Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Người cũ

Người cũ 
Tôi không nghĩ đó là ông, ở lần đầu thấy. Thấy ông trước cửa một ngôi nhà vừa xây, một gian hàng tạp hóa vừa khai trương.
Vùng chúng tôi ở không thuộc khu trung tâm nên đường không to, phố không sạch đẹp và nhất là nhà dù ở mặt tiền nhưng xây cất bừa bãi và suốt cả con đường này, không có nổi một căn hộ đẹp. Mấy nơi bán buôn ở đây cũng lẹt xẹt không ra sao. Cứ dòm phía trước bất kể một cái nhà nào, thấy có bao bánh tráng nướng, két nước ngọt, thùng mì tôm loại rẻ tiền, mấy cái bao nhựa treo lủng lẳng mấy bì đường, bột ngọt, tiêu… là biết đó quán. Quán bình dân chứ không giống như cái cửa hàng tạp hóa bề thế của ông. Nhà ông to đẹp và quán của ông cũng không khác gì.
Sáng đi chợ, thấy ông ngồi ở đó. Trưa, ngang qua cũng thấy. Rồi chiều, đón hai đứa con ở trường về cũng thấy ông. Thấy hoài và thấy ngồi miết một chỗ phía trước nhà, thì tôi nghĩ đó là chỗ ở của ông. Có phải nhà của con gái, con trai thì cũng vậy. Cũng chỗ ông ăn, ngủ, ngồi chơi, sinh hoạt mỗi ngày… Phải cả tuần lễ lén lút qua lại, lại qua ngôi nhà đó rồi dòm tới dòm lui cái cửa hàng tạp hóa đó với bước chân lựng chựng nhiều thắc mắc, tôi mới dạn cẳng bước vô. Và giáp mặt ông, tới dăm ba lần mới dám chắc đó là ông Nhượng. Đích thị là ông. Khỏi lo trật. Ông thường ngồi trên một cái ghế mây đặt sát hè, ngay cạnh những thùng trà xanh không độ. Tôi mừng húm. Tính mở miệng thưa liền một tiếng chứ mà thiếu bình tĩnh quá, đành nín làm thinh. Còn má? Khi nghe tôi báo tin rồi kể lại tường tận lần giáp mặt đầu tiên, bà hồi hộp thấy rõ. Bà lặng người cả đỗi mới rụt rè:
- Mà… Mà con có thấy ổng khác không?
- Khác là khác sao chứ má.
- Thì… như mập hơn hay ốm bớt? Thì… có già nhiều không vậy mà!
- Má thiệt... Già thì già quá đi chứ! Còn mập, ốm thì do con không dám nhìn kỹ nên thấy ổng cũng vậy.
- Mày sao! Cứ quen cái kiểu lật đật lưởi đưởi… Dòm kỹ một chút không được na?
- Dòm vậy, người ta tưởng mình tâm thần, mà không tưởng mình rình bỏ thuốc mê đặng ăn cắp đồ thì sao!
- Ừ hé!
Tiếng “ừ hé” của má đáng ra mạnh bạo, không ngờ, yếu nhớt. Hơi run rẩy mà sao đằm thắm một nỗi xao xuyến. Ừ hé sao chứ ừ hé vậy, mình cứ muốn được nghe hoài. Vì êm tai quá chừng. Nhớ lại hồi đó cái ông Nhượng này, đeo má dữ lắm. Cái hồi tôi còn rất trẻ và má tôi còn đẹp ngất trời! Đã đẹp lại sống một mình cùng một bầy con hết sức chịu chơi. Không chịu chơi sao được khi thường lệ, con cái mấy người thấy nẫu theo tán tỉnh má mình, là cản đường cản ngõ là khó chịu là rầy rà hết biết. Đây, còn tạo điều kiện còn thúc hối nữa chứ! Chính bởi vậy, các quý ông thêm ưa bởi quá thoải mái khi tới nhà gặp gỡ, chuyện trò, đá đưa. Tôi có tật không chịu kêu chính tên mấy người này mà kêu dựa vô bộ dạng, thói quen. Như cái ông Nhượng đây được kêu là ông Chuối Sứ để phân biệt với ông Bánh In. Rồi có một ông nữa kêu là ông Chép Miệng để so sánh với ông Ưa Cười. Chưa hết, còn ông Cá Mòi đối chọi với ông Khủng Long. Mỗi ông một vóc dáng, một lối đi, một kiểu nói. Mỗi ông mỗi tính nết, mỗi thói quen. Bởi đó cả đám tụi tôi, ngày ngày, lo quan sát mấy ông đây đã hết thì giờ. Chưa đủ, còn bình luận sôi nổi và khen, chê đã đời. Nên, nói hết ngày cũng chưa rồi chuyện. Có dừng lại, chẳng qua, cũng chỉ vì mắc đi ngủ bởi quá khuya và hôm sau lại hăng hái tiếp tục. Chỉ cần một người là đã có cả một trời chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia cho mình nhỏ to kể lể huống là cả tá người. Nói, bắt không giáp vòng nữa kìa!
 Tỷ như cái ông đi cặp với ông Chuối Sứ đây. Kẹo thôi khỏi chê. Kẹo luột sách luột vở. Ổng lại thăm má, thường mua vỏn vẹn một phong bánh mà phải là cái loại phong xếp mười cái, chứ được mười hai cho đã đỡ. Và, dứt khoát phải là cái thứ bánh in đúc khuôn hình trái tim dù rất sẵn bánh hình tròn, hình vuông, hình thuẫn. Vậy là ông tỏ tình với má rồi, má ơi! Lũ con má hết thảy trên chục đứa kể cả dâu, rể, trai, gái la lớn và má ngồi tréo cẳng, đủng đỉnh: “Lũ bay ăn! Tao đâu được miếng nào. Không ăn coi như không hay. Khỏe!”.
Rồi cái ông Cá Mòi nữa mới tức cười chứ! Cái bộ mình sao mà khéo dữ? Không dày cho lấy nửa phân giùm. Lép kẹp vậy à! Nên xuân, hạ, thu, đông, trời nắng cũng như trời mưa, ông đều mặc áo vét. Ông thì mỏng mà cái áo ông bận lại rất dày. Thằng em tôi hay cà rỡn: “Chú sao hay dữ? Trời nực muốn chết. Con ở trần mà còn đổ mồ hôi, vậy mà chú…”. Ông trả lời em tôi mà nhìn má với cặp mắt ướt rượt: “Ừ! Thì trời đang nực. Ai không biết. Nhưng kỳ thiệt! Cứ tới thăm má con là người chú lạnh run à! Lạnh từ trong bộ ruột lạnh ra”. Tôi nghĩ thầm: “Chứ không phải ốm nhom từ trong cái bộ mình ốm ra, chắc?”. Tội! Có sao nói vậy. Cái bộ mình ông đích thị là cá mòi nhưng quà cáp ông đem lại nhà cho thì không cá mòi đâu nghen. Không hề mỏng dính, xẹp lép một chút nào. Nhiều, đầy mà dày nữa. Được cái ông Cá Mòi cho luôn à, mà cho thứ gì là đích đáng thứ đó. Không chịu cho mấy thứ đồ bá láp đâu. Chị tôi nói cái bộ dạng ông đây không “ghỉnh” chứ mà quà cáp rất “ghỉnh”. Anh tôi thì phát biểu hùng hồn: cái chú đây mùa nóng thấy phong độ hơn mùa mưa. Tự vì sao biết không? Cá mòi chiên phải ngon lành hơn cá mòi nấu. Tôi háy: hồi giờ có ai nấu canh chua cá mòi… Má nhìn lũ con đàm tiếu về một người theo đuổi mình với thái độ hết sức bàng quan. Má nhả chữ rề rà: Bay nói đó nghe! Bay để ý người ta chứ không phải tao đâu, hé!
Tiếng “hé” nặng trịch, ớn òm…
Còn ông Nhượng? Lại thăm má không bánh in chẳng bánh thuẫn, bánh quy. Không đồ cho ít không đồ cho nhiều. Không áo vét không mắt lúng liếng mà coi bộ má cưng quý dữ lắm! Đã không đem đồ cho mà tới nhà, còn ăn hung ăn ác. Không ăn gì chỉ chuối sứ, mà ăn rất lanh nghe! Lột, cắn, nhai đâu có chút bẻo, đã làm gọn ơ cả nhánh. Tôi có cảm giác má thích cái ông Nhượng này. Tôi nghĩ ổng ăn có một nhánh chuối chứ ăn tới mấy nhánh hay cả buồng, má cũng rất ưng bụng. Nhưng ông Nhượng ngồi chưa nóng đít đã lo đi. Ngược lại ông Bánh In, ông Cá Mòi má không tốn tới một giọt nước mời uống, vậy mà, y hình như là muốn đuổi. Không muốn mấy người này tới thì mấy ổng lại tới hoài hoài và tới ngồi bắt mọc rễ ở trên ghế vẫn chưa chịu nhổ gốc về giùm. Sau, tôi mới hay là ông Nhượng hồi đó vẫn còn đang ăn ở với vợ con trong khi ông Bánh In vợ chết đã lâu, ông Cá Mòi thì vợ bỏ và đang muốn tái giá. Tôi có lần đề nghị hay là má lấy một ông trong số đó. Ông Bánh In, ông Cá Mòi, ông Khủng Long… gì cũng được vì người ta chỉ có con không còn vợ, đỡ phiền lụy. Má cười cười: “Để coi…”. Lần đó ông Nhượng vừa về thì ông Bánh In tới. Nhánh chuối sứ ông Nhượng ăn còn đúng một trái, má liền mời ông Bánh In. Ổng nói: “Cả cái đời tui. Tui sợ nhất là cái thứ này. Sợ ghê sợ gớm. Tui chỉ cần thấy cái ngữ đây thôi là đã ách bụng, muốn đi cấp cứu rồi, chứ đừng nói gì ăn!”. Má nói không ăn thôi về đi. Ai dè ổng về thiệt, tiếc là chục cái bánh in hình trái tim chưa kịp đưa cho má, còn bọc trong túi. Thấy tôi đưa mắt có ý hỏi, má cười: “Tao chưa nhận là tao chưa hay. Khỏe!”.
Vậy đó! Má tôi xa luôn mấy người này. Xa luôn cái cặp Chuối Sứ, Bánh In này. Một người xa rất khỏe và một người đã chắc gì? Tôi chỉ biết rằng từ đó trở đi, nhà tôi hết trữ sẵn chuối sứ và bánh in. Ông Nhượng, sau này tìm hiểu tôi mới rõ vợ mất đã chục năm. Lâu nay, ông ở trong Sài Gòn và mới dọn về sống với thằng con trai ngay tại căn nhà đó. Một cửa hiệu bán tạp hóa, ở đầu đường và cách nhà tôi không xa. Ông Nhượng vậy là cũng đâu khác gì má tôi. Hồi còn khỏe, trẻ thích sống theo gia đình các con ở chỗ này, chỗ kia. Nhưng về già lại ưa về sống với cái đứa ở tại quê. Tôi là cái đứa đó nên anh Hai tôi ở Ban Mê Thuột, chị Sáu ở Nha Trang rồi thằng Út ở tuốt ngoài Hà Nội mới bị hụt nuôi má. Tôi giỡn:
- Đó! Nhờ ở với vợ chồng con mà giờ má mới được gặp lại ông Chuối Sứ.
- Kêu gì chưng hửng vậy? Ông già rồi mà mày cũng đâu còn con nít.
- Lỡ kêu vậy quen rồi. Cũng phải để từ từ rồi sửa.
- Mày! Thiệt… Nẫu có tên chứ không na. Tên Nhượng hay muốn chết. Nghe ra cách người hòa nhã, khiêm tốn, biết sống nhân nhượng. Tên vậy không kêu cứ ông Chuối Sứ réo. Thiệt kỳ!
- Dạ! Con biết rồi. Vậy là bỏ luôn tên Chuối Sứ nghen má.
Má gật đầu với khuôn mặt sáng trưng, rạng rỡ. Từ lúc ông Nhượng về ở gần, hai má con tôi ngày nào cũng thì thào to nhỏ. Tôi nhận ra tính khí má rất thất thường. Má, có những ngày rất căng thẳng và má, có những hồi rộn vui không khác gì con nít. Đắn đo miết rồi cũng có một bữa, má hỏi tôi:
- Chứ nhà con trai ổng cũng bán tạp hóa há con?
- Dạ!
- Mà… Mà sao con không thử mua đồ ở đó. Biết đâu giá có nới hơn. Họ mới mở quán cũng cần bạn hàng.
- Chắc giá cũng vậy nhưng để bữa nào con mua.
Nói là làm. Ngay bữa sau tôi qua bên đó mua đồ và quen lệ, mua miết. Hồi bịch xà phòng, lít dầu ăn, ký đường… Mỗi khi thấy tôi cầm đồ về, má cười cười: “Chứ con thấy ổng đang làm gì?”. Tôi luôn nói thấy ngồi chơi trên hè. Được mấy bận như vậy, má ngập ngừng: “Chứ sao con không thử hỏi chuyện với ổng?”. Tôi đáp liền: “Dạ! Có chứ má”. Được thêm mấy lần mua đồ nữa, má thỏ thẻ: “Chứ sao con không hỏi ổng có còn ưa ăn chuối sứ?”.
May là tôi còn hỏi kịp ông Nhượng câu này và đúng là ông có trả lời: “Úy! Thiếu gì đồ bổ béo còn chưa ăn nổi, nữa là…”. Rồi sau đó khoảng tuần, ông Nhượng qua Mỹ rồi sang Úc để thăm các con kết hợp đi du lịch. Tôi chỉ báo với má duy nhất chuyện ông đã đi xa. Không nói gì thêm. Hình như, má có thẫn thờ một chút nhưng cười ngay và buông liền một câu gọn ghẽ: “Khỏi tới khỏi lo dọn ăn. Khỏe!”.  
Nguyễn Mỹ Nữ
Theo https://thanhnien.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...