Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Người phát tờ rơi

Người phát tờ rơi
Phát tờ rơi không phải là việc dễ dàng. Có những người chỉ cần chìa tay ra là đối phương đón nhận ngay, 20 giây đèn đỏ cũng giúp họ tống đi một xấp dày. Nhưng cũng có những người dù được ưu đãi 60 giây đèn đỏ, dù dâng bằng cả hai tay, đối phương cũng lắc đầu.
Phát tờ rơi không phải là việc dễ dàng. Có những người chỉ cần chìa tay ra là đối phương đón nhận ngay, 20 giây đèn đỏ cũng giúp họ tống đi một xấp dày. Nhưng cũng có những người dù được ưu đãi 60 giây đèn đỏ, dù dâng bằng cả hai tay, đối phương cũng lắc đầu.
Anh thuộc dạng chẳng thể phát tờ rơi. Mỗi khi đèn đỏ bật sáng, anh đã dùng nhiều cách khác nhau. Lạnh lùng chìa tờ rơi vào mặt đối phương như thể “mày không thể không nhận". Hoặc chậm rãi một tay đưa một tay đỡ dưới như kính cẩn dâng kèm câu: “Dạ em gửi!”. Nhưng đa số người đi đường đều lơ anh đi. Một số ít nhận vì thương hại sau khi chứng kiến quá nhiều cái lắc đầu. Người phát tờ rơi gồm đủ các bậc tuổi tác, ngoại hình, giới tính, mà chẳng hiểu sao anh lại lọt vào nhóm vô duyên đến thế với nghề này.
Anh là người phát tờ rơi thất bại nhất mà chị từng thấy.
Mỗi khi nách thúng đi ngang, thấy anh vậy chị đều quay lưng bỏ đi như chạy. Chạy không phải vì chị xấu hổ, mà vì thấy xót cho anh quá. Chị không cần người đàn ông của chị làm gì cả, chỉ cần giữ gìn bàn chân cho lành lặn, sạch sẽ là được.
Chị lớn lên trên cái ghe chòng chành ngay cửa biển. Những bữa cơm thường nặng nề trên cái mui ghe rộng chừng bốn mét vuông. Trên đó, ba mẹ, anh trai chị và chị, kẻ xếp bằng, người chống hờ một chân, người ngồi chồm hổm quanh chảo cá kho và nồi cơm vì được nấu trên bếp củi nên lọ nghẹ bám đầy vòng ngoài. Bốn người chìa ra tám cái chân đã thương tổn vì nước ăn. Bàn chân của ba và anh chị bé xíu vì ít đi lại trên đất liền. Trên ghe, họ chỉ lết từ đầu này sang đầu kia nên lưng gù, mông chai, hai bắp chân teo héo lại. Các móng chân ngâm nước nên hư hao, khóe chân lở loét, da bong tróc.
Chẳng rõ từ khi nào, chỉ biết là nhà chị đang nợ nần chồng chất. Mỗi tháng lại có hai ba lượt người bơi xuồng ra tận ghe hoặc khi mẹ con chị vừa bán xong mớ cá, bước ra đến cổng chợ đã có người chặn lại đòi tiền.
Như mấy ghe neo lân cận, nhà chị làm nghề lưới và thả câu. Mẹ chị ốm yếu chẳng làm được gì nhiều, chỉ quanh quẩn ở ghe, làm cá, ướp tôm, đến việc nách cái thau đi bán cũng khiến bà chệnh choạng. Chị và anh trai mỗi sáng đều bơi xuồng vào đất liền đi học. Bao nhiêu công việc đổ dồn lên lưng ba chị: giăng đáy, thả câu, hụp lặn… Người đàn ông thức đêm thức hôm làm việc mà tiền không được nắm trong tay thành ra cau có và hay oán trách. “Chữ có đem kho được không” - ông hỏi và gõ đũa lên chảo cá vụng kho khô. “Mỗi tháng nhà trường cho mấy ký gạo nấu ăn?” - ông giầm muỗng vào nồi cơm. Né tránh những câu nửa đùa nửa thật nghe nhói lòng đó, chị cúi mặt nhìn vào tám bàn chân sần sùi, nứt nẻ. Chị thấy chúng ghê ghê.
Khi cơn ghen tuông nổi lên, bàn chân đó đá tung nồi cơm xuống sông. Khi anh trai chị bị phát hiện ngồi đồng trong quán game, bàn chân như thế ra đòn trừng trị thay cho cánh tay.
Một hôm mẹ chị muốn tự bơi xuồng thả câu vớt. Tức buộc lưỡi câu vào phao nhỏ, rồi móc mồi thả xuống mặt sông. Phao câu trôi lềnh đềnh trắng mặt nước, hễ thấy cái phao nào nhấp nhô lay động, nghĩa là cá đã ăn mồi. Người thả sẽ bơi xuồng đuổi theo phao rồi dùng vợt vớt lên.
Bà thả phao câu rồi thả xuồng theo con nước trôi êm êm. Xuồng trôi khuất tầm mắt cha con chị rồi biệt tăm không thấy về. Chiều đó người ta thấy xuồng được neo ở bến chợ, người ta nói thấy bà lên bờ nhưng không thấy quay lại. Cha chị mở thùng đồ ra thì thấy mất đi hai bộ quần áo lành lặn nhất của bà. Chị không biết nên nghĩ bà là con cá mắc phải mồi câu nào đấy nên bị vớt đi, hay bà là con cá may mắn, nhả được lưỡi câu nên vội vàng ôm vết thương lặn mất.
Cha chị bắt đầu những chiều say khướt. Đêm đêm tiếng chửi bới của ông vang lanh lảnh. Ngày ông bà ngoại ra đón chị vào đất liền, chị ngồi trên xuồng ngoái lại nhìn cha mà không nói được lời nào. Ông quay lưng đi hì hục kéo lưới, khi ông ngưng tay quẹt mồ hôi, chị thấy tấm lưng xác xơ của ông run lên bần bật. Chị muốn kêu lên: Con thương cha lắm, cha cực khổ nuôi cả nhà. Con xin lỗi, con biết mẹ sẽ đi mà không nói… nhưng cổ chị ứ nghẹn. Chỉ có nước mắt rơi lã chã xuống đôi bàn chân.
Chị thích nhìn vào đôi bàn chân của những chàng trai mình gặp. Dù chàng trai ấy mặt mũi khôi ngô cỡ nào nhưng đôi bàn chân hắn thiếu chăm chút cũng khiến chị thất vọng, chán chường. Những đôi bàn chân to khỏe, lành lặn, đẹp đẽ khiến chị thấy bình yên, xao xuyến, nhung nhớ. Và chị hứa với lòng, không bao giờ để người đàn ông đời mình phải chịu khổ cực, hư hao thân thể.
Những buổi chiều sau giờ tan ca ở xưởng may, chị hay vừa nấu cơm vừa nhìn đám trai ở chung dãy trọ đá banh hoặc xách xô đuổi bắt những con cá theo nước ngập bò lên bờ.
- Tao thích Nguyên - Chị đáp lại ánh mắt tò mò của hai cô bạn cùng phòng.
Cô bạn trề môi:
- Rước về cúng hả bà? Nhìn tướng đã biết là không làm được việc nặng.
Chị vẫn hướng tầm nhìn vào đôi bàn chân đầy đặn, sạch sẽ của anh đang đứng xớ rớ giữa đám đông công nhân nghịch ngợm té nước, cười tủm tỉm.
Hai cô bạn của chị một hôm gặp lại người quen cũ, từng là công nhân cũng thuê trọ ở đây. Nay chị bạn ấy đã mượt mà, ăn mặc sang trọng. Chị ta rủ rê họ cùng tham gia kinh doanh, kiếm trăm triệu mỗi tháng.
Hai cô bạn muốn thoát khỏi đời công nhân vất vả nên đã cắn phải lưỡi câu đa cấp. Họ càng vùng vẫy muốn gỡ lại tiền mồ hôi nước mắt càng lún sâu mất của. Một cô sau khi phẫn uất tự tử không chết đã được người thân đón về quê. Cô còn lại buồn não nề bỏ việc dọn đi nơi khác. Sau này thi thoảng chị gặp lại cô gái ấy với khuôn mặt tô son điểm phấn ngồi nâng ly cùng một số người ở quán nhậu bên đường.
Chị ở một mình trong căn phòng trống trải nên gọi anh sang ở cùng. Sau đó họ có một tiệc cưới nho nhỏ.
Chị về nhà lúc gần 11 giờ đêm sau một ngày nách thúng trái cây, trứng cút, bánh trái lặt vặt.
- Em nhớ đừng đi đường D4 - Sự quan tâm của anh làm chị tan mệt nhọc.
Chị vội vàng tắm gội mà không dám nói: “Hồi nãy em thấy anh lóng ngóng, lọng cọng, thấy anh bị dòng người dừng xe chối từ, hờ hững”. Nếu nói vậy chắc anh sẽ bỏ nhà đi mất.
Anh lục trong rổ chị tìm báo cũ. Trong những tờ báo như thế, anh từng tìm thấy việc làm ở xưởng gỗ. Nhưng bọn công nhân trong đó chiều chiều thấy anh về mà không ngồi lại nhậu nên đã kiếm cớ gây hấn. Anh về làm phụ hồ cho bác tổ trưởng khu phố. Mùa mưa ập tới, nhóm thợ hồ thất nghiệp. Chị cũng không đành lòng để tay chân anh hư hao vì nghề nặng nhọc đó. Trong lúc bưng thúng đi bán, chị lại tìm cho anh công việc phát tờ rơi của một trung tâm Anh ngữ. Công việc này có vẻ sang trọng hơn. Anh cầm theo một xấp hồ sơ dày gồm thông tin về trường, phiếu đăng ký nhập học, ở góc trái phiếu có ghi tên anh. Anh và nhiều người khác sẽ đến các khu vực có nhiều người tập trung để “Xin lỗi anh chị vui lòng cho tôi 1 phút!”. Nếu họ gật đầu anh sẽ giới thiệu cho họ về các chương trình học của trường. Sau cùng anh gửi họ phiếu đăng ký nhập học.
Nếu học viên nào đến đăng ký học mà mang theo phiếu của anh, anh sẽ được hưởng 40 phần trăm từ học phí. Cả mấy tháng nay thi thoảng anh nghe người quản lý kêu lên: “Anh Kha bên đội B hôm nay tư vấn được hai người đến học rồi đấy...”. Anh nhẩm tính, 40 phần trăm của năm triệu là 2 triệu, 2 lần là 4 triệu. Anh thấy hồ hởi nên mỗi sáng anh lại mặc áo sơ mi trắng, quần tây, đến H. mang hồ sơ đi làm nhân viên tư vấn. Chiều chiều anh ghé ngang qua các cơ sở chuyên phát tờ rơi thuê cho trường nhạc, quán ăn, hiệu thuốc giảm cân… để nhận và phát thêm, lấy ngắn nuôi dài, chờ ngày có học viên đến H. đăng ký học.
Trong khi anh lọ mọ đọc báo và chiều theo các đòi hỏi của con, chị đến bên kệ, lấy đồ cắt móng, ngồi xuống nâng chân anh lên đặt trên đùi mình. Chị bắt đầu tỉ mẩn cắt từng móng một.
- Mới cắt hôm kia mà em - Anh nhắc.
- Cắt nữa được rồi.
Anh biết chị yêu quý đôi chân của anh đến dường nào, việc cắt móng cho anh là hạnh phúc lớn lao của chị. Anh đành nằm yên đó để chị được tận hưởng việc chăm sóc anh. Thằng con trai ngồi cạnh góc nách anh, cho cái nắp chai vào mồm, xong lại lấy ra vật xuống đất, lại nhặt lên nhét vào mồm.
Người đàn ông của chị đang có những ngày tháng không mấy vui vẻ, đang phải thất nghiệp nằm nhà. Cái ăn không thiếu và chị cũng không cần anh vất vả làm việc, nhưng như thế tổn thương đến tôn nghiêm đàn ông trong anh. Chị thấy ấm ức khi dòng người xa lạ ngoài kia dám hờ hững với anh.
Nghĩ vậy, nước mắt của chị tuôn rớt trên bàn chân anh. Chị vội vàng phủi đi. Cũng may anh đang làm gì đó để chiều ý đứa con nên không nhận ra.
Cắt móng cho anh xong, chị choàng tay hốt trọn đứa con vào lòng mình hôn lấy hôn để đứa con để bù đắp cho nửa ngày xa cách.
Chị dừng lại bên vệ đường, sau vài câu xã giao với chị hàng nước thì bắt đầu ngồi xé tờ báo vừa xin được thành từng miếng nhỏ để đựng muối tiêu. Một bài viết có hình ảnh những người phát tờ rơi khiến chị chú ý. Chị giật thót tim khi thấy bài báo nói về trung tâm H., một trung tâm chuyên bóc lột sức lao động của người khác. Thực tế có phát tờ rơi cho H. đến cuối đời cũng không được bốn mươi phần trăm như đã hứa. Học viên dù có mang theo tờ rơi đến đăng ký thì người phát cũng không hề biết và trung tâm cũng không cần thành thật cho người phát nhận tiền như đã hứa.
Chị gọi đến lần thứ ba anh mới bắt máy. Thông tin đó không làm anh bất ngờ. Anh đã biết rồi, vì vậy hôm nay không đi phát nữa. Anh đang ngồi ở quán cà phê đầu hẻm xem người ta đánh cờ với tâm trạng chán chường.
Chị về sớm vì nghĩ anh cần có ai đó ở cùng.
Về mới hay thậm chí hôm nay anh không đi phát cả các thể loại tờ rơi khác.
- Người ta nói anh không phát đủ số tờ rơi nên tuần này coi như không có lương. Thường người ta nhận tờ rơi xong thì vứt xuống đất. Họ đến mấy ngã tư anh đứng nhưng không thấy những tờ rơi vương vãi nên cho là anh gian dối không phát.
Chị như nhảy dựng lên:
- Mình có phát, là do có ít người nhận thôi.
- Cũng không có gì khác nhau.
Anh hôn lên trán chị rồi trở ra đầu hẻm tiếp tục xem đánh cờ.
Thi thoảng chị gặp An - cô bạn chung phòng năm nào. Trông chị nách thúng An cũng không cần hỏi chị làm gì. Trông An son phấn đậm đà nay ngồi với vị khách này mai đi cùng vị khách kia tới quán nhậu chị cũng không dám hỏi An làm gì. Thi thoảng An đi cùng các cô bạn ngồi uống bia ở bờ kè để giải sầu. An túm chị lại ngồi riêng một góc.
- Ông Nguyên làm gì?
- Đang chờ việc - Chị không cần phải giấu, vì chuyện đó chẳng có gì xấu hổ.
An không bình luận gì, rót cho bạn thêm chút bia, nghĩ yêu thương cũng là cái nghiệp.
Chị khóc. Không gian im lặng, những bạn bè của An ngoái nhìn. Một chị gái tóc ngắn, dáng như nam giới thở dài:
- Mấy đứa không có ai để yêu khi uống vô thì nổi máu côn đồ, ngang bướng. Đứa nào có ai đó để yêu, yêu hết mình, uống vô thì hay khóc. Kệ nó đi.
An gọi anh ra đón chị về.
Anh để chị gối đầu trên vai mình, vỗ nhè nhẹ lên vai chị.
- Sao em khóc?
- Tại thương anh quá.
Anh tiếp tục vỗ nhè nhẹ để chị hay là anh vẫn ở kế bên chị đây, chị an tâm mà ngủ.
Anh trở về nhà mang theo lỉnh kỉnh đồ điện tử. Chiếc xe máy không theo về. Nụ cười bên mâm cơm của chị tắt lịm khi nhận ra mớ đồ anh mang về không phải mua để dùng. Trên đó gắn nhãn hiệu của một công ty đa cấp mà ngày ngày chị nách thúng đi ngang.
Anh đã bán xe máy để lấy tiền làm vốn gia nhập công ty.
Chị im lặng trong vài phút, đợi anh uống xong ngụm nước và dường như đã đỡ mệt.
- Sao anh lại để họ dụ. Trước đây con An con Mỹ…
- Công ty này khác, có trụ sở đàng hoàng.
- Công ty nào cũng vậy thôi.
Anh không nói nữa, chỉ lầm lì đưa ngón tay lên miệng để cắn miếng da bị xước. Chị thấy vậy liền cầm kìm bước lại gần định cắt giúp. Anh gạt ngang:
- Thôi khỏi.
Anh cố cắn cho được miếng da xước, phun phèo vào vách rồi xô cửa bước ra ngoài. Chị cầm kìm bấm đứng tần ngần nhìn theo anh.
- Đàn ông không có việc làm thì buồn lắm, dễ tủi thân, dễ nóng giận. Nên an ủi chiều chuộng họ chút.
Bên ly bia đã nhàn nhạt vì đá tan, An hay nói như thế với chị. An chưa có chồng nhưng cô có nhiều kinh nghiệm với đàn ông.
Bữa cơm thứ hai anh lại về trễ. Anh ôm đứa con trai vào lòng và hôn chùn chụt vẻ đắc ý. Anh nói đã ăn buffet ở công ty. Anh hào hứng với điều này.
Việc cơm bưng nước rót của chị thành ra dư thừa. Có lẽ đàn ông khi chen lấn tìm kiếm thì thấy ngon miệng hơn để đàn bà cung phụng.
Sáng dậy, anh cho ít quần áo vào ba lô trước ánh mắt ngơ ngác của chị.
- Anh theo công ty đi tổ chức đại hội ở miền Tây - Anh thông báo.
- Bỏ đi anh, đừng lún vào đó nữa - Chị nói như mếu.
Anh thoáng cau mày, rồi dịu giọng với con trai:
- Chiều mai ba về nha con.
Anh đi. Chị gửi con cho hàng xóm rồi cũng thẫn thờ nách thúng.
- Tao thương ổng quá - chị không uống bia nhưng vẫn buồn khóc.
An tay cầm ly bia, tay vỗ vỗ vai chị thay những lời an ủi.
Chị định gọi anh ra chở về vì thấy đôi chân nặng trĩu, nhưng nhớ lại xe máy đã không còn và anh cũng đang ở miền Tây với cái công ty chết tiệt kia.
Hôm sau anh vẫn chưa về. Anh bảo công ty phải đi qua nhiều tỉnh. Trong tương lai họ sẽ cho anh làm sếp, quản lý cả khu vực dưới này.
Chị nghĩ thầm, mỗi bước đường anh đi sẽ có những An, Mỹ, Nguyên,… nào đó bị gạt, rồi tự sát hoặc làm gái trả nợ. Những ỉ ôi từ xa của chị khiến anh khóa máy sau câu nói ngắn gọn: “Tuần sau về”. Mãi hai hôm sau anh mới mở máy trở lại.
Những cô gái ở bờ kè nói An bận tiếp khách, chắc tận nửa đêm mới về. Chị ngồi duỗi chân cho đỡ mỏi và thở dốc sau một ngày nách thúng lang thang. Anh nói đêm nay anh về, xe cơ quan sẽ đỗ ngay quán bờ kè nên chị ngồi đây chờ.
Chị gái tóc ngắn rót cho chị ly bia đầy. Uống cho vui với chị em - chị nghĩ vậy, và vì khát nước. Chị nốc cạn.
Uống xong chị lại mắc khóc. Người ta lại dừng ly để chị khóc và nghe những câu quen thuộc:
- Em thương chồng em quá.
Chị hứa với lòng, lần này anh về chị sẽ nói: Anh làm gì cũng được, miễn anh vui.
- Anh về tới chưa? - Chị đợi mãi nên nôn nóng.
Anh đáp lại bằng tiếng lè nhè:
- Anh đi thêm hai ngày nữa.
Chị nốc cạn hai ly bia nữa rồi quẹt nước mắt đứng dậy.
- Đi nổi không gái?
Chị xua tay rồi nhấc thúng lên để khẳng định mình không sao. Chị đi dọc bờ kè rồi mất hút vào bóng tối lờ mờ.
Đường D4 vắng tanh vì nhà dân đã dời đi mất nhường đất cho hai công trình đang bước vào giai đoạn đổ móng. Tiếng bước chân lộp xộp của chị trên nền đá bi vọng đều đều trong đêm. Chị không rõ đường này sẽ dài bao nhiêu, chỉ biết đi hết con đường là đến D3, từ D3 đi chút là đến hẻm nhà.
Tiếng lộp xộp bỗng dày và dồn hơn. Chị vừa quay lại đã có một sức mạnh quá sức chống cự nắm chặt bắp tay chị kéo giật về sau. Cái thúng rơi độp xuống đất, chị ngã hẳn xuống nền đường. Chị nhận ra mình bị tấn công bởi hai hoặc ba gã đàn ông. Theo phản xạ chị chòi đạp dữ dội. Chị muốn kêu cứu nhưng cổ đã bị kẹp chặt. Một tên đã kéo quần chị đến tận gối. Chị cố thét lên, cổ họng đau rát nên phọt ra cơn nôn mạnh. Cơn nôn bắn lên một trong số gã đàn ông kia. Hắn buông chị ra. Chị lao đi trong dưới ánh trăng lờ mờ rồi ngã ập vì vướng víu. Một tên lao theo, hắn đạp chị, đạp liên tục, lên lưng, chân, bụng…
Mắt chị mờ dần vì bụi đường và đau đớn.
1 giờ sáng. An đi ra từ căn chòi của nhóm công nhân xây dựng sống xa nhà.
Cô nhờ hai gã trai hộ tống cô ra khỏi đoạn đường D2.
Và họ phát hiện chị nằm đó, thân thể bầm dập.
An dùng khăn ướt lau thân thể cho chị. Chị cắn răng để giấu tiếng khóc vì sợ hàng xóm chú ý.
Chị không rõ ngoài số tiền buôn bán chị còn mất gì nữa không, chị chỉ thấy đau đớn khắp cơ thể.
Sáng hôm sau An sang hàng xóm đón con trai chị về, thay chị đi chợ, nấu cháo, mua thuốc giảm đau. Chị không muốn hàng xóm biết chuyện này.
Nhưng người ta đã tìm thấy thúng hàng và chiếc áo khoác ngoài của chị bị xé rách rơi vãi ở đường D4. Chiều đó tổ trưởng dân phố cùng hai người khách nữa ghé thăm, hỏi han tình hình. Chị nói do leo ngang qua đống bê tông cũ nên té ngã. Trước khi từ biệt họ hỏi chồng chị khi nào về. Câu hỏi đó làm chị hốt hoảng.
Chị ngồi thu lu sau cửa phòng đến tối rồi bật dậy gom quần áo của con cho vào giỏ. Chiếc giỏ gần đầy nên chị chỉ lấy cho mình hai bộ quần áo lành lặn nhất.
Chị bồng con bỏ đi như chạy.
Một tuần… Hai tuần… Rồi ba tháng. 
Chị nách thúng đi bán khắp nơi nhưng không bao giờ ngang qua những con đường cũ.
Mỗi khi nghe ai đó gọi nhau, chị luôn giật thót mình, chực bỏ chạy.
Chị ngồi nghỉ mệt ở một ngã tư ngồn ngộn xe. Gần đó có một người phát tờ rơi. Người đi đường nhận xong thì giữ lấy hoặc vứt ngay xuống đường, tờ rơi bay lác đác. Chị nhặt lấy một tờ rơi.
Tìm vợ và con
Vợ tên:..
Con tên:… 2 tuổi
Ai thấy xin liên hệ:…
Trên tờ rơi là ảnh chị và đứa con trai. Tấm ảnh trước đây được chụp ngẫu hứng bằng điện thoại của cậu bé hàng xóm. Chị đang ngồi đút cơm cho con ở cửa phòng, phía sau là anh đang đứng làm gì đó, không thấy mặt, chỉ thấy đôi chân.
Chị hướng mắt về trụ đèn giao thông. Anh đang đứng đó phát tờ rơi. Anh không cần van nài ai nhận. Anh chỉ cần đưa tay ra là họ nhận ngay, họ đọc lấy đọc để, đọc xong còn ngoái lại nhìn anh. Anh phát cho người ngồi trước, người ngồi sau nôn nóng vẫy anh lại xin thêm tờ nữa để đọc riêng.
Anh là người phát tờ rơi thành công nhất mà chị từng thấy.
Chị rụng rời tay chân. Chị nách thúng lên bỏ đi như chạy.
- Thắmmmmm…
Chị đi chừng mười bước thì có tiếng anh gọi. Chị buông thúng, trái cây, trứng cút, hạt dưa… rơi tứ tung xuống vỉa hè.
Chị ngoái lại nhìn anh đầy hốt hoảng rồi cắm đầu bỏ chạy. Anh càng kêu, càng đuổi, chị càng chạy nhanh hơn. Anh và chị chạy ngang những phụ nữ hàng rong đang ngồi nghỉ mệt, chạy cắt ngang dòng người đang chờ đèn đỏ, nơi đó có vài người đang tranh thủ phát các loại tờ rơi.
Chị cũng chẳng hiểu sao mình phải trốn chạy, chắc vì chị yêu anh nhiều quá, yêu đến không biết phải làm gì.
11 giờ đêm. Trong căn phòng trọ nhỏ nằm sâu trong con hẻm nhỏ.
Anh nằm cạnh bên thằng con trai đã say giấc. Chị ngồi đó tỉ mẩn cắt móng cho anh. Chị không cần biết bàn tay bàn chân sạch sẽ lành lặn ấy có làm nên cơm gạo gì không, chỉ biết khi ngắm chúng chị thấy cả một trời bình yên.
 Trương Văn Tuấn
Theo https://thanhnien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...