Kẹt trong sương mù
Sau khi trườn qua hết những cung đường bằng phẳng uốn lượn
như một dải lụa xám kéo dần lên cao, xe khách dừng trước khách sạn, nơi vợ chồng
Thùy cùng đoàn người theo tour du lịch chọn làm nơi nghỉ dưỡng ít ngày, lúc mưa
rỉ rả và mờ mịt sương mù.
Khi cửa xe mở, luồng gió mang chướng khí núi rừng của dãy Tà
Lơn nổi tiếng huyền thuật như xộc thẳng vào giác quan Thùy. Mùi ẩm mốc của cây
lá, mùi rêu phong của đất đá, mùi phế tích của đền đài, mùi vôi vữa từ những
công trình đang xây, mùi hăng hăng của hoa dại, mùi thơm thoang thoảng từ những
khóm hoa được trồng dài theo lối đi dẫn vào khách sạn. Hoàng hôn Pokor khoác
lên mình chiếc áo sắc màu ma mị cùng mùi hương của một cao nguyên đang thức giấc
sau một giấc ngủ dài.
Bước vào phòng lễ tân, sau khi uống ngụm nước cam, Thùy đặt
ly vào khay mà cô tiếp tân tươi xinh đang bê trên tay, bước vội đến bên chồng:
“Mình ra ngoài ngắm cảnh một lát đi anh!”. Huy đưa thẻ điện tử mở cửa phòng ra
trước mặt Thùy: “Mình nhận phòng trước đã!”.
Trong thang máy ngột hơi người, Thùy nép sát vào Huy. Mùi thịt
da oi oi của chồng lúc nào cũng là thứ xạ hương quyến rũ với cô.
Tra thẻ điện tử vào ổ khóa, đẩy cửa phòng, bước vào, Huy thở
ra, khoan khoái. Thùy thấy dễ chịu trước bài trí khá trang nhã của căn phòng mà
sàn và một phần tường lát gỗ: bông hồng nở trên chiếc lọ thủy tinh đặt bên đĩa
trái cây trên mặt bàn salon; bức tranh hoa hướng dương vươn về khoảng trời xanh
treo trên tường; rèm cửa, gối và drap giường, chân đèn ngủ, tủ, bàn, ghế đều bằng
gỗ và màu gỗ... tất cả tạo được cái cảm giác dịu ấm dù ngoài trời vẫn lất phất
mưa và dày đặc sương mù.
Huy vào phòng tắm lúc Thùy soạn quần áo và các thứ đồ dùng từ
trong chiếc va li. Tủ áo chỉ có sáu cái móc nên Thùy gấp chiếc quần jeans lại,
cho vào va li. “Anh xong rồi, em vào đi!”. Huy bước ra từ phòng tắm, mình khoác
chiếc áo ngủ dài của khách sạn. Vừa lau tóc vừa tươi cười, Thùy thấy chồng trẻ
ra.
Tắm xong Thùy cũng khoác chiếc áo ngủ dài như chồng rồi mở
máy sấy, hong tóc.
Từ phòng tắm bước ra, nhìn quanh, Thùy không thấy Huy đâu. Mấy
quả đào và táo trên đĩa đã được gọt vỏ, bổ ra, thoảng mùi thơm. Bước tới chỗ
đĩa trái cây, thấy miếng nào cũng đều như nhau, cô nhón lấy miếng táo, bỏ vào
miệng nhai rồi mở nắp chai nước lọc rót vào ly.
Huy đẩy cửa, bước vào. Thùy đặt ly nước xuống bàn, lấy thêm một
miếng táo: “Hôm nay anh gọt trái cây thật khéo!”. Huy nhìn đĩa trái cây, hỏi lại:
“Anh gọt?”, rồi cười: “Không, anh ra ngoài hút thuốc!”. Thùy ngừng nhai: “Anh
không gọt thì ai gọt?”. Một cơn gió thốc mạnh vào phòng. Huy nhìn ra cửa sổ:
“Em mở cửa à?”. Thùy nhìn theo ánh mắt chồng. Sắc màu ẩn hiện trong sương mù đã
nhường cho bóng tối và gió. Gió thốc liên hồi. Lớp voan trắng phồng lên như
cánh buồm căng gió. Điện thoại bàn đổ chuông, Thùy nhấc máy. Người tiếp tân nói
tiếng Việt khá sõi mời khách xuống phòng ăn ở tầng trệt.
Bữa ăn không có gì đặc biệt ngoài việc món nào cũng đầy ăm ắp
nên món nào cũng dư ê hề. Ánh đèn ấm, hoa cúc trắng nở xòe trên mỗi bàn ăn và
tiếng nhạc trầm bổng du dương vẫn không làm cho du khách hào hứng khi bóng đêm
vây kín bên ngoài. Khách sạn tiện nghi sang trọng trở thành một ốc đảo đơn độc
giữa đại dương thăm thẳm sương mù. Không khí uể oải của bữa ăn chỉ biến mất khi
người hướng dẫn đoàn mang đến cho mỗi người một cái thẻ đánh bạc trị giá 10 USD
để thử vận may tại casino.
Dù không biết cờ bạc và không dễ hòa nhập chỗ ồn ào, Thùy
cũng dúi vào tay chồng cái thẻ chơi bạc và đồng ý theo chồng cùng đoàn người
lên phòng casino.
Lúc đứng ở tầng trệt đợi thang máy đưa lên tầng casino, Thùy
chợt thấy cái siêu thị mini trước mặt. Cô níu tay chồng: “Mình vào đó một chút,
em muốn mua dầu xả tóc”.
Dầu xả tóc, thứ Thùy cần không tìm thấy. Mặt hàng bày bán chiếm
nhiều diện tích trong siêu thị là đồ chơi trẻ em, nhiều nhất là các loại đồ
chơi điện tử và thú nhồi bông. Con nào cũng giống nhau ở đôi mắt tròn, đen
nhánh. Thùy cầm lên con gấu có bộ lông nâu và cái nơ đỏ thắt ở cổ. Trông nó hao
hao con gấu mà lúc nhỏ thằng Bi ít khi rời tay. Thùy bỗng muốn gọi cho con
trai. Khi mở xắc tay, cô mới sực nhớ là điện thoại để ở nhà.
Trước chuyến đi, Huy khiến Thùy bất ngờ là anh quyết định
không mang theo điện thoại. Lúc nghe chồng nói, cô tưởng anh đùa, bởi điện thoại
di động, với Huy là vật bất ly thân, kể cả lúc lên giường. Thùy không hình dung
được Huy có thể tách khỏi cái di động trong vài giờ cho đến khi cô nghe chồng
nói, rằng: hai mươi năm chung sống, vợ chồng lúc nào cũng bở hơi tai vì công việc,
tất tả vì con cái, chia tâm chia trí việc thiên hạ nên anh muốn chuyến du lịch
ngắn ngày này, vợ chồng phải thật sự dành cho nhau. Thùy nhớ, mấy từ “thật sự
dành cho nhau” chồng nói dứt khoát và yêu cầu vợ cũng bỏ điện thoại ở nhà. Lúc
ngồi trên xe, thấy mọi người trò chuyện ríu ran và những ngón tay nhẹ lướt, gặp
gỡ í ới qua màn hình smartphone, Thùy nhận ra việc bỏ điện thoại ở nhà là một
quyết định dại dột. Suốt chặng đường dài, nhiều lúc Thùy có cảm giác mình ngồi
không vững. Cô biết, sự tròng trành nghiêng ngả không chỉ do những đoạn đường dằn
xóc. Thùy chợt rõ hơn, cái cảm giác chơi vơi khi tự mình cố bứt ra khỏi mớ dây
ràng rịt của thói quen, thói quen kết nối. Thứ ràng rịt vô hình nhưng lại khiến
cô, khiến những sinh linh bé nhỏ trong thế giới xô lệch bất an này, tìm được
thăng bằng.
“Em định mua thú nhồi bông à?”, nghe chồng hỏi bên tai, Thùy
giật mình. Cô đưa con gấu cho chồng: “Anh thấy nó dễ thương không?”. Huy đặt
con gấu đứng vào quầy: “Con nào cũng như con nào, được sản xuất hàng loạt”.
Thùy lại cầm lên con gấu mà Huy vừa đặt xuống: “Em mua con này!”. Thùy ôm con gấu
lại quầy tính tiền. Lúc đưa tiền và chờ người bán hàng thối lại, cô nhận ra
mình đang dò dẫm lần về ký ức.
Con gấu của bé Bi lúc chuyển từ căn nhà trọ chật hẹp sang
ngôi nhà khang trang mà vợ chồng tích cóp và xây được, Thùy nhớ, cô đã lần khân
ra vô nhiều lượt, rồi cuối cùng, cũng đành vứt nó vào xe rác cùng với nhiều vật
dụng sờn cũ từng gắn bó với mỗi thành viên trong gia đình. Trong ngôi nhà mới,
cu Bi chỉ thích đồ chơi điện tử với những trò rượt đuổi, ồn ào. Lớn lên, học
hành, lấy bằng, đi làm, nó cũng tiếp tục lao theo tốc độ rượt đuổi của những
trò chơi. Lúc nào nó cũng bận. Thời gian trò chuyện với cha mẹ rút ngắn dần. Dần
dần, cái điện thoại di động trở thành phương tiện giao tiếp với cha mẹ. Nhiều lần
Thùy tủi thân đến trào nước mắt khi nói chuyện với con mà như nói với cái máy
di động được cài đặt thời gian. Chỉ thông tin. Rặt thông tin. Ngày lễ, ngày tết,
sinh nhật, Thùy đều nhận được quà tặng của con trai nhưng lòng lại thiếu hân
hoan. Giá như đổi lại những món quà có giá trị bạc triệu đó bằng ánh mắt, bằng
nụ cười, bằng những câu nói yêu thương nó từng dành cho mẹ. “Nhanh nhanh đi
em!”, Huy cắt ngang hồi nhớ của vợ. Thùy ôm chú gấu bông, bước theo chồng.
Thang máy đang mở cửa chờ thêm người. Huy vừa bước vào, cửa
thang máy liền đóng lại. Thùy lật đật đưa tay ấn chữ G trên bảng điều khiển trước
mặt nhưng thang máy đã di chuyển. Cô vẫn đứng chỗ cũ, chờ thang máy trở xuống,
thế nào Huy cũng quay lại đón vợ.
Ít phút sau, khi thang máy mở cửa, không thấy chồng, Thùy như
người bước hụt.
Khi lấy lại thăng bằng, Thùy không bước vào thang máy mà quay
trở lại. Cô thấy mình di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Diện tích tầng trệt
khách sạn bốn sao nơi cao nguyên vắng lặng trở nên quá rộng. Thùy dừng ở quầy
bán đồ lưu niệm. Cô cầm món này rồi món kia lên, ngắm nghía. Áy náy khi thấy
người bán hàng quá niềm nở ân cần nên cô chọn mua một chiếc khăn choàng cổ bằng
voan với hoa văn sặc sỡ, trái ngược với tâm trạng của mình. Cô cho chiếc khăn mỏng
vào xắc tay và rời quầy hàng lưu niệm. Thùy bước đến bộ salon đặt trước màn
hình ti vi. Cô ngồi xuống, lưng dựa vào thành ghế, đưa mắt lên màn hình, xem đoạn
phim về cuộc sống kỳ lạ của một loài thực vật có thể giết thú và người bằng mưu
mẹo và độc tố của chính nó.
Trò ngụy trang và giết chóc diễn ra trên màn ảnh rộng với màu
sắc hình ảnh sắc nét và ở một cự ly gần khiến Thùy thấy ngột ngạt. Cô đứng lên,
bước đến quầy bar, chọn ngồi bên một chiếc bàn đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nếu
Huy quay lại tìm vợ.
Thùy gọi một ly vang đỏ. Thỉnh thoảng Huy mua loại vang này về,
nhắc vợ: “Em uống vang đều đặn sẽ tốt cho tim mạch”. Thùy nâng ly, chậm rãi uống
từng chút một. Trước mặt cô, cách một mặt bàn, một cặp tình nhân trẻ vừa âu yếm
vừa nhấm rượu. Thùy ngồi thẳng, tay giữ chú gấu trên đùi, cố giữ phong thái ung
dung nhàn nhã của một quý bà cho đến khi uống cạn ly thứ hai. Cô cảm thấy như
ai đó cầm những mũi kim khươi nhè nhẹ nơi tim mình. Rồi cái gì đó giống như cơn
đau nhưng chưa hẳn là cơn đau, râm ran cả vùng ngực trái. Cô gọi một ly nước lọc.
Uống hết ly nước, Thùy đổi thế ngồi. Cô tựa hẳn lưng vào
thành ghế, mắt nhắm, tập trung hít thở sâu.
Khi cơn choáng đi qua, cô gọi tính tiền. Thùy biết, cơ thể
mình cần được nghỉ ngơi sau chặng đường mấy trăm cây số ngồi ô tô. Cô sẽ nằm
dài trên giường và ngủ. Chỉ cần một giấc ngủ sâu, mọi thứ sẽ ổn, kể cả việc Huy
có thể đã quên phắt vợ khi được chèo kéo vào trò đỏ đen.
Tính tiền xong, ôm chú gấu, rời khỏi quầy bar, Thùy sực nhớ
là mình không nhớ được số phòng. Huy giữ chìa khóa, Huy mở cửa, Huy khóa cửa,
Huy gửi chìa khóa chỗ quầy tiếp tân.
Khi bước gần tới quầy tiếp tân, Thùy khựng lại. Không biết số
phòng thì làm sao lấy được chìa khóa. Chỉ còn cách duy nhất là lên chỗ sòng bạc
tìm Huy. Cô quay về phía thang máy đang mở cửa, đón khách.
Từ chỗ Thùy đang đứng đến chỗ thang máy chừng hai mươi bước.
Chỉ cần cô bước vào thang máy, sau ít phút là gặp được Huy. Tuy nhiên, cái động
tác đơn giản đó đối với một người đàn bà bị chồng bỏ quên lại không đơn giản
chút nào. Thùy còn lựng khựng, chợt nghe tiếp viên hỏi: “Chị có cần giúp gì
không?”. “Không... À... có. Tôi muốn tìm lối vào toilet”.
Lúc từ toilet bước ra, Thùy tránh lối đi ngang quầy tiếp tân,
tránh gây chú ý và cũng tránh nghe câu hỏi “Chị có cần giúp gì không?”. Thực
ra, điều Thùy đang cần là một cuộc gọi. Giá như không rời cái smartphone, Thùy
đã không bơ vơ đến vậy.
Thùy thấy bước chân mình di chuyển. Cô không bước về phía
thang máy mà bước ngược ra cửa chính, nơi đoàn khách Tây vừa xuống xe, cười nói
lao nhao, đang lần lượt bước vào khách sạn. Gió lạnh cùng sương mù theo các vị
khách đến muộn tuồn vào cánh cửa đang mở.
Theo cánh cửa đang mở, lúc nhộn nhạo người, Thùy bước ra khỏi
khách sạn.
Bao quanh Thùy, ve vuốt Thùy, dẫn lối Thùy là gió lạnh và
sương mù, thứ “đặc sản” có sức hút đối với những du khách quanh năm sống trong
tiết trời oi bức. Ánh sáng của dãy đèn cao áp giăng giăng theo lối vào, ra
khách sạn khoác thêm cho lớp sương mù sự quyến dụ khó cưỡng. Thùy hấp tấp theo
màn sương đang di chuyển về phía vầng trăng đang lơ lửng trôi, như kẻ bị thôi
miên. Rồi, hình như đôi chân cô không bước từng bước nữa. Thùy như cuốn theo
chiều gió, cuốn theo ánh trăng, cuốn theo khói sương vây kín lối đi.
Cái lạnh thấm vào thịt da cũng là lúc nỗi sợ kéo đến khi Thùy
lờ mờ nhận ra: Vùng đất còn quá nhiều kỳ bí này không chỉ lưu giữ những câu chuyện
ly kỳ trong màn sương huyền thuật, mà còn chứa biết bao hồn cốt. Thiên tai, chiến
tranh, hằn thù, thương tích, nghèo đói, bệnh tật... và có thể là cả sương mù,
đã khiến họ không còn lối thoát. Họ kẹt lại, vĩnh viễn nằm lại vùng đất mù
sương này.
Trong lớp sương mù dày đặc bao quanh, hẳn còn lẩn khuất bao
oan hồn. Cỏ cây, đồi núi, con đường uốn lượn, những bức tường đổ nát, ngôi chùa
xưa, nhà thờ cổ, khách sạn mới, resort đang xây... những hình ảnh lướt qua mắt
Thùy lúc cô ngồi trên xe trong ánh chiều, tất cả mất hút trong sương mù. Cả vầng
trăng mờ cũng khuất dần sau rặng núi. Chỉ còn sương mù cùng tiếng rít và tiếng
hú. Tiếng hú kéo dài từng hồi. Tiếng hú, hình như không chỉ là tiếng hú của non
cao và gió ngàn. Tiếng hú rờn rợn. Thùy siết chặt con gấu. Bộ lông của nó cũng
dấp dính sương mù. Đôi chân líu víu, Thùy không bước được nữa.
Chực khuỵu xuống, Thùy thấy một luồng sáng xanh xuyên qua
sương mù, rọi tới. Rồi một cánh tay xốc Thùy lên và kéo cô đi.
Khi lếch thếch tới vùng sáng của dãy đèn cao áp, cô mới nhận
ra người đưa mình thoát khỏi sương mù là bảo vệ khách sạn. Anh ta, một người
đàn ông trẻ, cao to, da ngăm đen, nai nịt gọn, sắc mặt lạnh, tay cầm chiếc đèn
pin. Lúc nói tiếng Anh lúc xen tiếng Việt, người bảo vệ cảnh báo Thùy rằng, cô
có lẽ đã chết cóng nếu anh ta tìm gặp trễ hơn, và cô không phải là trường hợp
duy nhất.
Đưa Thùy vào được bên trong khách sạn, trước khi quay ra tiếp
tục ca canh gác, người bảo vệ bảo cô phải nhanh nhanh về phòng thay ra bộ quần
áo đẫm sương để tránh cảm lạnh. Nhìn ánh mắt ráo hoảnh, Thùy còn đọc được câu
nói mà anh ta kịp giữ lại, là... để tránh liên lụy đến nhiệm vụ canh gác của
anh ta và tránh rắc rối cho khách sạn.
Thùy không thể bước đến quầy tiếp tân trong dáng vẻ bơ phờ xộc
xệch. Cô càng không thể nói thật tình cảnh của mình với nhân viên khách sạn để
nhận sự trợ giúp từ họ. Để người lạ biết mình mất phương hướng vì cảm giác bị bỏ
rơi và suýt chết cóng trong sương mù, với Thùy, là nỗi ê chề mà cô không đủ sức
chịu đựng. Cô mở xắc tay, lấy chiếc khăn sặc sỡ choàng qua cổ và ngực.
Nhìn quanh thấy khá yên ắng, chỗ thang máy cũng không thấy
người ra vào, linh tính mách Thùy là Huy đã trở về phòng. Cách gì cô cũng phải
tìm được căn phòng mà cô để va li và áo quần ở đó. Thùy cần thay bỏ bộ váy áo ẩm
ướt này.
Không có thẻ điện tử, tay ôm chặt con gấu, Thùy nhón nhén đi
theo lối đi bộ. Trong lúc bước lên tấm thảm trải dài theo cầu thang, cô nhớ lại,
lúc trao chìa khóa phòng, người hướng dẫn nói tất cả đoàn đều ở tầng 3 và đọc số
phòng, trong đó có phòng nghỉ dành cho vợ chồng cô.
Khi bước lên đến tầng 3, nhìn hành lang trải thảm kéo dài dưới
ánh đèn ấm áp, cô nhớ được căn phòng nằm bên trái thang máy, khoảng cách từ
thang máy đến căn phòng có đặt bộ salon, trên mặt bàn bộ salon có đặt một bình
hoa cúc trắng.
Khi thấy những bông cúc nở xòe trước mặt, nước mắt Thùy bỗng
tuôn đầm đìa.
Nước mắt làm mọi thứ mờ nhòe. Mấy con số gắn trước cửa phòng
Thùy cũng không nhìn rõ. Cô chỉ biết rõ là mình phải vào phòng, phải được mặc ấm,
giữ ấm. Thùy gõ cửa.
Thùy nghe tiếng động trong phòng. Rồi cánh cửa bật mở.
Huy trong bộ áo ngủ dài không buộc dây choàng, đưa tay kéo vợ
vào phòng, khóa cửa lại, hỏi: “Em đi đâu mà anh tìm không gặp?”. Thùy kéo chéo
khăn lau nước mắt: “Không gặp em, anh vẫn ngủ được sao?”. Huy gỡ con gấu ra khỏi
tay Thùy, quăng xuống sàn: “Anh thua sạch tiền trong túi rồi. Không ngủ thì biết
làm gì!”. Nói xong, Huy kéo vợ sát vào cơ thể săn chắc của mình.
Sương mù, bằng cách nào đó, hình như len vào giữa Thùy và chồng.
Đó là thứ sương mù mà Thùy khó có thể thoát ra.
Phú Lợi, 2015
Bích Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét