Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Bên kia sông là thành phố

Bên kia sông là thành phố 
Hồi Dịu còn bé, bố thường dắt Dịu ra bờ sông và chỉ sang phía bên kia rồi bảo: “Bên đó là thành phố, con ạ”. Dịu hỏi lại: “Thành phố có những gì hả bố?”.
Hồi Dịu còn bé, bố thường dắt Dịu ra bờ sông và chỉ sang phía bên kia rồi bảo: “Bên đó là thành phố, con ạ”. Dịu hỏi lại: “Thành phố có những gì hả bố?”.
Bố chỉ vài ngôi nhà cao và trả lời: “Thành phố có nhiều thứ đẹp, có nhà cao, có xe máy, có ô tô...”. Dịu nói thêm: “Có nhiều búp bê và công viên đẹp, bố nhỉ?”. Bố ngạc nhiên hỏi: “Sao con biết?”. Dịu tủm tỉm cười và dụi đầu vào lòng bố. Có những điều con gái không nên kể với bố... Nhất là những điều mà mẹ đã nói với Dịu trước khi vào thành phố làm và không về nữa. Bố tự trả lời: “Bọn trẻ con kể cho con nghe hả? Đúng rồi, nhiều búp bê và công viên lắm con gái ạ!”. Dịu kéo tay bố: “Về ăn cơm đi bố, chắc em đói rồi”.
Chuyện mẹ vào thành phố, Dịu không kể cho bố nghe. Cũng có thể bố biết, mà cũng có thể không, nhưng Dịu không bao giờ nhắc tới chuyện đó. Từ khi mẹ bỏ đi, Dịu không bao giờ nhắc đến mẹ trước mặt bố. Dịu càng không bao giờ ra bờ sông ngóng vào thành phố như lũ trẻ con cùng tuổi. Đứa trẻ nào ở đây cũng đều được nghe những câu chuyện đẹp đẽ đáng mơ ước về thành phố. Chiều chiều, chúng nó ra bờ sông chơi. Vặt cỏ gà để chọi, bắt châu chấu và muồm muỗm đem nướng ăn. Rồi vừa ăn, vừa ngóng sang bên kia sông, kể cho nhau nghe đi nghe lại về thành phố với vẻ mặt mong mỏi và ánh mắt khát khao.
Khi mẹ sắp đi, thỉnh thoảng mẹ có kể cho Dịu nghe về thành phố. Mẹ bảo thành phố rất đẹp, người thành phố sang trọng, ăn ngon và rất hiểu biết. Mẹ có quen vài người thành phố, họ đều rất tuyệt vời. Lúc những câu chuyện về thành phố trở thành chuyện thường ngày mà mẹ nói với Dịu, thì Dịu bắt đầu thuộc lòng những chuyện đó. Dịu thuộc cả ánh mắt của mẹ khi mẹ kể về người thành phố, về những người mẹ quen. Có một lần, mẹ đi đâu cả ngày, chiều mới về. Vạt áo mẹ dính một vệt đen nhỏ. Mẹ gọi Dịu lại và bảo Dịu ghé mũi vào ngửi. Mẹ hỏi Dịu có thấy mùi thơm không? Dịu lắc đầu rồi lại gật đầu. Mẹ bảo: “Ngửi cho biết, mùi cà phê đấy, thơm lắm, ngon lắm. Cà phê sữa đấy nhé!”. Rồi mẹ đi tắm và giặt ngay áo, không cho bố biết. Thật ra, Dịu không ngửi thấy mùi thơm nào cả. Dịu chỉ thấy hôm đó, quần áo mẹ có một mùi rất lạ. Và ánh mắt mẹ, không giấu nổi được sự khao khát mà Dịu vẫn thấy ở em Trung mỗi khi nó thèm và đòi một thứ gì.
Tính Dịu quá kín đáo, hơn hẳn cả bố lẫn mẹ. Bố bảo tính Dịu giống bà trẻ, em ruột của ông nội. Bà không có chồng, nổi tiếng vì tài quán xuyến. Mình bà lo hết cho cả đại gia đình ông nội. Có lẽ vì Dịu kín đáo như thế nên mẹ mới kể với Dịu, vì biết Dịu sẽ không hé răng câu nào với bố. Mẹ biết, Dịu sẽ không nói ra vì sợ bố buồn.
Một hôm, mẹ ôm lấy Dịu và bảo: “Mẹ sẽ sang thành phố với một người bạn. Mẹ sẽ làm ăn và giàu lên rồi về đón các con. Nhưng con phải chịu khổ một chút, vì mẹ sẽ đón em Trung trước. Em nó còn bé. Con là con gái, ở thêm một thời gian đỡ đần bố. Mẹ sẽ đón con sang thành phố sau. Nhưng mẹ sẽ gửi tiền về cho chị em con đều đều”. Dịu hỏi: “Mẹ giấu bố à?”. Mẹ gật đầu: “Bố con cũ kỹ lắm rồi”. Dịu không hiểu chữ “cũ kỹ” nghĩa là gì, nhưng nghe mẹ nói thế, Dịu ứa nước mắt. Mẹ ôm Dịu vào lòng: “Bố con cũng tốt, nhưng...”.

Chữ “nhưng” là chữ cuối cùng mẹ nói với Dịu. Trưa đó, khi Dịu ngủ trưa, mẹ lẳng lặng bỏ đi. Có người kể mẹ được một ông nào đó đi xe máy đón ở gần cổng làng. Khi biết chuyện, bố sững người và đứng lặng ở trước sân nhà. Bố đứng một lúc lâu, nhìn chị em Dịu ngồi nép vào nhau dưới gốc ổi trong sân. Rồi bố thở dài và im lặng đi vào nhà.
Dịu nắm tay em và bảo: “Từ nay em phải ngoan. Chị em mình phải ngoan”. Em Trung không hiểu gì, nhưng nghe giọng Dịu thì mếu xệch. May có thằng Tiễn học cùng lớp Dịu chạy qua mượn vở của Dịu đưa cho em con châu chấu tre to cồ cộ, em mới nín.
Đêm sau khi mẹ bỏ đi, Dịu mơ thấy một giọng nói xa vời. Giọng nói kể cho Dịu nghe về thành phố. Thành phố, có rất nhiều người, tất cả đều đeo mặt nạ. Những chiếc mặt nạ bóng nhoáng như lá bưởi sau cơn mưa. Dịu nghe thấy giọng nói hỏi có muốn đi tìm mẹ không? Dịu rất muốn trả lời là có. Nhưng Dịu nghĩ đến bố, và em Trung. Dịu liền nói: “Không!”. Thế là Dịu tỉnh dậy. Dịu ngồi trên giường mà cảm giác như vẫn chưa thoát ra khỏi giấc mơ. Xung quanh mờ ảo và lành lạnh. Rồi chợt có tiếng gà gáy. Và giấc mơ tan biến.
Ngày Dịu lấy chồng, bố vui lắm. Ai mời rượu bố cũng uống, uống đến say mèm. Với ai, bố cũng nói: “Tôi lo được cho con Dịu đến ngày này, là tôi xong nợ”. Rồi bố gọi chồng Dịu ra và bảo: “Bố có mỗi con Dịu. Con lấy con bố thì coi như là con trai bố. Uống với bố một chén”.
Chồng Dịu đỡ lấy bố và bảo: “Thôi bố đừng uống nữa, mai con uống với bố cả ngày”. Bố gật gù, rồi nằm lăn ra chõng ngủ, rõ ra một ông bố vợ thảnh thơi.
Bố ngủ cho tới khi nhà trai đón dâu cũng không tỉnh. Dịu vừa ngồi xe máy theo chồng về vừa khóc. Dịu gục mặt vào lưng chồng, làm chiếc áo vét chú rể ướt đẫm nước mắt.
Lúc vào buồng đi ngủ, chồng Dịu bảo: “Ngủ đi, tôi không... không...”. Nhìn chồng mặt đỏ bừng, lắp bắp, Dịu thương quá. Dịu kéo chồng lên giường. Đêm đó, Dịu nghiến răng chịu đau, cương quyết đền đáp người đàn ông đã ở bên cạnh Dịu ngần ấy năm. Người đàn ông ấy chẳng biết nói một điều gì, nhưng đã lẳng lặng đi bên Dịu qua bao nhiêu biến cố.
Cơn đau trôi qua. Dịu thiếp ngủ. Và lại mơ.
Dịu mơ thấy mình đang đi dọc bờ sông về phía cầu. Đi mãi mà không tới. Giọng nói lại kể cho Dịu nghe về thành phố. Bây giờ, những chiếc mặt nạ ngày càng nhiều hơn. Mà có thể, mỗi người đeo tới vài mặt nạ. Giọng nói lại hỏi Dịu có muốn đến chỗ mẹ không. Dịu nghĩ đến bố, đến em Trung và chồng. Dịu đáp: “Không”. Giọng nói tan biến thành con chào mào bay vút qua sông. Bay thẳng sang thành phố.
Dịu mở mắt ra. Bên cạnh Dịu, vẫn là người đàn ông mới vừa trở thành chồng Dịu ngày hôm qua.
Chồng Dịu chính là Tiễn, thằng bạn học dốt nhất lớp, đúp lên đúp xuống. Nhưng kể từ hôm chứng kiến cảnh nhà Dịu và cho em Trung con châu chấu dù phải rình cả chiều mới bắt được, Tiễn như trở thành một thành viên trong nhà Dịu. Chiều nào, Tiễn cũng mang sang cho Dịu cái gì đó. Vài bông hoa dâm bụt đỏ, mấy quả sấu non... Tiễn lôi em Trung đi tập bơi, đi bắt ve...
Và cho đến một ngày, Dịu biết trước rằng mình sau này sẽ lấy Tiễn. Như là một sự đền đáp.

Ngày đó, đến vô cùng đột ngột. Khi những gì mà sự bỏ đi của mẹ Dịu gây ra đã sắp nguôi ngoai.
Ngày ấy, mẹ nhờ người về đón trộm em Trung đi. Dịu đang ngồi trong lớp thì nghe thấy Tiễn gọi: “Dịu ơi, em Trung bị ai lôi đi kìa”. Dịu chạy ra thấy Tiễn đang cắm cổ đuổi theo hai gã cao to lôi em Trung đi xềnh xệch. Bảo vệ trường ra cản lại bị chúng đá gục xuống sân. Các thầy giáo ra hỏi han đều bị chúng xô ngã. Chỉ có Tiễn lẳng lặng giấu hòn gạch sau lưng, chạy lại gần và đập thẳng vào cẳng chân một gã. Em Trung giằng ra được, cắm đầu chạy vào trong trường trốn mất. Gã kia tóm lấy Tiễn, đánh đập tơi bời rồi tung một cú song phi, Tiễn văng xuống ao trước trường. Gã dọa ai vớt gã đập chết. Thầy cô giáo và học sinh khóc trên bờ nhìn xuống mà chẳng dám làm gì cho tới khi Vạn khùng đi đến.
Vạn khùng ăn mặc bẩn thỉu rách rưới, cầm cái nơm đi ngang qua, chẳng ai thèm để ý. Gã kia cũng vậy. Gã bị Vạn khùng bất chợt úp chụp cái nơm lên đầu rồi xô thẳng xuống ao. Hóa ra gã giỏi võ nhưng không biết bơi. Vạn khùng nhảy xuống theo, dìm gã đến lúc ằng ặc gần chết mới tha. Trong lúc ấy, vài người đã nhảy xuống để tìm vớt Tiễn nhưng không thấy. Ai cũng tưởng Tiễn chết. Chỉ tới khi Vạn khùng thấy nhiều người khóc mới chỉ sang bên kia bờ ao: hóa ra Tiễn vẫn lặn được sang bên kia dù vừa bị ăn trận đòn tàn khốc.
Thanh niên làng lúc đó kéo từ ngoài đồng về. Họ định đập chết hai gã. Nhưng bố Dịu lại đứng ra xin cho chúng. Bố nói như van xin với mọi người: “Thôi thì chín bỏ làm mười”.
Tối, Dịu vừa khóc vừa bôi thuốc đỏ lên những vết thương và bóp dầu vào những chỗ bầm tím cho Tiễn. Tiễn trần trùng trục, run bắn người khi tay Dịu chạm vào da. Tiễn lắp bắp: “Tôi, tôi, tôi... không sao đâu mà!”.
Khi Tiễn đã về, Dịu ngồi một mình trong góc nhà và im lặng khóc. Dịu nghĩ sẽ phải tìm cách để đền đáp lại cho người đã phải chịu đựng đau đớn vì chị em Dịu. Trong trí óc non nớt của Dịu khi đó, đã nhen nhóm lên ý nghĩ khi lớn sẽ lấy Tiễn.
Thế mà nhoáng một cái, giờ cả hai đã nên vợ nên chồng. Dịu biết bố uống say và ra vẻ vui trong đám cưới mình là chỉ để cố giấu đi những nỗi đau ở trong lòng.
Bố đau, vì không giữ được mẹ. Và không giữ được em Trung.
Em Trung mười sáu tuổi thì bỏ học. Dịu nói thế nào cũng không nghe. Dịu đành chịu.
Cũng như Dịu đã chịu không thể khuyên được Tiễn học cố hết phổ thông.
Nhưng Tiễn dốt đã đành, đằng này em Trung học rất sáng dạ.
Em Trung nói với bố sẽ sang thành phố kiếm việc. Bố im lặng rồi gật đầu. Vậy là, cuối cùng thì em Trung cũng tuột khỏi tay bố, dù Tiễn đã từng giữ được em lại hồi em còn bé.
Ngày em đi, hai bố con và Tiễn đứng ở đầu làng nhìn theo dáng em đi cho tới khi khuất hẳn. Lúc ấy, Dịu cảm thấy căm thù cái thành phố bên kia sông. Nó đã nuốt chửng mẹ, và giờ lại nuốt chửng em Trung.
Thành phố ngày một to lên. Đêm, đứng bên này sông nhìn sang, những tòa nhà cao rực sáng. Sáng như trêu ngươi bố và Dịu.
Hôm nhà Tiễn sang xin đón Dịu về làm con dâu, bố Dịu đồng ý ngay lập tức. Bố bảo không thách cưới, cũng bảo chỉ nên tổ chức đơn giản để dành vốn liếng cho hai đứa. Bố nói ông bà bên đó không cần sang xin, tôi cũng tính gọi thằng Tiễn sang để gả con Dịu cho nó. Tiễn mặt đỏ gay, hứa với bố vợ tương lai sẽ chăm sóc Dịu cả đời.
Khuya hôm ấy, bố vẫn ngồi ngoài bờ sông, nhìn sang phía những tòa nhà cao lấp lóa ánh đèn.
Đứng xa, nhìn bố như đang thầm thì điều gì đó. Nhưng quả thật, Dịu không biết bố đang thầm thì với dòng sông hay với những người ở bên kia sông.
Con trai Dịu lên ba tuổi thì người ta bắc cầu nối từ bên kia sông qua bên này và làm một con đường lớn cắt qua làng.
Làng thay đổi hẳn.
Các quán hàng mọc lên, người thành phố đua nhau kéo sang ăn các món đồng quê.
Bao nhiêu thứ đẹp đẽ tràn về làng cùng với đám người đó.
Họ xây nhà, chưng diện. Con họ mặc quần áo đẹp, chơi những thứ đồ chơi hiện đại mà lũ trẻ trong làng thèm nhỏ dãi.
Rồi một ngày, trong bữa ăn, Dịu buột mồm bảo Tiễn:
- Giá lúc nào mua được cho thằng Cò cái ô tô...
Cuối tháng ấy, Tiễn bỏ nhà đi. Sáng, khi Dịu tỉnh dậy thì trên đầu giường có mảnh giấy viết vội hai chữ “thàng pố”. Dịu biết ngay. Thế là Tiễn lại ra thành phố, với mơ ước kiếm tiền mua cho con cái ô tô. Tiễn không hiểu rằng, Dịu chỉ nói cái mơ ước thế thôi, chứ Dịu không bao giờ muốn Tiễn ra thành phố cả. Cái thành phố sâu thăm thẳm ấy đã nuốt chửng mẹ, nuốt chửng em Trung, nuốt chửng bao nhiêu người ở cái làng này. Giờ thì nó lại nuốt thêm cả Tiễn.
Ba năm, Tiễn không quay về. Tết nào Dịu cũng khóc hết nước mắt. Mà toàn phải khóc giấu thằng Cò. Nhưng rồi cũng không giấu được. Thằng bé lớn lên khôn lắm. Nó nghe trộm được ai đó nói bố nó ra thành phố không về nữa đâu. Sau đợt ấy, một lần, nó làm Dịu sững người. Trưa, Dịu đang nằm thiu thiu ngủ còn nó chơi trên thềm nhà. Tự nhiên, Dịu tỉnh lại và nghe thấy một tiếng chửi khe khẽ: “Địp pẹ thàng pố”. Dịu bất ngờ quá. Chửi thì có thể nó nghe hàng xóm, nhưng chửi thành phố thì liệu ai có thể dạy nó được cơ chứ?
Dịu cố nén nhưng nước mắt vẫn lăn ra.
Thằng Cò vẫn ngồi ngoài thềm, mồm lẩm bẩm: “Địp pẹ thành phố”.
Lúc ấy, Dịu không biết mình phải làm gì cho đúng nữa. Chỉ có nước mắt vẫn khe khẽ lăn.
Thằng Cò lớn lên. Và bố Dịu thì già đi. Ngày thằng bé đi học, nhìn lưng bố còng còng dẫn đứa cháu ngoại đến trường, Dịu lại ứa nước mắt.
Thằng Cò đi học được mấy tháng thì bố nó về. Trên người Tiễn đầy sẹo và vết xăm trổ. Tiễn xách một cái ba lô nhỏ, trong có ít kẹo bánh, quần áo cho con, và tiền. Những cục tiền buộc lạt. Tiền, Tiễn cất ở trong cái chum đựng gạo. Tiễn moi một cái túi nhỏ màu đen đưa cho Dịu và hất hàm, ý bảo đừng mở ra. Lúc vắng, Dịu hé ra xem và ngượng đỏ mặt. Trong đó là ba bốn cái áo lót và chục quần lót các màu. Những thứ này, Dịu đã trông thấy ở những nhà từ thành phố về một vài lần sang làm thuê cho họ. Nhưng đây là lần đầu được cầm lên tay. Dịu giúi tất cả vào cái hòm gỗ đựng quần áo, rồi đi ra xem thằng Cò xúng xính mặc quần áo mới. Nó mặc xong, len lén ra sau mẹ đứng nhìn người đàn ông không hề có vẻ gì là bố nó, không hề có vẻ gì là liên quan đến người trong cái làng hiền lành này.
Về đến qua tết, Tiễn đi. Tuần sau, Dịu biết mình lại có thai. Nhưng lần này, nhà đỡ khổ vì có tiền của Tiễn mang về. Thằng Cò cũng đã biết giúp mẹ. Nhưng cái chính, sau chuyến trở về của Tiễn, cán bộ xã đều tránh né Dịu. Không thấy ai lên giọng với hai mẹ con. Bố Dịu có ngồi ở quán uống rượu đến say mèm cũng chẳng ai dám đuổi. Bóng vía của Tiễn quá ám ảnh ở làng.
Tiễn lại đi biệt tăm.
Lại ba năm trôi qua.
Đứa con gái đã lên ba.
Thằng Cò đã thôi không còn chửi thành phố nữa.
Chiều chiều nó với lũ bạn ra bờ sông thả diều. Diều được buôn về từ thành phố xanh đỏ đủ màu và bay rất cao. Đám trai trong làng bảo bọn trẻ bây giờ sướng không phải tự làm diều. Diều thành phố rất cân, đã có gió là bay, và biết thả là bay hết tầm dây. Thỉnh thoảng, Dịu kể cho thằng Cò nghe chuyện nó chửi thành phố hồi bé, Cò ta hơi ngường ngượng.
Một hôm Dịu đang dẫn con sang nhà thăm bố thì thấy thằng Cò chạy vào bảo ông ơi nhà có khách. Bố ra cửa xem thì sững người, bám chắc lấy gờ cửa.
Khách chẳng phải người xa lạ. Là em Trung của Dịu. Bố nhận ra ngay đứa con trai qua đôi mắt. Dẫu đôi mắt ấy chậm chạp và đờ đẫn. Bố muốn ôm lấy Trung, nhưng em cản bố lại. Em nói: “Bố, con đang có bệnh, bố đừng tới gần con”.
Dịu xua Cò dắt em về nhà sau khi bảo hai đứa khoanh tay chào cậu. Chúng rón rén chào ông, chào cậu và con em túm lấy thằng anh lếch thếch ra về. Trung trông theo các cháu thật lâu rồi nghiến răng nói: “Thưa bố, thưa chị, con bỏ đi là sai. Hôm nay con về xin lỗi bố, xin lỗi chị. Nhưng biết là sai cũng muộn quá rồi. Con sắp đi sang Myanmar làm đá quý bên đó, xin bố cho con thắp hương lễ các cụ trước khi đi”. Bố nghẹn ngào gật đầu. Vai bố rũ xuống nhìn thằng con trai run run khấn vái.
Ngồi chừng một tiếng thì em Trung đi. Bố chẳng hỏi nhưng em chủ động nói không biết gì về mẹ. Em chào bố và vẫy Dịu ra ngoài cổng. Dịu cố chặn hai dòng nước mắt chảy trên gò má. Em thì thào: “Em nhiễm HIV đã lâu, chị nhớ vứt cái chén của em uống lúc nãy đi nhé. Giờ em đi sang Myanmar là để gửi xác bên đó thôi. Anh Tiễn bị giữ nửa năm, nhưng em đã chạy nhờ nhiều cửa, sắp được ra rồi. Lần này ra, chắc anh Tiễn sẽ về hẳn với chị, không đi nữa đâu. Anh chị cố nuôi các cháu nên người, đừng như em. Nãy em trèo vào nhà chị, đã chôn ở cạnh bể nước mưa một bọc. Chị phải thề khi nào bố mất, chị lo cho bố xong mới được mở nhé. Chị thề đi!”.
Dịu gật gật, rồi nấc lên cố hỏi: “Còn mẹ?”. Em Trung không nói gì, nhìn Dịu rồi đi. Dịu trông theo em, trong lòng vẫn như cảm thấy chẳng khác gì cái ngày thằng em bé bỏng bỏ ra thành phố lần đầu.
Lại những cái tết đi qua.
Tiễn không về.
Các con lớn dần lên. Và Dịu héo hon đi. Nhất là sau khi bố mất.
Dịu để bố nằm ở nghĩa trang làng, trông ra con sông. Ở nơi này, hàng ngày bố vẫn trông sang thành phố. Bên đó, luôn là nơi bố thường trông ngóng. Bố chưa một lần nói gì xấu về thành phố, dù nơi ấy đã nuốt chửng cả vợ và con trai lẫn con rể của bố.
Dịu không đào cái bọc mà em Trung đã chôn lên. Dịu không muốn trông thấy những gì đến từ thành phố.
Linh tính mách bảo Dịu, nếu mở cái bọc ấy ra, Dịu sẽ lại thêm một lần đau đớn khi biết những gì về mẹ. Dịu mở tủ lấy ảnh mẹ và em Trung hồi nhỏ đặt lên cạnh ảnh bố rồi thắp hương. Dịu sẽ coi ngày bố mất là ngày giỗ chung của bố, mẹ và em.
Bây giờ, chiều chiều Dịu vẫn bảo thằng Cò dẫn em ra bờ sông chơi. Thằng Cò vẫn chỉ tay và bảo: “Bên kia sông là thành phố, em ạ”.
Thật lâu, Dịu không mơ thấy giọng nói hoang đường về thành phố.
Chỉ có một lần, sáng chủ nhật, Dịu thấy thằng Cò dậy sớm. Mọi khi chủ nhật không phải đi học, nó đều chơi khuya và dậy rất muộn. Nhưng lần này nó tỉnh và léo xéo nói từ chưa đến sáu giờ. Nó gọi: “Mẹ ơi, đêm qua con mơ thấy một giọng nói. Nó cứ kể cho con nghe về thành phố. Nó bảo rằng, giờ ở thành phố không có mặt nạ. Người ta mặc áo giáp kín từ đầu đến chân rồi. Thế là sao nhỉ mẹ nhỉ? Mặc như thế cả ngày thì ai mà sống nổi?”.
Thằng Cò không thấy mẹ nó trả lời.
Nó nhỏm dậy trông ra. Ngoài sân, mẹ nó đang đứng lặng nhìn trân trân ra cổng. Trước cổng, là một người đàn ông.
Người ấy hoàn toàn lạ mặt, không phải là bố nó, nhưng trên tay xách cái ba lô của bố nó.
Người ấy hỏi: “Chị có phải là chị Dịu không ạ? Tôi là bạn của Tiễn. Tôi ở bên thành phố. Tôi mang đồ của nó về đây”.
Cò nhìn mãi, nhìn mãi người đàn ông từ lúc ông ta vào sân, đưa cho mẹ nó cái túi, nói gì đó rồi bỏ đi. Nó không hề nhìn thấy một cái áo giáp nào mà ông ta mặc. Khi ông ta đi, nó còn chạy theo nhìn rất lâu. Lúc quay lại, nó thấy mẹ đang khóc. Nó không dám hỏi mẹ nó thêm về chuyện mặt nạ và áo giáp.
Đến tận sau này, không bao giờ Cò dám hỏi mẹ nó về mặt nạ, về áo giáp, về thành phố.
Dù đôi khi trong đêm, nó vẫn mơ thấy một giọng nói kể về thành phố. Thành phố ở bên kia sông. Nơi có rất... rất... rất... nhiều người...
 Lưu Sơn Minh
Theo https://thanhnien.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...