Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Chúng ta quá lý trí để quên đi những điều kỳ diệu

“Chúng ta quá lý trí 
để quên đi những điều kỳ diệu”
Đây là bài phỏng vấn của tác giả Dương Tử Thành cho tạp chí Evan (tạp chí văn nghệ của VnExpress, hiện đã đóng cửa) khi Nhà văn Hà Thủy Nguyên mới xuất bản tác phẩm “Thiên Mã” vào năm 2010.
Đi tìm tự do tuyệt đối
– Trước đây bạn đọc từng ngạc nhiên với tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian” của một tác giả còn rất trẻ, từ đó đến nay chị đã bước tiếp con đường văn chương mà mình “trót” đặt chân lên thế nào?
– Ngay từ khi bắt đầu viết văn, tôi đã biết rằng mình không thể bước đi trên bất kỳ con đường nào khác. Những con chữ có một sức mạnh vô cùng lớn lao nhưng lại vô hình mà tôi tin rằng tôi bị ràng buộc vào đó hơn bất cứ một mối quan hệ nào trên đời thực. Sau “Điệu nhạc trần gian”, tôi còn viết “Cầm thư quán” – nhưng có lẽ cuốn sách đó ra đời không đúng thời điểm nên nó gặp phải vô vàn khó khăn ngay từ lúc dự định phát hành, để rồi kết quả là nó bị thu hồi ngay sau khi ra mắt chưa đầy một tháng. Từ khi hoàn thành cuốn đầu tiên đến giờ đã là 10 năm, tôi đã thấy yên tâm hơn với con đường của mình.
– Khi còn là trẻ con thì chị đã “dám” viết văn người lớn, nhưng khi đã thực sự thành người lớn rồi thì chị lại… viết cho trẻ con, vậy đâu mới là hướng đi chủ đạo trong văn chương của Hà Thủy Nguyên?
– Tôi cho rằng không nên phân biệt người lớn và trẻ nhỏ. Bạn có thể chắc rằng một người già sẽ luôn luôn thông suốt các vấn đề của cuộc đời hay một đứa trẻ bằng sự trong sáng lại giải quyết các khó khăn, tháo gỡ phức tạp một cách ổn thỏa và hợp lý? Sẽ rất khó đoán biết được ai sáng suốt hơn. Còn về bản thân tôi, tôi luôn là một đứa trẻ tò mò muốn khám phá thế giới. Khi còn ít tuổi, tôi luôn muốn được phiêu lưu nên tôi đã vẽ ra một thế giới phiêu lưu trong “Điệu nhạc trần gian”. Rồi theo thời gian, như bao nhiêu người khác, tôi bị cuốn vào cuộc sống lo toan hàng ngày với cơm áo gạo tiền tới mức mệt mỏi, bế tắc. Và tôi bắt đầu lại nhớ về những giấc mơ bay bổng thuở thiếu thời. Nhưng cho dù là lúc còn thơ ấu hay hiện tại đã trở thành một người mẹ, tôi vẫn là một Hà Thủy Nguyên, khát khao đi tìm tự do tuyệt đối.
– Có ý kiến cho rằng viết cho trẻ con sẽ… dễ hơn viết cho người lớn, chị thấy thế nào?
– Viết cho trẻ con đúng là dễ viết hơn cho người lớn nếu chúng ta vẫn còn giữ một tâm hồn trong sáng như trẻ thơ. Trẻ con là những sinh linh hoàn hảo và vị tha nhất. Còn người lớn đầy định kiến, thù hằn nên họ rất khó tiếp nhận bất cứ điều gì khác biệt. Chuyện khó – dễ vô cùng tương đối. Một đứa trẻ có thể dễ dàng đọc một tác phẩm dành cho người lớn, nó có thể không thấy hấp dẫn nhưng tôi tin nó hiểu. Còn người lớn chúng ta thì sao? Không nhiều người có thể hiểu được cho đúng một câu chuyện thần tiên hay một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Họ sẽ cho đó là ngớ ngẩn. Tôi biết, vì tôi cũng từng có thời như thế. Nhưng khi chán nản với cuộc sống đầy định kiến và quy tắc này, tôi mới phát hiện ra một điều: mình thật nhỏ bé trước những đứa trẻ.
– Theo chị, khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học cho thiếu nhi của Việt Nam với các tác phẩm văn học cho thiếu nhi của nước ngoài là gì?
– Đa phần tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam đều hướng tới thế giới thực với các bài học quá khiên cưỡng. Chúng ta không cho phép trẻ em được lựa chọn giữa việc làm đúng và sai mà luôn cưỡng ép chúng phải thế này, phải thế kia. Hơn nữa, chúng ta đã quá lý trí để quên mất những điều kỳ diệu, những phép màu, những cuộc phiêu lưu… Lâu rồi tôi không thấy nó trong các tác phẩm văn học thiếu nhi.
Thiên Mã sẽ là… điểm nổ
– Chị thấy người trẻ viết cho thiếu nhi sẽ có lợi thế gì so với các tác giả có thâm niên nhưng đồng thời cũng lớn tuổi?
– Tôi không cho rằng người trẻ viết cho thiếu nhi có lợi thế hơn những bậc tiền bối ở vấn đề tuổi tác. Các bạn có thể thấy khi “Hoàng tử bé”, “Biên niên sử Narnia”, “Harry Potter” ra đời thì Saint Exuperi, C.S.Lewis hay Rowling đều là những người đã trưởng thành thậm chí còn nhiều tuổi. Vậy vấn đề không phải là tuổi tác, vấn đề là ở tâm hồn.
– Chị có thấy rằng luôn cần những thay đổi trong cách viết cho thiếu nhi bởi chúng ta luôn có những thế hệ bạn đọc “nhí” mới với những nhu cầu cảm thụ mới, nhưng nhìn chung những sáng tác dành cho thiếu nhi ở Việt Nam còn khá mô phạm và cũ kỹ?
– Tôi nghĩ ban đầu phải xóa bỏ những định kiến, rồi thì cách viết sẽ tự đến. Chúng ta trước hết phải tự hỏi rằng chúng ta có hiểu hết những sở thích, những phản ứng, những biểu hiện của lũ trẻ hay không? Trẻ con có cách tư duy khác chúng ta, chúng làm mọi việc đều có lý của chúng. Và cái lý mà chúng ta muốn áp đặt cho chúng sẽ gây ra hai hậu quả: hoặc là chúng sẽ phản đối mãnh liệt tới mức bất cần, hoặc là chúng sẽ ngoan ngoãn nghe lời và khoác trên mình thật nhiều lớp mặt nạ tới mức mất bản sắc. Hãy cho chúng quyền được lựa chọn và khéo léo giúp chúng tìm thấy điều tốt đẹp trong những điều tồi tệ nhất chứ không phải là sự ép buộc, áp đặt chúng làm những điều mà ta cho là tốt. Khi bạn không muốn con bạn chơi game, bạn mà nói game là xấu, chắc chẳng đứa trẻ nào tin đâu. Bạn tìm cách cấm chúng lại gần game sẽ càng thôi thúc sự thèm muốn và bướng bỉnh ở trẻ. Thực ra chơi game không xấu, chỉ con người chúng ta làm nó xấu thôi. Nếu chúng ta quan tâm và có hiểu biết về game để hướng dẫn con trẻ đến với những game hay và tốt thì những thứ game bạo lực tồi tệ sẽ không thể tiếp cận được. Còn khi chúng ta không quan tâm, con trẻ sẽ tiếp nhận bất cứ cái gì đến với chúng.
– Như vậy, với việc nhận ra những thứ mà bạn đọc nhỏ tuổi đang cần, độc giả có thể đặt nhiều kỳ vọng vào “Thiên Mã”, cuốn truyện thiếu nhi mới xuất bản của Hà Thủy Nguyên?
– Tôi hy vọng như vậy. Có thể nó chưa xuất sắc, nhưng tôi tin nó sẽ là một điểm nổ đầu tiên. Đã đến lúc chúng ta phải vượt qua những đường biên, những ranh giới, những quy tắc cũ mòn để thả tâm hồn bay bổng tới bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì. Kinh Thánh có câu: “Hãy gõ cửa rồi cửa sẽ mở! Hãy tìm rồi sẽ thấy!” Chẳng ai ràng buộc, giam hãm chúng ta cả, chỉ có chúng ta tự giới hạn mình thôi.
Tìm điều mới mẻ trong thế giới cũ
– Chị viết “Thiên Mã” trong tâm thế nào?
– Khi bắt đầu viết “Thiên Mã” tôi đang trong một tâm thế chán nản và thấy tiếc nhớ một điều gì đó khó hiểu. Có lẽ là “Nhớ rừng” vì tôi đã “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt” quá lâu. “Thiên Mã” có thể coi là sự xổ lồng của tôi.
– Với chất giả tưởng, kỳ ảo, “Thiên Mã” đã vẽ ra một thế giới mới mẻ. Khi đọc sách, trí tưởng tượng của bạn đọc sẽ được phát huy ở mức cao nhất, đó có phải là một dụng ý của chị trong quá trình viết?
– Thực ra tôi không vẽ ra một thế giới mới, tôi chỉ đi tìm những điều mới mẻ trong một thế giới mà ai cũng thấy rằng nó đã cũ thôi. Nói một cách khác, thế giới này không thực đến vậy, còn vô vàn điều huyền bí mà chúng ta không hiểu. Tại sao chúng ta không đi tìm phép lạ ở ngay thế giới này?
– Khi viết “Thiên Mã”, điều chị quan tâm nhất là gì?
– Điều tôi quan tâm nhất khi viết “Thiên Mã” đó là tôi hy vọng sẽ đánh thức con thiên mã trong giấc mơ của mỗi người, dù người đó còn là đứa trẻ hay bạn đã bạc đầu. “Thiên Mã” chỉ là cuốn đầu trong cả series của tôi. Sẽ còn có những cuộc hành trình khác cho các nhân vật chính trong tương lai.
– “Thiên Mã” được chị viết theo gợi ý “đặt hàng” của biên tập viên NXB Kim Đồng và nó đã được đánh giá cao, như vậy có thể hiểu, viết theo đơn hàng cũng có thể cho ra một sản phẩm văn chương chất lượng?
– Tôi cho rằng chuyện “đặt hàng” ấy có thể là một cái duyên để đưa tôi bay bổng và thoát khỏi đời sống thực. Tôi chẳng quan trọng chuyện “đặt hàng” hay không, tôi chỉ viết những điều hợp với tôi. Nếu sự “đặt hàng” đó không thích hợp, tôi sẽ không bao giờ dám nhận.
– Theo chị, sáng tác theo đặt hàng có là một yếu tố phản ánh sự chuyên nghiệp của người viết?
– Tôi không cho là vậy! Sự chuyên nghiệp thể hiện ở tay nghề chứ không phải là có theo đặt hàng hay không. Đôi khi sự “đặt hàng” lại là một sự gợi ý, và chúng ta có quyền lựa chọn sự gợi ý đó hay không.
– Nhiều người có nhận xét, với cách viết khá… Tây cùng với cách trình bày, minh họa bìa của “Thiên Mã” cũng khá… Tây khiến nhiều người liên tưởng đến những cuốn sách thiếu nhi của nước ngoài, chị vui hay buồn trước nhận xét này?
– Giữa một “thế giới phẳng”, tại sao lại còn có những ý niệm Đông – Tây. Tôi không lựa chọn cách viết cho mình, mà nó tự đến một cách tự nhiên. Khi viết cuốn sách nào đó, tôi sống hoàn toàn trong bầu không khí của cuốn sách ấy.
Ai cũng có sứ mệnh của riêng mình
– Khi còn là trẻ con chị có mong ước nhiều điều “viển vông” không?
– Chắc hẳn rằng bạn đã nhận ra sự viển vông của tôi. Không phải chỉ lúc trẻ con tôi mới mơ mộng viển vông. Tới giờ, tôi vẫn vậy. Nhiều người cho rằng tôi dại dột, nhưng tôi lại thấy yên lòng với những sự dại dột đó.
– Chị có nghĩ rằng sẽ xuất hiện một thế hệ nhà văn viết cho thiếu nhi cập nhật đời sống hiện đại tốt hơn, gần gũi với trẻ em Việt Nam hôm nay hơn khi những tác giả mới này vốn bước ra từ “thế hệ độc giả @”?
– Tôi tin vào điều ấy. Bất cứ người bình thường nào ta gặp hàng ngày sau này cũng có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng, thậm chí là vĩ đại. Trước khi trở thành một tác giả, tôi cũng là một độc giả và đến giờ tôi vẫn là một độc giả.
– Đã thử bút ở tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, kịch bản phim, chị có ý định sẽ đầu tư chiều sâu vào một thể loại nhất định?
– Tiểu thuyết luôn là niềm đam mê của tôi. Truyện ngắn, thơ, hay tản văn chỉ là đôi phút xúc cảm tới mức không chịu được mà phải viết ra. Còn kịch bản phim là một phương tiện thuận lợi cho cuộc sống của tôi, thuận lợi hơn là nó dễ dàng đến với đông đảo khán giả để nói hộ tôi những điều mà tôi muốn nói. Hãy coi những thể loại khác như những người bạn, còn tiểu thuyết là người tình của tôi.
– Đoạn kết của “Thiên Mã” có câu “Định mệnh đã gắn tôi với những điều kỳ diệu. Chắc chắn tôi được sinh ra để thực hiện một sứ mệnh nào đó”, ứng câu này vào tư cách của một người viết văn, chị có tin như thế?
– Tôi xin mượn hai câu thơ của Lý Bạch để nói về điều này: “Sinh ta trời có chỗ dùng/ Nghìn vàng tiêu hết lại trông thấy về”. Ai cũng có sứ mệnh riêng của mình, phải không nào!
Dương Tử Thành phỏng vấn
Nguồn: Evan
Theo http://hathuynguyen.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...