Lời nguyền mỹ nhân
Cầu ao Quán ở giữa làng Trung Thị có kè bằng đá. Những phiến
đá xanh lấy từ núi Ngọ, có từ thuở mới lập làng. Trên phiến đá xanh ấy đã xảy
ra một cú ngã chân mà đến bây giờ nhiều người trong làng nhớ lại vẫn thấy hối hận.
Cú ngã chân ấy đã thay đổi không chỉ một đời người.
Làng Trung Thị nằm giữa một vùng sông nước, nổi tiếng với nghề
chài lưới và có nhiều con gái đẹp. Các vua đời trước đã nhiều lần bắt được con
gái đẹp làng này mang vào cung hầu hạ. Trong miếu thờ thủy thần ở ven bến sông,
hai trăm năm trước, thầy cúng lầm rầm khấn vái, cầu mong cho làng không bao giờ
sinh ra con gái đẹp. Tất cả con gái đẹp trong làng ra đi đều không có ngày trở
về. Năm nào làng có gái đẹp bị bắt đi, năm đó thế nào cũng có tai họa ập xuống.
Lời nguyện cầu đã linh ứng được nhiều năm. Làng chài chuộng
trai hơn gái. Con gái sinh ra không ai dám bóp chết nhưng hoặc là xinh đẹp hoặc
là xấu xí thì đều tệ hại. Trời cũng chiều lòng người, sinh ra những cô gái cỡ
trung bình, không xấu, không đẹp, không ai bắt bẻ được.
Nhưng rồi làng vẫn sinh ra con gái đẹp, ai mà cấm được ý trời.
Đứa con gái xinh đẹp đó sinh ra ở nhà họ Hoàng. Cả làng lo nháo nhác. Nó báo hiệu
một điềm gở, đe dọa cuộc sống bình yên của dân làng.
Đứa con gái đó tên Chiệu. Gia tộc họ Hoàng họp lại, đặt tên
cho đứa bé một cái tên chẳng ra đẹp, ra xấu, cầu mong cái tên có thể bớt đi những
điều rủi. Ngày chẵn năm của Chiệu, dân làng làm lễ tế ở miếu thủy thần, cầu
mong thủy thần phù trợ bớt đi tai ương loạn nghịch. Các bô lão họp với nhau ở đình
làng để bàn bạc nghi thức trong lễ tế. Các thầy cúng lầm rầm ôn lại bài cúng
cho trôi chảy. Các bà, các cô bận bịu đi chợ, nấu nướng cho đám ăn cả làng. Đám
thanh niên hồi hộp xem mặt đứa bé xinh đến cỡ nào. Những cô gái có dung nhan từ
trung bình trở xuống thì lườm nguýt, bĩu môi. Bọn trẻ con hò hét ầm ĩ vì sẽ được
ăn cỗ làng và mặc quần áo đẹp. Chiệu nằm trong nôi và chẳng thèm để ý người ta
sẽ làm gì với nó.
Lễ tế diễn ra tuần tự đủ các bước. Chiệu được đưa ra khỏi nhà
trên một cái nôi màu đỏ hai người khiêng. Một người cầm lọng tía che trên đầu
cho khỏi nắng. Đi đầu đoàn tế lễ là thầy tế, rồi phường bát âm, cờ phướn, trống
mõ rộn ràng, sau nữa là một đoàn rồng rắn các vị bô lão, chức sắc, bà già,
thanh niên, trẻ con.
Thầy cúng cầm một nắm hương tiến vào trong miếu. Chiệu được
quấn một cái khăn nhiễu đỏ, đặt trên cái chiếu hoa. Thầy cúng bắt đầu làm lễ, nắm
hương cháy đỏ bay phật phật theo cái vung tay của thầy. Những lời thần chú khàn
khàn, đặc đặc vì thuốc lào quá nhiều vọng cả một đoạn sông. Những người đang quỳ
trước miếu im phăng phắc, trẻ con không đứa nào dám động cựa. Một con muỗi vo
ve, châm vào má người đang ngồi hàng đầu tiên. Trang nghiêm quá, người đó không
dám đưa tay lên gãi. Lại một con muỗi nữa, nó lấy đà, bay lên cao rồi chích một
cú đau điếng vào vị chức sắc có khuôn mặt phương phi nhất. “Á”, vị đó không nén
được, kêu lên một tiếng to. Cả đám lễ rì rào. Chiệu nghe thấy tiếng động bất ngờ,
liền đạp tung cái khăn nhiễu sang một bên, khóc rống lên. Tiếng người xì xào.
- Ai đó vỗ vỗ vào lưng cho nó nín đi.
- Trời, nó ị ra rồi.
Thầy cúng huơ huơ nắm hương vừa tranh thủ vỗ vỗ vào lưng Chiệu
và phủ lại cái khăn nhiễu lên người. Mùi khói hương ngột ngạt khó chịu, Chiệu lại
đạp tung cái khăn. Đúng lúc thầy cúng quay lại định vỗ vỗ vào nó thì một đám cứt
trẻ con ươn ướt bắn vào giữa mặt. Thầy quờ tay, tay áo quá dài, rộng, bôi một vệt
vàng vàng ngang mặt. Mấy vị ngồi hàng đầu kêu lên.
- Thối quá, thế này thì hết linh thiêng rồi.
- Im lặng, thối cũng phải làm xong lễ tế.
Sau hành động hỗn hào của Chiệu ở miếu thủy thần, người ta
càng tin rằng Chiệu sinh ra để sinh sự với dân làng. Mọi người đâm ra sợ sệt,
ba tuổi ranh, người ta gọi Chiệu là “cô Chiệu”. Dân trong làng họp lại, yêu cầu
họ Hoàng chăm sóc cô Chiệu tử tế, không bắt làm những việc bẩn thỉu, dơ dáy để
tránh hậu họa. Mẹ của Chiệu là mụ Cám, dù biết lời đe nẹt của dân làng và họ tộc,
thỉnh thoảng Cám vẫn phát đánh đét vào mông Chiệu mỗi khi nó tè ra quần hoặc
đòi ăn vô cớ.
Mười ba năm, chưa thấy có tai họa nào giáng xuống làng Trung
Thị.
Chiệu mười ba, đang chơi với mấy đứa trẻ bên cầu ao Quán có
lát kè đá xanh. Thằng Tỉm hỗn láo bước tới chỗ Chiệu, véo một cái vào ngực Chiệu,
bảo: “À, con Chiệu mày lớn nhanh thật đấy, cái quần mày đã cộc tướng rồi. Mày sắp
lấy chồng được rồi, cái ngực mày đã bắt đầu nhô ra kia kìa”. Chiệu nhìn xuống
ngực mình, một cái nhúm quả cau nhô ra thật. Thằng Tỉm lại hát:
“Cô em vú chúm quả cau,
Cho anh bóp cái, có đau
anh đền”
Chiệu mặc kệ, vẫn chơi với Tỉm và lũ trẻ con trong làng.
Không đứa nào gọi nó là cô Chiệu cả nhưng câu hát của Tỉm làm Chiệu hơi xấu hổ.
Cái núm quả cau trên ngực phồng phồng cánh áo khiến nó ngượng nghịu. Bọn con
trai vẫn để truồng, tồng ngồng nhảy xuống cái ao nước xanh lét. Chiệu không dám
tắm truồng nữa, nó về cái nhà tắm quây bằng những tàu lá dừa khô của mụ Cám.
Đêm đến, nó sờ vào cái núm quả cau, thấy hơi tưng tức, cái véo của thẳng Tỉm
làm cho ngực nó đau đau, không biết thằng Tỉm có đền được không.
Mụ Cám quờ sang người Chiệu, thấy nó cựa mình. Mụ bảo: “Mày
làm gì mà trằn trọc thế, không tắm ở cầu ao Quán nữa à. Cẩn thận kẻo rơi mấy
tàu lá dừa của tao”. Lão Hoàng nghe thấy tiếng rì rầm, nói vọng ra: “Đã bảo
không được gọi là mày, gọi là cô Chiệu. Mụ đừng làm cho họ tộc và cả cái làng
này náo loạn lên”.
Chiệu mười sáu, thành thiếu nữ nhưng vẫn nhảy chân sáo và
chơi đùa với bọn thằng Tỉm. Nhiều người vẫn gọi nó là cô Chiệu. Đám trai lớn
thì liếc mắt đưa tình, mấy cô nhan sắc cỡ trung bình thì vẫn thế, hoặc là lườm
lườm, nguýt nguýt hoặc là trề môi ra.
Chiệu đã dậy thì, đó là việc đáng lo nhất. Con gái dậy thì phải
lấy chồng. Liệu có ai đến bắt nó đi không? Nếu Chiệu bị bắt đi, nó sẽ mang cái
phúc của làng Trung Thị mà đi. Còn nếu cứ ở yên trong cái làng này, nó sẽ lấy
ai? Người ta đã xem tử vi, thầy bói phán rằng: “Chiệu rất cao số, ai lấy phải
nó thì hãy dè chừng”. Mà nếu Chiệu không chồng mà ở già trong nhà thì cũng là
tai họa của làng. Cái gương nhãn tiền sắc tài mà không chồng, thì làng này đến
bao giờ mới có người thành đạt, mở mặt với đời.
Chiệu tất nhiên đã nghe người ta bàn tán về mình. Nó cũng đâm
ra lo lắng. Nếu không lấy chồng mà ở mãi với mụ Cám thì hai mụ đàn bà sẽ cãi
nhau suốt ngày. Chiệu cũng chẳng thấy khác những đứa con gái trong làng là mấy.
Có chăng, Chiệu có vẻ tươi mới của hoa súng lúc ban mai, nước da trắng trẻo của
con cò đậu ngoài bãi và khuôn mặt của đức Quan âm trong chùa làng. Chiệu khác
vì được mọi người gọi là cô Chiệu. Chỉ có mụ Cám là không bao giờ gọi là cô Chiệu
cả. Mụ thừa biết cái tính tham ăn, đanh đá của Chiệu. Mụ gọi nó là con Chiệu,
là mày, là cái hĩm Chiệu.
Chiệu thích một đứa con trai trong làng, đó là Tỉm. Chiệu vẫn
nhớ cái ngày mới dậy thì, bị Tỉm véo một cái đau điếng vào cái chũm cau. Đau
nhưng thấy thích thích, lạ lạ. Đã vài lần Tỉm hát trêu trọc, Tỉm bảo rằng Chiệu
có là con giời nó cũng không sợ, nó nhất định sẽ cưới Chiệu làm vợ. Tỉm hỏi Chiệu
có muốn lấy nó không, Chiệu không nói gì, chỉ lườm Tỉm một cái rõ khiếp.
Năm thứ mười tám. Chiệu vẫn ở trong nhà họ Hoàng. Dân làng
Trung Thị vẫn sống trong yên bình.
Họ Hoàng đang nghĩ đến chuyện sớm tống khứ Chiệu ra khỏi nhà.
Mười tám tuổi, Chiệu kiêu sa như con công lạc bầy. Đám con trai trong làng mặc
cho lời khuyên can, chửi mắng của ông bà cha mẹ, họ tộc, đua nhau đến tán tỉnh,
trêu ghẹo. Ban ngày và buổi tối, chúng đứng chật ngõ. Lão Hoàng xua chó ra cắn,
đòn gánh phang, cà chua thối, trứng thối tương vào mặt, chẳng ăn thua gì. Vắng
bóng lão Hoàng là bọn chúng lại đến, hò hát, tán tỉnh Chiệu từ xa.
Cửa buồng Chiệu đóng kín nhưng âm thanh vẫn lọt vào. Chiệu
nghe thấy tiếng hát quen quen.
Cô em nho nhỏ, dáng xinh xinh,
Đứng mãi nơi nao, nhớ tình tình.
Quả thơm trong bị ai muốn lấy,
Ta đã buông cần sao em chẳng cắn câu?
Tiếng hát đó là của Tỉm. Tỉm luôn có cái điệu hát hơi thô,
đánh thẳng vào tim người khác. Tỉm mê Chiệu và không muốn đứa khác cướp mất Chiệu.
Lão Hoàng đến tận nhà Tỉm, chỉ tay vào mặt Tỉm, bố mẹ Tỉm, nói rằng nó đã tham
gia vào đám quấy rối Chiệu. Tỉm bị trói vào thân cây dừa cạnh cầu ao Quán hai
ngày hai đêm, lưng lằn đỏ những vết roi mây, ngón tay, ngón chân xoăn lại vì bị
ngâm lâu dưới nước. Được thả ra, đêm đến, Tỉm lại trốn ra khỏi nhà, đứng trước
cửa nhà Chiệu hát suốt đêm.
Chiệu không thể chịu đựng hơn được nữa. Tỉm đã hát mấy đêm,
khô cả giọng. Chiệu hình dung ra cái mặt tròn vạnh, lông mày chổi xể của Tỉm.
Cái mặt của Tỉm trông tức cười nhưng cái mặt ấy thỉnh thoảng xuất hiện trong giấc
mơ của Chiệu, cái mặt ấy Chiệu cũng thấy thích thích.
Đêm đã khuya, không còn nghe tiếng chó sủa nữa. Lão Hoàng
cũng đã ngủ, bọn con trai đứng ngoài ngõ đã về hết. Nhưng Chiệu linh cảm dường
như vẫn còn một người đang đứng ở cổng, đang đợi Chiệu. Người đó là Tỉm. Chiệu
đã nghe thấy tiếng hát của Tỉm khi nãy, tiếng hát khô dần, tuyệt vọng nhưng
không có dấu hiệu sẽ kết thúc. Tỉm có lẽ đang hát trong tim, trong phổi mình những
lời ca ngân vọng bên cầu ao Quán.
Chiệu rón rén mở cửa. Trăng bên ngoài sáng và ở rất cao. Chiệu
vỗ nhẹ nhẹ lưng con khoang, ra hiệu cho nó yên lặng. Bước ra cổng, tim Chiệu đập
thịch thịch. Có đúng là Tỉm đang đợi ở ngoài đó không? Chiệu sẽ nói gì với Tỉm?
Chiệu nói rằng Chiệu thích Tỉm à, Chiệu chưa biết sẽ bắt đầu như thế nào.
Tỉm ngồi trên cái mo cau mà nhìn lên trời. Có bao nhiêu ông
sao sáng đang nhấp nháy? Chiệu có nghe thấy tiếng hát không? Có bao tiếng hát của
trai làng nhưng Tỉm hát nhiều lần, nhất định Chiệu sẽ nhận ra. Mông Tỉm xoay
đi, xoay lại trên cái mo cau đã gần thủng, chờ đợi.
Và Chiệu ra đến cổng. Tỉm đứng dậy vì kiến cắn vào mông. Chiệu
ngỡ ngàng thấy Tỉm phủi phủi áo quần. “Tỉm đấy à, Tỉm vẫn ngồi ở gốc cây đợi
tôi từ tối phải không?”. Chiệu nhẹ nhàng mở cổng. Tỉm quýnh quáng, xuýt nữa thì
“a” lên một tiếng. Cái thằng Tỉm thô lỗ hàng ngày, hay chửi thề, chửi đổng, tự
dưng không sao mở miệng được. Tỉm ríu cả chân, ríu cả lưỡi, mặt đờ ra, nhưng mắt
thì sáng như bắt được con chép to dưới ao. Tỉm lặng ngắm nhìn Chiệu, quên cả mấy
con kiến vàng cắn ở mông ngứa rưng rức. Tỉm đứng như trời trồng. Chiệu bảo: “Ra
cầu ao Quán đi, ở đây gần nhà, con khoang hay cắn đổng.” Chiệu nói rồi cầm tay
Tỉm và kéo đi. “Thế còn cái mo cau, thôi vất đi, cần gì”.
Chiệu ngồi trên cái thềm đá xanh mát lạnh. Tỉm ngồi thấp hơn
Chiệu một bậc. Trên quãng đường ra cầu ao Quán, Tỉm bỗng thấy lúng túng, ngại
ngần. Tỉm đi sau Chiệu và dường như không tin vào mắt mình. Trước mặt là Chiệu,
đứa con gái Tỉm thầm mong, trộm nhớ, là con bé đã có lần Tỉm táo tợn véo vào ngực
áo. Không, trước mặt Tỉm là “cô Chiệu”, là người nắm giữ sự yên bình của cả
làng Trung Thị. Tỉm bỗng nhiên thấy ngại ngại. Bị ngâm dưới nước, bị quất roi
mây vào lưng, vào ngực, Tỉm không sợ, vẫn nhất quyết đòi gặp được Chiệu để cười
với Chiệu, để yêu Chiệu, để quyết lấy Chiệu làm vợ. Thế mà nay người con gái ấy
ở ngay trước mặt, Tỉm lại ngồi một quãng xa xa.
Chiệu chưa thích một đứa con trai nào khác, cũng chưa bao giờ
ngồi gần sát một đứa con trai trong làng. Chiệu mê tiếng hát của Tỉm, tiếng hát
làm Chiệu mềm lòng và bất chấp họ mạc, dân làng, Chiệu ra đây ngồi với Tỉm. Thế
mà Tỉm lại không nói năng gì. “Tỉm không nói gì với tôi à?”, Chiệu cất tiếng và
định ngồi xuống bậc dưới ngay sát chỗ Tỉm. Tỉm lùi lại, xê ra một chút. “Không,
cô Chiệu, cô cứ ngồi nguyên thế đi. Tôi ngồi dưới này là được rồi”. Tỉm nói như
có người xui quỷ khiến. Chiệu ngạc nhiên, chưa bao giờ Tỉm gọi Chiệu là cô cả,
chỉ có những lời bông lơi thô tục, chỉ có những cái té nước cầu ao, chưa bao giờ
có tiếng cô Chiệu cả.
Chiệu nhìn vào mắt Tỉm. Chiệu đã đọc được một cái gì trong
đó. Mắt Chiệu long lanh, giận dữ. “Tỉm cũng sợ tôi rồi phải không? Cả cái làng
này, ai cũng sợ tôi mang đến tai họa. Tất cả các người thật dở hơi, tôi đã làm
gì các người cơ chứ? Nếu sợ, sao còn ngồi đêm này qua đêm khác ở cổng làm gì.
Tiếng hát đã làm cho tôi u mê rồi, đồ hèn”.
Chiệu nói một thôi, một hồi. Nghe Chiệu nói, Tỉm càng hoảng hồn,
lắp bắp, không ra lời, cũng không dám lại gần chỗ Chiệu. Những lời khuyên can,
chửi mắng của ông bà, Tỉm ngẫm thấy đúng, Chiệu thật đáng sợ. Tỉm không còn là
Tỉm nữa, hắn đã thành một người nhu nhược, luôn khiếp sợ những điều vô cớ như
cư dân trong cái làng này. Tỉm nhìn Chiệu và co giò chạy. Không kịp nữa rồi,
Chiệu đã túm được vạt áo và trong nỗi giận dữ vô bờ, đạp mạnh Tỉm cho ngã lăn
quay xuống nước. Tỉm và Chiệu quần nhau dữ dội dưới cầu ao, tiếng đập nước, tiếng
kêu gào làm thức dậy cả dân làng. Lão Hoàng và mọi người lập cập chạy ra. Tỉm
đã lao được lên bờ. Mụ Cám hét lên: “Trời ơi, con Chiệu đâu rồi?”. Không có tiếng
ai trả lời cũng không có ai dám lao xuống nước. Chỉ có mụ Cám ào xuống nước ngụp
lặn và hồi lâu mới tìm thấy Chiệu. Bụng Chiệu lép kẹp, không một tí nước. Mụ
Cám gào lên: “Chính các người, chính cái làng Trung Thị này đã giết con hĩm Chiệu
của tôi. Nó có phải con trời, con Phật gì đâu, nó tham ăn và đanh đá nhất nhà.
Đập tan cái miếu thủy thần của các người đi”.
Nhiều người làng quay đi không dám nhìn Chiệu nằm trên cái
chiếu hoa đặt bên cầu ao. Một con công ướt sũng và tắt thở. Bên bến sông, người
ta đắp cho Chiệu một cái mộ nhỏ ngay cạnh miếu thủy thần. Tỉm từ hôm đó không
bao giờ còn mở miệng nữa và nhất quyết không chịu lấy vợ. Làng Trung Thị thì đến
giờ vẫn băn khoăn về lời nguyền của mình…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét