Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Đi hết con đường là núi

Đi hết con đường là núi
Đường mòn càng lên cao càng dốc, hẹp, lởm chởm đá, chỉ cần chút sơ ý dễ bị trượt. Từng bước, phản xạ tự nhiên, Vĩnh cố quặp các đầu ngón chân để tăng độ bám chắc dù giày anh mang là loại thể thao đặc biệt, có tính năng ưu việt về độ đàn hồi, đế cao su thích hợp cho việc đi bộ trên những con đường đất đá.
Đường mòn càng lên cao càng dốc, hẹp, lởm chởm đá, chỉ cần chút sơ ý dễ bị trượt. Từng bước, phản xạ tự nhiên, Vĩnh cố quặp các đầu ngón chân để tăng độ bám chắc dù giày anh mang là loại thể thao đặc biệt, có tính năng ưu việt về độ đàn hồi, đế cao su thích hợp cho việc đi bộ trên những con đường đất đá.
Qua những đoạn dốc đứng, Vĩnh phải dừng lại, hít hơi thật dài rồi từ từ thở ra như một cách dưỡng lấy sức. Có lúc anh nghỉ hơi lâu không phải vì mệt mà để ngắm cảnh vịnh bên dưới, đẹp một cách huyền ảo. Mỗi mét độ cao lại phát hiện một vẻ đẹp khác lạ.
Đây là ngọn núi mà từ ngày còn rất bé anh đã ao ước được một lần đặt chân lên bởi những câu chuyện kể của ông nội (có lẽ) ít nhiều thêm mắm dặm muối cho ra vẻ huyền thoại vốn luôn kích thích trí tưởng tượng của trẻ thơ.
Chiều hôm qua, lúc ngồi uống trà, người bảo vệ khu vực chỉ cho Vĩnh biết lối lên đỉnh, dù dự án khu biệt thự ỷ sơn hướng hải này mới khai thác lưng chừng, và ngôi nhà của cô Sáu mà anh đang có nhiệm vụ trông coi nằm ở vị trí cao nhất.
Đứng ở một khúc quanh khá bằng phẳng, Vĩnh ngước nhìn lên nhẩm tính đoạn đường sẽ đi cho hết mà cũng có thể bỏ dở nửa chừng, anh không ngại khó nhưng dành ngày khác. Một tháng quá dư dả cho anh khám phá hết nơi này.
Vĩnh quay lại nhìn xuống vịnh. Bức tranh của tạo hóa bao la, mênh mang quá khiến anh cảm thấy choáng. Xa tít tắp ngoài kia, trong cái màu xanh xám bạc không biết là sương mù hay hơi nước từ bên dưới bốc lên, những hòn đảo lớn nhỏ sắp xếp theo thứ tự dường như có chủ đích của ông trời làm thành vành đai ôm lấy vịnh biển. Vĩnh nghĩ, bão từ ngoài khơi vào khó mà qua được lớp “hàng rào” này. Tuy nhiên, theo suy luận của Vĩnh, nếu cuồng phong lòn vô bên trong rồi thì tốc độ càn quét lòng vòng của nó sẽ rất kinh khủng. Thế nhưng chỉ là tưởng tượng, thực tế từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ Vĩnh nghe tin thành phố này bị bão.
Tầm mắt Vĩnh vượt khỏi những hòn đảo và dừng lại nơi chân trời là một đường cong nhòe ẩn hiện lẫn trong cái màu bàng bạc của mây trời, có chỗ bị đứt quãng bởi những ngọn núi tít tắp mờ xa. Mặt trời ló lên phía sau một hòn đảo. Hào quang bốn phía. Vịnh rỡ dần. Những chiếc thuyền, ca nô qua lại ngang dọc bên dưới vẽ nên những đường ngoạn mục trên mặt nước hệt như tranh với những nét vô tình mà chủ ý.
Bên tay phải của Vĩnh là dãy núi chạy dài cách ngọn núi anh đang đứng bằng chiều rộng dòng sông mà ngày xưa mỗi sáng chiều ra bến cá chờ thuyền trở về Vĩnh cũng như mọi người thường gọi là biển. Sau này lớn lên, đi xa, tìm hiểu về quê nội, Vĩnh biết đây là nơi cuối cùng một nhánh rẽ của sông Cái xuất phát từ trên rừng sâu, núi thẳm qua nhiều ruộng đồng, làng mạc… Trước khi đổ ra biển nó phân hai nhánh một đổ về cửa lớn và nhánh nhỏ hơn đổ về đây. Bao dâu bể, vài đường ngang, lối dọc của con sông đã bị lấp, xây lên nhà cửa. May mắn, quê nội anh không nằm trong quy luật chung của sự phát triển đô thị ào ạt, chắp vá đó.
Vĩnh ngồi xuống một tảng đá lớn nhìn về nơi con sông gặp biển. Thượng sơn, hạ thủy. Một dải sương trắng lững lờ giữa mặt nước và núi mà anh không biết là dải sương mờ hay chỉ là ảo giác khi ánh mặt trời chiếu từ ngoài vịnh vào cửa sông, có hai bức tường thành núi làm nên một hành lang hẹp giữa biển trời bát ngát, giống như nắng rọi vào nhà từ một ô cửa nhỏ. Những chiếc thuyền cá ngay hàng thẳng lối bình thản trở về. Tự nhiên Vĩnh nhớ ông nội quay quắt.
“Hồi đó, làng đâu có mấy người, toàn cát là cát, cả làng chỉ có một cái giếng trên đồi cao nhất. Người chết cũng chôn gần đó. Làng ban đầu nằm sát chân núi rồi người đông lên phải gánh cát tiến dần ra biển, người nhiều bao nhiêu, cát lấp biển bấy nhiêu. Ngư dân các nơi tấp đến, thấy làm ăn dễ, ở lại định cư luôn. Năm đó, vào khoảng tháng mười, ông cố là người nơi khác, đánh lưới bị bão dạt ghe vào bãi cát bên kia núi. Lúc đó không biết vùng này, ba người che chòi, câu cá, uống nước suối cầm cự qua ngày. Núi lớn lắm, rừng hoang vu, cọp beo đầy dẫy. Khó hy vọng tìm được đường trở về quê quán, theo dòng suối, các ông lần vô, men chân núi, theo gành. Càng vô trong thấy càng êm, dựng trại ở lại. Rồi lập làng, xây dựng đình làng”.
Ký ức về ông nội chưa đủ thôi thúc Vĩnh trở về thì đầu tháng chạp, cô Sáu gọi điện cho anh, vừa đề nghị, vừa đặt anh vào sự đã rồi:
“Rằm ra coi nhà giúp cô một tháng nhé!”.
Nhỏ lớn Vĩnh biết tính cô Sáu, mỗi lời cô luôn chắc như đinh đóng cột, không nói đi nói lại, phản biện, giải thích lôi thôi. Thành thử anh chỉ hỏi:
“Cô chú đi đâu?”
“Cô về Mỹ lo đám cưới em Hằng”.
Nhiêu đó, vắn tắt sự tình, đủ để Vĩnh hiểu anh chỉ việc đến trông nhà, mọi thứ sẽ được cô chu tất đâu vào đấy!
Quả tình, giai đoạn này, Vĩnh cũng muốn rời thành phố đi đến một nơi nào đó thật xa, vắng vẻ, quạnh hiu càng tốt, chẳng phải để suy ngẫm hay chiêm nghiệm gì mà vì anh thấy mình uể oải. Công trình đóng băng, nợ chồng nợ, dắt dây, hiệu ứng domino khiến anh mất kiểm soát không biết mình đã đứng bên bờ vực phá sản hay rơi xuống đáy rồi. Nhiều buổi sáng chở con đi học xong anh không biết đi đâu, làm gì cho đến chiều, mà cũng không muốn quay về nhà. Nhà vắng, khó ngủ, lại bật máy tính, vào mạng. Tin tức, hình ảnh, bình luận lướt qua mắt anh vô vị, bát nháo, chẳng giải quyết được vấn đề của riêng anh. Thế là ngồi đồng cà phê đến trưa, có khi bỏ luôn bữa. Trạng thái mệt mỏi của Vĩnh kéo dài khiến Châu luôn cảm thấy bất an mỗi khi nhìn bộ dạng của chồng. Cô vẫn bảo anh đi đâu đó cho khuây khỏa. Chỉ Vĩnh biết, có đi rồi cũng trở về, thà đối mặt với nó hằng ngày, nếu không tăng thêm độ chai lì ít ra cũng luyện được mức vô cảm. Anh không phải loại người thích chọn cách trốn chạy, nhưng ra coi nhà cho cô Sáu một tháng tết cũng là giải pháp tình thế tối ưu.
Có thể cô Sáu biết rõ tâm trạng anh trong cảnh huống này dù cô ở cách xa anh gần 500 cây số. Vĩnh dư biết, nửa năm nay cô âm thầm gửi vào tài khoản của Châu bù đắp những khoản chi hằng tháng. Cô luôn ra tay đúng lúc mỗi khi anh sa cơ lỡ vận.
Ông nội Vĩnh có hai người con là ba Vĩnh và cô Sáu. Gọi cô Sáu theo tên chồng cô mà mới nghe qua ai cũng nghĩ là thứ bậc trong gia đình, chuyện này hơi ngược đời. Ngày xưa ba Vĩnh và dượng Sáu là bạn học. Hai người thân nhau lắm. Dượng Sáu cưới cô, ba Vĩnh có thêm bạn tâm giao. Tuy nhiên, một điều rất gợn là cô Sáu không ưa mẹ Vĩnh. Chuyện chị dâu em chồng thời nào cũng có nhưng trường hợp này Vĩnh thấy lạ. Cô Sáu xa hoa, hơi chút đồng bóng, mẹ Vĩnh lại tằn tiện. Mỗi người mỗi tính, trời sinh vậy nhưng không hiểu sao cô Sáu hay chế giễu và thậm chí khinh khi, coi thường, khó chịu ra mặt vì cái tính hiền lành, chịu thương, chịu khó của mẹ Vĩnh. Cảm giác mẹ càng nhịn, cô càng lấn tới!
Hồi ba Vĩnh mất, cô dành lo hết mọi hậu sự, mẹ Vĩnh phải theo sự chỉ đạo của cô, đặt đâu ngồi đấy. Vĩnh chưa bao giờ nghe cô nói lời nhẹ nhàng với mẹ. Không mệnh lệnh thì phê phán, và ngạc nhiên hơn khi ở mẹ chỉ có sự im lặng, chịu đựng, thua thiệt dù vai chị dâu, là một cô giáo có uy tín ở địa phương, bao lớp học trò kính trọng.
Sau này khi mẹ đã mất, thỉnh thoảng gặp cô, Vĩnh vẫn nghe cô nhắc lại vài điều cô không thích nơi mẹ, tuy giọng điệu nhẹ nhàng, bớt chì chiết nhưng vẫn cay đắng thế nào. Nỗi thắc mắc lớn nhất khi Vĩnh nghĩ về hai người phụ nữ thân yêu luôn là tại sao một người hào phóng, rộng rãi như cô lại cả đời cứ tủn mủn, xét nét một người hiền lành cam chịu như mẹ?
Mười lăm năm trước, vợ chồng cô định cư nước ngoài. Vĩnh không rõ cuộc sống làm ăn của cô nhưng anh biết cô khá lắm. Đầu năm nay, vợ chồng cô trở về và quyết định ở lại luôn. Cô mua một khu đất trên núi nhìn ra vịnh và xây một ngôi nhà khá đẹp, hiện đại mà Vĩnh biết giá trị của nó lên đến con số hàng chục tỉ đồng. Cô nói, ước mơ cả đời cô là được trở về sống những ngày còn lại vừa đủ gần nơi chôn nhau cắt rốn, có điều kiện chăm nom mộ ông bà nội, vừa đủ xa cái làng chài nhỏ nằm dọc theo một nhánh con sông trước khi đổ ra biển.
Vĩnh không đủ dữ liệu liệt kê lại giai đoạn trước khi ba anh và cô Sáu rời làng đi lập nghiệp nơi xa. Khi ấy anh còn nhỏ lắm, chỉ nhớ một chi tiết đó là con đường cụt, có những nhánh rẽ xương cá. Đi hết con đường là núi. Nhà ông bà nội dựa lưng vào núi. Đứng trên lầu nhìn xuống thấy biển mà thật ra chỉ là sông.
Nắng càng rực dải sương càng rõ nét một cách kỳ ảo. Tuyệt vời hơn là núi, những mảng màu xanh đậm - nhạt liên hoàn, chập chùng uốn lượn khiến Vĩnh đứng lên và quyết định đi xuống làng.
Người ta hoàn thiện con đường vòng quanh núi khoảng ba năm nay, có một lần cô Sáu nói với Vĩnh như thế. Rồi như nghĩ Vĩnh đã quên, cô nhắc lại kỹ càng từng chi tiết. Vĩnh nhớ không, hồi đó ông nội hay cõng Vĩnh đi hết con đường là núi. Dưới chân núi, xê vào trong, bên phải có ba ngôi mộ. Một cây bàng thật to tỏa nhánh bao trùm chắn ngang đường lên núi. Vĩnh có nhớ đến cuối con đường thường ông ngồi lại rất lâu và mắt ông rất buồn không? Năm tuổi, làm sao Vĩnh biết được mắt ông rất buồn, nhưng anh nhớ con đường cụt bị núi chắn ngang mà cứ mỗi lần đến đây ông nội luôn nói, khi nào con lớn ông dắt con đi vòng qua núi, xuống biển. Cô Sáu nói tiếp, lớn lên, cô bận bịu học hành, ông chưa kịp đưa cô qua núi thì ông mất. Tự nhiên khi ấy Vĩnh đồng cảm man mác với cô về ước mơ không thành của ông nội.
Hết con đường vòng quanh núi mà Vĩnh đoán chừng hơn hai cây số, anh chỉ đi bộ khoảng mười lăm phút. Một đoạn ngắn như thế mà đời ông nội đã không thực hiện được là đưa con cháu qua bờ bên kia, nơi những người bị bão đánh dạt vào đêm đó, khi những tia nắng ấm áp đánh thức tỉnh dậy, đặt bước chân lên đất liền, họ đã quỳ xuống, ngửa mặt lên nhìn trời mây trắng rồi úp mặt xuống nền cát mịn màng, vô vàn êm ái, tạ ơn đấng tối cao ban cho con người sự sống. Hay còn điều gì khiến ông nội băn khoăn?
Vĩnh rẽ xuống bến cá. Nhà san sát muốn bít hết lối đi hẹp dù đã được đổ bê tông và có hố ga thoát nước. Đủ các loại hình quà vặt từ bánh canh, bún cá vốn là thế mạnh của làng chài cho đến bún bò, phở, hủ tíu, bánh xèo... Thể hiện nếp sinh hoạt nhất thời, nhếch nhác, phó mặc, buông xuôi. Hôm nay biết hôm nay, nghĩ thêm đến ngày mai hết mức rồi, ngày kia thì xa quá, không thật! Mùi mắm lúc phảng phất, lúc nồng xộc đánh thức khứu giác của Vĩnh. Nhớ ông nội thường nhìn xa xăm, vịnh này nhiều cá lắm, cả túi cá theo dòng hải lưu, mùa gió đông bắc, cá tấp vô vịnh, biển ấm nhờ có đảo lớn che khuất, cá vô ở cả tháng. Trời động vẫn có cá. Vùng biển cát trắng nên con cá thành mắm mùi thơm ngót, vị ngọt thanh. Người ta làm mắm theo mùa, từ tháng giêng đến tháng tám cá lên nhiều, con cá cơm hay cá nục làm mắm đều ngon. Nói rồi ông nội chép miệng, biển là giả, khi no thì no nứt trứng, khi đói thì đói nhăn răng!
Có phải bởi tính không ổn định về kinh tế đã tạo cho họ cuộc sống nay - mai bao đời? Ăn hết tiền thì đi vay nợ, chờ đến mùa biển êm? Chu kỳ như thế lặp lại, họ chấp nhận và an nhiên trong tạm bợ?
Cuối con đường hẹp khung trời mở ra thoáng đãng. Bờ bên kia là núi cách nhau bề rộng con sông. Những chiếc thuyền neo xếp lớp trong ngoài. Triều rút lộ ra lớp bùn đen, lởm chởm đá, chằng néo vài chiếc ghe sơn màu xanh đỏ. Lũ chim mỏ nhác chập chạ sà xuống, dò bước tìm kiếm rồi chậm chạp bay lên. Những chiếc thúng thong thả trở về, những người đàn ông nghiêng thúng lăn nó lên bờ, úp lại. Những người đàn bà cắp rổ ồn ào chuyện làng trên xóm dưới. Cá lưới hai sắp vô. Kết thúc đêm lênh đênh trên biển để bắt đầu ngày chộn rộn bán mua. Thoáng chốc, bến cá tấp nập đông đúc, cảm giác như người ở đâu bỗng dưng hiện ra chật bến. Tiếng ồn vào giai đoạn cao trào bởi những cuộc tranh cãi, giành nhau mối hàng. Khi thị giác, khứu giác và thính giác đã đến giới hạn, Vĩnh quay lên.
Vừa ra khỏi đường ống hẹp, Vĩnh thấy ngay ba ngôi mộ nằm chếch trên cao, quen thuộc và gần gũi. Ký ức khẳng định, ngày xưa ông nội hay dắt anh ra đây chơi và ngóng về bên kia núi. Ánh mắt ông có buồn như cô Sáu nói hay không thì anh không biết, nhưng tự nhiên anh nhớ lại rất rõ, ông thường nhìn anh rất lâu, rồi ôm anh vào lòng. Trong vô thức, bước chân Vĩnh đi lên nơi lưng chừng ấy. Vẻ như ba ngôi mộ được làm mới không lâu. Hai bên có hai cây mai ai đã lặt lá, lộ ra đầy nụ vào giai đoạn sung mãn nhất. Vĩnh không rành về cây cỏ nên anh không đoán được chúng sẽ rực vào đúng tết hay không.
Thêm một buổi sáng nữa Vĩnh đi hết con đường lên núi. Bên kia sườn núi, tầm nhìn xa khoảng hơn 20 km, một góc thành phố thật nhỏ nhoi với bờ biển cong vòng chữ C im lìm, thụ động trong cái màu bàng bạc, ui ui, thiếu nắng. Đứng trên đỉnh, Vĩnh lại nhớ về ông nội cùng lời thủ thỉ, ngày nào đó ông sẽ đưa con qua núi… Bỗng dưng Vĩnh thấy lòng buồn vô hạn mà không biết vì sao!
Tối hai tám cô Sáu điện thoại về cho Vĩnh, sau những câu trao đổi, dặn dò chuyện tết nhất, cô Ngà giúp việc sẽ mang đến mọi thứ đã chuẩn bị sẵn và Vĩnh có nhiệm vụ bày bàn thờ cúng giao thừa. Cuối cùng, lúc sắp cúp máy, cô như sực nhớ ra.
“À, Vĩnh nè, con vào phòng cô, trong hộc tủ nhỏ đầu giường có cuốn sổ cô ghi password mở cửa một căn phòng trên lầu. Cô Ngà sẽ dành riêng trái cây thắp hương bàn thờ phòng đó. Con nhớ nhé! Thôi con đi ngủ đi, có gì cô Sáu sẽ nhắn chi tiết qua Skype”.
Vĩnh biết tính cô Sáu hơi khác người, nhưng anh không nghĩ ngoài bàn thờ ông bà nội và ba Vĩnh lại thêm một bàn thờ nữa. Vĩnh còn buồn cô một nỗi là trên bàn thờ chung ấy không có hình mẹ anh. Dù sao cũng người trong nhà và đã khuất lâu rồi, cô Sáu mang nặng chi mối hiềm khích (nào đó mà Vĩnh không rõ) gần hai mươi năm đến mức không cho hình ảnh mẹ hiện hữu trong nhà của cô?
Vĩnh không định vào phòng cô ngay nhưng anh biết làm gì ngoài việc cần giải mã những ẩn số đang nhảy múa lung tung trong đầu. Đẩy cánh cửa phòng trên lầu, Vĩnh muốn khụy xuống khi anh thấy trên bàn thờ có hai tấm ảnh mẹ anh và một người đàn ông trông rất quen. Đầu anh ong ong, tim anh như ngừng đập, bức bối, tức thở. Bước vội xuống nhà, Vĩnh mở máy tính vào Skype. Tin nhắn từ cô Sáu:
“Người ấy là ba ruột của con. Bạn thân thiết với ba con. Cha của người ấy là bạn sinh tử với ông nội. Thế hệ thứ nhất họ bị bão táp trôi dạt đến làng. Trên chiếc thuyền năm đó ba người đàn ông có ông cố và ông nội của người ấy. Họ đã thề cùng nhau chia ngọt sẻ bùi thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Tiếc rằng ba ruột con mất sớm. Và ba con đã cưu mang mẹ con. Hai người đàn ông cùng yêu một người phụ nữ. Tất cả những điều này chứa trong đôi mắt rất buồn của ông nội. Tình yêu lấy hết phần sáng của lý trí khi cô tự đẩy thêm mình vào cái vòng mù quáng ấy kèm nỗi than vắn thở dài của ông nội, thế gian hết ai sao đâm đầu yêu người đàn ông không dành cho mình, ba người họ đã đủ đau lòng rồi! Mẹ con như chiếc lá giữa dòng, phó mặc và sống chung với những lời cay nghiệt của cô. Cô không định cho con biết những điều này khi thương yêu, hờn giận đã trở về cát bụi nhưng giữ kín bao năm nay đã không phải với con rồi. Cuộc đời như một giấc mơ, chẳng ai đoán trước được điều gì bởi những giấc mơ luôn rời rạc, chấp vá, đứt đoạn, không thật… Còn một điều nữa, ba ngôi mộ dưới chân núi là của ông bà nội con và ba con”.
Vĩnh bước ra ban công nhìn xuống vịnh. Bao quanh anh một màu đen thẫm. Vĩnh thấy đầu óc trống rỗng, vô cảm. Đã đi qua nhiều năm tháng thăng trầm trong cuộc đời và có lúc rớt xuống tận đáy, chưa bao giờ Vĩnh rơi vào trạng thái “không trọng lượng” như thế này. Anh ra khỏi nhà và đi về phía lán trại bảo vệ có những mảng sáng hắt ra bởi một bóng đèn compact công suất thấp treo lơ lửng. Anh muốn nói chuyện với ai đó hay uống chút gì đó. Một năm đã, đang và sắp chấm hết. Từ trong căn lều tạm, chiếc radio bật lên bài hát: “… Con người ta vốn ngu ngốc, không biết mình lạc lối, cứ bước tới bất kể... Hết rồi những giấc mơ của tuổi thơ… Một thập niên vừa qua đi. Có ai đoán được mình thấy gì, điều gì đang chờ ở thập niên kế tiếp... Thôi thì hãy chúc nhau đi. Chúc mừng năm mới...”.
Bởi ngày mai, ngày mốt nữa là tết!.
Đào Thị Thanh Tuyền 
Theo https://thanhnien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...