Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Cảm nhận về bài thơ "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư

Cảm nhận về bài thơ 
"Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư
1. Mùa thu thường gợi cho thi nhân những tứ thơ tuyệt diệu, Đỗ Phủ, Victor Hugo, Lamartine... - Ở Việt Nam ta là Mùa thu của nữ sĩ Ngô Chi Lan (trong Vịnh bốn mùa) đến 3 bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến rồi Cảm thu tiễn thu của Tản Đà. Với Thơ mới thì trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cũng đã giới thiệu tới 9 bài thơ về mùa thu của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nam Trân...
Về tiếng mùa thu thì có Thu thanh phú của Âu Dương Tu ở Trung Quốc, rồi Chanson d' automne của Verlaine, Chant d 'automne của Baudelaire ở Pháp... và ở Việt Nam ta là bài thơ đặc sắc của Lưu Trọng Lư. Thơ hay dễ được đồng tình nhưng không dễ cảm nhận, qua bài này chúng tôi muốn tìm hiểu xem bài "Tiếng thu" có những điểm đặc biệt gì mà hấp dẫn ta, y như có một ma lực nào đó vậy.
2. HÌNH THỨC CỦA BÀI THƠ.
2.1. Mở đầu xin được nói về hình thức của bài thơ: Thể thơ bình dị và dân tộc. Thơ 5 chữ của ta trong bước mở đầu của Phong trào Thơ mới ở đây đã được vân dụng thật linh hoạt đa dạng chứ không phải thể Ngũ ngôn Đường luật trong đó thường cách một câu lại phải hợp vần theo luật của thể thơ này (trong “Tiếng thu” thì hai câu mở đầu khổ I và III có đến 10 chữ toàn vần bằng và tất cả 9 câu đều có vần).
2.2. Khổ thơ vừa rất mới lại hiện đại, vừa lạ lẫm, cho đến nay ít có bài thơ nào như thế: bài thơ gồm 9 câu chia làm 3 khổ (mở đầu là 2 câu, khổ giữa có 3 câu và khổ cuối 4 câu) với 10 chữ, 15 chữ và 20 chữ. Số câu chữ tăng dần theo nội dung để đưa cảm xúc lên cao trào ở khổ cuối.
2.3. Bài thơ có 9 câu với 45 chữ nhưng ở ba câu đầu của mỗi khổ lại được lặp lại và phát triển cả về hình thức lẫn nội dung:
Em không nghe mùa thu...
Em không nghe rạo rực...
Em không nghe rừng thu...
Thế là cả bài thơ chỉ còn 45 - 6 - 3 thành ra có 36 chữ khác nhau. Kiệm lời mà nhiều ý chính là một đặc trưng của nghệ thuật thơ ca.
2.4. Cũng về mặt hình thức, ba khổ thơ ở đây lại là 3 câu hỏi với 3 dấu hỏi ở cuối. Tiếng thu là những tiếng gì? Đọc lại cả ba khổ thì thấy tiếng thu ở đây lần lượt được tác giả đưa ra 3 thứ tiếng điển hình của mùa thu bằng 3 từ láy tu từ: cái thổn thức của mùa thu dưới trăng mờ, cái rạo rực của hình ảnh người chinh phu trong lòng người cô phụ và tiếng xào xạc của lá rừng. Mà cũng không phải chỉ là sự tập hợp đơn thuần của ba thứ tiếng ấy, tác giả chỉ gợi cho chúng ta một cách linh hoạt và đa dạng những thứ tiếng ấy trong hướng tiếp cận đa chiều:
- Từ thiên nhiên của mùa thu dưới ánh trăng mờ đến người cô phụ tức là từ xa đến gần.
- Từ cái thổn thức mơ hồ, rạo rực trừu tượng đến tiếng xào xạc cụ thể của lá vàng do bước chân nai tạo nên.
- Từ cảnh (trăng mờ mùa thu) đến con người (cô phụ) rồi đến vật (con nai vàng, lá rừng).
- Từ thời gian, không gian của cảnh đến tình qua hình ảnh người chinh phu trong lòng người cô phụ, từ âm thanh (xào xạc) đến màu sắc (con nai vàng, lá vàng), từ cái toàn thể đến cái cá thể...
Từ xa đến gần - trừu tượng đến cụ thể - cảnh, người, vật - cảnh, tình - âm thanh, màu sắc - toàn thể đến cá thể.
3. NỘI DUNG BÀI THƠ QUA BA ĐOẠN.
3.1.1. Trước hết ta xét bài thơ với đoạn I:
Em không nghe mùa thu
Câu thứ nhất mở đầu bài thơ chỉ toàn vần bằng cho ta một cảm giác lâng lâng nhè nhẹ để tiếp theo là:
Dưới trăng mờ thổn thức?
Thổn thức là ở trạng thái có những tình cảm xúc động kéo dài không dứt, làm xao xuyến không yên. Em không nghe thấy sao mùa thu thổn thức dưới trăng mờ? Mùa thu đang từ một khái niệm đã được nhân cách hóa để như có hồn người, mùa thu thổn thức phải chăng là từ những chiếc lá lìa cành hay những chùm hoa rũ cánh. Trăng mùa thu thường sáng đẹp nhất là vào những đêm rằm nhưng Lưu Trọng Lư qua cảm quan nghệ thuật của mình lại đưa chúng ta đến với những đêm trăng mờ của mùa thu. Trăng mờ lại cũng có vần tương tự vớimùa thu làm cho khổ thơ đầu có thêm một vần lưng, chữ mờ vừa trầm lại có một chỗ tạm ngưng sau 7 chữ vần bằng để đến với hai chữ vần trắc với âm tắc thổn thức làm cho nỗi buồn nhè nhẹ lan tỏa ra cả 2 câu thơ. Mùa thu và trăng mờ là những hình ảnh còn mơ hồ về thời gian và không gian đã được khéo léo đưa vào tiềm thức của ta.
3.1.2. Bao trùm lên khổ thơ đầu là cái mênh mang, sâu lắng, vô định của cảnh và hồn người hội tụ lại trong một từ láy thổn thức, nghe như có cái gì nghẹn ngào nhưng không thể trào ra thành nước mắt mà lặn vào trong tim, vậy mà vẫn bật lên thành tiếng - tiếng của mùa thu, tiếng lòng của nhà thơ đang khao khát được giao hòa.
3.1.3. Cụm từ Em không nghe được lặp lại như một điệp khúc trước mỗi đoạn nên ta hãy thử xem cụm từ Em không nghe nên hiểu như thế nào?
Em không nghe thấy hay sao?
Hay Những gì anh nghe thấy, em không nghe thấy chăng?
Em có nghe thấy không?
Em nghe đấy nhưng có nghe thấy không?
Hay Em không nghe còn anh thì nghe thấy hết, nghe thấy hết mà không nói ra được...
Em ở đây là ai? Một thiếu nữ mơ màng như trong bài Thơ sầu rụng của cùng tác giả hay hình ảnh nào trong tiềm thức của thi nhân. Cũng không phải là Em nghe không mùa thu hay Em có nghe mùa thu mà là Em không nghe mùa thu. Với sắc thái nào đây? Phủ định, khẳng định hay nghi vấn? Một câu hỏi giả danh vừa âu yếm vừa khích lệ! Thật dễ hiểu mà cũng thật là khó nắm bắt, nghe ở đây không chỉ là tiếp nhận âm thanh bằng thính giác mà là sự đón nhận bằng mọi giác quan, bằng những rung động sâu xa nhất của tâm hồn tất cả âm thanh, màu sắc, dáng vẻ của đất trời mùa thu.
Ba lần hỏi Em là ba lần có Ta (hay Anh) ẩn trong đôi bạn tình thu vừa hiện hữu, vừa hư ảo làm cho bài thơ vang lên một ý vị trữ tình.
3.2. Nếu đoạn I chỉ có 2 câu thì sang đoạn II tác giả phát triển đến 3 câu:
Em không nghe/ rạo rực
vẫn là tiết tấu 3-2 như hai câu mở đầu lại dùng vần trắc với âm tắc bằng từ láy thổn thức - rạo rực để chuyển sang hai câu sau với tiết tấu ngược lại 2-3:
Hình ảnh/ kẻ chinh phu
Trong lòng/ người cô phụ?
Hai câu thơ này nếu đọc lên bình thường tiếp nhau thì: Nghe như một câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông nhưng đưa vào làm cho bài thơ hay đến lạ lùng không còn dấu vết thô vụng đâu nữa. Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ xảy ra có một lần (Trần Đăng Khoa). Em không nghe thấy chăngTrong lòng người cô phụ đang rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu. Đoạn I, từ cảm nhận hình ảnh mùa thu được chuyển sang đoạn II với cảm xúc chinh phu - cô phụ trong Văn học Trung đại nhưng đã được tác giả diễn tả bằng một từ láy có hai vần trắc rạo rực rất mới và cụ thể làm cho khổ thơ vừa mang phong vị cổ điển lại vẫn hiện đại, bởi rạo rực trong nỗi lòng người vợ nhớ thương chồng đi chinh chiến nơi xa thời nào chả có. Rạo rựclà ở trạng thái có những cảm xúc, tình cảm làm xao xuyến trong lòng như có cái gì thôi thúc không yên, như thúc đẩy giục giã. Cái mơ hồ vô định ở khổ đầu dồn tụ lại thành cái rạo rực trừu tượng của Hình ảnh kẻ chinh phu... nhưng tác giả lại dùng phép đảo từ đưa rạo rực lên trước đặt vào cuối câu để tăng thêm độ sâu thẳm của nỗi buồn. Vẫn không khí thực mộng giao hòa bởi cái rạo rực kia đâu phải chỉ là của tác giả mà là của nhân vật trữ tình là Em trong tưởng tượng của thi nhân.
3.3.1. Từ đoạn I - 2 câu, đoạn II - 3 câu đến đoạn III phát triển thành 4 câu:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Em không nghe thấy chăng tiếng lá thu kêu xào xạc trong rừng thu? Xào xạc hay xạc xào (nhẹ hơn) là từ láy tượng thanh mô phỏng tiếng lá cây lay động hay va chạm nhẹ vào nhau, không phải Lá thu reo hay Lá thu rơi mà là động từ kêu với ý nghĩa trung hòa về tu từ, nguyên nhân tiếng xào xạc là do: Con nai vàng ngơ ngác- Đạp trên lá vàng khô. Và chắc là ở đây chỉ có một con nai vàng lẻ loi trong rừng thu vắng. Ngơ ngác là ở trạng thái không định thần được trước cảnh vật quá xa lạ hoặc sự việc diễn biến quá bất ngờ. Ở đoạn III tiết tấu trong ba câu trước đều là 3-2 để kết thúc bằng tiết tấu 1-4 mở đầu bằng chữ trắc Đạp với ngữ khí mạnh rất tượng hình để sau một chút ngừng nhỏ trước khi bâng khuâng nhẹ nhàng kết thúc bằng 4 chữ vần bằng trên lá vàng khô. Đạp với ngữ khí mạnh như nhịp “chỏi”, tiếng “chát” trong “tom tom tom, chát” của tiếng trống cầm chầu trong thú Hát ả đào xưa.
3.3.2. Nếu để ý thì ta thấy từ đoạn I không gian - thời gian của cảnh để gợi lên ở đoạn II không gian - thời gian của tình nay sang đoạn III lại trở về với không gian - thời gian của cảnh - cảnh và tình như hội tụ lại ở đây trong ba câu hỏi Em không nghe...?
Cấu tạo 3 đoạn với điệp khúc Em không nghe của bài thơ cho ta thấy từ trăng mờ hình ảnh kẻ chinh phu ở trạng thái tĩnh sang con nai vàng chạy trong rừng thu đạp trên lá vàng ở trạng thái động - cảm xúc tăng dần từ thổn thức, rạo rực đến ngơ ngác, từ xao động bên trong đến chuyển động bên ngoài, từ âm thanh đến màu sắc. Với màu vàng trong con nai vàng và lá vàng, Trần Đình Sử nhận xét ở đây là bức tranh đồng màu nhưng không đồng cảm (Em không nghe... nặng ý phủ định).
3.3.3. Thổn thức, rạo rực vẫn chưa phải là âm thanh, những tiếng chỉ nhận được bằng linh cảm, những trạng thái nội tâm thầm kín mà ta chỉ có thể nghe được bằng chính tâm hồn mình, đó mới chỉ là cái nền mà xào xạc mới là âm nổi có thể nghe được một cách trực tiếp. Nỗi xôn xao của lòng người hòa với nỗi xôn xao của đất trời thành bản hòa âm mơ hồ của tiếng xào xạc của lá rừng. Qua sự tăng dần một dòng thơ vào mỗi khổ (2-3-4), ta cảm nhận được độ dồn nén cùng sự trải rộng của âm hưởng mùa thu với cách trình bày độc đáo của nhà thơ. Và tiếng xào xạc ấy cũng chỉ để làm bật lên vẻ tĩnh lặng của rừng thu. Dùng âm thanh để diễn tả sự tĩnh lặng là nét tài hoa trong nghệ thuật mà Lưu Trọng Lư đã kế thừa một cách sáng tạo ở thơ ca cổ điển, bởi người xưa xem Tĩnh là gốc của Động và có cả một triết lý về chữ Tĩnh. Những cảm nhận tuyệt vời về mùa thu với 3 từ láy tu từ của Lưu đã đến với ta qua vài nét chấm phá nhưng buồn vời vợi mà trong trẻo và đẹp đến lạ lùng.
4. NHẠC ĐIỆU QUA CẤU TRÚC CỦA BÀI THƠ
4.1. Sự thành công của Lưu Trọng Lư phần rất quan trọng là ở nhạc điệu, chính nhạc điệu đã làm nên cái hồn của bài thơ. Nó làm ta liên tưởng đến bài Chanson d' automne của Verlaine nhưng đậm đà tính cách Việt Nam. Nhạc của “Tiếng thu” trước hết là nhạc của ngôn từ, của các cấu trúc ngôn từ thơ, nó tạo nên chất thơ, chất thơ của sự hài hòa, cái đẹp của sự hài hòa, sự hài hòa của âm thanh, màu sắc, của từ ngữ, của những cấu trúc sóng đôi, của kết cấu bài thơ, tất cả tạo thành một bản nhạc mơ hồ rung động và bí ẩn như một huyền thoại (Đỗ Đức Hiểu).
4.2. Bài thơ tạo một niềm bâng khuâng, một nỗi buồn vô cớ nên ta hãy xét đến âm hưởng của nó như qua Bảng tiết tấu ở phần đầu của bài này:
- Toàn bài có 45 âm tiết thì 32 âm bằng chỉ có 13 âm trắc, không có gì đặc biệt.
- Xem Bảng tiết tấu ở trên - cột 2 - thì thấy bài thơ có 9 câu 45 chữ chia làm 3 khổ với 8 chỗ ngắt nhịp giữa câu đối xứng ở 8 câu đầu như ở dòng thứ nhất và câu cuối ở dòng sau:
Sáu câu theo nhịp 3-2 ôm lấy 2 câu theo nhịp 2-3 liền nhau Hình ảnh/ kẻ chinh phu - Trong lòng/ người cô phụ, còn câu cuối kết thúc với tiết tấu đặc biệt 1-4 Đạp/ trên lá vàng khô?
- Những âm trắc cũng rất đặc biệt: 4 từ láy trong bài đều vần trắc với âm tắc ở cuối (thổn thức, rạo rực, xào xạc, ngơ ngác), mà không có một từ láy vần bằng nào.
4.3.1. Xét về vần ở đây cũng có điều lạ. Thơ Việt Nam thường nhiều vần bằng hơn vần trắc do đặc điểm của ngôn ngữ tiếng Việt mà riêng thơ lục bát lại chỉ có toàn vần bằng, nên bài thơ nào mang sắc thái buồn lại càng ít vần trắc. Nhưng bài “Tiếng thu” đặc biệt ở chỗ 9 câu đều có vần - tuy vần trắc nhiều hơn vần bằng (tới 5 vần trắc lại chỉ có 4 vần bằng) mà lại vẫn mênh mang một nỗi buồn khôn tả.
4.3.2. Xét kỹ về vần thì ở đây cả 9 chữ cuối đều có vần trong đó có 4 chữ vần bằng và một chữ vần trắc cùng một vần u-ơ-ô ở 3 câu giữa (chinh phu, cô phụ, rừng thu) và 2 câu đầu và cuối (mùa thu, vàng khô), ôm lấy 4 câu cùng thuộc vần trắc ở câu 2-3 (thổn thức, rạo rực) và ở câu 7-8 (xào xạc, ngơ ngác). Xem Bảng vần ở phần đầu bài này - cột 3 - chữ cuối của chín câu - chúng cũng đối xứng qua tâm ở câu thứ năm (ụ):
Lại còn những chữ có vần phụ - cột 4 - như mùa thu ở cuối câu đầu với trăng mờ ở giữa câu thứ hai, rừng thu cuối câu thứ sáu với Lá thu ở giữa câu thứ bảy. Trong bài thơ về mùa thu này có tới 7 chữ cùng vần u-ơ-ô (không kể những chữ cô phụ và ngơ ngác).
4.3.3. Năm vần trắc gồm 4 từ láy có vần trắc: thổn thức, rạo rực nối khổ I và II, xào xạc, ngơ ngác trong khổ thơ thứ III, còn khổ II và khổ III lại được kết nối bằng một từ có vần trắc (cô phụ) ăn với vần bằng (rừng thu), vần điệu ở đây vừa phong phú vừa nhất quán (Cả bài thơ 9 vần mà chỉ có 1 vần bằng u-ơ-ô và 1 vần trắc gần âm ức-ác).
4.4.1. Để cho những yếu tố của âm thanh, màu sắc, cảm xúc tương hợp với nhau, thời gian ngưng đọng cho quá khứ vọng về, Lưu Trọng Lư đã đem đến cho chúng ta một bức tranh thu hòa hợp giữa cảnh và người. Thật ra ông chỉ viết những dòng thơ trên với cái mẫn cảm nghệ thuật của một thi sĩ trong những giây phút xuất thần hết sức hiếm hoi của cuộc đời mà đâu có tính đếm tỉ mỉ như chúng tôi đã làm ở trên, nhưng cái cốt của hồn thơ chính là ở đó. Qua cấu trúc của thi phẩm, ta thấy hồn thơ Lưu Trọng Lư lần này đã cất cánh trên giai điệu chứa chan nhạc tính của thần thơ thành bản giao hưởng vô định của trời thu tĩnh lặng trong nỗi niềm xôn xao huyền diệu.
4.4.2. Đỗ Đức Hiểu lại nêu một cách chia thứ hai: 7 câu đầu thành một đoạn rồi đến 2 câu cuối kết lại và nhận xét: như trên nền một bản nhạc êm ả, một bức họa ảo mờ nổi lên một nốt nhạc mạnh, một nét vàng tô đậm con nai vàng ngơ ngác một mặt sóng đôi với xào xạc, là âm vang liên kết với toàn thể 7 câu thơ trên, mặt khác tạo một ý nghĩa mới - tình cảm hoảng hốt và cô đơn - có thể hiểu con nai vàng ngơ ngác ấy là hình ảnh của nhà thơ trong cuộc đời - một quan niệm quen thuộc của thơ lãng mạn, nhà thơ cô đơn, lạc lõng trong cuộc đời trần tục... hoặc hiểu rộng hơn, con người với thân phận đau khổ của nó, đó là tư duy triết lý của “Tiếng thu”.
4.4.3. Theo Chu Văn Sơn: Tiếng thu không phải là một âm thanh riêng rẽ nào, cũng không phải là một tập hợp giản đơn nôm na của nỗi thổn thức trong đất trời, nỗi rạo rực trong lòng người và tiếng xào xạc của lá rừng. Tiếng thu là một điệu huyền. Tiếng thu là một bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang họa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân.
4.4.4. Trần Đăng Khoa thì cho rằng: Cái hay của bài thơ này không nằm ở câu chữ, nó hoàn toàn siêu thoát, như cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chữ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy được chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi.
5. KẾT LUẬN
5.1. Như vậy Tiếng thu ở đây được gợi lên từ ba thứ tiếng: cái thổn thức mơ hồ của đất trời, cái rạo rực trừu tượng trong lòng người chinh phụ đến tiếng xào xạc cụ thể của lá rừng dưới bước chân nai. Bài thơ là 3 câu hỏi trùng điệp, phối hợp với nhau tạo nhạc tính cho toàn bài - trừ câu cuối - còn cả bài là một điệp khúc đều đều không có đột biến, không xáo trộn mạnh để tạo nên một giai điệu trầm buồn lan tỏa. Hình ảnh người cô phụ ở đoạn II mới là một ẩn dụ thì con nai vàng ngơ ngác ở đoạn III nay đã trở thành biểu tượng của mùa thu. Hoài Thanh đã viết: “... Cả đời Lư cũng là một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết. Giá một ngày kia Lư có nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết ta cũng không nên ngạc nhiên một tí nào”. Và cả sau này nữa cho đến lúc về già, cuộc đời thực của Lưu Trọng Lư cũng vẫn luôn là hình ảnh con nai vàng ngơ ngác của ông.
5.2. Thơ văn xưa thường hay mượn tình gửi ý nhưng bài “Tiếng thu” thì tình đã lấn ý mà nhạc điệu lại đầy ma lực như muốn cuốn hút tâm hồn ta, nó đã truyền đến chúng ta cái cảm giác bâng khuâng man mác thật tinh tế. Bài thơ qua âm thanh, màu sắc đã vẽ lên được cái thần của mùa thu, cái hồn của trời thu. Tất nhiên mỗi người một ý, nhưng nếu phải chọn bài thơ tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam, tôi muốn chọn bài “Tiếng thu” vì hàng chục điểm nổi bật sau đây mà ít bài có đủ:
- Cả bài trọn vẹn, ít lời nhiều ý thực chất chỉ là 3 câu hỏi
- Vừa hiện đại lại vừa mang phong vị cổ điển
- Chữ lặp lại nhiều mà vẫn hài hòa như trong một bản hòa âm của ngôn từ
- Mang đến một hình ảnh mới lạ và độc đáo trong văn chương (Con nai vàng ngơ ngác)
- Thể thơ bình dị, khổ thơ mới lạ trong phân đoạn
- Hình ảnh cũng như cảnh tình vừa thực lại vừa hư, tiếng của mùa thu không phải ai cũng có thể và có điều kiện nhận ra, nhất là trong cuộc đời vốn thời nào cũng đầy lo toan vất vả.
- Bài thơ nghe đơn giản, rất bình dị mà không dễ cảm nhận
- Mở đầu cho một phong trào thơ - Phong trào Thơ mới...
- Nêu được vấn đề chung của toàn nhân loại
- Cũng là vấn đề chung của muôn đời tức là vượt qua được cả thời gian và không gian.
“Tiếng thu” đã được phổ nhạc từ 19451 và mới đây lại được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chuyển thành ca khúc giới thiệu trên truyền hình qua giọng hát Tuấn Phong. Chỉ một bài thơ như vậy cũng đủ làm nên nhà thơ. Tiếng thu không chỉ nghe bằng thính giác hoặc cao hơn thưởng thức bằng tổng hòa của các giác quan mà phải được ta cảm nhận bằng sự thăng hoa của tâm hồn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Hoài Thanh - Hoài Chân, 1988, Lưu Trọng Lư trong Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Tr 285
Trần Đăng Khoa,1989, Lưu Trọng Lư với bài thơ Tiếng thu trong Chân dung và đối thoại, NXB Thanh Niên, Tr 56
Đỗ Đức Hiểu, 1992, Tiếng thu - Thơ nhạc của Lưu Trọng Lư - Tạp chí Văn học số 1-1992
Trần Đình Sử, 1995, Tiếng thu - một tâm hồn cô đơn trong Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giáo dục, Tr 225
Chu Văn Sơn..., 1998, Tiếng thu trong Tinh hoa thơ mới – thẩm bình và suy ngẫm, NXB Giáo dục, Tr 27
SUMMARY:
SOME FEELINGS ABOUT TIẾNG THU (THE AUTUMN SOUD)
POETRY OF LƯU TRỌNG LƯ
PHẠM ĐAN QUẾ
Tiếng thu (The autumn soud) has special feathers in formal structure – style and canto of poetry. The poetry is acquired through each canto: from tranquil to boisterrous state – the feeling increases little by little from interior agitate to exterior movement – from the sound to the colour – from the nature to human beings, and then the yellow deer and autumn leaves... Tiếng thu, here, is risen from three kinds of voices: the vague sob of heaven and earth, the abstract excitement forest leaves beneath dear footsteps. The symmetrical composition and the abundant verse make Tiếng thu to be full of musical character and successful in the way which other poetries could not have. Poetic inspiration of Lưu Trọng Lư which flies on entrancement melody becomes a infinite symphony of peaceful autumn’s sky in a agitational marvellous sentiment.
(TÓM TẮT NỘI DUNG: “Tiếng thu” có những nét đặc biệt trong cấu trúc hình thức - thể thơ và khổ thơ. Bài thơ được cảm nhận qua từng khổ: Từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động - cảm xúc tăng dần từ xao động bên trong đến chuyển động bên ngoài - từ âm thanh đến màu sắc - từ thiên nhiên đến con người rồi con nai vàng và những chiếc lá thu... Tiếng thu ở đây được gợi lên từ ba thứ tiếng: cái thổn thức mơ hồ của đất trời, cái rạo rực trừu tượng trong lòng người chinh phụ đến tiếng xào xạc cụ thể của lá rừng dưới bước chân nai. Kết cấu đối xứng và phong phú về vần thơ và tiết tấu làm cho “Tiếng thu” đầy nhạc tính và thành công ở nhiều điểm mà ít bài thơ có được. Hồn thơ Lưu Trọng Lư cất cánh trên giai điệu của thần thơ thành bản giao hưởng vô định của trời thu tĩnh lặng trong nỗi niềm xôn xao huyền diệu). 
(Bài đã đăng trên Tập san Khoa học Xã hội và Nhân văn
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh
số 25-2003 các trang từ 83 đến 88)
1. Thời tiền chiến thì có Võ Đức Thu, Lê Thương, nay có Phan Huỳnh Điểu, Hữu Xuân và Hoàng Phúc Thắng.
PHẠM ĐAN QUẾ
Theo  http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...