Rừng người như rừng cây
Miên trùm chiếc áo mưa mỏng lên đầu, loại có thể mua ở lề đường
với giá rẻ mạt và sẽ rách bươm trước khi cơn mưa kết thúc.
Anh không sợ ướt, dường như việc mặc áo mưa đơn thuần là một
thói quen mỗi khi trời trở cơn rỉ rứt. Miên muốn gặp Di, đó là tất cả những gì
anh đang nghĩ. Gặp để làm gì? Đó là chuyện anh sắp nghĩ.
Mỗi người đều có rất nhiều thói quen khi sống trong thành phố.
Giống như việc mặc áo mưa, họ sẽ ngồi một góc cà phê quen, mặc một bộ quần áo
phù hợp tâm trạng, đi trên những con đường đã thuộc và thỏa thuê suy nghĩ, hoặc
quái gở như việc ngồi trên mái nhà mà châm thuốc.
Đối với những cuộc sống nề nếp, người ta để đầu óc đã lập
trình và dành chất xám cho những việc lớn lao hơn. Còn với một số người khác,
cuộc sống sẽ lập trình thay họ, giống như Miên. Sáng anh đến công ty với những
ghi chú được đặt sẵn trên bàn do người khác viết, sẽ hy vọng kết thúc nhiệm vụ
để có ít nhất một phút được chọn lựa cách thở cho mình.
Trưởng phòng kinh doanh lại là một cô nàng tốt nghiệp quản trị
nhân lực, cô biết cách mọi người sẽ làm tốt công việc thế nào nếu như được thoải
mái, và chỉ để lại những mảnh giấy trên bàn làm việc, không cần chỉ thị và bàn
cãi gì nhiều, cô để họ sáng tạo, thứ mà cô đã ngừng sáng tạo khi viết xong. Khi
đặt ra một mục tiêu, người ta luôn nghĩ có nhiều con đường để đến đó, nhưng với
Miên, chỉ có một đường thẳng. Anh hoàn tất một cách sạch sẽ và luôn bước ra khỏi
văn phòng khi kim đồng hồ chỉ năm giờ ba mươi phút, dành khoảng thời gian còn lại
để tưởng tượng hôm nay mình sẽ về bằng con đường nào.
Đường gần nhất về nhà qua một khúc cua đầy những cây cổ thụ,
chúng đều có tên, không phải những cái tên khoa học được đóng vào thân cây
không thương xót, anh đặt cho chúng những danh xưng rất đời thường, xem mỗi
ngày chúng phát triển ra sao và đau lòng mỗi khi nhân viên công ty cây xanh
thay đổi cách chúng đáng ra được sống.
Miên cũng có một vườn cây nhỏ, cũng có tên, là những cây thân
mềm có thể đặt trên lan can ngó ra công trường xây dựng. Mỗi ngày cao ốc đối diện
phòng trọ cao lên là lúc Miên thấy những rừng người như Di lao xuống. Năm năm
là khoảng thời gian anh rời bỏ rừng đước đến với Sài Gòn, nơi những tòa nhà mọc
lên bất quy tắc như cách rừng cây nước lợ quê anh tranh giành nhau ánh sáng. Rồi
hết đất, rồi nhà bắt đầu chiếm chỗ của cây.
Miên dùng tên Di để đặt cho một cây dứa kiểng, đầy gai và mọc
ra những cây con chi chít quanh thân mình. Người nhiều mặt, Miên nghĩ về Di như
thế. Như cách những cây con tranh giành nhau và hút lấy sức sống của thân cây mẹ,
sức sống của Di mỗi ngày một mất đi khi những thỏa hiệp của anh với cuộc sống
đô thị trổ dài hơn.
Di tốt nghiệp trường mỹ thuật, đã từng là một nghệ sĩ đặc biệt
say mê nghệ thuật đương đại với những tác phẩm đầy ý niệm. Đã từng cho đến khi
anh bắt tay vào làm cho một công ty truyền thông với nhiệm vụ đồ họa tầm thường.
Di tập làm quen với những mẫu thiết kế hợp mốt, cách phối màu đèm đẹp lung linh
và bố cục nhỏ to trắc trở thậm chí copy nguyên mẫu của format nước ngoài. Rồi
Di cắt đi mái tóc dài, mua những bộ đồ tây dành cho nhân viên văn phòng, anh bảo
có thời gian mình bị cô lập khỏi công ty về cái nghệ sĩ tính trong mình.
Di bắt đầu cuộc thám hiểm những quán bar ồn ào, nói chuyện
phiếm giống hệt những bạn đồng nghiệp xuất thân từ quản trị kinh doanh. Rồi một
ngày, Di bị đuổi việc, giám đốc nhân sự bảo họ kỳ vọng ở sự đột phá từ chất nghệ
sĩ của anh, nhưng không, Di đã thỏa hiệp, làm tất cả những điều mà bất kỳ nhân
viên đồ họa nào khác có thể làm. Di muốn trở lại là mình, nhưng những nhánh cây
thảo mai và dễ dãi không có cách nào gỡ bỏ. Tổng thể tâm hồn Di trở thành một
thứ mập mờ giữa lập dị và bình thường, anh lửng lơ giữa rừng cây và những tòa
nhà chọc trời, như một cây đước được trồng giữa thành phố bằng thứ nước lợ pha
bằng nước máy và muối.
Di và Miên gặp lại nhau sau nhiều năm bỏ lỡ hàng ngàn cuộc hẹn
“hôm nào đó”. Một tên nghệ sĩ chẳng bao giờ thèm làm bạn với một cậu sinh viên
hoang mang học đòi thói quen đô thị. Còn bây giờ, dường như Miên đã học đúng
cách, Di thì lạc lối. Họ đến quán cà phê quen khi cơn mưa vừa dứt. Di ốm đi thấy
rõ, gần đây anh hút thuốc nhiều, hai má sạm lại vì nắng và mái tóc dài lỡ cỡ bệt
mồ hôi. Anh được nhận vào làm phóng viên ảnh cho một tờ báo về mỹ thuật, lại là
văn hóa nghệ thuật. Miên không tưởng tượng được cảnh Di làm công việc mà anh từng
coi thường.
Bây giờ lúc nào Di cũng chụp ảnh, mái nhà thờ, góc công viên,
ngay cả hai ly cà phê loãng toẹt đầy đá trước mặt. Di thật khác, không giống
chàng nghệ sĩ mà Miên từng ngưỡng mộ. Di bảo ai rồi cũng phải khác đi, nhất là
sống ở chốn này. Miên không khác, sinh ra đã giống như bao người và sợ chết đi
lại giống bao người.
Miên tốt nghiệp đại học, đi làm, một kiểu phổ thông đến nỗi không còn gì để kể. Họ bắt đầu nói về cơn mưa vừa dứt, ở đây người ta phải học thỏa hiệp với cái tính gắt gỏng của Sài Gòn, một chiếc áo mưa, một công việc để thăng tiến, chẳng có gì khác nhau giữa muôn vàn thói quen để được sống, thay vì kiếm tìm cách sống. Di đặt ly cà phê xuống khi vừa kê lên miệng chưa kịp uống, Miên bảo sẽ đi khỏi Sài Gòn. Di cười sặc sụa ra cả nước mắt, thằng bạn mình từng coi thường lại có cả những suy nghĩ của kẻ nổi loạn. Còn kẻ từng nổi loạn ngồi đây lại hứng thú với những cái bắt tay.
Miên tốt nghiệp đại học, đi làm, một kiểu phổ thông đến nỗi không còn gì để kể. Họ bắt đầu nói về cơn mưa vừa dứt, ở đây người ta phải học thỏa hiệp với cái tính gắt gỏng của Sài Gòn, một chiếc áo mưa, một công việc để thăng tiến, chẳng có gì khác nhau giữa muôn vàn thói quen để được sống, thay vì kiếm tìm cách sống. Di đặt ly cà phê xuống khi vừa kê lên miệng chưa kịp uống, Miên bảo sẽ đi khỏi Sài Gòn. Di cười sặc sụa ra cả nước mắt, thằng bạn mình từng coi thường lại có cả những suy nghĩ của kẻ nổi loạn. Còn kẻ từng nổi loạn ngồi đây lại hứng thú với những cái bắt tay.
Miên muốn lên Đà Lạt nghiên cứu để mở một trang trại cà phê,
lúc nào cũng đắm say với những loài thực vật. Di hỏi tại sao trước đây Miên
không dám học kỹ sư nông nghiệp. Miên trả lời, không dám. Mười tám tuổi, những
chàng trai cô gái đều phải nghĩ đến một công việc kiếm ra tiền, khước từ những
chuyến phiêu lưu. Di từng nghĩ rất khác, đó là độ tuổi để lao vào những cuộc
hành trình miên viễn. Bây giờ, anh không biết mình đúng hay sai. Anh cứ mãi tìm
cách định dạng tâm hồn mình, nơi nào thuộc về mình rồi trượt vào những chốn
mình không thuộc về. Bây giờ, khi đã đủ hành trang, Miên bước vào lựa chọn chuẩn
xác mình muốn. “Những điều đã xảy ra là những điều nên xảy ra”, câu ngạn ngữ Ấn
Độ Miên tâm niệm dường như đã dẫn anh đi đúng đường. Di lắc đầu nguầy nguậy, những
chuyện đã xảy ra với mình, không nên xảy ra. Chợt, Miên hỏi Di, cậu có muốn đi
xem những hàng cây không? Một đề nghị ngớ ngẩn, và Di đã gật đầu.
Hai hàng cây dầu hiện ra lẻ loi trong trung tâm thành phố,
vươn cành lá được cắt tỉa gọn gàng hướng về phía mặt trời. Di nhận ra đây là lần
đầu tiên mình ngước mắt nhìn lên dù được sinh ra trong thành phố. Những thứ
trên cao hóa ra không xa hoa khó nắm bắt như anh nghĩ. Giữa Sài Gòn vẫn có những
quả dầu bay như trong truyện cổ. Đấy là cuộc đời thực, nơi những điều mộng tưởng
và thực tế vẫn sống cùng nhau. Miên chỉ về hướng cây dầu được đặt tên là “Thủ
lĩnh”, Di thắc mắc vì đó là cây có nhiều nhánh bị cắt cụt nhiều nhất. Miên trả
lời vì nó lớn quá nhanh, những tán cây chọc vào luồng dây điện, những kẻ đi đầu
sẽ đón về nhiều thất bại hơn, nhưng thay vào đó, nó mọc rất cao, không bao giờ
chấp nhận ngừng vươn lên khi bị con người tác động quá nhiều.
Kế đó, một cây dầu khác được Miên đặt tên là “Kẻ cơ hội”, như biết trước thói quen tỉa tót của công ty công viên cây xanh, nó mọc cao hơn dây điện rất nhiều và lúc đó mới xòa cánh dang rộng chiếm lấy ánh nắng từ những cành cây khác. Di hỏi tên của những cây còn lại, chi chít những vết cắt từ cưa máy và cành lá còi cọc, Miên trả lời, chúng đều có tên là “Chúng ta”.
Kế đó, một cây dầu khác được Miên đặt tên là “Kẻ cơ hội”, như biết trước thói quen tỉa tót của công ty công viên cây xanh, nó mọc cao hơn dây điện rất nhiều và lúc đó mới xòa cánh dang rộng chiếm lấy ánh nắng từ những cành cây khác. Di hỏi tên của những cây còn lại, chi chít những vết cắt từ cưa máy và cành lá còi cọc, Miên trả lời, chúng đều có tên là “Chúng ta”.
Có cả Di, anh sặc cười, hóa ra chúng ta đều bất lực trước những
kẻ cơ hội và không dám dẫn đầu. Nếu chỉ học cách hoặc vươn lên hoặc xòe tán như
những thân cây lớn kia, chúng ta sẽ là những kẻ chậm chân. Điều này có vẻ giống
như điều viết trong những quyển sách kỹ năng mà Di từ chối đọc, nhưng chúng
đúng, một cách đau lòng.
Miên tặng Di cây dứa kiểng trong vườn sau khi đã cắt bỏ những
cây con lòe xòe dưới gốc, anh dặn Miên đừng ngại ngừng tỉa tót nó đi, nếu như
không dứt bỏ những cành con, thân cây mẹ sẽ không còn sức sống, và liệu anh có
đủ đất trong vườn để anh trồng tất cả chúng ra. Buổi chiều anh tiễn Miên lên
xe, trời mưa rất lớn, những hoa dầu nằm tả tơi dưới gốc mẹ, nơi chúng dù có mọc
thành cây cũng sẽ bị nhổ đi.
Đừng thương hại chúng, Miên nói, những hàng cây đã được lên kế
hoạch được phép mọc ở đâu, đừng trổ rễ ở nơi mình không thuộc về. Rồi Miên đi,
Di không chụp một tấm ảnh chia ly dù cầm theo sẵn máy. Họ đều biết những hàng dầu
sẽ bị bứng bỏ đi để xây dựng toa tàu điện ngầm, Miên bảo đừng lo, người ta sẽ
có kế hoạch để chúng mọc lên trên những miền đất khác. Chỉ cần nhớ rằng, bất kể
mọc ở nơi đâu, đó nhất định là nơi đã được hoạch định một cách kỹ càng. Di nhìn
về phía con đường có chuyến xe khách mang Miên đi, quanh nó một rừng cây đang
di chuyển như thể một rừng người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét