Lam Phương - Thăng trầm
trong tình cảm và cuộc đời
“Tôi thương má tôi lắm. Má tôi là một người đàn bà quê mùa,
nhưng mà thực lòng thương tôi lắm. Con trai lớn mà! Má tôi nói một câu thôi mà
tôi đã ráng làm muốn chết luôn!”
Câu nói của mẹ ông Lam Phương là sự ước ao có một nơi trú ngụ
khá tươm tất cho bầy con đông đảo của bà. Lam Phương khi đó sống chui rúc với
gia đình ở một con hẻm lầy lội tăm tối ở vùng Đa Kao. Trước đó khi lên 10 tuổi,
Lam Phương đã lên Sài Gòn một mình bỏ lại mẹ và các em ở miền quê, tá túc tại
nhà một người dì vùng Tân Định. Một thời gian sau, mẹ ông cũng lên theo để cùng
chung sống trong một hoàn cảnh khó khăn và chật vật, thường được diễn tả trong
những nhạc phẩm của ông như “Đèn Khuya” và “Kiếp Nghèo.” Từ trên 45 năm qua âm
nhạc Lam Phương đã ghi đậm nét trong tâm hồn những người yêu nhạc. Nét nhạc của
ông thật bình dị, chân thành và mộc mạc như chính bản chất của ông. Tác giả của
bài “Khúc Ca Ngày Mùa” hiện đang trong thời kỳ điều trị sau khi bị liệt vào
tháng Ba năm 1999 do biến chứng của bệnh tiểu đường.
Gia đình nghèo, đông anh em
Tên thật là Lâm Đình Phùng, Lam Phương chào đời tại Rạch Giá
vào ngày 20 tháng Ba, 1937. Ông là con trai cả của một gia đình gồm sáu người
con mà không một ai đi theo con đường nghệ thuật. Thân phụ ông lên Sài Gòn sinh
sống - khi Lam Phương còn nhỏ - và ông từng dính líu với những người đàn bà
khác, kết quả là Lam Phương có được một số khá đông em cùng cha khác mẹ. Cũng
vì thế, ông đã dồn hết tình thương yêu cho người mẹ quê mùa nhưng chân chất,
nghèo nàn nhưng giầu tình thương của mình. Chính thình thương yêu mẹ đã khiến
Lam Phương viết những ca khúc nổi tiếng. Lam Phương đã bật khóc nức nở khi nhắc
đến người mẹ thân yêu đã qua đời vào năm 1979. Từ khi mẹ mất, ông không về Việt
Nam để chăm sóc mộ phần mặc dù rất nhớ thương. Lý do theo Lam Phương cho biết
là chế độ hiện nay không thích hợp với ông: “Rất nhiều người hỏi tại sao tôi
không về. Quê hương ai cũng thương hết, ai cũng nhớ hết, nhất là tôi. Tôi qua
năm 75, tôi còn nhớ nhiều hơn nữa nhưng tôi không về.”
Để tưởng nhớ người mẹ, Lam Phương đã xúc cảm viết thành ca
khúc “Khóc Mẹ” vào năm 1984 tại Paris.
Suốt tuổi thanh niên, Lam Phương đã sống trong cảnh cơ cực, từ
đó tư tưởng bi quan đã hằn sâu trong đầu óc của ông. Khi được hỏi có đưa một
triết lý hay một quan niệm sống nào của mình vào những sáng tác, Lam Phương cho
biết: “Có chứ!… Tôi bi quan hơn là nhìn cuộc đời với những cái đẹp này kia. Tôi
thấy bi quan, cái đó do ảnh hưởng từ lúc nhỏ của mình. Lúc nhỏ mình sống trong
cái hoàn cảnh khổ cực. Khổ từ trong gia đình khổ ra. Thành ra nó ảnh hưởng cho
đến khi mình lớn. Cái hình ảnh đen tối nó theo đuổi tôi hoài à. Thành ra tư tưởng
cũng như lời nói có vẻ bi quan hơn.”
Tư tưởng bi quan đó đã được Lam Phương đưa vào một nhạc phẩm
rất quen thuộc của mình là “Kiếp Nghèo” được sáng tác trong thời kỳ còn theo bậc
trung học, khi mà cuộc sống của gia đình ông ở vào một hoàn cảnh rất là bi đát
như lời ông diễn tả: “Đi về giữa đêm mưa, mình về nhà trong cái cư xá lầy lội,
nghèo khổ. Cái hình ảnh đó nó làm cho mình xúc động mình làm. Bài ‘Kiếp Nghèo’
đã được làm trong một hoàn cảnh thật.”
Lam Phương tâm sự là không sao quên được niềm ước ao của người
mẹ là có được một căn nhà nhỏ. Từ sự thúc đẩy đó, ông quyết tâm dùng con đường
âm nhạc làm phương tiện để làm vui lòng mẹ. Ngay từ năm 15 tuổi, Lam Phương đã
sáng tác nhạc phẩm đầu tay mang tựa đề “Chiều Thu Ấy” nhưng chưa được biết đến
nhiều. Nhưng chỉ hai năm sau, vào năm 54 sau khi những nhạc phẩm như “Kiếp
Nghèo” và “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” được tung ra thì tên tuổi Lam Phương đã được biết
đến ngay.
Những năm kế tiếp, nhạc phẩm của Lam Phương được đón nhận một
cách nồng nhiệt có thể được coi là một loại nhạc phổ thông tiêu biểu của Việt
Nam, với những lời lẽ mộc mạc và những âm điệu giản dị trong sáng, gần gũi với
quần chúng. Chính nhờ những điểm đặc biệt không cầu kỳ đó, nhạc của ông đã in
sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn một cách rất dễ dàng để trở thành một hình
thức văn chương truyền khẩu đầy nhạc tính. Do sự gần gũi với quần chúng và những
âm điệu dễ đi vào lòng người mà một số nhạc phẩm quen thuộc của ông đã được quần
chúng thay đổi lời ca cho phù hợp với một số tình huống xã hội tiêu biểu. Tính
chất phổ thông đó nơi nét nhạc Lam Phương đã khiến tên tuổi ông càng gần gũi với
tâm tình và cảm nghĩ của những người mến mộ tài anh như qua nhạc phẩm “Thành Phố
Buồn” một thời rất nổi tiếng qua tiếng hát của Chế Linh.
Đến năm 58 là thời gian Lam Phương gia nhập quân đội thì ông
nghiêng hẳn những sáng tác của mình về những nhạc phẩm đề cập đến đời lính chiến.
Sang năm 59, ông giải ngũ để sau đó gia nhập ban văn nghệ Bảo An rồi qua đến
đoàn Hoa Tình Thương. Cùng thời gian này ông cộng tác với các đài phát thanh
Quân Đội và Sài Gòn cùng một lúc là thành phần của Biệt Đoàn Văn Nghệ cho đến
ngày 30 tháng Tư năm 75, cũng là ngày ông rời khỏi Việt Nam trên chiếc tầu Trường
Xuân. Cuộc sống vật chất của Lam Phương đã sáng sủa hơn rất nhiều sau khi ông
tung ra hai nhạc phẩm về đời lính là “Tình Anh Lính Chiến” và “Chiều Hành Quân”
Hai nhạc phẩm này đã do chính Lam Phương in và tự phát hành.
Trước đó ông đã sắm được một chiếc Lambretta để ngày ngày đi giao những bản nhạc
lẻ cho các sạp bán nhạc rời ở Sài Gòn nhờ lợi nhuận của những bản nhạc trước
mang lại. “Tình Anh Lính Chiến” đã đạt được con số bán kỷ lục vào thời đó. Một
thời gian sau nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” ra đời và cũng đạt được một con số
bán cao không kém.
Những năm cuối của thập niên 60 là thời gian tên tuổi Lam
Phương nổi như cồn. Cuộc sống vật chất của ông đã bớt chật vật. Tinh thần của
ông đã phần nào bớt đi nỗi bi quan để vui với ánh mắt, với nụ cười của người mẹ
hiền và bầy em nhỏ. Trước sự thành công của Lam Phương nhiều nhà phát hành đã
liên kết để không phổ biến những sáng tác của ông. Tuy vậy nhờ sự chịu đựng vất
vả, Lam Phương đã tự in và phát hành lấy để đạt được điều mong muốn. Trước sự
đi lên của tên tuổi Lam Phương, nhiều nhà phát hành lớn sau đó đã thương lượng
để mua những sáng tác của ông với giá thật cao. Thời gian này Lam Phương đã tậu
được một căn nhà khang trang trong cư xá Lữ Gia và đến năm 72, ông mua thêm được
một căn nhà khác trên đường Nguyễn Tri Phương để thật sự giã từ kiếp nghèo đã
bám lấy ông từ hàng chục năm trước và mẹ ông cũng đã được toại nguyện với niềm
ao ước của mình.
Ngoài việc sáng tác, Lam Phương còn cộng tác với nhiều ban nhạc
của các đài phát thanh như ban Hoàng Lang, Võ Đức Tuyết, Văn Phụng, v.v. Không
những thế ông còn phụ trách phần văn nghệ cho ban Thẩm Thúy Hằng. Một chi tiết
ít người biết là có thời kỳ vào buổi tối ông còn là một nhạc sĩ trình diễn tại
club sĩ quan Hoa Kỳ trên lầu rạp Rex ở Sài Gòn từ cuối thập niên 60 là thời
gian ông mới lập gia đình với nữ nghệ sĩ Túy Hồng.
Với trên 200 nhạc phẩm được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại
Việt Nam cũng như tại hải ngoại sau này, Lam Phương đáng được đề cao như một
trong những nhạc sĩ sáng chói của Việt Nam với một năng khiếu về âm nhạc và một
tâm hồn nhiều xúc cảm. Ông cho biết khi còn ở miền quê Rạch Giá lúc còn ấu thơ,
ông đã tự nhận thấy mình có một tâm hồn lãng mạn: “Tôi nghĩ là mình đã có một
tâm hồn lãng mạn từ lúc nhỏ rồi… Cái ngày ba tôi bắt lên Sài Gòn học, tôi buồn
lắm. Nhưng là con, mình phải chấp nhận điều đó để lo cho tương lai. Trước ngày
tôi đi khỏi Rạch Giá, buổi chiều tôi đi cùng hết cả xóm. Tôi dòm từng cái cây,
ngọn cỏ, nhìn cái mái nhà tôi mà trong lòng thấy nao nao khi biết mình sẽ phải
dứt bỏ.”
Ra hải ngoại, hoàn cảnh thay đổi đã khiến cho dòng nhạc của
Lam Phương cũng có nhiều đổi thay. Khởi đầu tại quê hương, Lam Phương đã gửi đến
người nghe những ca khúc chứa đựng những nét đẹp của quê hương, niềm đắng cay của
một kiếp nghèo hay tâm sự của những người trai trong thời chiến. Đó là chưa kể
đến những ca khúc tình cảm chứa đựng tâm tình của những kẻ yêu nhau trong một bối
cảnh của một nước Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Sau một thời gian cư ngụ
tại California, Lam Phương đã qua sống ở Paris nhiều năm liên tiếp. Khung cảnh
mới lạ, mang tính chất lãng mạn và cổ kính đó đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc
của Lam Phương để ông cảm thấy thoải mái hơn trong việc sáng tác, và hơn nữa có
dịp sống thật với chính mình, không một chút vướng bận về vấn đề thương mại như
khi còn ở Việt Nam mà nhờ đó cuộc sống của ông đã thoát ra khỏi kiếp nghèo: “Âm
nhạc thay đổi theo hoàn cảnh sống của mình. Xưa ở Việt Nam tuy cũng do cái xúc
động tự nhiên của mình nhưng mà lý do vì thương mãi nhiều. Nhưng mà khi qua
Pháp, thì đâu có ai bán nhạc để sống được thì mình làm với cái thật lòng mình,
mình làm cho mình đều hơn.” Từ đó nhiều nhạc phẩm đặc sắc của Lam Phương được
ra đời như “Mùa Thu Yêu Đương” “Tình Hồng Paris” v.v...
Về ngôn từ cũng vậy, lời nhạc của một Lam Phương hải ngoại có
phần bóng bẩy hơn khi còn ở trong nước vì không còn bị gò bó trong sự đòi hỏi của
nhu cầu nơi người thưởng thức bằng những lời nhạc giản dị, dễ hiểu như chính
ông cho biết: “So lại thì thấy khác nhau hết. Thời gian bên Pháp thì mình viết
cho có vẻ bóng bẩy hơn chút. Ở Việt Nam thì viết vì cái nhu cầu nên viết lời nó
hơi khác một chút.”
Sau lần đổ vỡ trong hôn nhân với nữ kịch sĩ Túy Hồng, được
ông bảo lãnh sang đoàn tụ một thời gian sau, lời nhạc của Lam Phương đã hiện rõ
những nét đắng cay, chua xót khi va chạm với một thực tế đau lòng, đúng như những
lời ông đã viết trong nhạc phẩm “Tình Vẫn Chưa Yên” Sự chán chường, niềm thất vọng
về tình đời, về tình người đã khiến người nhạc sĩ hiền từ về tính tình, nhỏ nhẹ
trong lời nói và khiêm nhượng trong cách cư xử này xúc cảm để tạo thành những
ca khúc tình cảm đề cập đến những sự tan vỡ, chia lìa điển hình như nhạc phẩm
mang tựa đề “Lầm” Trong sự khủng hoảng tình cảm đó, Lam Phương đã sống những
chuỗi ngày mang nặng những đau buồn. Nhưng cũng nhờ đó, ông đã cho ra đời nhiều
ca khúc tình cảm thật đặc sắc khác. Lam Phương đã từng cho biết là nguồn cảm hứng
của ông thường đến từ tâm tư của chính ông và điều quan trọng là cần nhất đến sự
yên tịnh để tập trung tư tưởng, mặc dù có thể sáng tác vào bất cứ thời gian nào
trong ngày. Trong cái thế giới yên lặng đó, Lam Phương đã sống thật với những cảm
nghĩ của mình khi đối diện với những hoàn cảnh bẽ bàng để tìm sự giải tỏa qua
âm nhạc, chứa đựng những lời lẽ của chính con tim ông như qua ca khúc “Một Đời
Tan Vỡ”
Một thời gian sau, Lam Phương đã tìm được nguồn an ủi nơi một
cuộc tình khác, kéo dài cho đến ngày hôm nay. Người vợ tên Diệu của ông đã khiến
cho Lam Phương tìm lại được nguồn sống, để dần dần quên đi những đắng cay từng
dày xéo tâm hồn ông, hằn một vết thương sâu tưởng đã khó có thể lành. Và cũng từ
đó cuộc sống cuả Lam Phương đã rộn rộn rã hẳn lên kể “Từ Ngày Có Em Về,” tựa đề
một nhạc phẩm rất nổi tiếng của ông. Lam Phương đã tìm được nguồn hạnh phúc mà
đối với ông là một cuộc “Tình Đẹp Như Mơ.” Cũng từ đó dòng nhạc Lam Phương trở
nên dồi dào hơn, tha thiết hơn để ông cho ra đời nhiều ca khúc tình cảm khác,
trong đó có những bài như “Bài Tango Cho Em” “Cỏ Úa” “Một Mình” v.v. Riêng về
nhạc phẩm “Một Mình,” Lam Phương cho biết đã cảm xúc vào một buổi sáng sớm, khi
thức dậy đã thấy người vợ hiện nay của anh đang ở một mình ngoài vườn cho bầy
chim ăn, để rồi ông tự hỏi “Còn bao lâu nữa khi ta bạc đàu. Tình cờ gặp nhau.
Ngỡ ngàng nhìn nhau, để rồi còn gì nữa cho nhau.”
Cuộc sống của Lam Phương những năm tháng gần đây cứ êm ả trôi
qua trong niềm hạnh phúc đang có cùng với một gia tài âm nhạc lớn lao. Rất nhiều
trung tâm nhạc đã thực hiện riêng cho ông những CD gồm những sáng tác của mình.
Riêng trung tâm Thúy Nga đã đưa những sáng tác của ông vào hai chương trình
video và ba CD, được coi là tương đối đầy đủ đối với một nghệ sĩ tài danh. Cũng
trong thời gian này Lam Phương mắc phải bệnh tiểu đường và cholesterol cao. Và
do biến chứng của những căn bệnh này ông đã phải vào bệnh viện cấp cứu ngày 13
tháng Ba, 1999. Trước đó nửa tháng ông đã thấy có triệu chứng như lời lời ông kể
“Hôm đó tôi đang ăn sáng ở ngoài tiệm. Ăn xong rồi tôi đứng dậy trả tiền. Nhưng
khi đứng dậy thì thấy tối tăm mày mặt hết. Tôi ngồi xuống. Ngồi xuống chỉ trong
tích tắc là hết liền, hết ngay. Tôi tới quầy trả tiền và lái xe trở về nhà bình
thường. Đó là lần đầu tiên tôi bị đó.”
Nhưng vào ngày 13 tháng Ba, 1999, trong khi dự tiệc ở một nhà
người bạn, ông lại bị chóng mặt xây xẩm, phải nhờ người lái xe đưa về ngay
trong khi miệng ông đã bị méo xệâch qua một bên. Sau khi về nhà lấy giấy tờ,
ông đã được chở ngay vào nhà thương Fountain Valley ơœ Nam Cali để chữa trị.
Nhưng khi tới nơi, tay chân ông đã bị liệt. Sau khi ở bệnh viện này 10 ngày,
Lam Phương đã được chuyển qua một bệnh viện chuyên môn về tai biến mạch màu não
và nằm tại đây trong suốt 20 ngày. Biến cố này đã khiến Lam Phương lại trở về với
nỗi bi quan tưởng như đã dứt bỏ được.
Tuy vậy, Lam Phương đã cố gắng theo một qui chế ăn uống kỹ lưỡng
và nhất là siêng năng tập luyện hằng ngày đến nay tình trạng sức khỏe của ông
đã khả quan rất nhiều.
Những ngày gần đây, Lam Phương hàng ngày đã có thể chống gậy
đi vòng quanh căn nhà xinh xắn, gọn gàng của ông với người đã mang lại cho ông
niềm hạnh phúc tại thành phố Garden Grove, miền Nam California. Chúng ta hy vọng
một ngày không xa, sẽ lại được thưởng thức dòng nhạc của một Lam Phương, một
dòng nhạc tìm lại được nguồn vui trong cuộc sống mà ông đã trải qua quá nhiều
thăng trầm từ những ngày thơ ấu.
Lam Phương - 60 năm âm nhạc
2/2002
Trường Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét