Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi đọc
đến phần cuối Thúy Kiều tái ngộ với Kim Trọng, ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng vì
coi như cuộc đời gian nan của Kiều đã chấm dứt. Kiều đã gặp lại người yêu xưa,
câu chuyện kết thúc có hậu. Đây là lúc mà cuộc đời Kiều sau khi đã trải qua 15
năm “phong trần” bắt đầu được hưởng “phần thanh cao” theo “luật Trời” mà Nguyễn
Du đã từng đưa ra:
“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Ai mà mê bói Kiều (boikieu.com) thì lại càng ao ước được bốc
trúng phần “tái ngộ” này để đời được vui hơn… Cuộc đời con người ta cũng vậy,
có lẽ ai cũng đã từng trải qua bao nhiêu “thác ghềnh” trong cuộc sống (nhất lại
là người Việt Nam với bao nhiêu biến cố…). Cho nên lúc “về chiều” là lúc mọi
người đều muốn có cuộc sống vui tươi êm đềm.
“Sáu mươi chưa phải là già,
Sáu mươi là tuổi mới qua xuân thì”
Đó là lời mở đầu của chị trưởng lớp học hát, học “Line - Dance” dành cho quý vị ở lứa tuổi “chưa phải là già, nhưng không còn trẻ nữa” (nói nôm na là xấp xỉ chung quanh lứa tuổi 60, 70). Có tuổi chớ không phải
già, một người bạn nói rằng phải nói mình là thanh niên có tuổi. Ngày trước TCS
cũng không bao giờ nhận mình là già, mà chỉ là người có tuổi hơn người khác (hay ít trẻ hơn người khác). Nhưng lạ một điều là ông chủ nhà sách Khai Trí ở
Saigon trước kia cũng đã từng khẳng định ” Khi người ta 20-30 tuổi, người
ta còn quá trẻ, 30-40 tuổi đang trẻ, 40-50, hãy còn trẻ, 50-60 trẻ không ngờ,
60-70 trẻ lạ lùng! và trên 70 nguời ta trẻ vĩnh viễn!” (Ông nói ông đọc được
câu này trong một cuốn sách…Tây từ lâu lắm rồi. Và bây giờ thì cả người nói và
người nghe đều trở thành người thiên cổ từ lâu. Điều này chứng tỏ đây không phải
là ý kiến mới lạ gì!). Tưởng là chỉ nói đùa, nhưng ngày nay đã thành sự thật,
người già ở những nước phát triển ngày càng đông. Bây giờ tuổi lên lão phải từ
90 trở lên và thượng thọ phải trên 100 (Dạ tiệc cao niên Little Saigon Radio mỗi
năm lại tăng tuổi được mời tham dự miễn phí (lúc đầu có 65, rồi 67, 70, 75… già
theo không kịp.. Bây giờ năm nào dự tiệc cũng có cụ già hơn 110 tuổi). Một chị
ngồi bên cạnh nhìn bạn bè chung quanh “tức cảnh sinh tình” bèn ngân nga hai câu
thơ:
“Tại máu xấu nên tóc bạc ra
Đúng vậy, có nhiều chị ở tuổi này mà trông cũng còn “mơn mởn”
lắm, nhất là khi nào có “tiệc”, các chị chưng diện lên coi cũng còn phong độ lắm!
Có người còn hăng hái bàn thêm: Ai nói lúc trẻ sướng? Phải lo chăm chỉ học
hành, chịu sự kiểm soát của ba mẹ. Phải lo tương lai sự nghiệp… lúc nào cũng bận
rộn, túi bụi với công việc. Rồi lớn lên có gia đình lại tíu tít với công việc
gia đình, chăm sóc con cái… Thật ra chỉ có ở tuổi “tái ngộ mùa Xuân” này mới thực
sự thảnh thơi. Con cái trưởng thành, có sự nghiệp, có gia đình hết rồi…bây giờ
là lúc ta thực sự tự do muốn ăn gì, làm gì là do ta quyết định.
“Được làm những điều mình thích. Đó là tự do
Thích những điều mình làm. Đó là hạnhphúc”
Trước hết muốn ‘Tái ngộ mùa Xuân” thì
cần phải yêu đời, mà ca hát là yếu tố dễ làm cho người ta phấn chấn và yêu đời
nhất. Có lẽ vì thế mà những buổi tập hát được bắt đầu từ thiện chí tự nguyện của
chị ca trưởng. Đó là nơi các bạn tới tập hát sao cho hay hơn, hát đúng nốt,
đúng tông, đúng bài bản. Vậy mà free nha! Tới đó lại còn có dịp gặp gỡ nhiều
“tri âm” cùng tần số với mình là đời vui rồi. Nhìn các chị hăng hái tập hát
nghe theo lời ca trưởng để tập hít thở: Trước khi hát “nhớ phình bụng to ra lấy
hơi cho đầy” rồi từ từ nhả hơi ra để hát cho đúng kiểu Pro: Tập hát chung,
hát những bài hát vui tươi yêu đời, vừa hát vừa vổ tay: “Ta ca ta hát vang
lên, hát lên cho đời tươi thắm, hát lên cho quên nhọc nhằn..”.
Người dạy hát cảm thấy vui vì làm được điều mình yêu thích,
và có ích cho người khác. Tôi nhìn lên thấy gương mặt chị cười rạng rở tươi
vui. Cái đẹp đến từ Tâm trông sáng sủa nhẹ nhàng khác với cái đẹp đến từ son phấn
đậm nét. Nhìn chị bây giờ trẻ đẹp hơn là những lúc chị lên TV trong chương
trình Bác sĩ gia đình (dù là có make up). Còn người học hát càng vui hơn vì được
hát những bài yêu đời và thấy lòng minh như trẻ lại khi tuổi còn xuân:
“Màu xanh gieo muôn ngàn tia nắng huy hoàng, màu xanh gieo
muôn niềm vui sống mênh mang… với bao nhiêu niềm tin tràn lan“
Âm nhạc ảnh hưởng tới tâm hồn con người, thay vì hát rên rỉ,
than van, chuyển qua hát những bài yêu đời, rồi tha hồ được dịp hát những bài
ca sinh hoạt để nhớ lại một thời tuổi trẻ hoạt động du ca, hướng đạo ngày xưa với
những buổi cắm trại, picinic cùng bạn bèvới một Sài gòn ta yêu như máu thịt…
“Ca nào ca nào ta hát cho to và hay (2) Vui ca lên nào, vui
ca lên nào, vui ca lên đời ta vui sướng” hay là “Nào về đây ta họp mặt
cùng nhau, cuộc đời vui thú có lúc này thảnh thơi…”
Nghe sao mà “hợp tình, hợp cảnh” thế, ngoài ra còn có bài hát
vừa hát vừa làm động tác” “Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì đập đôi tay (2) (dậm
đôi chân, chào anh hai, làm cả 3) Tôi nhớ đã hát bài này khi đi picnic cách đây
cả 1/2 thế kỷ, lúc còn nhỏ xíu, cứ bối rối không biết cử động thế nào cho kịp vời
lời bài hát… Vậy mà bây giờ hát lại vẫn thấy náo nức như xưa và thấy tràn ngập
cả một trời kỷ niệm về Sài gòn của tôi, tình yêu của tôi. Các bạn
nào chưa từng được hát thì thích quá. Đúng là “tái ngộ tuổi thơ”. Quả là ai đó
đã nói quá hay: ”Hạnh phúc không phải là bạn tích trữ được bao nhiêu tiền,
mà là mỗi ngày thể xác và tâm hồn được tự do, được làm những việc mình yêu
thích.
Đó là chưa kể những lúc tập hát các bài hát về quê hương, các
chị say mê hát với cả tâm tình da diết: “Chuyện Việt Nam ta mấy mươi năm,
mấy trăm năm bay đã hơn ngàn năm, mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang, trên đường đi
vẫn đầy bóng tối tăm”. Dù hết giờ rồi, lớp vẫn năn nỉ xin hát thêm một lần nữa
để được khẳng định tấm lòng với quê hương: “Còn Việt Nam. Triệu con tim này còn
triệu khối kiêu hùng”
Nhà thơ Bùi Giáng đã nói chí lý:
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Ta sẽ nhớ trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây ta có cả vui sầu.”
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Ta sẽ nhớ trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây ta có cả vui sầu.”
Quả vậy, tôi đã trải qua một thời tuổi trẻ trong hoàn cảnh đất
nước chiến tranh nhưng đó vẫn là một thời dễ thương tươi vui để nhớ. Vì thế bây
giờ được hát lại những bài xa xưa ấy lòng tôi bỗng dưng vui. Bao nhiêu kỷ
niệm về Sài gòn của tôi, tình yêu của tôi bỗng ùa về… Rồi
hoàn cảnh xả hội thay đổi, bao nhiêu “thác lũ mưa sầu” sau tháng 4/75… bao
nhiêu biến cố thay đổi lớn lao từ nơi ăn chốn ở đến nghề nghiệp… Bây giờ thế hệ
chúng tôi đã vào lứa tuổi sáu mươi mà chúng tôi hay gọi đùa là lứa tuổi “16”
cho có vẻ trẻ trung. Mọi người đều bước qua giai đoạn xuống đồi, hay nói một
cách lãng mạn là “Tuổi Thu phai” mà những người yêu mùa Thu thường hay tả như
mơ: “Nắng Thu vàng óng như lụa, trong veo và dịu dàng khiến cho lòng người ngây
ngất”. Mỗi lần nghe bạn than mình mẫy ê ẩm đau nhức mỗi khi gió heo may
mùa Thu trở về thì tôi bèn cười hi, hi… “Tuổi Thu phai” mà, nên cái gì
cũng “phai” đừng bắt nó cứ như tuổi Xuân “thắm tươi” mãi. Nhưng không sao dù
trong hoàn cảnh nào:” Ta cứ yêu đời đi. Như lúc ta còn thơ”. Tới tuổi này
rồi ai may mắn vẫn còn “đi về có đôi” thì mừng cho bạn hưởng được phước “như
chim liền cánh, như cây liền cành“. Ngược lại nếu ai vì lý do này, hoàn cảnh nọ
mà trở về tình trạng ”độc thân” thì lại càng vui hơn vì “Happiness to be Single“ tránh
được cái cảnh “nội chiến từng ngày“, không phải sướng hơn sao?. Muốn đi đâu, muốn
làm gì cũng chẳng bị ai có ý kiến ý cò phiền phức.
Tôi có chị bạn bị chồng ly dị, vì chồng chị thuộc loại “trăng
hoa”, từ dùng của phụ nữ. Còn từ của các ông là “đào hoa”. Ông muốn được tự do
bay lượn từ hoa này sang hoa khác, mà không bị vướng víu, nên không khí trong
nhà lúc nào cũng căng thẳng mệt mỏi… Chị thì cứ cố nín nhịn để níu kéo tổ ấm
gia đình cho khỏi tan tác, rồi còn cần “giữ tiếng” để con cái lớn lên lấy vợ lấy
chồng…Nhưng cuối cùng thì ông vẫn cầm tờ giấy ly dị về cho chị ký. Đến nước này
thì chị đành phải chấp nhận thôi. Nhưng lạ một điều sau khi được thoát cảnh
ràng buộc, chị sống thoải mái, được tự do vui chơi với bạn bè. Bây giờ trông chị
trẻ đẹp hẳn ra (cả hơn chục tuổi) đi đâu ai cũng ngạc nhiên khen ngợi! Có người
ganh tỵ và thắc mắc, chị trả lời: “Có gì đâu, cứ tưởng tượng mình phải ở trong
địa ngục, bây giờ được thoát ra hít thở bầu khí tự do thì vui thú biết bao
nhiêu…”. Đúng là hoàn cảnh sống và trạng thái tinh thần quyết định rất lớn đến
dung nhan của phụ nữ. Bây giờ chị mới ngộ ra sao lúc trước mình khờ quá, không
biết rằng: Sống trên đời, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi
thì nên buông tay, như thế mới sống được tự do tự tại thực sự. Sống thuận theo
tự nhiên là một loại trí tuệ…”. Bạn bè thấy chị còn “mơn mỡn” và cũng có
vài người để ý nên khuyên chị ” Hãy yêu lại từ đầu“, chị mỉm cười lắc đầu
“Tuổi này còn yêu đương gì nữa. Hãy cho xin hai chữ bình an”. Tôi cười bảo
chị: “Theo người Mỹ thì tuổi sáu mươi là cái tuổi đang làm lại từ đầu. Mà hễ
cái gì từ đầu cũng hào hứng cả. Biết đâu “có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô
tình cắm liễu, liễu lại xanh”. Chị là tấm gương cho các bạn đang trong
tình trạng lẻ loi hay đổ vở hôn nhân. Hãy nhớ: “mất đi rồi không nên ủ rũ, càng
không thể cảm thấy cả thế giới sụp đổ vì duyên đã hết, phận đã đứt, cưỡng cầu
chỉ thêm đau lòng”. Đừng sợ hãi sự thay đổi vì có khi nhờ nó mà một con
đường mới tươi sáng lại được mở ra. Hãy đúng dậy vươn vai:“Em về điểm phấn tô
son lại. Ngạo với nhân gian một nụ cười”!
Hơn nữa tình yêu không phải là thứ tình cảm duy nhất trong đời,
bởi ta còn có gia đình, anh em, đồng nghiệp, và nhất là bạn bè…Ở tuổi hoàng hôn
này bạn bè chiếm một vị trí rất quan trọng. Một lần tôi được mời đến tham dự buổi
ra mắt của ban hợp xướng Trưng Vương, tôi ngạc nhiên khi thấy các chị thuộc loại
đã lên chức “nội, ngoại” hết rồi, nhưng vẫn trẻ trung, vui tươi rộn ràng trong
những chiếc áo dài màu xanh. Các chị đang ráo riết chuẩn bị cho 2 bản hợp ca mở
màn: ”Bà Mẹ Quê” và “Túi Đàn” mà các chị đã dày công tập luyện hằng tuần cả mấy
tháng trời. Ai cũng có vẻ hồi họp háo hức hèn gì có người nói “xem văn nghệ
không thú bằng làm văn nghệ“. Khi trình diễn, các chị hát thật to mồm tròn vo,
mắt ngước nhìn theo nhịp tay ca trưởng, hát bằng cả cái tâm và cái sức của
mình, nên đã được người nghe tán thưởng nhiệt liệt:
“Nhịp theo tiếng đàn
Tiếng hát vang vang lừng
Ta mang yêu đương reo về bốn phương”
Tiếng hát vang vang lừng
Ta mang yêu đương reo về bốn phương”
Người thưởng thức và người hát đều xúc động, đều cảm nhận được
niềm vui của những người ở tuổi hoàng hôn nhưng vẫn yêu đời, vẫn có thể giữ được
nét thanh xuân trong tâm hồn vì biết chọn đời sống tinh thần lạc quan. Và âm nhạc
chính là liều thuốc hiệu quả nhất.
Sau đó là tới các màn đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca Các chị
có dịp hát lại những tình khúc mình đã từng yêu thích một thời để nhớ về một thời
êm ái đã qua:
“Nhạc lòng êm ái dù đời tàn phai
Mà còn mãi mãi ngân trong đêm dài.”
Mà còn mãi mãi ngân trong đêm dài.”
Tôi biết tối nay mỗi chị đã mua 1 vé về lại với tuổi thanh
xuân của mình, để thả hồn về mái cũ trường xưa, về những ước mơ mà hồi nhỏ mình
chưa thực hiện được. Chị ngồi cạnh tôi thủ thỉ tâm sự, sau khi hát xong:
“Em ơi, chị hồi họp cả mấy ngày trước khi lên hát như hồi bé
chị đi thi. Có lúc hát run quá, đứng không vững, em thấy chị phải đi tới đi
lui…”
Tôi thấy có chị khác cứ cúi xuống mà hát không dám ngẩng lên
nhìn ai vì sợ quá! Hát xong, bước xuống thở phào nhẹ nhỏm…nhưng vẫn rất vui. Nhớ
lại ngày xưa còn nhỏ tôi hay cùng bạn bè thích nghêu ngao mấy câu hát của Phạm
Duy: Em ước mơ, mơ gì? Tuổi 15, tuổi 16… em ước mơ... thành… ca sĩ. Bây
giờ một nhóm bạn bè cùng trường tụ họp lại với nhau tập ca hát để cùng nhau thực
hiện ước mơ xưa. Như vậy thì đời quá vui rồi còn gì!
Ra về, tôi thầm nghĩ Trưng Vương may mắn có chị ca trưởng yêu
âm nhạc, lại có nhiệt tình và điều kiện để thực hiện ước mơ chung cho các bạn.
Thật quý hóa, nhưng “trông người lại ngẫm đến ta”, còn Gia Long mình chẳng
lẽ không có ai hoạt động văn nghệ phục vụ cộng đồng sao? Mấy bạn cũng nhiều tài
năng lắm mà! Tôi nhớ lại lần rồi khi tham dự đêm “Hùng Sử Ca” thấy các bạn GL
trong một vũ điệu Việt Nam mặc áo dài tím với nón lá trông rất đẹp!
May quá, thắc mắc đã được giải tỏa khi tuần rồi tôi được tham
dự buổi văn nghệ “Thu hát cho người” do Nhóm Song Ngân và thân hữu thực hiện
tại phòng sinh hoạt N.V. Nó đã thu hút khán giả đến nghe chật cả khán phòng dù
giờ trình diễn chưa bắt đầu. Tôi nghe mấy người ngồi cạnh bên cho biết: Đây là
show của nhóm mấy cô Cựu Nữ Sinh Gia Long chủ trương, họ thực hiện được mấy lần
rồi. Ô! vậy thì vui quá, thì ra vì đam mê ca hát, nên các bạn GL muốn đem tiếng
hát góp phần cho đời thêm vui. Các bạn đã bỏ tiền túi và công sức của mình để tổ
chức những chương trình nhạc thính phòng và mời mọi người vào cửa tự do. Ngoài
các bạn là những giọng hát chính, nhóm còn mời thêm thân hữu gồm toàn những giọng
ca tài tử xuất thân từ bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỷ sư…, nhưng họ hát rất tuyệt,
vì hát bằng tất cả đam mê và tấm lòng của mình, nên thu hút khán giả thinh lặng
ngồi nghe. Giữa người nghe và người hát như cùng giao cảm trong những giai điệu
của dòng nhạc xa xưa, để cùng nhớ lại một thời yêu dấu đã qua.
“Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Thu hát cho người, Thu hát cho người, người yêu…ơi! “
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Thu hát cho người, Thu hát cho người, người yêu…ơi! “
Cám ơn Song Ngân và các bạn GL chủ trương. Các bạn ơi, các bạn
đã làm tôi thêm tự hào về trường Gia Long thân yêu của chúng mình nhiều lắm.
Xin chân thành cám ơn những người đã tặng cho đời những món
ăn tinh thần tuyệt vời, các bạn đã biến âm nhạc thành một thứ thuốc dưỡng sinh
tươi trẻ. Nó trở thành cần thiết hơn những món ăn thực phẩm... Các bạn đã làm cho “tuổi hoàng hôn” của chúng mình trở nên
dịu dàng, êm đềm hơn nhiều lắm như trong lời hát:
“Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương..
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương..
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai”
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai”
Các bạn đã cho thấy dù là ở tuổi hoàng hôn chúng ta vẫn có thể
giúp đở mọi người sống đời hạnh phúc; điểm tô cho cuộc đời thêm tươi đẹp, chúng
ta vẫn làm được những việc lợi ích cho đời, cho mọi người, cho xã hội. Và ở tuổi
này chúng ta chợt cảm nhận được quy luật sâu xa của cuộc sống là quá trình cho
và nhận. Chúng ta đã nhận từ cuộc đời quá nhiều và bây giờ là lúc ta “cho” nhiều
hơn,tùy theo hoàn cảnh và khả năng riêng của mỗi người: đi làm từ thiện,
volunteer dạy ESL, dạy Quốc tịch, dạy hát, dạy Line- Dance, dạy Khí công,
Tài chí v.v… Khi mình cảm thấy mình có ích cho người khác tự dưng
lòng minh cảm thấy vui hơn, mùa Xuân dường như vẫn thấp thoáng quanh đây!
Đó là về phương diện tâm hồn, chứ thân xác thì cũng đã cảm thấy “cuồng phong
cánh mỏi“. Bạn bè gặp nhau hay hỏi đến tình trạng sức khỏe, các phương pháp dưỡng
sinh, những cách trị bệnh theo lối tự nhiên, và giới thiệu cho nhau những lóp
exrecise vui khỏe. Trong đó Line – Dance là loại hình exercise tốt nhất, các
bác sĩ và các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khiêu vũ nhờ có nhạc sẽ giúp người
ta thích thú trong khi tập nên cảm thấy thời gian qua mau. Ngoài ra nó cũng góp
phần đánh bại cái bịnh mà đa số ai cũng mắc phải: “Để trước quên sau, kiếm
mệt đừ” ( bước đầu của Alzheimer) vì người ta phải cố nhớ điệu Mambo khác
với Twist ra sao, Cha cha cha thì khác Tango chỗ nào?. Trong một vũ điệu thì lại
có nhiều bước khác nhau, không rập khuôn một động tác làm cho người ta dễ chán,
lúc thì khoan thai nhẹ nhàng, lúc phải bước nhanh, xoay vòng, khi thì nhịp
nhàng yểu điệu, lúc thì ríu rít đôi chân…Nó thu hút người ta tập mà thấy vui và
yêu đời
Khiêu vũ mà cần phải có partner thì cũng hơi phiền, vì đa số
trong lớp toàn là các bà, vì các ông rất lười tâp thể dục. Do đó Line – Dance
là cách giải quyết tốt đẹp nhất, mà nhảy như vậy thì lại càng vui vì nó mang
tính chất tập thể. Nhờ tập Line -Dance mà tôi thấy các chị trong lớp đều có
thân hình khá gọn đẹp, nhìn dáng các chị trong những điệu Valse cũng rất lả lướt,
và trông trẻ trung nhanh nhẹn khi đi bebop hay Twist. Như vậy thì Line- Dance
đúng là “Nhất cử mà tam tứ tiện”; vừa thể dục có lợi cho sức khỏe thân xác, cả
tinh thần nữa, thân hình lại gọn gàng đẹp ra nữa thì ai mà không thich, thành
thử các lóp Line- Dance được mở ra khắp nơi
Đó là chưa kể vài tháng lớp lại mở một party ở nhà hàng với
giá rẻ vào buổi tối ngày thường, để mọi người có dịp vui chơi và thực tập hay
trình diễn những vũ điệu mình thích với ban nhạc sống, có sân khấu có ánh đèn
màu nhấp nháy đưa con người ta trở vể với tuổi thanh xuân ngày nào. Như vậy là
chúng tôi đang tận hưởng niềm vui hạnh phúc của thời kỳ “Tái ngộ mùa Xuân” và
quên đi những điều không tốt trong cuộc sống.
Cuộc vui với nhiều tiếng cười luôn mang đến cho người khác niềm hân hoan và hạnh phúc, mang đến sự chia sẻ về tinh thần. Ngoài ra lại còn thêm cơ hội thưởng thức những lời nhạc trữ tình đáng yêu (nghe mà thấy lòng rung động) qua các bản nổi tiếng quốc tế.:
Cuộc vui với nhiều tiếng cười luôn mang đến cho người khác niềm hân hoan và hạnh phúc, mang đến sự chia sẻ về tinh thần. Ngoài ra lại còn thêm cơ hội thưởng thức những lời nhạc trữ tình đáng yêu (nghe mà thấy lòng rung động) qua các bản nổi tiếng quốc tế.:
“Near, far, wherever you are
I believe that the heart does go on…”
I believe that the heart does go on…”
Lời nhạc khiến tôi nhớ đến tình cảm của lớp Line- Dance dành
cho cô giáo T của mình, tôi biết T từ nhiều năm trước khi tôi còn làm volunteer
cho một trung tâm cao niên. Trái đất tròn nên bây giờ tôi gặp lại T ở lớp Line
-Dance, và điều làm tôi sửng sốt là T bây giờ sụt cân quá nhiều, thì ra T mắc 1
căn bệnh ung thư đã qua hóa trị, xạ trị nên tóc T gần như không còn. Nhưng điều
đáng quý là T vẫn tới lớp đều đặn dạy free cho các bạn, trừ những hôm phải đến
bịnh viện. T vẫn yêu đời, vẫn muốn đem niềm vui đến cho lớp. T còn order nón
kim tuyến để tặng các bạn đội cho đẹp trong bửa tiệc vui. Sức khỏe T đã khá dần
lên, mọi người ai cũng mừng. Lớp rất thương T luôn dành những tình cảm ưu ái đặc
biệt cho T. Mỗi lần có tiệc thì những bó hoa, những bài thơ, bài nhạc yêu
thương luôn được hát lên để tặng cô giáo. Vậy mà mới đây sau một lần tái khám T
nói cho lóp biết là BS cho biết một khối ung thư khác bắt đầu mọc lại. T tâm
tình: ”Mình nói tin túc về bịnh tình cho các bạn nghe, vì thấy các bạn
luôn rất quan tâm. Các bạn ơi! đời con người ai cũng có lúc phải chấm hết, nên
mình chấp nhận rồi. Do đó không có gì để buồn, đời còn cho ta ngày nào còn gặp
nhau thì ta hãy cứ vui…”. Tôi thấy trong mắt T hình như có vài giọt sương long
lanh. Thật là 1 tấm gương can đảm yêu đời và vẫn muốn “tái ngộ mùa Xuân” dù cho
tử thần đang rình rập chung quanh. Sau đó T bắt đầu lên chương trình tập dợt
các vũ điệu cho lóp để chuẩn bị cho Tiệc Giáng sinh sắp tới. Cả lớp rộn ràng
chia nhóm, sắm đồng phục, khăn quàng rồi giày nón chuẩn bị bài hát…Bỗng một hôm
T email cho lớp biết phải đi qua tiểu bang khác để điều trị theo lối Meditation
một thời gian… Nhận được tin cả lớp đề nghị ngưng hết mọi việc chuẩn bị vui chơi
để hướng lòng cầu nguyện cho cô giáo đi xa điều trị đạt kết quá tốt. T tuy đi
xa nhưng vẫn email gửi những bài Line Dance cho lớp ở nhà tiếp tục tập với
nhau. Tôi thấy một không khí yêu thương cảm động và gắn bó lan tràn cả lớp. Quả
là T đã thực hiện quá tốt lời khuyên của TCS:
“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui”
Còn cuộc đời ta cứ vui”
Thành thử không phải chỉ có những người ở tuổi hoàng hôn hay
khỏe mạnh mới cần “tái ngộ mùa Xuân”, mà là từng người trong đời sống này đều cần
sống với tâm tình “tái ngộ mùa Xuân”
Tôi có một cô học sinh cũ, tuổi tuy chưa già, nhưng luôn có những
suy nghĩ chín chắn. em đã từng viết thư cho tôi: “Sống đến tuổi này em nhận
thức không có gì là vĩnh cửu, không có gì mình khg vượt qua được, kể cả những khi
mình thấy đau xót tột cùng muốn chết cho rồi… và không chỉ có một lần. Rốt
cuộc mình cũng đã vượt qua hết vì cuộc đời vốn đáng sống để luôn từng ngày cố gắng
sống và sống tốt hơn hôm qua. Làm việc trong bệnh viện, em thấu hiểu sâu xa một
ngày sống chất lượng hơn nhiều năm sống đau ốm: sống chất lượng: khoẻ về thể
xác - tinh thần - xã hội .Nhờ nghề nghiệp em còn có mắt nhìn (- chắc chắn khác
với Cô nhiều vì Cô dạy văn - nhạy cảm quá). Ở đời nên có cuộc sống lạc quan hơn,
cái gì quên thì nên quên đi, cho nhẹ gánh, nhìn người bệnh rất thương, thấy
mình quá hạnh phúc vì còn khỏe.
“Cái gì đẹp tất nhiên là đẹp ngay cả lúc đã úa tàn, những gì
ta yêu thì ta yêu dù ta đã đến giờ hấp hối”
Cô đã từng viết cho em như vậy đó! Cuộc sống cũng vậy phải không cô? em luôn nhớ Cô, dù tình cảm không phải là của thời trẻ dại nữa… đã khác theo từng giai đoạn…”
Cô đã từng viết cho em như vậy đó! Cuộc sống cũng vậy phải không cô? em luôn nhớ Cô, dù tình cảm không phải là của thời trẻ dại nữa… đã khác theo từng giai đoạn…”
Vậy thì đúng là “Cuộc đời vẫn đẹp sao” dù là ở bất kỳ hoàn cảnh
nào, lứa tuổi nào. Bạn hãy luôn làm cho cuộc sống mỗi ngày đều “tái Ngộ mùa
Xuân”:
Hãy bắt đầu ngày mới
Hồn nhiên một nụ cười!
Nụ cười thành hoa nắng
Gửi đất trời.. Muôn nơi.. (TTT)
Phượng Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét