Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Angkor mùa xuân

Angkor mùa xuân
Tôi đã đến xứ chùa tháp cách đây 5 năm, lúc đó Cambodia chưa phát triển như bây giờ, nhưng những gì tôi được chiêm ngưỡng ở quần thể Angkor thật vô cùng ấn tượng và khó quên. Có những ám ảnh buộc người ta luôn nghĩ đến, và phải trở lại. Điều này khiến tôi hiểu vì sao Angkor thu hút rất nhiều nhà khảo cổ học đi tìm tòi phát hiện và lượng du khách đến chiêm ngưỡng khu di tích này có đến hàng chục nghìn người mỗi ngày. Sự ngưỡng mộ cao độ đến nỗi tôi đã nghe kể lại rằng có một phụ nữ Mỹ sau khi đi thăm Angkor, bà đã nguyện rằng khi qua đời tro cốt của bà sẽ được rắc chung quanh Angkor để bảo tồn di tích ấy, và dường như ước nguyện ấy đã trở thành hiện thực.
Mùa xuân năm nay tôi lại đi thăm Angkor, tôi đã say sưa chụp rất nhiều hình phong cảnh khu rừng bao quanh Angkor, mùa xuân mà sao lá vàng rơi nhiều đẹp như mùa thu vậy!.
Và Angkor, thật sự vẫn tiếp tục làm tôi say mê bởi những bí ẩn ngàn năm trước ...
Lá vàng phủ kín mặt đất trong cánh rừng 
bao quanh Angkor, dù bây giờ chưa phải là mùa thu.
 Những con bò trắng đang uống nước bên sông.
Người Campuchia tin rằng bò trắng là bò thần nên không ăn thịt.
Chúng tôi đã băng qua nhiều cánh rừng
 xanh thẳm trên đường đến Angkor Wat
Từ phía xa, đã thấy ngôi đền ngàn năm xưa hiện ra 
thật kỳ vĩ. Người dân Campuchia đã nói rằng ngôi đền 
này không thể nào do con người xây dựng được, 
mà chính là do thánh thần dùng phép nhiệm màu tạo ra.
Hình bản đồ bán đảo Đông Dương thế kỷ 12-13
Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu những ngôi đền kỳ bí này xuất hiện tự bao giờ, bạn có thể xem qua trên tấm bản đồ được gắn ở hoàng cung Cambodia ở đây.
Vào thế kỷ 12-13, nước Đại việt ta chỉ có miền Bắc đến Thanh Hóa, miền Trung bấy giờ là vương quốc Champa, còn miền Nam thuộc về đế quốc Khmer. Về sau Đại Việt đã chiếm luôn nước Champa và một phần của Khmer.
Ngày ấy Lào và Thái Lan cũng chưa có, không biết Lào xuất hiện và lấn chiếm Khmer từ bao giờ nhưng theo sử sách thì " Lịch sử của Lào trước thế kỷ 14 gắn liền với sự thống trị của vương quốc Nam Chiếu. Vào thế kỷ 14, vua Phà Ngừm (Fa Ngum) lên ngôi đổi tên nước thành Lan Xang (Lạn Xạn). Trong nhiều thế kỉ tiếp theo, Lào nhiều lần phải chống các cuộc xâm lược của Miến Điện và Xiêm. Đến thế kỷ 18, Thái Lan giành quyền kiểm soát trên một số tiểu vương quốc còn lại. Các lãnh thổ này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp trong thế kỷ 19 và bị sáp nhập vào Liên bang Đông Dương vào năm 1893. Trong Thế chiến thứ hai, Pháp bị Nhật thay chân ở Đông Dương. Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, ngày 12 tháng 10 năm 1945, Lào tuyên bố độc lập. Đầu năm 1946, Pháp quay trở lại xâm lược Lào. Năm 1949 quốc gia này nằm dưới sự lãnh đạo của vua Sisavang Vong và mang tên Vương quốc Lào. Tháng 7 năm 1954, Pháp ký Hiệp ước Genève, công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào."
Riêng Thái Lan thì theo sử sách, "người Thái xuất xứ từ vùng núi Altai, đông bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất hiện nay là Thái Lan. Vào năm 1238, người Thái thành lập một vương quốc Phật giáo tên Sukhothai (ở miền Bắc Thái Lan), dần thay thế vai trò của Đế chế Khmer đang tàn lụi (Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15).
Năm 1283 người Thái có chữ viết. Sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (phía bắc Bangkok 70 km). Năm 1431, quân Xiêm cướp phá Angkor. Nhiều bảo vật và trang phục của văn hóa Hindu đã được họ đem về Ayutthaya, lễ nghi và cách ăn mặc của người Khmer được dung nhập vào thượng tầng văn hóa Xiêm.
Trong khoảng 400 năm, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, giữa người Thái và người Miến Điện láng giềng luôn xảy ra các cuộc chiến tranh và kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt ở thế kỷ 18. Năm 1767, một tướng người Thái gốc Hoa, Taksin, đứng lên chống quân Miến Điện giành lại độc lập và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phraya, đối diện với Bangkok. Vua Rama I (1782) lên ngôi và chọn Bangkok (hay Thành phố của các thiên thần) làm Kinh đô."
Như vậy thì đâu phải chỉ có một mình nước Đại Việt ta ôm mộng và đã thực hiện thành công công cuộc bành trướng lãnh thổ, mà còn có Lào và Thái Lan nữa! Đế quốc Khmer quá rộng lớn với quần thể đền đài vĩ đại nhất là từ sau khi đền Angkor hình thành với vô số vàng bạc đá quý giá, cùng rất nhiều bức tượng bằng vàng khối được đúc thờ trong các ngôi đền này thì việc xâm lăng từ các nước lân cận khó mà tránh khỏi.
Phnom Bakheng
Phnom Bakheng là một ngọn đồi nằm giữa Angkor Wat và Angkor Thom, đây là trung tâm của vương quốc Khmer đầu tiên ở Angkor, là một ngôi đền Hindu xây theo dạng núi đền với chiều cao 65 m, được xây vào cuối thế kỷ 9 để thờ thần Shiva. Toàn bộ kiến trúc ngôi đền xây dựng trên một ngọn đồi cao. Tính từ chân đền đến đỉnh đền hình vuông 31 m, và được kết nối với gần 108 tháp nhỏ. Đường lên đền trắc trở, khó đi và là một cản trở rất lớn đối với người chinh phục nó. Leo lên đến đỉnh đồi có thể nhìn thấy 5 ngọn tháp của Angkor Wat nằm giữa rừng sâu, đỉnh núi Kulen và bình nguyên Siemreap, đặc biệt khi hoàng hôn xuống có thể nhìn thấy Angkor chìm trong màu đỏ rực lửa của ráng chiều rất đẹp.
Ngày xưa, đây là con đường độc đạo để lên đến đỉnh đồi Bakheng

Những ngôi đền đổ nát trên đồi Bakheng đang được trùng tu 
Dù đường xa, du khách vẫn muốn leo lên đỉnh đồi lúc hoàng hôn để ngắm mặt trời đang rơi xuống bình nguyên bao la dưới kia
I. ANGKOR WAT:
Angkor Wat thuộc tỉnh Siem Reap, trong tiếng Việt cổ còn được gọi là đền Đế Thiên, trong khi đó, Angkor Thom là đền Đế Thích, và cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. Theo tiếng Khmer Angkor nghĩa là "kinh đô", Wat là "đền thờ hay chùa", là một đền thờ vị thần Visnu của Ấn Độ Giáo tại Angkor - một trong các thủ đô của Đế quốc Khmer ngày xưa. Đây là một trong các di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchea, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.
Nằm cách thủ đô Phnom Penh 240 km về phía Bắc, Angkor Wat được xây dựng dưới thời vua Suriya-warman II (1113-1150), ban đầu thờ thần Viśnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Sau khi kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm phá hủy và sau một trận đại dịch khủng khiếp, các nhà vua Khmer đã bỏ về Phnom Penh trong thế kỷ 15, Angkor Wat chìm sâu vào quên lãng, bị vây phủ bởi rừng già mãi cho đến năm 1860, một nhà khảo cổ người Pháp - Henri Mouhot trên đường đi tìm cổ vật đã phát hiện ra kỳ quan này.

Angkor Wat, tháp trung tâm
Khu Angkor Wat có chu vi gần 6 km và diện tích khoảng 200 ha, nơi cao nhất là đỉnh tháp của ngôi đền chính, có độ cao 65m. Angkor Wat là đền núi duy nhất ở Kampuchea có lối vào chính ở hướng tây, hướng Mặt Trời lặn.
Khu đền gồm 4 tầng nền, càng lên cao càng thu nhỏ lại, mô phỏng hình ảnh "núi vũ trụ Mêru" của người Ấn Độ. Vị thần linh được thờ ở đây là thần Viśnu. Khu đền chính bao gồm 398 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, hành lang, các lan can... thể hiện sức mạnh phi thường và bàn tay điêu luyện của người Khmer cổ đại.
Chính điện Angkor Wat là một kiến trúc ba tầng, kết nối với nhau nhờ những hành lang sâu thẳm. Toàn bộ kiến trúc Angkor Wat là những phiến đá xanh, ở đâu cũng thấy chạm trổ hoa văn, phù điêu theo tích xưa truyện cổ mà các chuyên gia nói rằng xuất phát từ sử thi Ấn Độ Mahabharata và Raymana.
Có thể nói Angkor Wat được xem là công trình được xây dựng vào nền cực thịnh của Angkor. Có lẽ độc đáo nhất là những bức tranh điêu khắc trên tường của dãy hành lang tầng thấp nhất. Đây có thể xem là bức tranh điêu khắc trên đá to nhất, dài nhất của thế giới được điêu khắc hoàn toàn bằng tay. Với bề cao 2,5m và chạy dài hơn 800 mét miêu tả những điển tích trong kinh điển Bà La Môn, những chiến công của vua Suryavarman II - người tạo dựng ngôi đền. Nhờ được bảo vệ bởi bức trần và mái hành lang chạy xuyên suốt, bức tranh dường như còn nguyên vẹn và như mới. Phía trong cùng của bức tranh là cuộc chiến khuấy biển sữa trong truyền thuyết, những chú khỉ và trận chiến của thần Sita, những điệu múa của tiên nữ Aspara... Tại các góc của Angkor Wat và từng centimet của ngôi đền, không chỗ nào là không có điêu khắc. Những đường nét điêu khắc trên đá tỉ mỉ đến mức người ta lầm tưởng là chúng được điêu khắc trên một khuôn mẫu có sẵn.


Những hành lang thăm thẳm và điêu khắc trên đá
Cây thốt nốt, hình ảnh quen thuộc của xứ 
chùa tháp được trồng quanh đền Angkor
Những hào rãnh bao bọc ngôi đền
Xung quanh ngôi đền, có hào rãnh bao bọc, phía bên ngoài bức tường có nhiều hồ chứa nước, sự thiết kế của ngôi đền này rất cân đối và xinh đẹp, có qui mô to lớn, khu vực nằm trong vòng tường, rộng tới 83.610 m².
Hình tượng được mọi người yêu thích và thường xuất hiện trên phù điêu, chính là vị nữ thần nhảy múa Apsara của Kampuchea.
Về hình tượng Apsara, cũng được biết như là Vidhya Dhari, là một người phụ nữ mang tâm hồn của mây và nước trong đạo Hindu và thần thoại của các tín đồ đạo Phật. Nghĩa thường được dịch trong tiếng Việt của từ "Apsara" là nữ thần (nymph), tiên nữ (celestial nymph, celestial maiden).
Apsaras còn là những cô gái có sắc đẹp tuyệt trần và tao nhã, và cũng là những người rất điêu luyện trong nghệ thuật múa. Họ là những người vợ của Gandharvas, hầu cận của Indra. Họ múa theo điệu nhạc được chơi bởi chồng họ, để mua vui choThượng đế tại chốn thiên đình.
Tại đền, có đến hơn 500 tượng vũ nữ Apsara, tài hoa của nghệ nhân ngàn năm trước đã tạc nên không bức tượng nào giống tượng nào. Mỗi nàng Apsara có một điệu bộ, tư thế trong những vũ điệu khác nhau. Không chỉ thế, trong hơn 500 tượng là hơn 500 kiểu tóc, 500 bộ y phục không giống nhau.


Các devatas - Apsaras xinh đẹp như đang 
nhảy múa khắp nơi trên các bức tường
Dưới thời vua Suriya-warman II, Angkor Wat là ngôi đền thờ thần Viśnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Theo những đổi thay ngai vàng, là đổi thay về tôn giáo. Khi vị vua trước theo Phật giáo, các vị vua sau theo Ấn Độ giáo sẽ đập bỏ toàn bộ các công trình xây dựng trước, và khi các vị vua sau theo Phật giáo, sẽ lại làm tương tự như vậy. Về sau, cùng với những cuộc chiến tranh ngoại xâm liên tiếp, nhiều di tích tại đây đã bị tàn phá.
Dấu tích chiến tranh tôn giáo
Một trong nhiều phù điêu chạm hình tượng 
Phật Thích Ca trong tư thế ngồi kiết già đã bị phá hủy
Tháp ở trung tâm đền là tháp cao nhất Angkor Wat, chung quanh tháp là bốn hành lang hình vuông. Ở mỗi góc hành lang là một tháp. Tháp trung tâm và bốn tháp chung quanh tạo thành tòa chân trời nổi tiếng của Angkor Wat khi ta nhìn từ đàng xa hay lúc gần đến khuôn viên đền. Các cầu thang đi lên dốc đứng gần như 45 độ, hẹp và vô cùng khó leo. Về sau để du khách có thể leo lên đến nơi an toàn, người ta đã xây dựng ở một tháp có cầu thang sắt đi lên.
Năm 1973, các nhà khảo cổ người Pháp từng giữ phần hành quản lý ở đây, nhưng do chiến tranh càng lúc càng gia tăng dữ dội nên bắt buộc họ phải dời đi. Ngôi đền vĩ đại này cũng như quần thể đền đài chung quanh trở thành nơi ẩn náu của Khmer Đỏ.
Sau 20 năm bị bỏ hoang phế, công tác bảo vệ lại được bắt đầu. Hiện nay quần thể Angkor đang được các nước Nhật và Đức tham gia trong công việc trùng tu di tích.




Các nàng tiên Apsara ngày nay dưới chân 
tượng điêu khắc tiên nữ ngày xưa
II. ANGKOR THOM:
Bên cạnh Angkor Wat là đền Đế Thiên, thì Angkor Thom được gọi là đền Đế Thích.
Angkor Thom, có nghĩa là "Kinh thành lớn", là thành phố kinh đô lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của Vương quốc Khmer được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 12 để làm thủ đô vương quốc của Jayavarman VII, và là trung tâm của chương trình xây dựng khổng lồ của ông. Một tấm bia được tìm thấy trong thành phố đã viết về Jayavarman VII như là chú rể và thành Angkor Thom như là cô dâu của ông.
Angkor Thom được xây dựng theo phong cách Bayon. Điều này thể hiện ở quy mô lớn của các công trình, trong việc sử dụng rộng rãi đá ong làm vật liệu xây dựng, trong các tháp mặt người tại các lối vào thành và trong hình tượng naga tại mỗi tháp.
Cổng thành phía Nam của Angkor Thom
Angkor Thom nằm bên bờ hồ Tonle Sap, cách hồ khoảng 1/4 dặm. Cổng thành phía Nam nằm cách Siem Reap 7.2 km về phía Bắc, cách cổng vào đền Angkor Wat 1.7 km về phía Bắc. Các bức tường thành (cao 8 m, dài 3 km, bên ngoài là hào nước) bao quanh một khu vực rộng 9 km². Tường thành được xây bằng đá ong với bờ công sự trên đỉnh. Tại mỗi hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, có một cổng thành. Các con đường dẫn từ các cổng thành thẳng đến đền Bayon tại trung tâm. Do bản thân Bayon không có tường hay hào của riêng mình, các nhà khảo cổ học giải thích rằng các tường và hào đại diện cho núi và biển bao quanh Núi Meru của Bayon. Một cổng khác - Cổng Chiến thắng - nằm cách cổng phía Đông 500 m; con đường Chiến thắng chạy song song với con đường phía đông để dẫn tới Quảng trường Chiến thắng và Cung điện Hoàng gia ở phía Bắc Bayon.
Sau khi vua Suryavarman II băng hà vào khoảng năm 1150, đế quốc Khmer rơi vào tình trạng rối ren, vô chính phủ. Quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công và cuối cùng cưỡng chiếm Angkor Wat. Năm 1181, Jayavarman VII dấy binh khởi nghĩa, sau ròng rã bốn năm chiến đấu, ông đánh đuổi được Chiêm Thành ra khỏi đất nước mình, khôi phục lại thanh bình và xây dựng nên một đất nước hùng mạnh.
Để thực hiện sự nghiệp giải phóng đất nước, trước khi lên ngôi Jayavarman VII bắt đầu xây dựng lại quân đội, rồi tiến hành nhiều cuộc phản công, trong đó có một trận hải chiến oanh liệt miêu tả trên bức tường đá chạm nổi ở các đền Bayon và Bantay Chrma. Sau khi hoà bình được lập lại Jayavarman VII lên ngôi, liền bắt tay vào việc khôi phục lại kinh đô và cho xây dựng ở đây một khu thành mới gọi là thành Yaxôdarapura.
Angkor Thomp nằm bên bờ hồ Tonle Sap
Nằm ở trong khu phức hợp quần thể Angkor Thom,  - hay còn gọi là thành Yaxodarapura, Bayon được xem là ngôi đền trung tâm.
Các khuôn mặt trên các ngọn tháp cao 23 m tại các cổng thành giống với các khuôn mặt tại đền Bayon và đặt ra cùng một vấn đề về cách giải thích ý nghĩa. Các khuôn mặt này có thể đại diện cho chính nhà vua, Quan Thế Âm bồ tát (Avalokitesvara), các thần hộ vệ các hướng của vương quốc, hoặc một kết hợp nào đó của những vị này. Trước mặt mỗi cổng thành có một bờ đường đắp ngang qua hào nước, dọc theo mỗi bên đường có một hàng các deva, mỗi hàng nâng một naga trong tư thế kéo co. Có vẻ đây là một hình tượng về truyền thuyết Samudra manthan (khuấy Biển Sữa) - một truyền thuyết phổ biến tại Angkor. Đền-núi Bayon, hay có lẽ chính cổng thành, có thể là cái trục của sự kiện khuấy biển. Các naga có thể cũng đại diện cho sự chuyển dịch từ thế giới loài người tới thế giới của thần thánh (đền Bayon), hoặc là các thần hộ vệ.

Bayon trong ánh nắng cuối ngày
Mỗi góc thành là một Prasat Chrung - điện thờ đặt tại góc - được xây dựng bằng sa thạch và để thờ Quán Thế Âm. Các điện thờ này có hình chữ thập với một tháp trung tâm và hướng về phía đông.
Bên trong thành có một hệ thống kênh đào dẫn nước chảy từ phía Đông Bắc tới phía Tây Nam. Khu đất được bao bọc bởi tường thành có thể đã là nơi xây dựng các tòa nhà thế tục của thành phố, nhưng các tòa nhà này đã không còn tồn tại. Khu vực này ngày nay được bao phủ bởi rừng cây.
Đền Bayon là ngôi đền ấn tượng nhất của kiến trúc đền núi Kampuchea do sự hùng vĩ về qui mô cũng như về cảm xúc mà nó đem lại cho người xem. Ngôi đền gồm 54 tháp lớn nhỏ, trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvara, hay còn gọi là thần Avalokitesvara, tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng của Kampuchea. 54 cột tháp này thể hiện 54 tỉnh của Kampuchea lúc bấy giờ - và chỉ còn 24 tỉnh ngày nay. Điêu khắc mỗi cột là tượng bồ tát 4 mặt, như vậy có đến 216 khuôn mặt tất cả trong đền.



Một hàng lang với những bức tường dài điêu khắc cảnh sinh hoạt của người dân Khmer và cảnh thủy chiến oanh liệt với quân Xiêm được mô tả sinh động bên mặt ngoài của đền.
Hình ảnh nổi bật nhất của Bayon vẫn là những ngọn tháp cao vút ở trung tâm bằng đá tảng, chạm khắc thành 2, 3 và chung chung là 4 khuôn mặt nhìn bốn hướng. Kiến trúc của Bayon được xem như có phong cách của trường phái baroque, trong khi Angkor thuộc phái cổ điển. Sự tương đồng của vô số khuôn mặt khổng lồ ở trên các tháp của đền Bayon với các bức tượng khác của vua Jayavarman VII khiến nhiều học giả đi đến kết luận đây chính là khuôn mặt của nhà vua. Người khác thì cho là của Quán Âm Bồ Tát (Avalokitesvara hay Lokesvara). Nhà học giả chuyên về Angkor học Coedes thì lý luận rằng Jayavarman VII theo truyền thống của các vua Khmer tự cho mình là vua thần (devaraja), khác với các vua trước theo Ấn Độ giáo tự cho mình là hình ảnh của thần Shiva, trong khi Jayavarman VII là một Phật tử nên cho hình ảnh Phật và Bồ tát là chính mình.
Bên trong đền có hai dãy hành lang đồng tâm ở tầng dưới, và một dãy ở tầng trên. Từ xa nhìn vào Bayon trải dài theo chiều ngang như một đống đá chất chồng vươn lên đến trời cao. Các tháp có kích cỡ cao thấp khác nhau, có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thẳng vào mắt của du khách. Đi theo những lối đi quanh co, người ta có cảm giác như đi lạc vào một mê trận. Bất cứ rẽ vào lối nào du khách cũng trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Trong số hằng trăm ngôi đền nơi quần thể Angkor, Bayon khiến cho các nhà khảo cổ thắc mắc nhiều nhất. Bayon hiện vẫn bao trùm nhiều bí ẩn mà lời giải đáp vẫn đang còn được tranh cãi: Bayon được xây với biểu tượng gì, để thờ ai? Có lẽ thích hợp với lời giải thích nhất vẫn là khuôn mặt với nụ cười hết sức bí ẩn nằm ở tháp trung tâm.
Nói về Bayon, nhà thơ Chế Lan Viên, người đã hóa thân vào ngôi tháp Chàm khóc cho một vương quốc trong “Điêu tàn” năm 16 tuổi, khi đến đây vào năm 70 tuổi ông lại hóa thân thành tháp Angkor và khóc cho mình:
"Anh là tháp Bayon bốn mặt,
Giấu đi ba còn lại đấy là anh.
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc,
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình"
(Tháp Bayon bốn mặt - Chế Lan Viên, mùa bệnh 1998)
Và còn nhiều bài viết cùng lời hay ý đẹp về Bayon như sau:
"Buổi lễ đăng quang của vua Jayaraman VII tổ chức năm 1181, bốn năm sau ngày thất thủ kinh đô, kinh thành Yaxodarapura giống như một cô thiếu nữ hiền hậu, xứng đôi vừa lứa với người yêu của mình, nhiệt tình và say đắm, được trang trí bằng một toà lâu đài dát vàng ngọc với những dãy thành quách bao bọc như một dãi lụa che thân: cô thiếu nữ đó được nhà vua cưới để tạo ra hạnh phúc cho muôn loài trong một buổi lễ huy hoàng, dưới đài vinh quang sáng chói ".
(Bản văn bia ghi lại lễ đăng quang của nhà vua)
"... hết sức ấn tượng và lãng mạn. Du khách thường bị 
ám ảnh bởi những cảm xúc ghê rợn."
- Lời của Henri Parmentier về đền Bayon, người đã dành 
hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình cho việc tái xây Angkor

"Máu tôi như đông lại... Tôi thấy như mình bị quan sát 
từ mọi phía."- Lời nhận xét của Pierre Loti về đền Bayon
"... Đặc biệt vào những đêm trăng, ta có cảm tưởng như đang 
viếng một ngôi đền thuộc một thế giới khác... Ta cảm giác 
như mình đang sống trở lại với một thời đại của những 
chuyện thần tiên, lúc mà thần Indra xây dựng một đền thờ
dành cho đám cưới của con trai mình lấy con gái 
của vua rắn Nagas nhiều đầu".
(Henri Marshall, người quản thủ khu Angkor, 
viết trong cuốn Cẩm nang Khảo cổ về các đền ở Angkor)
... Và đằng xa kia, dưới bóng cây thốt nốt, hình ảnh con ngựa già đứng lặng thinh giữa nắng trưa hướng về phía ngôi đền cổ đổ nát như đang trầm mặc về một thời huy hoàng trong quá khứ của một đế chế đã làm tôi không khỏi ngậm ngùi...
Viết theo nhiều tài liệu tổng hợp từ nguồn Wikipedia.
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

NGUYỄN DIỆU TÂM
Theo http://ngdieutam.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Không gian văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ Trong thơ Bùi Minh Vũ, không gian văn hóa Tây Nguyên được định hình bằng những tên s...