Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Mùa hè và hoa phượng đỏ

Mùa hè và hoa phượng đỏ
“Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!…”
Đó là 4 câu thơ đầu trong bài thơ nổi tiếng “Nghỉ hè” của nhà thơ Đất Quảng Xuân Tâm, mà đã gần sáu chục năm qua, từ khi đang học lớp Nhì (4) trường làng tôi đã nghe và vẫn còn nhớ mãi cho đến hôm nay. Đó có lẽ là một thứ  tình cảm thật của tuổi học trò thời niên thiếu mà chắc hẳn ai cũng đã trải qua. Vì dẫu có siêng năng, có chăm chỉ bao nhiêu mà bất ngờ được nghỉ học thì vẫn nhảy tưng lên!. Nói ra thì đáng tội, chứ có khi cũng thầm “vái cho thầy khó ở” để được nghỉ học, dù chỉ một hai hôm! Huống chi lại được nghỉ những ba tháng hè.
Đồng cảm với Xuân Tâm, Hoàng Vân cũng thể hiện cảm xúc của mình qua bài hát “Mùa hoa phượng nở”:  
“Tu hú kêu tu hú kêu
Hoa gạo đỏ hoa phượng nở đầy ước mơ hy vọng…”
“Ve ve ve hè về.
Vui vui vui hè về.
Cây xanh xanh rợp bóng ven đường”.

Nhưng rồi lại nghe đâu đó âm vang từ bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn, với những ngôn từ Nam bộ bình dị mà tha thiết biết bao:
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách, hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi…”

Thế hệ của Đỗ Trung Quân cũng đã tiếc nuối một mùa hè đi qua trong bài “Phượng hồng” đã được Vũ Hoàng phổ thành nhạc: 
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”

Và Nhất Tuấn, khi nhớ về mùa hoa phượng nở ngày xưa cũng đã “rưng rưng” dưới tàng phượng đỏ của hôm nay:
“Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa…”
“Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ…”

Và còn nhiều nữa, nhiều nữa những bài thơ, những khúc nhạc nói về mùa hè, về hoa phương đỏ mà không thể liệt kê hết. Quả thật cảm xúc về mùa hè, về hoa phượng đỏ của tuổi học trò, thời niên thiếu, đặc biệt ở cái tuổi mới “biết buồn”, thật phong phú, đa dạng và đa sắc màu. Cũng là màu hoa đỏ như nhau, nhưng có lúc thì huy hoàng, rực rỡ (mùa hè rực rỡ), “rừng rực cháy trên cành” (Hoa phượng đỏ - Nguyễn Quang Minh), đỏ rợp trời (Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ - Thành phố hoa phượng đỏ - Lương Vĩnh), có lúc lại rưng rưng, có lúc lại ngẩn ngơ (Cánh phượng hồng ngẩn ngơ - Đỗ Trung Quân - Phượng hồng)), cũng có lúc thắm đỏ nhưng là “thắm như máu con tim” (Thanh Sơn - Nỗi buồn hoa phượng).
Rõ ràng đối với quảng đời học sinh thì mùa hè và hoa phượng đỏ là hình ảnh thật rõ nét, ấn tượng, thật thân quen và đầy ắp kỷ niệm. Hoa phượng đỏ bắt đầu nở vào đầu hè, là thời điểm sắp kết thúc niên học và tàn rụng vào gần cuối thu, là thời điểm bắt đầu một năm học mới. Kết thúc năm học cũng có thể sẽ lại gặp nhau trong năm học mới, cũng có thể là không hoặc không bao giờ gặp nữa. Và tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Còn mở đầu một năm học mới, trong cái lạ lùng của không gian mùa Thu, thầy cô và bạn bè mới, làm sao mà không tiếc nuối cho những gì đã qua? Một mối tình đầu chẳng hạn:
“Và mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…”
Trong “Sắc hoa màu nhớ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã viết mấy câu:
“Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi
Xác tươi màu pháo vui tiễn em chiều năm ấy...
                                   
Đúng là xác hoa phượng đỏ khi rơi đầy trên sân trông chẳng khác gì xác pháo, xác pháo tươi màu tiễn một người lên xe hoa chiều năm xưa. Nhưng hoa phượng đỏ khi đã tàn rơi thì cũng rách nát chẳng khác gì xác pháo dưới chân, tan tác như cõi lòng của người nhạc sĩ!.
Điều thường thấy là vào thời điểm mà hoa phượng nở rộ, bao phủ một màu đỏ rực trên sân trường lại chính là lúc không gian nơi đây hoàn toàn trống trải vắng lặng, cái vắng lặng, đìu hiu như vừa lưu luyến vừa đợi chờ… Hình ảnh tương phản ấy đã khiến cho hoa phượng không dưng lại mang hai ý nghĩa vui buồn đối lập nhau như đã thấy ở trên.
Ngày nay, hoa phượng vẫn nở, mùa hè vẫn đến, nhưng thế hệ học trò hôm nay, tình cảm dành cho hoa phượng có thể đã phần nào khác đi. Các em hẳn còn phải vùi đầu vào sách vở, kể cả ba tháng hè phải học thêm, bên cạnh những áp lực của các kỳ thi cuối cấp và vào đại học... Sân trường mùa hè cũng không còn vắng lặng như xưa, nhất là nơi phố thị, và ở nhiều sân trường những cây bàng bóng mát tàng xinh có thể đã thay thế dần phượng đỏ. Cảnh chia tay nhau  ngày xưa ở “trường tỉnh” trước lúc về quê  với những háo hức của Xuân Tâm hẳn cũng không còn:           
“Chờ hôm nay sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ
Trong phút chốc sách bài là giấy cũ
Nhớ làm chi thầy me đợi em trông                                                       
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông…”
Mùa Hè với hoa phượng đỏ, cũng như mùa Xuân với mai vàng, đào thắm và mùa Thu với lá vàng, tất cả những biểu hiện của thiên nhiên ấy đều điểm tô cho cuộc sống của con người những sắc màu đầy cảm xúc. Mỗi người có thể thấy được sắc màu ấy qua lăng kính của đôi mắt mình. Nâng một chùm hoa phượng vĩ trong tay, cũng là màu đỏ thắm ấy nhưng bạn vui hay buồn là từ chính bạn. Chùm phượng vĩ vẫn cứ vô tình và vô tội. Phải không?. 
LỘC NGUYỄN
Theo http://www.donghuongphongdien.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...