Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Nhớ đêm mưa rừng khộp Cà Chay

Nhớ đêm mưa rừng khộp Cà Chay
Tôi bất ngờ và may mắn được gặp nhà văn Quân đội Văn Lê (Lê Chí Thụy), giữa những ngày đầu nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Dù thời gian gặp nhau rất ngắn ngủi, vẫn để lại trong tôi những ký ức tốt đẹp không bao giờ phai mờ, về hình ảnh người chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút, xông pha giữa lửa đạn chiến trường, đánh đổi cả mạng sống của mình, để tìm ra giá trị đích thực cho tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của đội ngũ nhà văn Quân đội ta, luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Tôi bồi hồi nhớ lại: Đầu tháng 7/1978, đó là những ngày mưa tầm tã ở vùng rừng biên giới huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tôi là Đại đội trưởng C20 Trinh sát đơn vị E88/F302/QK7, tham gia chiến dịch đánh đuổi lũ quân Pôn Pốt – Khơme Đỏ tàn sát dã man đồng bào ta, rồi ngang nhiên chiếm đóng trái phép các xã biên giới huyện Lộc Ninh. Trước sức mạnh tiến công của quân ta, bọn địch phải tháo chạy về bên kia biên giới, lập tuyến phòng thủ chiến lược dọc Quốc lộ 7, đoạn từ thị trấn Sơ Nun đến thị trấn Mi Mốt, tỉnh Công Pông Chàm, hòng chặn bước tiến của quân ta. Các đơn vị chủ lực F5, F302 và lực lượng vũ trang Quân khu 7, được lệnh phối hợp với quân và dân toàn miền thừa thắng xốc tới vượt qua biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế mở màn chiến dịch lịch sử: cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ phản động Pôn Pốt – Khơme Đỏ. Trong đội hình của F302, đơn vị chúng tôi từ phía Tây thị trấn Lộc Ninh, qua cửa khẩu Tà Nốt, vượt sông Sài Gòn đã thọc sâu hơn 10km, đánh địch ở phum Cà Chay, huyện Mi Mốt. Đây là một mắt xích rất quan trọng trong tuyến phòng thủ chiến lược Quốc lộ 7 của địch, do một Trung đoàn quân Pôn Pốt chốt giữ, bảo vệ sườn cho các cụm quân địch ở thị trấn Sơ Nun và thị trấn Mi Mốt. Chúng quyết giữ vị trí quan trọng này, bằng hệ thống phòng ngự quân đông, nhiều lớp, với hầm hào liên hoàn. Đặc biệt, rất nhiều bãi mìn dày đặc, đủ chủng loại, trong đó có loại mìn mới K58 rất nguy hiểm, nhãn hiệu China, to bằng hai lon sữa bò chồng lên nhau, sơn màu xanh lá cây, lẫn vào cây cỏ, ta khó phát hiện và tháo gỡ.
Loại mìn này thiết kế nổ 2 lần, lần thứ nhất bị vướng nổ ngay dưới mặt đất, rồi phóng quả mìn nhảy lên cao hơn 1m ngang tầm bụng người sẽ nổ lần thứ 2, gây sát thương diện rộng và tổn thất lớn cho đối phương. Hơn nữa, sau những cơn mưa rào vừa qua, các bãi mìn bị nước ngập trắng, khiến các lực lượng và phương tiện dò gỡ mìn của ta gặp khó khăn, đã làm chậm bước tiến công của bộ binh. Sau 3 ngày đêm chiến đấu ác liệt, nhưng đơn vị chúng tôi vẫn chưa thể đánh đuổi quân địch ra khỏi phum Cà Chay, ảnh hưởng đến bước tiến chung của toàn mặt trận. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã quyết định điều động Đại đội 5 xe tăng thiết giáp, Lữ đoàn 26 (QK7) sang tăng cường chiến đấu cho E88. Tôi vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ: tổ chức lực lượng trinh sát trở về thị trấn Lộc Ninh để nhận, rồi dẫn đường và bảo vệ Đại đội 5, với 3 chiếc xe tăng T54 và 4 chiếc xe thiết giáp M113 hành quân gấp sang Sở chỉ huy đơn vị để nhận lệnh phối hợp chiến đấu.
Tôi phấn khởi nhận nhiệm vụ, nhưng vô cùng lo lắng với quãng đường hành quân dài hơn 20km, trong đó 10km trên đất Việt Nam, với địa hình toàn rừng le, rừng cây lúp xúp, còn 10km trên đất Campuchia lại có nhiều rừng cây khộp mọc lưa thưa và trảng cỏ tranh trống, địch dễ phát hiện đội hình xe tăng từ xa, chặn đánh và gài mìn chống tăng dọc đường. Cấp trên yêu cầu chúng tôi có kế hoạch bố trí rải quân chốt giữ dọc ven đường, thường xuyên tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện và đánh địch từ xa, không để địch bắn cháy xe tăng. Khi đoàn xe đã vượt qua ngầm sông Sài Gòn, chúng tôi phải cắt rừng đi theo góc phương vị dẫn xe tăng hành quân xuyên rừng, tránh xa các đường mòn và đường cái xe bò, sợ bị địch gài mìn. Nhưng khó khăn nhất lại là tư tưởng của anh em chiến sĩ trinh sát, vốn quen làm nhiệm vụ bí mật, bất ngờ, bám địch, dẫn đường cho bộ binh, nên giờ đây lo ngại hành quân cùng xe tăng thiết giáp, như những mục tiêu di động khổng lồ, lại phát ra tiếng nổ động cơ lớn, địch dễ phát hiện, bám đánh. Cho nên, anh em đều hăng hái xung phong làm nhiệm vụ đi chốt chặn, tuần tra, canh gác và đánh địch dọc đường, không ai muốn ngồi lên xe tăng thiết giáp. Tôi thông cảm với anh em, nên đành thực hiện nhiệm vụ khó khăn này, cùng với các chiến sĩ thông tin liên lạc.
Qua trấp Rùng rình - sơn dầu - Mai Trực.
Sau một đêm thức trắng, dầm mình trong mưa gió và vượt qua mọi hiểm nguy dọc đường. Đúng 6 giờ sáng 15/7/1978, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn ở rừng cây gỗ tếch ấp Bắc Rin, thị trấn Lộc Ninh, cán bộ và chiến sĩ Đại hội 5 đã có mặt ở tư thế sẵn sàng hành quân. Hai đơn vị chúng tôi vốn đã quen biết nhau từ những trận đánh trước, nên giờ gặp lại đều vui mừng phấn khởi, tay bắt mặt mừng, trò chuyện rôm rả. Tôi lấy ra tấm bản đồ quân sự trải lên thành chiếc xe tăng T54, phổ biến tình hình địch và kế hoạch hành quân cho đồng chí Sơn – Đại đội trưởng C5, nhấn mạnh đến việc luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong suốt chặng đường đi. Mặc dù đã có anh em trinh sát chúng tôi làm công tác đảm bảo an toàn, nhưng vẫn đề phòng địch dùng lực lượng nhỏ lẻ phục kích bất ngờ, nổ súng ít phút rồi rút chạy, gây thương vong vô ích cho quân ta, ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến chung của đơn vị. Đồng chí Sơn ra lệnh cho anh em lên xe và nổ máy xuất phát. Anh mời tôi lên ngồi cùng trên thành chiếc xe tăng T54, để phối hợp chỉ huy. Thấy tôi đầu tóc bơ phờ, da mặt sạm đen, đôi mắt trũng sâu thâm quầng và quần áo ướt sũng nước, lấm lem bùn đất, anh động lòng lấy ra đưa cho tôi một phong lương khô và gói vitamin tổng hợp mời ăn cho lại sức. Tôi cảm động, nói lời cảm ơn và chia cho mấy anh em cùng ăn. Bỗng người ngồi phía sau đưa cho tôi bình tông nước chè nóng mời uống, tôi vội quay lại, ngạc nhiên thấy anh ta cũng trạc tuổi mình, nhưng hoàn toàn xa lạ, chẳng có gì thể hiện là người lính chiến cả. Gương mặt trái xoan, nước da trắng, đôi mắt sáng, miệng cười hiền như con gái, lại dong dỏng cao, vẻ thư sinh, đầu đội mũ tai bèo, mặc quân phục vải phin mỏng, vai đeo chiếc bồng giải phóng đã bạc màu và túi mìn Claymo cũ kỹ đựng tài liệu, theo mốt Quân giải phóng trước 1975. Anh ấy không giống chúng tôi đã được trang bị mới: đầu đội mũ cối có gắn quân hiệu, mặc quần áo vải Tô Châu (Trung Quốc), đeo ba lô con cóc và mang súng đạn đầy mình. Tôi cố đoán xem anh ta là ai? Làm gì? Tại sao lại có mặt ở nơi nguy hiểm này? Như hiểu được ý nghĩ của tôi, trong tiếng máy xe tăng nổ ầm ào và nhịp xe lắc lư, xốc lên, xốc xuống, anh Sơn giới thiệu:
- Đây là nhà văn Quân đội Văn Lê, công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, được Cục Chính trị Quân khu 7 giới thiệu xuống đơn vị để thực tế sáng tác.
Tôi vốn yêu văn học - nghệ thuật từ nhỏ, luôn coi sách báo là món ăn tinh thần không thể thiếu, từng ao ước được gặp nhà văn để xem họ khác người thường ở chỗ nào mà sáng tác được những tác phẩm hay, làm mê đắm lòng người đến thế? Và lẽ đương nhiên, tôi cũng thầm ao ước trở thành một nhà văn viết được những cuốn sách nổi tiếng như họ (?). Nhưng đến giờ vẫn chưa biết cách để đạt được mơ ước thầm kín đó. Thật may mắn hôm nay lại được gặp mặt nhà văn đích thực. Tôi quá xúc động, lúng túng, chẳng biết bày tỏ tình cảm, lòng ngưỡng mộ của mình như thế nào với thần tượng của mình.
Vì tay trái tôi đang bận bám vào quai nắm trên tháp pháo xe tăng, còn tay phải cầm chiếc bình tông nước chè, nên tôi đành theo phép lịch sự cúi đầu, nở nụ cười thân thiện và thảng thốt:
- Ôi! Chào nhà văn Văn Lê, tôi đã đọc một số tác phẩm văn, thơ của anh in trên sách báo, thấy hay quá.
Anh Văn Lê mỉm cười nhìn tôi, chắc anh nhận ra tướng mạo của tôi không đến nỗi nào và lại là cán bộ trinh sát, binh chủng nổi tiếng mưu trí, gan dạ, dũng cảm, vừa ngoài mặt trận về, nên anh hỏi tôi về tình hình bản thân, gia đình, quê hương. Sau đó, anh hỏi tiếp về tình hình chiến sự. Tôi thật thà nói cho anh biết những khó khăn đơn vị gặp phải, đang trông đợi và hy vọng ở những chiếc xe tăng, xe bọc thép này sang tăng cường chiến đấu, sẽ tạo ra bước đột phá giành thắng lợi trận đánh. Anh bất ngờ hỏi tôi:
- Tôi nghe nói E88 có bề dày truyền thống anh hùng trong chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ, nhưng sau năm 1975 đơn vị lại mắc phải một số sai lầm khuyết điểm, liệu có ảnh hưởng gì đến quyết tâm chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ đơn vị?
Tôi giật mình trước câu hỏi này. Nhưng biết anh đang công tác ở Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân khu 7, đã am hiểu về tình hình các đơn vị, nên tôi vội thanh minh:
- Khuyết điểm của anh em đơn vị chúng tôi ngày ấy, cũng một phần do lỗi của cấp trên chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Anh biết đấy, trong chiến tranh gian khổ ác liệt hy sinh như thế, mà đơn vị vẫn dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các chiến trường miền Đông Nam bộ và miền Trung Nam bộ, điển hình là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ấy thế mà, chỉ vài năm làm nhiệm vụ quân quản ở thành phố, được hưởng thụ cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, anh em chúng tôi đã nảy sinh tư tưởng ăn chơi, xả hơi, nghỉ ngơi. Đùng một cái, tháng 10/1976 cấp trên điều động đơn vị đi làm nhiệm vụ xây dựng vùng kinh tế mới ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Chúng tôi trở lại cuộc sống “3 không” ở rừng: không nhà ở, không điện nước sinh hoạt, không sách báo, phim ảnh, văn hóa văn nghệ, lại phải chịu cảnh căng tăng mắc võng, chấp nhận muỗi vắt và sốt rét rừng, rồi ngày ngày cầm dao quắm phát lồ ô để làm nương rẫy, lại tỉa lúa, trồng ngô, khoai, sắn và trồng cây công nghiệp cao su, chẳng khác gì công nhân lâm nghiệp, hoặc nông trường.
Nhưng tác động mạnh nhất là chuyện đơn vị chúng tôi ở bên này sông Đắc KLấp, thì phía bên kia sông là đơn vị cải tạo sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, hai bên cùng ra sông tắm giặt, bơi lội, đây là dịp để trêu đùa “Hóa ra chúng ta cùng chung kết cục thế này”. Anh bảo đến hàng ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy đơn vị còn biểu hiện chưa thông suốt nhiệm vụ, nói gì đến anh em chiến sĩ cấp dưới. Lại thêm gia đình, vợ con ở ngoài Bắc gặp hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Thế là xảy ra tư tưởng tiêu cực, bi quan, chán nản, dẫn tới một số cán bộ và chiến sĩ viết đơn xin ra quân. Thực lòng, lúc đó chúng tôi đều rất buồn và lo lắng nếu đất nước xảy ra chiến tranh, chắc anh em chúng tôi sẽ không còn đủ tinh thần và ý chí chiến đấu. Nhưng kỳ diệu thay, khi nghe tin bè lũ Pôn Pốt – Khơme Đỏ tráo trở, bất nhân bất nghĩa, mất hết nhân tính, sát hại dã man nhiều đồng bào ta ở Xa Mát, Ba Chúc, Bù Đốp… Chúng lại còn huênh hoang tuyên bố tiến quân đòi lại đất miền Nam nước ta với khẩu hiệu “Sớm mít-tinh Phnôm Pênh, chiều duyệt binh Sài Gòn”, thì trong lòng mỗi cán bộ và chiến sĩ chúng tôi tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cao độ và căm thù giặc sâu sắc, tạo thành ý chí chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, quyết tâm chiến thắng kẻ thù.
Thấy tôi nói say sưa giọng hùng hồn, đầy lạc quan, tin tưởng, anh Văn Lê chăm chú lắng nghe và khích lệ, đề nghị tôi kể lại những trận đánh quân Pôn Pốt – Khơme Đỏ vừa qua. Tôi uống thêm một ngụm nước chè cho dịu giọng, nhìn anh Văn Lê và nói tiếp:
- Tháng 4/1977, bè lũ Pôn Pốt – Khơme Đỏ điên cuồng phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam trên địa bàn Quân khu 9 (miền Tây Nam bộ). Đầu năm 1978, chúng huy động lực lượng Quân khu Đông Bắc đánh chiếm các xã Lộc Hòa, Lộc Thiện, Lộc Tấn, Lộc Thành biên giới huyện Lộc Ninh, Quân khu 7 (miền Đông Nam bộ). Chúng đóng chốt trên các cao điểm 91, 101, 102 áp sát Quốc lộ 13, làng 7, làng 9, đe dọa cắt đứt Quốc lộ 14 đoạn cầu Trắng đi thị trấn Bù Đốp. Ngày 27 và 28/2/1978, địch đánh chiếm đồn biên phòng Hoa Lư. Đêm 15/3/1978, chúng tiến công tàn sát dã man đồng bào các xã Hưng Phước, Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, giết hại 247 người, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em, đốt cháy hơn 300 nóc nhà. Trước Tết Mậu Ngọ 1978, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân từ huyện Bù Đăng sang huyện Lộc Ninh. Được sự yểm trợ đắc lực của các đơn vị pháo binh và xe tăng thiết giáp, E88 đã liên tiếp tiến công quét sạch quân địch ra khỏi các vị trí chiếm đóng trái phép, buộc chúng phải rút chạy về phía bên kia biên giới.
- Qua những trận đánh đó, anh đánh giá địch thế nào? Và rút ra những bài học kinh nghiệm chiến đấu gì?
Nghe anh Văn Lê hỏi, tôi trầm ngâm suy nghĩ, rồi trả lời:
- Chúng tôi là lính trinh sát, hàng ngày làm nhiệm vụ bám nắm địch, nên hiểu chúng chỉ là lũ quân ô hợp, non nớt về kinh nghiệm chiến đấu, nhưng được cấp trên nhồi nhét tư tưởng dân tộc cực đoan, kích động hằn thù dân tộc, khơi dậy bản năng thú tính, khát máu đồng loại, nên rất dã man. Trong chiến đấu, nếu gặp đối phương yếu hơn, chúng liền bao vây, bu bám, hò hét tiêu diệt. Nhưng nếu gặp đối phương mạnh hơn, chúng sẽ nhanh chóng bí mật rút lui. Qua thực tế chiến đấu, đơn vị chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc đó là: cán bộ và chiến sĩ ta bị thương vong trong chiến đấu thì ít, mà lại bị thương vong khi đi công tác lẻ nhiều hơn, trong đó có cả các đồng chí Trung đoàn trưởng – Trung tá Võ Văn Nỉ, quê huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Chính ủy – Trung tá Tô Luân, quê huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú, Tiểu đoàn trưởng – Thượng úy Nguyễn Văn Ngà, quê huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, Tiểu đoàn trưởng – Thượng úy Phạm Văn Thi, quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An… Tất cả đều bị mìn của địch gài dọc đường phía sau đội hình quân ta. Đáng chú ý, chúng tung các toán nhỏ lẻ theo dõi, bám ta rất sát, lợi dụng lúc quân ta sơ hở, tập trung quân số đông để sinh hoạt, học tập, ăn, ngủ nghỉ là chúng tập kích bất ngờ, nổ súng một chập rồi rút lui.
Nói đến đây, tôi đã thấy xe tăng đi ngang qua Đồn biên phòng Tà Nốt đã bỏ trống từ lâu, liền bảo anh Sơn ra lệnh cho đoàn xe tăng dừng lại, để chuẩn bị tổ chức vượt qua ngầm sông Sài Gòn, tiến sang đất Campuchia. Tôi xuống xe, bắt tay chào anh Văn Lê, nói giọng tiếc rẻ:
- Tôi còn một câu muốn hỏi riêng anh, nhưng chưa tiện. Thôi đành để khi khác vậy.
Anh Văn Lê cười và động viên:
- Anh yên tâm. Tôi còn đi suốt chiến dịch này, chắc chúng ta sẽ gặp lại nhau để tiếp tục tâm sự.
- Vâng! Tôi hy vọng còn sống đến ngày gặp lại anh.
Tôi cười, trả lời vô tư, quen nói tếu táo kiểu lính chiến, rồi định đi ngay. Nhưng anh Văn Lê kéo lại, choàng tay lên vai tôi khẳng định:
- Chúng ta sẽ cùng nhau uống nước chè ở thị xã Krachê và ngắm Hoàng cung ở thủ đô Phnôm Pênh nhé.
Tôi và các chiến sĩ trinh sát đi cùng lội qua ngầm sông Sài Gòn, sang đến bờ bên kia gặp Đại đội phó Nguyễn Văn Quyết, quê huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và mấy anh em đứng đợi dưới cụm le, cạnh chiếc hầm cũ sụt nóc. Tôi lấy tấm bản đồ quân sự và chiếc địa bàn ra hướng dẫn anh em xác định vị trí đứng, điểm tập kết, rồi lấy góc phương vị và vật chuẩn cắt rừng, đi bộ vừa bám địch vừa dẫn đường cho xe tăng, theo kiểu sâu đo, từng quãng đường ngắn, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bỗng hàng tràng súng liên thanh rộ lên, có cả đạn B40 nổ ầm ầm bắn về phía chúng tôi. Tôi liền hô lớn: – Địch tập kích, xuống hầm chiến đấu ngay. Liền sau đó, tôi nhìn thấy hai chiến sĩ trinh sát gục ngã trước mặt, tôi và chiến sĩ liên lạc chạy lên, dìu anh em xuống hầm để băng bó cứu chữa. Đại đội phó Quyết vọt khỏi công sự, ra lệnh cho Trung đội trưởng Nguyễn Văn Khánh, quê huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, dẫn anh em bí mật vòng theo bờ sông đánh phía sau lưng địch. Bị đánh bất ngờ, địch vội vàng tháo chạy, để lại xác 3 tên chết tại chỗ và 4 quả mìn chống tăng chưa kịp chôn trên đường.
Khi anh Quyết quay lại, nhìn tôi và sửng sốt:
- Anh cũng bị thương ở bụng bên trái đấy.
Tôi nhìn xuống thấy áo đang thấm máu do một viên đạn địch bắn sượt qua, làm rách da, xuyên thủng áo, may mà chỉ bị thương nhẹ. Tôi tổ chức cho anh em đưa 2 chiến sĩ bị thương về tuyến sau, cùng anh Quyết động viên đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Lát sau, toàn bộ đội hình C5 đã vượt qua ngầm sông an toàn. Ngồi trên xe tăng, anh Văn Lê vẫy chào chúng tôi. Tôi vui mừng, phấn khởi chỉ cho anh nhìn thấy những quả mìn chống tăng của địch đang để ở ven đường, rồi cùng anh em trinh sát băng mình vào rừng khộp trước mặt.
Xế chiều hôm đó, chúng tôi dẫn đoàn xe tăng thiết giáp chuẩn bị vượt qua trảng cỏ tranh rộng lớn, để sang khu rừng trước mặt là Sở Chỉ huy Trung đoàn 88, điểm tập kết cuối cùng. Bỗng có lệnh của trên: Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ cho trận đánh quyết định vào sáng ngày mai, giao cho tôi tổ chức C5 dừng lại tại chỗ, ngủ nghỉ trong rừng khộp, tuần tra canh gác, đề phòng địch tập kích bất ngờ. Còn C20 bố trí cách C5 hơn 100m, về phía Tây Bắc, sẵn sàng đón đánh địch ở hướng cầu Chi Liu, Quốc lộ 7 thọc xuống.
Nửa đêm, mưa rào rả rích, tôi quá mệt nằm trên võng thiu thiu ngủ, bỗng chiến sĩ liên lạc gọi thức dậy, hóa ra anh Văn Lê đến gặp. Qua ánh đèn pin, tôi thấy anh vai khoác khẩu súng AK, quần áo ướt sũng. Thấy tôi, anh khoe:
- Tôi vừa đi tuần tra canh gác với anh em C5 về. Nhớ anh, nên đến thăm.
Tôi vội mời anh ngồi lên võng cùng tôi để tránh mưa. Anh hỏi tôi.
- Anh có điều gì muốn nói riêng với tôi thì nói đi.
Tôi ngập ngừng rồi mạnh dạn tâm sự với anh về mong ước của mình. Anh hiểu ra và khuyên nhủ:
- Nghề viết văn cũng bình thường như mọi nghề khác trong xã hội, phải trải qua một thời gian tập sự khổ luyện, đi từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó. Bản thân tôi đã qua các bước từ tập viết tin bài cho các báo, đến viết ký, truyện ký, truyện ngắn cho Tạp chí Văn nghệ, tự mình rút ra kinh nghiệm, để nâng cao trình độ. Người viết phải có nhiệt tình, đam mê, vốn tích lũy trong cuộc sống và óc sáng tạo không bao giờ ngơi nghỉ, thêm chút năng khiếu càng tốt.
Ngừng một lát, dường như để nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tăng, anh mới nói tiếp:
- Điều quan trọng nhất với người chiến sĩ cách mạng cầm bút viết báo viết văn là phải thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về: “Viết cho ai, viết để làm gì và viết thế nào?”, về cách viết: “Viết phải chân thực, nói có sách, mách có chứng, tức là nói việc ấy ở đâu, thế nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả ra sao?”. Mỗi tác phẩm văn học đều được sinh ra từ thực tế cuộc sống, để phục vụ chính cho cuộc sống, mà trung tâm của cuộc sống chính là con người. Tôi là người lính, nên rất yêu lính, và chuyên viết về người lính. Quê tôi ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1966, tôi 17 tuổi, tình nguyện nhập ngũ, đi Nam năm 1967. Sau năm 1975, tôi ra quân về công tác tại Tuần báo Văn nghệ Quân giải phóng. Năm 1977, tôi lại xin tái ngũ để viết về người lính trong cuộc chiến đấu này, bắt đầu từ những người lính trinh sát C20 như anh và C5 xe tăng thiết giáp gặp ở phum Cà Chay hôm nay.
Đêm hôm đó, anh Văn Lê cùng tôi ngủ thiếp đi trên chiếc võng. Sáng hôm sau, tôi chia tay anh về đơn vị nhận nhiệm vụ chiến đấu mới. Ngày 15/9/1978, tôi được chuyển vùng, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tỉnh Hà Giang. Tôi bất ngờ được đọc truyện ký “Vào khoảng giữa mùa mưa biên giới” của nhà văn Văn Lê in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh mô tả rất chân thật cuộc chiến đấu của E88 ở phum Cà Chay hôm đó. Tôi hiểu ra viết văn là như thế này. Chỉ có nói lên sự thật, tác phẩm mới neo vào lòng bạn đọc và sống mãi với thời gian. Nhớ lời anh dạy, tôi bắt đầu cầm bút tập viết tin, bài, gửi cho các đài, báo của đơn vị và địa phương, không ngờ tôi viết thành công nhiều truyện ký chiến tranh, được in trên báo Quân đội Nhân dân và các báo của Trung ương. Đến nay, sau 20 năm say sưa cầm bút, tôi vinh dự là tác giả đứng trong đội ngũ những người viết văn xuôi của quê hương Đất Tổ. Từ đó đến nay, tuy chưa một lần được gặp lại anh, nhưng tôi vẫn dõi theo anh trên con đường sáng tác văn học – nghệ thuật phục vụ nhân dân và Tổ quốc. Anh đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Tôi luôn nhớ và biết ơn nhà văn Văn Lê, nhớ mãi đêm mưa rừng khộp Cà Chay đã khắc sâu vào ký ức một thời máu lửa.
Bùi Ngọc Quế
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 455
 Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...