Nhà văn Hữu Mai
Nói đến nhà văn Hữu Mai, không thể không nhắc đến ông là người
duy nhất có mối lương duyên về văn chương với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng
huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đấy, ông còn là
cha đẻ của hơn 60 cuốn sách khác mà khi nhắc đến tất thảy mọi người chúng ta
không khỏi ngỡ ngàng. Vì chúng đã làm nên một phần không thể thiếu trong lịch sử
văn chương và điện ảnh nước nhà. Ông đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học-
Nghệ thuật đợt I, năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt
V, 2016.
Người lữ hành lặng lẽ
Nhà văn Hữu Mai tên thật là Trần Hữu Mai. Ông sinh ngày
mồng 7 tháng 5 năm 1926, tại thành phố Thanh Hóa, nhưng nguyên quán của
ông gốc ở làng Đông Trụ, xã Chiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Hữu Mai là con một gia đình viên chức nhỏ. Khi kháng chiến
toàn quốc bùng nổ (1946), ông tham gia tự vệ, chiến đấu trong nội thành Hà Nội
rồi vào bộ đội, phụ trách báo Quân Tiên Phong (báo của Đại đoàn 308). Ông từng
tham gia nhiều chiến dịch thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó có chiến
dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Sau khi hòa bình lập lại, năm 1956, ông là một trong số những
người được cấp trên phân công đứng ra thành lập và biên tập tạp chí Văn nghệ
Quân đội. Sau đó làm trưởng phòng Văn nghệ Quân đội với quân hàm Đại tá và ông
là một trong số những người tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1957.
Năm 1983, ông chuyển ngành sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Hữu
Mai từng là Ủy viên thường trực Hội Nhà văn Việt Nam các khóa III, IV. Đặc biệt
ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên và duy nhất trở thành thành viên của Hiệp hội
Quốc tế những nhà văn viết truyện trinh thám (Association Internationale
de Ecrivains Policier- AIEP). Ông qua đời ngày 17/6/2007 tại Hà Nội, hưởng
thọ 81 tuổi.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Hữu Mai là một
trong số ít người để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm văn chương thật sự
đồ sộ, hơn 60 tác phẩm đã công bố, trong đó chủ yếu là tiểu thuyết lịch sử, ký ức,
hồi ký và kịch bản điện ảnh, viết về hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc
ta, chống Pháp và chống Mỹ.
Những tác phẩm văn chương tiêu biểu của ông gồm: Những
ngày bão táp (tiểu thuyết, 1956), Cao điểm cuối cùng (tiểu thuyết,
1960), Ðồng đội (tập truyện ngắn, 1962), Phía trước là mặt trận (tập
truyện ngắn, 1966), Dải đất hẹp (ký sự, 1967), Vùng trời (tiểu
thuyết, 3 tập, 1971,1975, 1980), Trận đánh cuối cùng (ký sự,
1977), Đất nước (tiểu thuyết, 1985), Ông cố vấn (tiểu thuyết,
3 tập, 1988, 1989), Đêm yên tĩnh (truyện, 2000), Người lữ hành lặng
lẽ (tiểu thuyết tư liệu, 2005), Không phải huyền thoại, Hà Nội
12 ngày đêm... Các kịch bản điện ảnh và truyền hình có: Hoa ban đỏ, Ông cố
vấn, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Cao điểm cuối cùng... Ông cũng
là nhà văn duy nhất có lương duyên văn chương với vị Đại tướng Tổng tư lệnh
Quân đội Nhân dân, Võ Nguyên Giáp. Đại tưởng đã trao cho ông một nhiệm vụ rất nặng
nề nhưng cũng vô cùng vinh quang là “thể hiện” những hồi ức của Đại tướng trong
6 tập sách với các tiêu đề khác nhau: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (hồi
ký, 1964), Từ nhân dân mà ra (hồi ký, 1966), Những năm tháng
không thể nào quên (hồi ký, 1970), Chiến đấu trong vòng vây (hồi
ký, 1995), Đường tới Điện Biên Phủ (hồi ký, 1999), Điện Biên Phủ
- điểm hẹn lịch sử (hồi ký, 2000).
Với những đóng góp to lớn ấy, nhà văn Hữu Mai đã từng nhận được
các giải thưởng văn chương cao quý như: Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng với
tác phẩm Ông cố vấn, năm 1989; Giải A văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam,
năm 1990; Giải A văn học về đề tài an ninh và Hội Nhà văn Việt Nam;
Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật đợt I, 2001 cho các tiểu thuyết: Cao
điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông cố vấn và Giải thưởng Hồ Chí Minh
về Văn học- Nghệ thuật đợt V, năm 2016 cho các tác phẩm Đêm yên tĩnh và Người
lữ hành lặng lẽ.
Những đóng góp của Hữu Mai vào nền văn chương nước nhà
Ở vào tuổi 30 (1956), nhà văn Hữu Mai đã cho ra đời cuốn tiểu
thuyết đầu tay Những ngày bão táp. So với thế hệ trẻ bây giờ và những tài
năng văn chương thuộc phong trào Thơ Mới, nhóm Tự lực văn đoàn và
nhóm Trường thơ loạn hay còn gọi là Bàn thành tứ hữu ở đất võ
Bình Định gồm các tên tuổi như: Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên
trước đây, thì độ tuổi xuất hiện trên văn đàn Việt của nhà văn Hữu Mai không phải
là quá sớm. Nhưng cái khác biệt so với rất nhiều người là ở chỗ, từ khi chính
thức bước lên văn đàn với tư cách là một người viết tiểu thuyết, sau nửa thế kỷ
nhà văn Hữu Mai đã cho ra đời hơn 60 đầu sách, vị chi trung bình mỗi năm ông có
1,2 cuốn sách trình làng. Cũng cần nói thêm rằng, sách của Hữu Mai chủ yếu là
tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết sử liệu và hồi ký, mà giới văn chương thường gọi
là binh chủng chủ lực, những cỗ trọng pháo của một nền văn học.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân miền Bắc đã
nhanh chóng bắt tay vào việc hàn gắn những vết thương chiến tranh và xây dựng
chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam. Khi ấy nhiều nhà
văn còn đang tìm cách viết về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo tư
bản, thì nhà văn Hữu Mai vẫn kiên trì viết về đề tài chiến tranh cách mạng và
người lính. Vào năm 1956, ông đã cho ra đời tiểu thuyết Những ngày bão táp và
bốn năm sau (1960) ông lại cho ra đời tiếp tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng,
để rồi sau này đến năm 2001, tác phẩm trở thành một trong ba bộ tiểu thuyết được
nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật.
Thông thường sau chiến thắng, không ít người vẫn mải mê ngủ
quên trong vòng hào quang ấy. Thay vì điều đó, nhà văn Hữu Mai lại dám nhìn thẳng
vào những sự kiện lịch sử đã từng diễn ra để suy tư và thể hiện chúng trong tác
phẩm của mình. Đấy là hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ đã từng không quản ngại gian
khổ, không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu hy sinh trên chiến trường vì nền
độc lập tự do của Tổ quốc. Nhưng số ít trong những người lính ấy đã từng có lúc
dao động tư tưởng, tình cảm và có khi mềm lòng trước những khó khăn, gian khổ
và những cám dỗ vật chất đời thường. Điều ấy cách đây gần nửa thế kỷ so với hôm
nay, khi mà chiến tranh đã đi qua lâu rồi, không lấy gì làm khó hiểu. Nhưng nếu
đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỳ trước,
khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta mới đi qua được dăm ba năm,
thì những sự thật ấy xem ra vẫn trong vòng húy kỵ. Vậy mà nhà văn Hữu Mai vẫn
dũng cảm phản ánh nó vào trong truyện ngắn Mất hết và tiểu thuyết Cao
điểm cuối cùng.
Và cũng bắt đầu từ đấy cho đến những tác phẩm sau này
như: Phía trước là mặt trận, Dải đất hẹp, Vùng trời, Trận đánh cuối cùng,
Đất nước, Ông cố vấn... nhà văn Hữu Mai vẫn luôn trung thành với bút
pháp hiện thực nghiêm ngặt trong suốt cả đời văn nghiệp của mình. Đặc biệt là 6
tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà ông được Đại tướng giao trọng trách
chấp bút, nhà văn Hữu Mai luôn tôn trọng sự thật lịch sử đến mức tối đa.
Sau này khi có người hỏi ông về quá trình viết cuốn tiểu thuyết Cao
điểm cuối cùng, nhà văn Hữu Mai đã chia sẻ: Nếu tôi nhớ không lầm, thì trước
“Cao điểm cuối cùng”, văn học của ta chỉ mới viết về những cán bộ quân đội ở cấp
đại đội, tiểu đoàn, cao nhất là trung đoàn. Trong “Cao điểm cuối cùng” có mặt từ
người chiến sĩ đến đồng chí Tổng tư lệnh với tư cách là những nhân vật văn học.
Cuốn sách đã đề cập đến những ác liệt và mất mát trong chiến tranh trước đó văn học vẫn né tránh. Và đặc biệt lần đầu đề cập tới những mặt tiêu cực trong chiến tranh, một cán bộ tiểu đoàn trong giờ phút khó khăn nhất của cuộc chiến đấu trên đồi A1 đã bỏ chạy.
Cuốn sách đã đề cập đến những ác liệt và mất mát trong chiến tranh trước đó văn học vẫn né tránh. Và đặc biệt lần đầu đề cập tới những mặt tiêu cực trong chiến tranh, một cán bộ tiểu đoàn trong giờ phút khó khăn nhất của cuộc chiến đấu trên đồi A1 đã bỏ chạy.
Và sau khi đọc Cao điểm cuối cùng của nhà văn Hữu
Mai, cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Tổng Tham mưu trưởng chiến dịch Điện
Biên Phủ đã đánh giá: Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được
khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói
lọi của dân tộc. Tính chân thật đặc biệt của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến
và các nhân vật được xây dựng nên trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên
hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho “Cao điểm cuối
cùng” trong một chừng mực nào đó giá trị một sử liệu.
Cuối cùng, với tư cách là Ủy viên Thường trực Hội Nhà văn Việt
Nam phụ trách công tác hội viên hai nhiệm kỳ III và IV, nhà văn Hữu Mai đã góp
công lớn đối với phong trào văn chương nước nhà, lo việc tổ chức, quản lý, tìm
nguồn tài chính để duy trình hoạt động của Hội, xây dựng đội ngũ nhà văn kế cận,
phát triển phong trào văn chương trên khắp cả nước. Mọi việc ông làm đều cẩn trọng,
tỉ mỉ và chu tất hết lòng vì đồng nghiệp, vì sự phát triển văn chương nước
nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét