Còn nhớ hồi bé, cứ mong bao giờ đến Tết. Đến Tết để có một bộ
quần áo mới, Tết để được mừng tuổi, dù chỉ vài xu vài hào. Ngày Tết, có bánh
chưng bánh mật, được đi xem hội.
1. Những ước mơ và những niềm vui nho nhỏ ấy đã nuôi đứa trẻ
phổng phao theo năm tháng. Nếu không có ước mơ, dù là nho nhỏ ấy, thì con trẻ sẽ
cằn cỗi biết bao trong thời thiếu đói. Trước đây ngày Tết là ước mơ con trẻ thì
cũng luôn là nỗi lo của cha mẹ chúng. Nông thôn xưa nghèo khó, lo cái Tết, nhiều
nhà cũng méo mặt. Nhưng trong cái lo ấy lại có khắc khoải niềm vui sum họp.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Thái Sơn nói, ông cha ta
đã chọn “Ngày gia đình của Việt Nam” từ lâu rồi. Đó là ngày mồng một tết, ngày
gia đình sum họp. “Mùng Một, Tết cha/ mùng Hai, Tết mẹ/ mùng Ba, Tết thầy”. Ba
ngày Tết, mỗi ngày có một ý nghĩa khác nhau. Mùng Một thắp nén nhang lên bàn thờ
tổ tiên, cha mẹ con cái sum họp ăn bữa cơm gia đình. Mùng 2 sang nhà ngoại và
mùng 3 đi chúc Tết thầy. Dù tôn sư trọng đạo nhưng cái gốc gia đình vẫn trên tất
cả. Với người Việt, gia đình quan trọng nhường nào.
2. Những năm mới ra công tác, vợ chồng tôi thường đóng cửa
nhà tập thể ở ở quan về quê với cha mẹ ăn Tết. Các khu tập thể trong ba ngày Tết
hầu như vắng bóng người. Chỉ còn vài ba người cắt cử ở lại trông nhà. Mỗi cán bộ
ai cũng có một quê. Quê hương luôn là nơi gắn bó với mỗi trái tim người Việt.
Nơi ấy có ông bà, anh em ruột thịt, phần mộ tổ tiên thiêng liêng không thể phai
mờ.
Năm nay vào những ngày bán vé tàu Tết chộn rộn này, những
công nhân xa nhà thắc thỏm cái vé. Liệu tiền chắt chiu có đủ về quê ăn Tết
không. Nhưng có tiền rồi có mua nổi vé tàu không. Tấm vé tàu cuối năm đè nặng
lên trái tim những người nghèo khó tha hương mong về ngày sum họp.
3. Lại nhớ mới Tết năm trước nghe trong đám người trẻ tuổi
than vãn, Tết nhất chán chết, chẳng thấy gì vui. Rồi khoe Tết này đi Sa Pa, đi
Phú Quốc để… tránh Tết! Có người sang trọng hơn thì rầm rộ bảo nhau đi
Singapore, đi Thái Lan, đi Trung Quốc… Ba ngày Tết trốn biệt nhà để lại ông bà
bố mẹ già lụi cụi làm Tết với nhau. Hoặc không thì ba ngày Tết bàn thờ tổ tiên
nguội lạnh.
Cách ăn Tết của lớp người trẻ tuổi tưởng như là đặc biệt thì
lại phản ánh cái gốc văn hóa tết của họ có cái gì mong manh. Với họ cái Tết là
để cho họ đi tìm chỗ chơi.
4. Ngày Tết với người Việt sum họp để mọi người biết về nhau
một năm làm ăn thành bại rồi dự định cho công việc năm sau. Ngày Tết là cơ hội
hòa giải những gì không hay xảy ra trong nội tộc và trong xóm giềng. Cái Tết gắn
bó tình cha con họ hàng, ngày Tết là cả một bài học gia đình. Ngày Tết là những
ngày đi nhẹ nói khẽ, không nói bậy, chỉ chúc tụng nhau may mắn thịnh vượng, bỏ
qua những điều xui xẻo.
Người Việt Nam ta coi Tết là ngày “tống cựu nghênh xuân”, dứt
bỏ cái cũ rước đón cái mới. Nên người Thái, trước tết có lễ gội đầu “Lúng ta
làm lý” để gột rửa những điều không may năm qua, người Kinh thì tiễn ông Công,
ông Táo về trời, quét dọn bàn thờ tinh tươm, cắm hoa trang hoàng bàn thờ đẹp rồi
hóa chân hương, làm cỗ đêm ba mươi mời tổ tiên về ăn Tết. Sau ba ngày Tết thì
làm lễ hóa vàng đưa tiễn. Cái Tết đánh thức tình cảm với dòng tộc, đánh thức
tình cảm với quê hương với xóm làng, đánh thức đạo làm người.
Không thế thì sao người Việt tha hương hằng năm về nước vào dịp
Tết có đến hàng vạn, tốn cả đống tiền vì họ không bao giờ quên cái gốc.
Cái Tết Nguyên đán còn, là cái may mắn cho đất nước, cái phúc cho dân tộc và mỗi gia đình.
Cái Tết Nguyên đán còn, là cái may mắn cho đất nước, cái phúc cho dân tộc và mỗi gia đình.
Đỗ Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét