờ gặp một người đàn bà vai khoác ba lô, tay cầm cây xẻng đang bước tới. Sau một hồi hỏi thăm, trò chuyện, Tường biết được người đàn bà cũng đang đi tìm hài cốt của chồng mình. Thật không ngờ, người đàn bà ấy lại chính là Hạnh Dung, vợ của Quang. Quang cùng đơn vị với Tường, người bị mối xông dưới gốc cây sấu ở cánh rừng Sắc Rông. Tường cho Hạnh Dung biết rõ hoàn cảnh hy sinh của Quang trước kia và hài cốt của Quang đã được các anh quy tập đưa về nghĩa trang 2 Trường Sơn. Dung mừng lắm và cảm ơn Tường đã tìm thấy Quang. Dung kể lại khát vọng của mình mong tìm được hài cốt Quang như thế nào. Và công việc tìm kiếm của Dung từ ngày vào khai hoang ở đây. Dung báo tin cho Tường biết: Dung đã tìm được ngôi mộ tập thể có 9 bộ hài cốt và một bức thư. Đã tìm được bộ hài cốt của một anh bộ đội có tên là Hoàng Thao quê ở xã Tam Quang nhờ tấm bia đá có khắc tên tuổi, quê quán mà Dung biết được. Thế là hài cốt Hoàng Thao đã tìm thấy. Tường sẽ đưa Thao về an nghỉ bên người mẹ của Thao ở nghĩa trang quê nhà. Hôm ấy Tường cùng mọi người theo Dung về làng mới Trà Tân thăm mộ của Thao. Về đây, Tường không thể ngờ, khu vườn sau nhà của Dung, ngoài ngôi mộ của Hoàng thao, còn có hơn một trăm ngôi mộ khác do Dung tìm kiếm đưa về. Có ngôi mộ Dung mới tìm thấy đắp đất còn mới nguyên. Dung quyết định bàn giao toàn bộ số mộ liệt sỹ cho đơn vị của Tường. Một tháng sau lễ tiếp nhận hài cốt liệt sĩ tại làng mới Trà Tân diễn ra thật cảm động. Dân làng không thể tưởng tượng việc làm thầm lặng của Dung bấy lâu nay. Các đoàn thể chính quyền, ban chính sách của huyện, của xã về dự đông đủ. Đơn vị của Tường cử một đoàn, mặc quân phục chỉnh tề, đưa xe hoa về đón các liệt sĩ. Pơ Kan người cứu giúp Hạnh Dung bị ngất bên nấm mộ đồng đội cũng về dự. Sau lễ dâng hương, lễ động mả, mọi người đến từng ngôi mộ tiễn biệt linh hồn, hài cốt các liệt sĩ được lần lượt đưa lên... Trong buổi lễ, đại diện đơn vị tiếp nhận hài cốt liệt sĩ đã phát biểu. Bài phát biểu do Phạm Tường đọc, có đoạn: - Kính thưa các hương hồn liệt sĩ. Kính thưa các cơ quan chính quyền đoàn thể cùng dân làng Trà Tân Đắk Min tỉnh Đắk lắc. Cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta vô cùng khốc liệt. Biết bao chiến sĩ đã đổ máu, hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Sau chiến tranh nhà nước và quân đội đã tổ chức các đoàn tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Song rừng Trường Sơn mênh mông, rừng Sắc Rông bao la huyền bí, dù các đơn vị quy tập mộ liệt sĩ có cố gắng đến đâu, cũng không thể tìm hết được nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ trong rừng sâu, núi cao. Vì thế việc làm của dân làng Trà Tân, của gia đình chị Trần Hạnh Dung vừa qua đối với các liệt sĩ là vô cùng có ý nghĩa. Hôm nay theo nguyện vọng của dân làng và gia đình chị Trần Hạnh Dung, chúng tôi xin tiếp nhận 135 hài cốt liệt sĩ mà chị Hạnh Dung đã tìm kiếm bao năm trời. Trong đó 9 bộ hài cốt ở một ngôi mộ tập thể là các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 426. Chúng tôi sẽ đưa hài cốt đã xác định được tên tuổi địa chỉ quê quán về từng gia đình của liệt sĩ. Còn các thi hài chưa xác định rõ danh tính chúng tôi sẽ đưa về quy tập trong nghĩa trang khu hai Trường Sơn. Một lần nữa chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới dân làng, tới gia đình chị Trần Hạnh Dung người đã có hành động tốt đẹp đối với các anh hùng liệt sĩ, để họ được trở về cùng với đồng đội, với quê hương. Hạnh Dung theo đoàn xe tiễn đưa các hài cốt liệt sỹ về tận nghĩa trang Trường Sơn. Rồi chị tìm đến thắp hương mộ Quang. Trong làn khói hương là là trước tấm bia, Dung chắp hai tay, lòng chị rung lên những tiếng nấc thổn thức, buồn đau. Chị gọi chồng trong cõi lòng sâu thẳm: - Anh Quang ơi, đã bao năm anh sống cô quạnh trong rừng Sắc Rông. Nhờ có đồng đội đi tìm kiếm anh mới về được đây. Hôm nay em mới đến thắp hương cho anh. Mong anh tha lỗi cho em nghe anh. Rồi chị khóc, tiếng khóc thay cho mọi nỗi niềm. Tiếng khóc lẫn trong tiếng vi vút của gió ngàn từ bốn phía nghĩa trang dội tới. Sau ít phút lặng lẽ, tiếng chị lại cất lên: - Em định rồi đây sẽ đón anh về làng mới Trà Tân, nơi có mẹ, có con chúng mình đang ở đó. Nơi anh đã từng chiến đấu và hy sinh. Về đó, em và con cùng bà con buôn làng có điều kiện ngày ngày chăm sóc phần mộ cho anh... Nước từ hai khóe mắt Dung lại trào ra. Làn khói hương mờ nhòe. Gió ngàn vun vút thổi. Bó hương trầm trên nấm mộ của Quang bùng lên rừng rực cháy. Nguồn: TCSH số 239 - 1/2009 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét