Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Thời gian của một cơn mưa

Thời gian của một cơn mưa
Khi Hạc đi đến bờ sông thì trời đổ mưa. Cơn mưa rào rạt lạc giữa mùa thu như một trận bốc đồng của trời đất. Gió ào ạt thốc lên qua những luồng mây cồn cào, trắng xóa bụi nước. Sấm sét nháng gầm gào, trút cơn bực dọc vô cớ, không gian giữa mây trời và sóng nước mặt đầm phá như hai bức màn xám xịt hít chặt vào nhau. Con đường phía trước chốc lát đã biến mất trong màn nước mịt mù.
Khi Hạc đi đến bờ sông thì trời đổ mưa.
Cơn mưa rào rạt lạc giữa mùa thu như một trận bốc đồng của trời đất. Gió ào ạt thốc lên qua những luồng mây cồn cào, trắng xóa bụi nước. Sấm sét nháng gầm gào, trút cơn bực dọc vô cớ, không gian giữa mây trời và sóng nước mặt đầm phá như hai bức màn xám xịt hít chặt vào nhau. Con đường phía trước chốc lát đã biến mất trong màn nước mịt mù.
Hạc tấp vội xe vào một quán nhỏ ven đường như một kẻ tìm cách trốn chạy khỏi sự khốc liệt của khung cảnh. Anh thoát ra ngoài cơn mưa trong chốc lát và đứng nhìn như một khách thể dõi theo sự việc đường đột làm xáo trộn tâm cảnh. Mắt anh chấp chới tìm hình ảnh con đường mòn phía trước bị mưa nhấn chìm, xóa dấu.
Chủ quán, một cô bé Hạc đoán chừng mười bảy tuổi, ăn mặc đồ bộ giản dị, xởi lởi:
- Chú cứ ngồi đi cho đỡ mỏi.
- Dạ... thưa cô, nhưng không định uống gì, chỉ trú mưa rồi đi.
- Không cần uống gì đâu. Chú cứ ngồi ghế thoải mái.
Cô gái kéo ghế nhựa. Hạc ngần ngại một lúc rồi cũng đặt mông xuống, mắt vẫn hướng ra ngoài trời. Vẫn cái nhiệt tình chất phác, cô gái lại không để cho Hạc tập trung:
- Chú đi đâu vội mà để ướt hết thế kia?
- À, chú đi đây có việc.
- Dạ. Chắc chú về làng công tác phải không? Nhìn chú rất giống mấy ông cán bộ trên huyện xuống đo đạc đất đai làm dự án.
- Không. Không phải đâu cháu.
Bây giờ thì Hạc cảm thấy hơi bất tiện vì sự nhì nhằng bắt chuyện của cô gái. Nhưng anh cố gắng không tỏ vẻ phiền toái ra bên ngoài. Anh chỉ nhìn kỹ hơn khuôn mặt người đối diện đầy ngạc nhiên, xa lạ. Cái nhìn chỉ đủ để cô bé cảm nhận giữa hai người có một khoảng cách, không phải là chỗ để dễ dàng bộc bạch. Nhưng cô gái vẫn không bỏ cuộc.
- Trông chú cũng rất nghiêm nghị. Giống ba cháu. Bao giờ cũng tỏ ra như thế - cô gái lại nói, như dò trúng tim đen anh.
- Ờ, ờ, vậy à? Ba cháu đâu, làm gì? - Hạc hỏi.
- Dạ ba cháu ngồi tù - cô gái nói giọng bình thản.
- Chú xin lỗi. Lẽ ra không nên nhắc chuyện buồn - Hạc lúng túng.
- Không sao đâu chú. Ở vùng này ai mà không biết chuyện ba cháu vô tù. Cô gái nói với vẻ mặt buồn bã nhưng thoáng vẻ ngờ nghệch.
- Vậy à? Chú có được biết không? - Hạc bỏ quên sự khách khí, tỏ ra tò mò. Và như vậy, anh bị cuốn vào câu chuyện lúc nào không hay.
- Dạ. Chuyện cũng không vui gì để nhắc lại - cô gái nói - Nhưng trời này sẽ còn mưa rất lâu. Chú có muốn uống một ly cà phê, chờ tạnh không?
- Ừ, cũng được. Cho chú một ly đen nóng, pha phin, không đường.
- Dạ. Như vậy thì đắng lắm. Nhưng lạ, mười người ở trên phố về, là y như rằng, hết tám người thích uống kiểu này. Ở đây mấy người tuổi chú lại thích dùng cà phê sữa.
- Vậy à? Chú quen rồi.
Khuôn mặt bầu bĩnh kiểu Thúy Vân, đôi mắt tròn và đôi hàng lông mày rậm không tỉa tót, bên dưới sống mũi cao là hàng lông măng trông khỏe mạnh, đôi môi mọng trầm tự nhiên, cô gái nhanh nhẹn nguẩy đầu hất mớ tóc thắt bím đơn sơ ra phía sau bờ vai tròn, nhanh nhẹn bước vào bên trong quầy pha chế.
Nói là quầy pha chế chứ thực ra chỉ là một cái kệ gỗ đóng tạm bợ lẹp xẹp, thưng bằng mấy miếng ván ép, đủ đặt cái bình thủy và mấy chai nước ngọt, gói cà phê bột, hũ chanh muối và mấy chồng ly tách lớn, nhỏ.
Ở một góc quán, nước mưa dột từ mái tranh, chảy long tong vào một chiếc thau nhôm.
Hạc lại nhìn ra ngoài trời. Đúng như cô gái nói. Mưa chắc sẽ còn lâu. Trời còn mù câm. Mưa như thể dốc cho hết bao nhiêu nước tích tụ ấm ức từ mùa hạ. Mưa như muốn xóa nhòa mọi dấu vết của tồn tại trên mặt đất khi bước qua một mùa thu đầy những cơn bão. Mưa như xóa hết dấu vết ký ức của cái thực tại hiu quạnh, buồn tẻ này.
- Chú ơi, chú có vẻ nôn nóng. Có phải chú trễ việc rồi không? - cô gái lại kéo Hạc về với hiện tại. Cô hơi nhún cặp giò khỏe mạnh tròn căng trong lớp quần vải thun bó sát của bộ đồ cánh, đặt ly cà phê xuống mặt bàn gỗ, rồi kéo ghế ngồi xuống gần bên Hạc. Bên ngoài, đám bụi mưa mát lạnh vẫn bay vào theo những đợt gió, vậy mà Hạc vẫn cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể cô gái tỏa ra trong không gian. Một thứ hơi ấm nồng nàn khởi sinh từ một cơ thể đương thì nẩy nở khỏe mạnh, trào dâng mạch sống. Một thứ hơi ấm mang trong nó mùi vị bản năng nhen nhóm của da thịt tuổi trẻ quyến rũ. Hạc cố né tránh cái rung động vô lối và trở về dõi mắt vào những nhát cọ mưa đang phổ lên vạn vật một màu trắng mịt mùng. Anh nói bâng quơ:
- Cháu năm nay nhiêu rồi?
- Dạ, chắc gần mười tám.
- Sao lại chắc?
- Dạ tại cháu không có giấy khai sinh chính xác.
- Cháu bán quán lâu chưa?
- Dạ từ khi ba đi tù, cháu lên bờ, xoay xở qua ngày. Trước thì nhà ở dưới ghe với ba.
Hạc lại bị dẫn dắt trở về câu chuyện người cha của cô gái, một nhân vật bí ẩn, một sự hiện diện trở đi trở lại giữa họ. Theo cái cách mà đứa con gái nhắc về tình trạng hiện tại của người cha, Hạc cũng đoán biết được rằng, cô hãy còn dành nhiều sự tôn trọng, nể phục, thậm chí, gắn bó với ông và câu chuyện ngồi tù của ông đáng để cô nhắc đi nhắc lại như một sự giải tỏa, một nỗi ám ảnh. Nhưng có một khoảng cách nào đó khiến Hạc trở nên dè dặt, không muốn tiếp tục đi sâu vào câu chuyện. Một lần nữa, anh muốn dừng lại trước bi kịch gia đình của một cô gái không thân quen.
- Cháu bán quán vầy có đủ sống không? - Hạc cố đánh lạc hướng câu chuyện.
- Dạ cũng tạm tạm. Mùa mưa gió ít ai ra đầm phá. Cũng ế ẩm buồn hiu chú ơi. Mùa nắng thì đỡ hơn.
- Ờ, giờ ở đâu, làm gì cũng khó. Ráng lên cháu - Hạc an ủi và rồi giật mình thấy rất sáo.
- Bạn cháu xưa sống trên đầm phá bây giờ vô thành phố hết rồi, đứa làm công nhân, đứa làm ở quán bia ôm rồi may mắn có chồng giàu, tụi nó rủ cháu suốt mà cháu chưa dám, cháu chưa biết thành phố nó ra sao. Cháu ở đây thui thủi một mình làm ăn, được ngày nào hay ngày đó. Tháng ế thì đóng cửa đi nhổ cỏ, làm ruộng mướn cũng qua ngày. Cô gái kể lể bằng giọng buồn buồn.
- Ờ, cháu tính vậy chú thấy cũng hay. Ở thành phố không như cháu nghĩ đâu. Chẳng mấy ai đến đó mà trở về nguyên vẹn - Hạc nói, như nói từ chính cái trải nghiệm của mình.
- Dạ, chú uống cà phê đi kẻo nguội. Cô gái vừa nói vừa gỡ phin ra một bên, nước cà phê trong ly sóng sánh dưới bàn tay khỏe mạnh với những ngón tay thô của cô gái quê. Hạc lại nhìn ra màn mưa, cho vào vài viên đá và khuấy khuấy muỗng va lanh canh thành ly. Mùi cà phê thơm thoang thoảng.
- Cà phê cháu pha uống được không chú?
- Được. Thơm ngon đó chớ.
- Dạ - cô gái được khích lệ, đôi môi mọng cười ngượng nghịu - Bọn con trai ở đây chế vậy là nhất định không uống. Tụi nó thích đậm hơn, gắt hơn, cho vào thật nhiều sữa, đặc quẹo. Tụi nó uống ực cái là hết chứ không buồn nhâm nhi. Chỉ có mấy ông khách già là thì thích nhấp từng ngụm, ngẫm ngợi gì đó xa xôi. Cháu đoán chú ở thành phố về, nên pha vừa phải cho dễ uống. Với lại chú chẳng chịu uống đường.
- Cám ơn cháu. Với chú vậy là cũng đã hơi đậm. Bọn con trai cũng hay lui tới đây à?
- Dạ có chớ. Quán mở ra bán cho tụi nó chớ ai. Cứ đi nhậu về là cả bọn tấp vô quán kêu nước, cãi nhau, chửi tục, ghẹo gái rồi về.
- Ghẹo gái nữa à? Gái nào?
- Dạ, thì cháu đó - cô gái thiệt tình.
- Chết. Vậy thì nguy hiểm lắm nghe. Cháu phải cẩn thận, một thân một mình - Hạc tỏ ra lo lắng.
- Dạ. Cháu biết rồi. Chỉ cần nói ba cháu là tụi nó sợ hết à.
- Lại là ba cháu. Nhưng ba cháu đâu có ở đây? - Hạc nói.
- Nhưng chỉ cần nhắc tiếng ba cháu...
- Vậy sao? Chú cũng hơi tò mò về ba cháu - câu chuyện đã đến lúc làm cho khoảng cách của Hạc và cô gái gần nhau hơn. Và Hạc nghĩ là mình không thể đứng bên ngoài biến cố mà cô bé có nhu cầu được nhắc lại, chia sẻ. Đó có thể là một liệu pháp cho tinh thần sau cú sốc nào đó xảy ra với cô chăng. Hạc trở lại câu hỏi ban nãy: Ba cháu đang vậy thì làm sao giúp được cháu nếu chẳng may xảy ra chuyện gì?
- Chú không biết rồi. Ba cháu sẽ ra tù và tìm đến để cắt cu thằng nào dám đụng vào cháu. Tụi nó đều biết chuyện sẽ như thế mà.
- Dữ vậy sao?
- Dạ. Đó cũng là lý do mà ba cháu phải vào tù - và lần này, thì Hạc không có lý do gì để đứng ngoài câu chuyện được nữa. Cô gái kể: Ngày trước nhà cháu sống trên đầm phá. Khó khăn quá, mẹ cháu bỏ lên bờ buôn bán rồi theo đàn ông khác. Ba một mình gà trống nuôi con. Hai cha con lủi thủi trên ghe ngày này qua tháng nọ, khổ sở nhưng quen rồi, sống an tâm vì quanh mình chỉ có trời với nước, không va chạm với ai cả. Nhiều năm trời, ba hận mẹ, không cho cháu lên bờ. Ổng nói cuộc sống trên bờ nhiều cạm bẫy và bạc bẽo còn hơn con nước đầm mùa lũ, mày mà lên đó rồi thì cũng sẽ bỏ ba đi như con đĩ mẹ của mày. Mỗi tuần, ba cho ghe ghé vào cù lao một lần, rồi ghé lên bán mớ cá, mớ tôm đi chài lưới được, mua gạo, muối, mắm, thuốc lá, rượu và những vật dụng cần thiết cho con gái rồi lại trở xuống ghe tức khắc. Ba thường xuyên đấu mũi ghe với mấy người chung cảnh ngộ để uống rượu, hát hò và say sưa. Khi say, ba vẫn thường lôi chuyện phụ bạc của đàn bà ra để dằn vặt. Ba gọi mẹ là con đĩ chó, con đàn bà theo trai, con chó cái phản bội... nhưng thâm tâm ba vẫn thương mẹ, vẫn muốn mẹ quay về. Thương nhau nhiều người ta mới buồn vì nhau như vậy phải không chú? Trong cơn mê sảng, nhiều đêm ba vẫn gọi tên mẹ và khóc, gào thét. Rồi khi tỉnh dậy, nhiều lần cháu thấy ông ra ngồi mũi ghe âu sầu nhìn trăng sáng. Bóng cha dập dềnh trên nước sông. Ổng cứ lặng im một mình, chỉ đôi mắt là nói nhiều nhất về nỗi buồn không biết nói với ai. Có lần con gợi chuyện về mẹ, ổng nói, nếu không vì con, thì tao đã bỏ lên bờ đi giành lại mẹ từ tay thằng đàn ông khác. Có chết tao cũng lôi bà trở lại ghe. Nhưng nghĩ, để làm gì khi nó ở đây mà tâm trí nó còn đi hoang đâu đó. Cái loại đàn bà...
Hạc nhấp một ngụm cà phê và đốt thuốc. Câu chuyện của cô bé về người cha khiến anh cảm giác tê tái buồn. Nhất là trong cái khung cảnh mưa gió dầm dề tịch mịch này. Anh nghe trong hơi gió phảng phất vào mùi tanh của bùn non cuộn lên trong nước đầm phá rồi phát tán, cuộn xoáy trong không khí cùng với bụi mưa làm nên một mùi đặc trưng của hoang sơ xa vắng. Hạc nhìn sâu vào đuôi mắt lá răm mộc mạc và thoảng nét u buồn của cô gái. Anh nói:
- Con cứ kể tiếp đi, chú đang nghe, xem chú có giúp được gì không?
- Năm đó cháu mười lăm tuổi. Một lần châu đầu ghe để uống rượu với đám giang hồ tứ chiếng, ba say lăn lóc. Ba dặn cháu khép cửa ghe tránh gió máy. Nhưng phần vì buồn khung cảnh sống không thay đổi, phần muốn vào bờ chơi với đám bạn cũ trước sống ở nhà ghe nay đã lên bờ mở quán hải sản đêm, cháu đã trốn bơi vào bờ. Đám con trai của chủ ghe là bạn nhậu của ba thường hay chọc ghẹo cháu đã hè nhau theo dõi, chờ lúc ba ngủ không biết gì, bơi đuổi theo cháu. Khi cháu vừa nhoài vào bờ thì tụi nó đã vồ đến. Cháu vùng vẫy, gào thét nhưng bốn bề vắng lặng. Cháu vốc bùn trét vào mặt thằng anh cả, vừa chửi đồ mất dạy, tụi bay muốn gì, tao méc ba tao. Nhưng tụi nó không sợ. Thằng anh vuốt bùn, vục đầu xuống nước rửa mặt trong khi hai đứa em nó như hai con chó đực chồm về phía cháu. Cháu trượt chân té. Chỉ còn một quãng đê là đến chỗ điện sáng, nhưng cháu không sao lê nổi thân mình.
Bọn nó nắm chân, nắm tay và hùng hục vật cháu xuống bờ cỏ. Cháu quơ quàng, vẫy đạp nhưng vô vọng. Cho đến khi cháu không đuối sức, chỉ biết gào khóc thảm thiết, thì bọn nó lột đồ cháu ra và đặt nằm trên bờ, thằng anh cả xé áo quăng ra cỏ rồi tuột quần trần truồng như nhộng trước sự sững sờ của hai thằng chó em nó.
Trong khi đó, từ trên mặt sông, cháu nghe tiếng la thất thanh: “Tổ cha bọn bay làm gì con gái tao?”. Cái bóng ba quẫy lên từ nước như một con sấu dữ. Hai bàn tay ba túm lấy cổ hai thằng em, ném vật ra vũng sình. Tụi nó hì hục sì soạp chạy ra sông định bơi tẩu thoát nhưng ba sải bơi theo, túm mớ tóc lờm xờm của nó, nhận xuống nước cho đến khi nó không còn trồi lên được nữa. Còn thằng anh cả đang trần truồng tìm đường chạy thì bị ba đuổi theo lên mép mờ, rút con dao bấm gỡ cá trong túi quần và phắt một đường vào giữa đùi nó. Máu phun ra thành vòi, nhớp nháp cả một vùng cỏ. Nó gào thét van xin khản giọng. Trong khi đó ba lặng lẽ nắm vai cháu đẩy xuống sông rồi dìu bơi lại ghe, câm lặng ngồi rót rượu uống cho đến sáng, mắt ráo hoảnh nhìn ra sông, mặc cho phía bên bờ, người ta chộn rộn chuyện một thằng bị cắt chim chở đi nhà thương, một thằng trôi dạt nẻo nào chẳng thấy. Cháu sặc sụa hốt hoảng. Mọi việc xảy ra trong chốc lát mà biến đổi cả cuộc đời hai cha con cháu.
Hạc ngồi chết lặng theo dõi câu chuyện. Anh bắt đầu cảm thấy hối tiếc vì mình đã đi sâu vào một sự thật quá mức kinh khủng, nằm ngoài mọi hình dung hay tưởng tượng của anh.
- Và vì chuyện đó ông đã vào tù?
- Dạ. Hai thằng bị ba nhận nước, chỉ một thằng sống sót, trở nên dở điên dở dại. Còn thằng kia thì mãi mấy ngày sau mới thấy xác nổi lên phía cửa biển. Thằng anh cả được cứu sống nhưng bây giờ nghe nói đàn ông không ra đàn ông, đàn bà chẳng ra đàn bà. Vậy là nhà ông Tư ghe coi như tuyệt tự. Sau vụ đó, ba bị vào tù. Phía nhà họ chạy chọt đủ thứ, lót trên lót dưới rốt cuộc trắng án cho mấy thằng con về tội hiếp dâm rồi cũng dời ghe ra biển mà đi mất xứ. Trước khi vô tù, ba còn dặn cháu lên bờ sống. Có chuyện gì thì cứ gọi ba. Có chết ba cũng về cứu con.
- Cháu không còn tin tức gì về người mẹ hay sao?
Cô gái nhìn ra mưa và nói: “Không”. Một tiếng “không” đầy dứt khoát và nửa như hờn giận.
- Nhưng nói gì thì nói, cháu vẫn phải cẩn thận. Chú xin lỗi vì đã gợi nhắc chuyện buồn. Chú nghĩ là ba cháu vẫn bảo vệ cháu bằng cách này, cách khác - Hạc nói mơ hồ.
- Còn bảy năm nữa, ba cháu sẽ được ra. Cháu ráng đợi đến lúc đó rồi mới dám quyết định sẽ đi đâu làm ăn. Chú thấy đó, buôn bán đây chẳng đủ thiếu vào đâu. Nhưng vẫn phải trụ lại. Cũng nhờ đám con trai lêu lổng lui tới, mà có tiền mua cá, mua hoa quả mang vào thăm ba. Cháu cũng chưa dám đi đâu xa cả. Hạc thấy mắt cô gái đã tuôn xuống đôi dòng lệ trong suốt.
- Ừ, chú nghĩ vậy cũng phải. Còn chú? Sao chú không kể về mình cho cháu nghe? Chú về vùng đầm phá đìu hiu này để làm gì?
Hạc uống hết mấy giọt cà phê cuối cùng. Rồi nhìn ra trời. Nói xa xăm.
- Chú chỉ là người đi lạc về đây.
- Rồi hết mưa thì chú đi đâu?
- Chú cũng chưa biết. Có lẽ chú sẽ trở ra, đi ngược về thành phố. Hạc nói và thanh toán tiền ly cà phê. Hạc móc thêm một ít tiền còn lại trong ví tặng cô gái. Nhưng cô gái trẻ nhất định không nhận. Hạc nói:
- Vậy khi khó khăn gì cháu cứ gọi cho chú. Giúp được gì chú sẽ giúp. Chú nghe câu chuyện của cháu và không biết chia sẻ thế nào. Chú phải trở ra cho kịp chuyến xe từ thị trấn về thành phố.
- Dạ - Cô gái cúi đầu ngờ nghệch - Nhưng nếu sau này lên thành phố, cháu gọi cho chú, phải nói thế nào để chú nhớ là chú cháu mình có quen nhau?
- Cháu cứ nói cháu là người bán quán cà phê ở vùng đầm phá, đã cho chú vào quán trú mưa và nghe câu chuyện buồn.
- Cháu sợ chú không nhớ.
- Nhớ chứ. Chú sẽ nhớ. Và có dịp chú sẽ ghé qua. Chú mong muốn thấy cháu vẫn tốt bụng và an lành như bây giờ. Đừng buồn chuyện cũ nghe cháu.
- Dạ.
Cô gái theo tiễn Hạc được một đoạn. Hạc đứng lại nắm bàn tay ấm nóng của cô, rồi nói: “Chú sẽ rất nhớ buổi chiều này. Cháu ở lại bình an. Thôi được rồi, cháu trở lại trông quán đi. Chú sẽ không quên được buổi chiều này”.
Sau mưa, gió thổi lật phật những hàng cây hai bên đường. Mùi bùn và hơi nước đậm đặc trong không khí. Con đường ngoằn ngoèo trở lại thị tứ vắng bóng người. Hạc đi một đoạn rồi ngoái nhìn lại. Anh thấy bóng cô gái vẫn đứng vẫy vẫy trước quán lá xiêu vẹo.
Sau lưng tôi là một khung cảnh đầm phá mênh mông nước, chập chùng trong lất phất mưa sương.
Vĩ thanh
Tôi viết truyện ngắn này khi có dịp tìm về vùng đầm phá cách đây bảy năm trời và không còn tìm ra dấu ngôi quán nhỏ của cô gái. Tôi lân la dò hỏi, nhưng không ai còn biết có cô gái bán quán ở đoạn đường ấy. Chỉ có một người bán hàng rong tình cờ gặp ở thị trấn, khi nghe câu chuyện, đã nói, thời bây giờ, không tin ai được. Bọn con gái quê ít học bây giờ cáo già thực dụng lắm. Có khi nó lôi kéo lòng thương hại của anh để được anh cứu giúp cuộc đời cũng nên. Câu chuyện nó kể cho anh đầy chi tiết phi lý vậy mà anh cũng tin ư? Tôi hỏi, phi lý ở điểm nào? Người kia nói, thì tự mà nghiệm lấy.
Tôi là một nhà văn, luôn chú trọng sự logic trong sắp xếp câu chuyện, dù là hư cấu. Nhưng tôi không thể nào phân biệt được cái hữu lý và phi lý ở đời. Như trong tình thế này, tôi không tìm được cách trình bày được sự hữu lý để những điều diễn ra thực sự trở thành các tình tiết lôi cuốn và đáng tin. Vì đơn giản, mọi thứ chỉ xảy ra thảng hoặc như một cơn mưa thoáng qua và tôi muốn trung thành với nó.
Tôi biết rằng, sau cơn mưa đó, chuyện buồn của cô gái đã ám ảnh tôi rất nhiều năm trời, và luôn thôi thúc tôi, nhắc nhở tôi phải quay trở lại. Tôi cũng thừa biết, cô gái sẽ không gọi điện cho mình. Nhưng cũng tự trách vì sao mình không quay lại đó tìm cô ta sớm hơn. Nhưng giả như có quay lại, thì liệu sẽ giải quyết được gì? Thể hiện sự quan tâm hay thương hại trước một mảnh đời bất hạnh và mong manh mà mình là khách thể, kẻ đứng bên ngoài chỉ tìm cách để thỏa mãn lòng trắc ẩn như một lữ khách trước vẻ u buồn của một trận mưa trái mùa đã đi qua?
Tôi không đặt khả năng truyền thông vào văn chương. Nhưng tôi thấy cần phải ghi lại những gì đã xảy ra như một cách khơi gợi, tìm kiếm manh mối của cô gái và người cha mà tôi chưa có dịp gặp.
 Nguyễn Vĩnh Nguyên
Theo https://thanhnien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...