Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Con nhện giăng tơ trên kệ sách

Con nhện giăng tơ trên kệ sách
Mẹ mê đọc sách từ thời còn là thiếu nữ. Rồi khi ra trường, đi dạy, thú đọc sách vẫn theo mẹ. Ba hài hước kể: “Hồi mới lấy ba, thay vì mang nữ trang về nhà chồng, mẹ con toàn đem theo sách là sách”. Lúc đầu chỉ là vài chục cuốn, nhưng lượng sách cứ tăng dần theo thời gian làm choáng cả một diện tích lớn trong nhà. Thế là ba nghĩ ngay đến việc đóng một kệ sách cho mẹ. Do là thợ mộc nên việc đóng một kệ sách đối với ba là chuyện nhỏ, không mất nhiều thời gian. Tuy là những mảnh gỗ vụn, được chắp nhặt từ chỗ làm của ba, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, ba biến nó thành một kệ sách đẹp, bóng loáng và chắc chắn. Mẹ nhẹ nhàng đặt từng quyển sách, tạp chí lên kệ một cách trang trọng. Qua đôi mắt thẩm mỹ của mẹ, kệ sách bừng lên như bức tranh bởi những gáy sách chi chít chữ và màu. Mẹ phân loại sách kinh điển, sách dạy làm người, truyện cổ tích, tạp chí… đặt vào nhiều ô khác nhau. Khi đã hoàn thành nghệ thuật sắp đặt, mẹ còn đứng ngắm tới nghía lui nhiều lần cho đến khi hài lòng mới thôi.
Những quyển sách kinh điển theo mẹ từ thời con gái giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đó là các tác phẩm do ông ngoại mua về đọc, mẹ thấy hay nên đọc ké và trở thành “của hồi môn”. Phong thần diễn nghĩa, Tây du ký, Truyện Kiều, Túp lều bác Tom, Thép đã tôi thế đấy… là những tác phẩm kinh điển mẹ rất thích. Tuy năm phát hành khá lâu, ở thập niên 70-90, có nhiều quyển bị mọt ăn chi chít từng chấm bi nhưng mẹ rất quý. Mẹ bảo: “Dù nó không đẹp, không trắng, không nhiều màu sắc, tranh ảnh như bây giờ, nhưng nó quý là ở cái năm phát hành. Thời xưa xuất bản sách báo rất khó, nên việc sở hữu một cuốn sách là niềm hãnh diện lớn lao”.
Sách cổ tích, nghệ thuật sống mà mẹ có được là do trong quá trình giảng dạy môn văn, để hiểu tâm lý học trò, mẹ buộc phải tham khảo từ sách. Dù sách đã vơi đi vì một số học sinh mượn quên trả, nhưng dễ chừng 100 cuốn đang chễm chệ trên giá tủ. Nào là Nghìn lẻ một đêm, Truyện cổ Andersen, Truyện cổ Grimm, Truyện ngụ ngôn của Aesop, Thơ ngụ ngôn của La Fontaine… Ngoài ra còn có các tác phẩm dạy về đạo lý làm người như Luận ngữ của Khổng Tử, Nhị thập tứ hiếu của Quách Cư Nghiệp… được mẹ đọc cho tôi nghe vào mỗi đêm.
Còn tạp chí là do mẹ mua đọc mỗi ngày, một số do mẹ cộng tác với báo và nhận được báo biếu. Nhiều tờ tạp chí dành cho phụ nữ đóng mộc đỏ “kính biếu” hẳn hoi và bên trong còn có cả bài viết của mẹ. Đây là niềm kiêu hãnh  đối với mẹ vì ngoài thu nhập chính của nghề giáo, mẹ còn có thu nhập phụ cao hơn rất nhiều. Ngoài những tờ tạp chí ra, còn nhiều tờ báo rất xưa, trước năm 1960 mà mẹ sưu tầm từ những cửa hàng sách cũ. Và còn rất nhiều quyển sách về lịch sử, chính trị, đặc biệt là các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được mẹ đặt trịnh trọng trên cùng giá sách để khách đến chơi có thể nhận ra ngay.
Vào những ngày cuối tuần, mẹ hay dẫn tôi đi mua sách. Mẹ thường lặp lại câu nói: “Đọc sách chẳng những giúp ta mở mang tri thức mà giúp ta tư duy tốt hơn, giao tiếp tự tin hơn. Vì vậy con phải siêng đọc sách và hạn chế những truyện tranh đánh đấm”. Mẹ dạy rất chí phải nên tôi gật gù nghe theo. Lý do mẹ chọn nhà sách cũ vì nó rẻ hơn rất nhiều so với nhà sách hiện đại, và điều quan trọng là nó quý giá ở năm phát hành. Tôi nhớ có lần mẹ mua quyển Người chết trôi đẹp nhất trần gian của nhà văn người Brazil Gabriel García Márquez. Chỉ cần đọc tựa thôi, tôi đã thấy ngộ, vì có ai chết lại đẹp bao giờ. Mẹ cười, bảo tôi: “Con chưa học nguyên lý tảng băng trôi 3 phần nổi, 7 phần chìm của nhà văn Hemingway nên chưa rõ. Sau này đọc rồi con sẽ hiểu nó hay, thú vị ra sao”.
Nhiều năm sau đó, do thi vào khối A nên tôi ít đọc sách. Có đọc thì cũng chỉ là quyển sách chuyên ngành khô khan hoặc những sách ngắn gọn. Bởi tôi không còn nhiều thời gian để đầu tư cho việc đọc sách như thời phổ thông nữa. Vả lại, giờ Internet phát triển, con người bắt đầu xa rời xu hướng đọc sách truyền thống mà chỉ đọc sách trên mạng để còn kết hợp làm nhiều công việc khác. Vì vậy kệ sách của mẹ trở thành bảo tàng. Mỗi lần về thăm nhà, thỉnh thoảng tôi cũng lấy vài cuốn mở ra xem. Đọc thì ít (vì hầu như tôi đã đọc hết các tác phẩm trên kệ sách), hồi ức về quá khứ, về những kỷ niệm tươi đẹp thì nhiều. Kệ sách cũ buồn bã nằm im trong góc phòng, để mặc tình con nhện cần mẫn giăng tơ. Vui sao được khi chủ nhân của nó giờ đã đi xa rồi!
NGUYỄN THANH VŨ
Theo http://baodanang.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...