Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Giữa dòng

Giữa dòng 
Dưới nhà, bà nội Rubi bỗng bật ho. Từng tràng tức tưởi. Chú dường như giật mình hơi tỉnh lại. Buông Ngà ra.
Ánh đèn trái ớt tù mù và cái thảm trải sàn màu lông chuột tối hù đồng lõa che giấu đi sự mất mát của Ngà. Ngà vội vàng chỉnh lại áo xống, đưa tay lên quệt nước mắt rồi đau đớn hoảng loạn dò dẫm từng bước xuống lầu. Ngà giật mình đứng lại dưới chân cầu thang, ý thức bỗng như vừa quay trở lại. Bà đang ngồi bệt dưới sàn nhà, tay ôm lấy ngực, hai cẳng chân gầy nhom xuôi theo vai. Tư thế khốn khổ ấy của bà luôn làm Ngà bất nhẫn. Nhưng lúc này, Ngà chỉ đứng thinh lặng nhìn bà, nước mắt bây giờ mới tràn ra không sao cản nổi.
Bà nội Rubi tiếp tục ho. Cơn ho như xui khiến Ngà vô thức bước lại gần, thả người xuống bên cạnh. Im lặng. Dù thâm tâm Ngà chỉ muốn được nhào vô lòng bà mà khóc cho thỏa.
Đêm ấy, bà cụ ho suốt. Ngà ngồi dựa lưng vào tường, sát bên cạnh bà mà ngật ngừ nửa mơ nửa thức, sợ hãi. Đêm như dài vô tận, mà nếu mặt trời có mọc lên, thì liệu ngày có còn sáng tỏ? Ngà không biết phải làm sao. Không ai dạy Ngà những điều như thế này cả. Mẹ Ngà chưa kịp dạy. Bà cò dắt Ngà lên đây làm giúp việc nhà cũng đã quên không căn dặn Ngà mất rồi.
Mọi việc sau đấy diễn ra như thể Ngà vẫn còn đang trong giấc ngủ nhàu nhò. Ngà rúm ró núp mãi trong bếp, tự tạo cho mình bận rộn bằng cách cúi gằm mặt xuống đất mà làm hết việc này việc nọ. Cả người nhức nhối. Muốn khóc òa lên, Ngà cũng không thể. Kế bên, nhà hàng xóm mở nhạc ông ổng từ tinh mơ. Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn. Hay người say không cần phải nhớ mình đã làm những gì sai quấy? Ngà không dám hỏi chú điều đó. Chú vẫn thản nhiên đi làm như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Cô trước khi ra khỏi cửa vẫn dành cho Ngà cái nhìn lành lạnh y hệt như của ngày đầu mới gặp. Hay Ngà chỉ giỏi tưởng tượng? Ngà cụp mắt xuống trong nỗi mất mát tủi hổ mà không rõ mình đã lỗi lầm gì.
Nhìn quanh chẳng còn gì để cọ rửa dọn dẹp, Ngà lặng lẽ xếp mấy bộ quần áo của mình vào cái ba lô cũ. Tần ngần vài phút, Ngà quyết định để lại các thứ đồ đẹp đẽ cô đã cho Ngà. Vài cuốn sách chú mua Ngà cũng tiếc nuối đặt lại trên kệ. Tiền công của Ngà tính ra cũng sắp đến ngày giáp tháng... Ngà nắm lấy bàn tay khô đét của bà nội Rubi, nức nở không thành tiếng. Mãi rồi Ngà cũng đứng lên vốc nước rửa mặt. Can đảm lên Ngà! Bà móc túi, lấy ra mấy tờ tiền một trăm ngàn đồng, dúi vào tay Ngà. Ngà không đủ sức từ chối, thậm chí cả câu cảm ơn bà nội Rubi, Ngà cũng quên bẵng.
Rubi đã đi học, Ngà không có cơ hội thơm lên cái má phính mịn màng của bé để tạm biệt. Bà mở cổng cho Ngà đi. Nghẹn ngào. Khi cánh cửa thật sự khép lại, Ngà dừng bước, quay nhìn trong nước mắt. Giàn sử quân tử vẫn đầy những chùm bông hồng hồng trắng trắng như ngày Ngà mới đến. Mũi Ngà cay xè với ý nghĩ vừa sượt ngang, rằng vĩnh viễn mình sẽ không còn bước chân vào căn nhà này, nơi hơn một năm và cả một phần đời đẹp đẽ của Ngà vừa rơi rớt lại.
Trong lòng Ngà chỉ có duy nhất một ý nghĩ, là kiếm Thi nhờ giúp đỡ. Thi lên Sài Gòn đã lâu, hẳn sẽ có cách nào đó giúp Ngà.
Chưa kịp để Ngà tỉ tê điều gì, cũng không đá động đến vẻ mặt thất thần của Ngà, Thi đã nhanh chóng gọi vài cuộc điện thoại, rồi bắt xe ôm đưa Ngà đến một nhà chủ khác. Thi bảo, cứ vô làm đỡ kiếm chút tiền đi, ở không nghĩ ngợi làm gì, rồi Thi “tính” tiếp cho. Vì sao vội vàng mang Ngà giao cho một chỗ khác ngay hôm sau, thì Ngà không hiểu. Trước gia đình chủ mới, Ngà đành im lặng, coi như kiếm một chỗ dung thân rồi hẵng hay. Ngà cũng không biết đằng kia, Thi và chủ nhà trao đổi với nhau những gì.
Nhà chủ mới đông người. Toàn đàn bà con gái. Áo xống hai dây, quần soọc không thể ngắn hơn. Những mông đùi trắng phau nhoay nhoáy làm Ngà chóng cả mặt. Ngà cứ như không tồn tại trong căn nhà ấy. Sáng, chủ nhà trang điểm rồi rời khỏi. Mấy cô gái lớn nhỏ cũng lần lượt ngắm vuốt trước gương, thay đồ rồi rồ máy những chiếc xe tay ga đẹp đẽ. Ngà ngờ ngợ có điều chi mờ ám. Hay là... Chiều tối họ lần lượt trở về. Lại mặc vô cởi ra. Xoành xoạch. Không cần che đậy giấu giếm. Chẳng buồn e dè ngại ngùng. Đâu vài bữa, Ngà mới biết, đây chỉ là căn nhà thuê lại. Những cô gái thuộc nhiều độ tuổi cùng chia tiền phòng, làm thu ngân, quảng cáo rượu, làm người xếp bi ở quán bida chẳng hạn... Họ nói chuyện với nhau bằng những ngôn từ khác. Một thế giới khác hẳn nơi Ngà từng trải qua. Một cuộc sống ồn ã, sòng phẳng và tỉnh táo đến kinh ngạc.
Ngà bị mùi nước hoa và son phấn làm cho tò mò háo hức. Các cô gái lớn nhỏ cũng có cảm tình với đứa giúp việc mới đến, siêng năng, ít nói, dễ sai bảo. Họ vô tư nhờ Ngà kéo giùm sợi dây kéo váy đầm, chỉnh giúp chiếc áo ống cho ngay ngắn gợi cảm... Ngà ngắm nghía những cái áo ngực có dây dợ rua ren đủ thứ, những cái quần lọt khe nhỏ xíu chẳng biết phải mặc như thế nào... khi phơi quần áo lấy từ trong máy giặt ra. Y phục của họ, ngôn ngữ của họ, lối sống của họ đối với Ngà vừa xa lạ khó hiểu, lại cũng mang đến cảm giác thích thú. Có cô gái còn nhỏ tuổi hơn cả Ngà, làm ở tiệm cắt tóc cạo mặt ráy tai máy lạnh gần đấy. Tóc cô bé nhuộm vàng, mười ngón tay với những cái móng thon thon được sơn xen kẽ hai màu, thật đẹp. Cái cách giao tiếp, sự thành thục áo quần mỹ phẩm, những lời nũng nịu đầy nữ tính của cô bé làm Ngà ngầm ngưỡng mộ. Hứng chí lên, “cạo mặt ráy tai máy lạnh” kể Ngà nghe chuyện nghề, chuyện đời. Công việc nào cũng có nhục nhằn riêng của nó.
Chị tưởng em sướng hả? Muốn kiếm được chút tiền gửi về quê, thì phải cắn răng với những “kỹ thuật” câu khách, kiểu như khách nằm đó, mình đứng bên này chồm sang phía kia mà lấy ráy tai. Có đứa bạo gan hơn, còn hỏi khách có muốn phục vụ món độc “nhổ râu bằng răng” hay không! Nghĩa là sao ấy hả? Ây da, chị Ngà này sao mà lành quá vậy, tức là áp mặt kề môi vào cằm khách mà “nhổ râu”, hy vọng kiếm ít tiền bo đó mà!
Cả bọn phá lên cười, như thể câu chuyện ấy là của ai khác, chứ không phải mỗi ngày cô nhỏ chưa đến hai mươi tuổi kia phải đối mặt. Có gì đâu mà kinh khủng hả chị Ngà? Quan trọng là trong lòng mình nghĩ gì, mình sống ra sao thôi. Chúng ta đâu thể giống bọn đàn ông con trai thiển cận, nhăm nhăm bắt một cô gái phải chứng minh trinh tiết bằng một miếng da ở chỗ kín còn nguyên chưa rách!
Nỗi buồn của Ngà dường như dịu hẳn xuống. Cuộc đời rộng mở quá, đơn giản và đáng sống lắm! Bấy lâu nay, chính xác là hơn năm qua, Ngà quanh quẩn ở nhà cô chú, chỉ tiếp xúc với Rubi và bà nội, những bữa cơm ăn, những việc dọn dẹp, nên Ngà không kịp nhận ra.
Buổi tối ở nhà chủ mới, Ngà ngủ trên căn gác gỗ với hai ba cô gái khác. Họ nói chuyện rì rầm, ăn vặt trái cây vô tội vạ. Cô bé “nhổ râu máy lạnh” thân mật hỏi, chị Ngà còn zin hông vậy? Nhìn vẻ mặt tái đi vì bất ngờ và khó xử của Ngà, cả bọn cười rộ lên, sau đó tranh nhau kể về những kinh nghiệm “nếm mùi đời” của họ. Ngà nghe, nửa tin nửa ngờ. Người ta có thể nói việc bị thất thân xấu xa đáng tủi hổ bằng vẻ giễu cợt thản nhiên đến vậy thật ư? Sao mà phải nặng nề hở chị? Như đọc thấy thắc mắc đang lồ lộ trong mắt Ngà, cô bé “cạo mặt ráy tai máy lạnh” vui vẻ bảo, sống ở đất này cả năm rồi, sao chị Ngà “quê” thế, cái gì cũng ngại ngùng sợ sệt thì làm sao khá lên được?!
Đêm ấy, Ngà thao thức rất khuya. Ngà nhớ tới chú. Nỗi oán hận căm ghét từng tồn tại dường như vơi đi. Những ám ảnh muộn phiền trong lòng Ngà bấy lâu cũng được ve vuốt ít nhiều. Ngà ngẫm lại lời cô bé “nhổ râu máy lạnh”. Mình có thể coi đó chẳng qua chỉ là một tai nạn, được không? Chú khổ lắm Ngà ơi! Câu nói đã cướp đi đời con gái của Ngà dội về trong tim, trong óc. Ngà tự nhủ, hãy quên đi mà sống tiếp. Cùng độ tuổi với nhau, mà sao người ta biết nhiều điều hay ho vậy, người ta vui tươi, có khái niệm “tận hưởng cuộc sống”, còn Ngà vì đâu ra nông nỗi này?
Chưa kịp quen biết hỏi han gì nhiều, thì Thi lại xuất hiện, rủ Ngà đổi qua nhà chủ khác. Lương cao mà nhàn hạ. Ngà muốn phản đối, nhưng thâm tâm, Ngà cũng muốn có sự chuyển dịch nào đấy. Ngà sợ mình quen hơi bén tiếng, lưu luyến vấn vương, như đã từng ở nhà cô chú... Ngà chưa đủ tinh khôn để nhận ra, Thi "bán" Ngà cho từng nhà chủ để nhận vài trăm ngàn tiền công dẫn mối. Như bà cò từng sống bằng chính công việc này. Hẳn những chuyến về quê rồi vô lại Sài Gòn xoành xoạch đã dạy Thi cách “kinh doanh” ngay chính bạn bè đồng hương của mình. Hơn hai tháng, chính là khoảng thời gian theo thỏa thuận, đủ để nhà chủ không thể “bắt đền” Thi trả lại số tiền cò giới thiệu người mà Thi nhận trước.
- Ê Ngà, sao mày không ăn hết mấy cái đồ dư trong tủ lạnh đi, rồi dọn dẹp luôn cho gọn?
- Cái con này, nó chậm chạp ù lì quá, mặt mũi mới sáng sớm đã sưng sỉa lên hãm tài!
Lần này, Ngà thực sự nếm trải cảm giác tủi nhục của cụm từ “kẻ ăn người ở". Chủ mới chuyên gia công đồ inox tại nhà. Việc vặt lẫn nặng nhọc làm từ sớm tới khuya không hết. Ngay cả lúc ngả lưng cũng có khi bị gọi giật dậy bất ngờ. Mày tao chi tớ loạn xạ. Chửi thề và văng tục tứ tung. Ngà chẳng còn bé mọn ngây thơ gì như ngày mới xuống Sài Gòn, nhưng vẫn không sao thích nghi được với cảnh xô bồ phức tạp này. Nỗi tổn thương kéo dài làm Ngà buộc phải gọi cho Thi, lần nữa.
Suy đi tính lại, cuối cùng Thi rủ Ngà đi bán cà phê với mình. Nghề này đơn giản lắm. Chỉ cần ăn mặc đẹp, bưng nước ra vô, ngồi chơi với khách. Con gái có chút bề ngoài coi được là đều có thể làm được. Việc nhẹ lương cao, không cần trình độ bài bản học hành gì. Lại kiếm việc vô cùng dễ, cứ ra ngõ là gặp bảng Tuyển nhân viên bán cà phê có ngoại hình lương cao đấy thôi. Có khi còn lấy lỗ làm lãi nữa ấy chứ! Ngà ngơ ngác trước mấy câu đùa ha hả của cô bạn đồng hương. Hơn Ngà có hai tuổi, mà trông Thi chững và dạn quá. Hẳn trải nghiệm của Thi cũng lên bờ xuống ruộng lắm đây, thì mới rành rẽ đường đi nước bước ở đất Sài Gòn thế này. Chẳng phải ngày xưa, mẹ Thi cũng vô Sài Gòn làm rồi sinh ra Thi đó thôi! Ngà chợt nghĩ tiếp, biết đâu bạn bè chung lớp của mình hồi xưa ở quê cũng bươn chải trong này, qua tay bà cò gả bán, hoặc được những cô bạn vàng tinh tướng như Thi chỉ dẫn. Thi trấn an thêm, ban đầu có ngại ngần, nhưng riết rồi sẽ quen. Tiền lương cũng khá, hơn hẳn đi giúp việc nhà. Lại vô cùng khỏe thân. Cộng thêm tiền bo và mấy khoản khác, sướng nhất đời. Chỗ này cũng đàng hoàng, tao làm bữa giờ rồi, Ngà đừng có lo, nhé.
Chủ quán là một người đàn ông có đôi mắt lờ đờ như ngái ngủ. Điều đào nhoay nhoáy. Bàn kia đi một mình, ra ngồi cùng đi. Mấy đứa bay túm tụm ở đó làm gì, bàn trong cùng đang không có ai ngồi chơi kìa. Ban ngày, quán khá vắng khách, buôn bán chủ yếu là từ chập tối đến khuya. Nhạc đinh tai nhức óc. Thứ ánh sáng nhập nhoạng của quán ban đầu làm Ngà không sao chịu nổi, mắt muốn rớt ra vì phải căng lên mà dọ dẫm từng bước. Khách đa phần là các cô cậu choai choai, thi thoảng cũng gặp vài đàn ông có tuổi. Đủ loại thành phần. Rảnh rỗi ngồi thiền cả buổi. Ghé ngang thư giãn ít phút. Vọc cái điện thoại không ngước lên một lúc quá hai phút. Có vẻ như lâu lắm rồi không có ai trò chuyện nên phải ra quán nói cho đã miệng cũng có. Lịch sự ở mức bình thường đương nhiên hơi bị hiếm. Sỗ sàng thô bỉ thì nhiều.
Thi cho Ngà mượn trước hai triệu đồng sắm sửa. Đồ đạc, son phấn. Đây là lần đầu tiên trong đời Ngà cầm trên tay số tiền lớn chỉ để trang trải cho chính mình. Cảm giác vừa áy náy vừa sung sướng. Ngà tự trấn an, đừng lo, sẽ nhanh chóng có tiền trả nợ, gửi về cho mẹ cho em. Sau một tuần, Ngà đã có thể thản nhiên mặc áo hai dây, bên trong là chiếc áo lót quai nhựa không màu có độn cả lớp dày. Năm trăm đồng xôi hai ngàn đồng lá là câu than thở quen thuộc của Thi về bộ ngực lép kẹp của Ngà mỗi khi phụ cô thay đồ, làm mặt. Phải chăm có hơi trai cho nó nở nang ra, Ngà ạ. Thi nói nhẹ tênh như không. Nhìn hàng của chị mày mà học hỏi đây này. Đã không?!
- Người mới hả em? Ngồi chơi với tụi anh chút nào, chảnh chó gì nữa! Đi khách sạn với anh hông cưng? Hay ra sau làm một cuốc tàu nhanh cũng được?
Ngà hơi né người ra tránh cú vỗ mông bôm bốp, ly nước đang bưng trên tay sóng sánh tràn ra. Mấy gã thanh niên nham nhở cười hô hố trước vẻ mặt “giả nai” của Ngà. Đã đi bán quán mà còn làm như danh giá lắm vậy! Ngà bước vô, đuổi theo sau lưng là câu nói rõ mồn một của một cô đồng nghiệp.
- Mày đừng thèm để ý mấy con đó. Chúng nó ghen ăn tức ở, vậy thôi! Lời lên lớp “nhập môn” của Thi, Ngà vẫn nhớ rõ. Nhưng Ngà vẫn không sao thản nhiên khi bị đồng nghiệp huýt hoáy. Con gái là chúa hay ganh tị. Tiền bo mạnh ai nấy hưởng. Nên có khách quen sộp sộp một chút là đồng nghiệp giành ra ngồi cùng. Còn những gã trai chỉ khoái sờ mông bẹo má ôm chùa, chúng phần cho Ngà. Ngà trân mình chịu đựng từng làn khói thuốc phả vào mặt. Bàn tay miết vô đùi đau điếng. Cái vỗ mông cố tình lâu lắc. Có lẽ, chỉ còn cảnh hai chục ngàn tiền bo được nhét thẳng vô áo ngực như Thi từng nhận lãnh là Ngà chưa kịp nếm qua mà thôi.
Mỗi xế chiều, Ngà soi mình trong gương, sửa soạn. Tự hỏi sau công việc bán quán này, thì sẽ là gì chờ đợi? Mặt Ngà đánh một lớp kem mỏng bên trong, ngoài phủ phấn trắng. Môi và móng tay đều hồng rực. Nhưng trong tim Ngà, những thứ rạng rỡ tươi tắn đã thật sự chìm xa mất rồi…
Hoàng My
Theo https://thanhnien.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...