Huyền thoại núi
Mùa mưa năm đó ông già bà cả cho rằng trăm năm có một. Dầm dề
ba tháng liền không ngớt. Có hôm liên miên từ sáng đến tối mịt.
Hôm, lâm thâm buổi sáng nhưng đến trưa thì ầm ào thác đổ kéo
dài tận tối khuya; gần sáng hôm sau ngưng một chút rồi ào ạt lê thê qua trưa,
và chiều chuyển giai điệu, râm râm lai rai tới tối. Lại có hôm lào rào từng
cơn, từng đợt rồi ngưng; tuy nhiên, bầu trời tạnh ráo chưa đến nửa giờ liền dập
tắt hy vọng của con người kéo theo bao nỗi niềm u ê chán nản, mưa đổ xuống khi
thì trút nước lúc thì lơi nhơi cầm chừng kiểu như ông trời muốn đe nẹt lũ người
thế gian đừng có mà mơ!
Trước đó, một mùa hạn cũng chưa từng thấy kéo dài từ sau tết,
qua hè rồi sang thu vẫn tịnh không một giọt nước từ trời rơi xuống, người mong
mưa như nước đái thằn lằn cũng là điều không tưởng. Đồng ruộng khô khốc, nứt
toác. Nông dân điêu đứng, hết cách. Ngày nào cũng đợi sẫm mới dám ra ruộng. Là
theo thói quen cho đỡ nhớ việc chứ cỏ còn không trụ lấy đâu ra lúa, rau để
chăm. Sức như trâu bò cũng há mồm, ngắc ngoải thở. Người già lũ lượt kéo nhau về
chầu ông bà. Trẻ con mới tội, rôm sảy, ghẻ lở đau, rát, ngứa khóc ngằn ngặt cả
ngày. Dỗ được chúng giấc ngủ ngắn nửa giờ cha mẹ đã thấy mừng hết xiết. Heo, gà
vốn dễ ăn vậy mà lơ cháo, lơ thóc trách chi bầy trẻ nhỏ. Khổ nhất là dân lao động
tay chân, buôn gánh bán bưng, đội cái nón, ngồi dưới đất thân người gói kín
trong lớp vải dày như đám nấm bức bối trong thùng xốp. Học trò láo ngáo, thở dốc
trên bàn học, thầy giáo nói không ra hơi. Công nhân trong xưởng máy làm cầm chừng
duy trì công việc là may, lắm người bỏ cuộc vì không chịu nổi cái nóng hầm hập
bủa vây, quạt thổi gió hừng hực, rát mặt... Người nhễ nhại nhìn nhau, không biết
có qua nổi đận này để đương đầu tiếp cơn thịnh nộ của thiên nhiên (nếu có) ở đận
tới.
Ngọn núi cao nhất trong dãy Ngân Hoa tự bốc cháy ba lần. Là
người ta cũng nghe truyền hình, radio nói thế bởi tít trên đỉnh cao ấy làm sao
tường được. Trời hạn, nóng đến điên, ngóng mưa chứ ai còn hơi sức đâu để hóng
chuyện lửa cháy. Tự cháy rồi nó tự tắt. Thiên nhiên biết điều chỉnh nếu chưa muốn
gây thêm họa cho con người.
Dưới chân Núi Voi, ngọn núi thấp nhất trong dãy Ngân Hoa có một
nhánh nhỏ của con sông Cái lượn vòng ôm sát chân núi, ngửa mặt trơ đáy. Người lấy
cát xây nhà, khoét mãi hố sâu thành lòng chảo vẫn không thấy chút nước nào trào
lên. Chẳng ai thiết tha nghĩ đến việc con sông rồi sẽ rộng ra và sâu hơn khi
mùa lũ đến, chỉ có đám con nít ngày ngày chạy nhảy tận giữa dòng sông, nơi sâu
nhất mà vẫn an toàn như trên đất bằng.
Và đến lúc lòng sông không còn cát để cào xúc nữa thì mưa ào
về rồi lũ đến, nhanh như chớp mắt. Vừa thoáng bên này, quay bên kia đã thấy nước
muốn liếm bờ khi cơn thịnh nộ của thiên nhiên lên đến đỉnh điểm. Dòng nước đục
ngầu, hung hãn xói lở từng mảng hai bờ sông. Có khi, nửa đêm nghe tiếng rầm ngỡ
trời sập đến nơi. Ai nấy rúm ró trong nhà chờ mau sáng để chắc chắn tính mạng vẫn
còn và tò mò tiếng động gì kinh khủng thế. Sáng bảnh, bà con chòm xóm mới dám
hé cửa hướng về tiếng rầm hồi hôm mà không tin nổi mắt mình. Nước làm sạt bờ
tre, nguyên một dải tre dài và dày biến mất, hiện ra dòng chảy cuồn cuộn lăm le
nuốt luôn con đường nhỏ phía trên. Trời quang lắm nhưng lồ lộ nỗi sợ hãi, cứng
họng, không ai thốt nổi nên lời! Dọc theo sông, ngổn ngang cơn giận dữ của đất
trời. Dải lụa mềm ôm vòng chân núi thành những đường gãy khúc lồi ra lõm vào,
đe dọa bờ có thể sạt bất cứ lúc nào. Người phập phồng mối lo nhà cửa bất thình
lình trôi hết ra biển cả.
Vậy mà lạ, dưới chân Núi Đá, ngọn núi có bốn đỉnh nằm cách
Núi Voi một khu dân cư, dòng sông vẫn giữ được nét hiền hòa, chưa có dấu hiệu
xâm thực.
Con sông Cái trước khi đổ ra biển còn rẽ làm hai nhánh, một
vòng qua Núi Voi và một vòng qua Núi Đá. Cấu tạo địa chất của hai núi này hoàn
toàn khác nhau dù chúng cùng nằm trong dãy Ngân Hoa. Chưa hết, nhánh qua Núi
Đá, con sông còn chia ba, thành hình rẻ quạt do có hai cù lao giữa sông, rồi nhập
làm một ngay chân Núi Voi. Đứng trên đỉnh Núi Đá thấy rất rõ các nhánh này và
người đời tưởng tượng giống chân voi. Ngọn núi thấp hơn có tên vì lẽ đó.
Những năm gần cuối thế kỷ trước, đường lên Núi Voi hay Núi Đá
rất cheo leo, đầy trắc trở, chỉ có dân đi rẫy, trồng mì, lấy củi, đốt than...
Người lên được đỉnh Núi Voi về kể, nghe như chuyện phim hoạt hình ở xứ sở thần
tiên. Rừng nguyên sinh hoang dã, có nhiều loại thực vật quý hiếm như cốt toái bổ,
hồng quang, chang chang, cóc mèo, giáng hương, gáo lá tím… Thảm thực vật phong
phú kéo theo mối tương quan động vật đa dạng. Như cây giẻ có quả ăn nhân hạt
thì hiện diện loài gặm nhấm sóc, chuột, chồn…; cây có quả cho ăn phần thịt vỏ
ngoài như trám, trâm… thì đồng thời có loài vẹt, tu hú, chào mào… Họ thấy cả
mèo rừng, gấu ngựa, gấu chó, cheo leo, cu li, sóc bay, chồn bạc má, trĩ sao, ô
rô vẩy… xuất hiện ở những độ cao khác nhau. Khỉ, heo, gà rừng không biết cơ man
nào mà kể. Dây leo có đường kính to bằng bắp tay thanh niên lực lưỡng giăng kín
lối đi. Bầy khỉ bám vào đó nhởn nhơ, đung đưa cả ngày. Nhiều dòng suối nhỏ đổ
vào suối lớn, qua những gộp đá cao thấp làm nên bản giao hưởng bất tận của rừng.
Từ trên cao tràn xuống thung lũng thảm hoa đỗ quyên đỏ thắm hay những trảng
dương xỉ uốn lượn rập rờn trong gió. Lan rừng muôn hình vạn trạng, khêu gợi và
quyến rũ. Rừng đẹp huyền ảo, hoang dại. Hoa cỏ muông thú vô ưu sống chung hòa
bình cho đến khi bước chân con người lên núi nhiều hơn, không chỉ cỏ hoa tàn lụi
mà con người đến đâu, muông thú lại rút vào sâu hơn và không còn dấu vết.
Không gì nhanh bằng phá. Đến đầu thế kỷ sau thì rừng không
còn bí ẩn nữa. Chẳng ai rỗi việc để tự hỏi, đón tiếp con người, rừng buồn hay
vui?
Ngược với Núi Voi, Núi Đá đúng như tên gọi khô cằn chỉ toàn
đá và cây rừng lô nhô lúp xúp. Người lên được đỉnh cao nhất kể rằng, Núi Đá như
điểm trung chuyển từ trên cao là rừng núi bạt ngàn của dãy Ngân Hoa (mà chẳng
ai biết nó rộng, dài đến đâu) kéo dần xuống thấp, chồm qua Núi Voi xuống vùng cửa
sông đổ ra biển, ngoạn mục như tranh!
Ông già bà cả còn cho biết, Núi Đá ngàn năm vẫn vậy, không có
gì bí mật với con người bởi từ dưới nhìn lên trống huơ trống hoác, nên con người
chẳng đoái hoài tìm đến. Đá sống đời thanh thản vui cùng nắng mưa, cây rừng sống
đời hiền hòa vui cùng mây gió. Đôi khi nơi thanh thiên bạch nhật, xấu xí, kém hấp
dẫn nhất lại là nơi đảm bảo an toàn!
Gia đình không ai biết anh đi đâu, chỉ nghe bảo đi công tác,
hỏi khi nào về thì ậm ừ không nói. Mười ngày rồi gần hết tháng không cách gì
liên lạc được, sốt ruột, ba mẹ Tuân đến cơ quan hỏi thăm tin tức. Mọi người
trong phòng làm việc của Tuân chưng hửng, vẫn tưởng anh đang trong kỳ nghỉ.
Nhốn nháo một hồi rồi ai vào việc nấy. Hai ông bà dắt nhau ra
về ôm theo niềm hy vọng mỏng tang là câu hứa không chắc không lép của viện trưởng,
“chúng tôi sẽ nỗ lực tìm cách giải quyết, tránh xáo trộn hay tạo dư luận”.
Chỉ một người biết rất rõ câu chuyện mà không dám nói gì, đó
là Lan. Cô đứng lên tiễn ông bà ra cổng. Bà mẹ nắm lấy tay cô, cháu chơi thân với
nó lâu nay, cố tìm hiểu xem có việc gì với nó. Lan chỉ biết im lặng, như nào giờ
cô vẫn im lặng, với Tuân. Nhìn ông bà chậm chạp leo lên chiếc xích lô, Lan muốn
ứa nước mắt. Cô không biết mình buồn cho ai, cho ba mẹ Tuân, cho Tuân hay cho
mình?
Một tháng trước khi mùa mưa chấm dứt, một hôm ngồi trong quán
cà phê, Tuân bỗng buột miệng nói với Lan:
“Anh phải lên núi. Đây là “dự án” cả đời anh dành hết công sức
và tiền bạc cho nó. Đừng cho là anh chán đời sống này mà vì anh quá yêu nó và
muốn tất cả mọi điều được bình yên”.
Lan không hiểu, quả thật, thời gian sau này cô thấy Tuân ngày
càng khó hiểu. Anh ít nói hẳn đi và suy nghĩ sâu hơn. Anh nghiên cứu các hiện
tượng thiên nhiên, suy luận những vấn đề của vũ trụ, của tự nhiên và cả tâm
sinh lý con người. Anh nói nhiều về vận mệnh và dự đoán hơn nửa phần đời còn lại.
Lan không tin tử vi, tướng số, Tuân nói, có lúc con người phải tin bởi ảnh hưởng
từ ngoại cảnh.
Một điều hết sức đặc biệt, không hiểu Tuân nhìn thấy gì nhưng
anh đoán được khá chính xác những việc sẽ xảy ra trong trời đất, ở thì tương
lai gần. Anh còn nói điều mà Lan thấy ghê ghê và lo lắng: “Có lúc anh đọc được
suy nghĩ của người đối diện, thậm chí của hai người đang nói chuyện với nhau,
không liên quan đến anh. Anh tự nghiệm ra điều anh đọc được là đúng bằng cách theo
dõi diễn biến của sự việc sau đó”.
Tuân cũng nói rằng, anh rất sợ mỗi khi suy nghĩ của anh hướng
về ai đó. Trước hết, không phải bản tính của anh, vốn là người thâm trầm, kín
đáo và bao dung, luôn tìm khía cạnh tốt của con người để biện luận; sau nữa, nó
làm anh đau khổ vì thêm mối vướng bận trong lòng, đôi khi đến u uất nếu biết được
một sự thật bên trong bị che giấu bởi những hào quang giả dối bên ngoài; hay nỗi
oan khuất chỉ mình anh thấu mà không biết hay không dám thổ lộ với ai.
Lấy hết can đảm, Lan khuyên anh nên đến bác sĩ chuyên về thần
kinh. Tuân nói: “Không, anh rất tỉnh táo, và anh biết sẽ phải làm gì!”. Vừa
lúc, nhạc trong quán cà phê vang lên bài hát giai điệu boléro buồn đến tím ruột
gan: “Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn”. Ngoài trời mưa từng
cơn, nhẹ, rồi ào ạt, rồi ngưng. Lạnh thấu vào tim.
Tuân nắm tay Lan nói rằng, một điều rất lạ, anh có thể đọc
suy nghĩ người khác nhưng với Lan, hoàn toàn là bóng đen. Anh nói, đã có lỗi
khi để cô chờ đợi trong ngần ấy năm, mong Lan sẽ tìm được hạnh phúc sau khi anh
ra đi. Và cuối cùng, anh cám ơn cô về những ngày tháng êm đềm đã có giữa hai
người, cô luôn xuất hiện đúng lúc mỗi khi anh thấy chơi vơi và bất an. Anh
không nghĩ sẽ mang những kỷ niệm đẹp này đi theo trong hành trình còn lại của
cuộc đời bởi những mục đích mà anh hướng tới; tuy nhiên, đời dài, sẽ có lúc ký ức
ùa về để điền vào một chỗ trống nhỏ nào đó trong tâm hồn, giúp con người tiếp
bước mạnh mẽ hơn. Anh biết ơn cô về tất cả.
Lan đâu chờ đợi điều biết ơn này. Lời của Tuân khiến cô buồn
hơn. Vậy là hết. Những giấc mơ đã tan biến vào hư vô. Hiện tại mờ nhòa, sát gần
mà xa diệu vợi. Mảng màu hồng đẹp đẽ của quá khứ nhăn nhúm lại, cuộn quặn, giằng
xé, đớn đau rồi nát vụn, bung ra, bay rơi lả tả, lửng lơ rất lâu mới từ từ chìm
xuống hòa lẫn vào các thứ ngổn ngang chỗ họ đang ngồi.
Ba tháng sau ngày ba mẹ Tuân đến cơ quan, Lan tìm đến nhà
Tuân trong một đêm tối trời. Lưa thưa những vì sao nhỏ bé trông lẻ loi, cô độc
và đầy bí mật trên nền đen thẫm bao la. Mùa đã trở lại bình yên cho vùng cửa
sông hay chưa thì Lan không biết, nhưng không hiểu sao, cô cảm giác đêm không
còn đớn đau mà chỉ là nỗi buồn man mác, không rõ hình hài.
Trong ngôi nhà quạnh quẽ, hai ông bà già lặng lẽ ra vào ra chờ
đợi tin tức của con trai duy nhất như được hồi sinh khi thấy Lan. Cô cúi đầu nhận
tội đồng lõa và thưa hết mọi chuyện. Cô có lên Núi Đá hai lần. Lần đầu gặp Tuân
ở lưng chừng cùng với hai người thợ dọn dẹp đường lên núi, lần thứ hai thấy họ
đang kéo ống dẫn nước. Tuân gầy hơn, nhưng rắn rỏi, khỏe mạnh. Ông bà thẫn thờ
nhìn nhau. Cuối cùng, ông thở dài nói với Lan:
“Cám ơn cháu đã cho hai bác biết. Âu cũng là ý muốn, ước mơ của
cả đời nó”.
Đó là chuyện hai mươi năm trước.
“Cố lên nào, con trai. Mẹ nghĩ con chưa mỏi chân, phải
không?”.
“Còn xa lắm không mẹ?”.
“Mẹ không biết, nhưng người ta nói với mẹ là đi bộ khoảng một
giờ không nghỉ là đến. Chúng ta vừa đi, vừa dừng lại ngắm cảnh nên sẽ lâu hơn một
chút”.
“Nhưng trên núi này chỉ có đá, cây rừng lưa thưa xơ xác, đâu
có gì hấp dẫn mà mẹ nhất quyết phải lên?”.
“Người ta nói với mẹ là lên trên đỉnh nhìn xuống sẽ thấy rất
đẹp. Ngày xưa, mẹ mong một lần được lên núi để ngắm vùng cửa sông. Mẹ đã từng
chứng kiến một giai đoạn sông trở bệnh, ầm ào, giận dữ. Nhưng giờ đây mọi thứ
đã rất bình yên. Ngồi xuống đây nghỉ một lát rồi tiếp tục”.
Người mẹ âu yếm đưa tay hất lọn tóc xoăn xòa xuống trán gần
che mắt của cậu con trai mười bảy tuổi, nhưng cậu chàng hất tay mẹ và nói:
“Đi tiếp thôi, mẹ”.
Những bậc cấp nhỏ dần, cheo leo và chênh vênh, khiến họ như
dò từng bước. Qua mỗi khúc quanh lên một độ cao khác, họ dừng lại ngắm cảnh bên
dưới dần hiện ra những đường nét ngoạn mục của vùng cửa sông. Cậu con trai lấy
máy ảnh bấm lia lịa.
“Đẹp quá mẹ ơi! Nhà bà ngoại ngày xưa ở nơi nào bên dưới
kia?”.
Rồi cậu thì thầm:
“Hôm qua con nghe chú bảo vệ khách sạn bảo là trên núi có một
vị đạo sĩ, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, đúng không mẹ?”.
Người mẹ không trả lời. Mắt chị nhìn xa xăm vào khoảng không
gian bao la trước mặt. Ký ức mùa mưa dầm và về một người tấp nập trở về. Tim chị
đập mạnh, kéo theo nỗi hồi hộp. Người ấy bây giờ ra sao? Hai mươi năm đủ dài để
khiến người ta quên tất cả? Với chị, mọi thứ như mới vừa hôm qua. Trong quán cà
phê, một ngày mưa lạnh, buồn và đầy bất trắc, giai điệu boléro não nề đến buốt
tim.
Những bậc cấp nhặt và nhỏ dần. Hai mẹ con gần như nín thở khi
thấy lấp ló trong đám cây rừng xơ xác một mái nhà và tấm bảng nhỏ với dòng chữ:
“Xin giữ yên lặng và dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời đi”.
Căn nhà nhỏ xíu, mái tôn, vách ván, sân xi măng sạch sẽ,
không một cọng rác; vài cái ghế quanh cái bàn thấp cùng bộ bình tách xếp ngay
ngắn, chứng tỏ nơi đây có tiếp khách. Gió thốc bay tấm rèm cửa sổ phía trước
cho thấy có một người đang ngồi bên trong ở tư thế thiền.
Lan nhận ngay ra Tuân dù tóc và râu anh để dài và anh đang nhắm
mắt. Chị kéo tay con trai đi thật nhẹ vòng bên hông, có một khung cửa sổ rõ được
bên trong nhưng Lan không dám nhìn kỹ, chỉ thoáng thấy một tủ sách lớn cạnh chiếc
giường nhỏ hẹp của cuộc đời khổ hạnh. Họ ra phía sau. Đường mòn dẫn lên bị những
nhánh cây rừng chắn ngang như lâu rồi không có ai đi. Họ quay xuống.
Trước mắt họ là khung trời thoáng đãng. Có lối đi ra những tảng
đá lớn nhìn bao quát vùng cửa sông và dãy Ngân Hoa. Không còn Núi Voi bí ẩn
ngày xưa. Loạt ngôi biệt thự trải dài từ trên xuống. Con đường xoáy trôn ốc dẫn
lên núi xác định bước chân của con người, vẻ như họ còn muốn lên đến tận đỉnh.
Trên hai cù lao là hai khu nghỉ dưỡng cao cấp, thấp thoáng bên trong hàng dừa
lưa thưa là màu xanh của các bể bơi. Có hai cây cầu sắt dẫn từ đất liền ra cù
lao và nối hai cù lao với nhau. Phía ngược lại, dưới chân dãy Ngân Hoa là đường
vòng vèo sát biển mà người ta gọi con đường vàng, chìa khóa mở cánh cửa cho du
lịch. Mọi thứ quá thay đổi khiến Lan nhớ lại quãng bình yên trước mùa hạn và
mùa mưa năm đó. Hai cù lao dày đặc dừa,người dân sống hiền hòa với những sản phẩm
từ dừa và nghề đánh bắt cá, tôm. Chỉ có biển muôn đời không đổi với những màu
xanh nương theo nắng và mây trời. Sông có rộng hơn hay không thì Lan không biết
nhưng từ trên nhìn xuống, nơi những nhánh sông gặp nhau lần cuối rồi đổ ra biển
vẫn đẹp, dịu dàng, hiền hòa và thanh thản.
Cậu con trai hỏi mẹ:
“Có phải mình nghỉ trong một khu nghỉ dưỡng bên dưới phải
không mẹ?”.
Lan gật đầu. Đó là chủ định của chị khi trở về. Lan đã chọn một
phòng nhìn lên Núi Đá, nơi có một mái nhà nhỏ, cách đỉnh cao nhất chỉ một đoạn
ngắn đo bằng tầm nhìn từ bên dưới.
Lan ngồi xuống phiến đá bằng phẳng. Gió sông cuộn lên, gió
núi lượn ngang đầu mơn man, mát rượi, xóa tan hết nỗi mệt nhọc. Cậu con trai
hăm hở tìm những góc ảnh đẹp. Tự nhiên Lan thấy lòng mình thật nhẹ khi giải đáp
được vài câu hỏi sau 18 năm rời xa nơi này. Tuy nhiên, làm sao chị biết hiện tại
đây Tuân đang nghĩ gì. Ước mơ của cả đời người là như thế sao? Bỏ hết mọi thứ
lên núi tìm cho mình chốn tu tâm hay để cầu nguyện cho sự bình yên của tha
nhân? Mỗi người một lựa chọn, miễn sao thấy hạnh phúc và bằng lòng như ngày ấy
chị chọn cách ra đi, một lựa chọn đời thường của một người bình thường. Điều
khác thường đang ở phía sau lưng chị, nhưng hai mươi năm đủ để mọi thứ quen
thành lạ, lạ thành quen và có thể chẳng ai còn nhớ.
Chiều buông nắng. Tiếng chuông nhà thờ bên kia sông đổ từng hồi
vọng lên tận trên cao nhẹ nhàng, dìu dặt, xa xôi, nôn nao, buồn buồn. Hai mươi
năm của Tuân với những chiều thế này ư? Bốn mùa, tám tiết, ăn uống, bệnh đau, nỗi
cô độc... Làm sao một người bình thường như Lan hình dung ra được!
Cậu con trai ngồi xuống bên mẹ, nói nhỏ:
“Lên đến đây là đủ rồi. Nếu con không còn muốn chụp ảnh nữa
thì chúng ta về”.
Trước khi xuống núi, Lan đứng lại rất lâu trước khung cửa sổ
và nhìn Tuân mỗi khi chiếc rèm bị gió thốc lên. Gương mặt anh thật bình thản,
vô ưu và hiền từ. Lan nhủ thầm, may là lên núi vào đúng giờ Tuân đang thiền.
Thôi thì, coi như qua đời nhau một đoạn ngắn, chỉ cần một người thấy lại một
người sau ngần ấy năm. Hai cuộc đời đã quá cách xa nhau, không phải bây giờ mà
ngay từ lúc họ còn bên nhau.
Nếu cố tình, từ khu nghỉ dưỡng bên dưới người ta có thể biết
được sự hiện diện của vị đạo sĩ trên Núi Đá bằng cách zoom máy hình hay nhìn
qua ống nhòm. Thế nhưng, chẳng ai làm điều đó vì không rảnh, hay biết để quan
tâm chú ý. Chỉ có Lan. Những ngày lưu lại, vào buổi sáng sớm hay chiều sẫm, bằng
ống nhòm, chị thấy có người ra vào từ ngôi nhà trên núi cao. Và đọng lại trong
chị là những câu hỏi không có lời giải đáp, Tuân nghĩ gì, làm gì, anh có thấy
điều đã làm có ích không, hay chỉ là ước nguyện và phần số buộc anh như thế?
Nhiều năm sau nữa, vào những mùa nắng nóng nhất, dãy Ngân Hoa
cũng không tự cháy, và ba tháng mưa liền không thấy xuất hiện trở lại. Người đời
cho là do có một vị đạo sĩ hằng ngày cầu nguyện cho sự bình yên của vùng cửa
sông. Câu chuyện thêu dệt tùy theo cảm hứng người kể. Cũng chẳng ai biết người
đó còn sống hay đã chết, thậm chí họ còn tranh cãi là vị đạo sĩ đã hóa đá trong
tư thế thiền. Trí tưởng tượng phong phú của con người thường thích dựng những
câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.
Nhưng, suy cho cùng, huyền thoại nào cũng bộc lộ ước ao to lớn
của thế nhân, đó là sự an lành. Một khát vọng chính đáng, bình thường nhưng vô
cùng xa xỉ đôi khi dễ thành ảo vọng, không tưởng!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét