Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Mùa xuân - Tết nguyên tiêu và thơ

Mùa xuân - Tết nguyên tiêu và thơ
Mùa xuân - Tết nguyên tiêu - và Thơ, nghe thật nhịp nhàng và bồng bềnh như nhịp ba của điệu van-xơ đã từng lay chuyển mọi dòng sông trên thế gian, đặc biệt là sông Đa-nuýp. Nghe nó tuôn chảy, dào dạt, dập dềnh như dòng thác mỹ học đầu tiên cải cách nhịp đi một hai - một hai (nhịp 2/4) của cơ thể thành một dòng chảy của dòng sông thời gian: biến cái dáng đi tự nhiên nhất trở thành nhân tạo - cũng có nghĩa là trở thành nghệ thuật? ...
Không! Nhịp mùa xuân - tết nguyên tiêu - và thơ giống ba tầng của một vệ tinh hơn. Mùa xuân là tầng đáy - nơi chất đầy nguyên liệu tràn trề sức sống của càn khôn. Và Tết Nguyên tiêu giống như vô vàn các thành phố và thôn quê ở phương Đông đang nhấp nháy muôn vàn chiếc đèn lồng để đội vành nguyệt quế ánh sáng lên sức sống mùa xuân đó.
Vệ tinh bùng ra một tiếng nổ mãnh liệt ở tầng một, bắn lên một vệt sáng thăng thiên lên tầng hai; tầng hai lấp lánh chói lòa tuôn ra những pháo hoa rụng xuống từ một tốc độ siêu phàm; và chót đỉnh mũi vệ tinh còn lại là thơ đang chất chứa sức nổ trong mình để bay đến các vì sao... Đó là hình ảnh toàn thể cho lễ hội thơ Tết nguyên tiêu của chúng ta mới diễn ra ngày rằm tháng giêng vừa qua.
Mùa xuân, theo Kinh Dịch của người Trung Quốc là mầm sống vừa nhú: khí dương vừa nhoi lên qua đại dương âm u của mùa đông, nhưng vẫn còn yếu, người ta gọi là “thiếu dương”, tức chưa đầy đủ. Nhưng đến rằm tháng giêng, rằm là mặt trăng đã mãn – nó đầy đủ và tràn trề, cũng có nghĩa là thành tựu hơn, dẫu vậy: trăng rằm tháng giêng vẫn còn lờ mờ trong mây khói bởi vì sự ẩm ướt của tháng giêng vẫn còn quá dầy, nên trăng chưa thể lộ ra cách toàn diện.
Người Trung Hoa thường xếp thơ với trăng, vì trăng thuộc Âm, người ta cũng gọi nghệ thuật là Âm, như “Âm nhạc”, thơ cũng thuộc thể âm, bởi vì đối với nghệ thuật, chính trị được xếp vào giường cột: tức thể Dương.
Vì lẽ đó chọn ngày tết nguyên tiêu để mở lễ hội thơ thì thật tuyệt vời! Trước hết thơ được coi như buổi bình minh hồn nhiên của loài người. Thứ hai, khí dương mới sinh đến trăng rằm đã đạt thành tựu sớm sủa đầu tiên, và ngày thơ mọc cánh ngay từ thành tựu non tơ đó, thật chẳng khác gì: mượn gió mùa xuân để thả cánh diều hy vọng cho thơ. Theo quan niệm của người phương Đông, mọi sự thành công của con người phải được thông thiên cùng sự kỳ vĩ của tạo hóa, người ta gọi đó là “Thiên - Nhân tương ứng”, hoặc còn mô hình chi tiết ra là: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngày thơ Việt đã lên men từ chính nguyên lý đó. Nói cách cầu kỳ theo binh pháp thì các nhà thơ xứ ta thật uyên bác để chọn thế “ỷ dốc” mùa xuân cho thơ.
Dốc núi - tuyết tan - và sức sống, đó là hình ảnh kinh điển vĩnh cửu của người Phương Tây. Mùa xuân, tuyết rùng mình lở tơi bời trên các sườn núi, hóa những dòng sông như đổ từ trời xuống, nước cuốn đến đâu, cây cỏ hồi sinh - hoa lá tuôn trào đến đó. Và thơ của chúng ta thì sao, nó có đổ xưống như thác lũ?
Nhìn lại thơ Việt đã trải qua ba thời kỳ căn bản:
1- Thời kỳ ca dao tục ngữ: hơn 90% dân số mù chữ, nhưng ca dao tục ngữ là thơ của những người tinh hoa, được sàng lọc qua nhiều kinh nghiệm và thế hệ, để truyền dạy cho đời. Vì thế thơ luôn kèm theo nội dung của trí tuệ, của chân lý bên trong, chẳng hạn:
Dò sông dò biển dò nguồn
Biết sao được bụng lái buôn mà dò
Hoặc:
Ngựa hay chẳng quản đường dài
nước kiệu mới biết tài trai anh hùng
2- Thời kỳ thơ mới: dân ta thích đọc thơ để tập đánh vần cho nhanh, cho tiện, cho dễ “học như chơi”, nên đâu dâu cũng thấy tập đọc thơ, cũng là tập đánh vần, ba gác, xe thồ, xích lô mua báo để đọc , đánh vần thơ . Ối kẻ học vẹt thuộc cả bài thơ dài mà không biết mặt chữ.
3- Thời nay, dân ta có hơn 90% biết chữ, và đến lễ hội thơ có rất nhiều độc giả là sinh viên đại học, các tác giả thơ thì vừa đại học vừa cao học, còn có khá nhiều người từng du học ở nước ngoài.
Năm ngoái trong lễ hộ thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xuất hiện trước ống kính của truyền hình và nói đại ý: Tưởng rằng thơ đã hiu hắt, nhưng đáng mừng thay có rất đông, rất đông đến để nghe thơ và đọc thơ, chứng tỏ nhu cầu về thơ vẫn còn rất lớn, rất đáng mừng, cái chính là giờ đây chúng ta phải tìm cách làm thơ hay lên.
Câu nói của ông thật chí tình chí lý, đúng như mọi nguyên lý ở đời, quả là đầu tiết xuân ông nói: “mới như mùa xuân, cũ như trái đất”, không khác gì các nhà nông nghiệp nói với nhau, chúng ta cần tăng năng xuất, và các nhà kinh doanh nói, chúng ta cần có lãi, và lãi nhiều hơn nữa.
Còn nhà thơ trẻ phái đẹp Phan Huyền Thư thì tâm sự thật run rẩy và trắc ẩn: nhà thơ đồng nghĩa với cái gì tội nghiệp, đáng thương; nhưng qua lễ hội thơ, nhìn khán giả và không khí thơ, mặc cảm đó dường như tan biến...
Sau ngày thơ, nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng hàng đầu của chúng ta là Nguyễn Huy thiệp có viết bài “Nhân ngày thơ bàn về thơ” đăng trên tờ Văn hóa Thể thao (10/2/2006). Phải nói, có lẽ chưa bao giờ thấy Nguyễn Huy thiệp có được cái nhìn sắc xảo, bình thản và đúng đến vậy, ông đưa ra hai ý:
1- Con người đi từ trẻ đến già, thì thơ cũng đi từ thơ tình lúc tuổi trẻ cần khám phá giới tính đến ý chí là lúc tuổi già đã tích lũy nhân đức và trí tuệ.
2- Thơ cần đi từ hồn nhiên đến tâm lý, rồi đến triết học.
Mùa xuân, các tác giả đến sân khấu thơ quả là hiện đại, và họ mang cả phong cách của “hậu hiện đại” tức biểu hiện thơ, thậm chí biểu diễn thơ, tóm lại họ biểu cảm thơ bằng rất nhiều động tác hiện đại từ ngôn ngữ trữ tình, gào thét, trán nhăn, mắt quắc, tay vung... Nhưng so với các tiền bối như ca dao hay Nguyễn Du họ dường như chẳng để lại dấu ấn gì ngoài chính sự biểu cảm. Bởi lẽ thơ họ dù rất giầu cảm xúc nhưng vẫn chỉ là cảm xúc thôi, còn trí tuệ hay những nguyên lý đúc kết muôn đời như “muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thước” thì hiện ra ở vần thơ nào?
Một nhà tư tưởng Ấn Độ có nói: “Hạnh phúc cho chúng ta được sinh ra làm trẻ con, nhưng bất hạnh thay cho chúng ta mãi mãi phải làm trẻ con,” qua câu này càng thấy câu của nhà thơ Hữu thỉnh thật là “chí lý”, ông nói, hãy làm thơ hay hơn nữa để hài nhi thơ đó lớn lên. Mong rằng thơ Việt Nam sẽ chóng lớn đến độ có ngày nó làm rách toạc chiếc áo người mẹ ca dao may từ thủa ngàn năm đến nay vẫn còn chưa trật. Muốn vậy, mỗi nhà thơ chúng ta phải biết bác học hóa ngay những vần thơ tiếng mẹ đẻ của mình. Rất mong ngày đó!
(Nguyễn Hoàng Đức)
Chùm thơ Mùa Xuân của nhiều tác giả
Xuân
(Việt Phương)
Thế là lại thêm một lần Tết
Lẽ đời đã biết được gì đâu
Thời gian lừng lững đi mải miết
Một đời tha thiết chỉ bắt đầu
Bao giờ thì đến được mai sau
Chẳng đợi chờ ai xuân cứ xuân
Sương bay lãng đãng gió lâng lâng
Vòm lá phân vân lời nghèn nghẹn
Hứa hẹn hình như đã một lần
Hà Nội như vồng xôi nóng hổi
Tỏa chút hương thơm đón mọi người
Lắng nghe viên gạch chân tường nói
Xuân về chở nặng những xa xôi
Lộc
(Việt Phương)
Thời ta lấy nhau em tròn hai mươi
Em nhìn thấy anh mặt trời thần tượng
Anh nhìn thấy em phương hướng mặt trời
Rồi những tháng năm trong ngời hạnh phúc
Xen những ngày đêm tối sầm địa ngục
Tóc bạc nhìn nhau đã thực sáu mươi
Buối sáng đầu năm em lại nhoẻn cười
Màn sương giăng giăng nỗi đời hư thực
Vị đắng nhân tình mùa xuân đang lọc
Còn chút dại khờ làm lộc mừng em

Mai
(Việt Phương)
Còn một mùa xuân chưa vội đến
Đợi thêm chín bến ở mười sông
Còn một con người chưa kịp hẹn
Lỡ bao nhiêu chuyến ở trong lòng.
Dòng
(Việt Phương)
Nửa chừng xuân lại nửa chừng đông
Con đường tưởng thẳng hoá ra vòng
Mưa phùn bụi quá không thành giọt
Có không không có có không không
Hồn Xuân, Hồn Đời
(Hồ Bá Thâm)
Đời ta như thể bốn mùa
Buồn vui, sướng khổ, thắng thua
Một thôi, thôi một mà tất cả
Tất cả cũng từ một đời ta!
Trời đất thì cũng thế thôi
Có hạ có đông có đủ sắc mùi
Không rét làm sao mà biết ấm
Không rụng làm sao nở xuân đời!
Một trái tim mà giận dữ với hiền hòa
Một thời gian mà chứa cả nắng mưa
Họa đấy mà phúc thì cũng đấy
Chỉ một cành thôi hóa đủ bốn mùa!
Xuân đã ủ mầm tự cuối đông
Cành khô đã chứa những sắc hồng
Hơi rét đã xe bao sợi nằng
Niềm vui cháy tự nỗi buồn chung!
Hoa muôn đồng bãi tụ về đây
Xuân phố nghe làng xóm sum vầy
Xuân quê tưng bừng đón con từ phố thị
Bao phố làng má gió hây hây…
Xuân có chút thu, chút hạ, chút đông
Trong ta có nhau mới ấm nồng
Xuân về hai nửa thương và nhớ
Đã thấy hạ sang. Phượng rực hồng!
Đời ta như thể bốn mùa
Buồn vui, sướng khổ, thắng thua
Một thôi, thôi một mà tất cả
Tất cả hóa vào một đời ta!
Hồn xuân hồn đời anh thấy không
Chớ sợ gai mà không hái hoa hồng
Sợ họa mà không tìm hạnh phúc
Khi đầu xuân đã thấy cuối đông!
Xuân về
(Nguyễn Bính)
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong
Lục bát về thông
(Thạch Quỳ)
Mùa xuân thả nắng chiêm bao
Thả mưa bụi phấn bay vào rừng thông
Mùa xuân thả nắng mật ong
Cho cây lá nhọn đứng hong nhựa vàng
Chợ Tết
(Đoàn Văn Cừ)
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
Xuân đến
(Nguyễn Xuân Thái)
Cây bàng ươm mầm trong vỏ
Hoa bưởi lặn trong cành xanh
Nụ chanh ẩn mình kẽ lá
Bông hồng giấu hương nơi xa
Xuân đến như có phép lạ
Bật tung lộc biếc hương hoa
Không gian nắng đằm màu kén
Đất trời đâu cũng mộng mơ
Tháng Giêng 
(Nguyễn Hữu Quý)

Tháng Giêng, tôi nhớ dịu dàng
Sầu đông chưa tím, nắng vàng đang non
Tháng Giêng rét mướt vẫn còn
Còn ai đan áo mắt mòn chân mây?
Mùa xuân chín
(Hàn Mặc Tử)
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang
Xuân
(Phạm Ngọc Thành Ý)
Cây đời anh dẫu chưa già
Nhưng không còn trẻ để mà tươi xanh
Lá vàng – vàng ối trên cành
Gió đi bứt hết ngỡ nhành khô lâu
Trải bao sương nắng dãi dầu
Lãng quên nào có ai đâu đoái hoài
Thế mà bỗng một sớm mai
Mùa xuân đến - thoắt hình hải đổi thay
Lá xanh, lộc biếc… ơ hay
Một bông hoa để ngất ngây lòng người
Em là xuân đấy em ơi
Cho cây tôi lại đâm chồi trổ hoa
Tiếng sáo thiên thai
(Thế Lữ)
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
Bên rừng thổi sáo một hai kim đồng
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…
Xuân về
(Chế Lan Viên)
Đôi bướm lượn, cánh nương làn sương mỏng
Chập chờn bay đem phấn điểm muôn hoa
Cất tiếng hát ngây thơ trên cỏ rộng
Đàn chim khuyên đua nhặt ánh dương sa
Xuân quê
(Vân Đài)
Gánh thóc em về xóm Giếng xa
Đường mai nón lá trắng mùi hoa
Hai bên bờ ruộng ngô xanh bắp
Một bến đầu xuân nụ tím cà
Mái sớm sương tan vàng rạ mới
Đồi chiều mây xuống đỏ cờ pha
Mùa xuân
(Bình Nguyên Trang)
Mùa xuân bất ngờ sang từ một búp bàng
Như con mắt thức dậy sau ngàn ngày chờ đợi
Lạ lùng gió cứ nồng nàn tràn tới
Dường như đầy ắp cánh đồng…
Mỗi độ tháng Giêng
(Tô Hoàn)
Mỗi năm cứ độ tháng Giêng
Tôi cùng em lạc vào miền ca dao
Người chen trong sắc hoa đào
Bao nhiêu lúng liếng đổ vào cuộc chơi
Hội làng ai cũng có đôi
Lá hoa ghen với những lời đong đưa
Tháng Giêng mưa rét thêu thùa
Gái trai tình tự bỏ bùa cho nhau.
Chiều Xuân
(Đoàn Bá Đĩnh)
Đã thấy mưa bay lấm tấm rơi
Nhành cây nảy lộc lá xanh rồi
Đất như cựa quậy sinh mầm mới
Hơi ấm ngọt ngào trong nõn cây
Chớm Xuân
(Quang Huy)

Trời xanh đã chớm mùa xuân gió
Hoa cải sườn đê đã dậy vàng
Có người về ngắm bờ sông cũ
Nghe lạnh đầm sương
Tiếng vạc trăng
Sang Xuân
(Nguyễn Hoa)
Đêm sâu gió lấp chẳng đầy
Một ngôi sao sáng chợt bay ngang trời
Nhớ ăm ắp gạt không vơi
Hình như mưa nhẹ sáng rồi
Sang xuân
Ngóng Xuân
(Lê Huy Quang)
Phố cổ ngẩn ngơ thâm trầm mái ngói
Hối hả bon chen em chốn thị thành
Hồ Gươm Canh Dần pháo hoa rạng rỡ
Tân Mão đang về nhành liễu rủ ngóng xuân
Thức
(Nguyễn Hòa Bình)
Đi hết mùa mưa không ướt nổi góc đầu
Chiều níu lại những nỗi niềm nhân thế
Ta chết lặng giữa bao điều không thể
Nhận ra đời, thôi cũng chỉ vô vi
Sang xuân
(Hoàng Tố Nguyên)
Nắng ửng chòm tre, gió thoảng đưa
Búp non thắp sáng lá cành thưa
Chim mang tiếng hót ra hong nắng
Tơ nhện vương sương trắng cỏ bờ
Đào phai
(Lê Đạt)
Chim én về
Tình em quên lại
Tóc lạnh canh già bạc mái xuân
Thắp bạch đêm mai đầu sáng đợi
Trêu người hoa mừng tuổi đào phai
Vĩnh cửu
(Lê Đạt)
Em chợt hiện như một chiều cổ đại
Vườn nhạt mùa hoa lải rải mưa xưa
Bếp nguội chớp bùng tâm lửa lại
Vĩnh cửu xanh soi một mải tình
Tết để quên
(Nguyễn Thụy Kha)
Tết để quên những Tết ngày xưa
Chiến tranh liên miên Tết đến mà không Tết
Con cái biệt xa, nhà làm gì có Tết
Chỉ mong Tết qua, Tết qua đất nước sẽ tự do
Tết để quên những Tết ngày xưa
Nghèo khó thế mà quây quần hết

Bạn xa về, bạn láng giềng ngày nào cũng vui như Tết
Uống rượu nhà này, ăn cỗ nhà kia
Tết để quên những Tết ngày xưa
Sau Giao thừa đi lì xì khắp xóm
Bạn hái lộc về cười đùa hơn hớn
Ngỡ chẳng thể nào tách được nhau ra
Tết bây giờ sao thật khác xa
Những đứa trẻ hồi nào nhận lì xì giờ đã là cha mẹ
Là đại gia coi tiền như rác mẻ
Còn nhớ gì những Tết ngày xưa
Lại gặp nhau dưới cửa sau Giao thừa
Người bạn láng giềng vẫn thú đi hái lộc
Bao thân thiết yêu thương xưa kia, 
cơn lũ thị trường cơn lũ thời gian đã cuốn trào trôi tuột
Ngượng ngập chào: “Năm mới nhé!... “ rồi đi
Tết để quên những Tết ngày xưa
Và hy vọng những Tết nào sẽ tới
Vẫn tìm cố tri, vẫn chơi thêm bạn mới
Tết để quên để mong ước hồn nhiên…
Xuân bằng hữu
(Trần Nam Xuyên)
Tri kỷ hoa vượt tuyết sương
Đường xuân hò hẹn cuối chành hương
Cúc ở bên trời, ta ở đây
Nhớ bạn nghiêng chén rót mùa say
Việc đời như mây trắng bay qua
Vắng bạn thôi ta về quán trúc
Bạn đi hăm hở đường nghiên bút
Tôi về chăm chút khóm lan xưa
Đò Xuân
(Dư Hà)

Mùa xuân bay trong ký ức
Vỡ òa như giọt sương vương
Em lặng im cùng hồi tưởng
Xuân mơ vũ khúc vô thường
Em như nắng trong lộc biếc
Thuở rong chơi vời vợi xa
Nhành mai vàng trong chiều tím
Giật mình hai mươi xuân qua
Lãng đãng nhớ quên một kiếp
Ừ thì năm tháng bẽ bàng
Giấu chút yêu thương gửi lại
Chuyến đò chở xuân vừa sang
Tết Việt xứ người
(Hồ Bá Thâm)
Tết Việt xứ người, em biết không
Dưa hành với thịt lợn làm đông,
Bánh tét bánh chưng từ đất Tổ
Vẫn lá dong xanh, lạt buộc hồng!
Tết xa quê vẫn phong cách xứ vua Hùng
Sắc vàng, thắm đỏ tựa ước mong
Âm – dương kết lại, bao tình nghĩa
Càng xa quê càng thấy chung lòng!
Làm bữa Tất niên, mời bạn bè
Tiết canh hồng hồng đượm món quê
Thịt gà lá chanh thơm phưng phức
Nhâm nhi ly rượu, nhớ quê ghê!
Xuân đến từng thớ thịt đường gân
Nghe trong tim dòng máu Lạc- Hồng
Bỗng nhớ những câu đối Tết
Và những câu Kiều, mẹ vẫn thường ngâm!
Tuổi thơ Tết thật là vui
Mang bánh khoe bạn, sún răng cười
Áo mới thêm bao háo hức
Xung xăng đó Tết- nhất trên đời!
Em nhớ không và giờ Tết Việt xứ người
Tôi muốn truyền lửa đến con tôi
Từ nồi bánh chưng xanh, từ tâm linh nhang khói
Từ dòng máu Việt tự trong nôi!
Dưa hành với thịt lợn làm đông,
Vẫn lá dong xanh, lạt buộc hồng!
Bánh tét bánh chưng từ đất Tổ
Thịt gà lá chanh phưng phức thơm!
Giao thừa hướng về đất Mẹ
Pháo hoa bay sáng rực hồ Gươm
Sáng rực Sài Gòn, bến cảng
Nghe bồi hồi bao nhớ thương!
Mồng Một Tết thiêng liêng đến lạ
Dẫu xứ người họ không có Tết ta
Đây rồi, bóng nàng Xuân nhẹ bước!
Phút tĩnh lặng, đón Xuân vào nhà…
Xuân đến từng thớ thịt đường gân
Nghe trong tim dòng máu Lạc- Hồng
Bỗng nhớ những câu đối Tết
Và những câu Kiều, mẹ vẫn thường ngâm!
Dấu mùa xuân
(P. N. Thường Đoan)
Ở dưới thềm cửa giấu một nụ hôn
Em như mặt trời thắm
Đang chờ gọi tháng giêng về
Dậy đi
Tình ngủ đông
Hôm kia gió chướng đã thổi qua
Cánh đồng vừa gặt
Thổi vào hàng so đũa góa phụ
Em phơi gương mặt anh trên cánh cò trắng mùa trước
Tình mới như xuân
Phía này ánh sáng đang lên
Dậy đi
Để còn kịp gặt hạt sương cuối cùng
Trên cánh đồng vàng vừa nở
Còn kịp giữ lại ngọt ngào…
Lỡ hẹn mùa xuân
(Hoàng Ngọc Lập)
Xuân qua, lỗi hẹn cùng anh
Một đời hứa hẹn đã thành hứa suông
Ra vào ngắm nhện tơ vương
Ngẩn ngơ ngồi tắm trăng suông nhạt phèo
Giá như khuất núi cách đèo
Giá như nắng sớm mưa chiều cho cam
Mà đây chỉ một thôi đàng,
Người ơi sao lỡ chẳng sang cùng người
Mùa xuân đã đến
(Nguyễn Thị Hồng Ngát)
Mở cửa ra - mở cửa ra
Mùa xuân đã đến trước nhà đó anh
Cành lộc nõn - cành lộc xanh
Hoa Đào sương ướt trên cành đu đưa
Mỗi năm chỉ có bốn mùa
Lung linh sắc thắm xuân vừa mới sang
Quên đi những chuyện cũ càng
Mở lòng ra đón bạn vàng lại chơi
Xuân của mình - xuân của trời
Xuân còn lại mãi với người… yêu nhau
Thanh thản vào Xuân
(Bùi Ngọc Trình)
Rượu tắc kè tới tới
Lưng nào đã hết đau
Hà thủ ô mấy loại
Mây vẫn bện trắng đầu
Lạ chưa! Nắng xuân chớm
Như phép tiên nhiệm màu
Người khỏe. Cây đơm lộc
Bao nhọc nhằn bay mau
Chơi xuân thăm phố cổ
Cờ hoa sáng mặt người
Đào nhà ai mới nụ
Cũng vượt tường khoe tươi.
Không đề
(Anh Ngọc)

Trái bàng chín rụng vào tay trẻ nhỏ
Những hàm răng sún nhe cười
Mùa xuân chín rụng vào thơ một thuở
Tái sinh thành sóng cỏ xanh tươi
Người thân yêu giờ đã xa rồi
Tình yêu chín rụng thành ly biệt
Chiếc lá úa nhẹ nhàng rơi về đất
Để mùa thu chín rụng xuống mùa đông
Những câu thơ chín rụng xuống nỗi buồn
Người làm thơ đã đi rồi, đi mãi
Trái tim anh chín rụng vào trang giấy
Đợi một ngày về mở trước mắt ai…
Ngả vào nguyên khôi
(Nguyễn Thị Ngọc Hà)
Trút bốn mùa
Tầm gai
Tơ lụa
Ta bước qua tấm thân trần tục của mình
Để ngả vào sự tinh khiết của hoa
Nhờ hương thơm thuần hóa nỗi đau… không chịu cũ
Hoa hé nở
Cho đất trời say lả gió
Mặc cỏ cây hoang dại mây mưa
Ngày mai… xuân đi qua
Hoa tàn một mình
Chỉ chiếc bình được đời nâng niu mãi
Đêm cuối năm
Không thể đêm hơn thế
Tiếng chuông chùa cũng không thể trầm hơn
Người có hay
Ta ngát buồn… trong hoa ngát hương
Trao em mùa xuân
(Trần Thị Nương)
Anh trao em
Mùa xuân bất tận
Nắng tình yêu - Nắng chín không lời
Thuở ấu thơ tay người nâng giấc
Thiên thần - nắng đã sưởi bên nôi
Anh trao em
Mùa xuân cuộc đời
Hạnh phúc mỉm cười nhân quả…
Hy sinh lặng thầm vô giá
Rạng rỡ muôn đời non sông
Anh trao em
Mùa xuân ước mong
Đất hồi sinh những cánh đồng không tuổi
Yêu là sáng. Hận thù là tối…
Có nhau. Năm tháng có mặt trời
Mưa xuân
(Tô Nhuần)
Mưa xuân
Bất chợt
Vào đêm
Như em
Vừa gặp
Bên thềm xuân sang
Ơ kìa
Mưa
Đến
Ngỡ ngàng
Ý thơ thảnh thốt
Từng trang
Bời bời
Bạc đầu
Lắng tiếng mưa rơi
Đêm ra
Đón đợi
Bên trời
Mưa xuân…
Chiều Xuân
(Anh Thơ)
Mưa đồ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa
Hoa của muôn hoa
(Hồ Bá Thâm)
Hoa đào khoe sắc môi em gái
Má hồng em đã hóa sắc đào chăng
Chợ xuân chen nhau muôn sắc thắm
Em một bên và hoa đào một bên!
Hoa mai thi nở cùng hoa nắng
Vàng rực rực vàng cả đất trời
Em đi chợ Tết, cười roi rói
Đua cùng mai nắng thắm đào tươi!
Nâng niu ngây ngất giữa hương đưa
Rực rỡ muôn hoa giữa em ta
Em - hoa quanh năm. Xuân về đến lạ
Em cười - Hoa của muôn hoa!
Nhị - bình - thơ cho em
(Trần Ninh Hồ)
Em đi thì xuân đến
Em về thì xuân đi
Sang năm còn xuâ nữa
Em có còn đi về?
Đông còn ném rét sang xuân
Mịt mờ mưa. Chợt trong ngần không gian
Mịt mờ mưa. Hoa nở tràn
Em hay hoa khiến không gian trong ngần?
Men mùa xuân
(Nguyễn Văn Hiếu)
Có chút đông trong rượu
Hoa hồng lên đôi môi
Hình như em trẻ lại
Trong lộc men đất trời
Lúa xanh tràn sức mới
Những cành mai, gốc đào
Cả năm như dồn chật
Lên những cành thanh tao
Nồi bánh chưng đang sôi
Nén nhang mời người khuất
Có cái gì xa xôi
Run run trong đời thực
Chợt quê người tất bật
Những lá dong trái cà
Gương mặt người sắm Tết
Cứ chín hồng thêm ra
Một đóa đào phai
(Hà Cừ)
Lặng nhìn một đóa đào phai
Nghe lòng dờn dợn giêng hai đã gần
Chừng như lất phất mưa xuân
Bước chân mùa cũ đã dần dần xa
Chừng như mây nước nhạt nhòa
Chừng đôi cánh nhạn cũng sa nửa vời
Giữa chiều lằng lặng xuân rơi
Đào phai một đóa
Một trời
Một ta
Ru
(Lê Huy Hạnh)
Nắng chiều tím nhạt cuối ngày
Em về một nét dáng gầy dòng Ngân
Ai ngồi ru với mùa xuân
Mà nghe gió hát trong ngần mắt nhau…
Tân Mão xuân sang ai chờ ai đợi
(Hồ Bá Thâm)

Ai chờ ai đợi,
Náo nức Tân Mão xuân sang
Xuân ở trang đầu Thiên niên kỷ mới
Mở đầu Thập kỷ thứ hai
Ai bảo sẽ tốt tươi, phẳng mượt
Ai bảo sẽ có đều khủng khiếp
Nóng/ lạnh bất thường
Khủng bố tràn lan?
Xuân mới cầm tinh con Mèo,
Mèo thường hay Tam thể
Ai mê “12 con giáp”:
Tý – Sửu - Dân- Mão
Rồi sẽ Thìn- Tỵ- Ngọ - Mùi
Và Thân - Dậu - Tuất- Hợi.
Trời xoay đất chuyển
Đâu số phận con người?
Ai hiểu “Thập can”:
Giáp- Ất - Bính- Đinh
Mậu - Kỷ - Canh -Tân- Nhâm - Quý
Từ chuyện đất- trời
Và “Nhị thập bát tú”
Đâu là hay /dở
Tốt / xấu ở đời?
Ai chờ ai đợi,
Tân Mão xuân sang?
Mở đầu Thập kỷ thứ hai
Và mười hai năm nữa
Ai bảo là đến ngày tận thế!
Không hay có?
Ai bảo
Mười hai năm nữa
Trí tuệ loài người sẽ đột biến lạ kỳ
Khi mặt phẳng quỹ đạo trái đất
Nằm trùng mặt phẳng quỹ đạo các hành tinh Thái dương hệ
Trái đất rơi vào “khe hở” dải Ngân hà
Chịu bao tác động kích hoạt vào sự sống
Và trí tuệ loài người
Mở một kỷ nguyên văn minh mới?
Ai chờ ai đợi,
Tân Mão xuân sang?
Khi đó mắt sẽ sáng như mắt mèo
Nhìn xuyên đêm
Không chú chuột phá hoại mùa màng và quần áo
có thể thoát khỏi nanh vuốt
của mèo ta!
Ai chờ ai đợi,
Tân Mão xuân sang?
Khi con mèo cọ cọ chân mình
Ta thấy lòng mình thanh thản
Và khi mèo lim dim tắm nắng
Chú mèo thật dễ thương!
Ai chờ ai đợi,
Tân Mão xuân sang?
Ai vái thần, vái Phật
Làm ăn phải phát tài
Làm quan phải nhiều lộc…
Cưới vợ cưới chồng
Bình an, phúc - thọ

Làm nhà làm cửa
Cứ thế mà lên…
Chú mèo nằm im
Bỗng lao vào bóng tối….
Ai chờ ai đợi,
Tân Mão xuân sang?
Mở chân trời mới
Ta đi tới
Anh ơi anh,
Xây móng nhà vững chắc
Đừng xây nhà từ nóc
Để ngày mai
Ta sống bình yên, ấm no, tự do và hạnh phúc!
Ai chờ ai đợi,
Tân Mão xuân sang…
Bên cánh nắng vàng
Đỏ tươi cờ Liềm- Búa!
Lung năm cánh sao vàng!
Lòng dân đã thuận
Kỳ tích nào cho thập kỷ thứ hai
Khi thế nước non đã khác
Và chúng mình đã có lứa có đôi
Hạnh phúc cầm tay, lòng cứ bồi hồi!
(Xuân 2011)
Phiêu Du Mùa Xuân
(Nguyễn Tất Thịnh)
Ta gọi: Mùa Xuân ơi đến mau đâu Mùa Xuân ơi xin hãy dừng lại, thế mà Mùa Xuân lại được gán cho Tương lai, sự nảy nở…Thực ra Mùa Xuân là trạng thái cảm xúc hòa vào không khí hân hoan Tết cuối năm hơn là mong những ngày sau đó ….Vì thế đưa Ta trở về, hỏi bao điều quên điều nhớ, nhưng sao Ta không thể tự quên mình, và nhìn đâu cũng làm trỗi dậy kí ức thuở ấu thơ dào dạt…Nhưng tôi thử bỏ lại cảm xúc đó để đi tìm ý niệm Xuân cho mình…
Ta muốn gọi Mùa Xuân không bằng danh từ như người đời khoác cho dòng Luân Vũ, sốt ruột nhìn Mùa nối nhau về rồi lướt nhanh đi mà nhói lên trong tim như muốn hỏi, giống như mình là ai chẳng bằng tên
Những nhà Thơ đang già đi, chạy quanh mấy tòa báo cố thêm tiền tiêu Tết, nhàu trong tay bản thảo tồn lưu từ năm ngoái giả lả rằng đâm chồi này lộc là Mùa Xuân, khiến mấy nếp nhăn người thêm cau có
Đâu đâu cũng mượn ý Trời vẽ vời điều hời hợt nhìn thấy, dựa vào tình Đất để nặng thêm lời mòn đá nghĩ thành sang, mà Nhân gian hụt hẫng thiếu một mầm Tin cứ phải đợi Xuân mới bừng trở lại
Người bị tắc giữa muôn ngả đường đời hối thúc người dẫn đến, vắng chỗ tách mình xa khỏi nơi hội chợ những ngón tay lần đếm tiền cho những mưu sự, lụy Tết về nảy vô vàn cái cớ tham gửi vào một năm sau
Ta không muốn bắt đầu bởi muôn loại Hoa Xuân sắc, chìm vào cảm xúc quá khứ, tìm lại hạt giống gì không ý niệm mà mọc lên Tình yêu chẳng phải đầu đời mà đi trải mãi mới nhận ra mà vẫn châng lâng
Ta thấy Xuân không phải lặn lội truy tìm Đào ở đâu hồng phai, ta thưởng Tết chẳng cần khề khà mâm cỗ tất niên có chút hương cuối năm lảng bảng, niềm yêu Đời không gọi, chả về mà từ Ta lan tỏa không gian.

Lửa và ánh sáng 
(Chương 1 của Giao hưởng mùa xuân)
Nguyễn Hoàng Đức
Xuân đang về
Giờ đang tới
Bầu trời gọi gió muôn phương
Kéo những lớp voan mây
tầng tầng lớp lớp
che khuất những vì sao
thấp thoáng nụ cười miễn cưỡng ...
Thời gian trôi xuống đáy vòng nhật nguyệt
cuốn theo ánh sáng đông tàn sót lại
vào vực thẳm bốn mùa
Một bóng đêm hùng vĩ mênh mông
mở ra vô tận
dưới đáy bốn mùa
dưới đáy những vì sao
Không giờ!
Vở bi kịch Càn - Khôn
Nín bặt trong bóng đêm huyền khải
sẵn lòng đón mùa gieo men ánh sáng đầu tiên!
Chợt
Một chớp lửa nhen trên đầu
sợi nến
rạch nứt thời gian
xé đôi ranh giới
một mùa đông cũ và một mùa xuân mới
Tia sáng vươn lên như mầm trí tuệ
muốn chọc thủng đêm đen
vươn gọi những vì sao
Hãy lên mầm kín các tầng trời!
Hãy khải hoàn ánh sáng!
Trên các lớp mây nín bặt
Đen thẫm của thời gian!
Ngọn nến cháy rực
Sáng lên cột mốc lung linh
đổ bóng về quá khứ
Một mùa đông đang khép
Trên những cành cây cuốn lại
những ngày dĩ vãng
trong lớp vỏ sần sùi ký ức
Những chiếc lá vàng
cuối cùng
đang dứt áo chào lời dã biệt
nuối tiếc rơi

trong bàn tay gió xoáy hồn trăn trở
Một mùa đông hiền triết
nặng bước ra đi
trên đôi chân khắc khổ
Ngọn nến cháy rực
Sáng lên cột mốc lung linh
hắt chiếu tương lai
Mùa xuân đang nhú
từ hạt men ánh sáng đầu tiên!
hạt men sẽ lên men
mở ra những vầng men mới
cho bầu trời và mặt đất
Một vầng dương mang tên tuổi mùa xuân mới
sẽ mọc lên!
Những vì sao mang họ thời gian mới
sẽ gieo mùa
trên cánh đồng mới của Quê Trời
Một ngọn nến cháy rực
Hai ngọn rồi ba ngọn
Nến gọi nến sáng lên
Trên đỉnh đầu khát vọng
Đèn gọi đèn thức dậy
thắp linh hồn toả sáng
Những vì sao cựa mình giữa bầu trời chật chội
Hò nhau kéo băng những tầng mây phủ...
Men sáng vươn
chọc đất chui khỏi các địa tầng tăm tối
thành những mầm cây!
Men sáng nâng
bốc khỏi mái đầu vương vấn mùa đông
thành búp tinh thần!
Men sáng trào
khỏi con tim ngủ vùi trong giá lạnh
thành khát vọng mùa xuân!
Giữa ranh giới không giờ
chật hẹp
Thời gian gieo một mầm sáng mới
Đó là mầm của sự sống nảy giữa lòng bóng tối
Là mầm của trí tuệ
nảy giữa cõi u minh
Là mầm của ngọn đèn chân lý
muốn soi sáng giữa đời tăm tối
Và trong khoảnh khắc giao thừa
kẽ nứt
của quá khứ và tương lai
của trời và đất
của con người và vũ trụ
ta nhận ra rằng:
Giữa lòng bóng tối của cuộc đời
Con người chính là kẻ thắp lên
Một ngọn đèn chân lý!
Và trong bóng đêm mở ra như một
Vũ trường vĩ đại
Con người sẽ khải hoàn mình
Như ánh sáng
Chói loà rực rỡ đêm đen!
Ánh sáng lên mầm
gọi tất cả
lên mầm theo
Trái tim bỗng nảy mầm
giọt lệ chồi lên
khắc xuống làn da nóng bỏng
như một dòng sông chở nặng
năm tháng phù sa!.
Nguyễn Hoàng Đức
Theo http://www.chungta.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...