Không còn vướng víu, gò bó, ngày nay chiếc áo dài truyền thống
đã được nhiều bạn trẻ tìm tòi sáng tạo, tạo nên chiếc áo dài cách tân hiện đại
thuận tiện cho người mặc. Nhờ vậy, áo dài không chỉ mặc trong những dịp lễ long
trọng mà được chị em sử dụng nhiều hơn trong cuộc sống thường ngày.
Cách tân trên nền tảng cốt lõi
Chị Nguyễn Thị Bảo Quyên luôn tìm tòi, sáng tạo
để cho ra những chiếc áo dài cách tân độc và lạ. Ảnh: Đ.L
Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2017, xã hội chứng
kiến sự trở lại của áo dài truyền thống với những họa tiết retro (mang tính
hoài cổ) cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp áo dài trên khắp cả nước.
Chiếc áo dài đã có sự hồi sinh thú vị trong đời sống thường nhật của phụ nữ Việt.
Áo dài không chỉ là quốc phục, yến phục hay trang phục dành cho đám hỏi, đám cưới,
những dịp đậm tính lễ nghi, mà đã dần trở thành một loại trang phục đậm tính ứng
dụng được phái nữ chọn lựa cho bất kỳ dịp dạo phố, du lịch hay đơn giản là cà-
phê cùng bè bạn. Chính sự hồi sinh thú vị ấy đã làm cho những nhà thiết kế
vốn xưa nay nặng nợ với chiếc áo hai tà duyên dáng đưa ra nhiều ý tưởng về họa
tiết để điểm tô thêm chiếc áo dài đậm tính dân tộc.
Từng học ngành Quản trị du lịch, Trường Đại học Kinh tế thành
phố Hồ Chí Minh, rồi học thạc sĩ Thương mại, nhưng chị Phan Ngọc Xuân Thảo, chủ
Miukstyle-shop, lại chọn rẽ ngang sang ngành thiết kế thời trang sau khi ra trường
vì niềm đam mê từ nhỏ. Chị cho biết: “Lúc đầu mới khởi nghiệp cũng thấy khó
khăn vì mình chỉ là dân tay ngang. Nhưng sau đó mình đã dành thời gian tập
trung nghiên cứu các trang phục truyền thống của các quốc gia trên thế giới để
tìm con đường đi riêng. Trong đó có áo dài cách tân dựa trên nền tảng cốt lõi của
chiếc áo dài truyền thống; từ đó cho ra các kiểu áo dài có tà và tay ngắn, quần
ống rộng, chất liệu vải có nhiều họa tiết hoa văn hài hòa, phối nhiều phụ kiện
như nút áo và điểm xuyết hoa thêu trên áo.
Trong hành trình theo đuổi, mình luôn xác định hướng đi là vừa kết hợp thời trang vừa giới thiệu văn hóa dân tộc ra bạn bè thế giới”.
Trong hành trình theo đuổi, mình luôn xác định hướng đi là vừa kết hợp thời trang vừa giới thiệu văn hóa dân tộc ra bạn bè thế giới”.
Hiện, Miukstyle có 3 cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An
và Đà Nẵng. Để hướng đến sự thuận tiện cho người mặc, Miukstyle còn chú trọng đến
chất liệu vải thoáng mát, không quá cầu kỳ và rườm rà. Bên cạnh đó, tùy theo
vùng miền, Miukstyle quyết định chọn chất liệu vải, họa tiết sao cho phù hợp.
Chính vì vậy, áo dài của Miukstyle không chỉ được giới trẻ ưa chuộng mà kể cả
người trung niên và du khách nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản đều yêu thích.
Chiếc áo dài dần dần trở nên gần gũi hơn với đời thường như mặc đi chơi, cà-phê
với bạn bè. Tuy nhiên, để vẫn giữ nét duyên dáng của chiếc áo dài vốn có,
Miukstyle khuyến khích khách hàng của mình mặc áo dài kết hợp với quần ống rộng
thay vì chân váy bằng cách giảm giá khi mua quần. Nói về xu hướng mặc áo dài
cách tân hiện nay, chị Phan Ngọc Xuân Thảo cho rằng: “Cách tân là một xu hướng
hay và có nhiều người trẻ thích mặc trong dịp Tết. Điều này làm cho chiếc áo
dài mang hơi hướng mới, dễ thương, dễ mặc và làm cho người ta nhớ đến chiếc áo
dài truyền thống. Chúng tôi thiết kế áo dài cách tân vẫn dựa trên nền tảng cốt
lõi của chiếc áo dài truyền thống nên vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó”.
Dù đã được xã hội chấp nhận nhưng áo dài cách tân vẫn luôn
luôn được các nhà thiết kế nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của
người mặc. Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Thị Bảo Quyên, chủ tiệm Quyên Designer
tại Đà Nẵng cho biết, áo dài Quyên Designer được thực hiện sản xuất từ A đến Z
như lựa vải, cắt, ráp. Trung bình mỗi chiếc áo dài làm mất khoảng 10 ngày nhưng
nếu khách cần gấp thì cũng có thể hoàn thành trong 3 ngày; còn không thì cũng
có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm. Trên mỗi chiếc áo dài luôn được vẽ tay hoặc
thêu những họa tiết mới lạ. Đặc biệt, một kiểu áo chỉ may nhiều nhất là 3 chiếc.
Chính điều này đã tạo cho những chiếc áo dài của Quyên Designer không bị rập
khuôn. Với thiết kế độc và lạ, các kiểu áo dài của Quyên Designer luôn được nhiều
phụ nữ thành đạt thích sử dụng. Ngoài ra còn có nhiều khách du lịch và khách Việt
Kiều ưa thích.
“Áo dài là quốc phục của Việt Nam nên dù có đôi lúc giới trẻ
thích mặc Kimono của Nhật, Hanbook của Hàn Quốc… thì em vẫn làm áo dài để giữ
phong cách của người Việt Nam. Em thấy mặc áo dài truyền thống hơi rườm rà,
nhưng áo dài cách điệu có thể mặc với quần jean và váy. Em chọn cho mình con đường
đi riêng chứ không chạy theo xu hướng. Vì vậy, họa tiết thiết kế đều theo ý tưởng
của mình chứ không theo khách hàng. Nếu ý tưởng của khách hàng không truyền cảm
hứng cho em thì em cũng không làm”, chị Bảo Quyên chia sẻ.
Trong khi áo dài truyền thống thường chỉ sử dụng vào những dịp
lễ nghi hoặc dành cho giáo viên, học sinh mặc đến trường thì áo dài cách tân lại
có tính ứng dụng cao hơn và giúp cho người thiết kế có thể thỏa sức sáng tạo.
Chị Hoàng Phượng Liên, Giám đốc LiA Style tại Đà Nẵng cho biết, áo dài LiA đã tạo
được thương hiệu nổi tiếng với những nét vẽ tay đầy mê hoặc và hướng đến vẻ đẹp
tinh tế của những người phụ nữ. Những họa tiết dân gian đặc sắc như Đám cưới
chuột, Chú bé ôm gà, Đánh ghen, Hứng dừa của nghệ thuật tranh Đông Hồ, những
chiếc mặt nạ tuồng đậm tính trình diễn, những họa tiết về các trò chơi dân gian
đầy thú vị cũng được LiA tái hiện trên áo. Bên cạnh đó, những họa tiết trẻ
trung, duyên dáng như chiếc giỏ xe chở đầy hoa, hay những họa tiết đậm tính tượng
trưng cho tính âm của người phụ nữ như phượng hoàng, khổng tước, chim hạc cũng
được rất nhiều bạn trẻ yêu mến và lựa chọn. Đặc biệt thời gian gần đây còn
có sự lên ngôi của hàng loạt áo dài trẻ em cùng với các họa tiết ngộ nghĩnh, dễ
thương đã góp phần giúp thế hệ trẻ luôn nhớ và giữ gìn trang phục truyền thống
của ông cha ta.
Cũng là một trong những người trẻ thích mặc áo dài cách tân,
chị Nguyễn Đức Thảo Vy, Biên tập viên Nhà Xuất bản Đà Nẵng (24 tuổi) cho biết:
“Em thích áo dài cách tân vì gọn nhẹ, dễ chịu, thoải mái hơn áo dài truyền thống
nhưng vẫn giữ được dáng. Tuy nhiên, em cũng không chọn mặc những chiếc áo dài
cách tân kiểu quá mới lạ”.
Trong khi đó, chị Lê Hoàng Diệu Linh, 25 tuổi, biên tập viên
tại Công ty INET tự hào cho rằng, là người Việt, lại là con gái nên việc được
khoác lên mình tà áo dài truyền thống khiến những cô gái trẻ vừa hãnh diện, lại
vừa thể hiện được nét duyên dáng vốn có của phụ nữ Việt. Linh cho biết bản thân
cô rất thích áo dài truyền thống với cổ cao, eo chít sát thân, 2 tà áo dài thướt
tha cùng chiếc quần dài ống rộng chạm đất. Nhưng với một cô gái làm việc khá
năng động, thường xuyên di chuyển nhiều, nhất là bằng xe máy thì việc diện áo
dài truyền thống có hơi bất tiện. Vì vậy, áo dài cách tân rất thuận tiện cho
người mặc nhờ chiếc cổ áo thấp hơn, tà áo ngắn. Người mặc có thể kết hợp cùng
chân váy xòe, quần lửng ống rộng, quần dài ống rộng, quần jean... tạo nên sự
phong phú và đa dạng. “Em vẫn thích áo dài cách tân đi liền với quần ống rộng
hoặc váy vì giúp người mặc nữ tính và dịu dàng hơn. Mặc dù áo dài truyền thống
là cái hồn của dân tộc, là phục trang tiêu biểu gắn liền với phụ nữ Việt Nam,
nhưng xu thế thay đổi thì việc cách tân áo dài để đa dạng được người mặc thì
không có gì xấu và cũng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Những dịp đặc
biệt của đời người em vẫn ưu tiên cho áo dài truyền thống hơn, còn những lúc muốn
diện áo dài, muốn được dịu dàng nữ tính nhưng vì tính chất công việc phải gọn
gàng thì em sẽ chọn áo dài cách tân”, chị Lê Hoàng Diệu Linh chia sẻ.
Nói về lo ngại xu hướng mặc áo dài cách tân làm mai một áo
dài truyền thống, chị Diệu Linh khẳng định, cái gì đã là truyền thống thì không
dễ dàng gì mai một được. Dạo gần đây cũng có nhiều ý kiến trái chiều trong dư
luận khi rộ lên phong trào mặc áo dài cách tân thay cho áo dài truyền thống.
Tuy nhiên, giới trẻ có thể chuộng áo dài cách tân vì sự tiện nghi nhưng vẫn
không hề phủ nhận chiếc áo dài truyền thống, cụ thể là nó vẫn được mặc trong
các dịp cưới hỏi, mặc đồng phục đến trường… Cho nên, theo tôi, sẽ không có chuyện
áo dài truyền thống bị mai một và lãng quên, có chăng, truyền thống và cách tân
sẽ song hành cùng nhau, mỗi tà áo sẽ mang giá trị riêng như vốn có của nó.
Cùng với quan điểm này, chị Nguyễn Đức Thảo Vy cũng khẳng định:
“Theo tôi thì áo dài truyền thống khó mai một vì nó phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Ví dụ, một cô trẻ có thể mặc cả 2 loại nhưng một phụ nữ lớn tuổi thì không thể
mặc áo dài cách tân được. Trong khi đó, chiếc áo dài cách tân không sắc sảo và
tôn dáng bằng chiếc áo dài truyền thống. Ví dụ chỉ một màu trắng trơn không họa
tiết, may lên áo dài truyền thống sẽ đẹp và duyên dáng vô cùng, còn áo dài cách
tân thì không làm được điều đó”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét