1. Hệ thống từ địa phương Nam bộ
Có thể nói ấn tượng đầu tiên và dễ thấy nhất trong ngôn ngữ
truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chính là khả năng khai thác và vận dụng nhuần nhị
và có hiệu quả vốn hệ thống từ địa phương Nam bộ để phản ánh và
làm bật nổi những nét văn hóa về vùng đất và con người vùng sông nước miền Tây
Nam bộ. Vấn đề này cũng có khá nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu và bạn đọc
xa gần đã đề cập. Trần Hữu Dũng trong bài viết “Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản
miền Nam”, cho rằng: “Nguyễn Ngọc Tư, ngòi bút trẻ ấy, rõ ràng đã tạo được
một chỗ đứng khu biệt cho mình… Cái đầu tiên làm người đọc choáng váng (một
cách thích thú) là phương ngữ miền Namtrong truyện của Nguyễn Ngọc Tư”
[1]. Hay Nguyễn Văn trong “Giao thừa của Nguyễn Ngọc Tư”, cũng cho rằng:
“Nguyễn Ngọc Tư có một lối viết văn tự nhiên, không màu mè, không gượng ép,
không làm dáng như những người hay quen thói khoe chữ theo khuynh hướng gọi là
“hiện đại” để tỏ ra mình “tinh tế”. Văn của Nguyễn Ngọc Tư dùng phương ngữ
Nam bộ tối đa” [1]. Những nhận xét trên là không sai nhưng phần nhiều
vẫn còn rất chung chung, vì thế chúng tôi thấy cần phải nói cho rõ hơn như sau:
Trước hết, người đọc không khó để bắt gặp trong truyện ngắn của
Nguyễn Ngọc Tư một hệ thống từ địa phương thể hiện cách xưng hô
khi giao tiếp rất đặc trưng của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tùy vào hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có những lớp
từ riêng biệt.
Dễ thấy nhất trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là lớp từ
chỉ cách gọi tên người trong quá trình giao tiếp rất đặc trưng của người miền
Tây Nam bộ theo kiểu gọi tên theo thứ tự sinh ra trong gia đình như: “Anh
Hai”, “Anh Năm”, “Ông Tư”, “Thiếm Sáu”… Hoặc không thì gọi kèm tên thật với thứ
tự sinh như: Hai Nhớ, Tư Bụng, Tư Đờ, Chín Vũ, Út Vũ, Út Thà,…
Trong xưng hô với người trong gia đình, Nguyễn Ngọc Tư rất
thường hay sử dụng lớp từ: “má”, “tía”, “chế”,“má sắp nhỏ”, “má con
tao”,“má nó”, “ba thằng …”, “ba nó”, “bà nó”, “mầy”, “tao”, “bây”, “tụi
bây”, “tụi nó” “mấy đứa nhỏ”, “sắp nhỏ”,…
- “Tao thương Thầy quá. Nhớ Thầy quá. Tao thèm
gặp Thầy, gặp anh em.” (Ngọn đèn không tắt.)
- “Thằng Tứ Hải, đem mấy đứa nhỏ qua ngủ với má
con tao nì. Để không ngói rớt trúng đầu, tội nghiệp tụi nó lắm
nghen.” (Nhà cổ)
Khi xưng hô với những người ngoài xã hội, Nguyễn Ngọc Tư có
các lớp từ như: “tui”, “qua”, “nhỏ”, “ông già…”, “người ta”, “thằng chả”,
“mấy ông”, “mấy ổng”,… Có thể thấy, lớp từ xưng hô này ít nhiều thể hiện được
nét cởi mở, phóng khoáng và không khách khí của người Nam bộ trong giao tiếp dù
là với người quen hay lạ.
- “Lần này cậu Tư Nhớ đổ quạo, vặc lại: - Bộ tui trâu
bò sao mà không biết nhớ”. (Chiều vắng)
- “Ông già Chín, đi theo gánh chè của đào Hồng qua ba con đường.” (Cuối
mùa nhan sắc)
- “Trời ơi, ngồi với thằng chả, mỏi lưng quá, má coi,
yêu đương chi cho mệt vậy không biết…” (Nhà cổ)
- “Chậc, mấy con vịt chết gió, mấy ông nhà
nước nói cho quá…” (Cánh đồng bất tận)
Nói về việc sử dụng từ địa phương trong truyện ngắn
của Nguyễn Ngọc Tư không thể không đề cập đến hệ thống từ thể sắc thái biểu
cảm của người nói đặt ở cuối những câu cảm hay câu nghi vấn. Đây cũng là lớp
từ rất đặc trưng trong ngôn ngữ giao tiếp của người miền Tây Nam bộ như: “á”,
“à”, “hen”, “hôn”, “phải hôn”, “vậy”, “nghe”, “nghen”, “vậy nghen”,“chớ”, “chớ
bộ, “mà”, “lận”, “quá chừng”, “quá trời”, “vậy à”, “vậy cà”, ‘bộ”, “hả”, “ha”…
- “Mà, bây coi ém mùng cho kỹ, để muỗi cắn thằng nhỏ làm ghẻ à?” (Đau
gì như thể)
- “Hổng ấy, cho con Tươi đi, chịu hôn?” (Ngọn đèn
không tắt)
- “Mai mốt, mình đi nữa hen, Cộc?” (Cái nhìn khắc
khoải)
- “Mà anh nhớ đối xử với người ta tốt như đối xử với tôi vậy nghen!” (Huệ
lấy chồng)
- “Ủa, cô có tham gia hả?” (Ngọn đèn không tắt)
- “Ông già, nổi quạu đùng đùng, “thiên hạ phải để tôi sống
đàng hoàng như một con người chớ!” (Đau gì như thể)
- “Mấy đứa con nít khen dì giống cô Tấm trong truyện cổ
tích quá trời”! (Chiều vắng)
- “Ừ, lạnh quá, Điềm ha!” (Huệ lấy chồng)
Ngoài ra, đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc dễ
dàng nhận ra một hệ thống từ biến âm thể hiện rõ đặc trưng ngôn ngữ của
người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long so với người dân ở các vùng miền
khác như: ổng (ông ấy), bả (bà ấy), ảnh (anh ấy), ch (chị ấy)ỉ, biểu (bảo),
bịnh (bệnh), sanh (sinh), gở (gửi)i, kinh (kênh), ác nhơn (ác nhân),… Bước
đầu chúng tôi cũng thống kê được khoảng trên dưới 40 biến âm trong truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư như thế. Hệ thống từ biến âm này được lặp lại khá thường xuyên
trong ý thức sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư góp phần làm cho ngôn ngữ truyện
ngắn của chị “thuần chất Nam bộ”.
2. Lớp từ gợi ấn tượng về “văn hóa sông nước”
Bên cạnh hệ thống từ địa phương được sử dụng với tần
số dày đặt, chúng tôi còn nhận thấy ở truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư một hệ thống
từ thể hiện rất rõ đặc trưng địa hình và văn hóa của vùng Đồng bằng
sông Cửu Long như: kinh, rạch, vàm, xẻo, chợ nổi, ghe, xuồng, vỏ lãi, nước
rong, nước kém, vịt chạy đồng, khô cá chạch, mắm, sú, đước, ô rô, dừa nước, cóc
kèn,… .
Chúng tôi tạm gọi đây là những lớp từ gợi ấn tượng về “văn hóa sông nước” trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Qua khảo sát, chúng tôi tạm thống kê và phân thành ba lớp từ gợi ấn tượng về “văn hóa sông nước” như sau: lớp từ chỉ địa danh và phương tiện đi lại, lớp từ chỉ địa hình, lớp từ chỉ đồ vật, sản vật và văn hóa tinh thần.
Chúng tôi tạm gọi đây là những lớp từ gợi ấn tượng về “văn hóa sông nước” trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Qua khảo sát, chúng tôi tạm thống kê và phân thành ba lớp từ gợi ấn tượng về “văn hóa sông nước” như sau: lớp từ chỉ địa danh và phương tiện đi lại, lớp từ chỉ địa hình, lớp từ chỉ đồ vật, sản vật và văn hóa tinh thần.
S
T
T
|
Lớp từ chỉ địa danh và phương tiện đi lại
|
S
T
T
|
Lớp từ chỉ địa hình
|
S
T
T
|
Lớp từ chỉ
đồ vật, sản vật và văn hóa tinh thần
|
1
|
Sông Dài
|
1
|
Sông
|
1
|
Rừng mắm
|
2
|
Cù lao Mút Cà Tha
|
2
|
Kinh
|
2
|
Ô môi
|
3
|
Mũi So Le
|
3
|
Rạch
|
3
|
Sú
|
4
|
Cánh đồng
|
4
|
Ruộng
|
4
|
Vẹt
|
5
|
Kinh Mười Hai
|
5
|
Rẫy
|
5
|
Đước
|
6
|
Xóm Xẻo Mê
|
6
|
Cánh đồng
|
6
|
Cóc kèn
|
7
|
Xóm Kinh Cụt
|
7
|
Cù Lao
|
7
|
Ô rô
|
8
|
Xóm Rạch
|
8
|
Xẻo
|
8
|
Lục bình
|
9
|
Xóm Rạch Ruộng
|
9
|
Bãi bồi
|
9
|
Bần
|
10
|
Xóm Chẹt
|
10
|
Nhánh sông
|
10
|
Tràm
|
11
|
Xóm Gò Mả
|
11
|
Vịnh
|
11
|
Quao
|
12
|
Rạch Ráng
|
12
|
Vàm
|
12
|
Cây còng
|
13
|
Rạch Ô môi
|
13
|
Rốn nước
|
13
|
Cây tra
|
14
|
Gò Cây Quao
|
14
|
Gò
|
14
|
Bình bát
|
15
|
Kinh Cỏ Chát
|
15
|
Hòn
|
15
|
Bông súng
|
16
|
Sông Cái Lớn
|
16
|
Bờ
|
16
|
Đủng đỉnh
|
17
|
Chợ nổi Cà Mau
|
17
|
Đập
|
17
|
Mồng gà
|
18
|
Chợ Ba Bảy Chín
|
18
|
Lung
|
18
|
Trâm bầu
|
19
|
Vịnh Dừa
|
19
|
Bàu
|
19
|
Bìm bịp
|
20
|
Bàu Sen
|
20
|
Đầm
|
20
|
Bông súng
|
21
|
Vườn Xóm Lung
|
21
|
Ao
|
21
|
Kho quẹt
|
22
|
Sông Gành Hào
|
22
|
Bờ mẫu
|
22
|
Mắm kho
|
23
|
Bến đò xóm Miễu
|
23
|
Liếp
|
23
|
Cá sặc/khô cá sặc rằn
|
24
|
Rạch Giồng
|
24
|
Mương
|
24
|
Cá rô
|
25
|
Đập Sậy
|
25
|
Mũi
|
25
|
Cá chốt
|
26
|
Lung Dừa
|
26
|
Giồng
|
26
|
Tép đất
|
27
|
Đập Bàu Mốt
|
27
|
Khô cá chạch
|
||
28
|
Đất Cháy
|
28
|
Dừa nước
|
||
29
|
Ghe
|
29
|
Vọng cổ/cải lương
|
||
30
|
Xuồng
|
30
|
Gánh hát
|
||
31
|
Sào
|
31
|
Đèn hột vịt
|
||
32
|
Đò
|
32
|
Đèn chong
|
||
33
|
Máy đuôi tôm
|
33
|
Áo bà ba
|
||
34
|
Vỏ lãi
|
34
|
Mẻ ung
|
||
35
|
Xà lan
|
35
|
Cà ràng
|
||
36
|
Tam bản
|
36
|
Vịt chạy đồng
|
Bảng thống kê bước đầu những lớp từ gợi ấn tượng về “văn
hóa sông nước” vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong truyện ngắn của Nguyễn
Ngọc Tư:
Có thể nói, với việc thường xuyên sử dụng những lớp từ “gợi
ấn tượng về văn hóa sông nước” ở trên đã góp phần làm cho bức tranh hiện
thực đời sống và con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thêm phần chân thật
và sống động; giúp người đọc hiểu hơn về những đặc trưng về địa hình sông ngòi,
kênh rạch chằng chịt – ở góc độ nào đó còn là nét văn hóa rất đặc trưng và độc
đáo của vùng đồng bằng sông Cửu Long so với các vùng miền khác của cả nước.
3. Sáng tạo và biến ngôn ngữ “đời thường” của người bình dân
thành ngôn ngữ văn học
Bên cạnh việc sử dụng nhuần nhị hiệu quả vốn từ địa
phương và lớp từ mang ấn tượng văn hóa sông nước, một điều cũng rất ấn
tượng và độc đáo trong ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư cho thấy khả năng vận
dụng một cách sáng tạo nhằm biến ngôn ngữ “đời thường” của người bình dân
thành ngôn ngữ văn học rất độc đáo.
Vấn đề này, theo chúng tôi, trước hết cần phải nói rằng, ngôn
ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư (từ ngôn ngữ người trần thuật đến ngôn
ngữ của nhân vật) phần nhiều là “ngôn ngữ” của người dân sinh sống ở thôn quê,
ruộng vườn chứ không phải là “ngôn ngữ” của người dân sinh sống ở thành thị. Có
thể thấy, đa phần đối tượng mà Nguyễn Ngọc Tư phản ánh trong truyện ngắn của
mình đều là những người dân sống ở thôn quê. Chính vì thế, khi đi vào tìm hiểu
ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi nhận thấy, cách diễn đạt,
cách hành văn của chị nhiều khi nôm na, mộc mạc, hóm hĩnh nên cũng rất dễ đọc,
dễ hiểu và dễ cảm. Đây cũng là một bằng chứng khẳng định sự ảnh hưởng của môi
trường và văn hóa vùng đất Nam bộ đến nhận thức cũng như tư duy nghệ thuật của
Nguyễn Ngọc Tư. Dưới đây là một vài trường hợp tiêu biểu mà chúng tôi đã khảo
sát:
Để diễn tả nỗi buồn, Nguyễn Ngọc Tư có những cách nói rất
“bình dân” như: “buồn ác chiến”; (…Nhờ giữa hai bài hát có mục nhắn
tìm con buồn ác chiến – Cải ơi); “buồn vô địch cấp huyện” (Mấy chuyện
này may mà Xuyến giấu trong lòng, phải kể ra là buồn vô địch cấp huyện chứ
sá gì cái mũi So Le nhỏ nhoi này - Duyên phận So Le); “buồn như sắp đâm đầu
xuống sông mà chết” (Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như
sắp đâm đầu xuống sông mà chết – Cái nhìn khắc khoải), buồn chao chát
trong lòng (Tự dưng tôi nghe nỗi buồn chao chát trong lòng…- Một mối
tình)…
Để tả cảnh hành động bỏ chạy của ai đó, Nguyễn Ngọc Tư có những
cách nói lạ như: “chạy xịt khói”, “chạy xà quần” , “chạy xấc bấc xang
bang”, …
- “Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng
Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn. Nhiều bữa ế ngoi ngóp nằm
nghe mưa dầm, nhiều bữa đứng soát vé bị đám du đãng địa phương rượt chạy xịt
khói. (Cải ơi)
Ngoài ra, người đọc còn bắt gặp rất nhiều những cách
nói rất ngộ nghĩnh và bất ngờ khác như: “già câng, già cấc”, “già cóc
thùng thiết, “đẹp dữ dằn”, “rầu thúi ruột”, “lạnh teo dái”, “ngồi vểnh
phau câu”, “tính tình hịch hạc”, “cả đám cà xình, cà xang”, “ngày trăm lượt
chèo nát mặt sông”, “lội tới lội lui thiếu điều sạt bờ dừa nhà ông già vợ”, “bảnh
thiệt”, “cà lơ phất phơ”, “cá chốt rỉa”, “chành miệng”, “chợ ba bảy chín”, “coi
giò coi cẳng”, “đã thiệt”, “đánh lô tô”, “điệu này”, “mát trời ông địa”, “mắc mớ”,
“mần chi”, “miệng cá sặc”, “mùi rụng rún”, “mừng húm”,…
Một nét độc đáo nữa cho thấy khả năng sáng tạo nhằm
biến ngôn ngữ “đời thường” của người bình dân thành ngôn ngữ văn trong
truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là chị rất hay sử dụng cấu trúc so
sánh: “A như B” trong quá trình hành văn của mình.
Đây là cách nói “vừa quen vừa lạ” rất sinh động và ngộ nghĩnh
của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Điều này cho thấy ở chị một một ý thức lao động
nghệ thuật rất nghiêm túc và có trách nhiệm. Không khó để chúng ta bắt gặp hàng
loạt cách nói so sánh này trong truyện của chị như:“chị ốm, mỏng như cốm
dẹp”; “một giọng nói mềm như lá lụa non”; “ý nghĩ ấy đầy như nước
tròm trèm lên mặt đập”; “tuồng thì giễu nhau ong óng như gà kêu đẻ”; “ngón
tay cái bấm trầu đã mòn khuyết như trăng mùng tám”; “tán cây còng bị tỉa
nhánh chỏng chơ như bàn tay cụt”; “cái giọng rao chè như hát, từ đôi
môi đã héo queo cất lên, cong vút, ngọt ngào mà nghe mịn màng từng âm từng chữ”;
“ai cũng nghe đau đau xót xót như ai lấy cật tre cứa tới cứa lui trong
lòng”; “giọng chú ngày càng khàn, nghe khen khét như nồi cơm quá lửa”;
“chiếc áo người vợ hiền hay vậy mà hát lụm cụm như chiếc áo bà già”,“tóc
đã rụng để lại cái trán rộng như sân bay Trà Nóc”;“Hiên nhìn thấy má như
một ga xép hiện rõ dần lên trong đêm tối”; “quyền lực đối với tôi càng giống như
cục mỡ rệu trong veo trong nồi thịt kho tàu ngày Tết”;“tiếng cười nghe xao động như
quầy dừa rụng xuống hào ranh giữa buổi trưa vắng”;“cái nhìn ông lạnh như
cái ao sâu phủ kín lục bình”; hiền như ngụm nước mưa”, “tủi cực trào
lên như người ta nhận cái thùng vô lu nước đầy” ; “mặt mũi đầu tóc Đậm
lúc nào cũng nham nhám như hột me rang cát”…
Có thể nói, chính thói quen sử dụng từ ngữ như trên làm cho
ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư gần với ngôn ngữ hàng ngày của
người dân nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điều này góp phần tạo nên một
văn phong trong sáng, giản dị, không cầu kì và có phần nào đó nôm na, mộc mạc,
chân chất nhưng vẫn tạo được một hiệu quả cảm xúc và thẫm mỹ rất cao; giúp người
đọc dễ dàng nhận ra Nguyễn Ngọc Tư với những cây bút đương thời với chị. Chúng
ta cùng đọc một vài đoạn dưới đây của Nguyễn Ngọc Tư để thấy rõ hơn vấn đề này:
“Con Ái tệ quá, nó bỏ chồng, nó theo người ta rồi. Biết nó hư
thân vậy, má thà sanh cái hột gà, hột vịt còn hơn. Thôi, hết rồi, coi như đời
này má không coi nó là con má nữa. Rồi má hỉ mũi cái rột: “con coi kỹ, có phải
cái nhà thằng Trọng chỉ có đàn ông là sống được”. (Một mối tình)
Hay: “Ông dừng lại chỗ mấy cây tra, lấy tay rờ rẫm, săm soi từng
cái lá, cái bông như tay bắt mặt mừng thằng bạn lâu năm mới gặp. Rồi ông lần ra
tới đầu bến, đứng dưới hàng mắm già ngày xưa ông trồng để giữ đất khỏi lở, để mặc
cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc trắng của mình”.
(Dòng nhớ)
Tóm lại, qua tìm hiểu ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc
Tư, chúng tôi nhận thấy có những vấn đề như sau:
Thứ nhất, điểm nổi bật và gây ấn tượng trước hết trong
ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là ý thức khai thác và sử dụng hiệu quả
vốn từ địa phương Nam bộ cũng như lớp từ ngữ gợi ấn tượng về
“văn hóa sông nước”mang đậm chất Nam bộ.
Thứ hai, bên cạnh việc khai thác tối đa và sử dụng hiệu
quả vốn từ địa phương Nam bộ, Nguyễn Ngọc Tư còn cho thấy khả năng vận
dụng sáng tạo lời ăn tiếng nói hàng ngày (giàu hình ảnh và sắc thái
biểu cảm) của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách rất độc đáo.
Có thể nói, tất cả những điều trên góp phần tạo nên giọng văn bình dị, chân chất,
mộc mạc; một lối diễn đạt và hành văn trong sáng, không cầu kì nhưng duyên
dáng, đậm đà và thật đáng yêu. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi ông nhận
xét về ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, là: “Thoại trong văn Tư không hề
bị lai, rặt Nam bộ mà người ta đọc vẫn hiểu và cảm thấu trọn vẹn. Cái lớn nhất
mà Tư làm được ở chỗ cổ có công nâng ngôn ngữ bình dân của người miền Tây thành
ngôn ngữ văn học”.[1]
Cuối cùng, nếu nói ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu
tư duy của con người thì ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đã thể
hiện rõ tư duy nghệ thuật của chị về cách tiếp cận hiện thực đời sống từ
góc nhìn văn hóa. Nói một cách cụ thể hơn, qua cách sử dụng ngôn ngữ trong
truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ truyện ngắn của chị
thể hiện rất rõ những phẩm chất về văn hóa, xã hội và con người vùng Đồng
bằng sông Cửu Long một cách cụ thể và sinh động. Đặc điểm này ở góc độ nào
đó cũng có thể xem như “cảm hứng về nguồn” rất mãnh liệt trong cái nhìn và
tiếp cận hiện thực đời sống từ góc nhìn văn hóa - một phong cách riêng độc
đáo của Nguyễn Ngọc Tư.
[1] Website http://www.viet-studies.info/NNTu/ (chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lý).
Nguyễn Trọng Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét