Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Vua và hoàng đế

Vua và hoàng đế
* Đọc sách báo, tôi thấy rất khó phân biệt hai từ vua và hoàng đế. Ví dụ, khi thì “vua Lê Thánh Tông”, có khi “hoàng đế Lê Thánh Tông”. Cho hỏi, vua và hoàng đế có khác nhau không? (Lê Chi Mai, Hòa Vang, Đà Nẵng)
- Không riêng gì phương Đông mà cả phương Tây cũng phân biệt giữa vua và hoàng đế.
Trong tiếng Pháp/tiếng Anh, vua được gọi là Roi/King, hoàng đế là Empereur/Emperor. Hán Việt từ điển cũng phân biệt rõ hai từ này: Vương nghĩa là “vua, thống trị thiên hạ dưới thời quân chủ”; đế có nhiều nét nghĩa, trong đó một có nghĩa được Từ điển Hán Việt trích dẫn đưa ra là “Thiên tử”. Ngày xưa gọi bậc thống trị tối cao của quốc gia là “đế” ”. Từ điển dẫn một câu từ sách Sử Ký: “Tần cố vương quốc, Thủy Hoàng quân thiên hạ, cố xưng đế”, nghĩa là “Nguyên trước Tần là một vương quốc, Thủy Hoàng làm vua cả thiên hạ nên gọi là đế (tức thiên tử)”.
Đất nước Trung Hoa xưa được chia ra thành nhiều nước nhỏ như Tề, Yên, Triệu,... và tranh nhau làm bá chủ. Khi Tần Thủy Hoàng đánh thắng tất cả và thống nhất lại, bèn xưng là hoàng đế. Vậy hoàng đế là vua lớn, còn vua (vương) chỉ là làm chủ một vùng.
Theo Từ điển tiếng Việt, vua là người đứng đầu hệ thống cai trị của nhà nước quân chủ phong kiến; hoàng đế cũng là vua của một nước, nhưng có các nước khác yếu hơn, nhỏ hơn thần phục, triều cống (nộp cống phẩm là vàng bạc châu báu, đồ vật quý hiếm, gái đẹp, thợ giỏi).
Nhà sử học Lê Văn Lan, trong bài “Đế và vương giống hay khác” đăng trên Facebook cá nhân ngày 31-12-2014 cũng giải thích khá rõ về sự khác biệt giữa hai từ dễ gây nhầm lẫn này. Theo bài đã dẫn, thật ra, hai từ trên hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như các triều đại hoàng đế ở Trung Nguyên tại Trung Quốc, bên dưới vị hoàng đế tối cao thường xuất hiện những vương cùng họ hoặc khác họ.
Ngay như những người thống trị tối cao ở những khu vực biên cương, hầu hết cũng được vị hoàng đế của vương triều tại Trung Nguyên phong “vương”. Do vậy nếu xét kỹ về mặt ý nghĩa thì “đế” và “vương” cho dù là ở Trung Quốc, vẫn có địa vị cao thấp khác nhau về mặt phạm vi quyền lực, đều có ranh giới phân chia rõ rệt.
Trong lịch sử các nước trên thế giới, giữa “đế” và “vương” luôn có sự phân biệt rất dễ thấy. Trong danh từ hoàng đế của tiếng Anh được gọi là Emperor còn quốc vương được gọi là King. Đế và Vương tuyệt đối không bao giờ lẫn lộn. Quốc vương là ông vua của một vương quốc, còn hoàng đế là ông vua của một đế quốc, cũng được gọi là “Vua của các vua”.
Tuy nhiên, cũng theo nhà sử học Lê Văn Lan, trong một số thời kỳ lịch sử, cũng có những vương quốc độc lập tự chủ, chứ không lệ thuộc vào bất kỳ đế quốc nào khác. Thực lực và địa vị của họ cũng không thấp hơn những đế quốc. Quốc vương của họ trong mọi hoạt động quốc tế cũng không kém sút hơn những vị hoàng đế khác.
Ví dụ như trong thời Trung Cổ, các Quốc vương Anh, Pháp, Tây Ban Nha cũng không hề thua kém vị Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh có sự liên kết lỏng lẻo và đã suy yếu trong cùng một thời đại. Ở châu Âu, danh xưng Đế quốc chính thức xuất hiện từ thời Đế quốc cổ La Mã.
Lúc ban đầu, danh xưng này dùng để gọi những bậc thống soái tối cao về mặt quân sự, tức Imperator. Trong những giai đoạn lịch sử sau đó, cũng như trong số đông các nhà vua ở Âu châu, người tự xưng là Hoàng đế cũng không nhiều, mà đại đa số đều được gọi là Quốc vương.
Trở lại câu hỏi đã nêu. Nhiều tài liệu, sách báo gọi “hoàng đế Lê Thánh Tông” là bởi sự nghiệp lẫy lừng mà bậc minh quân này để lại cho hậu thế, trong đó nổi bật là công cuộc mở nước về phương Nam. Trong bài viết “Những điều thú vị về Hoàng đế Lê Thánh Tông” đăng trên vusta.vn (Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) ngày 6-9-2007 có đoạn:
“Sử sách ca ngợi Lê Thánh Tông là vị vua “cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay mà còn học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng tinh thông” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chính vì vậy trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, Hoàng đế vĩ đại này đã để lại khá nhiều điều thú vị và những dấu ấn đặc biệt”.
Như thế, minh quân Lê Thánh Tông  xứng đáng được hậu thế tôn vinh là hoàng đế, như kết luận ở bài đã dẫn: “Tất cả đã cho chúng ta thấy được phần nào chân dung của một vị hoàng đế vĩ đại trong lịch sử dân tộc, người có những đóng góp to lớn tạo nên một thời đại huy hoàng. Tên tuổi ông mãi mãi được các thế hệ tôn vinh, ca ngợi và kính phục”.
ĐNCT
Theo http://baodanang.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...