Hoa đào trước ngõ
Ai đi xa về làng Quế vào dịp tết cũng phải trầm trồ trước hai
cây đào bên ngõ nhà ông Tân nằm ngay đầu làng.
Hai cây đào phai chiết cành từ đào rừng Tây Bắc, người con
trai cả đã kỳ công mang về cách đây gần chục năm, giống đào cánh kép sắc hồng
mơ năm nào cũng ra hoa thật sớm trước tết và qua tết thật lâu mới chịu tàn. Nhiều
người bảo, cứ thấy hoa đào trước ngõ ông Tân là thấy tết.
Nhà ông Tân có ba người con, con trai cả thì làm kỹ sư giống
cây trồng tận Sơn La, gần bốn mươi tuổi đầu mà chưa chịu vợ con gì cả. Hai đứa
con gái, người thì làm kế toán tận Hải Phòng, người theo chồng vào Nam làm xí
nghiệp. Thành ra ngôi nhà hai tầng ông bà Tân cố công dành dụm xây cất, đi ra
đi vào lụm cụm chỉ có hai bóng dáng già nua.
Nhà ấy xưa kia chỉ là một thẻo đất ven đầm thắt hậu xấu dáng,
ngôi nhà ngói và chái bếp vẫn rúm ró mỗi mùa mưa rét, mấy chục năm hai ông bà
làm đậu có bao nhiêu xỉ than đều đổ xuống ven bờ nước, cứ có tiền là ông Tân lại
mua mấy chục xe đất, nhà nào trong làng dỡ nhà để xây mới ông đều cặm cụi kéo
xe bò đi xin xà bần... Đất vườn bây giờ rộng mênh mông, ven đầm trồng đầy vải
nhãn. Mùa xuân hàng nhót chín đỏ mọng ven con mương ông dẫn nước từ đầm vào cứ
sai lúc lỉu như hàng nghìn cái đèn lồng ngũ sắc. Mùa hạ vải nhãn trĩu cành chấm
cả xuống nước, thu sang bưởi na cam vàng ươm trong gió heo may... Vậy mà mấy
người con chỉ trở về vào dịp cuối đông, tháng củ mật đêm không trăng đen như mực,
ở dăm ba ngày tết rồi hối hả lên đường. Cô em út còn than thở rằng dành dụm
quanh năm về ăn tết xong là rỗng túi. Lần nào đi, cô út cũng ao ước giá mà bê đất
bưng vườn ra phố được. Ôi con với cái, cứ như những đàn chim, chúng chỉ chịu ở
trong lòng mẹ cha khi da còn đỏ hỏn, khi đôi chân chưa nhấc nổi mình cất cánh
tìm mồi. Đứa nào cũng như nhau, đủ lông đủ cánh là vút lên trời xanh thẳm...
Nghe ông Tân than vậy, bà bảo ông sao cứ cằn nhằn mãi, nếu có cùm chân chúng
thì chúng sẽ nhảy loạn xạ như con sáo trong lồng. Nào có phải mỗi nhà mình thế
đâu.
Làng bây giờ như trái bầu khô rỗng ruột. Tháng ba mồng mười
làng mở hội không có gái trinh kín nước tế thần, đám khiêng kiệu tuyệt không có
lấy một anh trai trẻ. Mục văn nghệ chỉ có người già hát múa, cũng áo dài hồng
phấn thướt tha, môi son má ửng, nhưng những bàn tay múa nón đã cực nhọc dầm bao
mùa mưa nắng cứng đơ đơ không sao tạo được làn sóng vỗ dạt dào. Vở Phạm Công
Cúc Hoa không ai xem vì toàn ông già bà lão đã thuộc nằm lòng...
Mỗi lần gọi điện cho anh cả Phong, bà Tân đều thúc giục anh lấy
vợ sinh cho bà thằng cu rồi để nó ở nhà cho ông bà trông, ra vào có đứa cháu
tay bồng tay bế, rồi anh cả muốn đi đâu thì đi. Lần nào Phong cũng cười cười chống
chế bảo con còn trẻ, lo gì. Lần nào bà cũng nói như hét vào ống nghe: Tổ cha
anh, bằng tuổi anh có phúc thì đã làm ông nội ông ngoại rồi. Nghe mẹ la, Phong
vội vã nói “con đang bận rồi” rồi cúp máy. Người mẹ ngồi thừ xuống cái phản gỗ,
thở đánh sượt, tự càm ràm: Biết thế này ngày xưa bắt nó lấy vợ rồi mới cho đi
làm.
Những ngày cuối năm, trời u ám như lão già bẳn tính, mưa phùn
thối đất thối đường. Mấy con lợn nuôi trong chuồng lông dựng đứng vì giá rét, cả
tháng rồi nhìn không phổng được tí nào. Cánh lái buôn ép giá, tính ra còn lỗ tiền
cám tiền công nhưng ông bà không thể bỏ chuồng không. Phần vì làm việc quen
tay, phần vì lúc nào cũng canh cánh trong đầu: nhỡ anh cả lấy vợ thì lợn sẵn đấy
chỉ việc ngả ra thịt, gà sẵn đấy, vườn rộng tha hồ chăn không phải mua...
Mấy hôm nay ngày nào ông Tân cũng kéo xe bò đi thật sớm. Ông
mang bao tải đến nhà máy xát gạo gom trấu về hun muỗi sưởi ấm cho bầy lợn, trấu
bỏ gốc cam nhãn vải trong vườn, mưa phùn trấu nhanh hoai mục làm xốp lớp đất
quanh năm cây cối xanh tươi. Những ngày cuối năm nhà máy xát lúa lúc nào cũng tất
bật. Cả làng xát thóc nếp gói bánh đồ xôi, xát thóc tẻ đầy phi cho đầu năm gạo
đầy ăm ắp, cho con cái sau tết đi xa có gạo đùm đề mang đi ăn dần.
Trấu đầy xe, đường thì trơn, xương cốt người già giòn như
than hoa, ông Tân ngã. Chỉ bong gân thôi, cứ lá láng hơ lửa đắp lên, lá tre nấu
lấy nước mà bóp, mấy hôm là đi lại bình thường. Nhưng nằm một chỗ không quen,
ông bị cái trí nghĩ quẩn quanh hành hạ. Mấy mươi năm trôi nhanh quá, có lúc tưởng
không bước qua được những khúc quanh nghiệt ngã của cuộc đời, thế mà cũng đã
qua bao nhiêu cái tết. Khi đứng ở cuối con dốc cuộc đời, người ta hay hồi tưởng.
Chuyện vui mau quên mà chuyện buồn cứ se sắt mãi trong lòng. Rút cuộc cũng đất
vườn rộng thênh, con cái chưa phải lo thang thuốc, sổ tiết kiệm có chút vốn,
túc tắc vừa làm vừa chơi. Lúc trẻ trai chỉ mong có thế mà bây giờ sinh thói hay
nghĩ ngợi quẩn quanh, ông thấy mình ốm thật.
Bà Tân vướng cái chân sưng vù của ông mà không thể theo chị
em ra quét tước vườn chùa, xem chừng tay chân cũng bứt rứt, cứ ra ngóng vào
trông. Năm nào vào dịp cuối năm bà cũng ra phụ nhà chùa quét dọn, lau chùi phủ
điện vừa để lấy lộc mát mẻ cho con cháu làm ăn, vừa chuyện vãn với chị em nơi
xa nơi gần về quê ăn tết. Trẻ vui nhà, già vui chùa là vậy. Người già, chỉ mong
một chữ “an”, dẫu không ưa gì những ngày nhàn nhạt, từ khi thức dậy đến lúc
trùm chăn đi ngủ vẫn từng ấy việc quen thuộc. Họ chờ những đốm sáng vút lên, những
điều làm bung lên trong trí nghĩ già nua những thứ vui tươi, sôi nổi, đấy là hạnh
phúc của những đứa con. Mà chúng thì cứ như những cánh chim, cứ lớn lên là bươn
bải...
Chiều đổ loang mặt nước bên vườn. Làng mấy hôm nay đông vui
quá, những đứa trẻ đi học xa, những thanh niên trai tráng đã lục tục về làng.
Chúng đi nổ bỏng nếp làm bánh lòng, chúng kéo nhau ra cầu bến rửa lá dong, lá
chuối về gói bánh, chúng cười nói nô đùa bên cầu bến thật rộn ràng.
Bà Tân ngồi bẻ rễ thúng bèo tây vừa vớt được. Bà trông ra
ngõ, lòng dạ nôn nao dẫu biết cả ba đứa chưa đứa nào lên xe để trở về.
Mấy ngày nằm yên một chỗ, ông Tân không kiên nhẫn được nữa.
Cái đài cũ mang từ chiến trường về đã được ông lau chùi sạch bong, không thể sạch
thêm được. Ông đã làm sạch từng khe kẽ bằng tất cả sự tỉ mẩn và sốt ruột của
người ốm đau, để gạt đi cái suy nghĩ quẩn quanh tiếc nuối vì những điều từng
khát khao nhưng lại khất lần khất lữa với những khát khao đó, cho đến bây giờ vẫn
chưa thực hiện. Ông ngắm mảnh vườn qua hàng chấn song cửa sổ, đẩy mình lên một
chút để ngắm hai cây đào ngoài ngõ nhưng mắt mờ rồi không thể thấy rõ chúng đã
bung thêm bao nhiêu nụ, bao nhiêu hoa. Ông nổi cáu gọi thật to:
- Bà nó đâu rồi, nhanh cái chân vào đây tôi bảo.
Bà hớt hải chạy vào đã thấy ông ngồi dậy, ông bỗng cất giọng
sang sảng bảo:
- Ôi dào, nào ăn uống có là bao!
Bà chưa dứt lời thì ông gắt:
- Bà chuẩn bị cho tôi hai chục ống nếp, dăm ký đậu xanh, mua
đủ lá dong, nổ sẵn hai ký bỏng ra đấy để tôi đóng bánh lòng. Mà thôi, bà ra gọi
điện cho thằng cả bảo về ngay cho tôi, cứ nói tôi ốm nặng.
Bà nghe thế thì tái xanh mặt, tưởng ông đòi ăn dở, chân tay
lóng ngóng bà run run bảo:
- Ông ơi, đã đến nỗi nào, chờ tôi đi thắp nén nhang.
Ông lại càng cáu lên:
- Ơ hay bà này lạ thật, tôi còn khỏe lắm, mấy cái tết rồi nhà
mình không làm bánh lòng chả gói bánh chưng. Cả năm có cái tết, năm nay phải ăn
tết thật to. Bánh trái ăn không hết thì để chúng nó về mang đi biếu anh em cơ
quan lấy thảo. Tết là ăn hương vị tết, ăn không khí tết chứ có ai còn thèm thịt
mỡ dưa hành. Nhỡ ra giời bắt tội sang năm chả ngồi mà gói bánh chơi hoa được nữa...
Bà hiểu ra, lần đầu thấy ông cáu mà bà lại tủm tỉm cười. Có
tiếng chân con trẻ thình thịch chạy vào sân, chưa lên đến cửa nó đã liến thoắng
nói một hơi:
- Ông ơi, bà ơi, bác Phong bác ấy về đến quán Tiến rồi kìa, lại
còn dẫn theo một chị trẻ mà rất xinh nữa.
Ông bà còn chưa kịp hỏi gì thì nó đã chạy biến.
Bà Tân buột miệng: Cha bố anh cu Bon!
Rồi như chợt nhớ ra, bà vội đi vào buồng, lấy bộ pijama và
cái áo khoác mới giục ông thay vội, khéo cả Phong nó dẫn người yêu về. Cái chân
đau bỗng khỏe khác thường, ông vội vã đi ra ngõ, đúng là anh cả về đến đầu ngõ
kia rồi. Đúng là anh có dẫn theo người yêu... Ông vội vã trở vào nhà, ngồi xuống
ghế, rót chén trà rồi vừa cười vừa ngóng xuống bếp gọi vợ:
- Bà ơi, nhanh cái tay lên, tết về đến ngõ kia rồi.
Hơn bảy mươi tuổi đầu, ông lại thấy lòng mình nao nức lạ. Ông
mỉm cười nhìn ra mấy quả bưởi vàng ươm đợi tết đung đưa theo gió. Trời đã tạnh,
gió se se hong khô mảnh sân trước nhà. Cây đào bắt đầu bung thêm nhiều hoa, nhú
thêm nhiều nụ. Cả đất trời như hân hoan trong bản đàn rạo rực, dịu dàng và ngây
ngất trước thềm xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét