Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Mai lưu lạc

 Mai lưu lạc
Bây giờ đang là giữa tháng ba âm lịch. Túc đang ngồi ngắm mai. Cây mai này đã lưu lạc qua ba vùng đất. Túc xin giống của bà chủ trọ, nơi chị từng sống những tháng năm tuổi trẻ ở thủ đô.
Bây giờ đang là giữa tháng ba âm lịch. Túc đang ngồi ngắm mai. Cây mai này đã lưu lạc qua ba vùng đất. Túc xin giống của bà chủ trọ, nơi chị từng sống những tháng năm tuổi trẻ ở thủ đô.
Rồi mang nó về quê, mẹ Túc ươm bằng đất vườn thân thuộc được hai cây sống sót. Khi khăn gói theo chồng, Túc không mang theo gì ngoài một cây mai buộc trên nóc xe dâu. Ai đó lém lỉnh buộc vào nhánh mai chữ Hỷ, lúc về đến nhà chồng chữ Hỷ rách te tua vì gió. Cây mai chắc cũng say xe như cô dâu. Nên cô dâu phờ phạc, xanh xao thì mai cũng bạc lá đường trường.
Tiễn người thân lên xe về lại quê nhà, Túc bỏ mặc nhà trai đang hô hào cụng ly lách cách. Chị vác cuốc ra vườn đào hố trồng mai, tưới thêm cả nước mắt của mình cho ẩm đất. Tối ấy chú rể say loạng choạng chạy ra vườn nôn đúng gốc mai. Mai thêm say men rượu, còn cái lá nào đều rụng nốt. Gần nửa năm sau mới chồi nổi một mầm xanh. Túc thương mai như thương đời mình vậy. Phận làm dâu bao bận bị dập vùi, lòng không nuôi nổi một mầm vui. Thêm ba mùa gió, bốn mùa sương là thêm một lần mai nhổ rễ theo Túc đi xa…
“Một. Hai. Ba. Bốn. Năm…”, mắt Túc không chớp, miệng lẩm bẩm đếm hoa. Mai tứ quý có cái lạ là nở quanh năm, không chờ mùa cũng chẳng cần thúc ép. Hôm nay mai mới chỉ nở điểm vài bông, chờ trời nắng sẽ nở bừng sắc vàng huyễn hoặc. Miền Bắc đang đón cái rét nàng Bân tê tái đến từng ý nghĩ. Túc hơ những ngón tay bên hoa để cảm nhận rõ hơi ấm lan tỏa từ những cánh mai. Như người tập dưỡng sinh hút nguồn năng lượng của vũ trụ vào cơ thể. Túc bỗng nhớ đến mẹ. Người đàn bà khắc khổ nhưng bền bỉ, dẻo dai chèo chống gia đình qua bao nhiêu ghềnh sóng. Hình ảnh mẹ vừa gần gũi vừa mông lung cứ chấp chới lẫn lộn với sắc vàng trong ký ức lộn xộn của Túc. Ngày Túc lấy chồng mẹ không khóc. Mẹ đứng đó dáng gầy guộc nhưng kiên định. Tự tay đào gốc mai mẹ dặn “cây mai này sẽ thay mẹ theo con”. Có ai ngờ đó là lần cuối cùng Túc được cầm bàn tay của mẹ. Lòng bàn tay như có lửa. Truyền sức sống mãnh liệt vào từng mạch máu chạy rần rần trong cơ thể Túc. Những ngày đớn đau nhất, Túc đã vực mình dậy bằng hình ảnh mẹ.
Sáng nào mẹ cũng dậy sớm, tắm rửa sạch sẽ rồi ngồi thiền trong thế hoa sen. Người ta thường chọn chốn yên tĩnh và sạch sẽ để thiền. Nhà Túc không có nơi nào như thế. Mẹ ngồi thiền giữa đống bừa bãi, lộn xộn. Giữa tiếng ngáy của ông chồng say xỉn. Giữa những lần lăn lộn, ngủ mớ của đàn con nheo nhếch. Ngoài sân vịt gà đã ngủ dậy đang lục tục kéo nhau đi tìm ăn. Lũ gà trống trong làng thi nhau gân cổ gáy vọng vang buốt óc. Giữa bao nhiêu ồn ào thúc giục của một ngày bận rộn mưu sinh, mẹ Túc vẫn ngồi đó thư thái lạ thường.
Như thể mọi tạp niệm chẳng thể chạm được vào tâm trí mẹ. Có hôm Túc như không tin được vào mắt mình. Quanh chỗ mẹ ngồi bỗng bừng sáng bởi một nguồn năng lượng xuyên thấu mái nhà. Thứ ánh sáng diệu vợi ấy chảy tràn trên cơ thể mẹ. Từ mái đầu búi cao đến những kẽ ngón tay đang chụm vào như nụ sen mới nở. Nguồn năng lượng đã đánh thức da thịt mẹ hồng hào, thanh tẩy tâm hồn mẹ thanh thoát. Túc chưa từng thấy mẹ đẹp như thế. Trẻ trung và đầy sức sống. Mẹ như đang bay lên. Bay lên. Bay khỏi đời sống trần tục này. Mẹ đẹp như Phật sống.
Túc rất thèm được chạm vào mẹ lúc thời gian ngồi thiền kết thúc. Nhưng lần nào cũng bị lũ em đánh bật ra ngoài. Chúng ngủ dậy dụi mắt tìm mẹ, sà vào bấu víu nũng nịu. Túc chỉ còn biết đứng ngoài nhìn mẹ hôn hít chúng. Cái Thao reo lên “Tay mẹ ấm quá”. Thằng út bĩu môi “Ai bảo? Tay mẹ mát lạnh thế này cơ mà”. Túc càng muốn chạm vào mẹ thật lâu để cảm nhận thật sâu điều kỳ diệu mình vừa trông thấy. Xem người ngồi trước mắt mình có đúng là mẹ không? Hay mẹ chỉ còn là hư vô, thịt da kia chỉ là ảo ảnh. Nhưng bố luôn thức dậy đúng lúc đó, dù không một lời quát mắng nhưng mọi âu yếm nũng nịu đều dừng lại đột ngột. Mấy đứa em đứng nép vào một góc hoặc tản ra mỗi đứa mỗi việc. Mẹ búi lại mớ tóc vừa bị lũ nhỏ bới tung rồi dồn hết sức lực trong động tác đứng lên dứt khoát bắt đầu một ngày dài cực nhọc. Mỗi người đàn bà đều phải tự tìm cho mình một nguồn năng lượng sống. Mẹ Túc chọn cách ngồi thiền.
Túc ngồi thiền bên mai. Những cánh hoa bừng lên gọi về nắng ấm. Túc đã không còn thấy lạnh, những ngón chân cũng thôi quắp vào nhau. Túc thấy mình đang bay. Bay qua những đám mây và tiếng chim lanh lảnh. Rồi rơi tõm vào thế giới của ký ức. Điều kỳ lạ là ở đây Túc nhìn rõ cả mảnh ký ức mà chị không hề được chứng kiến. Mẹ nằm đó trong những ngày bệnh tật quật mẹ không còn chút sức lực nào. Bệnh viện trả về, thằng út đút cho mẹ từng muỗng cháo nhưng ăn đến đâu mẹ nôn ra đến đó. Mẹ đòi nằm gần cửa sổ, thỉnh thoảng lại cố gắng mở mắt để dõi nhìn ra ngõ. Cho đến khi cây mai trước nhà bỗng nhiên chết khô thì mẹ cũng đi theo cây. Mẹ nằm đó da hồng hào, những vết sẹo thâm tím khắp người tự nhiên biến mất.
Đôi bàn tay mẹ ngửa lên như búp sen mới nở. Lúc niệm, Túc thấy một nguồn sáng từ trên trời rọi xuống mang linh hồn mẹ bay lên. Trút bỏ gánh nặng trần gian và cả tiếng khóc than như xé vải. Những đám mây mùa thu bay chậm lại đón mẹ đi. Lúc Túc về người ta đang đánh gốc mai đã chết vứt đi. Vài chiếc lá khô còn sót lại bay vương vãi khắp sân. Bố Túc ngồi bên thềm, tựa đầu vào cột nhà như vẫn còn chưa tỉnh cơn say. Hay nói đúng hơn những cơn say triền miên khiến Túc không biết khi nào bố tỉnh. Cũng không đếm nổi bao nhiêu đòn roi bố nện xuống da thịt mẹ. Túc không hận. Không buồn. Lòng trống rỗng…
Giờ thì Túc đang ngồi trước ngôi nhà mới xây xong. Mùi nước sơn còn nhưng nhức trong cánh mũi. Mười ngón tay còn bỡ ngỡ trước những đồ vật mới. Chạm vào đâu cũng thấy niềm khoái cảm của sự sở hữu chạy râm ran cơ thể. Túc ước gì có mẹ ở đây, cả đời mẹ chắc gì đã tận mắt nhìn thấy ngôi nhà nào đẹp đến thế.
Giường ấm đệm êm sẽ giúp xương khớp mẹ không còn đau nhức nữa. Mẹ sẽ ngủ một giấc thơm tho, những ngón chân không còn bùn đất. Không men rượu say. Không lời ai oán. Không cả tiếng ngủ mớ, tiếng gà vịt, tiếng bề bộn cồn cào. Một giấc ngủ bình yên tuyệt đối. Bình yên như giấc ngủ cuối cùng của mẹ. Nghĩ đến đó Túc khóc. Những giọt nước mắt rơi trên cánh mai lấp lánh. Túc tệ quá. Trước hôm về nhà chồng đã hứa nhất định sẽ xây nhà thật đẹp rồi đón mẹ về chơi. Sẽ thật hạnh phúc để mẹ thấy Túc đã sống một cuộc đời khác mẹ. Nhưng Túc chưa kịp đền đáp được điều gì thì nguồn ánh sáng cực lạc ấy đã đón mẹ đi.
“Đầu con đau quá mẹ ạ. Những cơn đau nửa đầu kinh niên thường trở nên dữ dội mỗi khi hoa mai nở. Nó đánh thức phần ký ức lộn xộn như những mảnh xương vỡ vương vãi đau nhức khắp người. Làm ơn hãy cho con sức mạnh để hóa giải bệnh tật. Xin mẹ hãy cứu vớt cuộc đời con”. Túc ôm đầu, mười ngón tay miết chặt. Túc thường bị đứt đoạn khi ngồi thiền. Không phải bởi tạp âm bên ngoài mà bởi cơn đau đầu bùng lên từ những xáo trộn bên trong. Những lúc ấy Túc không biết làm gì hơn ngoài nhìn hoa mai như một kẻ bị thôi miên. Để trấn an ký ức và để những cánh mai mềm như lụa vỗ về cơn đau, kỳ diệu tựa bàn tay mẹ.
Hồi nhỏ Túc từng ốm một trận thập tử nhất sinh, đau đớn khắp người cùng cơn sốt triền miên. Các bác sĩ trong trạm xá xã không bắt được rõ bệnh nên chẳng dám cho thuốc. Nhiều ngày liền Túc không ăn gì, chỉ uống nước rồi chập chờn mê man. Mẹ ra vườn hái rau diếp cá, cây nhọ nồi về giã nát đắp lên trán Túc. Túc còn nhớ như in cảm giác khó thở tựa như có vật gì đó chèn trong thanh quản. Nhà ngột ngạt quá, Túc đòi mẹ bế mình ra ổ rơm ngoài hè nằm. Chiếc ổ ấy mấy chị em Túc lót nằm chơi, nhặm nhượi nhưng ấm áp. Mẹ lấy thân mình che gió, tay đặt lên trán Túc. Không hiểu sao lúc ấy Túc mơ thấy những cánh mai vàng bay vương vãi khắp sân. Tay mẹ êm như cánh hoa mai xoa dịu những cơn đau của Túc. “Có phải mọi thứ trên đời đều có cơ duyên không mẹ? Để con tin kiếp sau mẹ con mình sẽ gặp lại nhau. Trên những con đường mẹ đi qua xin hãy rắc những cánh mai vàng làm dấu”.
Mùi thức ăn hấp dẫn quá. “Mẹ có đoán được đó là món gì không? Thịt bò sốt vang đấy ạ, món ăn mà mẹ từng nấu cho con rất nhiều lần”. Thỉnh thoảng Túc lại đi chợ sớm, chọn mua gân bò thật ngon. Túc đã nấu đúng công thức mà mẹ dạy nhưng lạ thay không có mùi vị cũ. Dù thử đi thử lại nhiều lần nhưng không bao giờ có được bữa ăn ngon như chính tay mẹ nấu. Hay chăng hương vị của ký ức bao giờ cũng tuyệt đối và khó nắm bắt nhất? Túc ước gì có mẹ ở đây, cùng nhau nấu một bữa cơm với niềm hân hoan cũ. Trong sự đủ đầy tràn ngập nỗi cô đơn này Túc chưa từng ăn một bữa thấy ngon. Cũng chưa từng chạm vào bình yên trong từng giấc ngủ. “Nhà rộng quá mẹ ạ và bóng tối dồn đuổi con kẹt cứng từng mạch máu. Hát ru con đi mẹ. Xin mẹ hãy cất lời à ơi vỗ về giùm những sợ hãi đang gầm gào trỗi dậy trong con”. Yên ắng quá. Sao bỗng nhiên không gian lại tĩnh lặng lạ thường. Túc không thể nghe thấy tim mình đập nữa. Hay là mẹ đang về đón Túc đi? Mẹ hiện hữu trong những cánh mai vàng hay mẹ chính là nguồn ánh sáng diệu vợi đang chiếu trên đầu Túc? Mọi thứ chợt nhẹ bẫng. Túc chỉ còn cảm nhận được nguồn sáng đang thẩm thấu qua từng lỗ chân lông. Ngấm sâu vào từng mạch máu rồi tuôn chảy khắp cơ thể. Nguồn sáng chảy đến đâu Túc nghe cơ thể mình hồi sinh đến đó. Da thịt như mầm cây nảy nở tươi xanh. Trên mười đầu ngón tay chụm thế hoa sen, ánh sáng tụ thành mười ngọn lửa nhỏ. Bập bùng ấm áp và diệu vợi. Túc muốn bay lên. Nhẹ bẫng…
Chiều xuống. Nắng đã tắt. Người đàn ông bước ra từ căn bếp nhỏ, lưng áo đẫm mồ hôi. Anh tiến về phía vợ mình, khẽ chạm vào vai lay gọi. Người vợ hơi rùng mình mở mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh. Chị khẽ kêu “Em lạnh quá”. Người đàn ông nhẹ nhàng đỡ vợ dậy cười bảo “Bây giờ đã là đầu mùa hè. Cái rét nàng Bân đã qua rồi mà em. Mùa đi qua trong lúc em ngồi thiền, chắc là em không biết. Cơm chín rồi mình vào ăn đi thôi”. Bữa cơm được dọn ra trên chiếc bàn học sinh nguệch ngoạc nét chữ trẻ con. Một đĩa trứng ngải rán, một bát canh rau dền lõng bõng và ít lạc muối rang hơi quá tay lốm đốm đen. Người chồng xới cơm cho vợ, anh nói ăn trứng ngải sẽ bớt đau đầu. Suốt bữa cơm người vợ không nói một câu nào. Chỉ thỉnh thoảng nhìn chồng mỉm cười. Phòng trọ lợp mái tôn rất nóng. Dù nắng đã tắt từ lâu nhưng vẫn còn hầm hập. Người chồng thỉnh thoảng vén lại tóc mai cho vợ, khéo léo lau những giọt mồ hôi. Gió biển bị chắn lại bởi những tòa nhà cao tầng án ngữ phía ngoài. Ăn cơm xong họ sẽ dắt tay nhau đi hóng gió. Thành phố cảng xe container chạy ầm ĩ suốt ngày đêm. Người vợ ngồi bên quán nước vệ đường đếm đến chiếc xe thứ một trăm thì ngáp ngủ. Lúc đi về qua nhà người ta chân chị chợt chầm chậm lại. Tiếng trẻ con vui đùa len lỏi qua hàng rào gắn chằng chịt thép gai. Người vợ hỏi “Bao giờ thì con về?”. Người chồng không nói gì, gỡ tay vợ ra khỏi hàng rào thì chợt thấy tay mình dính máu. Những cô gái ăn đêm xếp ghế ngồi hàng dài đợi khách trước cửa. Hôm nào thấy đôi vợ chồng dắt nhau đi qua họ đều chọc ghẹo. “Anh gì ơi vào đây mà nắm lấy tay em…”. Vài chiếc xe nối đuôi nhau phóng qua nhấn một hồi còi buốt óc…
Họ nằm trên chiếc giường ọp ẹp xoay xở tránh vài chỗ chiếu tre bị gãy cộm dưới lưng. Bầu trời sao bằng dạ quang lấp lánh sáng trên tường. Thỉnh thoảng dượng đi làm ca đêm ngoài bến cảng. Thằng nhỏ từng moi tiền đúc lợn mua một rổ sao về dán để mẹ nó không còn sợ bóng tối khi không có dượng. Thằng nhỏ đặt tên cho từng ngôi sao một cách trìu mến. Sao mẹ, sao bố, sao con chụm đầu thủ thỉ cười khúc khích. Sao Rơm, sao Tít, sao Cà Chua, sao Tý Sún… mỗi đứa bạn là một vì sao nhỏ lấp lánh và ngộ nghĩnh. Có những đêm thằng nhỏ hỏi “Mẹ có nghe thấy những vì sao nói chuyện với nhau không? Hình như chúng đang kể về những cây bút bi mà con từng đánh mất. Làm sao mà chúng biết chiếc cặp sách của con có một lỗ thủng mẹ nhỉ?”. Người mẹ khẽ mỉm cười trong bóng tối. Thằng nhỏ có thể cảm nhận được nụ cười ấm áp ấy nên rúc đầu vào lòng mẹ ngủ ngon lành. Người mẹ nhắm mắt lại, hình ảnh những ngôi sao lưu lại trong cái chớp mắt cuối cùng bỗng biến thành hàng vạn cánh mai vàng. Như thể người mẹ đang bay giữa thảm hoa. Bay mãi. Bay mãi cho đến khi tiếng xe container từ khắp nơi đổ về bến cảng, gầm rú xé nát bình minh. Thằng nhỏ hỏi “Hôm qua, sau lúc con ngủ rồi các ngôi sao còn trò chuyện với nhau lâu không mẹ?”. Người mẹ không nói gì, ân cần xới cho con bát cơm nóng cùng chút ít muối vừng. Thằng nhỏ vừa ăn vừa líu lo kể chuyện về những giấc mơ. Cho đến khi giật mình nhận ra đã muộn giờ đến lớp liền vội vã xách cặp chạy vù ra cổng. Nó không quên hôn gió tạm biệt những ngôi sao và cẩn thận dặn mẹ ở nhà chớ đi đâu ra ngoài “kẻo dượng đi làm về không thấy mẹ lại lo”. Người mẹ nhìn theo bóng con, môi mấp máy một câu gì đó...
Thằng nhỏ vắng nhà đã gần hai tháng. Nó về thăm bố mãi tận Tuyên Quang. Hôm dượng dắt thằng nhỏ ra ngoài bến xe, người mẹ lao vội ra ôm lại, miệng hét lên “Nó là con tôi. Nó không phải là dòng máu nhà đó. Tôi nhất định không để nó trở về nơi ấy”. Dượng bảo thằng nhỏ “Bố con ốm nặng lắm. Con nghe lời dượng về với bố ít hôm”. Thằng nhỏ quệt nước mắt, ngoái cổ nhìn người mẹ đau khổ của mình. Nó nói “Những ngôi sao sẽ thay con trò chuyện với mẹ. Con đi rồi con về”. Những ngày xa con như dài bất tận. Người mẹ không biết làm gì hơn ngoài ngồi thiền để ngày trôi qua trong vô thức. Nhưng một mảng ký ức khác tưởng đã chôn vùi lại đội dậy giày vò người mẹ. Những ngày cùng mai về làm dâu xứ lạ, thân thể này từng bầm tím lằn roi. Từng có những ngày dài ôm đầu gầm rú rồi lịm đi tê liệt. Đến bát cháo cầm trên tay chưa kịp đưa lên miệng cũng bị hất tung. Khi chị mang thai, nhà chồng không tin đó là huyết thống nhà họ. Nên sự đầy đọa dường như không có điểm dừng. Chị không biết mình đã sai ở đâu. Cuộc đời chị luôn thắc mắc những câu hỏi như thế mà chẳng thể có câu trả lời. Trong một đêm như hóa điên, chị đã mang cây mai nhỏ bỏ đi. Lúc đào đất nhổ lên mai đứt vài chiếc rễ, nhựa cây rỉ ra âm ỉ. Như máu, như nước mắt.
Trí nhớ của người mẹ tội nghiệp ấy bị đứt quãng. Nói đúng hơn đã có vài khoảng trắng xuất hiện như đã bị ai đó tẩy xóa ký ức. Chị không nhớ mình đã lưu lạc những đâu. Không nhớ cây đã sống sót kiểu gì khi chịu chung số phận lênh đênh cùng chị. Phần ký ức ấy được người đàn ông đang đứng khom lưng sửa lại hàng rào kia nắm giữ. Khi chị có thể ghi nhớ được mọi chuyện thì thằng nhỏ đã ra đời trong căn nhà trọ xập xệ giữa thành phố biển. Nhiều ngày dài chị nằm mê man giữa tiếng trẻ con khóc váng vất. Tiếng đập búa bên nhà xưởng ầm ầm chát chúa.
Tiếng của đời sống mưu sinh cùng cực xung quanh. Giữa những lần tỉnh dậy, chị mở mắt chỉ thấy hình ảnh người đàn ông lầm lũi lo toan, nấu nướng và nựng nịu thằng nhỏ. Hình ảnh ấy khiến chị không muốn lịm đi, mỗi lúc mở mắt đều nghĩ may mà mình còn sống. Thằng nhỏ trầy trật lớn lên trên vòng tay vụng về, thô kệch nhưng bịn rịn thương yêu của người đàn ông ấy. Chị không ăn uống được nên con thiếu sữa. Ba tháng tuổi nó không khóc nữa, thưn thứn bú sữa bình và nhoẻn cười bao dung. Tối nào cũng vang tiếng hát ru trầm ấm của người đàn ông. Tiếng ru làm chị nhớ mẹ nên vẫn thường bật khóc rưng rức như đứa trẻ. Người đàn ông bế thằng nhỏ lại gần, không biết an ủi gì ngoài việc cầm tay trẻ thơ dụi vào môi mắt chị. Đớn đau, uất ức khiến chị không nói được. Bao điều cần nói đều vướng trong cổ họng nghèn nghẹn thành từng cơn nấc.
Thằng nhỏ lớn lên gọi người đàn ông trong nhà là dượng. Dượng hiền khô, nó đi ra đi vào đều muốn ngã dụi vào nụ cười ấm áp ấy. Phòng chật đôi khi lại hóa hay, ba con người quanh quẩn bên nhau mỗi chiều dù thằng nhỏ toàn độc thoại. Dượng nó thường bận bịu với đống đồ điện hỏng mang từ cửa hàng bên kia đường về tranh thủ làm thêm. Người mẹ không nói gì, thỉnh thoảng ngó ra hiên cười vu vơ. Nói là hiên nhà nhưng thực ra chỉ có một lối nhỏ được tôn cao, đổ bê tông để đi lại. Còn chủ yếu là bãi đất trống trũng nước bị bỏ hoang.
Bà chủ nhà mang vứt xuống đó ít dây rau muống giờ chúng mọc lan khắp nơi. Mọc trườn cả lên bãi rác thải sinh hoạt hôi thối mà cả xóm trọ tiện tay quăng xuống. Mùa nắng mùi rác bốc lên, còn mùa mưa thì mùi bùn đất xộc vào tận mũi. Nhiều hôm dượng nó phải xắn quần lội xuống vét sạch rác rưởi, nhưng được vài ba hôm lại đâu vào đấy. Thằng nhỏ cứ thắc mắc không biết mẹ nó đắm đuối nhìn gì trên bãi đất hoang? Có lúc nó cũng vác ghế lại gần mẹ, ngồi đúng tư thế ấy như hình với bóng chỉ để xem có phát hiện ra mẹ nó nhìn gì. Chẳng có gì thật, chỉ tổ mỏi cổ và mờ mắt. “Ừ hay là… mẹ nhìn một thứ gì đó quá xa xôi?”. Nó chưa kịp hỏi mẹ cũng chưa thể tự mình tìm thấy câu trả lời thì nghe tin bố ốm. Cái tin đó làm sao đến được xóm trọ nhỏ xíu nằm len lỏi trong lòng thành phố xa xôi này thì nó không biết. Bố nó là người như thế nào thằng nhỏ cũng không biết vì chưa từng gặp mặt. Tại sao bố mẹ không sống cùng nhau như bao gia đình khác nó thật sự không hiểu. Đó là chuyện của những người lớn. Nó chỉ biết là dượng bảo “nên về”.
Người đàn ông sáng nay dậy sớm. Anh chuẩn bị vài bộ quần áo vào ba lô rồi sắp xếp việc nhà đâu vào đấy. Anh dặn chị ở nhà cứ yên tâm, tối nay anh và thằng nhỏ sẽ về. Chị hình như vẫn chưa nguôi uất ức mỗi khi nghĩ về người mình từng gọi là chồng và cả quãng đời khổ ải trong quá khứ. Nhưng anh bảo “Máu mủ không dễ gì buông bỏ. Đừng cấm đoán thăm nom, tội thằng nhỏ”. Chị chẳng biết làm gì ngoài ngồi thiền bên mai mong lòng mình tĩnh lại. Trước lúc đi người đàn ông đứng lại nhìn bãi đất hoang trước mặt, trên môi anh nở một nụ cười. Chỉ có anh mới biết chị ngóng gì ở đó nên anh quay lại bảo “Hôm nay mai đã nở bung hết nụ rồi em kìa”. “Anh đừng động vào cây kẻo rụng hết hoa. Mẹ em nói nếu thấy mai nở nhiều là điềm lành”. “Ừ. Điềm lành. Điềm lành. Anh cũng tin như thế”.
Thật ra thì mọi thứ chỉ là ảo ảnh. Không có ngôi nhà mới xây với mùi nước sơn nhưng nhức trong cánh mũi. Không chăn ấm đệm êm. Không có món thịt bò sốt vang được nấu theo công thức mẹ. Mùa rét nàng Bân thì đã qua lâu lắm. Cũng chẳng ai nhìn thấy cây mai nào nở hoa trước hiên nhà. Người đàn bà ngồi thiền là Túc. Người đàn bà từng mất trí là Túc. Người đàn bà đã tìm thấy hạnh phúc cũng là Túc. Cây mai đã chết trong những tháng ngày Túc bụng mang dạ chửa lưu lạc khắp nơi. Nhưng mỗi khi ngồi thiền Túc lại được gặp mai trong hình ảnh mẹ. Tựa như một nguồn sáng diệu vợi cứu rỗi tâm hồn Túc. Trong lúc chờ hai cha con thằng nhỏ trở về, Túc chụm tay như nụ sen chớm nở để thấy mình bay lên. Bay lên…
 Vũ Thị Huyền Trang
Theo https://thanhnien.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...