Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Nỗi buồn trong đôi mắt sâu

Nỗi buồn trong đôi mắt sâu 
Nó chết là quá xá đúng!
Người chết tên Minh, ghê gớm lắm nên dân chơi gọi đại ca. Trong bốn đứa con của vợ chồng Hai Phở thì Minh là út.
Nhà giàu nên Minh hư từ bé. Bé bé con con cha mẹ anh chị thương quá mà hư hao chút đỉnh là chuyện thường. Đi học Minh hoang đàng chi địa không trường nào chịu xiết. Cuối cùng bị đuổi khỏi trung tâm giáo dục thường xuyên về tội hành hung thầy giáo ngay trong giờ học. Nó la cà với chúng bạn ở vỉa hè xóm chợ. Biết uống rượu năm mười ba tuổi và dính vô ma túy năm mười bảy. Hai mươi hai tuổi Minh có năm năm vừa cai nghiện vừa tù tội. Với bề dày “thành tích” cộng thêm được bà mẹ thương kiểu mù mắt nên Minh hóa quỷ.
Vợ chồng Hai Phở đau khổ vì thằng con này lắm. Nó phá thiên lôi còn chắp tay mà bái. Mười bảy bước qua mười tám, Minh và con ma túy đã phá của Hai Phở gần nửa gia sản, là ông Hai nói vậy. Không xiết với thằng phá gia, nó lấy của nhà phục vụ cho chính mình nói làm chi, ma túy mà nó dám đãi bạn bè chơi cho vui thì tiền nào chịu nổi? Mà Minh thì bạn nhiều lắm, trai gái có đủ, đứa nào cũng hít choác ngày đôi ba cữ chứ không ít. Ông Hai Phở phải đưa con trai đi cai. Tiền đưa vô trung tâm sáu tháng chục triệu ngoài là nhỏ, tiền thăm nuôi mới lớn, tuần một lần thì giàu cỡ nào cũng đuối. Thôi thì có con phải khổ vì con. Bà Hai nói vậy, nhưng ông Hai văng tục:
- Nó chết là tôi cúng một cặp heo quay chứ một con còn ít lắm.
Vừa ra khỏi trại Minh chơi ma túy lại ngay. Anh chị em trong nhà bất mãn lắm. Đứa nào cũng xin ra, có gia đình rồi thì riêng chứ chung chạ làm chi cho rách việc? Lò phở thì con làm với tư cách công nhân cho ba má. Nếu ba má không đồng ý con đi thuê phòng trọ, đi làm công ty kiếm sống, người làm kẻ phá như thế này chịu sao xiết hả má? Má cưng nó cũng vừa thôi. Cứ cái đà này nay mai bọn con cũng cuốn gói đi ăn mày. Vậy là vợ chồng Hai Phở cắt đất ra chia, cho tiền con cất nhà. Tất nhiên cái nhà đang có cái lò sản xuất phở là của Minh. Của Minh, Minh có quyền xài, đúng không?
Anh lấy vợ, hai con chị lấy chồng. Đứa nào có cơ ngơi nấy, lò phở và cái nhà không của Minh thì của ông trời à? Vậy là nhóm bạn bụi đời tôn Minh lên làm anh. Kính cẩn nghiêng mình khi đại ca sai phái. Sau năm năm lấy trại làm nhà, Minh trở về và ông bà Hai có vẻ tin Minh đã bỏ cuộc chơi làm lại đời khi dẫn về nhà một cô gái tên Anh. Cô Anh là con gái của Ba Đạo.
Vợ mất để lại cho Ba Đạo hai đứa con một trai một gái. Thuê mướn suốt một đời Đạo chăm chút cho con. Vậy mà chả hiểu làm sao mới lớp chín thằng Đức bỏ học. Ông cha nghèo khổ có nói cách mấy nó cũng chẳng nghe theo. Thoạt đầu nó đi mua hồ sơ giả xin vô công ty làm công nhân. Ba Đạo đành phải chấp nhận, dù sao nó cũng tự kiếm ra tiền khi chưa đến tuổi thành niên. Khổ cái, ông con làm ra bao nhiêu xài bấy nhiêu nên hư hao sớm, bọn lơn lớn tuổi trong công ty mười hết chín cứ cuối tuần là nhậu nhẹt. Cu Đức cũng ra vẻ dân chơi anh nhậu tui cũng nhậu, anh thuốc lá tui cũng thuốc lá chả sợ thằng nào. Thêm một lần Ba Đạo tự an ủi đàn ông thì tránh sao được.
Nhưng con Anh mới là một nỗi đau tận trái tim ông cha khốn khổ. Mẹ mất nên ông thương nó lắm. Đi học nó chẳng thua một đứa bạn nào, vậy mà mới mười lăm tuổi, Anh đàn đúm theo bè bạn trốn học đi chơi. Nó xinh xắn nên lũ bạn trai o bế lên tận trời. Mới một dúm tuổi nó cặp một thằng. Ngoài đường ngoài sá, giữa ban ngày mà chúng ôm xà nẹo như chỗ không người. Là ông Ba chứng kiến tận mắt chứ chẳng ai lê mách gì. Ông lệnh cho Anh về nhà, cha con giằng nhau và con bé bị toạc vai áo. Ba Đạo choáng váng khi mục kích trên vai con gái là một hình xăm xanh đỏ. Giận quá ông cho con gái bạt tai. Nhưng chuyện trốn học và xăm mình là vặt. Ông ghé cái quán xi rô đá bào bên hông trường mới biết thêm vài chuyện:
- Con Anh hả? - Chủ quán nói - nó mà học hành gì ông anh ơi, tôi cũng chả hiểu cha mẹ đâu mà không để ý đến con cái. Nó trốn học thường xuyên, sáng nào cũng ghé đây cùng với một con bạn làm chai “xì tinh” và hai cái tẩy đá. Lúc đầu tôi tưởng nó hiền, ngờ đâu nó pha rượu vô “xì tinh” uống cho bốc. Cứ một chai là nửa xị rượu. Nó còn hút thuốc nữa đó ông.
Chủ quán nói đến đâu Ba Đạo rụng rời đến đó. Ông về gác tay lên trán, tìm kế sách sửa sai con gái. Nhưng e chừng giận cha vì một bạt tai ngoài đường, chiều ấy nó không về. Đêm cũng biệt tăm. Ông cha nói với con trai chuyện con em uống rượu. Thằng con cười:
- Thời buổi giờ đàn bà con gái đứa nào không uống? Ông làm như thời xưa chỉ đàn ông mới rượu.
Ba Đạo chưa hết hốt hoảng thì cô giáo chủ nhiệm của Anh tìm đến nhà. Trời ơi - ông ôm đầu rên rĩ cùng cô giáo - Cô ơi từ khi nó ra đời má nó ốm đau suốt. Nó bú sữa ngoài nên tôi thương lắm cô ơi. Con Anh năm tuổi bà xã mất tôi ôm hai đứa con khóc thâu ngày thâu đêm…
Cô giáo nghe mà đứt ruột cho ông cha. Nuôi con từ thuở lọt lòng mà nay nó hư hao vậy ai chả buồn? Mà vì sao vậy cô giáo ơi? Ba Đạo hỏi. Nhưng cô giáo biết đâu mà trả lời? Không gian và thời gian của cô là bên trong cổng trường. Còn bên ngoài? Cô cũng có nghe đến những tệ nạn đang rủ rê học trò cô vào tăm tối. Vũ khí của cô chỉ là lời khuyên. Những ngữ ấy nói chuyện với nhau bằng lưỡi dao và mã tấu thì lời khuyên liệu có ích chi?
Một tuần sau con Anh về. Nhìn nó Ba Đạo muốn khóc quá. Nó xơ xác, héo úa lắm. Ông nhìn lên bàn thờ vợ mà chả biết phải làm sao. Đu đưa trên võng suốt đêm trường Ba Đạo nhớ đến những ngày con gái còn thơ dại, nó lẫm đẫm chạy theo cha, nó khóc nó cười nó ốm đau rồi khỏe mạnh, một mình ông lo toan. Và thế là trong tịch mịch đêm dài nước mắt người cha khốn khổ chảy. Con Anh ngủ vùi cả ngày, tỉnh dậy nó lục cơm ăn rồi đi tiếp. Ba Đạo tím môi nâng chén để quên buồn. Cả hai đứa con chả đứa nào ngó ngàng chi đến cha già. Chúng bay ngoài đường không cho cha một lần gặp để hơn thiệt đúng sai, năm thì mười họa chúng có nghe cha nói, nhưng phớt lờ kiểu ông già rồi lẩm cẩm quá thôi.
Ba Đạo thét lên với tối cao cả một càn khôn cay đắng. Ông quỳ xuống xin dâng mình đời đời cho hỏa ngục nếu có thể đưa đứa con gái tội nghiệp về lại tay ông. May mà có ba giọt rượu nên cũng vơi bớt nỗi sầu khi say. Cứ như vậy ba nhân mạng trong cùng một căn nhà mà là cả ba thế giới tách biệt. Mạnh yếu tự ai nấy biết. Ba Đạo biết con gái tệ lắm trong việc kiếm ra tiền để phục cho chính mình, nó tuy chưa đến cái đận để bị đánh giá là cặn bã nhưng nào có khác chi. Con gái mà nay cặp thằng này, mai thằng khác vào nhà nghỉ thì là cái chi trời hỡi?
Một đêm khuya khoắt kia con Anh về. Ba Đạo đang đu đưa trên võng, có tí hơi men vào buổi chiều nên cha già cáu kỉnh:
- Mày vẫn còn nhớ đây là nhà của mày à?
- Chớ tui làm cái gì mà ông khó với tui vậy?
- Mày làm cái gì thì tự biết lấy. Con gái mà nay thằng này mai thằng khác, lấy nhà nghỉ làm nhà mình là cái giống gì mày nói tao nghe?
- Ông đừng lo cho tui, ông lo cho thằng Đức kìa.
Thật là hết nước mắt để khóc, con cái ông tui với cha, kêu anh bằng thằng. Ba Đạo thở một hơi não nuột buồn:
- Ít nhiều cha cũng cho con đi học mà ông tui với cha con ngó được sao con? Mày nói tao lo cho thằng Đức là lo làm sao?
- Nó bỏ công ty cả tháng nay rồi ba biết không?
- Sao vậy?
- Ba kêu nó về mà hỏi. Quan trọng là bây giờ nó làm lính cho thằng Minh.
- Minh nào?
- Út Minh con Hai Phở.
- Đi làm mướn trong lò phở hả?
- Được vậy là may. Thằng Minh chơi xì ke, ba nghĩ coi ông Đức nhà mình theo nó thì ra làm sao?
Ba Đạo nghe mà điếng người, tỉnh rượu ngay tức khắc. Cả thế giới này ai chả biết đến hiểm họa của ma túy. Thằng Đức ăn trúng cái giống gì mà đần ngu vậy kìa? Nhưng may cho Ba Đạo, một may mắn đầy đau đớn. Vài ngày sau cả cái ổ của Minh bị công an bài trừ tệ nạn hốt, trong đó có thằng Đức. Vậy là thằng con bị bắt đi trung tâm hai mươi bốn tháng.
Trong hai mươi bốn tháng ấy Ba Đạo đi thăm được hai lần. Già rồi, sức khỏe kém. Đạo làm nuôi thân còn tàm tạm, con Anh đâu có làm chi nên phải gánh luôn. Nếu chỉ cơm ăn và nước uống thì chả nói làm gì, đằng này con bé còn rượu và thuốc lá. Nhìn đứa con gái chếnh choáng hơi men miệng phì phèo thuốc lá Ba Đạo muốn tự sát. Ông đưa mắt nhìn về nơi thằng con đang cai nghiện, thêm một lần muốn chết cho rồi. Nhưng giật mình khi nghĩ cha chết rồi các con sẽ ra sao? Sau hai năm thằng Đức về, nó có vẻ biết hối cải. Thế giới của cai nghiện tất nhiên đâu có ấm bằng gia đình. Nó ghé vào làm thuê cho cơ sở gia công cửa sắt. Mười hai tháng sau Đức thành thợ thì Minh cũng mãn hạn tù về tội tham gia cướp.
Ba Đạo nghe con gái cặp kè với Minh là rùng mình. Ngay tức khắc kêu con trai đến để bàn chuyện. Đức thân chinh đến gặp Minh. Chả hiểu làm sao mà sau đó Đức bỏ luôn thợ cửa sắt theo Minh làm lon ton. Ông Đạo hỏi con trai bằng cái giọng não nùng tuyệt vọng:
- Con không làm lại cuộc đời sao Đức? Thằng Minh con nhà giàu mày theo sao kịp? Rồi tương lai mày và con Anh ra làm sao?
- Ba yên tâm đi - Đức nói đầy tự tin - Nếu đã chơi con chơi lại lâu rồi. Con còn phải lấy vợ có con nữa chớ ba. Con làm mướn trong lò phở có ăn hơn bên cửa sắt. Thằng Minh bây giờ cũng làm lại rồi ba ơi. Không tin con đi test về cho ba coi.
Ba Đạo bán tín bán nghi. Vì nghi nên phải tìm hiểu cho ra ngọn ra ngành. Quả là thằng Minh đàng hoàng thiệt chứ không chơi. Nó đến nhà ra mắt cứ như rể thiệt thọ. Đem rượu đến tạc thù cùng ông, con Anh làm mồi nhậu lâu lâu cũng ghé làm một ly. Minh không có biểu hiện của kẻ nghiện. Nó ngồi cho đến tàn cuộc nhậu rồi lăn ra ngủ. Ngủ cho đến chiều rồi về. Tỉnh queo. Người nghiện thì không vậy, thằng Đức một thời gian nghiện ngập nên Ba Đạo quá xá rành. Ông khấp khởi mừng. Nhưng khấp khởi hóa khấp khểnh ngay tức khắc.
Mọi chuyện đổ vỡ ra khi hôm ấy ông Đạo bỏ dở buổi làm đột ngột trở về vì bị cảm sốt. Ông mục kích cả ba Minh, Anh và Đức đang ngồi bên một bộ đồ chơi trông giống như một điếu bát thuốc lào nhưng toàn bằng thủy tinh. Con Anh đang ngậm cái dọc tẩu và ra sức kéo. Lúc đầu ông Đạo cứ tưởng chúng kéo thuốc lào cho vui, ngờ đâu cả bọn đang chơi đá.
Sau một năm tù Minh ranh như một con ma. Đúng là nó không chích choác nữa mà chìm vào đập đá. Thoạt tiên ba Đạo không biết đá là cái chi nhưng sau đó con ông đã đưa Minh về nhà, chúng che buồng thật kín đáo rồi phân hàng để bán lại cho tay chơi. Minh vừa bán đá vừa bán cả đồ nghề để sử dụng. Nó nằm trong phòng riêng nghe điện thoại. Đức và Anh có bổn phận giao hàng cho Minh. Chúng ở nhà ông một tuần rồi di chuyển đi nơi khác, rồi từ phòng trọ này chúng đến nhà trọ khác. Ba Đạo hiểu chúng luôn di động để tránh tai mắt của bài trừ tệ nạn.
Ông cha tội nghiệp hỏi con trai:
- Mày không sợ bị bắt đi trại lần nữa sao con?
- Ông đừng lo cho tui, còn lâu tui mới bị đi lần nữa.
- Mày là thánh hả?
- Ba cái hàng này chỉ hít chớ đâu có choác. Mà không choác thì đâu có trong máu mà test cho ra. Máu không có ma túy thì ai dám bắt? Ông yên tâm đi. Mà ông tưởng tui có tiền để chơi thứ này hả? Nó đắt gấp bốn lần ma túy ba ơi. Riêng cái ống thủy tinh dùng để kéo là cả trăm ngàn chứ không ít, mà nó bể liên tục.
- ...
- Tui đang cố theo thằng Minh để học thổi cho ra ống hít. Cái ống đó chỉ hai ngàn bạc, nhưng nếu thổi cho ra thành phẩm là trăm ngàn.
Đức nói như một thằng say. Nó huyên thuyên về cách thức xài đèn khò chơi ma túy đá, về tiền lời khẳm cho mỗi phi vụ đưa thiên hạ lên tiên. “… Tui mà thành cái vụ ống thổi này là không lo đá cho cả con Anh luôn”.
- Trời ơi là trời - Ba Đạo than - Nhưng sao mày nỡ để em mày sa địa ngục vậy Đức?
- Ông quan trọng hóa vấn đề quá đó ông ba, thứ này có thì chơi cho vui, không có thì thôi chớ đâu có vã như ken mà ông lo.
Khi say thì chả bí mật nào không được phơi ra:
- Có ba loại. Ba mươi, bảy mươi và kim cương. Ba mươi rẻ nhất thì bốn trăm ngàn một chỉ. Bảy mươi thì một triệu. Kim cương thì đại gia mới chơi nổi.
Ba Đạo đưa mắt nhìn thằng con thao thao bất tuyệt, nghe mà thở dài cho đứa con đã bị ma túy ám cho hết cả hồn người. Ông nhìn thấy thần chết đang réo gọi tên con mà không biết phải làm sao để cứu. Cuối cùng ông theo hạ sách là đến thẳng phòng bài trừ tệ nạn huyện để báo về hành vi của hai đứa con. Làm cha mà đi tố cáo con mình thì cũng bất nhẫn, có thể chúng sẽ hận ông, nhưng Ba Đạo còn lối nào để bước? Ông phải cứu hai đứa con thoát khỏi cái chết được báo trước, bằng không ông ăn làm sao nói làm sao với bà vợ đã chết? Nghe đâu người ta sẽ gặp lại nhau ở thế giới bên kia.
Ông trình bày hết lẽ. Nhưng:
- Chú biết không - Cán bộ nói - chúng tôi biết hết mọi điều thằng Minh làm. Nhưng ông nghĩ coi, nó lên xe buýt rồi dạo chơi ở Sài Gòn cho đến nửa đêm mới đến chỗ lấy hàng. Nó giao tiền và bọn giao hàng sẽ giao cho nó ở xứ mình đây. Mỗi lần giao tụi nó đi cả vài chiếc phân khối lớn, trong năm chiếc chỉ một chiếc có hàng. Ta biết chắc chiếc có hàng cũng không bắt được vì bọn đi theo ngáng đường cho đồng bọn tẩu thoát. Ở đây thằng Minh phân hàng trong nghĩa địa, mỗi một bộ hạ của nó chỉ được nhận lần năm phân, nửa chỉ để giao cho khách, hàng trong lòng tay, có động nó quăng mất lần sao cho ra mà quả tang hả chú?
Người nghiện - chú biết đó - khi thiếu thuốc chúng có thể làm mọi việc, kể cả tội ác chỉ để phục vụ cho cơn đói nhất thời. Hành vi như thằng Minh là có tội, vì nó mê hoặc mấy đứa mới lớn sa vô cám dỗ để phục vụ cho lợi ích của nó. Con chú cũng là một nạn nhân. Sau năm năm hết cai nghiện rồi tù tội thằng Minh rút ra rất nhiều kinh nghiệm để đối phó. Phải có quả tang mới bắt được chú à, còn kêu nó lên test máu để xác định thì đập đá chỉ đưa khói vào não, hủy diệt não chứ trong máu đâu có để làm hồ sơ đưa đi cai hả chú? Và biết là nó có tội, tội nặng luôn nhưng chỉ có thể đưa đi chữa bệnh như là một nạn nhân chứ đâu phải tội phạm mà đưa ra tòa kết án. Chú cứ về đi, tất cả đều đã vào tầm ngắm của bài trừ tệ nạn, đâu thể để bọn này ung dung làm hại xã hội được chú.
Hai ngày sau Minh và Anh bị truy đuổi. Trên chiếc “ẹc” 125 phân khối Minh chạy như điên. Nhưng nó bị chặn lại từ bốn phía, cùng đường Minh dừng xe bỏ chạy vào nghĩa địa. Nó để con Anh lại hiện trường. Trong xách tay đeo trên vai Anh khai nửa ký ma túy đá là của Minh. Minh bốc hơi mất dạng, ông bà Hai Phở cũng không biết đâu mà lần. Anh bị tạm giam ở điều tra xét hỏi huyện. Nguyên cái ổ của Minh xáo xác. Thằng Đức không có đá để đập nên làm một tép heroin cho thỏa cơn ghiền.
Nó tiêm một phát vô tĩnh mạch. Chỉ một mình trong nghĩa địa lại chơi trúng hàng bị pha chế nên sốc.
Mà sốc thì phải chết.
Sáng ấy Minh ghé nhà Ba Đạo. Cả xóm này ai cũng xem Minh là kẻ cần loại ra khỏi cộng đồng xã hội. Vì sao? Vì hầu hết bọn mới lớn đứa nào cũng bị Minh cho vào tròng sa đọa, ba trên mười hộ đều có con em là nạn nhân của Minh. Bảy hộ còn lại sợ một ngày nào đó sẽ đến lượt nên vừa thấy Minh xuất hiện là họ mở ngay di động.
Nhưng khi cơ động đến thì Minh đã chết. Minh ôm ngực lảo đảo ngã xuống còn Ba Đạo thì ngồi xuống võng, mắt vô hồn nhìn vào khoảng trống của hư vô. Thiên hạ bu vòng quanh để xem kẻ giết và người chết. Vợ chồng Hai Phở và anh chị em của Minh cũng có mặt. Có lẽ họ quá mệt mỏi về thằng con hư hỏng. Ngay cả bà mẹ rứt ruột đẻ nó ra mà mặt cũng trơ như đá tảng.
Thiên hạ đứng bên lề nhìn Ba Đạo bị bắt lên xe đặc chủng. Rồi xúm xít khi Minh được đưa lên hồng thập tự về bệnh viện để khám nghiệm tử thi. Khi quay lại nhìn nhà mình lần cuối, đôi mắt Ba Đạo trìu trĩu một nỗi buồn sâu thẳm.
Nguyễn Trí
Theo https://thanhnien.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...