Năm nào cũng vậy, sau lễ cúng ông công ông táo, mọi gia đình
quét dọn nhà cửa, sắm lễ, treo câu đối, đoàn tụ ăn bữa cơm tất niên để đón năm
mới. Tết đến, mọi người chúc nhau mạnh khỏe, may mắn, chúc bạn bè gần xa nhiều
tài nhiều lộc. Tất cả những tập quán và phong tục đó đã thành tự nhiên, thành lệ,
nên ít người biết đến sự tích, truyền thuyết và nguyên do để tập tục Tết tồn tại
đến tận bây giờ.
Truyền thuyết về cúng Táo
Cô con gái út của Ngọc Hoàng vốn hiền lành và hay thương người
nghèo, chẳng thế mà người cô yêu chỉ là chàng trai giúp việc bếp núc dưới trần
gian. Việc đến tai, Ngọc Hoàng bực tức và đuổi cô con gái xuống trần gian để
cùng chịu tội với anh chồng nghèo. Thương con, Vương mẫu nương nương xin Ngọc
Hoàng phong cho anh con rể chức "ông táo" và cô con gái đương nhiên
trở thành "Bà táo".
Vốn có lòng trắc ẩn, mỗi lần về trời thăm họ hàng rồi trở lại
trần gian Bà Táo đều mang theo nhiều thức ăn và đồ dùng phân phát cho người
nghèo. Không ưa gì con rể nghèo túng lại thấy con gái về khuân đồ đi phân phát
cho thiên hạ, Ngọc Hoàng liền hạ chiếu mỗi năm chỉ cho con về trời một lần vào
đúng ngày 23 tháng Chạp.
Sang năm thứ hai, sắp Tết rồi mà mọi người vẫn đói ăn, ngay cả
gia đình ông Táo cũng vậy, đến nỗi không có miếng ăn mang theo trên đường để về
trời.
Gặp phụ hoàng, cô thuật lại nỗi thống khổ của trần gian, mong
được trời cứu giúp. Ngọc Hoàng không những không đồng tình, còn bắt con gái phải
trở về trần gian ngay đêm hôm đó.
Nếu phải đi ngay sẽ không có gì mang về để cứu khổ cứu nạn
thiên hạ, cô bèn lấy cớ nấn ná thêm ít ngày, nào là phải quét nhà, nào là phải
xay đậu, nào là phải chuẩn bị thịt, gà cho đến tận ngày 30 mới "vác của"
trở về trần gian.
Sau một đêm thao thức và đúng vào lúc giao thừa họ vui sướng
thắp hương, đốt vàng mã và pháo nghênh đón Bà Táo trở về. Tử đó cứ vào ngày 23
tháng Chạp, người ta lại làm cỗ để tiễn đưa ông Bà Táo về trời.
Tập tục quét trần
Cũng bắt đầu từ ngày 23 đến trước giờ giao thừa, người ta có
thói quen quét dọn sân vườn, nhà cửa, lau chùi bàn ghế, bát đũa gọi là
"Ngày quét trần” hay "Ngày đón xuân". Tập tục quét trần có từ thời
Nghiêu Thuấn, bởi chữ "Trần" (bụi) đồng âm với chữ "Trần"
(cũ), quét bụi "Trần" tức là xua đi cái cũ, cái nghèo của năm cũ để
đón cái mới, cái may về.
Nguồn gốc câu đối đỏ
Cổng hay cửa nhà là điểm chia cắt giữa gia đình với bên ngoài
và cũng là bình phong để ngăn tà, nên cứ đến 30 Tết, người ta lại dán câu đối
hai bên cửa với những lời hay ý đẹp, mong cho năm mới ma tà thấy đỏ không vào,
vận may gặp đỏ người người bình yên.
Chơi câu đối đỏ ngày Tết cũng có những ước lệ riêng, ví như
nhà có tang dùng câu đối trắng, trong 3 năm chịu tang dùng câu đối xanh với nam
và câu đối vàng với nữ, nội dung câu đối cũng lựa theo tình cảm mà thể hiện.
Bữa cơm thủ tuệ hay tất niên
"Thủ tuệ" hay "Tất niên" chỉ bữa cơm tối
cuối năm vào thời khắc "Một đêm liền hai năm, năm canh chia hai tuổi".
Đó là bữa cơm đoàn viên, đủ mặt toàn gia đình và cùng nhau nâng rượu chúc năm
cũ bình yên qua đi, chúc năm mới người người mạnh khỏe, tài lộc đầy nhà.
Đồ ăn trong bữa cơm Tất niên mỗi nơi một khác, có nơi cúng
táo để cầu bình an, có nơi cúng cơm Tất niên nhưng để mồng 1 Tết mới ăn để biểu
thị sự dư thừa, có nơi ăn cơm trộn kê để có vàng có bạc, cúng hạnh nhân để được
hạnh phúc... Bữa cơm Tất niên bao giờ cũng vui vì có mặt đông đủ cả nhà, vì
"vận hạn" đã qua và “vận may" sẽ đến.
Thời xưa "Thủ tuệ" còn có ý "Từ biệt năm cũi”
và "trân trọng gìn giữ năm tháng còn lạm, vì thế mà tập tục lành mạnh đó
được cha truyền con nối, tồn tại đến tận bây giờ.
Quy ước về trình tự và hình thức chúc tết
Sáng mồng 1 Tết, mọi người ra đường về thăm viếng nhau, chúc
nhau năm mới vui vẻ, hạnh phúc. Gặp bậc cha chú, con cháu cúi lạy thay cho lời
chào gọi là "Bái niên". Để lấy may chủ nhà mang quà bánh mời mọi người
và trao phong bì đựng tiền cho trẻ thơ gọi là "Tiền áp tuổi".
Việc chúc tết thường bắt đầu từ trong nội bộ gia đình, sau đó
đi đến đâu thì chúc Tết đến đó, gặp nhau ngoài đường dù quen dù lạ cũng chúc
nhau. Thuần phong mỹ tục ấy cần được tiếp tục phát huy.
Nguyên do về tục “phá ngũ”
Cứ vào ngày mồng năm Tết, người ta lại đốt pháo, quét dọn nhà
cửa từ sáng sớm để “trừ ngũ cùng (nghèo)”. Nhà phải được quét thật sạch, rác phải
được vứt thật xa, như thế cái nghèo mới được xua đi và sung túc sẽ có đường trở
về. Cũng theo phong tục, tử ngày 30 đến trước mồng 5 Tết, chỉ được quét trần
nhà và không được đổ rác ra ngoài đường. Riêng mồng 1 Tết cấm cầm chổi vì sợ
quét mất vận may. Đến ngày phá ngũ thì tha hồ quét, tha hồ moi, quét cho ma đi,
moi cho hết nghèo, xong việc, mọi người quây quần thả sức đánh chén.
Bùi Đức Anh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét